trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Bất đồng chính kiến, ly khai từ bên trên vs. đối lập từ bên dÆ°á»›i và vai trò của không gian công phi chính thống
 1   2   3 
6.8.2005
Lâm Yến, Khải Minh
Tiểu luận số 3: Bất đồng chính kiến Việt Nam- Ly khai từ bên trên và Đối lập từ bên dưới
 
Trong các tiểu luận trước, chúng tôi đã trình bày những hạn chế của phong trào bất đồng chính kiến Việt Nam hiện nay (tiểu luận số 1); lịch sử hình thành và quá trình toàn trị hóa của không gian công ở Việt Nam (tiểu luận số 2). Trong bài này, chúng tôi sẽ phân biệt ly khai từ bên trên và đối lập từ bên dưới, cũng như quan hệ của chúng với không gian công. Chúng tôi sẽ đi sâu vào một ví dụ về đối lập từ bên dưới từ cuối thập kỉ 80 và cố gắng chứng minh bản chất ly khai từ bên trên của bất đồng chính kiến Việt Nam hiện nay.
Ly khai từ bên trên v.s Đối lập từ bên dưới

Như chúng tôi đã phân tích trong tiểu luận số 2, không gian công - bao gồm cả bốn mảng là thông tấn (press), các thảo luận (conversation), dư luận xã hội (public opinion) và hành động xã hội (action) [1] - là điều kiện cần để hình thành và nuôi dưỡng các chính kiến độc lập. Trong các chế độ toàn trị, thông tấn hoàn toàn nằm trong tay nhà nước, các thảo luận chính trị trong xã hội trở nên rủi ro vì nguyên tử hoá, dư luận xã hội bị dẫn dắt bởi bộ máy tuyên truyền của chế độ, và các hành động xã hội bị giật dây trong các kênh do nhà nước thiết lập và quản lý. Chúng tôi gọi đó là sự toàn trị hoá không gian công. Trong một không gian công đã bị toàn trị hoá và xã hội bị băm nát thành các nguyên tử, môi trường nuôi dưỡng và phát tán các chính kiến bất đồng về cơ bản là không tồn tại.

Khi chế độ chuyển từ toàn trị sang hậu toàn trị, nó buộc phải nới lỏng một phần sự kiểm soát không gian công; nhờ đó xã hội - vốn bị nguyên tử hoá - từng bước tái liên kết. Mặc dù thông tấn vẫn nằm trong tay chế độ, và các hành động xã hội vẫn bị nó giật dây, nhưng các thảo luận trong xã hội đã bớt dè dặt hơn (mặc dù còn xa mới được coi là thảo luận tự do) và chế độ không còn dễ dàng điều khiển dư luận xã hội như trước. Trong bối cảnh như thế, có thể hình thành một không gian công “ngầm” (phi chính thống). Nếu ra đời và phát triển được, không gian công phi chính thống này sẽ có vai trò cạnh tranh với cỗ máy tuyên truyền của chế độ trong việc định hướng dư luận xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho các tư tưởng chính trị độc lập ra đời. Một bối cảnh như thế sẽ là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của các chính kiến bất đồng.

Bất đồng chính kiến, hiểu theo nghĩa chung nhất, là những người bày tỏ chính kiến đối lập với trật tự chính trị hiện thời. Trong bài này, thuật ngữ bất đồng chính kiến được hiểu là bất đồng chính kiến về chính trị trong các chế độ chuyên chế. Bất đồng chính kiến thường sử dụng biện pháp đấu tranh bất bạo động như chỉ trích, lên án chế độ công khai, các phong trào viết kháng thư, bãi công, biểu tình hòa bình… Các nhà bất đồng chính kiến không nhất thiết là những người muốn thay đổi chế độ, và không phải những nhà cách mạng sử dụng bạo lực để cướp chính quyền.

