trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
13.12.2004
Ngô Nhân Dụng
Bi kịch lịch sử
 
Sử gia Phan Huy Lê viết về Phan Thanh Giản dưới tựa đề “... Bi kịch lịch sử”. Có thể mượn mấy chữ đó để mô tả những vụ “đấu tố” Phan Thanh Giản diễn ra ở miền Bắc Việt Nam từ thập niên 1960, và những cố gắng phục hồi danh giá của nhà Nho tuẫn quốc đó trong mươi năm gần đây. Ðó mới là một bi kịch lịch sử và bi kịch về sử học, thứ thiệt.

Câu hỏi là: Sử học làm việc gì? Nhiệm vụ đầu tiên của nhà nghiên cứu sử học là tìm hiểu rõ các việc xẩy ra trong quá khứ; nếu có thể thì tìm cách giải thích các biến cố này bằng những sự kiện, biến cố khác. Công việc của nhà sử học không nhất thiết phải là phê phán các nhân vật lịch sử, dù họ được tự do làm việc đó nếu muốn. Những lời phê phán có sắc bén đến mấy mà không dựa trên những sự kiện lịch sử đáng tin cậy thì cũng không làm cho một nhà sử học có giá trị thêm. Ngược lại, một sử gia tìm tòi được những chứng tích lịch sử mới, nối kết được các sự kiện rời rạc thành một số hiểu biết có đầu đuôi, thì không cần đưa ra một lời nhận xét, phê phán nào về các nhân vật lịch sử, sử gia đó vẫn đáng kính trọng. Khi một sử gia coi việc đánh giá lịch sử là việc chính, mà lại đánh giá theo một khuynh hướng đã được quyết định trước, thì người đó đã làm sai nhiệm vụ của mình. Khi người ta muốn chứng minh một hành động nào đó trong lịch sử là tốt hay là xấu đối với xã hội, với đất nước, thì việc đi tìm các chứng cớ để biện minh cho lời phê phán của mình không phải là việc khó khăn lắm. Ðiều đó đúng, không những với các nhân vật lịch sử, mà đúng cả với người đương thời. Những ông, bà biện lý bao giờ cũng có thể tìm ra các bằng chứng để kết tội nghi can, cứ có thời giờ là tìm được. Trong tòa án ở các nước tự do, người ta không để cho phe công tố độc quyền biện luận cho các quan tòa nghe, mà đòi phải có các luật sư đứng về phía bênh vực cho bị cáo, chính vì chúng ta biết rằng muốn kết tội một người bị nghi ngờ không phải là chuyện khó khăn. Cho nên phải có những người làm công việc đi tìm các bằng cớ để chứng minh ngược lại.

Ở miền Bắc Việt Nam trong thời nội chiến vừa qua, nhiều sử gia đã đứng ra đóng vai trò công tố đối với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, đem ông ra trước “tòa án nhân dân” xử, theo mệnh lệnh của đảng Cộng Sản. Ông biện lý cao cấp nhất là Trần Huy Liệu, làm chức Viện trưởng và được Viện Sử học phong làm người “Anh Cả,” như trong đình làng có chiếu trên, chiếu dưới. Tuy nhiên, trong cái đình làng ở Hà Nội thời đó thì cái chiếu của Viện Sử học được trải ra ở chỗ thấp bậc nhất, cho nên người “Anh Cả” của các sử gia cũng chỉ líu ríu nghe theo cấp trên để giữ được phần xôi của mình. Một người chuyên môn nghề tuyên truyền mà đi làm công việc bôi nhọ lịch sử cũng là việc không khó khăn.

