trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
30.5.2005
Keith W. Taylor
Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến 19
Lê Quỳnh dịch
 1   2 
 
Nam Bộ là vùng đồng bằng sông Mêkông, vùng biên cuối cùng của người Việt. Một dân số Khmer lâu đời đã kết giao vào cuối thế kỷ 17 với hàng ngàn người Minh hương đến bằng đường biển; đến cuối thế kỷ đã có một dòng đều đặn những người Việt đến từ miền bắc. Giữa Nam Bộ và đèo Cả ở đường biên phía nam Phú Yên, vùng đất ven biển trồng lúa ở ngay phía nam Bình Định, là 350 cây số lãnh thổ bán khô cằn, thậm chí bỏ hoang (các tỉnh mà nay gọi là Khánh Hòa, Ninh Thuận, và Bình Thuận, hay các thành phố Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết). Ở đây phạm vi dành cho nông nghiệp tương đối nhỏ; số ít những người đến đây sống đã chuyển qua đánh cá. Đây là nơi tập trung những cư dân người Chàm còn sót lại. Trong biểu đồ di dân của người Việt, nơi đây đơn thuần là một con đường lớn giữa Bình Định và Nam Bộ. Đồng bằng màu mỡ phù sa của Nam Bộ là nơi vẫy gọi.

Đến giữa thế kỷ 18, một trăm năm sau khi những đội quân người Việt đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng sông Mêkông, sáu tỉnh Nam Bộ được thành lập từ các vùng đất Khmer với sự tham gia nhiệt tình của các nhóm di dân người Hoa rất có tổ chức. Khi Bình Định nổ ra chiến tranh những năm 1770, Nam Bộ trở thành nơi trú ẩn của phe họ Nguyễn từng trị vì Đàng Trong trong hai thế kỷ trước đó. Thành viên của tông tộc này, người sống sót để trở thành lãnh đạo của phe nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh, cuối cùng đã xây dựng nền tảng quyền lực tại Sài Gòn ở Nam Bộ và từ đấy đã đi chinh phục toàn bộ các vùng ở miền bắc nơi người Việt sinh sống, lập nên một vương quốc vào đầu thế kỷ 19 mà trước đó chưa bao giờ tồn tại. Nhìn hời hợt, đây có vẻ là trường hợp vùng biên chống lại trung tâm. Nhưng một quan niệm như thế đặt giả thiết là có tồn tại một “vùng trung tâm” (heartland). Dù đã từng có hay không một “trung tâm” Việt Nam trong thế kỷ 18, thì chắc chắn lúc này nó không tồn tại. Thay vì xem Nam Bộ thế kỷ 18 là một vùng biên mà đã khiến xô đẩy trung tâm, tôi lại muốn xem Nam Bộ chỉ là một khu vực nữa trong quá trình định nghĩa một phiên bản làm người Việt, khu vực này bắt đầu cạnh tranh ưu thế với toàn bộ những phiên bản khu vực khác của việc làm người Việt.

Tôi sẽ thảo luận phiên bản làm người Việt của Nam Bộ bằng cách nhắc tới ba nhận xét sau: địa hình, sự đa dạng về người, và kinh nghiệm con người. Đầu tiên, Nam Bộ, khác với tất cả các khu vực khác, không có một biên giới địa lý rõ ràng; nó không được định nghĩa bằng địa hình. Biên giới phía tây của Nam Bộ chạy qua đồng bằng sông Mêkông từ cao nguyên trung phần ở đông bắc ra biển ở tây bắc. Đó là kết quả của chiến tranh và thương lượng chứ không phải của bất kì yếu tố địa hình địa vật nào. Nơi duy nhất mà đường biên giới thời cận đại tuân thủ mốc cắm trên đất là tại kênh Vĩnh Tế, xây hồi đầu thế kỷ 19, giữa sông Mêkông và biển, nhưng đây là một trường hợp của công trình con người áp dụng vào địa hình để tạo nên một biên giới. Điều mà tôi muốn nhận xét là khía cạnh địa lý của Nam Bộ là tính rộng mở, dễ tổn thương, tính có thể. Tương đối có ít cảm thức về tính cố định, ràng buộc, định hướng. Điểm đặc trưng chính là dòng nước chảy liên tục qua khu vực này từ lưu vực Campuchia ra biển và sự gặp gỡ các dòng thủy triều. Những tính chất này, cùng với đất phì nhiêu và đầy ắp sản phẩm từ sông và biển, khuyến khích một sự mong chờ thay đổi, vận động và lựa chọn thay vì mọi cảm giác hạn chế và gắn bó vốn là tính chất điển hình hơn ở địa hình giới hạn của các khu vực khác tại Việt Nam.

Sự đa dạng trong định cư của con người tại Nam Bộ bổ sung thêm một khía cạnh nữa cho tính mở của địa hình. Người Khmer, Trung Hoa và Việt đều có mặt ở đó với đủ số lượng để đòi hỏi một sự thừa nhận lẫn nhau. Nam Bộ là một nơi gặp gỡ về văn hóa và ngôn ngữ. Những quan hệ chức năng, trung thành cá nhân, và hy vọng vào tương lai có ý nghĩa quan trọng hơn dòng họ hay những quyến rũ của quá khứ. So với bất kì khu vực nào khác, ở đây có nhiều hơn những kinh nghiệm, quen thuộc và tôn trọng sự giao tiếp với những dân tộc không phải người Việt và những nơi chốn. Nam Bộ kết nối với thế giới của người Việt bằng một con đường hẹp ven biển 350 cây số đi qua những vùng đất tương đối cằn cỗi, ít dân cư. Mặt khác, Nam Bộ tọa lạc ở một trung tâm tiềm năng về giao dịch quốc tế đang trỗi dậy. Nam Bộ là một khu vực của người Việt có nhiều triển vọng nhất cho việc sát nhập những cái nhìn mới vào một phiên bản làm người Việt.

