trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
7.2.2005
Trần Thị Kim Anh
Vài nét về hoạt động nhạc vũ thời Lê
 1   2 
 
Cho đến cuối thời Lê, dàn nhạc trong cung đình cũng như ngoài dân gian đã khá hoàn chỉnh, điều này Phạm Đình Hổ đã có ghi chép rõ trong Vũ trung tùy bút. Trống đồng vẫn được dùng trong các lễ tế miếu, lễ cứu hộ nhật thực nguyệt thực; trong cung phủ vẫn duy trì các bộ biên chung biên khánh. Về nhạc khúc, ngoài các nhạc khúc dân gian ngày càng phát triển, vẫn còn các nhạc khúc cổ được bảo lưu từ thời Đường - Tống nhưng đã bị biến đổi sai lạc rất nhiều trong quá trình lưu truyền, đồng thời xuất hiện nhiều nhạc khúc mới được cải biên sáng tạo từ các nhạc khúc cổ. Về ca từ thì thường xử dụng các loại thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn, trường đoản cú, lục bát, song thất lục bát cả bằng Hán ngữ và Việt ngữ. Đặc biệt thể thơ lục bát và song thất lục bát vốn là hình thức cơ bản của dân ca, có tính thích ứng rộng rãi khi phối hợp với nhạc khúc, hơn nữa vần điệu của hai loại thơ này khá trầm bổng, bản thân đã có đặc điểm hài hòa của âm nhạc, chỉ cần lúc diễn xướng, chiếu theo tiết tấu trong nhạc khúc, thêm vào những xử lý thích đáng là có thể hoàn chỉnh khúc ca. Vào thời kỳ này lối Hát nói bắt đầu được ưa chuộng, không ít quan viên kẻ sĩ hào hoa đã đặt lời cho lối hát này. Theo nguyễn Đôn Phục, hát nói là những lời nói lối xếp thành vần để mà hát lên, câu hát thì từ 4 chữ đến bảy chữ hoặc chín chữ là vừa, bài hát thì mười một câu là đủ, nhưng cũng có khi một câu dùng đến hai ba mươi chữ, một bài dùng đến mười chín hay ngoài hai mươi câu. Qua mô tả của Nguyễn Đôn Phục có thể thấy ở lối hát này người ta chiếu theo tiết phách của nhạc khúc để điền ca từ thể trường đoản cú vào, mà lối dùng ca từ thể trường đoản cú để điền nhạc khúc chính là thể loại Từ điệu của Trung Quốc. Theo giáo sư Âm Pháp Lỗ thì Từ điệu là một bộ phận của nhạc khúc thời Đường, trong từ điệu thời kỳ đầu, có rất nhiều là Giáo phường khúc, Giáo phường khúc là nhạc khúc rất thịnh hành ở thời Đường. Tuy nhiên có thể trong quá trình lưu truyền, nhạc điệu của lối hát nói đã trở nên khác xa với từ điệu của Trung Quốc, điều này phải chăng chính là điều Phạm Đình Hổ nói đến trong Vũ trung tùy bút :”Về những cái gọi là cổ xưa thì chỉ còn lại các xoang điệu của Giáo phường ngày xưa, nhưng đôi chỗ lại xen giọng mới vào”. Nói về điều này chúng tôi hy vọng từ những đường dây liên quan rất mờ nhạt đó, các nhà chuyên môn may chăng có thể lần tìm được nguồn gốc của thể loại Ca trù.

Tóm lại do những cách tân và phát triển nghiêng thao hướng dân gian của nền nhạc vũ thời Lê mà nền nhạc vũ Việt Nam cho đến đây đã trở nên hết sức phong phú, mang đậm bản sắc phong tục và tính cách của người Việt. Có lẽ chính vì vậy mà trong hệ thống yến nhạc của cung đình nhà Thanh, “An Nam nhạc” được xếp vào một trong tám loại nhạc vũ của vùng biên cương và các nước láng giềng.

Tại thư viện Viện Hán Nôm có lưu giữ một cuốn sách mang tên Khảo giáo phường thức ký hiệu VHv1812, gồm 8 trang, khổ 26 x 16cm, nội dung chép về cách thức khảo giáo phường của bộ Lễ ở thời Lê. Đây chỉ là một cuốn sách nhỏ nhưng là một tài liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu nhạc vũ cỏ truyền và góp phần tìm hiểu phần nào diện mạo giáo phường thời Lê. Vì vậy để cung cấp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này, dưới đây chúng tôi xin được lược dịch nội dung cuốn sách:

