trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
16.1.2004
Liá»…u TrÆ°Æ¡ng
Tuổi hai mươi yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp hay một giải thoát cho con người
 
Trong một bài đăng ở báo Mercure de France, năm 1806, Louis de Bonald tung ra một câu về sau trở nên nổi tiếng, đó là: "Văn chương là sự biểu hiện của xã hội". Ở Âu châu, thế kỷ 19, mối tương quan giữa văn chương và xã hội đã được các nhà phê bình như bà de Stael, Taine, và các nhà triết học như Hegel, Marx bàn đến. Họ đã dần dần đặt nền móng cho ngành phê bình xã hội học. Qua thế kỷ 20, Georges Lukacs, Lucien Goldmann và Mikhail Bakhtine được xem như những người đã đi tiên phong trong ngành phê bình này. Khi đề cập đến tính độc đáo của môn xã hội học về văn học, Jean-Yves Tadié [1] nhắc rằng xã hội có trước tác phẩm, bởi vì nhà văn phụ thuộc xã hội, phản chiếu, biểu hiện xã hội và tìm cách biến đổi xã hội. Xã hội hiện diện trong tác phẩm vì tác phẩm mang dấu vết và sự miêu tả của xã hội. Điều này hiện rõ trong "Tuổi hai mươi yêu dấu", tác phẩm mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Chưa bao giờ Nguyễn Huy Thiệp cho chúng ta thấy một xã hội Việt Nam đậm nét như thế. "Tuổi hai mươi yêu dấu" xuất hiện như một bùng nổ, đây là tiếng nói của phẫn nộ và là cái nhìn phanh phui, mổ xẻ những vấn đề của xã hội đương đại.

"Tuổi hai mươi yêu dấu" là một tiểu thuyết dài cỡ trung bình. Hình thức truyện của Nguyễn Huy Thiệp có hai nét đặc trưng đã thấy trong các truyện ngắn của ông, đó là việc xen kẽ thơ trong truyện và việc mở đầu truyện bằng một câu dẫn của một tác giả khác (épigraphe). Hai nét đặc trưng này vẫn tồn tại trong "Tuổi hai mươi yêu dấu", đặc biệt việc dùng câu mở đầu một cách triệt để trở thành một hiện tượng: có 36 câu mở đầu cho 30 chương. Cách trình bày truyện như thế tất nhiên có một dụng ý. Chỉ riêng các câu mở đầu trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp cũng đủ để tạo nên một đề tài nghiên cứu văn học. Đề tài rộng rãi đó không thể được lồng vào khuôn khổ của bài này.

Với "Tuổi hai mươi yêu dấu", người ta phát hiện một Nguyễn Huy Thiệp của tuổi trẻ, của phẫn nộ, của một giai cấp xã hội không có tiếng nói: giai cấp người nghèo. Nhân vật Khuê "tuột xích" và tuột luôn xuống địa ngục, kéo theo người đọc xuống tận đáy địa ngục để nhìn thấy bộ mặt trái của xã hội. Tác giả cũng gửi qua "Tuổi hai mươi yêu dấu" một thông điệp về nhân sinh quan của mình. Mặt khác, cách dựng truyện làm nổi bật một cấu trúc vòng tròn để trở về khởi điểm.