Một điều rất quan trọng cho mục đích của tôi là người ta không nên xem quan điểm Nam Bộ này là một điều “ít chất Việt Nam hơn”, dù chất ấy có nghĩa là gì. Không có phiên bản vùng nào của việc làm người Việt mà tôi đang thảo luận lại có chất Việt Nam “chân thật” hơn cái khác. Ý niệm về tính trung tâm văn hóa là một sự xây dựng ý thức hệ cưỡng bức với một mục đích chính trị rõ rệt. Chỉ khi chúng ta có thể chấp nhận Nam Bộ là một địa điểm chính trị và văn hóa chân thật y như các địa điểm khác, thì chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy những gì đã xảy ra vào đầu thế kỷ 19 là một sự kiện lịch sử thật sự chứ không phải, như người ta thường khẳng định trong mấy thập niên gần đây, là một sự sửa đổi sai quấy của một tiến trình lịch sử được tưởng tượng.

Nguyễn Ánh là người đầu tiên tổ chức Nam Bộ thành một khu vực đủ sức tranh dự thành công trong chiến cuộc và chính trị giữa các vùng tại Việt Nam. Sự nghiệp của ông là câu chuyện về những thất bại và lưu vong triền miên, nhưng cũng là chuyện về sự kiên trì và học từ thất bại; nó bộc lộ một kinh nghiệm con người về tiềm năng thành một khu vực tại Việt Nam của Nam Bộ. Các phẩm chất lãnh đạo của Nguyễn Ánh bắt đầu tìm thấy chỗ phát triển trong thập niên 1780 vào lúc, sau khi phụng sự như một chư hầu của Vua Xiêm, ông củng cố mình ở Sài Gòn và lấy Nam Bộ làm một quyền lực quân sự mới. 20 năm sau, ông là chủ của tất cả các khu vực Việt Nam. Nguyễn Ánh thắng thế nhờ sự vượt trội thủy quân và khả năng vận chuyển toàn bộ quân đội bằng đường biển. Ông làm được điều này bằng cách tập hợp lực lượng quốc tế gồm những chiến binh và kỹ thuật viên giỏi. Tùy tùng của ông gồm người Chàm, Trung Hoa, Xiêm, Lào, Miến Điện, Mã Lai và Pháp. Bất kì ai có khả năng đóng tàu, lái thuyền, pháo binh, sản xuất và xây thành đều được hoan nghênh ở Sài Gòn.

Một khía cạnh khác trong chiến thắng của Nguyễn Ánh là sức sống và năng lực của mối liên hệ thương mại giữa cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn và Bangkok, một yếu tố mà Bình Định không thể tranh đua. Người sáng lập Bangkok, Rama I, đã chinh chiến ở Campuchia, và binh đoàn năm 1784 của ông đi xuống Mêkông đánh quân Bình Định ở Nam Bộ chắc chắn không chỉ là một cử chỉ thân thiện huynh đệ với Nguyễn Ánh, người ông có liên minh trong chiến dịch đó; các quyền lợi buôn bán cũng ngự trị. Một vài năm sau, khi Nguyễn Ánh chuyển khỏi Bangkok để thiết lập căn cứ ở Sài Gòn, thì những quyền lợi thương mại chắc chắn không tách rời. Nhân chứng người Bồ Đào Nha đã chứng thực sự có mặt của nhiều thương nhân người Hoa tại Sài Gòn trong những thập niên cuối của thế kỷ 18 [1] .

Ngoài việc đặt một chốt chặn của người Việt đối với mạng lưới thương mại Trung Quốc đặt trung tâm ở Bangkok, bước chuyển vào Sài Gòn của Nguyễn Ánh còn mang lại một kiểu chiến tranh mới giữa những người nói tiếng Việt, kiểu chiến tranh mà Nguyễn Ánh đã học khi chinh chiến cùng Rama I chống quân Miến Điện. Kiểu chiến tranh của người Việt đã thường có xu hướng nghĩ đến yếu tố lãnh thổ, dù là để đánh chiếm hay phòng thủ. Nó ngược với kiểu kiểm soát nhân lực, vốn thể hiện rõ rệt hơn trong người Xiêm. Thay vì chỉ chiếm lãnh thổ để phòng thủ, Nguyễn Ánh đã thu hút và lãnh đạo một đoàn tùy tùng gồm những cá nhân tham vọng, tranh đua, tất cả muốn thể hiện sự ưu tú để tiến thân; trong các “chiến dịch theo mùa” của ông hồi đầu thập niên 1790, ông đã tập hợp người có hiệu quả hơn là việc lấy đất, và người ta tự hỏi rằng liệu đó có phải là ưu tiên cấp thời của ông khi ấy hay không. Chuyện chinh phục quần thần vốn chẳng phải mới lạ gì với người Việt, nhưng khả năng của Nguyễn Ánh trong việc mở cửa cho những người không phải người Việt, và cho những người đang trở thành người Việt Nam Bộ, là một điều chưa từng có. Những dấu hiệu thể hiện điểm đặc biệt này đã được trình bày qua thơ như thế nào có thể tìm thấy trong những sáng tác được cho là của nhà thơ đầu tiên của Nam Bộ, Mạc Thiên Tích (1706-1780).