Trong quan hệ về mặt hành động với quần chúng, các nhà bất đồng chính kiến có thể chỉ là những người đấu tranh với bộ máy quyền lực một cách đơn độc thông qua các bài viết phê phán chế độ và bóc trần hiện thực, nhưng cũng có thể là những người lãnh đạo hoặc các nhân vật chủ chốt trong các phong trào quần chúng rộng lớn. Chúng tôi gọi việc phê phán và bóc trần hiện thực thông qua các chính luận nhắm vào chế độ là hành vi ly khai. Ngược lại, đấu tranh thông qua vận động quần chúng, chủ động nhằm gây ra các áp lực xã hội lên chính quyền để buộc bộ máy phải thay đổi là hành vi đối lập. Ly khai hướng đến việc kéo con người ra khỏi cái ý thức hệ không tưởng mà chế độ đã từng dùng để dẫn dụ quần chúng, cũng như cái giả-hiện thực mà bộ máy tuyên truyền dựng nên nhằm che đậy sự trật khớp giữa utopia và đời sống thực. Đối lập hướng đến việc xóa bỏ cái trật tự cũ và kiến tạo trật tự mới. Ly khai không cần các nhà bất đồng chính kiến phải phối hợp hành động cùng với quần chúng; đối lập buộc họ phải hòa mình vào quần chúng để xây dựng và lãnh đạo phong trào.

Trong quan hệ về mặt tư tưởng với quần chúng, các nhà bất đồng chính kiến có thể là những người cấp tiến vượt rất xa quần chúng: ví dụ, trong khi tuyệt đại bộ phận công chúng có thể vẫn hài lòng và muốn duy trì nguyên trạng (status quo), thì họ lại muốn lật đổ nó. Trong trường hợp như vậy, tư tưởng cấp tiến của họ không phải là kết quả được vun trồng từ bên dưới, từ các mạch ngầm chảy trong lòng xã hội, mà từ kinh nghiệm cay đắng hay suy ngẫm của cá nhân về chế độ: nó xuất phát từ bên trên. Ngược lại, cũng có khi tư tưởng cấp tiến của họ hòa nhịp cùng với quần chúng. Họ là những người cấp tiến hơn trong một tập thể cấp tiến, là người nhìn thấy vấn đề sâu sắc hơn trong một tập thể những người cùng thấy vấn đề. Tư tưởng của các nhà bất đồng chính kiến này hình thành từ những bức xúc trong lòng xã hội, từ nhu cầu phải xóa bỏ trật tự cũ do sự vận động và thay đổi trong lòng xã hội: nó xuất phát từ bên dưới.

Như thế, ly khai từ bên trên là những người bất đồng chính kiến thực hiện hành vi ly khai trong điều kiện tư tưởng của họ hình thành từ bên trên; đối lập từ bên dưới là những người bất đồng chính kiến thực hiện hành vi đối lập trong khi tư tưởng của họ hình thành từ bên dưới [2] .

Giữa ly khai từ bên trên, đối lập từ bên dưới và không gian công “ngầm” (phi chính thống) có quan hệ hết sức chặt chẽ: Trong bối cảnh không gian công đã bị toàn trị hóa và không gian công ngầm chưa xuất hiện, các tư tưởng độc lập trong xã hội không có môi trường để lưu giữ, phát triển và truyền bá. Những cá nhân đơn lẻ không có môi trường để nhận thông tin về quan điểm của nhau và ra các tín hiệu đồng thuận với những hành động xã hội cụ thể. Họ không hợp tác được với nhau, và vì thế, các phong trào quần chúng cũng không thể hình thành. Do vậy, về mặt tư tưởng, các nhà bất đồng chính kiến thường là những người không phối hợp với quần chúng về hoạt động và cách biệt với quần chúng về tư tưởng - nói cách khác, là những người ly khai từ bên trên. Trong điều kiện đã tồn tại một không gian công “ngầm” năng động, các trào lưu tư tưởng của xã hội bên dưới chảy thông suốt hơn và khả năng vận động quần chúng vì thế cũng dễ dàng hơn. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để xuất hiện nhà bất đồng chính kiến đối lập từ bên dưới.

