trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
25.5.2005
Trần Mạnh Hảo
“Chiếc ca-pốt rách của Đảng” thưa chuyện cùng “chiếc ca-pốt lành của Đảng”
 
Xin quý độc giả thứ lỗi, cái nhan đề có vẻ khiếm nhã trên không phải do Trần Mạnh Hảo nghĩ ra, mà là “phát minh” của nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh Ðỗ Minh Tuấn, đăng trên talawas, mục “Văn học Việt Nam” ngày 5-5-2005, trong tham luận của tác giả tại Đại hội Nhà văn Việt Nam từ ngày 23-25 tháng 4-2005: “Vì sao văn học ta chưa ngang tầm thời đại?”, có đoạn viết như sau: “Năm 1998 tôi đã phải viết một thư ngỏ chuyền tay, gọi “Trần Mạnh Hảo là cái ca-pốt rách của Đảng”, giữ vệ sinh cho Đảng trong quá trình giao lưu văn hoá làm bạn với tất cả thế gian...

Ðoạn văn trên của Ðỗ Minh Tuấn do ông chính thức đứng trên diễn đàn Hội trường Ba Ðình phát ngôn vào chiều ngày 24-4-2005. Trước mặt ông Nguyễn Khoa Ðiềm, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương và nhiều chục cán bộ trung cao cấp khác của Đảng Cộng sản, cùng ngót 600 nhà văn đảng viên và nhà văn không đảng viên, Ðỗ Minh Tuấn đã “tấn phong” cả Ðảng và Trần Mạnh Hảo trong vai trò mới rất kinh dị của hành vi giao hợp vĩ mô, bằng chiếc-ca-pốt-người-Trần-Mạnh-Hảo? Có lẽ, trong lịch sử 75 năm của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ từng bị ai chửi thậm tệ đến như vậy, hạ nhục bằng lời lẽ thô bỉ vô văn hoá đến như vậy, lại bị chửi ngay ở giữa trái tim của Đảng là Hội trường Ba Ðình; thế mà ông Nguyễn Khoa Ðiềm và mấy trăm đảng viên vẫn im lặng ngồi nghe, không phản ứng, đại hội kết thúc cả tháng vẫn không thấy Đảng đáp lại cú chửi lịch sử của Ðỗ Minh Tuấn là sao? Có khi nào “Việt Minh làm thinh đồng ý”, ông Nguyễn Khoa Ðiềm im lặng không phản ứng hay sai hàng nghìn thuộc hạ phê phán trên hơn 600 tờ báo của Đảng mà ông Ðiềm thực chất là tổng biên tập (mượn ý của nhà văn Hoàng Quốc Hải), ngầm như một sự chấp nhận câu chửi Đảng vĩ đại của Ðỗ Minh Tuấn kia là đúng sự thật?

Ðỗ Minh Tuấn từ trên diễn đàn cao quý vào bậc nhất chế độ, đã công khai coi “quá trình giao lưu văn hoá” của Đảng Cộng sản “với tất cả thế gian” (thế gian: bao gồm cả loài người, trong đó có nhân dân Việt Nam) chỉ là quá trình của quý ông đi trác táng! Hãi thật! Trần Mạnh Hảo tôi không khỏi rùng mình, vì qua lời Ðỗ Minh Tuấn, chợt mới biết thân phận mình đã bị Đảng biến thành bao cao su hành lạc một cách nhục nhã, ô trọc là dường nào! TMH xưa nay chỉ là một dân đen (không đảng viên, không biên chế nhà nước) tưởng đi theo Đảng là vinh quang lắm, thiêng liêng cao quý lắm, ai dè bị biến thành cái bao cao su từ lúc nào, để Đảng hành lạc cả dân tộc, cả đất nước mà sao mình vẫn không hay biết mới là cái thằng ngu thậm? Theo lô-gíc của Ðỗ Minh Tuấn, Ðảng Cộng sản hiện có hai triệu đảng viên, chả lẽ chỉ dùng một cái ca-pốt Trần Mạnh Hảo, lại là ca-pốt rách, thì làm sao mà xài đủ hàng triệu cuộc mây mưa lịch sử vĩ đại này? Chắc Đảng phải “thủ” nhiều triệu Trần Mạnh Hảo khác ngon lành hơn, cỡ như Ðỗ Minh Tuấn trong túi quần, vứt cái ca-pốt rách Trần Mạnh Hảo vào sọt rác, mới có đủ cơ số ca-pốt mà ăn chơi vĩnh viễn như lời Ðỗ Minh Tuấn trịnh trọng tuyên bố trên cái bục gỗ quốc gia - nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội bao năm thường đứng đọc diễn văn? Hoá ra, thân phận của một anh dân đen cỡ Trần Mạnh Hảo chỉ đáng là cái bao cao su rách để Đảng “chơi giao lưu văn hoá” như Ðỗ Minh Tuấn tuyên bố.