Mạc Thiên Tích là con trai của Mạc Cửu, một người Hoa vào cuối thế kỷ 17 thiết lập một trung tâm buôn bán và đặt ưu thế địa phương ở Hà Tiên; trong thế kỷ 18, Mạc Cửu bày tỏ sự trung thành với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và khi ông qua đời năm 1735, Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha. Trong thập niên 1770, Mạc Thiên Tích đến Bangkok trong đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh, nơi xảy ra các mưu toan dẫn đến cái chết của ông năm 1780.

Các bài thơ của Mạc Thiên Tích thể hiển cách thức một vị quý tộc Nam Bộ có học quan sát khu vực của ông vào lúc nó sắp trở thành tổng hành dinh của một cuộc chinh phục chưa từng có đối với toàn bộ các vùng của Việt Nam [2] . Có một cảm thức trông chờ, thay đổi, đa dạng và khả biến, về tự do và không phân biêṭ. Trong một bài thơ có chủ đề sáo mòn về bình minh, nhà thơ bộc lộ một cảm giác sắc bén về đổi thay và vận động với một sự khẳng định mạnh mẽ về tính ưu việt của Phật giáo; cảnh đồng quê thức dậy trở thành ẩn dụ cho việc đạt đến một cảnh giới nhận thức:

Tiêu Tự Thần Chung

Tàn tinh liêu lạc hướng thiên phao
Mậu dạ kình âm viễn tự xao
Tịnh cảnh nhân duyên tình thế giới
Cô thinh thanh việt xuất giang giao
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ
Hựu súc ô đề ỷ nguyệt sao
Đốn giác thiên gia y chẩm hậu
Kê truyền hiểu tín diệc liêu liêu

Dịch nghĩa

Bóng sao tàn thưa thớt lặn dần trên nền trời
Đêm đã đến canh năm, tiếng kình thỉnh từ chùa xa
Tiếng chuông trong hoàn cảnh yên tịnh, khiến cho người nhân đó mà tỉnh ngộ chuyện đời
Tiếng chuông cô đơn nổi lên đồng vọng khắp sông nước, khắp đồng nội
Tiếng chuông làm kinh động tiến chim hạc vương trên cành cây gió thoảng
Tiếng chuông lại chạm đến tiếng chim quạ cất trên ngọn cây trăng lồng
Nghĩ rằng mọi người đều thức giấc sau đêm nghiêng gối
Tiếng gà truyền tin sáng cũng đã văng vẳng đó đây

Ở đây, dấu hiệu báo sáng sớm điển hình, tiếng gà, lại đến sau cùng, sau khi nhà thơ đã để ý một loạt các dấu hiệu tỉnh giấc bao gồm vòng xoay suốt ngày đêm của thế giới con người và tự nhiên; nhà thơ tọa vị phía trước dấu hiệu thông thường về sáng sớm, trước âm thanh của tiếng chim nuôi mà thông thường vẫn mở đầu cho hoạt động xã hội trong các công thức văn chương. Phần đầu của bài thơ là về cảnh và âm thanh, ngôi sao lặn và chuông chùa, báo hiệu cho người xem và người nghe về thay đổi sắp đến, sự chuyển tiếp từ đêm sang ngày, từ ngủ sang hành động; khoảnh khắc đi trước và tiến vào thời khắc đổi thay này là nơi nhà thơ đặt ao ước diễn cảm của ông, thay vì khi bình minh đã xong – giây phút bình minh đã xong được thêm vào như một ý nghĩ muộn vào cuối bài thơ với dấu hiệu ấn định của tiếng gà gáy. Có thể đọc trong bài thơ này hương vị của khoảnh khắc trước rạng đông của Nam Bộ, sự thức tỉnh của nó trước lúc nhận ra mình trở thành một nơi riêng biệt tại Việt Nam. Sự nhắc đến chữ “tin” trong bài thơ có thể đã có một âm vang xâm nhập và báo điềm ở một thời điểm và một nơi của những đoàn quân và lãnh chúa đang có tham vọng như Nam Bộ thế kỷ 18; những người tỏ ra tự tin và oai vệ mà sắp sửa xuất hiện.

Bài thơ thứ hai đề cập một cảnh văn chương sáo mòn khác, xem ánh trăng phản ánh trong nước, theo một cách có gị̀ đó hơi lật đổ:

Đông Hồ Ấn Nguyệt

Vân tể yên tiêu cộng diểu mang
Nhất loan phong cảnh tiếp hồng hoang
Tình không lãng tịnh truyền song ảnh
Bích hải quang hàn tiển vạn phương
Trạm khoát ứng hàm thiên đãng dạng
Lãm linh bất quí hải thương lương
Ngư long mộng giác xung nan phá
Y cựu băng tâm thượng hạ quang

Dịch nghĩa

Mây tạnh, mây tan trong cõi mênh mông bát ngát
Một vùng phong cảnh tiếp liền với cõi rộng lớn
Phía trên, sáng sủa trong trẻo, phía dưới sóng nước yên tĩnh lặng lẽ, truyền nhau đôi bóng
Mặt biển biếc, ánh sáng lạnh, khắp bốn phương sạch sẽ
Sâu rộng ngâm chứa cả trời rộng lớn
Lạnh lẽo không thẹn với biển mênh mông
Con ngư con long tỉnh mộng, trở mình vùng vẫy cũng không làm phá vỡ được
Một tấm lòng băng vẫn rực rỡ chói chang y như cũ