Những khác biệt cơ bản giữa ly khai từ bên trên và đối lập từ bên dưới được thống kê trong bảng sau:

Các đặc điểm Ly Khai từ bên trên Đối lập từ bên dưới
Nguồn gốc hình thành Bối cảnh/ kinh nghiệm/ bài học cá nhân Bối cảnh/ kinh nghiệm/ bài học cá nhân Các thông tin/tri thức/trao đổi được truyền bá trong không gian công ngầm.
Xuất hiện riêng rẽ hay thành phong trào? Xuất hiện riêng rẽ vì cảm hứng (nguồn gốc hình thành bất đồng chính kiến ở một người) chỉ bắt nguồn từ chính kinh nghiệm của người ấy. Có thể thành phong trào, vì cảm hứng/ tư tưởng có thể được truyền từ người này sang người khác một cách nhanh chóng. Vì thế, có thể tạo thành cảm hứng xã hội và các trào lưu tư tưởng xã hội.
Có bị chính quyền cô lập không? Có, vì xuất hiện riêng rẽ và không có môi trường để truyền bá Có thể không, nếu không gian công không bị tiêu diệt và có phong trào khởi lên đủ mạnh.
Dễ hay khó bị đàn áp? Dễ bị đàn áp vì xuất hiện riêng rẽ và bị cô lập Khó bị đàn áp hơn nếu hình thành cơ chế tự bảo vệ.
Khả năng tiến hoá hoặc trưởng thành về tư tưởng? Nếu có thì cũng rất hạn chế vì bị cô lập Có, vì liên tục có sự trao đổi và cọ xát về trí thức/thông tin.
Khả năng bám sát thực tiễn và liên kết với quần chúng. Khó khăn, do bị cô lập, và ngăn cản bởi chính quyền Rất cao nếu không gian công ngầm hoạt động đủ hiệu quả.
Khả năng phát triển và nhân rộng Khó khăn Dễ dàng hơn vì tư tưởng của các nhà bất đồng chính kiến có thể đến được với quần chúng

Khả năng chuyển hóa từ ly khai từ bên trên sang đối lập từ bên dưới phụ thuộc vào sự phát triển của không gian công phi chính thống: Nếu sau sự xuất hiện của các nhà bất đồng chính kiến ly khai từ bên trên, không gian công phi chính thống ra đời và vận động đủ mạnh để đem lại những chuyển biến lớn trong tư tưởng của xã hội, khiến khoảng cách tư tưởng giữa các nhà bất đồng chính kiến này và phần còn lại của xã hội thu hẹp dần và cuối cùng có thể hoà trộn vào nhau; khiến các trào lưu tư tưởng của xã hội có điều kiện để vật chất hóa thành các phong trào hành động xã hội, tạo điều kiện cho các nhà bất đồng chính kiến này bước ra khỏi tháp ngà lý luận của mình và đảm nhận vai trò vận động quần chúng.


Bất đồng chính kiến giai đoạn cuối thập niên 80: Một ví dụ về đối lập từ bên dưới

Lịch sử Việt Nam đương đại đã từng xuất hiện những phong trào bất đồng chính kiến xuất hiện từ không gian công phi chính thống, và là đối lập từ bên dưới. Điển hình nhất là phong trào Câu lạc bộ Kháng chiến cũ [3] của nhóm Nguyễn Hộ, La Văn Lâm, Đỗ Trung Hiếu, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu và Trần Nam Trung hồi cuối thập kỷ 80 [4] .

Theo Abuza [5] , Câu lạc bộ này hình thành năm 1986, bắt nguồn từ mục tiêu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và cải thiện đời sống của các cựu chiến binh cộng sản miền Nam. Đây là tổ chức xã hội hiếm hoi không do bộ máy Đảng-Nhà nước đứng ra tổ chức và quản lý, và tất cả các đối tượng là cựu chiến binh cộng sản miền Nam đều có thể tham gia. Abuza chỉ ra rằng sự xuất hiện của nó đáp ứng ba vấn đề lớn của miền Nam lúc đó: thảm họa kinh tế do chương trình “quá độ lên CNXH” ở miền Nam, hòa hợp hòa giải và vai trò bị bỏ quên của những người kháng chiến cũ miền Nam. (Chính yếu tố cuối đã tạo cho Câu lạc bộ này một nền tảng quần chúng rộng rãi).

