trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
29.10.2005
Hoàng Khoa Khôi
Ðọc và bình luận Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan
4 kì
Phan Thị Trọng Tuyến dịch
 1   2   3   4 
 
Phần I
Tóm lược cuốn sách Giọt nước trong biển cả

Giọt nước trong biển cả là tên quyển Hồi kí mới ra đời [1] của Hoàng Văn Hoan (HVH), (Hồi kí, tập 1, 1987, không ghi nhà xuất bản và giá bán). Năm 1979, ông li khai khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), trốn sang Bắc Kinh tị nạn, tại đây ông đã công khai ra mặt chống lại ban lãnh đạo Đảng mình.

HVH không phải là kẻ tầm thường. Vốn là bạn đồng hành của Hồ Chí Minh ngay từ những giờ phút đầu tiên, ông đã lần lượt có mặt ở những địa điểm then chốt của cuộc Cách mạng Ðông Dương như Xiêm, Trung Quốc, Việt Nam. Nhân viên trong Bộ Chính trị từ 1956 đến 1976, ông giữ một địa vị quan trọng trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Khiêm nhượng thật hay giả vờ khiêm nhượng, ông tự ví mình như giọt nước trong biển cả của phong trào cách mạng mà ông đã tham gia từ hơn năm mươi năm nay.

Tác phẩm Giọt nước trong biển cả lí thú trên nhiều phương diện. Ông cho chúng ta rất nhiều dữ kiện về sự thành lập các nhóm cách mạng Việt Nam đầu tiên tại Xiêm và Trung Quốc trong những năm 1920 và 1930. Ông tiết lộ bí mật về chính sách của Ðảng Cộng sản Việt Nam và mối dây liên hệ giữa đảng này với Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Màn bí mật được vén lên, sự thật soi rọi vào một số bóng tối trên đường đi - lắm lúc ngoắt ngoéo - của Ðảng CSVN, một đảng đầy mưu mô xảo quyệt và đã từng che giấu lịch sử vào hạng tột bậc [2] . Nhưng chúng ta sẽ không để bị mắc lừa. Những gì tác giả kể lại chỉ là phần nổi của băng sơn. Chúng ta không quên rằng tác giả được đào tạo từ lò Staline và vẫn là một tín đồ tuyệt đối trung thành và kiên trì của chủ nghĩa Staline trong địa hạt lí thuyết cũng như trong hành động. Nhưng đây là một quyển sách đáng đọc, chỉ cần ta cảnh giác và giữ vẹn óc phê bình.

Trong quyển hồi kí, HVH dùng danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất chứ không như Hồ Chí Minh khi nói về mình lại sử dụng ngôi thứ ba [3] . HVH ôn lại những kỉ niệm của chính mình và trái hẳn với Hồ Chí Minh, ông viết như một nhà văn thật sự có tài. Những bài thơ của ông có một giá trị khác hẳn "thơ Bác" [4] . Nhưng ông không bao giờ bỏ lỡ dịp trích dẫn Hồ Chí Minh mà ông coi là bậc thiên tài về văn chương cũng như chính trị.

Chúng tôi xin tóm tắt các chi tiết bằng những đoạn trích dẫn khá dài, để phản ánh trung thực ý kiến tác giả, dù các trích dẫn có thể làm bài thêm phần nặng nề.

Phần trích dẫn sẽ in chữ nghiêng, trong ngoặc kép và kèm theo số trang trong nguyên bản.