Khuê, người kể truyện, là một sinh viên 20 tuổi, con của một nhà văn nổi tiếng, Khuê có người anh học về khoa điêu khắc. Được mẹ nuông chiều và có một cuộc sống thoải mái, người con trai sinh tật bỏ học và ăn cắp tiền của bố mẹ. Bị bố tức giận đánh và đuổi ra khỏi nhà, Khuê bắt đầu đi lang thang trong thành phố Hà Nội, bị bạn là Thanh nhạn lôi cuốn vào nạn ma túy, về sau Khuê trở nên ghiền heroin. Trong một cuộc đua xe máy, Hải Anh, một người bạn mới quen, bị tai nạn, Khuê đưa Hải Anh vào bệnh viện và lo chạy tiền để trả cho bệnh viện. Khi việc chạy chữa cho Hải Anh đã xong xuôi, Khuê đến Gia Lâm và quen với hai cô điếm: Tuyết và Hương. Hương giới thiệu Khuê với bọn buôn lậu để giúp Khuê kiếm tiền sống. Khuê lãnh công việc chuyển một số tiền lớn lên Lạng Sơn. Sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ, Khuê được thưởng một gói heroin. Rời Lạng Sơn, Khuê đi theo một nhóm người Công giáo và một linh mục, cha Thảo, về họ đạo của họ. Sau đó Khuê bị cha Thảo đuổi khỏi họ đạo vì hít heroin. Khuê leo lên một xe tải, xe này đi về phía Hải Phòng. Khi người tài xế khám phá sự hiện diện của Khuê trên xe, anh ta đánh Khuê tơi bời. Tình cờ có nhà thơ Nhan Như Ngọc, bạn của bố Khuê, đi qua đấy, ông liền cứu Khuê. Khi nhận thấy Khuê nghiện ma túy, nhà thơ Nhan Như Ngọc giúp Khuê ra khỏi tình trạng nguy nan bằng cách tạo cho người con trai một hoàn cảnh để tự lo thân và tự cứu mình. Do đó Khuê bị đẩy ra biển, khi tỉnh dậy thấy mình ở trên một đảo hoang và đoán mình đang ở trong vùng vịnh Cát Bà. Một người dân vùng vịnh, ông Hào, đến hái đu đủ trên đảo, gặp Khuê, ông giúp Khuê có phương tiện để sống ở vùng biển. Chẳng bao lâu Khuê bắt đầu một cuộc sống lành mạnh giữa những người dân chất phát. Một hôm vào hiệu hớt tóc, Khuê đọc xấp báo cũ và tình cờ thấy tin bố đã mất. Cái chết của bố làm chấn động tinh thần của Khuê. Khuê quyết định trở về với đời sống bình thường vì đã biết thế nào là giá trị của cuộc đời.


Khi tuổi trẻ nổi loạn

Ở phương Tây, tuổi trẻ nổi loạn là chuyện bình thường. Tuy thế, biến cố tháng 5 năm 1968 ở Pháp đã ồ ạt xảy đến, gây nhiều kinh ngạc và đảo điên trong xã hội. Từ Đại học Nanterre, cuộc nổi loạn của sinh viên lan tràn khắp nơi và chẳng bao lâu đã gây một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội. Biến cố đó đã đi vào lịch sử để đánh dấu sự chống đối của tuổi trẻ với xã hội tiêu thụ, với một hệ thống văn hóa giáo dục chỉ có lợi cho giai cấp tư sản, v.v… Tinh thần tháng năm sáu mươi tám đã biến đổi xã hội Pháp.

Ở ta, giáo dục truyền thống và giáo dục của chủ nghĩa xã hội đào luyện những con người luôn luôn khuất phục trước kỷ cương đã được thiết lập. Nếu con người có nổi loạn thì chỉ là một nổi loạn âm thầm, ngấm ngầm. Do đó "Tuổi hai mươi yêu dấu" đến với người đọc như một bộc phát: tuổi trẻ đã có một tiếng nói mới mẻ, tiếng nói của nổi loạn, dù là một nổi loạn còn hiền lành, chập chững của một cá nhân.

