trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
12.3.2004
Đào Đức Tuấn
Tính chủ quan của ngôn ngữ
 
Mở miệng ra phát ngôn là do ta đã bị ý chủ quan trong ta thôi thúc, vậy việc cố gắng tỏ ra khách quan cũng chỉ mang lại phần nào ảo giác về sự đúng đắn của những ngôn từ mà ta dùng khi nhắm tới người nghe. Người viết bài này vốn không coi trọng sức mạnh của lý luận văn chương, lại không phải là người viết chuyên nghiệp, nhưng cũng không tránh khỏi việc phải dùng đến nó. Trên cơ sở đó những ý kiến phản hồi sẽ được tác giả tiếp thu vô điều kiện.

Nhân bàn về khái niệm " khai sáng" của Immanuel Kant được dịch và tranh luận trong các bài viết gần đây: Kant cho rằng thời của ông chưa phải là thời đã được khai sáng, mà công việc đó thế hệ của ông còn phải làm. So với khung cảnh của thời gian đó, khi mà vẫn phải tranh giành ảnh hưởng với Thiên Chúa giáo thì ngày nay, có thể nói chúng ta đang trong thời được khai sáng. Theo suy nghĩ của Kant thì sự phụ thuộc vào tư duy tôn giáo là cản trở lớn nhất khi muốn đưa con người ta đến với tự do tư tưởng và tự do phát ngôn. Nhưng bản thân khái niệm mà Kant đưa ra muốn coi mọi sự tư duy dựa dẫm một cách máy móc vào người khác hay vào bất kỳ một hệ tư tưởng nào cũng đều là sự phụ thuộc, thiếu tự tin vào bản thân và làm mất khả năng tư duy sáng tạo.

Vậy thì chẳng có thời nào con người được khai sáng hoàn toàn, tri thức là cóp nhặt, sáng tạo cũng chỉ là sự chắp vá. Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận là một trong những nhu cầu trong cuộc sống của mỗi con người, thời nào thì người ta cũng phải cân đối nhu cầu này với các nhu cầu khác. Ngày nay tự do ngôn luận là căn bản cho một xã hội dân chủ và bình đẳng, nhưng con người ta cũng không thể cho phép mình nghĩ đến mọi điều và phát ngôn mọi vấn đề. Suy nghĩ không thể trái với lương tri, thẩm mỹ đương thời, và càng có nhiều người nghe người ta càng chú ý lựa chọn khi phát ngôn. Thế nhưng giống như đã được no đủ rồi thì người ta không kêu ca nữa, mà khi đó sự tự do phát ngôn lại trở thành sở thích cá nhân mà mỗi người qua đó tự tìm cho mình một sự cân bằng trong cuộc sống - nghe có vẻ giống với sự bằng an trong Chúa. Mặc dù tiếp thu thông tin và phát biểu ý kiến, lý lẽ của mình đem lại quyền lợi cho mỗi cá nhân, đây như là một cơ hội để vươn lên sự bình đẳng, nhưng người ta cũng không thể tận dụng hết cái quyền tự do ngôn luận. Rất hiếm người bỏ thời gian suốt ngày đọc và phát biểu ý kiến. Xã hội thông tin ngày nay tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho tự do ngôn luận, nhưng dường như người ta vẫn phải cạnh tranh nhau để chiếm lĩnh các kênh thông tin. Và nếu có kẻ thắng, người bại trong cuộc chiến phương tiện truyền thông này, thì lại nảy sinh những bất bình đẳng mới, có thể sẽ lại là động lực cho đấu tranh và phát triển xã hội tương lai.

Nhìn suốt chiều dài lịch sử loài người thì tôn giáo cũng từng đóng vai trò tích cực cho đến khi nó buộc phải nhường địa vị thống trị cho triết học "Ánh Sáng" bắt đầu từ thế kỷ 17. Nếu trở lại với con người vào trước thời kỳ này ta sẽ thấy tôn giáo là hệ tư tưởng thống trị, nó chính là những giá trị đạo đức chi phối quan điểm nhân sinh trong thời đó. Từ đó suy ra hệ tư tưởng mà ta đang dựa vào ngày hôm nay sẽ có lúc cũng bị lạc hậu và lỗi thời như vậy. Một cách lập luận: khái niệm "nhân bản" (humanism) đang được dùng rất thịnh hành ngày hôm nay sẽ bị một khái niệm còn hay hơn nữa phủ định lại. Vì sao tôi không chỉ ra được khái niệm hay hơn gọi là gì? Trả lời: vì tôi chưa được khai sáng. Chỉ có tư tưởng cấp tiến là thống trị vĩnh viễn.

Triết học không chỉ là một khoa học khách quan, nó chủ quan bởi nó luôn dựa trên một quan niệm đạo đức. Trong bài viết của Kant, đạo đức luôn được viện dẫn làm cơ sở cho mọi dẫn dắt logic. Sự phụ thuộc vào hình thái đạo đức còn là cơ sở để tồn tại và quảng bá một quan điểm triết học. Vậy bứt phá khỏi hình thái đạo đức ngày hôm nay là bước đầu tiên ta có thể thoát ra khỏi cái bóng bao trùm của triết học ánh sáng mà Kant và các nhà khoa học thời của ông đã mở đầu.

Trong việc dịch bài viết của Kant ra tiếng Việt, có tác giả nói đến sự hạn chế của ngôn ngữ của chúng ta, tôi thích nói rằng: đó là do sự hạn chế tư duy và trao đổi bằng tiếng Việt của các học giả. Ngôn ngữ không tự thân nó chứa đựng khái niệm, mà là do con người gán cho nó. Các khái niệm triết học trong tiếng Việt chính là do cộng đồng những người nghiên cứu triết học bằng tiếng Việt tự đặt ra, và số đông độc giả sẽ chấp nhận theo. Đây là tính chủ quan của ngôn ngữ. Vì vậy theo tôi ở đây ít có việc hiểu sai khái niệm, mà phần lớn là thống nhất khái niệm và chuẩn hoá ngôn ngữ. Việc nghiên cứu triết học bằng tiếng Việt chắc cũng không phải là ít, mà có lẽ ít được đem ra phân tích trong những diễn đàn rộng lớn để có dịp được trao đổi, tranh luận và thống nhất cách hiểu, cách nói những vấn đề chung.

Darmstadt, 9/3/2004

© 2004 talawas