Sự lan rộng của nó tới mọi tỉnh thành miền Nam (với số thành viên lên tới hơn 10.000 người vào đầu năm 1988) cùng với việc xuất bản tờ Truyền thống Kháng chiến đã tạo ra một không gian công phi chính thống (không do nhà nước giật dây nhưng miễn cưỡng thừa nhận) rộng khắp cho đội ngũ cựu chiến binh cộng sản. Nhờ khoảng không gian công phi chính thống này, các thông tin, quan điểm và chính kiến được lưu thông và cọ xát. Các chính kiến bất đồng từ đó được nhen nhóm và dần dần phát triển mạnh mẽ. Câu lạc bộ này hoạt động “nhẹ nhàng” suốt trong gần 2 năm đầu và chỉ đến tháng Tư năm 1988, thì nó mới thực sự bộc lộ bất đồng chính kiến của mình.

Phong trào bất đồng chính kiến khởi đầu bằng việc phản đối bổ nhiệm Đỗ Mười - một nhân vật bảo thủ - làm Thủ tướng; ủng hộ Võ Văn Kiệt vào cương vị này (sau cái chết của Phạm Hùng vào tháng 4, 1988). Hơn 100 người, gồm cả các tướng lĩnh và quan chức cao cấp tham gia Câu lạc bộ đã ký tên trong một bức thư gửi Quốc hội, kêu gọi các đại biểu bỏ phiếu chống lại quyết định của Bộ Chính trị về vấn đề này. Kết quả là 36% số đại biểu Quốc hội (vốn vẫn chỉ được coi là các “nghị gật” thông qua mọi vấn đề mà Bộ Chính trị chỉ thị) đã bỏ phiếu chống, một diễn biến đầy bất ngờ vào thời kì đó.

Từ tháng 9 năm 1988, Câu lạc bộ này cho ra tờ Truyền thống Kháng chiến bất chấp sự phản đối của chế độ. Sau số thứ 2, Đảng ra lệnh đóng cửa tờ báo, nhưng các thành viên câu lạc bộ đã đồng thuận chống lại quyết định này. Họ chuyển sang xuất bản ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long sau sự kiện cảnh sát tấn công và thu hồi bản in của họ ở Sài Gòn.

Sang năm 1989, Câu lạc bộ bắt đầu chiến dịch viết thư kêu gọi cải cách tới Trung ương Đảng và Quốc hội, yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp và cùng thảo luận về cải cách chính trị và tăng cường quyền tự do cá nhân. Nguyễn Văn Linh đã phải trao đổi với các thành viên của Câu lạc bộ này nhiều lần, cho dù cuối cùng ông đã quay lưng lại với họ.

Bất đồng chính kiến từ Câu lạc bộ này lên tới cao điểm khi số báo tháng 12 của tờ Truyền thống Kháng chiến đã công khai phê phương án Đảng và hệ thống chính trị rằng nó “sinh ra ngạo mạn, kiêu căng, khiến cho việc thay đổi trở nên ngày càng khó khăn hơn” và “chúng tôi cho rằng để đổi mới nhanh hơn và hiệu quả hơn, cần phải bắt đầu từ trung ương và đổi mới từ trên xuống. Đổi mới phải bắt đầu từ chính trị nếu chúng ta muốn đổi mới kinh tế. Nếu chúng ta duy trì các lực lượng chính trị và đầu óc bảo thủ, thì quá trình đổi mới sẽ bị giới hạn hoặc chẳng đạt được gì cả”.