Công việc tuyên truyền khác với công việc của khoa học về lịch sử. Sử gia có thể đưa ra những cách giải thích các biến cố lịch sử, do đó mà phê phán các nhân vật. Nhưng phải thực hiện điều đó trong tinh thần khoa học. Một đặc điểm của phương pháp khoa học, như Karl Popper đã nêu lên từ thế kỷ trước, là người ta phải đưa ra các giả thuyết có thể được đem ra thử thách bằng các dữ kiện có thể quan sát được. Giả thuyết khoa học phải có tính “khả dĩ phủ nhận”, falsifiability; chứ không phải là những giả thuyết khả dĩ xác minh, verifiability. Nhà biện lý làm việc theo phương pháp khác, bắt đầu làm việc với giả thuyết “nghi can có tội”, rồi tìm các chứng cớ để xác định lời buộc tội là phù hợp. Các sử gia Mác-xít đã kết tội nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản rồi đi tìm bất cứ mẩu chứng cớ nào để kết tội, chẳng hạn những câu “Phan, Lâm mãi quốc” lưu truyền trong dân gian. Nếu người ta cũng đi tìm các câu lưu truyền trong dân gian nói về nhân vật Hồ Chí Minh thì còn dễ kết tội ông hơn là đấu tố Phan Thanh Giản.

Nhưng tại sao họ phải đấu tố Phan Thanh Giản? Như chúng ta có thể hiểu được, lúc đó ông Liệu mở tòa án nhân dân đấu tố Phan Thanh Giản chỉ vì ông được Đảng Cộng sản ra chỉ thị, theo nhu cầu chính trị nhất thời là phải tấn công miền Nam, tấn công thẳng vào một khuôn mặt sĩ phu lớn nhất vốn được người miền Nam kính ngưỡng. Cuộc đấu tố Phan Thanh Giản cũng nhắm tấn công một số người ở miền Bắc có chủ trương ôn hòa, không muốn đánh miền Nam. Những người chủ chiến muốn bôi nhọ Phan Thanh Giản vì cụ đã bị coi là chủ trương hòa hoãn với quân Pháp để chờ thời, khi biết nước mình không đủ thực lực để chống cự. Ðấu tố cụ Phan cũng là một cách giằn mặt những người trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản lúc đó nhưng không thấy việc xâm nhập để phá hoại miền Nam là điều cần thiết. Sau các chiến dịch kết án Phan Thanh Giản, chắc hẳn những người bị coi là phe “chủ hòa” phải im lặng. Những nhà sử học không đồng ý với cảnh đấu tố cũng phải im lặng.

Nhưng khi chúng ta giải thích việc đấu tố Phan Thanh Giản bằng nhu cầu chiến tranh thì đó cũng chỉ là lý do nổi trên bề mặt mà thôi. Nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh kể cả nội chiến, nhưng không phải bao giờ cũng đem các nhân vật lịch sử ra làm bung xung để đập theo nhu cầu chiến thuật. Có thời cả nước ta đã phải chống lại những cuộc xâm lăng của người phương Bắc nhưng không triều đại nào đem các tượng Quan Vũ ra phá, mà ai cũng vẫn coi Nhạc Phi là bậc trung nghĩa đáng phục. Các vị chúa họ Trịnh, họ Nguyễn cũng không đem tổ tiên, ông bà của phe bên địch ra bêu riếu, không ai đụng tới mồ mả tiền nhân của bên kia. Hành động bêu riếu một nhân vật lịch sử theo nhu cầu chính trị giai đoạn bắt đầu từ lúc thi hành chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Nếu không phải một chế độ cộng sản thì không triều đại nào dùng lịch sử vào mục tiêu chính trị một cách có hệ thống như vậy.

Chế độ cộng sản có tính cách toàn trị, như các chế độ thần quyền. Khởi đầu, họ tự nhận là một chủ nghĩa khoa học, theo cái nghĩa thô thiển nhất của hai chữ này. Họ tuyên dương một cách nhìn thế giới theo lối “khoa học” của họ, đem áp dụng vào việc xếp đặt cách ăn ở trong xã hội loài người. Marx tiên đoán xã hội loài người sẽ đi qua một trình tự nhiều giai đoạn. Lenin với Stalin muốn đưa xã hội chung quanh họ bước ngay sang giai đoạn sắp tới của lịch sử nhân loại, không cần theo đúng trình tự mà Marx mô tả. Muốn lôi kéo người ta đi theo giấc mộng đó thì chỉ có cách là biến phong trào quần chúng của mình thành một tôn giáo muốn biến đổi loài người theo hình ảnh một thiên đường. Nhưng đồng thời họ cũng phát động một phong trào cách mạng, lập một đảng chính trị và khi bắt tay vào việc cai trị thì buộc mọi người dân coi cách xếp đặt đời sống mà họ đặt ra có giá trị thiêng liêng như một tôn giáo. Trong một tổ chức thần quyền như thế, không có chỗ đứng cho những tư tưởng dị giáo.

