trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
28.12.2004
Trần Trung Đạo
Tản mạn về SỢ
(Sau khi nghe BBC phỏng vấn ông Tổng Giám đốc Vietnam Airlines)
 
Trong năm 2004, có thể ít có buổi phỏng vấn nào gây nhiều xôn xao trong dư luận hơn buổi phỏng vấn của ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines dành cho đài BBC hôm 8 tháng 12 vừa qua. Trên mạng lưới Internet, hàng trăm trang Web, trong và ngoài nước đều qua cách này hay cách khác, nối âm buổi phỏng vấn dài năm phút này.

Khi được hỏi tại sao Vietnam Airlines lại không mở tuyến đường bay Việt Mỹ cùng lúc với United Airlines, ông Hiển, một cán bộ ngang cấp Thứ trưởng và đảm nhiệm một chức vụ rất nặng về ngoại giao, trả lời: "Bởi vì tôi không thích, bởi vì tôi chưa thích".

Không giống như những ngày đầu với hàng trăm điện thư gởi đến đài BBC, đa số để bày tỏ sự bất bình trước cách trả lời “hơi thiếu văn hóa đấy" (chữ của ông Nguyễn Xuân Hiển), hôm nay, nội dung buổi phỏng vấn đã trở thành chuyện vui cười hè phố. Ít ra, sau nỗi buồn Tiger Cup bị Indonesia đá bại ba bàn trắng, dân Việt trong những ngày cuối năm có một chuyện khôi hài để kể nhau nghe.

Câu trả lời "Bởi vì tôi không thích, bởi vì tôi chưa thích", đã không còn làm nhiều người giận dữ, trái lại, tôi tin sẽ sớm trở thành những câu trích dẫn được dùng quen thuộc trong quần chúng. Tối nay, nếu vợ của anh chàng nghiện ngập nào đó nổi giận khi thấy chàng ta đang vịn cửa vào nhà: "Tại sao anh không chịu cai rượu?" anh chồng đã có cách trả lời: "Bởi vì tôi không thích, bởi vì tôi chưa thích". Tương tự, chiều nay, nếu vợ một nhà thơ nào đó cằn nhằn "Tại sao anh không đi kiếm việc làm, suốt ngày ngồi đó mà thơ với thẩn?" nhà thơ cũng đã thủ sẵn câu thần chú "Bởi vì tôi không thích, bởi vì tôi chưa thích". Trước ngày 8 tháng 12, trả lời như thế có thể dẫn đến "tan đàn xẻ nghé" hay ít nhất cũng vác chiếu ra hè ngủ, hôm nay lại là một lối thoát vui vẻ cả nhà.

Khi nghe buổi phỏng vấn lần đầu, tôi rất giận. Tôi có cảm tưởng ông Nguyễn Xuân Hiển không chỉ mắng anh chàng phóng viên BBC mà còn ám chỉ luôn đến cả những người Việt, trong đó có tôi, vì "xa tổ quốc" nên "thiếu văn hóa". Tuy xa tổ quốc thật nhưng tôi không bao giờ quên học hỏi, thậm chí còn học được nhiều hơn so với lúc ở nhà. Tôi cũng rất ghét những người dùng tổ quốc như chiếc đòn kê, đụng một chút là nhân danh tổ quốc. Khi các ông quan giương cao ngọn cờ tổ quốc cũng là lúc tai họa sắp sửa đổ xuống đầu nhân dân.

Khi nghe lần thứ hai, cơn giận trong lòng tôi lắng xuống bớt một chút. Tự nhủ mình cũng nên nhìn mọi góc cạnh khi đánh giá một vấn đề. Biết đâu hôm ấy ông Tổng Giám đốc có quá nhiều việc khó khăn phải giải quyết trong ngày, hoặc có chuyện không vui nên "giận cá chém thớt" đó thôi. Không nên dùng một trường hợp, một sơ sót để suy diễn cho cả sự nghiệp của một người. Tôi hy vọng đó chỉ là một trường hợp cá biệt, bởi vì nếu mỗi ngày hay mọi buổi phỏng vấn ông đều ăn nói như thế thì Vietnam Airlines còn ra thể thống gì. Dù sao, ông Hiển cũng là người như tôi với tất cả đặc tính vui buồn, thương ghét. Ngày mai sau khi nghe lại, ông sẽ gọi điện thoại hay gởi điện thư xin lỗi anh chàng phóng viên tội nghiệp kia. Nói chung, sau hai lần nghe, tôi thông cảm với ông nhiều hơn là gay gắt.

Tuy nhiên sau khi nghe lần thứ ba, cơn giận giảm xuống rất nhiều sau khi khám phá ra bí mật làm cháy bùng lên cơn giận dữ trong ông Tổng Giám đốc. "Thì ra là vì chữ sợ", tôi tự nói với mình như thế. Anh chàng phóng viên đài BBC vô tình ném cây diêm vào luồng nhiệt khí đang luân lưu trong ý thức ông. Quả thật là như vậy. Nếu anh phóng viên hỏi rằng "Ông không ngại (thay vì sợ) sẽ cạnh tranh với những hãng rất là sừng sỏ trên thế giới?" thì có thể ông Tổng Giám đốc không nổi trận lôi đình lên như thế. Lỗi là tại anh ta nhắc đến một mối ám ảnh, ai cũng mang nặng trong lòng nhưng ít người có can đảm nói ra: Sợ.

