trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
23.8.2004
Trần Thuần
Đôi lời về bài viết của Cao Xuân Hạo
 
Bài viết của Cao Xuân Hạo (CXH) làm tôi ngạc nhiên, không phải về nội dung mà là về văn phong. Đó là lối trình bày theo kiểu ‘chân lý thuộc về tôi vì tôi thuộc về số đông’. Thử trích tác giả trong bài viết trên talawas ngày 14.8.2004:

Năm 1991 và 1995, khi ở Pháp, nhân dịp báo cáo về cấu trúc của câu tiếng Việt, tôi phản đối khái niệm topicalization của Chomsky, thì tôi đã gặp được một sự đồng tình hoàn toàn hất trí của tất cả các thính giả có mặt.

Trước hết, chúng ta không biết gì về chuyên môn, uy tín trong khoa học của ‘các thính giả có mặt’, không biết họ có đủ thẩm quyền khoa học để đánh giá công trình nghiên cứu của người khác hay không. Sự đồng tình ‘có tính nhất trí cao’ này khiến một người làm khoa học nghiêm túc phải phân vân: Ai đã đi dự hội thảo cũng biết là để lắng nghe và hiểu hết một bài báo cáo về một vấn đề mới không phải là chuyện dễ dàng, nhất là vấn đề nằm ngoài tầm nghiên cứu của mình. Thêm nữa, cứ cho là có sự nhất trí cao đi, chẳng lẽ chân lý thuộc về số đông?

Ở đây, tôi sẽ không bàn về đề tài topicalization, nếu độc giả nào có thời gian, vào google gõ topicalization thì sẽ có thông tin muốn tìm. Xin đọc tiếp.

Năm 1976, Ch. Li & Sandra Thompson cho xuất bản cuốn Subject and Topic với sự tham gia của nhiều tác giả cỡ lớn, trình bày “a new typology of languages”, chia các ngôn ngữ thành bốn loại lớn, trong đó sự tương phản lớn nhất là giữa subject-prominent languges (như các ngôn ngữ Ấn Âu) và topic-prominent languages (như các ngôn ngữ đơn lập – isolating languages). Từ đó, hầu hết các tác giả nghiên cứu tiếng Hán và tiếng Việt đều phân tích câu thành hai phần Ðề-Thuyết.

Tôi in đậm dòng chữ khẳng định như đinh đóng cột về khuynh hướng phân tích câu thành hai phần Đề-Thuyết mà CXH cho là của ‘hầu hết các tác giả nghiên cứu tiếng Hán và tiếng Việt’. Xin mở ngoặc một chút về từ ‘hầu hết’. Trong tiếng Việt từ này có nghĩa là chiếm đa số tuyệt đối. Vậy xin hỏi có bao nhiêu nhà nghiên cứu theo khuynh hướng này trên tổng số các nhà nghiên cứu thuộc các trường phái khác nhau để được gọi là ‘hầu hết’? Tác giả CXH có bao giờ đọc tạp chí ‘Journal of East Asian Linguistics’ chuyên đăng các bài nghiên cứu các tiếng Hàn, Nhật, và Hoa, mà ban biên tập gồm có ba người ở ba châu lục khác nhau [1] để xem ‘hầu hết’ họ viết những gì hay không?

Một điểm khác về văn phong mà người ta thường gặp trong giới nghiên cứu nước ta, đó là lối trình bày gây mất nhiều thời gian do không ghi nguồn gốc trích dẫn. Thử đọc đoạn phê phán Chomsky của CXH:

Chomsky cho rằng trong một câu như Invisible God created the visible world, ở cấu trúc sâu có ba câu là 1. God is invisible; 2. God created the world; 3, The world is visible. Lời khẳng định này đã cho phép tất cả các nhà ngữ học không phải là môn đệ của Chomsky nói rằng ông ta không hề quan tâm chút nào đến ngôn ngữ trong khi tự nhận mình là nhà ngôn ngữ học. Riêng ở đây, ông không thèm biết rằng ta chỉ có một câu duy nhất, còn những cái mà Chomsky gọi là câu tuyệt nhiên không phải là câu, mà là những ngữ đoạn (phrases hay syntagms). Ngôn ngữ nào cũng có những phương tiện bắt buộc phải dùng để phân biệt câu (sentences hay [simple]clauses) với phi câu (“bất thành cú”), mà U.Weinreich gọi là backgrounding devices. Ba phần Invisible God; created the visible world the visible world đều đã bị đẩy lùi vào hậu cảnh (backgrounded) và do đó không còn là câu nữa mà chỉ là những danh ngữ (noun phrases), hay những vị ngữ (verb phrases) Và đó cũng chính là một sự phân biệt hết sức quan trọng mà ngay người bản ngữ cũng phải “nhập nội” (internalize – Chomsky) ngay từ đầu.

Dù biết biết chắc là CXH đã diễn dịch sai hay hiểu sai, thế nhưng phải mất khá nhiều thời gian tìm kiếm tôi mới truy ra nguồn gốc, dù có nhớ mang máng đã đọc câu trích Invisible God created the visible world đâu đó. [2] Chomsky không hề gọi các danh ngữ Invisible God, the visible world là câu, (sentence trong tiếng Anh), mà là proposition, (mệnh đề trong tiếng Việt), một khái niệm thuộc về ngữ nghĩa.

