trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
18.6.2005
Ðinh Việt Nhân
Bách Việt và Asean trên vùng định mệnh
 
1. Dẫn nhập

Tựa đề của bài tiểu luận này lấy từ loạt bài “Trăm Việt trên vùng định mệnh”(TVTVĐM) của học giả Phạm Việt Châu (PVC). Loạt bài TVTVĐM xuất hiện lần đầu trên tạp chí Bách Khoa từ năm 1969 đến năm 1974. [1] Viết trong thời kỳ sôi động nhất của cuộc chiến Việt Nam, tư tưởng của học giả PVC là một viễn kiến chính trị vượt không gian và thời gian. Những biến chuyển kinh tế, chính trị gần đây trên trường quốc tế, nhất là các tranh chấp tại biển Đông, lại càng làm tăng giá trị cảnh cáo của viễn kiến đó.

Các ý chính trong sách TVTVĐM có thể tóm lược như sau. Thứ nhất, các quốc gia Đông Nam Á (ĐNÁ) có chung nguồn gốc Bách Việt. Nói rõ hơn, tổ tiên dân ĐNÁ ngày nay là bộ tộc Bách Việt, đã nam thiên xuống Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Căm Bốt, Miến Điện, Thái Lan, Lào, v.v..., theo nhiều đợt khác nhau trong quá khứ. Thứ hai, các hậu duệ của bộ tộc Bách Việt đã đi tới đoạn đường chót của cuộc hành trình lịch sử, không còn nơi nào, chỗ nào để mà thiên di xa hơn nữa, trong khi áp lực truyền kiếp từ phương Bắc vẫn tiếp tục đè nặng xuống. Thứ ba, các quốc gia ĐNÁ chỉ có thể xây dựng được một thế đứng độc lập bằng cách triệt tiêu các ý hướng dựa vào các đế quốc mới. Các nước ĐNÁ cần quần tụ trong bình đẳng, hỗ tương, vừa giữ được thế tự lập đơn vị, vừa tạo ra sức mạnh tập thể. [2]

Đọc kỹ hơn, TVTVĐM có rất nhiều dữ kiện cập nhật (vào thời điểm đó) và tài liệu quý báu cho ngành Việt học, đặc biệt là Việt cổ học. Với tinh thần khoa học, khách quan, với lối suy nghĩ tiến bộ và với niềm tự hào dân tộc, học giả PVC đã đánh giá đúng đắn những thành quả văn minh Bách Việt nói chung, và Lạc Việt nói riêng. Ông viết:

“Cho nên, những người viết sử hôm nay, nếu thành thật với mình với người tất không thể nào phủ nhận được công trình xây dựng nền văn minh chói lọi và cổ nhất Đông-Nam-Á của bộ tộc Lạc-Việt.” [3]

Mấy năm gần đây, ngành Việt cổ học đã trở nên khá phát triển trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Ngoài các tạp chí chuyên đề như Tư Tưởng, một số bài nghiên cứu khá nghiêm túc đã bắt đầu xuất hiện khá thường xuyên trên rất nhiều tạp chí tiếng Việt nước ngoài (thí dụ như Diễn Đàn, Hợp Lưu, KhoaHoc&ĐoiSong, talawas, Thế Kỷ 21, Thời Đại Mới, v.v...). Các công trình biên khảo gần đây, tiêu biểu nhất là Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam, [4] đều góp phần, không ít thì nhiều, trong việc phát huy ý kiến trên.

Mùng 5 tháng 5 năm 2005 vừa qua là ngày giỗ 30 năm của học giả PVC. Đây là một dịp tốt để chúng ta cùng nhìn lại, đánh giá và triển khai tư tưởng TVTVĐM. Với khả năng và hiểu biết hạn hẹp của mình, người viết xin giới hạn trong đề tài Bách Việt và Hiệp hội các quốc gia ĐNÁ (ASEAN), tức là một góc cạnh lớn (nhưng không phải là góc cạnh duy nhất) của TVTVĐM. Vì nội dung bài viết ra ngoài phạm vi nghiên cứu chuyên môn của mình, người viết sẽ không tránh khỏi ít nhiều sai lạc và thiếu sót. Vì thế, kính xin bạn đọc bốn phương vui lòng lượng thứ và bổ túc, để chúng ta cùng nhau góp ý cho đề tài quan trọng này.

Bố cục của các phần còn lại trong bài như sau. Phần 2 phác họa vài nét đại cương về lịch sử bộ tộc Bách Việt. Phần 3 thảo luận nguồn gốc và văn minh Bách Việt dựa trên các khám phá khoa học hiện đại. Phần này cho thấy Việt tộc đã có những đóng góp rất đáng kể vào văn minh nhân loại. Phần 4 bàn về sự tương quan giữa Việt tộc và Hán tộc. Thái độ chủ quan, mập mờ, che dấu sự thật của người Hán đã góp phần không nhỏ vào niềm tự ti dân tộc của nhiều người Việt ngày nay. Phần 5 phân tích ASEAN như một ý chí và hình thức nối kết của Bách Việt trong thế kỷ 20-21, đúng như ý nguyện của học giả PVC lúc sinh thời.


2. Vài nét về lịch sử Bách Việt

Bách Việt là tiếng của người Hán dùng để chỉ tập hợp các sắc dân chủng Việt (phần lớn cư ngụ tại miền nam sông Dương Tử) mà người Hoa Hán gặp gỡ và tranh đấu khi họ bành trướng từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam. Lãnh thổ của bộ tộc Bách Việt, theo huyền sử, là nước Xích Quỷ [5] dưới quyền vua Kinh Dương, bắc giáp Hồ Nam, nam giáp Chiêm Thành, tây giáp Tứ Xuyên, đông giáp biển Đông. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch (TTL), sử sách ghi nhận các nước Hồ Việt (ở Hồ Nam), U Việt (ở Triết Giang), Mân Việt (ở Phúc Kiến), Đông Việt (ở Giang Tây), Nam Việt (ở Quảng Đông), Âu Việt (ở Quý Châu & Quảng Tây), Điền Việt (ở Vân Nam), Lạc Việt (bắc Việt Nam), Chiêm Việt (đảo Hải Nam), v.v... [6] Các nước này nằm kế tiếp nhau từ miền nam sông Dương Tử, qua lưu vực sông Hồng, xuống tận bình nguyên sông Mã. Đó là chưa kể những tổ hợp người Việt sống rải rác miền tây nam Trung Quốc chưa tổ chức thành quốc gia, có khi còn gọi là dân Bách Bộc. [7] Nhưng cũng có nhà nghiên cứu lại cho rằng Bách Bộc hay Bộc Việt là tiếng người Hoa Hán dùng để chỉ chủng tộc Việt ở phía bắc sông Dương Tử. [8]