Mở đầu truyện, câu "Chẳng ai hiểu cóc khô gì" được gào lên để báo hiệu sự phẫn nộ. "Chẳng ai hiểu cóc khô gì" là một mệnh đề phủ định để phủ nhận mọi giá trị, mọi tổ chức trong xã hội. Khuê có một thái độ chống đối gia đình: "Từ bản năng, tôi ngấm ngầm căm ghét gia đình tôi thậm tệ. Sự từng trải, hiểu biết của bố tôi… sự chu đáo tận tụy của mẹ tôi… sự lên mặt đạo đức khôn ngoan của thằng anh tôi… Tất cả những điều như thế khiến tôi lộn mửa" (tr. 2). Khuê hằn học khi nói đến người anh : "Thằng anh trai ngu xuẩn của tôi", "Hắn luôn chê bai người khác dù rằng ngay bản thân hắn làm việc thì như chó ỉa" (tr. 42). Ngoài gia đình, việc chống đối mãnh liệt của Khuê hướng về nền giáo dục. Trường trung học của Khuê là "cái trường tư thục khốn nạn". Ở đại học : "Bọn giáo sư đại học ăn diện và vô đạo đức nói nhăng nói cuội ở trên bục giảng […] Nền giáo dục trung học và đại học theo tôi là một nền giáo dục ngục tù, khủng bố […] Nó là một nền giáo dục đào tạo lưu manh " (tr.2-3). Khuê vạch rõ tính chất áp bức của việc giảng dạy môn chính trị cho sinh viên. Tuổi trẻ dị ứng với môn học này: "Càng nghe, thú thực là bản thân tôi càng thấy ù ù càng cạc. Bọn sinh viên đều như thế hết nhưng tất cả đều giả vờ như nghiêm túc lắm. Đến giờ giải lao, tất cả ồn ào, ồ lên như vừa thoát nạn tra tấn…" (tr. 8). Giới cầm quyền cũng không tránh khỏi sự phẫn nộ của Khuê: trong các phiên họp Quốc Hội, các nghị sĩ ngủ gật, "một lũ người thối tha dốt đặc", "chơi trò dân chủ trên tivi". Bằng một giọng bi quan, chán chường, Khuê nhận xét: "ai cai trị cũng thế thôi", vì Khuê đã mất niềm tin: "Tôi xin nói rằng tôi chẳng hiểu cóc khô gì về lịch sử và quan điểm chính trị ở Việt Nam trong vòng một trăm năm nay vì hình như nó đều được viết ra một cách dối giá và mâu thuẫn với nhau kinh khủng" (tr. 27).

Đối với nghệ thuật, Khuê có cái nhìn tiêu cực: các diễn viên cải lương là "giống xướng ca vô loài", trường đại học Mỹ thuật là "một sự minh chứng cho thói phù phiếm, đỏng đảnh (đôi khi xa xỉ và hão huyền) của nghệ thuật", còn điện ảnh là "một môn nghệ thuật của bọn nhà giàu… điện ảnh ở ta thật khó ngửi."
Cái nhìn tiêu cực của Khuê trở nên tàn nhẫn đốùi với những người đi tìm giải trí trong công viên nước: "Những người đàn bà sồn sồn đứng tuổi có khá nhiều và tôi phải nhắm tịt mắt trước những mâm thịt xồ xề đó. Thật là tởm lợm… Mấy ông chồng bụng phệ mặc quần bơi lim dim mắt ngắm bọn gái trẻ đi qua. Thật là kinh tởm không sao tưởng được!" (tr. 10)

Đối với các bạn gái trung học lấy chồng sớm, cũng cái nhìn tàn nhẫn: "Tôi muốn nhổ toẹt vào thứ hạnh phúc ấy."

Khuê kết luận: "Thời của tôi đang sống là thời chó má […] Tin tôi đi, thời của tôi là một thời khốn nạn."


Một xã hội dưới quyền thống trị của đồng tiền

Ra khỏi nhà, Khuê bắt đầu khám phá những tệ đoan trong xã hội. Ở Hà Nội, tiệm cầm đồ mọc lên như nấm, chủ tiệm tha hồ hốt bạc.

Tổ chức y tế là một tổ chức bất công, bóc lột người nghèo. Trong bệnh viện X - bệnh viện này mang cái tên mỉa mai là "Bệnh viện tình thương" - một người bị tai nạn, gẫûy chân, như trường hợp Hải Anh, bạn của Khuê, muốn được bác sĩ mổ phải đóng tiền ở nhiều cấp: khởi đầu là cô y tá trực ban bắt đóng 300 nghìn đồng tiền nhập viện, sau đó một cô y tá khác bó bột, khi cô này làm xong công việc, phải dúi vào túi áo cô 50 nghìn đồng, đến lượt người nhân viên X. quang lấy 100 nghìn đồng, sau đấy phải nộp cho phòng tài vụ 200 nghìn đồng tiền hao mòn dụng cụ y tế, cuối cùng phải cám ơn bác sĩ đã mổ thành công với số tiền tối thiểu là 500 nghìn đồng. Nếu là bệnh nhân giàu thì được phục vụ tốt, ở phòng đặc biệt, hạng khách sạn ba sao.