Hiểu rõ sự nguy hiểm của phong trào, các lãnh tụ của Đảng đã phản ứng cực kì thận trọng, và khôn khéo lợi dụng những hạn chế của Câu lạc bộ. Xoáy vào bản chất cục bộ (chỉ dành cho đối tượng cựu chiến binh ở miền Nam), đầu tiên họ tạo ra một tổ chức quần chúng còn rộng lớn hơn (Hội Cựu chiến binh Việt Nam), bao trùm lên phạm vi địa lý của Câu lạc bộ. Lợi dụng bản chất nửa chính thức và “đối lập trung thành” của nó, họ khôn khéo rút những người có uy tín trong Câu lạc bộ như tướng Trần Văn Trà để đưa vào Hội, nhằm giảm sức ảnh hưởng của phong trào. Cuối cùng, khi đã cắt đứt các lãnh tụ khỏi quần chúng, họ giải tán Câu lạc bộ và bắt giam những lãnh tụ cứng đầu nhất của nó. Không có quan hệ với các tổ chức nhân quyền quốc tế để tự bảo vệ (do đã chọn chiến lược “đối lập trung thành” như một cơ chế tự vệ), những người lãnh đạo phong trào đã phải im lặng chịu quản chế và tù đày (Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tang, Hồ Văn Hiếu, Đỗ Trung Hiếu…).

Như thế, trong thời kì nới lỏng ngắn ngủi của chế độ toàn trị 1988-89, Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ đã xuất hiện như một phong trào đối lập từ bên dưới. Nó đã xây dựng được cho mình một không gian công phi chính thống làm dung môi cho trao đổi tư tưởng. Nhờ các tương tác trong dung môi này mà từ một tổ chức dân sự, nó đã tiến hóa thành một phong trào chính trị. Nó chủ động sử dụng các phương tiện chính trị như gửi kiến nghị thư, ra báo v.v. để đạt được những mục tiêu chính trị: chống tham nhũng, hòa giải dân tộc, thậm chí ảnh hưởng tới quyền lãnh đạo ở cấp trung ương. Chỉ sau một khoảng thời gian tồn tại không dài, nó đã mang đầy đủ các sức mạnh của đối lập từ bên dưới: do tồn tại thành một phong trào, nó không những không bị cô lập mà còn thể hiện sức phát triển / nhân rộng đáng sợ, thu hút được ủng hộ của quần chúng (thậm chí cả của các đại biểu Quốc hội). Nhờ có ý chí đoàn kết mạnh mẽ (chẳng hạn, đồng thuận chống quyết định đóng cửa tờ Truyền thống kháng chiến), nó đã khiến chính quyền tốn rất nhiều thời gian và công sức để dập tắt. (Ngay cả trong thời gian quản chế, Nguyễn Hộ - lãnh tụ của phong trào, vẫn tiếp tục phát biểu chính kiến bất đồng [6] ). Và mặc dù Hội Cựu chiến binh Việt Nam - tổ chức do Đảng lập ra để thay thế nó - bị cột chặt vào tổ chức Đảng, [7] chính quyền cũng phải thừa nhận vai trò của cựu chiến binh - nhóm xã hội mà phong trào này đã từng đại diện [8] .

Phong trào Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ là một ví dụ tuyệt đẹp về tiến hóa trong chiến lược giữa những người đối lập và Đảng trong hệ thống toàn trị. Và chắc chắn là Đảng - những người rất giỏi nghệ thuật thích ứng - đã học từ đây những kinh nghiệm mới để xử lý các phong trào quần chúng sau này (như sự biến Thái Bình, các cuộc biểu tình của người thiểu số ở Tây Nguyên v.v.). Thất bại của phong trào này cũng đã bộc lộ hạn chế lớn của các phong trào từ dưới lên: chúng khó vượt qua được tính chất địa phương và cục bộ; không gian công phi chính thống mà nó tạo ra không khuếch tán đủ rộng vào xã hội - do đó thường bị thủ tiêu khi phong trào tan vỡ. Sau khi phong trào bị dập tắt, khuynh hướng đối lập từ bên dưới [9] phải nhường sân khấu chính cho bất đồng chính kiến ly khai từ bên trên - một lực lượng tuy có sức cố kết thấp hơn, nhưng lại mang trong mình mầm mống của một phong trào mang tính toàn quốc.