Hẳn nhiên không phải lỗi tại anh phóng viên và cũng chẳng lỗi riêng gì của ông Tổng Giám đốc. Sợ là căn bịnh chung của thời đại. Giống như ánh sáng tuy không phải là lý do của bịnh đau đầu kinh niên nhưng mỗi khi bịnh nhân bước vào căn phòng quá sáng hay đèn bật sáng bất ngờ, cơn nhức đầu lại bừng bừng nổi dậy. Anh phóng viên đã bật đèn sáng không đúng lúc nên vô tình làm cho nỗi lo sợ đang đè nặng trong tâm thức của những người lãnh đạo Việt Nam và cũng là một bệnh trạng của xã hội Việt Nam nhiều chục năm nay, chợt bùng lên và phát cháy.

Trong nước, từ một em bé tiểu học cho đến một cán bộ đảng hồng như ráng trời chiều đều có ít nhiều vi khuẩn sợ trong người. Từ những bài tập viết văn cho đến các tiểu luận, biên khảo vẫn nặng phần trích dẫn. Thậm chí trong một bài viết vỏn vẹn hai trang đã hơn một nửa là trích dẫn những câu kinh điển do các "lãnh tụ anh minh" để lại. Trích dẫn không phải để chứng minh cho cái đúng hay che giấu cái dốt của mình, mà quan trọng hơn là để an tâm. Trong nhiều trường hợp, những câu trích dẫn lại không ăn nhập gì vấn đề tác giả đang bàn. Trong buổi họp, nếu ai lên tiếng phàn nàn, phản đối trước một đề nghị nào đó, người chủ tọa chỉ cần dọa "một lần đề nghị đó cũng chính là ước vọng của lãnh tụ anh minh", tức khắc sự phàn nàn dù không ai khuyên răn cũng xẹp đi như chiếc bong bóng xì hơi. Thói quen dựa hơi những người được trao cho quyền "bất khả xâm phạm" trong xã hội, dù còn sống hay đã chết, cũng đều từ sự sợ hãi mà ra. Thói quen đó đã theo thời gian phát triển thành một cố tật trong sinh hoạt văn hóa xã hội tại Việt Nam.

Bịnh sợ hãi còn gây ra hai biến chứng trầm trọng khác là nịnh bợ và đổ thừa. Tôi nhớ có lần đọc một bài viết của một giáo sư trong nước viết về tình thương theo kinh Pháp Cú nhưng lại cố tình nhét cho được vài câu nói của Lenin vào trong bài viết. Một tham luận hết sức nghiêm túc bỗng dưng thành rẻ tiền chỉ vì sự nịnh bợ một cách vô ý thức của tác giả. Trong các bài tự phê bình chính thức hay không chính thức, những lý do khách quan bao giờ cũng nhiều hơn chủ quan. Chậm tiến là vì, nghèo đói là vì, tham nhũng là vì, nhưng tuyệt nhiên không có cái vì nào trong số đó là lỗi của mình.

Sợ là một ý thức hiển nhiên gắn liền với số phận con người. Sợ sống, sợ già, sợ đau, sợ chết, nói chung, sợ tất cả những hiện tượng mà con người luôn phải đối đầu nhưng chưa giải thích được bản chất của chúng. Tôi không biết nhiều về các tôn giáo khác nhưng trong Phật Giáo bản chất của sợ hãi được nhắc nhiều mỗi khi bàn về thuyết Vô Ngã. Vạn vật không có gì là thường trụ và bất biến, tất cả đều do nhân duyên sinh khởi, đến và đi theo luật vô thường. Ta đến với hai bàn tay không và ra đi cũng thế. Cái trong ta mà còn không phải của ta thì tại sao phải tiếc thương, lo lắng, sợ hãi cho những cái không phải của ta.

Trong lãnh vực tâm lý, theo Krishnamurti, sự sợ hãi còn phát xuất từ mặc cảm, và mặc cảm lại là kết quả của sự so sánh. Ông viết: "Cho nên trong cuộc đời chúng ta, cái tình trạng so sánh, cạnh tranh và sự phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một nhân vật hay trở thành người vô danh, thì cũng vậy. Tôi cảm thấy rằng chính cái đó là cội rễ của toàn bộ sự sợ hãi, bởi vì chính nó đã sản sinh ra lòng thèm muốn, tật đố kỵ, thói ghen tị, căm thù." (On Fear, Krishnamurti, bản dịch của Danny Viet). Tâm lý đó, áp dụng vào trường hợp ông Hiển, chính là mặc cảm bắt nguồn từ việc so sánh giữa tài sản khiêm nhượng của công ty ông với 7 chiếc Boeing và 12 Airbus, với nguồn vốn khổng lồ của các hãng hàng không quốc tế.