Sau khi đã làm quen với ma túy, Khuê đi vào thế giới của mãi dâm và buôn lậu. Các xóm Liều ở ven thành phố là nơi mà xã hội đen hoành hành. Nhưng chính ở Lạng Sơn, xã hội đen mới có một bộ mặt đáng sợ : bộ mặt của con bạch tuộc tuy vô hình nhưng hoạt động khắp nơi, điều khiển mọi sinh hoạt. Lạng Sơn, một thành phố nhỏ, nên thơ ở biên giới, đã thay hình đổi dạng. Một nền kinh tế dựa trên ma túy và buôn lậu đã làm cho đời sống ở nông thôn bị đảo lộn. Những hoạt động kinh tế truyền thống bị bóp nghẹt vì hàng hóa Trung Quốc lan tràn khắp nơi. Người nông dân bỏ làng lên thành thị kiếm sống, đàn ông làm nghề chuyên chở hàng hóa (cửu vạn) hay xây cất nhà cửa, đàn bà đi giúp việc trong các gia đình giàu, con gái làm nghề mãi dâm. Ngoài ra, sức mạnh của đồng tiền cũng làm cho thiên hạ đổ xô đi tìm vàng ở Thái Nguyên, ở Quảng Nam và đưa đến việc buôn lậu chất xianua (cyanure), một chất hóa học dùng để kết tủa lấy vàng nguyên chất, nguy hiểm cho con người và cho môi sinh.

Cái hố giữa người giàu (dân khệ) và người nghèo ngày càng sâu hơn. Tiền của người giàu có khi không phải là đồng tiền lương thiện. Bố của Dung "làm giám đốc giám điếc tòa án gì đấy ở dưới Quảng Ninh, bố nó kheä vì bố nó là một tên ăn cướp ban ngày." Người giàu thiếu tình thương người, như Dung dửng dưng khi nghe tin Huyền sắp chết, thiếu phẩm cách như ông Lê Bình, giám đốc công ty Đại Sơn, ăn nói tục tĩu, nhưng lại được trọng nể và được gọi là "đại ca". Người nghèo có thái độ cúi đầu, chịu đựng. Trong bệnh viện X, những bệnh nhân nghèo bị dồn vào một căn phòng quá hẹp, thiếu vệ sinh, không được săn sóc như người giàu, nhưng họ an phận, chịu đựng bao cực khổ, không oán trách ai, chỉ đổ lỗi cho số phận. Có những người nghèo chấp nhận đem phẩm giá của mình để đương đầu với những khó khăn của cuộc sống và để đánh đổi một sự thừa nhận nào đó: "Làm đĩ mà không sang thì đi làm đĩ làm gì?". Sau khi hiểu hoàn cảnh và tấm lòng tốt của cô cave Hương, thang giá trị của Khuê bắt đầu lung lay, ranh giới giữa người tốt và người xấu trở nên lu mờ.

Giá trị của đồng tiền trong xã hội Việt Nam được cô cave Hương tóm tắt như sau: "…kiếm tiền ở đời rất khó, ở ta nếu kiếm được hàng chục triệu nghĩa là ở đấy ắt có nhục nhã, có mồ hôi nước mắt; còn nếu kiếm được hàng trăm triệu nhất định ở đấy ắt có dính đến máu người" (tr. 57).