Sau khi nhà Tần thống nhất được miền bắc Trung Quốc và một số lãnh thổ miền nam sông Dương Tử, các nước Việt nhỏ dần dần bị suy sụp, chỉ có Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt nhà Triệu (bao gồm Nam Việt, Âu Việt, Lạc Việt ) là còn tự trị. [9] Sang đến thế kỷ thứ nhất TTL, các nước này cũng bị nhà Hán thôn tính nốt, tuy rằng các tổ hợp Bách Việt vẫn sống rải rác khắp miền nam Trung Quốc. Trải qua thăng trầm của hai ngàn năm lịch sử, phần lớn lãnh thổ Bách Việt đã bị sát nhập vào bản đồ Trung Quốc và rất nhiều văn minh Bách Việt dần dần bị đồng hóa vào văn minh Trung Quốc.

Đến đây, người viết xin nhấn mạnh ba điểm. Thứ nhất, trong TVTVĐM, học giả PVC có vẻ hàm ý lãnh thổ sinh hoạt của bộ tộc Bách Việt giới hạn vào miền nam sông Dương Tử. Thật ra, các công trình nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học gần đây cho thấy người Bách Việt đã vượt sông Dương Tử rất lâu trước khi văn minh Trung Quốc bắt đầu thành hình. [10] Gần hơn nữa, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Bách Việt sống rải rác trong các vùng Hoa Bắc, điển hình là nước Sở (ban đầu, gồm Hồ Bắc ngày nay), nước Tề (Sơn Đông), nước Tấn (Sơn Tây-Hà Bắc), v.v... [11]

Thứ hai, vì chỉ có nước Việt Nam vẫn còn dùng chữ Việt trong quốc hiệu, có người ngộ nhận cho rằng người Bách Việt đã bị đồng hóa vào văn minh Trung Quốc, ngoại trừ người Việt Nam. Thật ra, như học giả PVC đã nhấn mạnh ngay từ đầu, tất cả các quốc gia ĐNÁ như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Căm Bốt, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, v.v..., đều do hậu duệ của đại chủng Bách Việt thành lập tại những thời điểm khác nhau. Theo học giả, Thái Lan có thể xem là một nước có nguồn gốc gần gũi với Việt Nam hơn cả. [12] Người Thái chính là bộ tộc Lý thuộc nhóm Âu Việt ở Quảng Tây trong nước Nam Việt nhà Triệu cũ. Sau khi Nam Việt nhà Triệu bị nhà Hán thôn tính, người Thái bỏ nước di cư, lập ra nước Nam Chiếu (Đại Lý). Đến thế kỷ 13, Đại Lý bị quân Mông Cổ phá vỡ hoàn toàn. Chính trong dịp này, người Thái lại nam thiên và hội tụ với các sắc dân Thái địa phương, sáng lập ra các vương quốc hùng mạnh, tiền thân của nước Thái Lan và Lào ngày nay. Điểm đáng chú ý là người Đại Lý đã đóng góp xương máu vào cuộc khởi nghĩa chống Hán của Hai Bà Trưng, cũng như đã hai lần chiếm lại thủ phủ Đại La (Hà Nội) từ nhà Đường vào thế kỷ thứ 9.

Thứ ba, học giả PVC cũng không quên nhắc đến hai vương quốc cổ, Chiêm Thành và Phù Nam. [13] Theo học giả, người Chàm đã trở về với khối gia đình Lạc Việt, [14] còn người Phù Nam đã hòa vào tộc Mon-Khmer. Tuy ngày nay Chiêm Thành và Phù Nam không còn chỗ đứng riêng trong tập thể ĐNÁ, hai nước này đã đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ đầu Tây lịch. Chiêm Thành và Phù Nam từng là gạch nối giữa tổ hợp đã suy sụp (Nam Việt nhà Triệu) và các tổ hợp đang hình thành ở lục địa cũng như hải đảo, cho dòng giống Bách Việt còn mãi mãi nối tiếp.


3. Nguồn gốc và văn minh Bách Việt

Các học giả ngày nay vẫn chưa hoàn toàn nhất trí về cội nguồn bộ tộc Bách Việt, nhất là vấn đề “nam thiên” hay “bắc tiến”. Các giả thuyết nam thiên phần lớn dựa trên cổ sử, nhất là cổ sử Trung Quốc. Như phần 4 sẽ trình bày, cổ sử Trung Quốc về Bách Việt chỉ có thể tin được phần nào. Các giả thuyết sau này, dựa trên các chứng cớ nghiên cứu đa ngành, có xu hướng làm đảo lộn các giả thuyết cũ, và do đó chưa được tất cả các nhà khoa học hoàn toàn chấp nhận. Các nghiên cứu di truyền học gần đây, tuy chưa minh xác hoàn toàn nguồn gốc người Bách Việt, nhưng đã làm sáng tỏ phần nào liên hệ giữa người Bách Việt và người Hoa Bắc.

Theo TVTVĐM, cuộc nam thiên của người Bách Việt có thể tạm chia làm bốn thời kỳ: [15]

Đợt 1: vào giữa thiên niên kỷ thứ ba đến cuối thiên niên kỷ thứ hai TTL và bao gồm các sắc dân cựu Malay, tân Malay và Lạc Việt. Đợt nam thiên này lập ra các nước Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương và Phi Luật Tân.

Đợt 2: vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ thứ ba TTL và bao gồm các nhóm Mon và Khmer. Đợt nam thiên này lập ra các vương quốc Draravati và Chân Lạp, và cuối cùng là Căm Bốt ngày nay.

Đợt 3: vào cuối thế kỷ thứ ba đến cuối thế kỷ thứ bảy và bao gồm bộ tộc Miến (trong đó có dân Pyu). Đợt nam thiên này cuối cùng lập ra Miến Điện.