Thực tình, nghe Ðỗ Minh Tuấn tuyên bố như trên về vai trò cách mạng khoái lạc giữa Ðảng (con C...) và Trần Mạnh Hảo (ca-pốt rách), chúng tôi nghĩ ông Tuấn đã nói bậy, làm gì có chuyện này? Nhưng suốt cả tháng trôi đi, Đảng mà cụ thể là ông Nguyễn Khoa Ðiềm vẫn làm thinh không cải chính, khiến Trần Mạnh Hảo bán tín bán nghi, biết đâu bản chất vấn đề lại nằm ở câu chửi rất kinh khủng kia của Ðỗ Minh Tuấn? Nhưng làm sao Ðỗ Minh Tuấn khám phá ra cái vụ giao hợp tày trời là Đảng đã bí mật dùng người dân Việt Nam làm bao cao su để hành lạc văn hoá?

Có lẽ điều này Ðỗ Minh Tuấn đã biết, đã lén nhìn thấy ở nhà ông Lê Ðức Thọ? Hay ông Tuấn đã được biến thành “công cụ giữ vệ sinh” cho Đảng khi cách đây gần 30 năm trước, ông và ông Vĩnh Quang Lê đi đâu cũng khoe là người của Lê Ðức Thọ, đưa ảnh mình chụp chung với “cụ Thọ” ra như một thứ “căn cước vô song” làm khiếp vía bao người. Chính vì thế ông Tuấn mới biết rất rành rẽ việc Đảng đã biến một văn nghệ sĩ thành ra cái ca-pốt như thế nào. Ðây, xin quý vị xem những dòng phê bình đấu tố, phê bình chỉ điểm, phê bình quy chụp chính trị của Ðỗ Minh Tuấn từng in trên nhiều tờ báo, sau này tập hợp in trong tập Ngày văn học lên ngôi do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 1996.

Ðỗ Minh Tuấn không chỉ dùng một bài “Cõi chập chờn bất định và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh” để phê phán nhà văn Bảo Ninh, mà lác đác trong các trang của tập tiểu luận Ngày văn học lên ngôi, ông Tuấn bảo hoàng hơn vua đã nhiều lần quy kết chính trị Bảo Ninh:

“Trong một số tác phẩm về chiến tranh chống Mỹ, tiêu biểu là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đã xuất hiện sự thay máu anh hùng, tước đi những khát vọng cao cả, những cảm quan anh hùng có thực trong đời sống những người chiến sĩ của chúng ta trong chiến tranh để thay vào đó những cảm xúc, hành vi, khẩu khí và toan tính thời hậu chiến. Có ý thức hay không đó cũng là sự đánh tráo linh hồn, nhân danh một toà án tối cao của chủ nghĩa nhân văn để ép cung và xáo trộn hiện trường lịch sử, tạo ra những nhân chứng giả thay thế những nhân chứng thật đã xuất hiện trong các tác phẩm được viết theo thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trước đây. Và, nhà văn, cố tình hay vô tình, khi ném thủ pháp nghệ thuật cũ đã làm vỡ luôn cái bình quý là hình ảnh người anh hùng có thật trong lịch sử.” (Ngày văn học lên ngôi, tr. 19).

Trang 76 trong cuốn sách này, Ðỗ Minh Tuấn tiếp tục “đánh” Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh như sau:

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chẳng có gì đáng làm ta kinh hãi, vì nếu nó cũ mòn và lạc hậu về tư tưởng thì nó cũng như trăm ngàn cuốn tiểu thuyết xoàng xĩnh quanh ta. Cái làm ta kinh hãi là việc người ta ngộ nhận về giá trị của nó, giao giải thưởng cho nó, tiếp tục đưa nó lên mây xanh để dễ bề khai thác nó. Một điều “chập chờn bất định” làm ta kinh hãi nữa là thật khó mà biết được những bản dịch cuốn truyện này đã xa nguyên tác đến đâu...”