Khi vạch trần những tệ đoan, phải chăng Nguyễn Huy Thiệp đã cho những người nghèo, những nạn nhân của xã hội một tiếng nói? Và đồng thời tự cho mình một vai trò mà Albert Camus đã đề cập đến, trong bài diễn văn đọc tại Stockholm, năm 1957, nhân dịp ông lãnh giải thưởng Nobel: "Vai trò của nhà văn […] gắn liền với những nhiệm vụ khó khăn. Theo định nghĩa, nhà văn hôm nay không thể phục vụ những người làm lịch sử, mà phục vụ những người chịu đựng lịch sử." [2] ?


Một nhân sinh quan vượt xa những quan niệm thông thường

Tác phẩm văn học thường phản ánh những trăn trở, những khắc khoải nhân sinh của tác giả, có khi là những ám ảnh về đạo đức, về siêu hình, v.v… "Tuổi hai mươi yêu dấu" của Nguyễn Huy Thiệp nêu lên một nhân sinh quan mà trọng điểm là sự trở về với thiên nhiên và sự giải thoát con người khỏi những ảo tưởng.

Trước hết con người phải tự cậy vào sức mình, phải tự cứu mình. Sự giải thoát của Khuê bắt đầu bằng huyền thoại Robinson Crusoe, khi Khuê bị đẩy ra hòn đảo hoang, phải tự tìm kiếm thức ăn, tự tìm chỗ ẩn trú. Lần đầu tiên Khuê sống một mình giữa thiên nhiên và có một bản năng sinh tồn mạnh mẽ như Robinson.

Trong văn học phương Tây, có những nhân vật nổi tiếng đã đi vào truyền thuyết và trở nên những huyền thoại hiện đại như Don Juan, Faust hay Robinson Crusoe. Huyền thoại Robinson Crusoe nảy sinh với cuốn tiểu thuyết của Daniel Defoe, ra năm 1719. Nhân vật của Defoe thể hiện giai cấp tư sản Anh và những khát vọng của giai cấp này. Vào thời đại mà sự công nghiệp hóa có xu hướng đẩy mạnh việc chuyên môn hóa sức lao động, truyện Robinson Crusoe nêu cao sự luyến tiếc cái thời mà người thợ thủ công có nhiều xảo thuật và có thể tự mình thực hiện một tác phẩm. Ngoài ra, sự tán dương việc lao động trong truyện có một ý nghĩa tôn giáo: lao động là một phương tiện cứu rỗi, là một sự đền tội để được cứu vớt sau khi đã sa ngã. Robinson phạm tội vì đã không vâng lời người cha khi ông muốn Robinson tránh nghề thủy thủ. Do đó đảo hoang hiện đến như một địa ngục.

Tại sao một truyện phản ánh một thời đại, một xã hội, một giai cấp như thế lại trở nên một huyền thoại của thế giới ? Làm sao một nhân vật thuộc một dân tộc, một thời đại lại có thể là người anh hùng gương mẫu cho tất cả mọi dân tộc, một anh hùng gần như siêu phàm? Thế mà sự kiện đã trở nên hiển nhiên và được hàng nghìn truyện trên thế giới lặp lại, luôn luôn dưới những hình thức biến đổi, nhưng không bao giờ làm thay đổi những ý nghĩa cơ bản của nguyên tác.

Sự trôi giạt của Robinson và của Khuê đến một hòn đảo hoang có cùng một lý do: phạm lỗi đối với người cha. Đối với nhân vật của Daniel Defoe, hòn đảo là địa ngục, đối với Khuê, hòn đảo là khởi điểm của con đường thoát khỏi địa ngục. Khuê thấu hiểu ý nghĩa cuốn sách của Daniel Defoe: "… nó là tiếng nói "không" với thế giới con người ích kỷ…". Nguyễn Huy Thiệp đã chọn huyền thoại Robinson để từ chối một xã hội bị đồng tiền thống trị, để hô hào sự trở về với thiên nhiên, với con người khi chưa bị nhiễm những tệ đoan, tức con người có tâm hồn chất phát. Nói tóm lại, tác giả đề cao "bản lai diện mục".