Đợt 4: đợt di cư ào ạt của người Thái vào thế kỷ thứ 13 và các đợt nhỏ kế sau, như đã bàn bên trên. Các đợt nam thiên này sau cùng lập thành Thái Lan và Lào.

Gần đây, nhà nghiên cứu Nguyên Nguyên chỉ đích danh nước Sở là cái nôi nước Thái Lan và Viêt Nam ngày nay. [16] Theo ông, chủng Âu (người Thái cổ) chính là thành phần cư dân chủ lực của nước Sở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Vì lý do thiên tai mất mùa và chiến tranh loạn lạc, cư dân nước Sở đã di tản hàng khối xuống phương nam, đến tận bình nguyên sông Hồng, từ thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ ba TTL. Như vậy, truyền thuyết Âu Cơ–Lạc Long Quân có thể giải mã là sự cố gắng hợp chủng không thành công của hai chủng Âu và Lạc (người Việt cổ) trước áp lực bành trướng của người Hoa Bắc.

Ngẫm cho cùng, hai thuyết nói trên chỉ là sự triển khai và làm tinh tế các giả thuyết nam thiên của các nhà sử học thời Pháp thuộc như Aurousseau, Chavannes, Madrolle, v.v... [17] Thuyết nam thiên của học giả PVC phù hợp với huyền sử bốn ngàn năm văn hiến của người Việt Nam, trong khi thuyết nam thiên của tác giả Nguyên Nguyên tương ứng với quan điểm chủ đạo ngày nay, cho rằng nhà nước Việt Nam chỉ ra đời trong thiên niên kỷ thứ nhất TTL. [18] Nhưng cả hai thuyết này đều giới hạn trong vòng một hai thiên niên kỷ TTL. Đây là một mốc thời gian quá trễ so với quá trình hình thành văn minh Bách Việt. Câu hỏi cần đặt ra là người Bách Việt nói chung và người nước Sở nói riêng từ đâu mà ra?

Nếu dùng mốc thời gian xa xưa hơn hai thiên niên kỷ TTL, các nhà khoa học lại kiếm thấy rất nhiều chứng cớ trái ngược với thuyết nam thiên. Các công trình nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng, hình thái, ngôn ngữ và di truyền học từ thập niên 1960 đến nay có xu hướng cho rằng người Bắc Á chuyển hóa từ người Nam Á ra. [19] Cụ thể hơn, tổ tiên người Bách Việt đã đi từ nam lên bắc và đóng góp rất nhiều cho nhân chủng người Hoa Hán ngày nay. Đi xa hơn hết là giả thuyết của bác sĩ Oppenheimer. [20] Ông cho rằng ĐNÁ là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Trận đại hồng thủy cách đây khoảng 8000 năm làm chìm đắm thềm lục địa Sunda, khiến các cư dân ĐNÁ phải di tản đi các vùng đất khác. Họ chính là những người gây dựng lên nền văn minh đồ đá mới tại Trung Quốc, Ấn Độ, Lưỡng Hà Châu, Ai Cập, và phía đông Địa Trung Hải.

Các học giả Việt Nam phản ứng như thế nào trước các khám phá nói trên? Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài tiểu luận này, người viết xin tập trung vào một vài giả thuyết tiêu biểu. Chúng ta có thể bắt đầu bằng Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (NGMLDTVN), một công trình khảo cứu công phu của nhà ngữ học Tô Văn Tuấn, tức là nhà văn Bình Nguyên Lộc. [21] Theo ông, chủng Indonesian/Malay đã bắc tiến trong hai lần di dân chính trong quá khứ: đợt 1 cách đây khoảng 5000 năm và đợt 2 cách đây chừng 2500 năm. Người Việt Nam cổ (mà ông gọi là Mã Lai đợt 1) đã từ miền nam tiến lên làm chủ miền bắc Trung Quốc, nhưng sau bị giống dân phía bắc đẩy lùi trở xuống. NGMLDTVNTVTVĐM có một điểm chung lớn, đó là nguồn gốc Indonesian/Malay của người Bách Việt.

Gần đây, tác giả Nguyễn Quang Trọng nhấn mạnh trở lại yếu tố nam thiên trong nguồn gốc bộ tộc Bách Việt. [22] Ông cho rằng người hiện đại thiên di từ châu Phi về phía ĐNÁ, tất cả thuộc chủng Nam Cổ (Australoid) (da đen, tóc quăn, mũi to). Khi gặp biển Đông, một nhóm tràn lên miền bắc Đông Á, đến tận Mông Cổ. Họ thay đổi dần nhân dạng vì lý do môi trường, và lai giống với chủng Altaic thiên di từ Tây Á cách đây khoảng 15000 năm, trở thành dân Bắc Mông (da trắng vàng, tóc thẳng, mắt nhỏ). Dân Bắc Mông ngày càng bành trướng về phía Nam, hợp chủng với giống Nam Cổ tại giữa Trung Quốc ngày nay và tạo thành dân Nam Mông (da ngăm đen, tóc dợn sóng). Chủng Nam Mông này chính là tổ tiên của dân Bách Việt, và cả những người tại các hải đảo Thái Bình Dương.

Ngược với giả thuyết tân nam thiên là giả thuyết tân bắc tiến của tác giả Cung Đình Thanh. [23] Thuyết này nhấn mạnh vào hiện tượng biển tiến để giải thích phương hướng thiên di của người Bách Việt. Theo ông, người hiện đại di cư từ châu Phi đến Ðông Nam Á, tiếp cận biển Đông, một phần đi thẳng ra các hải đảo Thái Bình Dương và châu Úc, phần còn lại trụ tại ĐNÁ. Phần ở lại ĐNÁ, có thể là lưu vực sông Hồng, vì hội đủ điều kiện nên đột biến di truyền, đổi từ giống hắc chủng (da ngăm đen, tóc dợn sóng) ra giống hoàng chủng (da vàng, tóc thẳng). Đây là tổ tiên dân Bách Việt, chủ nhân của nền văn minh Hòa Bình. [24] Những người này đã dần dần tiến lên miền bắc, tức là Trung Quốc ngày nay, theo hai ngã (đông và tây) khi nước biển dâng lên lần cuối từ khoảng 18000 đến 7000 năm trước đây. Giả thuyết tân bắc tiến tương đối phù hợp với các nghiên cứu đa ngành gần đây, tuy rằng đâu là trung tâm văn hóa người Bách Việt cổ và phương cách đột biến từ hắc chủng ra hoàng chủng vẫn chỉ là những phỏng đoán.