Những suy tưởng quy ước về việc trăng phản chiếu trên nước và quan tâm hình ảnh nào là thật, hình nào là ảo giác đều không có trong bài thơ này. Mọi cảm giác ưu việt hay thứ bậc tôn ti đều không có, khi “đôi bóng” treo lơ lửng trong sự bao la không phân biệt của trời và nước; trong câu thứ ba, sự hòa nhập của trời và nước trong một viễn cảnh về sự thống nhất của chúng bao hàm sự tự do vùng vẫy không cần nhìn lại. Con ngư con long, những ẩn dụ thay cho nhà cai trị và tùy tùng, tràn đầy giấc mơ và phối hợp, nhưng quá trình thức tỉnh và hành động thì không hoàn tất; những nỗ lực “phá vỡ” để tiến đến hiểu biết và hoàn thành của họ bị ngăn chặn. Bị ngăn chặn bởi cái gì? Cái ý tôi dịch sang tiếng Anh là “loyalty” (trung thành) thì nguyên gốc có nghĩa là “băng tâm”, một thành ngữ quy ước chỉ “sự trinh bạch” của phụ nữ và “tính cao thượng” của đàn ông; nó có nghĩa là tính chất đáng tin cậy, bền lòng, trung trinh, trung thực với mình. Phẩm chất này được xem là đã luôn “y như cũ”, không phải phụ thuộc vào những giấc mơ của “con ngư con long”, với những cuộc tranh đua của chúng vốn chỉ mang tính phù du. Hiệu ứng của bài thơ này là một nhận thức về thiên nhiên và vũ trụ như một sự thống nhất vượt qua những tu từ phân biệt của nhà thơ hay mưu toan của nhà cai trị, đó cũng là một nhận thức về quy tắc hành xử con người không cần đến “văn chương” hay “chính quyền”. Hiệu ứng này còn rõ rệt hơn trong bốn dòng thơ cuối cùng của bài thứ ba nhan đề Thạch Động Thôn Vân, một bài suy tưởng về đỉnh đá núi:

Phong sương cửu lịch văn chương dị
Ô thố tàn di khí sắc đa
Tối thị tinh hoa cao tuyệt xứ
Tùy phong hô hấp tự ta nga

Dịch nghĩa

Trải qua nhiều phong sương, càng thêm nét sáng đẹp lạ lùng
Bóng ác bóng thỏ (mặt trời mặt trăng) thường di chuyển, khí sắc thêm nhiều
Chắc hẳn đây là nơi tinh hoa cao tuyệt rồi
Tự do theo gió, thở hút ở trên chót vót thượng từng

Không giống như thiên nhiên mang tính chất như vườn, chịu ở dưới nỗ lực của con người như trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều nhà thơ xứ bắc, không giống sự ca tụng niềm vui con người giữa thiên nhiên hoang sơ trong thơ Đào Duy Từ ở Đàng Trong, Mạc Thiên Tích xem thiên nhiên như một tác nhân động vừa khơi hứng vừa hạn chế nỗ lực con người. Dòng thứ nhất ở trên cho thấy các thói quen văn chương chắc chắn thay đổi khi chuyển vào Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho tính không chính thống. Dòng thứ hai ngụ ý những kế hoạch thống nhất của người có tham vọng làm vua thường xuyên bị ngăn trở và buộc phải thay đổi ở Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho sự đa dạng. Trong hai dòng cuối, có thể đọc như một ẩn dụ cho Nam Bộ, một nơi có những khí sắc riêng, một nơi mà những lựa chọn chỉ dành cho những ai “tự do theo gió”, dấu hiệu của việc đi theo khát vọng cá nhân, và xem những khả năng “trên chót vót thượng từng”. Tôi đã dừng lại ở thơ của Mạc Thiên Tích bởi vì Nguyễn Ánh có thể đã là người Việt Nam đầu tiên “theo gió”ở Nam Bộ và nhìn về phía bắc từ “chót vót” của Nam Bộ.

Cú đánh kết liễu của Nguyễn Ánh năm 1801 là thông qua việc chuyển toàn bộ quân bằng đường biển, bỏ qua Bình Định (nơi quân của ông bị Tây Sơn vây hãm), và chiếm Thuận Quảng; nhờ thế, trong một nước cờ khéo léo, ông đã làm vây hãm quân Tây Sơn ở Bình Định và mở rộng đường ra bắc. Trong chiến dịch ra bắc, ông lại được hỗ trợ nhờ sự có mặt của quân đồng minh Lào qua đường núi từ phía tây đi vào Thanh Nghệ và nhờ việc là Đông Kinh đã không đứng lên chống lại ông. Nhưng người ta phải nhớ rằng những sự kiện này xảy ra sau nhiều năm chuẩn bị, thất vọng, hoạch định kỹ lưỡng, chờ đợi kiên nhẫn, và một viễn kiến về sức mạnh đường biển và hoạt động điều phối rộng khắp mà không đối thủ nào sánh bằng. Viễn cảnh chiến thắng của Nguyễn Ánh được tạo dựng ở Nam Bộ. Khi ông quyết định cai trị từ Huế, gần mộ tổ tiên ở Thuận Quảng, ông đã khiến những người kế vị mất đi tầm nhìn mà đã từng giúp ông chiến thắng và khiến cho Nam Bộ dễ bị các sức mạnh khác tấn công. Chỉ 40 năm sau khi ông qua đời năm 1820, Nam Bộ đã trở thành tổng hành dinh của người Pháp ở châu Á.

