trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: 50 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
7.5.2004
Đặng Tiến
Ðiện Biên - Nhớ lại từ nước ngoài
 
Hiện nay tại Việt Nam và Pháp, sách báo và các cơ quan truyền thông đang nhắc nhở nhiều đến trận đánh Ðiện Biên Phủ, kết thúc cách đây đúng 50 năm: ngày 7.5.1954, sau 56 ngày đêm ác chiến.

Công chúng thường nghe: trận Ðiện Biên Phủ chấm dứt chiến tranh Ðông Dương. Ðây là cách nói tượng trưng và tổng quát, không chính xác.

Trận Ðiện Biên không kết liễu chiến tranh. Bằng cớ là hai bên tham chiến, Pháp và Việt Nam còn đánh nhau ác liệt non ba tháng sau, và còn khả năng đánh nhau lâu hơn; Pháp mỗi ngày một yếu thế, nhưng trên toàn bộ chiến cuộc Ðông Dương, sẽ không thua ngay. Tuy nhiên, trận Ðiện Biên đã tác động mạnh đến hòa hội Genève, bắt đầu ngay hôm sau đó, và đưa đến hiệp định đình chiến ngày 20.7.1954. Như vậy, hòa hội đã thành công trong việc chấm dứt chiến tranh, trong không khí hòa hoãn đang ngự trị trên thế giới lúc đó, giữa các cường quốc đồng thuận "chung sống hòa bình". Ngược lại, cũng không thể loại trừ khả năng là cuộc đàm phán thất bại, chiến tranh tiếp tục và biến dạng, chuốc lấy một chiều hướng và chiều kích khác: trong giả thieát này, trận Ðiện Biên Phủ sẽ không kết thúc chiến tranh.

Năm mươi năm sau, đọc lại sử liệu, các tư liệu ngoại giao, hồi ký và chứng từ chúng ta có thể có cái nhìn uyển chuyển hơn.

Ðiện Biên Phủ là một sự cố quân sự và chính trị, có tác dụng lịch sử khách quan, không cần gì phải bàn đi bàn lại. Ðối với Quân Ðội Nhân Dân, đó là toàn thắng nhưng trong toàn bộ chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước, nó là một chiến công dang dở, vì chỉ đưa đến một nền hòa bình khập khiễng, chia đôi đất nước, dẫn đến một chiến cuộc khác, gian lao hơn về mặt vật chất, tổn thương hơn về mặt tinh thần. Một chi tiết đáng lưu ý: cho đến 1975, Ðiện Biên Phủ chỉ là một thị trấn nhỏ với 3.000 dân, xa xôi, hẻo lánh: từ Hà Nội đi bốn năm ngày đường mới đến. Và ngày nay, là một trung tâm du lịch với 70.000 dân, có sân bay, đường sá hiện đại... Nói khác đi, ví von một chút, thì phải đợi đến ngày thống nhất đất nước, hai mươi năm sau, thì Ðiện Biên mới hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của nó.

*


Tùy cảm quan từng người, Việt cũng như Pháp, hai chữ Ðiện Biên gây những âm vang khác nhau. Người Việt có thể có nhiều cảm giác: với người kháng chiến chống Pháp, đây là niềm kiêu hãnh, "lừng lẫy Ðiện Biên, chấn động địa cầu"; và năm nay, họ kỷ niệm rộn ràng, là điều dễ hiểu - và nhà nước thừa cơ hội đẩy mạnh du lịch, tổ chức năm du lịch Ðiện Biên, lại càng dễ hiểu hơn.

Ðối với người Việt bàng quan, không có công trạng hay thành tích gì, đó cũng là niềm tự hào, vì đồng bào mình đánh bại một đạo quân xâm lược hùng mạnh, đã tấn công và đô hộ mình suốt một trăm năm - kể từ ngày nổ súng vào Ðà Nẵng.

Cuối cùng có người Việt ham lịch sử quân sự, xem Ðiện Biên Phủ như chuyện Xích Bích thời Tam Quốc, hay trận nọ trận kia thời Ðông Chu, Tây Hán, và với họ trận chiến Tây Bắc 1954 không phải là không hấp dẫn.

Về phía dư luận người Pháp, phản ứng cũng phức tạp và lắm khi đáng phục. Họ có thành ngữ "gloire aux vainqueurs, honneur aux vaincus" mà nhà thơ di tản Cao Tần đã diễn ca đại khái "thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng". Ngay khi chiến trận đang tơi tả, thì những tướng tá de Castries, Langlais, Bigeard... đã xuất hiện như những người hùng bi tráng. Hình ảnh đại tá Piroth, chỉ huy pháo binh, cụt một tay, tay kia cầm lựu đạn, cắn răng tháo chốt để tự sát vì không làm tròn nhiệm vụ ngăn chặn hỏa lực đối phương, là một hình ảnh tiêu cực, nhưng cảm khái. Và ngay sau khi Pháp thất trận, khóa sĩ quan Saint Cyr 1954 mang tên "Những kẻ Ðiện Biên", cũng là việc nghịch lý.