Tóm lại, dựa trên các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế, chúng ta có thể kết luận rằng người Bách Việt:

- là hậu duệ của người hiện đại đầu tiên trong vùng Đông Á (với di chỉ xương hóa thạch kiếm thấy tại Quảng Tây, ước lượng 60000–70000 tuổi). [25]
- sử dụng tiếng nói Austric, một trong bảy ngành tiếng nói cũ nhất của thế giới. Đây là loại tiếng nói đã thành hình và được sử dụng trong quá trình định cư đầu tiên của người hiện đại, trước khi văn minh nông nghiệp ra đời. [26]
- tràn lên miền bắc, hợp chủng với người hiện đại đến từ ngã Bắc và Trung Á và tạo thành người Bắc Á (tiêu biểu là Hán tộc).
- khai sinh kỹ thuật cấy lúa gạo ruộng nước (di chỉ tìm thấy tại Hemudu, nam Trung Quốc, Ban Kao, bắc Thái Lan, Sakai, bán đảo Mã Lai), mở đầu cho nếp sống định canh định cư và văn minh Hòa Bình vào khoảng 10000 đến 15000 năm trước đây. [27]
- phát minh kỹ thuật đồ đồng (tìm thấy tại Ban Chiang, Non Nok Tha, bắc Thái Lan và Phùng Nguyên), tương ứng với sự thành hình của các nhóm Bách Việt cách đây trên dưới 4000, 5000 năm. [28]

Theo các nhà khảo cổ và sử học, một số đặc trưng của văn minh Bách Việt gồm có: [29]

  • trồng lúa nước;
  • dùng trai, sò và các động vật lưỡng tính làm thực phẩm;
  • cắt tóc ngắn và xăm mình;
  • mặc quần ngắn, váy ngắn và đội khăn;
  • cất nhà sàn;
  • văn hóa biển và sông nước (đóng tàu dài, đua thuyền, giỏi dùng thuyền bè và hải chiến);
  • đúc trống đồng;
  • sản xuất đồ gốm và sứ theo dạng hình học;
  • làm đồ sơn mài;
  • thờ cúng ông bà;
  • tín ngưỡng vật tổ, đặc biệt đối với chim, rắn;
  • hội mùa xuân và thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng;
  • mai táng theo thế bó gối.


4. Việt tộc và Hán tộc

Trong bài này, Việt tộc có nghĩa là hậu duệ của người Bách Việt. Như vậy, Việt tộc ngày nay bao gồm một số lớn người Hoa Nam và gần như toàn thể dân ĐNÁ. Trong khi đó, Hán tộc là một danh từ không có nghĩa rõ ràng. Tổ tiên người Hán là dân du mục, với văn hóa chăn nuôi, hỏa canh. Họ di cư đến miền tây bắc Trung Quốc từ phía Trung Á. Lúc ban đầu, họ sống trên những cánh đồng cỏ Cam Túc, Thiểm Tây, v.v..., và lập ra nền văn minh Hoa Hạ dẫn đến các triều đại Thương và Châu. Đến thời nhà Tần và Hán, người Hán dần dần thôn tính các nước người Việt chung quanh, mở đầu cho nền văn minh đa sắc tộc Trung Quốc. [30] Trong thời kỳ phong kiến, người Hán thường dùng các danh từ có ý miệt thị như Đông Di và Nam Man để chỉ người Bách Việt. [31] Nhưng đột nhiên đến đầu thế kỷ 20, khi Tôn Dật Tiên khai sinh ý niệm Trung Hoa Dân Quốc với năm chủng tộc Hán, Mãn, Mông, Tạng, Hồi, thì Việt tộc chính thức biến mất trong bản đồ sắc tộc Trung Quốc.

Ý nghĩa của chủ thuyết Trung Quốc ngũ chủng là gì? Vì Việt tộc tại Trung Quốc không thể nào tuyệt chủng, cách suy diễn hợp lý duy nhất là người Hán và Việt đã hợp nhất thành một chủng tộc, do đó người Hoa gốc Việt tại Hoa Nam ngày nay được hoàn toàn xem như người Hán. Lối suy luận này cũng hàm ý lịch sử là giống người Bách Việt man di mọi rợ ghi trong cổ sử đã được người Hán khai hóa, và đến đầu thế kỷ 20, quá trình Hán hóa coi như hoàn toàn. Tóm lại, thuyết ngũ chủng chẳng qua chỉ là một cách tiếp tục che dấu khéo léo những đóng góp to lớn của người Bách Việt vào huyết thống và văn hóa Trung Quốc.

Những đóng góp đó là gì? Như trình bày ở phần trên, người Bách Việt đã mang văn minh trồng trọt, làm đồ gốm và thuyền bè lên miền bắc, do đó góp phần rất đáng kể cho sự bành trướng dân số, lãnh thổ và văn minh của Hán tộc. Về kim loại, rất có thể người Bách Việt đã truyền kỹ thuật đúc sắt cho người Hán. Theo các nhà nghiên cứu trong ngành luyện kim và khảo cổ, kỹ thuật luyện sắt tại Trung Quốc bắt nguồn từ hai ngã độc lập nhau:

  • từ nước Ngô (Bách Việt) vào đầu thế kỷ thứ năm hay cuối thế kỷ thứ sáu TTL; và
  • từ dân du mục Scythian (miền nam nước Nga) qua ngã Tây Bá Lợi Á vào khoảng thế kỷ thứ tám TTL.

Các nhà kim loại học đề xuất rằng sự phát triển dụng cụ và võ khí bằng sắt tại Trung Quốc bắt nguồn từ miền nam là chính yếu. [32] Từ nước Ngô, đồ sắt truyền qua nước Sở trong vòng một thế kỷ và các nước chư hầu nhà Châu một thế kỷ sau đó. Lí do tại sao kỹ thuật sắt của người du mục miền tây bắc không nhanh chóng truyền xuống đồng bằng Trung thổ vẫn còn là một nghi vấn của lịch sử.