Chế độ quân chủ Nguyễn ở Huế trong thế kỷ 19 là một sự thử nghiệm chưa từng có trong nỗ lực cai trị toàn bộ các khu vực mà chúng tôi đã thảo luận. Khiếm khuyết của thử nghiệm này là trừ phi nhà lãnh đạo đủ sức kiểm soát ít nhất một trong hai khu vực mạnh về kinh tế và đông dân nhất, là Đông Kinh hoặc Nam Bộ, còn bằng không ông sẽ không đủ sức cai trị các vùng còn lại. Khi cố gắng cai trị từ Thuận Quảng, các vua nhà Nguyễn đã không thể kiểm soát hoặc Đông Kinh hoặc Nam Bộ. Đến lúc Pháp chuẩn bị chiếm Huế trong thập niên 1880, triều đình nhà Nguyễn đã không có sự kiểm soát thật sự đối với Nam Bộ và Đông Kinh. Nam Bộ đã trở thành thuộc địa của Pháp và Đông Kinh trở thành nơi vô chính phủ với những quân lính không chính quy từ Trung Quốc, tay súng địa phương và những kẻ phiêu lưu từ châu Âu. Vào lúc này xảy ra ví dụ cuối cùng mà tôi muốn thảo luận về xung đột giữa các vùng, một xung đột giữa Thuận Quảng và Thanh Nghệ, ẩn khuất trong lớp vỏ ngoài của cuộc chinh phục của Pháp và sự kháng chiến.

Nhóm tinh hoa hoàng cung Huế không bao giờ kết nạp người từ Nam Bộ hay Đông Kinh với một mức độ đáng kể nào. Đến giữa thế kỷ 19, nhóm này chủ yếu bao gồm toàn người từ Thuận Quảng và Thanh Nghệ [3] . Người từ hai vùng này sau đó có những thái độ khác nhau đối với hoàng gia và với câu hỏi làm sao phản ứng trước Pháp. Khi vấn đề bảo hộ của Pháp xuất hiện, giới tinh hoa Thuận Quảng ủng hộ việc hòa hoãn và hợp tác để cứu chế độ quân chủ trong khi các lãnh đạo Thanh Nghệ ủng hộ kháng chiến. Cuộc xung đột phe nhóm tại hoàng cung sau cái chết của vua Tự Đức năm 1883 có thể được diễn giải như cuộc đấu tranh giữa các lãnh đạo Thuận Quảng ủng hộ hợp tác và các lãnh đạo Thanh Nghệ chống hợp tác [4] . Chính sự chủ động của người Thanh Nghệ đã dẫn đến việc đưa hoàng gia thoát khỏi Huế và kêu gọi ‘cần vương’ năm 1885. Sự đáp ứng lời kêu gọi này đã diễn ra rộng lớn và kéo dài tại Thanh Nghệ, tiếp tục cho đến khi Phan Đình Phùng qua đời gần 10 năm sau, trong lúc các lãnh đạo Thuận Quảng nhanh chóng hòa hoãn với Pháp chống lại các đối thủ Thanh Nghệ của họ [5] .

Diễn giải cuộc chinh phục An Nam của người Pháp và phong trào Cần vương cuối thập niên 1880 và đầu 1890 ở một mức độ nào đó như một cuộc xung đột giữa các vùng ở Việt Nam sẽ vi phạm các quy chuẩn của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng nếu phủ nhận khả năng phân tích này, chúng ta sẽ che khuất những điểm đặc trưng trong tình hình Việt Nam cận đại, đặc biệt khi ta xem xét vai trò của Thanh Nghệ (tức Nghệ Tĩnh trong thế kỷ 20) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thập niên 1930 và số lượng các lãnh tụ dân tộc thời hiện đại, bao hàm Hồ Chí Minh, người xuất thân từ vùng này. Người dân Thanh Nghệ Tĩnh có tiếng là ‘người theo chủ nghĩa dân tộc’ và ‘yêu nước’; liệu có thể nào những từ này là lối uyển ngữ thay cho khát vọng của vùng muốn vươn lên hay không?

Tôi sẽ kết thúc bằng việc xem xét một vài câu hỏi thường xuất hiện trong các thảo luận về các vấn đề được bàn đến trong tiểu luận này. Đến mức nào có thể nói rằng “các yếu tố lịch sử năng động” (dynamic historical factors) giúp giải thích chuỗi các sự kiện tôi đã đề cập trong bài viết này? Ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi phải được định vị trong các hoàn cảnh khu vực và thời gian, bởi vì mỗi khu vực với địa hình cụ thể, với các khả năng liên lạc và trao đổi với những khu vực khác, và cảm thức tự hào và gắn bó địa phương là những đơn vị phân tích phù hợp. Điều này ngụ ý rằng những ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi bao trùm trên toàn Việt Nam phải được quan sát với sự hồ nghi. Những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên.