Trong lúc sự sợ hãi là một phần của số phận con người như vừa trình bày, nó chỉ trở nên tai họa tập thể khi mức sợ hãi phát triển thành một bịnh trạng của cả xã hội, tồn tại như một phần của đời sống văn hóa dân tộc, gây nên những phản động lực cản trở sự phát triển tinh thần của con người và ngăn chận sự thăng tiến của xã hội.

Trong lịch sử của nhân loại thời cận đại, xã hội Liên Xô dưới thời Stalin và Bắc Hàn trong thời Kim Nhật Thành, có thể được xem là những nơi căn bệnh sợ hãi đã bị xã hội hóa đến mức độ gần như toàn diện.

Dưới chế độ toàn trị của Stalin, con người thấy chung quanh họ không có ai là bạn mà chỉ toàn là kẻ thù, kể cả cha mẹ, vợ chồng, anh em, bè bạn. Đảng có kẻ thù của đảng, nhà nước có kẻ thù của nhà nước, nhân dân có kẻ thù của nhân dân. Solzhenitsyn đã viết trong The Gulag Archipelago: "Bất cứ một người lớn nào trong quốc gia này, từ một nông dân hợp tác tập thể cho đến một ủy viên bộ chính trị đều biết rằng chỉ cần một lời nói hay một cử chỉ thiếu thận trọng, ông ta sẽ vĩnh viễn rơi xuống đáy vực ngay." (Any adult inhabitant of this country, from a collective farmer up to a member of the Politburo, always knew that it would take only one careless word or gesture and he would fly off irrevocably into the abyss." (Solzhenitsyn, The Gulag Archipelago). Chủ trương trồng cấy vi khuẩn sợ hãi vào toàn bộ xã hội Liên Xô của Stalin thành công đến mức có lần ông ta cho rằng các cơ quan an ninh trong quần chúng có thể không còn cần thiết. Lý do Stalin tự tin như thế bởi vì sợ hãi đã có thể tự quản được trong chính mỗi con người.

Bệnh trạng sợ hãi tại Bắc Hàn so với Liên Xô còn trầm trọng hơn vì nhiều nơi tại Bắc Hàn con người được thuần hóa đến mức không còn biết sợ là gì. Một phần nhân tính quan trọng trong con người là sợ hãi, đã không còn tồn tại trong ý thức của nhiều người dân Bắc Hàn nữa. Nhận thức của con người họ phụ thuộc hoàn toàn vào một trung tâm chỉ đạo ý thức được điều khiển từ bên ngoài. Nhiều người dân Bắc Hàn hoàn toàn mất ý niệm không gian và thời gian. Ngày tháng và nơi chốn đã bị đổi thay sau khi Kim Nhật Thành xóa bỏ niên lịch AD đang được dùng trên thế giới và thay vào đó bằng lịch Juche, lấy năm sinh của ông ta làm chuẩn. Ví dụ, năm 2000 là năm cuối cùng của thiên niên kỷ đối với phần lớn thế giới nhưng tại Bắc Hàn chỉ mới là năm Juche 99. Trong một bài bình luận của Rodong Sinmun, cơ quan thông tin chính thức của Đảng Công nhân Triều Tiên phát hành ngày 31 tháng 8 năm 1997, viết về Kim Chính Nhất: "Nhân dân Triều Tiên tuyệt đối tôn kính, tin tưởng và theo chân Tướng Quân như Thượng Đế. Tư tưởng quý giá này căn cứ vào sự kiện rằng họ đã cảm nhận một cách sâu sắc sự vĩ đại của Tướng Quân từ đáy lòng họ. Tướng Quân là thầy giáo vĩ đại dạy nhân dân Triều Tiên ý nghĩa thật sự của cuộc sống, là người cha đã ban cho họ đức tính liêm khiết chính trị quý giá và là một ân nhân có trái tim nồng ấm dịu dàng, đã mang đến cho nhân dân Triều Tiên niềm hạnh phúc trọn vẹn... Tướng Quân là cây trụ tinh thần và là vầng thái dương vĩnh cửu của nhân dân Triều Tiên." Nếu lý luận theo quan điểm kinh tế của Mác, khi mức độ xã hội hóa của nền kinh tế đạt đến mức toàn diện, chế độ kinh tế tất yếu sẽ biến thái, thì sự biến thái của các xã hội khống chế bằng nỗi lo sợ toàn diện như trường hợp Bắc Hàn, không có gì khác hơn là mang con người trở về thời nguyên thủy.

Tản mạn về sợ, ngoài ra, để thấy rằng người Việt Nam trong thời đại này may mắn hơn nhiều so với người dân bất hạnh thời Stalin hay người dân đã mất đi tính sợ ở Bắc Hàn, bởi vì dù sao tại Việt Nam sợ vẫn còn là một điều có thực.

© 2004 talawas