Sĩ quan Pháp anh dũng nhất có lẽ là đại tá Langlais, chỉ huy binh chủng Dù, điều khiển tiểu khu Trung Tâm, "người thật sự chỉ huy trận địa Ðiện Biên" theo lời tướng Võ Nguyên Giáp; ông đã để lại một hồi ký trung thực và chính xác (1963) và khẳng định mình thua trận vì...đánh dở! (tr. 264). Về sau, ông lên tướng, chán đời, uống rượu và...tự sát! Ðồng đội của ông, hơn 50 người lên cấp tướng, đô đốc, nhiều người đã trở lại chiến địa, để "hành hương". Nhưng cũng lắm kẻ sa cơ bị tù tội, bãi chức vì tham dự cuộc phiến loạn 1961 tại Algérie.

Về phía người Việt chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp, có Phạm Văn Phú thuộc Tiểu Ðoàn 5 Dù, thăng cấp đại úy tại mặt trận, về sau lên tướng chế độ Sài Gòn, tư lệnh vùng II chiến thuật và cũng tự sát (Langlais nhầm là ông chết tại Ðiện Biên, ngày cuối, tr. 232).

Tổng thống Pháp Mitterand là nguyên thủ phương Tây đầu tiên chính thức viếng thăm Việt Nam, năm 1993, đã tuyên bố "chiến tranh Việt-Pháp là một nhầm lẫn" và đã lên trận địa Ðiện Biên Phủ để truy niệm, cùng với đại tướng Schmitt, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thời ấy là trung úy.

Năm nay tại Pháp, nhân cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm Ðiện Biên, có người đã đếm được 73 đầu sách viết về trận chiến, đầu tiên là hồi ký ghi lại sự cố, của những tướng tá trách nhiệm, khi lên án, khi thanh minh. Người bị lên án nhiều nhất là tướng Navarre, Tổng Tư lệnh Ðông Dương, sớm nhất là qua những bài báo của Lucien Bodard, chuyên viên về Ðông Dương, sau đó là sách Trận đánh Ðiện Biên Phủ, của Jules Roy (1963), tư liệu súc tích, đã được dịch ra tiếng Việt. Có thể nói Jules Roy là người phê phán Navarre gay gắt nhất. Và người biện hộ nhiều lần cho Navarre là...tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay khi sách mới xuất bản, tướng Giáp, khi trả lời ký giả Úc W. Burchett, đã cho rằng Jules Roy khe khắt quá mức, vì "Navarre có óc chiến lược, nhưng không biết gì về chiến tranh nhân dân" (1964). Trả lời báo Etudes Vietnamiennes (1965), ông nói thêm "bảy Tướng Tổng Tư Lịnh tiền nhiệm, đã thay nhau, và đã vi phạm cùng một sai lầm. Bất cứ tướng tư bản nào cũng sẽ sai lầm như vậy, trong vị thế của Navarre. Bằng cớ là ngay sau Ðông Dương, họ đã khai chiến ở Algérie. Sau đó, là người Mỹ ..." Trong hồi ký Ðiện Biên Phủ, Ðiểm Hẹn Lịch Sử, tướng Giáp còn nói rõ "Công bình mà nói, tới lúc này (đầu 1954) Navarre không đáng chê trách như nhiều người sau đó đã lên án" (tr. 80).

Người lên án tiếp theo là tướng Cogny, tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, người trực tiếp điều khiển mặt trận, quy mọi tội và vào Navarre. Ông này phản pháo, lời qua tiếng lại nặng nề. Tướng Cogny, tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa, Cao học Chính Trị, Tiến sĩ luật khoa, năm 1963, còn nói rằng "pháo binh của chuyên viên Bách Khoa đã bị các ông giáo làng và thợ cả đánh bại" (Alors, l'artillerie: les polytechniciens battus par les instituteurs et contremaitres d'en face?) (thư cho Jules Roy, tr. 618). Tướng Giáp đánh giá Cogny "là pháo thủ mà không biết cả cách sử dụng pháo", tr. 265. Tướng Langlais nhận xét "cấp tư lệnh, có hai phương thức can thiệp: phối hợp tác chiến và điều động quân trừ bị. Cả hai việc, tướng Cogny đều thực hiện rất xoàng" (très médiocrement) tr. 254.