Về tiếng nói, có nhiều bằng cớ cho thấy, cùng với sự tiếp thu nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Bách Việt, người Hán đã thu nhập tiếng Việt vào trong vốn từ vựng của mình. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong Hán ngữ những từ gốc Việt như Nữ Oa, Thần Nông, Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn, v.v... Ngay cả trong Kinh Thi, một bộ sách quan trọng vào bậc nhất đối với người Hán, cũng có khá nhiều thí dụ ảnh hưởng cách nói của người Việt. [33] Theo một số tác giả, trước thời Hoàng Đế, người Bách Việt đã sử dụng chữ Hỏa tự và chữ Khoa đẩu. Khi phát minh ra chữ vuông, người Hán đã dùng chữ vuông ký tự những chữ Việt đó, rồi đương nhiên coi là tiếng Hán, chữ Hán. [34] Về văn chương, người Hán đã tiếp thu Sở Từ, một lối thơ gieo vần của dân Sở, mà người Hán cho là loại thi ca cổ đại hay nhất. [35] Về tư tưởng thì không những Đạo Lão có nguồn gốc Bách Việt, mà một vài nhà nghiên cứu, thí dụ như triết gia Kim Định, còn đòi lại Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Thư, v.v..., cho người Việt.

Nói tóm lại, Trung Quốc có thể xem là một thí dụ của Hiệp Chủng Quốc lâu đời nhất. Là một nền văn minh đa văn hóa, Trung Quốc có khả năng tiếp thu và phát triển các kỹ thuật đến từ mọi hướng. Người Hán rất tài tình trong việc thu lượm, vay mượn, cưỡng chiếm, chế biến và tổng hợp các thành tựu văn hóa và kỹ thuật của các sắc dân chung quanh, đặc biệt là dân Bách Việt. Vì là kẻ thống trị, người Hán có động cơ coi thường, che dấu, xóa bỏ văn minh của các giống dân bị trị với mục đích đề cao vai trò khai hóa của mình. Dùng chữ viết thống nhất như là một võ khí vô địch, người Hán đã rất thành công trong việc thi hành các chính sách này. Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, người Hoa Hán đã cố tình tìm cách tiêu hủy văn minh Lạc Việt, nghiêm trọng nhất là trong thời kỳ nhà Hán và nhà Minh.

Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy cổ sử Trung Quốc viết về người Bách Việt với giọng điệu miệt thị và đầy rẫy những sai lạc. Những sai lầm này một phần do lối suy nghĩ tự tôn Hoa Hán bá chủ, một phần do thiếu hiểu biết tìm tòi, và một phần lớn là cố tình bóp méo sự thật. Tác phẩm xuyên tạc người Bách Việt nhất có lẽ là Hậu Hán thư (HHT) của Phạm Việp. Dựa trên HHT, sử gia Trần Trọng Kim viết rằng người Việt học nghề trồng lúa từ Thái thú Nhâm Diên thời Đông Hán (đầu thế kỷ thứ nhất), trong khi thật ra người Việt đã sản xuất và tiêu thụ gạo nhiều ngàn năm trước. [36] HHT cũng cho rằng nguời Bách Việt chưa biết mặc quần áo, trong khi một khai quật khảo cổ tại Bắc Giang cho thấy cách đây 3400 năm, người Việt đã biết dệt vải làm áo. [37]

Cho đến tương đối gần đây, người Hán vẫn tự mãn, vẫn cho mình là trung tâm văn hóa loài người. Khi tìm ra xương người đứng thẳng (homo erectus) hóa thạch tại Châu Khải Điếm, Bắc Kinh, trong thập niên 1920, các nhà nhân chủng học Trung Quốc vội vàng lập thuyết cho rằng người Hán là thủy tổ các sắc dân vùng ĐNÁ. Niềm tin chủ quan sai lầm đó vẫn còn tồn tại trong một số nhà khoa học Trung Quốc cho đến đầu thập niên 1990. [38] Năm 1986, các nhà khảo cổ tìm thấy di tích đồ đồng kỹ thuật cao Sanxingdui của nền văn minh Shu (Thục) tại Tứ Xuyên. Trung Quốc đã gán cho đồ đồng này niên đại 1200 năm TTL mà nhiều nhà khảo cổ Tây Phương cho rằng trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Lý do là vì người Trung Quốc rất hãnh diện về đồ đồng nhà Thương, mà đồ đồng nhà Thương mới chỉ có độ 1300 năm TTL. [39] Mặt khác, một số học giả Trung Quốc lại tranh chấp chủ quyền trống đồng với các học giả Việt Nam, mặc dù ai cũng công nhận trống đồng là sản phẩm văn hóa và kỹ thuật độc đáo của người Bách Việt. [40]

Sau một ngàn năm Bắc thuộc, hấp thụ không biết bao nhiêu tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật dán nhãn hiệu Hoa Hán (mặc dù một phần rất lớn có nguồn gốc Bách Việt), người Việt khó tránh khỏi ít nhiều mặc cảm tự ti dân tộc đối với người Hán. Mặc cảm tự ti đó dẫn đến tinh thần vọng ngoại, cái gì của Tàu cũng lâu đời, cũng thật, cũng tốt, còn cái gì của ta cũng bắt chước, cũng giả, cũng xấu. Trong giới học giả Việt Nam, điều đó nhiều khi lại còn thê thảm hơn. Niềm tin giáo điều vào các cổ sử, kinh điển của người Hán, cùng sự thiếu hiểu biết về văn minh Bách Việt đã góp phần không nhỏ vào thái độ tự ti vọng ngoại của một số nhà trí thức khoa bảng gốc Việt. Người viết đã từng nghe một nhà văn hóa hải ngoại tuyên bố rằng: “cái gì hay của mình, đều là chớp của Tàu cả”.

Rất may là các công trình nghiên cứu khách quan, nghiêm túc của các nhà khoa học quốc tế thời nay đã giúp soi sáng phần nào các đóng góp to lớn của bộ tộc Bách Việt. Ngày trước, các bậc học giả Việt Nam tiền bối có thể viết sai vì thiếu dữ kiện, không có điều kiện nghiên cứu hay ỷ lại vào các tài liệu chủ quan, thiếu chính xác của Trung Quốc. Nhưng với các phát kiến ngày nay, các lỗi lầm đó không thể tha thứ được. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn sửa đổi các sách vở cũ cho phù hợp với bước tiến của khoa học, và phải biết đến và tuyên dương các thành quả của các bậc tiền nhân Bách Việt.