Bằng cách chia lịch sử và văn hóa Việt Nam thành từng khu vực, chúng ta có thể xây dựng những cái nhìn về các quá khứ tiêu biểu về các dân tộc Việt Nam hơn là những gì được mô tả bởi cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng điều này sẽ không đủ nếu khi đó mỗi khu vực lại được xem như một thực thể có sự phát triển liên tục riêng của nó. Các khía cạnh của các quan điểm vùng có thể vẫn dai dẳng khi được củng cố bằng địa hình địa vực, nhưng tôi quan tâm đến khả năng là hành vi con người, dù mang tính chất khu vực hay ‘quốc gia’, thì cuối cùng vẫn mang tính chất giai đoạn, chứ không tiến triển liên tục, và rằng lịch sử của mỗi vùng cũng đứt đoạn giống như mọi nguyên lý căn bản lớn hơn tầm vùng miền. Đông Kinh đã là nhà của các vị vua và là một khu vực năng động, cố kết từ thế kỷ 11 đến 14; sau giai đoạn đó, vùng này liên tục chịu sức ép từ sự trỗi dậy của các khu vực phía nam. Những tham vọng của Thanh Nghệ, đầu tiên hướng ra bắc sau đó hướng về nam, đã có sự vượt trội tinh thần trong các diễn ngôn bao quát toàn Việt Nam trong nhiều thế kỷ mặc dù nội dung của những tuyên bố tinh thần của vùng này thay đổi qua từng thời đại. Trong thế kỷ 15, những người ủng hộ nhà Lê tự nhận có một lẽ phải dựa trên các mô hình đạo đức có trong các sách cổ. Trong thế kỷ 16 và sau đó, mục tiêu khôi phục nhà Lê và những hăng hái sau đó của vùng Thanh Nghệ được loan đi với lời kêu gọi nhắc đến lòng trung thành và uy tín tổ tiên, chính nghĩa của một chế độ quân chủ đã quá vãng chỉ còn tính biểu tượng. Thuận Quảng cai trị vùng biên giới phía nam trong hai thế kỷ; thành công tương đối của nó với tư cách một trung tâm vùng đã không thể biến thành ưu thế trên toàn Việt Nam bởi những hạn chế về địa hình và sự chú tâm hạn hẹp đến Huế. Khoảnh khắc chiến thắng của Bình Định, từng đoạn từng hồi, liên quan đến vị trí của nó trong một hoàn cảnh lớn hơn của các mối quan hệ khu vực. Nam Bộ, một trung tâm buôn bán quốc tế, cung cấp sức mạnh cho Nguyễn Ánh nhờ sự giàu có và tính đa dạng, nhưng cuối cùng bị xem là không quan trọng và bị từ bỏ bởi các lãnh đạo mắc kẹt trong hệ thống các ưu tiên của các vùng khác; kết quả sau đó là Nam Bộ tự tìm hướng đi giữa các cường quốc thế giới và học cách chịu hậu quả của điều đó. Không có khu vực nào đã hoặc sẽ duy trì một sự gắn bó tuyệt đối, tất cả đều ở trong tình trạng phát triển và thay đổi; chúng sẽ tiếp tục đấu tranh với nhau và đồng thời liên tục tái định nghĩa mình trong tương lai. Yếu tố lịch sử với xung lực lớn nhất là khao khát phát triển và thay đổi của con người – nó tạo ra những đà tiến cấp vùng và những sự định hình từng giai đoạn của các đà tiến đó. Không có một hình thái làng, hệ thống gia đình, hay một mô hình hoạt động tín ngưỡng trên toàn cõi Việt Nam, nhưng từ vùng này sang vùng khác, ta có thể tìm thấy nhiều trạng thái của tất cả những điều trên; chúng liên tục trải qua thay đổi, không phải theo một logic vĩnh cửu mà theo những thay đổi của trải nghiệm con người mang tính chất có vẻ ngẫu nhiên và theo từng giai đoạn.

Một câu hỏi khác: liệu ‘hòa bình’ mang ý nghĩa gì trong các xã hội Việt Nam đã trải qua ‘xung đột’ trong nhiều thế kỷ? Bên dưới bề mặt của chiến tranh là một sêri những biến chuyển xã hội liên quan nông nghiệp và thương mại mà về căn bản không liên quan đến những nghị trình trong cuộc xung đột. Trong khi một vài lãnh tụ và tùy tùng của họ ganh đua chuyện thống trị, những người dân nói tiếng Việt đi lại, lao động, tìm kiếm những nơi ‘yên bình’ riêng của họ ngay cả khi xã hội nói chung có vẻ đang được tổ chức cho chiến tranh. Đồng thời, bên dưới lớp vỏ thống nhất triều đại là những nền văn hóa truyền miệng địa phương hóa, đè lên nhau và một sự đa dạng các khác biệt vùng xung quanh chủ đề là người Việt Nam.

Trong những năm mà tôi đã đề cập, không có giai đoạn nào mà những người nói tiếng Việt không đánh lẫn nhau hoặc giao chiến với các láng giềng. Đây là một tình trạng bình thường tại Đông Nam Á thời tiền hiện đại. Trong tiểu luận này, tôi đã không đặt nhiều chú ý về quan hệ xung đột của Việt Nam với người Trung Quốc, người Chàm, Khmer, Lào hay Xiêm. Mỗi một quan hệ này đều riêng biệt và đặc thù với những thay đổi về đe dọa, cơ hội và lãnh thổ; ngoài ra, chúng thay đổi với thời gian. Không có một sơ đồ khái niệm đơn nhất có thể giải thích toàn bộ các xung đột này hay thậm chí giải thích một xung đột trong toàn bộ thời gian. Có nhiều khả năng để phân tích các hoàn cảnh mà có thể đặt sự kết nối giữa những xung đột của người Việt và xung đột giữa người nói tiếng Việt và người ngoài và những khả năng này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng; không có những tính cách ‘dân tộc’ được đơn giản hóa nào có thể giải thích những câu hỏi xuất hiện từ một nghiên cứu như vậy.