Những người học theo chủ nghĩa Marx tập được thói quen muốn giải thích tất cả mọi việc trên thế gian theo cùng một mớ kiến thức căn bản mà Stalin đã tóm tắt trong các sách giáo khoa về Lịch sử Đảng Cộng sản. Trong việc cai trị quốc gia thì họ muốn cả xã hội phải theo cùng một thứ nền nếp do đảng và nhà nước đặt ra. Không có chỗ nào cho một Xã hội Công dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí cũng phải gò theo quy thức chung một cách chặt chẽ. Chủ nghĩa cộng sản không phân biệt phạm vi xã hội với phạm vi chính trị. Cho nên chính trị chi phối tất cả các hoạt động trong xã hội, dù là những hoạt động nhỏ bé gồm hai, ba người với nhau. Muốn lập một nhóm ca hát, một đội banh hay nhóm chơi hoa lan cũng phải được một ông, bà bí thư nào đó duyệt xét. Ngay cả việc dựng vợ gả chồng người ta cũng muốn xã hội phải can thiệp vào cho đúng đường lối. Và tất nhiên, môn học lịch sử phải đồng nhất, rập khuôn theo cùng một lối. Các nhà lãnh tụ cộng sản coi việc sửa chữa sách vở, chứng tích theo nhu cầu giai đoạn là chuyện tự nhiên, vì tất cả đều là phương tiện.

Chính trong trạng thái tinh thần đó mà các nhà sử học ở nước ta đã bị gò ép phải viết lại lịch sử theo nhu cầu của từng giai đoạn. Chuyện phê phán Phan Thanh Giản chỉ là một thí dụ nhỏ. Tất cả các sách vở viết về liên hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vài ngàn năm cũng phải thay đổi theo nhu cầu chính trị từng thời. Có lúc các sử gia và các nhà văn, nhà thơ phải cùng viết về một đề tài: Phong kiến Trung Quốc xâm lược. Rồi tới một giai đoạn sau thì tất cả những cuốn sách đó lại biến mất.

Câu hỏi quan trọng thứ hai nên đặt ra là: tại sao các sử gia lại ngoan ngoãn vâng lệnh như vậy? Giải thích bằng nhu cầu miếng cơm manh áo cũng đúng nhưng chưa đủ. Tất nhiên trong một chế độ mà nhà nước quản lý hạt cơm, manh áo của từng người và không ai thấy một khoảng trống “tư” nào để lách ra thì nhiều nhà sử học cũng đành phải sản xuất theo dự án nhà nước. Nhưng ngay cả khi một số kẽ hở được hé ra, có những khoảng trống riêng tư cho người ta trú ẩn, vẫn có những người tiếp tục muốn tiếp tục sống và làm việc theo chỉ thị. Sau hai ba hội nghị về Phan Thanh Giản, nhất là ở các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre đã nêu lên các ý kiến bênh vực Phan Thanh Giản, trong một cuộc hội thảo ở thành phố Sài Gòn vẫn còn nhiều người nhắc lại những câu “Phan Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân” như là chân lý không thể chối cãi được. Ông chủ tịch tỉnh Bến Tre đến hội nghị rồi chán ngán bỏ ra ngoài.