  1. Lễ Nhập tịch Tàng câu: Thế nào là Tàng câu: chính trung đường (nhà chính giữa). Thế nào là Kỳ phúc: tế các vị đế vương đời trước và thần kỳ các xứ. Thế nào là Xướng nhi - Chế giễu người làm cha mẹ. Thế nào là Thị xướng - ca vũ khôi hài. Thế nào là Xướng ưu - đánh trống cầu sự vậy. Thế nào gọi là Thường ban - tài năng bách nghệ vậy. Thế nào là trước hết phải xuất Tàng câu - ly bì quy tả, nguyên Phật tổ xuất hiện bên tả, trước hết lấy ly bì (một cặp da nai) [1] , trước hết đánh ba hồi trống (một là Sài lang, có ý rước thần đến ngôi vị. Hai là Tiên nữ (Tiên lữ?) [2] , là để an các thần vị. Ba là Bào lão, là để trừ tà diệt quỷ). Đời đời truyền rằng từ thời Tam hoàng đế có kiến lập Tàng câu và đàn tràng múa rối, khi pháp môn tề tập hội họp tụng kinh Phật thì bị rất nhiều quỷ thần quấy rối, không thể tụng kinh được, do đó mới nhờ đức Phật lập Địa tạng đàn, Nhập tịch Tàng câu, cùng quỷ thần xem. Từ đó về sau, tự cổ chí kim, dùng lễ này để cầu phúc, cầu thần, cầu thọ cho được dài quốc mạch, xin Thần Phật giữ gìn đất nước, bảo hộ cho dân.

    • Lập Tàng câu: Phật sai Địa tạng là Đinh Thiên Hương làm Quản giáp, sai mĩ nữ là Câu Dặc làm Đào nương. Phật truyền pháp ấn, trước hết người nam dùng 10 ngón tay múa Án ma vũ, một vái trời, hai vái đất, ba vái thần, vái tả hữu hai bên. Bày trống bên tả chiêng bên hữu để an thần vị.

    • Trống có trống chầu, trống cái và trống cơm. Trống cơm là trống trừ tà ương. Đánh thông 3 hồi, ứng vào trống Tam phủ là Thiên phủ, Thủy phủ, và Địa phủ. Hồi thứ nhất là “bông bông tập, tầm tầm tập, bông tầm tầm bông tập, bông bông tầm tập, tầm tầm tập”, hồi trống này thuộc dương khí nên gọi là Thiên phủ. Hồi thứ hai là: “tầm bông tầm bông, bông bông tầm bông”, thuộc âm khí nên gọi là thủy phủ. Hồi thứ ba là: “tầm bông bông tầm bông”, cũng thuộc âm khí nên gọi là Địa phủ.


  2. Bộ Lễ khảo các cách Thị xướng (Thi xướng là hát múa trước mặt Thần Phật, gọi là hát chầu): Trước tiên là nhập Tàng câu: Trống đánh ba hồi xong, trước chúc thánh, sau chúc thọ, chúc lần đầu, nam tay cầm trống nhỏ, nữ mặc áo đỏ tay cầm trống cái, làm một vài trò. Chúc lần hai, nam tay cầm ngũ xuyên bản [3] , làm một vài trò. Chúc lần ba, nam tay cầm sênh làm một vài trò. Chúc lần bốn nam tay cầm chiêng nhỏ làm một vài trò. Chúc lần năm, nam đeo trống cơm làm một vài trò. Quản giáp hướng ra ngoài tung hô ba tiếng…

    • Trống liền ba cách: Hồi trống đầu ứng thiên, pháo kép, kép đeo trống cơm vào giáo rằng: “Trống này chỉn thực hiệu Sài lang / Trống đánh ba hồi kêu nỏ nang”. Hồi thứ hai ứng địa, trừ tà diệt quỷ, một tiếng pháo âm vang ba lần, dùng pháo tam tài tích mật (?). Hồi thứ ba ứng nhân, đào mặc áo đỏ ra giáo pháo, kép đốt ba cái pháo, hễ đốt một tiếng pháo thì khảo quan điểm một tiếng trống, rồi lại gióng ba, trống trước mở đường, trống sau dõi theo.

    • Cách Chướng tử ca: Kép đeo đàn vừa gẩy vừa giáo rằng: “Điếm thơ vâng bảng làng, là cách Chướng tử ca”. Nam nữ hướng mặt ra ngoài câu lơn, hoặc dùng bài Tam hữu, hoặc Tứ dân tứ thú, hoặc Chúc thánh trung hưng hay Tam hoàng ngũ đế để hát thì tùy ý.

    • Nữ diễn cách Thanh giang dẫn (dùng nhạc Thái bình, Đường Huyền tông nhớ Dương Quý Phi làm Thanh giang dẫn). Kép gẩy 5 cung đàn, đào dẫn hương, múa vòng vèo 3 lần, hai đào nương áo đỏ và kép thổi tiêu nhịp nhàng tiến lui như kiểu múa của phương Bắc. Kép giáo: “Đào nghênh hương dâng tiến”, đôi khi dùng nhạc Cửu thiều.