Chúng ta cần làm chuyện đó vì nhiều lý do. Thứ nhất, tìm hiểu về nguồn gốc mình để biết người biết ta, để giữ vững bản sắc mình trong cơn lốc toàn cầu hóa và cách mạng kỹ thuật thông tin, và để góp phần vào kho tàng văn minh nhân loại. Thứ nhì, có hiểu biết những thành tựu huy hoàng của tổ tiên, người Việt Nam mới nhận thức sự kém cỏi của dân mình, nước mình trong nhiều thế kỷ qua. May ra nhờ đó sẽ nảy sinh ra tinh thần đoàn kết Đại Việt, xóa bỏ mọi tỵ hiềm để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam tân tiến, giàu có và công bằng trong tinh thần Cổ Việt. Thứ ba, tìm hiểu về nguốn gốc mình để thấy sự gần gũi, gắn bó của các sắc dân láng giềng ĐNÁ, một hình thức Bách Việt nới rộng. Cụ thể hơn nữa là sự hoàn toàn từ bỏ thành kiến khinh rẻ các anh em Bách Việt ít nguời như người Mường, Mán, Chàm, Thượng, v.v...


5. ASEAN và Trung Quốc

Trong TVTVĐM, học giả PVC đã nhấn mạnh đến ý chí và nỗ lực kết khối của các quốc gia ĐNÁ. Ý chí liên kết đó bắt đầu bằng ý thức Maphilindo, do các nhà cách mạng người Phi Luật Tân như José Rizal và Apolinario Mabini chủ xướng vào cuối thế kỷ 19, khi gần như tất cả khu vực ĐNÁ còn đắm chìm trong vòng đô hộ phương Tây. Ý thức này nhắm tới việc thành hình một tổ hợp dân Malay gồm có Nam Dương, Mã Lai và Phi Luật Tân. Vào cuối thập niên 1930, Manuel Quézon, tổng thống nước Phi tự trị dưới quyền bảo hộ của Mỹ, đã đề cập đến một liên bang, bao gồm không những khu vực hải đảo mà còn tất cả các quốc gia ĐNÁ lục địa. Có thể nói đây là đề xuất kết khối đầu tiên của các quốc gia có nguồn gốc Bách Việt.

Trong khu vực ĐNÁ lục địa, tiếng gọi liên kết được cất lên trước hết tại Thái Lan năm 1939 và sau đó tại Việt Nam năm 1943. [41] Tuy hình thức liên kết Malphilindo giới hạn và Malphilindo nới rộng đã không thành, một phần lớn vì ảnh hưởng của các cường lực bên ngoài, ý thức Malphilindo đã, đang và sẽ làm bó đuốc lý tưởng soi đường cho nỗ lực kết hợp của hậu duệ người Bách Việt. Trong phần cuối chương 17 của TVTVĐM, học giả PVC có nhắc tới ASEAN, được thành lập qua tuyên ngôn Băng Cốc năm 1967. [42] Vào lúc đầu, các quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn giữ khuynh hướng vọng ngoại. Vì thế, học giả PVC đã kết thúc TVTVĐM với niềm hy vọng xen lẫn sự hoài nghi về tương lai liên kết của các nước ĐNÁ.

May thay, niềm hy vọng của học giả PVC đã tiến gần đến hiện thực. Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, vương quốc Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào (1997), Miến Điện (1997) và Căm Bốt (1999) dần dần chính thức tham gia ASEAN. Như vậy, một thế kỷ sau khi chủ nghĩa Malphilindo ra đời, các quốc gia ĐNÁ đã thành công trong việt thành lập một hình thức kết khối ổn định trong tinh thần tương quan bình đẳng. Tất cả các quốc gia thành viên của ASEAN đều có nguồn gốc Bách Việt. Ngay cả Singapore, tuy dân chúng chính thức nói tiếng phổ thông, nhưng phần lớn dân cư người Hoa đều có nguồn gốc Bách Việt như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, v.v...

Như TVTVĐM đã trình bày, dân chúng các nước ĐNÁ, dù muốn dù không, đã đi đến vùng định mệnh, không thể còn đi đâu nữa cả. Cách giải quyết duy nhất là tìm một phương cách hữu hiệu để giúp nhau cùng phát triển và đề kháng áp lực bắc phương truyền kiếp. Ngày nay, với khoảng 500 triệu dân, 4,5 triệu kilo mét vuông và tổng sản lượng gộp chung $737 tỷ Mỹ kim, [43] ASEAN là một tổ chức ổn định và tương đối có thực lực để giao tiếp và đối kháng, nếu cần, với Trung Quốc. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã xem ASEAN như một địch thủ đáng kể. Bắc Kinh đã mở hẳn một chiến dịch phỉ báng ASEAN và nhất là Nam Dương. [44] Nhưng, như học giả PVC đã phân tích, bất kỳ sự kết khối nào của ĐNÁ cũng chỉ có hại hơn là có lợi cho Hoa lục, cho nên sự chống đối của Bắc Kinh cũng là chuyện dễ hiểu.

Con rồng Trung Quốc, qua hơn một thế kỷ ngủ quên, đang tỉnh giấc và vươn lên với tốc độ rất nhanh. Các diễn tiến chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, biên giới, v.v..., gần đây cho thấy áp lực phương bắc là một vấn đề nghiêm trọng cho toàn cõi ĐNÁ trong nhiều thế hệ sắp tới. Tuy đây chỉ là sự tái diễn của lịch sử, nhưng các áp lực tương lai sẽ phức tạp và tế nhị hơn các cuộc xâm lăng thuần túy quân sự ngày trước. Một vài khía cạnh của vấn đề này sẽ được triển khai dưới đây.