Một nhân sinh quan hướng về thiên nhiên, đồng thời có cái nhìn bi quan về con người. Con người xây dựng cuộc sống của mình trên ba ảo tưởng. Trước hết nền giáo dục từ trong gia đình ra ngoài xã hội đem lại những kiến thức phiến diện và lạc hậu, chỉ có lợi cho cơ chế chính trị hiện hành, cái nguy hại của một nền giáo dục như thế là nó làm cho con người rời xa bản năng tự nhiên, không còn biết "bản lai diện mục" là gì. Tiếp theo là giới tính làm nảy sinh ảo tưởng về tình yêu. Cái mà người ta tưởng là tình yêu chỉ là bản năng tình dục, cuối cùng con người bị đày vào cô đơn. Ảo tưởng sau cùng là ảo tưởng không bao giờ chết, trong khi con người bị cái chết luôn rình rập.

Ngược lại với cái nhìn bi quan, tiêu cực đó, giá trị của thơ văn được khẳng định. Thơ được chia làm ba loại : thơ thiên thần, thơ của lửa, của khởi nghĩa và thơ hạ cấp. Thơ có một giá trị rất cao vì được định nghĩa như "Mẹ của mọi hình thức sáng tạo". Vai trò của nhà văn trong xã hội cũng được thừa nhận. Tuy viết văn là một "công việc thổ tả", "chết người", và mặc dù nhà văn gặp hai nguy cơ lớn: phải đối đầu với hai thế lực là tôn giáo và chính trị vì dùng chung một công cụ: ngôn ngữ, và mặt khác nhà văn dễ bị chiếm hữu, nếu được nổi tiếng, nhưng nhà văn được xem như một "tiểu thánh" vì phải "độc hành kỳ đạo". Nhà văn phải sáng tạo theo hai yếu tố: thiện và mỹ.


Nghệ thuật dựng truyện theo một cấu trúc vòng tròn để trở về khởi điểm

Từ khi rời mái gia đình, cuộc đời lang thang của Khuê diễn biến theo một thời gian có tuyến tính (temps linéaire), các biến cố dồn dập xảy đến, sít nhau, không có kẽ hở.

Tác giả dùng liên tưởng và hồi ức về người cha để tán rộng và làm cho một nhân vật, một nơi chốn hay một sự kiện được rõ nét hơn, phong phú hơn. Chẳng hạn trên chuyến tàu đến Lạng Sơn, khi thấy một nhà sư trẻ cùng đi với một nhóm người Phật giáo, Khuê liền liên tưởng đến hòa thượng Thích Thanh Mừng ở chùa Kẻ, nơi mà có lần Khuê đi cùng với bố đến ăn cỗ chay. Đây là một dịp để tác giả tán rộng về cách xử sự không đúng đắn của một nhà tu với nữ giới. Hoặc khi đi thăm cô bạn Huyền, Khuê nhớ đến những mùa hè vừa qua, trong khi các bạn Khuê đi nghỉ mát ở bờ biển hay ở miền núi, thì Khuê bị bố bắt về miền quê mà Khuê không thích. Sau khi đã tán rộng về quan niệm của bố về đồng quê, Khuê trở lại cô bạn Huyền, cô này ngoan đạo, mùa hè vào trại cùi giúp đỡ bệnh nhân.