Bất đồng chính kiến Việt Nam hiện nay - Ly khai từ bên trên

Trong tiểu luận số 2, chúng tôi đã chỉ ra rằng tới cuối thập kỉ 80, không gian công phi chính thống ở Việt Nam không tồn tại. Từ cuối 80 cho tới đầu 90, đã có những nỗ lực tạo ra một không gian công ngầm, nhưng thường không liên kết được với nhau và tan vỡ khi bị đàn áp. Internet chính thức được kết nối vào Việt Nam cuối năm 1997 và mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của không gian công phi chính thống. Tuy nhiên, cho đến tận giữa năm 2003, số lượng thuê bao và người sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chủ yếu tập trung trong khu vực doanh nghiệp và công sở [10] . Từ giữa năm 2003 trở lại đây, mặc dù đã có sự bùng nổ về số thuê bao và lượng người sử dụng Internet trong nước, khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng không có dấu hiệu về sự bùng nổ tương đương của không gian công phi chính thống [11] . Trong bối cảnh như thế, không đáng ngạc nhiên nếu phần lớn các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam hiện tại đều là những người ly khai từ bên trên.

Để tìm hiểu tình trạng bất đồng chính kiến của Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã khảo sát 27 gương mặt bất đồng chính kiến nổi bật ở Việt Nam mà vẫn còn lên tiếng trong thời gian gần đây [12] . Thời điểm mà họ chính thức bày tỏ quan điểm bất đồng [13] kéo dài từ trước 1970 (Hoàng Minh Chính), trong những năm 70 (như Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Đình Huy), 80 (như Phạm Quế Dương), đầu những năm 90 (Dương Thu Hương, Phan Đình Diệu, Hoàng Tiến), giữa những năm 90 (Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Trần Độ), đến cuối những năm 90 (Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang), từ năm 2000 đến 2003 (Trần Dũng Tiến, Vũ Cao Quận, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn).

Dễ nhận thấy rằng hầu hết các nhân vật kể trên đều mang các đặc điểm của ly khai từ bên trên: Họ nổi lên từ một số bài viết riêng lẻ công kích hệ thống toàn trị. Trong các bài viết, họ thường đặt cá nhân mình trong thế đối lập với hệ thống Nhà nước-Đảng hơn là người phát ngôn cho một nhóm xã hội nào cụ thể (trái ngược với trường hợp Câu lạc bộ kháng chiến cũ). Những phê phán của họ chủ yếu xuất phát từ những trải nghiệm và suy tư cá nhân hơn là kế thừa tư tưởng của những thế hệ bất đồng chính kiến trước đó, hay là kết quả của những cuộc tranh luận trong không gian công phi chính thức.

Khảo sát các bài viết của những người đang được coi là nhà lý luận của “phong trào” (Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê) theo trình tự thời gian, chúng tôi nhận thấy rằng tư tưởng của họ hầu như không có những bước tiến dài so với thời kì mới xuất hiện với tư cách là nhà bất đồng chính kiến [14] . Chẳng hạn, Trần Khuê sau khi hoàn thành hai tập tiểu luận Đối thoại năm 2000 Đối thoại 2001 thì hầu như không còn viết các bài lý luận nữa. Trường hợp của Hà Sỹ Phu cũng tương tự: sau các bài viết gây tiếng vang như Chia tay ý thức hệDắt tay nhau đi, dưới tấm biển đường của trí tuệ, ông đã im tiếng trong một thời gian dài. Nguyễn Thanh Giang viết nhiều hơn và khá liên tục, nhưng có lẽ ông vẫn chưa vượt lên những tác phẩm lý luận viết từ thời kì bắt đầu bất đồng chính kiến như Nhân quyền - khát vọng ngàn đời. Quan trọng hơn, đến nay vẫn chưa có những cuộc tranh luận giữa các nhà bất đồng chính kiến với nhau, hay với công chúng về một nền dân chủ tương lai, cũng như lộ trình để đạt tới nền dân chủ ấy. Cuối cùng, cũng chưa thấy một chỉ dấu quan trọng nào trong các bài viết cho thấy các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam đã tìm cách hấp thu, truyền bá hay áp dụng các tư tưởng đương đại về dân chủ -vốn không phải là không thể truy cập được ở Việt Nam [15] . Đặc điểm này khẳng định lại hạn chế của nhà bất đồng chính kiến ly khai từ bên trên.