Tại sao có những người trí thức vẫn không dám suy nghĩ độc lập, từ chối đường lối của chính thức của đảng? Hiện tượng này cũng giống như tình trạng xẩy ra nơi các nhà văn và nhà phê bình văn nghệ. Phạm Thị Hoài đã mô tả “một lăng kính nghệ thuật sơ lược và méo mó mà cho đến nay tiếp tục là lăng kính nghệ thuật chủ đạo của nhiều người hơn ta tưởng.” Ðó là thời văn nghệ “hậu đổi mới” mà theo Phạm Thị Hoài thấy là “thời của những khoảng trống kì lạ của những thẩm quyền không có mặt, của những toa tầu không có đầu máy và (không) người lái.” Không còn uy tín chính thống nữa, nhưng cũng không còn uy quyền nào phản bác cái chính thống đó. Tại sao các người làm văn hóa lại “nhát” đến như vậy?

Có một cách giải thích tình trạng này là dùng hiện tượng “tập khí tuyệt vọng.” Tính tuyệt vọng được huấn luyện lâu ngày mà có, tiếng Anh trong khoa Tâm lý học gọi là “Learned Helplessness.” Khi người ta đã tập được thói quen sống trong tuyệt vọng thì họ chấp nhận mình vô giá trị, có cố gắng cũng chẳng thay đổi được cái gì, thà rằng chấp nhận số phận cho yên thân.

Hồi đầu thập kỷ 1970 giáo sư Martin Seligman ở Ðại học Pennsylvania đã đặt ra từ này sau những cuộc thí nghiệm về tập khí của những con chó, rồi có người đem thí nghiệm với chuột và người. Người ta cho điện giật một số con chó, và chúng có thể nhẩy qua hàng rào để thoát. Một số con chó khác thì không thể nào thoát được, chạy đâu cũng vẫn bị điện giật. Sau một thời gian thí nghiệm, lập đi lập lại như vậy thì những con chó chạy không thoát đã tập được thói quen là chịu đựng, không tìm cách chống đối hay chạy trốn số phận tuyệt vọng của chúng nữa. Có hàng ngàn cuộc thí nghiệm về hiện tượng tâm lý này, ngoài ra có cả những thí nghiệm dành cho các nhóm người hành động chung. Ba nhóm được đưa vào hoàn cảnh bị tiếng ồn rất khó chịu và họ tìm ra cách phối hợp các hành động để chấm dứt các tiếng động đó. Có nhóm thì sau khi thử đã tìm ra cách nhấn nút kẻ trước người sau theo một trình tự nào đó thì tiếng động ngưng. Có nhóm thì dù thử cách nào cũng vô hiệu quả, tiếng động tiếp tục hay ngừng một cách độc lập. Còn một nhóm thứ ba thì không nghe tiếng động nào hết nhưng được tập nhấn các nút theo trình tự phối hợp với nhau. Sau, người ta đem các người ở những nhóm khác nhau cho thí nghiệm chung, kết quả là những người ở nhóm vô vọng trở thành vụng về kém cỏi nhất trong hành động tập thể để tránh nghe tiếng động.

Có thể nói là nhiều nhà trí thức, người làm văn nghệ cũng như người nghiên cứu sử học ở nước ta đã lâm vào tình trạng “tập khí tuyệt vọng” đó. Họ cần phải tập sống tự do lâu rồi mới tập được thói quen suy nghĩ độc lập.

Các phiên tòa án nhân dân kết tội Phan Thanh Giản đã chấm dứt từ lâu. Ðiều đáng lo là nhiều người thấy Đảng Cộng sản bắt đầu “đánh giá lại” Phan Thanh Giản thì cũng cúi đầu chạy theo trào lưu mới. Cụ Phan Thanh Giản không cần đời sau đánh giá. Chúng ta chỉ cần nghe Nguyễn Ðình Chiểu đánh giá cũng biết lòng người dân miền Nam thời đó nghĩ gì. Mà gia đình, con cháu cụ Phan cũng không phải lo giải tỏa mặc cảm. Lúc ở Sài Gòn mỗi lần đến nhà Luật sư Phan Thanh Hy tôi vẫn thấy ông treo tấm hình Phan Thanh Giản mặc triều phục với lòng hãnh diện. Những người cần giải tỏa mặc cảm chính là các sử gia và giới trí thức ở nước ta.

Nguồn: Tạp chí Thế kỉ 21, số 185 (số đặc biệt về Phan Thanh Giản), tháng 9.2004