Trang 29 trong cuốn sách này, Ðỗ Minh Tuấn quy chụp chính trị Lại Nguyên Ân rất khiếp như sau:

“Một mâu thuẫn nữa trong lập luận của anh là, một mặt anh coi thường quần chúng như là một bầy đàn dễ bị thao túng ý thức, mặt khác lại coi thường thiểu số: “công việc này thực ra một vài người không làm nổi”. Vậy thì theo anh, phải bao nhiêu người, bao nhiêu đô la, bao nhiêu cuốn sách để áp đặt vào quần chúng hình ảnh của nước Việt Nam hiếu chiến, phí máu “ám sát hòa bình”? Và cái bức tường Berlin mà anh đã nói về sự sụp đổ của nó như là ví dụ về một “huyền thoại chết” có phải là do quần chúng phá đổ trong sự say mê huyền thoại về dân chủ hay không? Vậy thì ai đã thao túng tâm lý đám đông để nó cuồng nhiệt lao theo một nền dân chủ mà nã pháo vào quốc hội, như nền dân chủ của ông Enxin?”

Trong trang 33 của sách này, Ðỗ Minh Tuấn tiếp tục đóng vai nhà mác-xít lên án Lại Nguyên Ân lệch lạc về tư tưởng để răn đe bọn cầm bút nào a dua với tư bản, đế quốc:

“Khi chúng ta đặt vấn đề phải cảnh giác với mưu đồ giải huyền thoại Việt Nam là chúng ta đứng trên lập trường khoa học của chủ nghĩa Marx để chống lại việc xuyên tạc lịch sử... Trong bài viết, hai lần Lại Nguyên Ân dùng chữ “đám đông” để gọi quần chúng. Thái độ trịch thượng này xa lạ với tinh thần coi trọng quần chúng như một lực lượng sáng tạo lịch sử trong tư tưởng của một người mác-xít... Không chỉ hiểu sai chủ nghĩa Marx, Lại Nguyên Ân còn ngộ nhận về bản chất của tôn giáo...”

Đỗ Minh Tuấn đã thực sự trở thành “cái ca-pốt lành của Đảng”, một thứ ca-pốt vĩnh cửu, đa hệ, trung thành, nó mới dẻo dai làm sao, dùng mãi không rách! Hãy nhìn Ðỗ Minh Tuấn đánh lại đám nhà văn “đổi mới-đón gió-chống Đảng” một cách còn kiên cường hơn cả ông Nguyễn Khoa Ðiềm bội phần, lên án bọn nhà văn phản lại cách mạng và đe dọa trừng trị chúng ở trang 66, sách đã dẫn:

“Nếu nghệ sĩ có dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng cùng nhân dân, dân tộc, thì đó là sự tự nguyện, sự hòa điệu giữa mục đích của anh ta với mục đích chung. Anh ta có quyền đứng ngoài, có quyền thờ ơ với sự nghiệp chung nhưng anh ta nên nhớ rằng quyền lựa chọn chỗ đứng trong lịch sử này không đồng nghĩa với quyền chỉ trích tự do sáng tạo của những nghệ sĩ hòa điệu cùng dân tộc và cách mạng, càng không phải quyền chống lại dân tộc và cách mạng.”

Ðỗ Minh Tuấn cảnh cáo diễn biến hòa bình trong văn học, vạch trần bọn cầm bút tay sai cho các thế lực phản động từ bên ngoài, bọn muốn Ðông Âu hoá Việt Nam, muốn xóa sổ chủ nghĩa xã hội tốt đẹp, như ở trang 67 cuốn sách trên:

“Không ít kẻ thực dụng, cơ hội nhân danh tự do sáng tạo để đòi xã hội phải thừa nhận, ủng hộ và bảo hiểm cho những hành vi chống đối phá hoại của mình, xếp hạng cho những tác phẩm nghệ thuật phục vụ những mục đích chính trị của kẻ chống lại dân tộc. Họ thường bôi nhọ những nghệ sĩ hòa điệu với dân tộc, với cách mạng là những người “cơ hội”, “phục vụ cấp trên”. Trong khi đó, chính họ, họ tìm cấp trên ở ngoài biên giới, vì họ cho rằng họ chỉ phục tùng cấp trên cỡ thế giới mà thôi! Và họ vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp đem tác phẩm của mình phục vụ những mục tiêu chính trị của siêu cấp trên này hoặc trở thành món hàng béo bở cho những con buôn. Họ tự đánh lừa mình họ có nhân cách, có tự do sáng tạo, nhưng họ đã bán mình cho quỷ mà không biết. Họ cũng tìm kiếm một bảo hiểm cho mình ở các áp lực của nước ngoài. Thậm chí họ trang điểm một ít son phấn chống đối để bảo hiểm cho tương lai, nếu chế độ này sụp đổ như Ðông Âu thì họ dễ tìm thấy chỗ đứng trong chế độ mới...”

Nếu cứ trích những dòng “hồng vệ binh” của “ông-cai-văn-nghệ-đỏ-ca-pốt-lành-của-Đảng-Ðỗ-Minh- Tuấn” đấu tố đồng nghiệp, vung roi chuyên chính vô sản quất anh em “đổi mới văn học” như trên, thì trích đến mai cũng không hết.

Thế mới biết Đảng ta vậy mà khôn lắm: vứt “cái-ca-pốt-rách-trần-mạnh-hảo” đi mà dùng “cái-ca-pốt-lành-đỗ-minh-tuấn” nó lợi bội phần. Còn hơn ông Trường Chinh dùng một “cái roi ngựa phê bình” xưa, không cần quất cho con ngựa văn học nghệ thuật lồng lên, mà quất cho nó quỵ xuống càng tốt mới là Ðỗ Minh Tuấn đa hệ đa năng! Và, Đảng ta công bằng lắm, gái có công chồng chẳng phụ. Nhân dịp 50 năm kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên Phủ 1954-2004, lệnh của Bộ Chính trị cho Ban Tư tưởng Văn hoá + Cục Điện ảnh + Hội Điện ảnh Việt Nam phải tìm một đạo diễn “vừa hồng vừa chuyên”, tuyệt đối tốt về phẩm chất chính trị, có công bảo vệ Đảng nhiều năm, để trao cho một triệu đô-la mà làm phim ca ngợi chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ngoài đạo diễn đỏ Ðỗ Minh Tuấn ra, còn ai có thể vừa mắt Bộ Chính trị để cầm một triệu đô-la tiền đầu tư sáng tác vĩ đại nhất từ xưa tới nay như thế! Với số tiền cực lớn này, chỉ cần bỏ ra tí teo là báo chí cả nước đã tuyên truyền cho phim chính trị Ký ức Ðiện Biên, như thể nó sắp được giải Oscar! Thế rồi phim làm xong, đem ra chiếu, xem ngượng chết được, có ma nào xem đâu, bị báo chí cả nước chửi cho sao ném số tiền 14 tỷ đồng Việt Nam ra để làm thứ phim vứt sọt rác thế? Thậm chí, sáng nay, thứ sáu 20-5-2005, khi TMH ngồi viết bài này, thấy trang đầu báo Thanh Niên mới ra cùng ngày, vẫn còn phê bình kiểu làm phim để cất kho như kiểu phim “cúng cụ” của ông đạo diễn Ðỗ Minh Tuấn. Ðấy là bài báo của tác giả Nguyễn Thông với tiêu đề: “Làm phim để cất kho” kịch liệt phê phán phim Ký ức Ðiện Biên dở tệ, làm để cốt “cất kho, là phim làm bằng kinh phí nhà nước, mà nào có ít, mỗi phim tốn cả chục tỉ đồng...”

Vấn đề là năm ngoái Ðỗ Minh Tuấn mới cầm một triệu đô-la tiền đầu tư sáng tác của Đảng ưu ái, chưa đầy một năm đã lên hội trường Ba Ðình chửi Đảng dùng người dân làm bao cao su để hành lạc “giao lưu văn hoá với khắp thế gian”. Trò tráo trở này có thể làm ông Nguyễn Khoa Ðiềm ngồi nghe kinh ngạc mãi không mở nổi miệng!

Sài Gòn 20-5-2005

© 2005 talawas