Các chương được trình bày như những lớp phim nối tiếp nhau để dựng lên một không gian luôn thay đổi: Hà Nội ban đêm với Nhà hát Lớn, khu cầm đồ, Công ty Đại Sơn, làng Hải Khoang của Huyền, nhà của Dung ở Hà Nội, trường Mỹ Thuật, tiệm áo quần cũ Zip Fashion, cuộc đua xe trên đường Lạc Long Quân, bệnh viện X, Đại học Sân khấu Điện ảnh, Gia Lâm, Xóm Liều, trên tàu, Lạng Sơn và cuối cùng là vịnh Cát Bà.
Trong không gian đa dạng đó, nhân vật của Nguyễn Huy thiệp mang nhiều ý nghĩa. Có những nhân vật có một bề ngoài dễ đánh lừa. Trong công viên nước, Khuê nhìn diễn viên điện ảnh Vũ Quang Nam đang được bọn con gái vây quanh xin chữ ký, và nhận xét: "Tay này đẹp trai vẫn đóng những vai phản diện trong những phim về cảnh sát hình sự, đánh đấm võ vẽ ra trò ở trên màn ảnh. Khi cởi truồng ra, tôi không ngờ tay này lại có thân hình gày gò và trác táng đến như thế " (tr. 10). Dưới mắt Khuê, bác sĩ Sơn, trong bệnh viện X, có vẻ là một tay thợ hàn xì, Khuê không mấy tin tưởng vào khả năng nghề nghiệp của ông ta, nhưng rốt cuộc ông ta mổ cho Hải Anh rất thành công. Trên tàu đi Lạng Sơn, nhà sư trẻ thật ra là một tên buôn lậu. Trong những trường hợp khác, cái áo của tu sĩ có khi không phải là dấu hiệu của sự thánh thiện, nhà sư Thích Thanh Mừng vẫn còn ham thích đàn bà, cha Thảo là một linh mục có cái bề ngoài niềm nỡ, đáng kính, nhưng lòng dạ sắt đá, thiếu bao dung, khoan hồng. Ở các nhân vật vừa kể, cái ảo bên ngoài che dấu cái thực bên trong.
Dáng điệu của các nhân vật có thể là dấu hiệu của một xã hội thiếu bình đẳng, chưa thoát hẳn thời phong kiến. Ở bệnh viện, khi một nhân viên vừa chụp xong X. quang cho một người đàn bà bị ung thư. "Bà ta nói với anh chàng chỉ đáng bằng tuổi con mình ngọt xớt: "Em" cám ơn anh, "em" cám ơn anh nhiều… Nói xong bà ta đi giật lùi ra cửa" (tr. 42-43). Khuê suýt bật cười trước cảnh tượng đó, nhưng chính Khuê sau đó cũng có dáng điệu y hệt như người đàn bà bị ung thư: "Tôi chào bác sĩ Việt rồi đi giật lùi ra cửa, suýt ngã bổ chửng vì vấp phải cái bậc cửa quá cao" (tr. 44). Hành động đi giật lùi của hai nhân vật vừa có tính cách hài hước vừa nói lên sự khúm núm, thua thiệt của người nghèo trước những kẻ có uy quyền, hoặc những kẻ biểu tượng cho uy quyền.

Các nhân vật xuất hiện trong truyện đều lần lượt biến mất. Cuối cùng, từ đầu đến cuối truyện chỉ có hai nhân vật: Khuê và người cha. Trong cuộc phiêu lưu của Khuê, người cha tuy vắng mặt, nhưng luôn luôn hiện diện qua những lời nhắc nhở: "Bố tôi nói rằng…", "Nó đánh giá tôi rất cao, có lẽ một phần vì do danh tiếng của bố tôi", "Tôi nghĩ đến dáng vẻ đau buồn của bố tôi…", v.v… Sự gặp gỡ những người bạn của bố, bác Bảo Định, nhà thơ Nhan Như Ngọc, cũng là những dịp để cho thấy thấp thoáng hình ảnh của người cha. Có thể nói hai cha con đồng hành từ đầu đến cuối truyện.

Cấu trúc truyện "Tuổi hai mươi yêu dấu" rất chặt chẽ, cân đối. Đầu truyện nhân vật cho biết tên tuổi, cuối truyện nhân vật cũng nhắc tên tuổi của mình. Trong chương đầu, câu "Chẳng ai hiểu cóc khô gì" được lặp lại nhiều lần như một câu điệp (leitmotiv) để lần lượt nêu lên những lý do của sự phẫn nộ. Trong chương cuối, từ "Bố" được lặp lại nhiều lần, cũng có chức năng của một câu điệp để nhấn mạnh sự thương tiếc người cha đã khuất bóng. Để đáp lại những câu phủ định "Chẳng ai hiểu cóc khô gì" ở chương đầu, trong chương cuối có những câu khẳng định như : "Bây giờ ngẫm lại tôi mới hiểu rõ bố tôi có ý nghĩa thế nào với tôi.", "Tôi biết bố tôi nhiều khi đã phải trăn trở, dằn vặt với chính mình." Động từ "hiểu" được lặp lại 4 lần, động từ "biết" 5 lần.

