trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
16.4.2004
Đỗ Kh.
Chê thì ... miễn phí!
 
Tôi hết sức bất bình với bài Một cái nhìn từ xa về văn học Việt Nam hiện tại (talawas 13.4.2004) của Trần Kiêm Đoàn, trong đó ông dùng đến 4436 chữ (trong Word, bấm vào Tools, rồi bấm vào Word Count) chỉ để lăng mạ và phỉ báng trong câu kết "càfé Mỹ ở StarBucks là nhạt thếch"! Nếu kém tinh thần cảnh giác, có lẽ chúng ta đã bị ông lường gạt, làm rối trí và hoa mắt với những chuyện đâu đâu về nào Trần Mạnh Hảo lẫn Nguyễn Huy Thiệp, cách nấu xúp và lòng hoài niệm. Những chuyện này mới chính là tẻ nhạt chứ còn càfé Mỹ ở Starbucks thì không hề, trò bôi bẩn lén lút và thậm thụt này cần phải được sáng tỏ trước dư luận và quần chúng thưởng ngoạn.

Quần chúng của Starbucks thì không thiếu và chỉ trong vòng 10 năm công ty ở Seattle này đã bành trướng ra trên 6.500 cửa hàng khắp thế giới chứ không phải riêng gì ở Hoa kỳ. Riêng tại đây, Starbucks trở thành một hiện tượng xã hội, đổi hẳn cả bộ mặt của phố thị và sinh hoạt của đủ mọi thành phần, từ công an cảnh sát đến trí thức sinh viên, từ lao động thợ thuyền đến bobo trồi sụt của thị trường chứng khoán. Ở Starbucks có wifi (sóng nối mạng cao tốc và không dây cho máy vi tính xách tay), có choai choai (hở mông trên và hở rốn dưới) và càfé Mỹ ở đây có ít nhất là 30 loại. Ngay cả đường để bỏ vào, nếu vẫn còn thấy nhạt, cũng có ít nhất là ba loại trở lên, trong khi càfé hoài niệm, cho tôi minh bạch mà xin lỗi, chỉ có 4 thứ là càfé đen, càfé đen đá, càfé sữa và càfé sữa đá.

Tại nước ngoài, ngay tại Pháp mà ca sĩ Mitchel Sardou từng hát là "nơi có 2, 3 quán càfé cho mỗi đầu người", Starbucks cũng mới khai trương cửa hàng đầu tiên. Khi chê càfé Mỹ ở đây là nhạt thếch, hoá ra Trần Kiêm Đoàn dám văng cả... phin vào văn minh Châu Âu lâu đời này ("Old Europe", để trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld). Nước Pháp chỉ có hai truyền thống mà tựu chung chỉ là một, đó là CÀFÉ và TÁN GÁI (ngồi càfé mà tán gái), những đóng góp khác cho nhân loại như rượu vang và phó mát xét ra chỉ là thứ yếu. Nhưng ông Trần Kiêm Đoàn đâu có ngại, đến Trung quốc ông còn chẳng chừa.

Cách đây vài năm, một máy bay tình báo điện tử của Hoa kỳ trục trặc về cơ khí phải đáp xuống đảo Hải Nam. Phi hành đoàn bị giữ lại để điều tra và thẩm vấn trong 2 tuần lễ. Theo tuần báo Time Magazine, cơ quan ngôn luận lớn hàng đầu thế giới và thụôc tập đoàn Time-Warner-AOL còn lớn hơn nữa, thì một trong những điều mà Công an Trung quốc hỏi cung các tù binh Mỹ đến kỳ cùng là "Tại sao ly Mocha Frappuccino của Starbucks lại đến 3.95 USD [1] ?" Vậy mà Trần Kiêm Đoàn dám chê là "nhạt thếch", tôi không thể tưởng tượng nổi. Chả trách về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn lật đật đằng sau nước láng giềng này, đã không chịu học hỏi, cứ cái gì của người thì chẳng có hương vị [2] .

Đã vậy, Trần Kiêm Đoàn còn là người nói điêu. Đây, tôi có bằng chứng ở ngay trong bài viết của ông. Ông bảo nơi ông đang nhục nhằn nuốt đắng (nuốt nhạt) ở cách xa quê hương yêu mến những 18 tiếng mà dưới bài lại ghi là California! Cali, vào lúc mùa đông suy đồi như hiện nay cách Việt Nam có 14 tiếng, bình thường thì cách 15 (tuỳ lúc lên xuống 1 tiếng theo chương trình tiết kiệm ánh sáng ban ngày), không phải vì ông đi làm ra ngồi thêm ở Starbucks 3 hay 4 tiếng mà nó trở thành cách đến 18! Cách 15 đã là một kiểu nói đại ngôn, đúng ra phải nói là cách 9 tiếng (24-15=9). Không ai nói Bangkok cách Hà Nội 23 tiếng mà nói là cách có 1 giờ. Quả đất tròn có lẽ quay cuồng trong lòng hoài niệm nên Trần Kiêm Đoàn không biết và 9 tiếng mà hô thành 18, nếu không phải là điêu thì là gì? Nói 1 thành 2, Trần Kiêm Đoàn đã bị (tôi) bắt quả tang ĐIÊU tại hiện trường!

Điều khó hiểu là tại sao ông lại làm như vậy. Để tôi giải thích cho. Ở bên Mỹ ai cũng biết là buôn bán, càng coi khách là vua thì lại càng lắm khách, đây là xứ sở của rất nhiều vua, như Starbucks thì vô khối chúa, chứ không phải là không có vua. Vừa rồi, tôi ra nơi quyền quí này (không quyền quí thì tại sao càfé ở Starbucks không gọi là cỡ small, medium hay large mà gọi là tall, venti grande?), gọi 1 ly và đợi mất 3, 4 phút. Khi mang ra hơi chậm, cửa hàng đã xin lỗi và xin phép không tính tiền. Tôi đã cầm sẵn đưa, người ta cũng không nhận. Bạn cứ thử chê mà xem, nhất định cửa hàng sẽ biếu không, chẳng những vậy mà còn biếu thêm 1 ly thứ nhì ngọt ngào hơn. Tôi gọi đây là hội chứng chê để khỏi phải thanh toán tiền nước.

© 2004 talawas


[1]Đây là chuyện thật nhưng Time đùa trong một trắc nghiệm. Câu trả lời đúng là công an Trung quốc bắt các tù binh phải khai ra ca từ của bài "Hotel California"!
[2]Trong từ điển giáo khoa mà tôi đang soạn và đã có cho một Vụ trưởng đến tận nhà tôi xem thì định nghĩa đúng đắn của "nhạt thếch" là "đếch có hương vị gì".