Nhưng lời bình phẩm chung, thường nghe nhất là: tướng Navarre dồn quân vào lòng chảo để lãnh đạn đại bác! Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 4.1954, khi trả lời nhà báo W. Burchett, đã lật ngửa một cái mũ để trên bàn, đưa mấy ngón tay quanh vành mũ và nói: "đây là lực lượng chúng tôi". Rồi ông nắm tay, đấm vào lòng mũ và tiếp: "đây là quân Pháp. Họ không thể thoát khỏi chỗ này". Sự thật không đơn giản như vậy.

Quân đội Nhân Dân Việt Nam mà có thắng đoàn quân viễn chinh Pháp, thì cũng phải nhiều gian lao và lắm hy sinh, chứ không dễ dàng như trở bàn tay. Tư liệu lịch sử, cả hai bên, đều chứng tỏ điều đó.


Về phần mình, Navarre đã lý giải nguyên do thất bại, là tình hình chính trị và quân sự, đầu năm 1954 đã thay đổi. Khi quyết định mở mặt trận Tây Bắc thì Ðiện Biên chỉ là một điểm chiến lược nhắm bảo vệ Lào, và giải tỏa đồng bằng Bắc Bộ, vào cuối năm 1953. Lúc đó lực lượng Pháp Việt cân tài cân sức và hai bên ngầm thỏa thuận giao chiến. Nhưng trận đánh đã không xảy ra như dự liệu: ngày 25/1/1954, tướng Giáp đã ra lệnh "kéo pháo ra" - "một quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của tôi" (tr. 112). Theo tướng Vương Thừa Vũ, nếu tấn công lúc đó "cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm".

Thời điểm này, các cường quốc Anh Nga Mỹ Pháp tại Berlin, ngày 18/2/1954, đã quyết định triệu tập một hòa hội chấm dứt chiến tranh Ðông Dương, với sự tham dự của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bên Việt Minh dồn toàn lực cơ động - 5 đại đoàn, 50.000 quân chủ lực - vào mặt trận, với sự yểm trợ cuả toàn dân qua 30 vạn người dân công, và viện trợ gia tăng ồ ạt của Liên Xô và Trung Quốc; cộng với quyết tâm toàn thắng cuối cùng. Cán cân lực lượng lệch sang một phía. Pháp biết, nhưng đầu năm 1954, không còn cách nào rút quân ra khỏi cứ điểm. Pháp thua, không phải vì Navarre ngu, Cogny dốt, de Castries, Langlais, Lalande, Bigeard hèn, mà ván cờ thế giới đã đổi thay. Còn Việt Nam anh hùng và tài ba thì điều này đã rõ, nhiều người đã nói, không cần chi nhắc lại.

Tướng Võ Nguyên Giáp gần như đồng tình với hồi ký Navarre về lý giải nói trên: "Trước khi đi vào Ðông Xuân 1953-1954, cả địch và ta đều chưa nghĩ tới một không gian và thời gian cho trận quyết chiến chiến lược. Ðây chính là điểm hẹn của lịch sử, chung cục định mệnh của cuộc chiến, sớm muộn rồi phải diễn ra ở một nơi nào đó trên đất nước" (tr.399).

Ðiểm hẹn lịch sử... một hình ảnh văn hoa, súc tích, tế nhị, qui định điểm nhỏ bé trong sự lớn lao, gợi lên điều tình cờ trong quy luật, và điều phôi pha trong vĩnh cửu.

Hào quang kẻ này là bùi ngùi của người kia: lịch sử đã hẹn với những ai ai Những người được hẹn và đúng hẹn, sau này, bây giờ, đã ra sao?

Những người không được hẹn, hay sai hẹn, giờ này, hôm nay, trôi dạt về đâu?

Nơi hẹn hò, có khi, nhiều khi, là điểm chia tay.


Thư mục chính :

Võ Nguyên Giáp: Ðiểm Hẹn Lịch Sử, nxb Quân Ðội Nhân Dân, 2000, Hà Nội
Henri Navarre: Le Temps des Vérités, nxb Plon, 1979, Paris.
Jules Roy, La Bataille de Dien Bien Phu, nxb Julliard, 1963, Albin Michel 1989, Paris
Colonel Langlais, Dien Bien Phu, nxb France Empire, 1963, Paris.
Journoud & Tertrais, Paroles de Dien Bien Phu, les Survivants témoignent, nxb Tallandier, 2004, Paris.
Tạp Chí Carnets du Vietnam, số đặc biệt Ðiện Biên Phủ, Février 2004, Lyon.
Nguồn: Tạp chí Diá»…n Đàn, Paris, tháng 5. 2004