Trong phong trào Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, đã tồn tại một nhóm xã hội cụ thể (cựu chiến binh miền Nam), với những đòi hỏi dân sự và chính trị rõ ràng, quy định ai là người lãnh đạo và đại diện cho họ, và những người đó phải làm gì thì mới giữ được vai trò lãnh đạo. Chính đòi hỏi của quần chúng cụ thể ấy đã buộc các lãnh tụ phong trào phải đoàn kết - hoặc là bị loại bỏ. Ngược lại, những nhà bất đồng chính kiến hiện nay không có một lực lượng ủng hộ rõ ràng, với những đòi hỏi thống nhất như thế. Thiếu sức ép mạnh mẽ từ bên dưới đòi hỏi đoàn kết, những nỗ lực đoàn kết của từng cá nhân bất đồng chính kiến gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu ta tạm coi các nhà bất đồng chính kiến này thuộc về cùng một phong trào, thì toàn bộ phong trào ấy cũng không có một lực lượng quần chúng công khai ủng hộ - theo nghĩa có thể nhận diện được - khả dĩ so sánh được với phong trào của Câu lạc bộ Kháng chiến cũ (dù có thể có nhiều người ngấm ngầm đồng tình). Bị cô lập (theo nghĩa không được vây quanh bởi những người cấp tiến và dũng cảm gần như họ, những người sẵn sàng lên tiếng khi họ bị đàn áp), các nhà bất đồng chính kiến rất dễ bị ngược đãi - và sự thực là nạn nhân thường xuyên của chính quyền (mặc dù sự ngược đãi này thường có giới hạn - và điều này không phải ngẫu nhiên như ta sẽ thấy ở phần sau).


Kết luận

Trong tiểu luận số 3, chúng tôi phân biệt hai nguồn gốc hình thành bất đồng chính kiến là đối lập từ bên dưới và ly khai từ bên trên. Sau khi xem xét một ví dụ đối lập từ bên dưới trong thời kì cuối thập kỉ 80 đầu 90-phong trào Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, chúng tôi đã chứng minh bản chất ly khai từ bên trên của bất đồng chính kiến hiện nay. Kết hợp khái niệm không gian công ở tiểu luận 2 và hai nguồn gốc bất đồng chính kiến ở tiểu luận 3, trong Tiểu luận số 4 chúng tôi sẽ giải thích bảy hạn chế lớn của bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã nêu ở tiểu luận đâu tiên. Cũng trong tiểu luận số 4, chúng tôi sẽ bổ sung thêm một số đặc điểm xã hội đặc thù của Việt Nam so với các xã hội toàn trị khác, vốn có tác dụng làm trầm trọng thêm các hạn chế lớn này. Các tiểu luận tiếp theo sẽ bàn về sự trỗi dậy của không gian công phi chính thống và ảnh hưởng của nó tới tương lai của khuynh hướng dân chủ ở Việt Nam.