Tôi ngờ rằng, trong các thế kỷ được đề cập ở tiểu luận này, ý niệm hòa bình có nghĩa là tồn tại bên trong quỹ đạo của một lãnh tụ có khả năng thực thi sự độc quyền vũ lực. Sống trong hòa bình có nghĩa là sống dưới sự bảo vệ của một người có quyền uy. Những cố gắng mở rộng quỹ đạo hòa bình ấy để bao gộp toàn bộ các dân tộc nói tiếng Việt tất yếu dẫn đến chiến tranh khi những quỹ đạo này chen lấn nhau. Vì thế trong khi chiến tranh xảy ra ở vùng biên, hòa bình lại được củng cố ở trung tâm. Khái niệm đương đại của chúng ta về ‘hòa bình’ liên quan đến những ý niệm về nhà nước hiện đại và tính chất bắt buộc tuân theo hành vi thống nhất mà nhà nước đòi hỏi. Nhưng trong thời gian trước khi có các nhà nước hiện đại, khi sự lãnh đạo chính trị được thực hiện bởi các lãnh tụ và các nhóm đối với các vùng lân cận tùy thuộc sự thay đổi của tính cách và quan hệ con người, thì ‘hòa bình’ không phải là thành tựu của sự thống nhất pháp luật mà là tập hợp các tình huống gần như luôn luôn bao hàm cả chiến tranh.

Một câu hỏi khác: liệu ‘xung đột’ có thể được tách thành một phạm trù riêng biệt thuộc về trải nghiệm con người và được đối xử như một đối tượng tri thức có những hình thức lịch sử riêng của nó? Với tôi, có vẻ như mọi sự tìm kiếm một hình thức kết cấu của xung đột đều không thể tách khỏi mọi khía cạnh khác của hành vi con người và vì thế phải thừa nhận những yếu tố hỗn độn và không theo quy luật về ‘nguyên nhân, hình thức và sự phát triển.’ Tôi không tin rằng các cuộc xung đột mà tôi đã trình bày trong tiểu luận này là tất yếu, không thể tránh được. Tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng nào về sự cần thiết kinh tế, hằn thù sắc tộc, hay thậm chí logic địa lý khiến mọi cuộc chiến tranh này là không tránh được. Có vẻ trong nhân loại có điều gì đó có thiên hướng dẫn đến xung đột. Tôi đã cố gắng hình dung làm thế nào cách nghĩ dựa trên địa hình giúp soi sáng kiểu xung đột theo vùng, nhưng mục đích của tôi không phải nhằm nói rằng hành vi con người bị quy định bởi địa lý và con người nhất định phải giao tranh vì những cấu trúc địa hình, địa vật nhất định. Tôi đã khảo sát những thiên hướng, chứ không phải những sự bắt buộc. Cùng lắm, tôi đi tìm trong địa hình, địa vật để có các câu trả lời về việc các xung đột diễn ra như thế nào, chứ không để giải thích nguồn gốc của chúng. Nguồn gốc của xung đột nằm trong những con người cụ thể. Không có nhóm người nào về bẩm sinh lại ‘hiếu chiến’ hơn nhóm khác; thói quen gây chiến được thu nhận và từ bỏ trong những hoàn cảnh thời gian và nơi chốn nhất định.

Các chương chiến tranh chúng tôi đã xem xét trong tiểu luận này có thể được xem như là đã xảy ra do nỗ lực của những người nói tiếng Việt muốn vượt qua các hạn chế của địa hình và tư tưởng vùng và muốn hướng đến một nền hòa bình của toàn bộ người Việt. Không có nỗ lực nào thành công. Và điều này đưa chúng ta đến câu hỏi về một ‘lịch sử chung’ và sự ức đoán về việc các khu vực Việt Nam ‘thuộc về’ đâu, trong sự sắp xếp kiến thức hệ thống: ở Đông Á hay Đông Nam Á. Thật dễ dàng để cho rằng Đông Kinh có thể xem như một phần của Đông Á trong khi Nam Bộ được xem là một phần của Đông Nam Á. Nhưng điều này có ý nghĩa gì cho một ‘lịch sử chung’ của các dân tộc Việt? Và điều này có ý nghĩa gì cho Đông Á và Đông Nam Á với tư cách các phạm trù kiến thức học thuật?

Ý tưởng về một ‘lịch sử chung’ là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là một vấn đề truyền thụ. Một ‘lịch sử chung của người Việt’ là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật. Ví dụ, sự khẳng định nhà Mạc là ‘quân nổi loạn’ là quan điểm của vùng Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Huệ Quang Trung đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Bình Định và Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Ánh Gia Long đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Nam Bộ và Thuận Quảng. Sự níu kéo của Đông Kinh đối với nhà Lê trong thế kỷ 18 và 19 là cách duy nhất để giành một tiếng nói trong nhiều âm thanh chính trị; cả khu vực Đông Kinh và triều Lê khi đó đều đã không còn quyền lực. Việc xây dựng một ‘lịch sử chung’ nằm trong địa hạt thần thoại.