Trước hết, chúng ta cần xác nhận là các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong thâm tâm vẫn giữ chủ trương bành trướng lãnh thổ lãnh hải, đặc biệt đối với Việt Nam mà họ cho là một phần của Trung Quốc, tạm mất vào tay người Pháp trong khi Trung Quốc bị suy yếu. Về thực tế, ngoài việc dùng võ lực lấn chiếm một số đất đai dọc theo biên giới miền bắc của nước ta, Trung Quốc còn chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Gần đây, chính quyền Trung Quốc còn ép chính quyền Việt Nam ký kết một hiệp định biên giới rất bất lợi cho Việt Nam, nhất là về phương diện lãnh hải.

Đối với biển Đông, Trung Quốc đã chính thức tự xác nhận chủ quyền của họ xuống tận quần đảo Nam Dương từ năm 1992. [45] Nhưng chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không chỉ giới hạn vào biển Đông. Việc Trung Quốc tìm cách liên kết với các quốc gia Tây Hồi (Pakistan), Tích Lan và Miến Điện trong vài năm qua làm nhiều nhà quan sát e ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách khống chế vùng Ấn Độ Dương. [46] Như vậy ý đồ của Trung Quốc trong đoản kỳ là thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của siêu cường Hoa Kỳ, mà bước đầu là tạo ảnh hưởng toàn diện trong khu vực ĐNÁ, nhất là tại biển Đông. Bằng cớ đơn giản nhất là, theo tính toán của Mỹ, Trung Quốc đã bỏ 9% tổng sản lượng vào chi phí quân sự trong năm 1993. [47] Nếu quả thật như thế, Việt Nam lại một lần nữa đóng vai trò lá chắn cho toàn vùng ĐNÁ đối kháng sự bành trướng của Trung Quốc.

Chính sách tiêu biểu nhất của một đế quốc bất cứ thời nào là chia để trị. Tuy có chung nguồn gốc Bách Việt, các quốc gia thành viên ASEAN khác biệt khá nhiều về văn hóa, tôn giáo và mức độ phát triển, do đó dễ bị chính sách chia để trị của Trung Quốc ảnh hưởng. Lấy thí dụ, trong vấn đề tranh chấp biển Đông, Trung Quốc đã đồng ý giải quyết vấn đề trong tinh thần công pháp quốc tế chứ không còn khăng khăng đòi nói chuyện riêng với từng nước tranh chấp như trước. Tuy nhiên, trong thực tế, Trung Quốc vẫn dùng mối lợi khai thác kinh tế để nhử từng quốc gia ASEAN như Việt Nam hay Phi Luật Tân ký kết các hiệp ước song phương với họ.

Chính sách thứ hai của các tân đế quốc là mập mờ bất nhất. Có khi Trung Quốc dùng chiêu bài hợp tác kinh tế để gây ảnh hưởng với ASEAN (mặc dù thật ra nền kinh tế Trung Quốc có tính cách cạnh tranh hơn là bổ sung cho nền kinh tế của khối ASEAN). Một thí dụ mới nhất là tuyên ngôn Bắc Kinh về hợp tác phát triển tin học giữa Trung Quốc và ASEAN ký ngày 12/5/2005. [48] Nhưng có khi Trung Quốc lại đưa ra những quyết định đơn phương rất nguy hại cho các quốc gia ĐNÁ lục địa, chẳng hạn như chương trình xây đập trên thượng nguồn sông Cửu Long. Tuy bị các nhà môi trường học quốc tế chỉ trích rất nhiều, Trung Quốc đã từ chối thương thuyết với các quốc gia chịu ảnh hưởng xấu như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Căm Bốt và Việt Nam. Khi cần thiết, Trung Quốc cũng rất sẵn sàng dùng các biện pháp quân sự để đàn áp các quốc gia ĐNÁ, như lịch sử gần đây chứng minh.

Để hợp tác hay đối phó hữu hiệu với Trung Quốc, các quốc gia thành viên khối ASEAN phải thật sự đoàn kết nội bộ trên căn bản “tình anh em Bách Việt ruột thịt”, tức là phải tránh đối thoại và ký kết các hiệp ước song phương với Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Đài Loan, với nguồn gốc Mân Việt, [49] có thể là một thành viên tương lai của khối ASEAN nới rộng. Về mặt đối ngoại, ASEAN phải khéo léo dùng các thế lực của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ để dung hòa ảnh hưởng Trung Quốc. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga là những thế lực cũ và có nhiều quyền lợi trực tiếp hay gián tiếp trong khu vực ĐNÁ. Ấn Độ với dân số cao và mức độ tăng trưởng kinh tế hiện nay sẽ là một thế lực mới, có khả năng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Phần lớn những điểm này đều đã hàm chứa trong viễn kiến TVTVĐM của học giả PVC hơn 30 năm trước.