© 2005 Duy Tân Trẻ
© 2005 talawas



[1]Về một ví dụ triển khai khái niệm không gian công của Habermas theo bốn mảng kể trên, xin xem Christopher D. Hunter, 1998: "The Internet and the Public Sphere: Revitalization or Decay?" working paper, Anenberg School for Communication, University of Pennsylvania. Link: http://www.asc.upenn.edu/usr/chunter/public_sphere.html
[2]Lưu ý rằng hai nhóm li khai từ bên trênđối lập từ bên dưới không bao gồm mọi dạng đối lập chính trị. Chẳng hạn, có thể tồn tại đối lập từ bên trên, trong đó những cá nhân trong chóp bu của hệ thống toàn trị muốn đưa ra một phương án thay thế hoàn toàn hệ thống ấy, như trường hợp của Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin ở Liên Xô, hay Trần Xuân Bách ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi chỉ tập trung vào hai nhóm đầu tiên đã kể trên.
[3]Với các độc giả còn xa lạ với “Câu lạc bộ” kì lạ này - không những lớn gấp nhiều lần mọi Câu lạc bộ trong lịch sử Việt Nam, mà còn lớn hơn hầu hết các Hội khác vào thời đó - thì danh xưng này có phần kì cục và quê mùa. Nếu bạn cảm thấy vậy thì điều đó đúng với dự định của những người đã từ chối công nhận tổ chức này là một Hội.
[4]Cũng trong khoảng thời gian này, còn xuất hiện một vài phong trào đối lập từ bên dưới khác của các nhà bất đồng chính kiến xuất thân từ chế độ Sài Gòn (với quy mô nhỏ hơn nhiều), như Cao trào Nhân bản của Nguyễn Đan Quế, hay Diễn đàn Tự do của Đoàn Viết Hoạt. Hai phong trào này cũng bị đàn áp cùng thời kì với phong trào của Nguyễn Hộ.
[5]Zachary Abuza, 2001: “Renovating Politics in Contemporary Vietnam”, Lynne Rienner Pubishers, London. Chương 5, từ trang 161 tới 183.
[6]Xem Nguyễn Hộ, Quan điểm và Cuộc sống, 1993. http://www.doi-thoai.com/
[7]Điều 9 Điều lệ Hội cựu chiến binh Việt Nam quy định: “Hội Cựu Chiến binh mỗi cấp đặt dưới sự lãnh dạo của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt nam cùng cấp […]”. Xin xem toàn văn Điều lệ tại trang http://www.mattran.org.vn/TCThanhvien/Cuu%20chien%20binh/cuuchienbinh.htm
[8]Chẳng hạn, vào năm 2005, Quốc hội Việt Nam đã bàn thảo về Pháp lệnh Cựu chiến binh. Xem chi tiết tại trang http://web.thanhnien.com.vn/Xahoi/2005/7/27/117040.tno
[9]Từ cuối thập kỉ 90 trở đi, có những phong trào quần chúng quy mô lớn như vụ Thái Bình năm 1997, các cuộc biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên, hoặc sự phát triển đột ngột của phong trào Tin lành tư gia. Những phong trào này đều giành được những nhượng bộ đáng kể về mặt chính sách từ phía chính quyền. Tuy nhiên, chúng tôi không coi chúng là các phong trào đối lập chính trị.
[10]Trong tiểu luận số 4, chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn về sự phát triển của không gian công phi chính thống kể từ cuối 1997 trở đi (lấy mốc thời gian từ sự kiện Việt Nam bắt đầu kết nối Internet).
[11]Một lần nữa: độc giả quan tâm đến vấn đề này xin theo dõi nội dung của tiểu luận số 4.
[12]Trong loạt Tiểu luận này, chúng tôi không xem xét các nhóm bất đồng vì lý do tôn giáo (như các phong trào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Phật giáo Hòa hảo, phong trào Tin lành tư gia v.v.).
[13]Trong mẫu nghiên cứu này, đối với những trường hợp không thể xác định được thời điểm mà một người chính thức bày tỏ quan điểm bất đồng, chúng tôi buộc phải sử dụng thời điểm mà người đó bị chính quyền bắt giam lần đầu tiên. Trong khi chúng tôi hiểu rằng thời điểm mà cá nhân lần đầu tiên bày tỏ quan điểm bất đồng với thờì điểm mà người đó bị bắt là khác nhau, chúng tôi cũng cho rằng 2 mốc thời gian này cách nhau không xa.
[14] Trong khi chưa có một công trình tập hợp đầy đủ các bài viết của các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, chúng tôi dựa vào trang www.doi-thoai.org - nơi sưu tầm được khá nhiều bài viết của họ - để phân tích về quá trình phát triển tư tưởng của các nhà bất đồng chính kiến.
[15]Một số tư tưởng quan trọng thậm chí đã được dịch ra tiếng Việt (chẳng hạn, xem các tác phẩm phê phán mô hình kinh tế XHCN và các vấn đề lý thuyết của chủ nghĩa Marx của Janos Kornai, Friedrich Hayek hay Karl Popper do Nguyễn Quang A chuyển ngữ). Bài phát biểu tại Hội thảo Hè 2005 cũng cho thấy Phan Đình Diệu đã tham khảo được các nghiên cứu mới về dân chủ. (Xem www.hoithao.viet-studies.org/2005_PDDieu.pdf)