    • Cách Vọng giang nam: Dùng áo xanh áo trắng, giọng hát tiền bần hậu phú. Nam nữ quay lưng vào nhau, kép gẩy đàn Ngũ cung lạc độ (?), quay mặt hà đông, đào mặc áo trắng, quay mặt hà tây, đứng như cây khô không được động đậy, hát như mai hoa lạc địa. Khảo quan thì dừng đánh trống mà nghe. Hát đến câu “Chức nữ gặp Ngưu lang”, đào kép đều trở mặt lại chính hương án.

    • Cách Bát đoạn hành chinh: Dùng cách Thành công, sau khi dùng Thành công cách xong, kép mới đội mũ lông đứng vào nói vặt bát đoạn. Đoạn Quá hà liễu, Kép xướng “Ớ vậy”, nam nữ đối đáp nhau pha trò cười.

    • Cách Chinh phu: Đào dùng dằng hát: “Là ưng ưng đẩy xe khiển tướng, đã nên trai độ lượng dung khoan, phò sứ tây đã yên, ối là đột pháo xông tên chiến trường” v.v. Kép thời mới chỉnh mũ áo vào than vãn.

    • Cách Tam giáo: Kép giáo rằng: “Thánh chúa vạn niên, Tam giáo tư truyền, là Nho Đạo Thích (Nho: học; Đạo: phù thủy; Thích: đọc kinh)

    • Cách Thơ phòng: “Mặt Nghiêu chói chói in Càn tượng / Mày Thuấn làu làu áng Thái sơn”. Hát rồi lại vãn.

    • Cách Nam nữ trình đàn: Kép thì gảy đàn ngũ cung, đào thì vãn ngũ cung, rồi lại hát cách Già nam (Già lam?)

    • Cách Sĩ nữ du xuân: (dùng Chế châu?) Hát huê tình, nam hóa làm nữ, nữ hóa làm nam mà đi chơi xuân

    • Cách Nam án ma vũ: Trước tiên cầm ấn Tam tài Tý Sửu Dần…, bày bùa ngũ phương, nhất bái thiên, nhị bái địa, tam bái thần. Ngón cái của tay trái áp vào tay phải ấn 12 thì thần (12 giờ) gồm Tý Sửu Dần Mão v.v. Tý thì, 2 tay vỗ cùng hai bên, Sửu thì, hai tay giơ lên, Dần thì, tay phải nắm lấy cổ tay trái (…) Thân thì, xoa từ đỉnh đầu đến thắt lưng…

    • Cách Nữ án ma vũ: Đào mặc áo đỏ áo tía uốn ngón tay mà múa, tay tả vẫy bách phúc nhập tả, tay hữu tống chư tai xuất hữu.

    • Cách Bạch quán chỉ: Nam thời trình tên, đào dẫn làng họ, báo danh ở xã huyện phủ nào, là tên gì?

    • Múa Nghênh tiên phượng: Tục gọi là cách Xướng tầng (hát từng), nam tay cầm chiêng nhỏ, đào đứng đối diện phía bên trái, tay cầm trình xuyên bản. Đánh chiêng, nữ đội mũ lông kiểu Hồ. Nam hát nữ múa.


Đây là một văn bản được viết lẫn Hán với Nôm cả về từ ngữ lẫn cú pháp nên rất khó hiểu, ở đây chúng tôi diễn dịch lại theo cách hiểu của mình, e rằng còn nhiều chỗ chưa chuẩn xác, bạn đọc nếu cần tìm hiểu nên xem thêm bản gốc. Tuy nhiên đây thực sự là những tư liệu quý, nếu kết hợp xem xét cùng với phần Thể lệ về âm nhạc trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn sẽ cho thấy phần nào về chương trình biểu diễn của Giáo phường thời Lê. Có thể thấy hầu như toàn bộ những gì được mô tả ở đây đều không có trong nội dung biểu diễn của Giáo phường sau này mà chúng ta đã được biết. Ngoài ra trong chương trình diễn xướng ở đây, ngoài những lời ca điệu hát do người Việt sáng tạo, dấu ấn của các nghi lễ Đạo giáo, Phật giáo, cùng các nhạc khúc và vũ điệu Trung Hoa. vẫn phảng phất trong nhiều điệu cách. Chẳng hạn cách Thanh giang dẫnVọng giang nam nguyên là các từ điệu nổi tiếng thời Đường - Tống, hay như Bào lão nguyên là hý kịch đời Tống, tiết mục này ở Trung Quốc diễn viên mặc quần áo hoa nhũ, vẽ mặt xõa tóc, miệng nhe răng sói, phun khói lửa như hình dạng quỷ thần, đeo thanh la nhảy múa tiến lui, mang tính chất diệt quỷ trừ tà. Còn như Bát đoạn cẩmÁn ma vũ thì nguyên là thuật dưỡng sinh kiện thân của Đạo gia, tương truyền do Chung Ly tổ sư đặt ra, có hai loại văn và võ. Loại văn thuộc về công phu tĩnh tọa án ma (xoa bóp) để dẫn khí lưu thông. Điệu múa Án ma vũ của nam vừa trình bày ở trên cũng tương tự thuật này. Hơn nữa cách phục sức như đội mũ lông kiểu Hồ là có nguồn gốc Trung Quốc, hay khi mô tả điệu múa của cách Thanh giang dẫn cũng có nói rõ là “nhịp nhàng tiến lui như kiểu múa phương Bắc”.