Cuộc phiêu lưu của Khuê được biểu trưng bằng một đường thẳng, theo thời gian có tuyến tính, nhưng cũng bằng một đường tròn, theo cấu trúc của truyện: chương cuối trở về với chương đầu. Khuê ra đi để trở về dưới dạng một con người mới. Khởi đầu những ngày lang thang, bụi đời của Khuê là một sự kiện đầy ý nghĩa: bố của Khuê giận con bỏ học, ăn cắp tiền, liền đập vỡ bộ Tam đa Phúc Lộc Thọ bằng gốm mà ông rất quý, bộ Tam đa vỡ vụn biểu tượng cho sự suy tàn của nếp sống cũ để một cuộc sống mới đâm chồi. Cuộc phiêu lưu kéo dài hơn một năm. Khuê được 21 tuổi nhưng đã bạc đầu, tóc bạc biểu tượng cho thời gian tâm lý, vì lắm khi phải để cả một đời người mới tìm ra ý nghĩa và giá trị của đời sống. Giọng nói hằn học ở đầu truyện trở nên đằm thắm, thanh thản ở cuối truyện.

Cấu trúc của "Tuổi hai mươi yêu dấu" tương tự như cấu trúc của huyền thoại Orphée. Trong huyền thoại Hy Lạp, Orphée là một thiên tài về thơ và nhạc. Orphée kết hôn với Eurydice, chẳng may Eurydice chết vì bị rắn cắn. Orphée điên lên vì đau đớn và được thần Zeus cho phép xuống địa ngục tìm vợ để đem nàng trở về dương thế. Với chiếc đàn lia, Orphée đã thắng mọi trở ngại trong địa ngục, Orphée có thể cứu vợ khỏi cái chết, nhưng với điều kiện là đừng quay nhìn Eurydice khi chưa ra khỏi địa ngục. Khi đến cửa địa ngục, Orphée quay đầu lại để nhìn xem có vợ đi theo sau không, nhưng Eurydice đã biến mất. Orphée trở lại trần gian một mình.

Cũng như Orphée, Khuê xuống địa ngục của xã hội, trải qua nhiều khốn khổ, nguy nan, chứng kiến nhiều cảnh đau lòng hay ghê rợn, rồi cuối cùng tìm được ý nghĩa của sự sống để trở về với cuộc đời bình thường. Địa ngục của Orphée là một nơi tối tăm, lạnh lẽo, có quỷ và những con quái vật. Địa ngục của Khuê được một nơi tối tăm biểu tượng, đó là thành phố Hà Nội ban đêm, Khuê nói: "Tôi rất ghét bóng đêm". Cả Orphée và Khuê đều trở về thế giới bình thường của loài người. Vượt qua địa ngục không phải là một cuộc hành trình không mất mát: Orphée mất vợ, Khuê mất cha.

Khuê trở về khởi điểm, tìm lại mái gia đình, tiếp tục việc học hay viết văn như cha, nhưng là một Khuê hoàn toàn đổi mới.

Tiểu thuyết không chỉ là một thể loại để kể truyện, nó còn là một phương tiện mà nhà văn chọn để thể hiện cái nhìn của mình về vũ trụ, về con người, để trả lời câu hỏi: Sống như thế nào? Và như thế tác phẩm văn học đạt đến một phương cách giải thoát, một lời giải về cuộc đời. Đó là trường hợp của tác phẩm "Tuổi hai mươi yêu dấu" của Nguyễn Huy Thiệp.

Paris, Hè 2003


[1]Jean-Yves Tadié, La critique littéraire au XXe siècle, Belfond, 1987
[2]Albert Camus, Discours de Stockholm du 10 décembre 1957, Gallimard, "La Pléiade"

Nguồn: Đăng lại của Tạp chí Hợp LÆ°u sổ 73, tháng 10 & 11.2003, www.hopluu.org