© 2005 talawas


[1]Học giả Phạm Việt Châu tên thật là Phạm Đức Lợi, một sĩ quan cấp tá trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gần đây, các con của học giả đã sưu tầm các bài này và in thành sách (xem Phạm Việt Châu, Trăm Việt trên vùng định mệnh, North Falls House, Minneapolis, 1997).
[2]Xem cước chú 1, Phần Dẫn Nhập (trang 18) và Chương 18 (trang 290).
[3]Xem cước chú 1, trang 39.
[4]Cung Đình Thanh, Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học, Nhà xuất bản Tư Tưởng, Sydney, 2003.
[5]Xích Quỷ là một từ do người Hán đặt ra và có nghĩa là giống rợ da mầu đỏ. Xem Nguyên Nguyên, “Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (3): Nước Xích Quỷ”, http://www.aihuucongchanh.com/ahccahcc.html
[6]Các danh từ Hồ Việt, U Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Âu Việt, Lạc Việt lấy ra từ cước chú 1, trang 25. Danh từ Điền Việt lấy từ cước chú 5. Từ Chiêm Việt do người viết đặt ra dựa trên các dẫn chứng lịch sử về sự liên hệ giữa người Chàm và người đảo Hải Nam (xem Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Lá Bối, Sài Gòn, 1971, NXB Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ).
[7]Cao Thế Dung, “Mấy nét về cuội nguồn văn minh văn hóa Việt Nam”, Tư Tưởng số 4 năm 1999, trang 7-12.
[8]Nguyên Nguyên, “Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (2): Nước Sở cái nôi của dân Việt”, http://www.aihuucongchanh.com/ahccahcc.html
[9]Xem cước chú 1, trang 26.
[10]Xem cước chú 4, trang 218(9.
[11]Xem Nguyên Nguyên, “Truyền thuyết Âu Cơ và dư âm Bách Việt trong tiếng Việt(1): Ảnh hưởng chủng Thái” http://www.aihuucongchanh.com/ahccahcc.html Tác giả Nguyên Nguyên lấy tài liệu từ Di Cosmo,N., Ancient China and its Enemies – The Rise of Nomadic Power in East Asian History, Cambridge University Press, 2004.
[12]Xem cước chú 1, trang 32–3.
[13]Xem cước chú 1, trang 42.
[14]Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc thì người Chàm và người đảo Hải Nam ngày xưa có liên hệ chặt chẽ, xem cước chú 6.
[15]Xem cước chú 1, trang 27–33.
[16]Xem cước chú 8.
[17]Xem Taylor, K., The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983.
[18]Xem Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985, trang 164. Trong cước chú 5, tác giả Nguyên Nguyên cũng hàm ý cho rằng văn hiến và lập quốc đi đôi với nhau. Ông đề nghị chúng ta “rút lại còn đúng 3000 năm văn hiến” và “chịu mất 1000 năm văn hiến, một thứ văn hiến ‘ảo’, trống không”. Theo người viết, đây là một đề nghị cực đoan vì văn hiến và lập quốc là hai vấn đề khác biệt nhau.
[19]Tiêu biểu nhất là các tác giả Needham, Solheim II, Gorman, Jettmar, Higham, Turner, Hanihara, Nichols, Ballinger, Chu, Oppenheimer, v.v... Các công trình này đã được tóm lược trong cước chú 4 và Trần Nam Bình, “Vài nhận xét về nguồn gốc người Việt”, Tư Tưởng số 22, trang 18-22.
[20]Oppenheimer, S., Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, London, 1999.
[21]Xem cước chú 14.
[22]Xem Nguyễn Quang Trọng, “Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Địa đàng phương Đông của Oppenheimer”, Hợp Lưu số 64, tháng tư 2002, trang 24(52.
[23]Giả thuyết này xuất hiện lần đầu trên Tập san Tư Tưởng trong những năm 1999 và 2000. Loạt bài này sau đó được in thành sách (xem cước chú 4).
[24]Hiểu theo nghĩa chuyên môn khảo cổ, văn hóa Hòa Bình bao gồm một vùng đất rộng lớn trong ĐNÁ.
[25]Xem Brown, P., “The first modern East Asians?: Another look at Upper Cave 101, Liujang and Minatogawa” 1 trong Omoto, K. (chủ biên), Interdisciplinary Perspectives on the Origins of the Japanese, International Research Center for Japanese Studies, Kyoto, 1999, trang 105(30.
[26]Xem Renfrew, C, “Language families as evidence of human dispersals” trong Brenner, S. và K. Hanihara (chủ biên), The Origin and Past of Modern Humans as Viewed from DNA, World Scientific, Singapore, 1995, trang 285(306.
[27]Xem cước chú 22. Theo tác giả Cung Đình Thanh thì những chứng cớ trồng lúa đầu tiên tại Bắc Việt hoặc chưa tìm thấy, hoặc đã đắm chìm dưới nước trong lần biển tiến cuối cùng.
[28]Xem cước chú 4 và “History of Thailand & Southeast Asia”, http://www.guidetothailand.com/thailand-history/beginning.htm
[29]Xem cước chú 4, trang 182(3.
[30]Theo một số học giả, huyền thoại Hoàng Đế đánh ‘giặc’ Xuy Vưu mô tả trận chiến quy mô đầu tiên giữa Hán tộc và Việt tộc.
[31]Ngay cả nhà Nguyên Mông Cổ cũng xếp người Hoa Nam (Nam Nhân) vào hạng chót của đẳng cấp xã hội, dưới cả đĩ điếm và ăn mày (xem Nguyễn Duy Chính, “Chiến lược mặt biển của Trung Quốc và vấn đề biển Đông”, http://www.vietkiem.com, trang 6, 2002).
[32]Wagner, D.B., “The earliest use of iron in China”, trong Young, S.M. và nhiều tác giả (chủ biên), Metals in Antiquity, Archaeopress, Oxford, 1999, trang 1(9.
[33]Hà Văn Thùy, “Việt mượn Hán hay Hán mượn Việt?”, talawas, 9/4/2005.
[34]Xem cước chú 31.
[35]Xem cước chú 4, trang 417.
[36]Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Quyển 1, Trung Tâm Học Liệu, Sài Gòn, 1971, trang 38.
[37]Xem cước chú 4, trang 510.
[38]Thay vì thuyết Một nguồn, một số nhà khoa học Trung Quốc ủng hộ thuyết Liên tục Đa địa phương trong việc giải thích sự xuất hiện người hiện đại tại châu Á. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu di truyền học đã bác bỏ thuyết Liên tục Đa địa phương.
[39]Nguyễn Quang Trọng, “Về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam – Trả lời nhóm Tư Tưởng”, Hợp Lưu số 66, tháng 8/9, 2002, trang 46(59.
[40]Các học giả Trung Quốc cho rằng trống đồng bắt nguồn từ Vân Nam hay Quảng Tây, trong khi các học giả Việt Nam chủ trương trống đồng phát xuất từ Bắc Việt. Xem cước chú 4, chương 7.
[41]Xem cước chú 1, trang .269.
[42]Ban đầu gồm có Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan và Singapore.
[43]Xem Association of South East Asia Nations, http://www.aseansec.org/64.htm
[44]Xem cước chú 1, trang 286.
[45]Xem Vũ Quang Việt, “Khu vực Thái Bình Dương đầy biến động trong thế kỷ 21: Cạnh tranh, hợp tác hay đối đầu?”, http://www.hoithao.viet-studies.org/1998_VQViet.pdf, trang 16, 1998.
[46]Xem cước chú 31, trang 45.
[47]Xem cước chú 45, trang 16.
[48]Xem ASEAN and China Establish ICT Cooperative Partnership for Common Development, http://www.aseansec.org/home.htm
[49]Xem Nguyễn Đức Hiệp, “Đài Loan và cuội nguồn Bách Việt”, Tư Tưởng số 22 năm 2003, trang 24–5.