Ngoài ra qua đây còn được biết lễ Nhập tịch Tàng câu mang ý nghĩa là lễ bày tiệc và các trò du hí mời Phật và quỷ thần cùng về yến hội để ban phúc trừ tà bảo hộ nhân dân. Hơn nữa nội dung diễn xướng còn bộc lộ rất rõ màu sắc Tam giáo, do đó có thể đoán định nội dung diễn xướng ở đây là của Giáo phường thế kỷ XVII - XVIII.

Tìm hiểu về lịch sử nền nhạc vũ dân tộc là một vấn đề khó, hơn nữa đối với một người ngoại đạo thì lại càng khó hơn. Trên đây chúng tôi đã mạo muội trình bày đôi chút những hiểu biết nông cạn của mình về vấn đề này, chắc hẳn sẽ có rất nhiều sai lầm, rất mong nhận được sự chỉ giáo của các bậc thức giả.



Mục lục sách tham khảo:

  1. Ca trù nhìn từ nhiều phía. Nhiều tác giả. Nguyễn Đức Mậu giới

    thiệu và biên soạn. Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội. 2003

  2. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 1993

  3. Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù. Nguyễn Xuân Diện. Nxb Khoa học xã hội. Hà

    Nội. 2000

  4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 1998

  5. Lê Quý Đôn toàn tập. Tập II. Kiến văn tiểu lục. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội

    1987

  6. Lê triều hội điển. Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Ký hiệu A.52

  7. Lịch sử âm nhạc Việt Nam (từ thời Hùng Vương đến thời Lý Nam Đế). Lê Mạnh

    Thát. Nxb TP Hồ Chí Minh. 2001

  8. Một bức ký họa về xã hội nước ta thời Trần. Bài thơ “An Nam tức sự” của Trần

    Phu. Trần Nghĩa. Tạp chí văn học số 1 năm 1972

  9. Quốc triều khám tụng điều lệ. Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Ký hiệu

    A.2755bis

  10. Thiên Nam dư hạ tập. T.9 - 10. Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Ký hiệu

    A.334

  11. Thơ hát nói. Hoài Yên và Nguyễn Xuân Diện. Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội. 2003

  12. Trung Quốc cổ đại văn hóa sử. T2. Âm Pháp Lỗ và Hứa Thụ An chủ biên. Bắc

    Kinh đại học xuất bản xã. Tái bản lần thứ 5. Bắc Kinh. 1996.

  13. Từ Nguyên. Thương vụ ấn thư quán. Bắc Kinh. 1997

  14. Từ Điển Nho - Phật - Đạo. Lao Tử - Thịnh Lê. Nhóm Mai Xuân Hải dịch từ

    nguyên bản tiếng Trung Quốc. Nxb Văn học. Hà Nội. 2001

  15. Vũ Trung tùy bút. Phạm Đình Hổ. Trần Thị Kim Anh khảo cứu văn bản, giới

    thiệu và dịch. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 2003




Tác giả: Trần Thị Kim Anh, Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam, dịch giả Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tuyển tập thơ Phạm Đình Hổ, tác giả nhiều bài viết trên các tạp chí nghiên cứu.

© 2005 talawas


[1]Chưa tra tìm được xuất xứ.
[2]Đây có thể là chữ Tiên lữ bị phát âm sai, Tiên lữ là một trong những cung điệu của nhạc khúc.Thiên Nhạc chí trong Tống sử cho biết: “Cung thanh có 7 điệu là Chính cung, Cao cung,, Trung lữ cung, Đạo cung, Nam lữ cung, Tiên lữ cung, Hoàng chung cung, đều sinh ra từ Hoàng chung.
[3]Ngũ xuyên bản: Chưa rõ là nhạc cụ gì, có thể là phách xâu tiền