Điều tối đa có thể nói là các dân tộc Việt mà chúng tôi đã thảo luận đều nói một ngôn ngữ mà tất cả đều hiểu, nhưng thậm chí ngay cả ở đây chúng ta vẫn phải chú ý rằng cái ‘ngôn ngữ chung’ đó là một lớp âm thanh, từ vựng và cú pháp tương đối hời hợt, mà ẩn bên dưới đó là những lớp sâu sắc hơn của những mô hình ngôn ngữ vùng. Chữ Nôm, hệ thống chữ viết được dùng trong mấy thế kỷ mà chúng tôi đã thảo luận, có tiếng là không có hệ thống và đầy rẫy những thay đổi và sự khó hiểu. Một chữ có thể chỉ nhiều từ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và nơi chữ đó được viết; và một từ có thể được viết theo nhiều chữ, cũng lại tùy thuộc vào thời điểm và nơi mà nó được viết. Đây là một hệ thống chữ viết có sự nhạy cảm cao đối với các cách phát âm vùng và đối với sự thay đổi ngữ âm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chữ Nôm là một tư liệu quý về những khác biệt trong ngôn ngữ vùng và về cách ngôn ngữ thay đổi theo thời gian. Tôi càng làm việc với chữ Nôm lâu, tôi lại càng hồ nghi những lý thuyết về ý nghĩa của một ‘ngôn ngữ chung’, một ‘lịch sử chung’, một ‘văn hóa chung’. Chữ Nôm là một phản đề mạnh mẽ chống lại việc thả vào quá khứ những viễn cảnh viết sử mang tính dân tộc chủ nghĩa vốn có nguồn gốc từ thời hiện đại. Và chắc chắn đó là một lý do vì sao chữ Nôm lại bị từ bỏ.

Liên quan vấn đề định nghĩa một ‘lịch sử chung’ của các dân tộc Việt là sự khó khăn của việc đạt sự đồng thuận về một vấn đề thường khô khan, tức là quy cho họ một vị trí trong tương quan với Trung Quốc và các dân tộc khác. Nếu quả thật có một ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á, thì chắc chắn nó rơi vào giữa người Việt, và sự nhấn mạnh về tính chất vùng của Việt Nam mà tôi đã nhắc có lẽ có thể được nhận diện bởi chủ đề lớn hơn là tính chất vùng tại châu Á. Thiển ý riêng của tôi là nếu phải phân tích trong khuôn khổ Đông Á và Đông Nam Á, thì có lẽ tốt hơn là đặt người Việt vào khu vực Đông Á; nhưng tôi sẽ muốn tách người Việt ra khỏi Đông Á hoặc Đông Nam Á và xem họ như những nhóm người chia sẻ một vùng âm thanh và đứng giữa một ranh giới văn hóa lớn.

Nếu bị buộc phải phân một lằn ranh giữa Đông Á và Đông Nam Á, tôi sẽ vẽ đường ranh tại đèo Hải Vân, giữa Huế và Đà Nẵng, chính ở giữa vùng mà chúng tôi đã gọi là Thuận Quảng. Từ nơi này nhìn về nam, người ta có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt nhất về khí hậu, tiếng nói và lối sống so với bất kì đâu trên bờ biển Việt Nam. Cũng có thể bảo rằng một đường ranh như vậy được đặt tại đèo Ngang hoặc sông Gianh hoặc tại Đồng Hới. Vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân thực tế chính là vùng Nhật Nam, khu vực xa nhất mà nhà Hán hay bất kì triều đại Trung Hoa nào từng giành được về phía nam. Việc đặt ở nơi này một đường ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á không phải dựa trên yếu tố chinh phục của người Hán; mà đúng hơn, tôi tin rằng khả năng chinh phục của người Hán về phía nam là yếu tố phụ thuộc khí hậu, địa hình và những tiên liệu về khả năng tổ chức xã hội.

Có vẻ lạ lùng là khi tôi thảo luận những khu vực Việt Nam, tôi nói về Thuận Quảng như một đơn vị đơn nhất nhưng khi tôi thảo luận về những khu vực châu Á rộng hơn, tôi lại vạch lằn ranh ở giữa Thuận Quảng. Tôi tin rằng sự bất thường này là thể hiện rằng sự phân tích của chúng ta càng dựa nhiều vào những mảnh vỡ của trải nghiệm con người, thì nó càng ít đáp ứng các phạm trù rộng lớn về lịch sử và văn hóa được hình dung ở mức toàn cầu hoặc mức toàn quốc. Sự chú ý đến chi tiết có lẽ là một hoạt động có tính lật đổ, phá vỡ.

Tác giả: Keith W. Taylor là Giáo sư khoa Nghiên cứu châu Á, Đại học Cornell.

© 2005 talawas



[1]Manguin, Les Nguyễn, Macau et le Portugal, trang 22-45, 73-81.
[2]Trong bản gốc, K.W.Taylor dịch sang tiếng Anh từ cuốn An Nam Hà Tiên Thập Vịnh (EFEO microfilm A.441, n661, 10-12-1955). Người dịch sử dụng phần Hán thi và bản dịch nghĩa tiếng Việt của Đông Hồ, trong cuốn Văn học Hà Tiên (Xuất bản Quình-Lâm, Sài Gòn, 1970).
[3]Nola Cooke, “The Composition of the Nineteenth-Century Political Elite of Pre-Colonial Nguyễn Vietnam”, Modern Asian Studies, 29, 4, (1995), trang 741-764,
[4]Nola Cooke, Colonial Political Myth and the Problem of the Other: French and Vietnamese in the Protectorate of Annam, Luận án tiến sĩ, Đại học Quốc gia Úc, Tháng 12, 1991, chương Ba.
[5]David G. Marr, Vietnamese Anticolonialism, Berkeley, University of California Press, 1971, chương Ba.