Điểm cuối cùng về văn phong tôi muốn đề cập, đó là ‘lối nói/viết như phán’. Tôi thật sự phân vân, không biết ‘những thành công quan trọng nhất của ông [Chomsky] nằm trong lĩnh vực hình thái học (morphology), là gì, trong các tác phẩm nào. Ví thử tôi có muốn đi tìm cũng chịu vì tác giả chỉ viết thế mà không đưa ra tác phẩm cụ thể nào, trong khi những gì tôi đọc của Chomsky hay của người khác theo lý thuyết của Chomsky là về cú pháp (syntax). Tôi cũng không biết “tiếng Việt thì lại hoàn toàn không có morphology” nghĩa là gì. Có phải ý tác giả muốn nói tiếng Việt không có những tiếp tố (affix) như trong các tiếng Ấn Âu? Thế thì tác giả lại ‘dĩ Âu vi trung’ rồi, nếu không tác giả sẽ xem những nào, đó trong một quyển sách nào đó là những tiếp tố trong tiếng Việt.

Để có bầu không khí lành mạnh trong nghiên cứu khoa học, việc tranh luận là cần thiết. Tuy nhiên, khó có được cuộc tranh luận trong lành khi chưa thống nhất về cách diễn dịch thuật ngữ. Ví dụ như CXH dịch chữ internalize (to acquire knowledge of a set of rules in a given language) là nhập nội, dù nằm trong dấu nháy, từ này khó chuyển tải được ý nghĩa của từ tiếng Anh. Có lẽ dịch là nhập tâm thì gần với nghĩa của từ tiếng Anh hơn. Hay ví dụ như thuật ngữ topic-prominant languages, ngôn ngữ thiên chủ đề. Từ thuật ngữ ‘topic-prominent languages’ trong tiếng Anh đến thuật ngữ các ngôn ngữ Đề-Thuyết (CXH, 1998) là một khoảng cách lớn, theo tôi, dễ lầm lạc, vì xem ra ngôn ngữ nào cũng đề hóa, topicalize, khi cần, trong ngôn ngữ sử dụng (language use). Thử xem những câu tiếng Anh dưới đây có khác gì với các ví dụ của CXH về câu tiếng Việt hay không.
  1. Those girls, they giggle when they see me.
  2. Cigarettes, you couldn’t pay me to smoke them.
  3. This book, I asked Bill to get his students to read.

Từ những ví dụ như thế liệu có thể xếp tiếng Anh vào cùng một loại ngôn ngữ Đề Thuyết như tiếng Việt hay không? Giả định là tiếng Việt thuộc nhóm Đề Thuyết, topic-prominent languages’, còn tiếng Anh thuộc nhóm Chủ ngữ Ngữ pháp, subject -prominant languages. Nếu thế thì giải thích như thế nào khái quát hóa dưới đây, vốn đúng cho cả tiếng Việt và tiếng Anh của các tác giả như Tallerman (1998): Đặc điểm của chủ ngữ là có thể lược bỏ trong câu mệnh lệnh.
  1. Sit down.
  2. Ngồi xuống.

Theo tác giả CXH(1991), những câu tiếng Việt như trên là câu có phần đề bỏ trống chỉ ‘anh’ [ngôi thứ hai]. Rõ ràng đối tượng mà mệnh lệnh hướng đến trong hai câu trên đều thuộc ngôi thứ hai. Vậy tiếng Anh là ngôn ngữ Đề Thuyết hay ngôn ngữ Chủ ngữ Ngữ pháp? Câu trả lời là nó vừa thế này vừa thế kia, như khi ta xem tượng của một người nào đó và quan sát người ấy sinh hoạt. Ái, hỉ, nộ có thể làm người ấy trông khác đi, nhưng về bản chất vẫn chỉ là một người.

Sự tương phản về đối tượng cũng như phương pháp nghiên cứu của hai trường phái hình thức luận và chức năng luận không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, chúng không hề phủ nhận nhau, nói như Kuno (1987), ‘Về mặt lý thuyết không có mâu thuẫn trên nguyên tắc giữa ngữ pháp chức năng và lý thuyết chi phối ràng buộc của ngữ pháp tạo sinh.’ Nếu hình dung câu tiếng Việt như một cái búa, thì những người theo chức năng luận sẽ cho rằng nó chỉ gồm có hai phần, phần đầu để gõ và phần cán để cầm. Trái lại, những người theo hình thức luận sẽ chú trọng đến việc nó có kết cấu như thế nào, tại sao nó có kết cấu như thế, và quan trọng hơn một vật thể như thế nào thì sẽ là một cái búa.

Khoa ngôn ngữ học còn non trẻ nhiều so với các ngành khoa học khác, bất kỳ khẳng định nào về lý thuyết đều hơi sớm.



Sách tham khảo:

Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Sơ thảo – Ngữ pháp Chức năng, Hà Nội, 1991.
Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa, Nhà XB Giáo dục, 1998.
Chomsky, Noam, Language and Mind, MIT, 1968.
Kuno, Susumu, Functional Syntax, Anaphora, Discourse and Empathy, Chicago, 1987.
Tallerman, Maggie, Understanding Syntax, London, 1998.

© 2004 talawas



[1]Journal of East Asian Linguistics
Editor: C.-T. James Huang Harvard University, Cambridge, MA, USA Mamoru Saito Dept. of Antrhopology and Philosophy, Nanzan University, Nagoya, Japan Andrew Simpson Dept. of Linguistics, SOAS, University of London, UK
[2]Xem Language and Mind, trang 17.