Hành trình một người trí thức trẻ tuổi

HVH sinh năm 1905, tại làng Quỳnh Ðôi, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình cựu Nho nghèo. Quanh năm cha ông đi đến những tỉnh phía Bắc hành nghề ông đồ dạy chữ Hán, đến Tết mới về đôi tuần, mẹ ông vay nợ mua tơ lụa gánh đi bán các chợ xa nên vắng nhà cả ngày. Tuổi thơ ông trôi nổi giữa ông ngoại và hai người bác, dượng là những người lãnh phần nuôi dạy ông. Ông học chữ Hán đến năm 14 tuổi và thú nhận rằng "tôi học không lấy gì làm thông minh, chỉ được chút ưu điểm là viết chữ tốt và đọc sách rành mạch " (tr. 4). Năm 1919, vì các khoa thi cũ bị bãi bỏ, cha ông cho ông vào học trường Pháp-Việt. Năm 1923, ông ra trường với bằng Sơ học Pháp Việt nhưng không nộp đơn thi vào trường Quốc học. Cha ông buộc ông nộp đơn xin thi vào Quốc Tử Giám [5] (trường đào tạo các quan lại tương lai cho Pháp và triều đình Huế) nhưng đơn không được nhận vì thiếu lo lót (tr. 14). Sau đó ông thi vào trường Sư phạm Nam Ðịnh, nhưng bị hỏng, rốt cục chỉ còn một cách để sống là dạy chữ quốc ngữ cho trẻ em trường tư. Ðường tương lai này rồi ra cũng bị bít lối. Từ 1929, các tư thục phải xin phép mới được mở cửa dạy. Trường làng nơi ông dạy bị giấy quan huyện gửi về bắt đóng cửa, thế là, như đa số người trẻ thời bấy giờ, HVH rơi vào tình trạng bế tắc. Về sau, ông xin thi tuyển vào sở Hoả xa và sau khi thi đỗ, được bổ về ga Phủ Diễn "tập sự ký ga làm thu vé, bán vé và đánh điện báo " (tr. 24). Một việc làm vừa không vừa ý lại chẳng có tương lai gì. Cuối cùng HVH xin thôi việc.

Trong chương thứ nhất, tác giả kể rõ các chi tiết thời tuổi trẻ của mình, gặp trăm nghìn khó khăn của buổi giao thời. Chính sách mới thay cho một thời phong kiến vừa tàn. Thay đổi và lựa chọn không phải là chuyện dễ. Khác với Phạm Văn Ðồng và Võ Nguyên Giáp đã chọn theo học nền văn hoá Pháp, HVH cũng như Hồ Chí Minh là người thuộc thế hệ xưa, lúc bấy giờ là những nhà Nho nửa vời. Hành trình "dẫn tới con đường cách mạng" của ông cũng giống như đường đi của một số người có học vào thời ấy. Với vài khác biệt nhỏ, đường đi của ông giống như đường đi của Hồ Chí Minh, người mà ông tôn thờ, nêu làm gương mẫu và không ngừng trích dẫn trong suốt quyển hồi kí này.

Theo tác giả, điểm khởi đầu đưa ông vào con đường cách mạng là khi ông biết có một nhóm người Việt ái quốc hoạt động cách mạng ở Trung Quốc. Rồi từ việc thực dân bắt giữ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đến những tác phẩm văn chương của hai sĩ phu yêu nước này, lời kêu gọi đấu tranh, các ý tưởng cách mạng từ hải ngoại chuyển về nước, tất cả đã thúc đẩy HVH vùng dậy, quyết chí đấu tranh cho đất nước được độc lập. Ðến lúc ấy, ông chỉ có một ý nghĩ là xuất dương tìm đến những người cách mạng. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" khẩu hiệu của Hồ Chí Minh đưa ra về sau này có thể coi như của chính ông vào lúc ấy. Ðộc lập là mục tiêu tối thượng. Tự do sẽ từ độc lập mà ra, tự do nghĩa là tự do sống trong một nước không còn bị ngoại bang chiếm đóng. [6]

Năm 1926, HVH bắt liên lạc được với "anh giáo Lập" là cán bộ cách mạng bí mật trong Đảng Thanh niên [7] đang chuẩn bị đưa người sang TQ. Mùa thu năm đó, ông từ giã quê hương và cha mẹ [8] lấy cớ lên đường đi tìm việc làm (tr. 27). Thế là ông dấn thân vào cuộc phiêu lưu lớn bên cạnh những đồng bào mà ông chưa rõ tính danh cũng như dự định thật sự của họ.

Tại Quảng Ðông, HVH gặp anh Vương, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh sau này. Ðây là cuộc khám phá lớn lao. Cho đến lúc bấy giờ, HVH không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Nhờ Hồ Chí Minh, ông biết rằng cuộc đấu tranh giành độc lập sẽ được xem như cuộc đấu tranh của phong trào cộng sản thế giới do Ðệ tam Quốc tế lãnh đạo. Lẽ ra phải chính thức vào trường võ bị Hoàng Phố thuộc chính phủ Quốc dân Ðảng Trung Quốc (QDÐTQ), ông được chỉ định theo học lớp huấn luyện chính trị do Vương, đại biểu Ðông phương của Quốc tế Cộng sản (Ðệ tam Quốc tế) chủ trì. Một chi tiết quan trọng là các giảng viên, trừ Hồ Chí Minh, đều là người Trung Quốc, trong số này có Lưu Thiếu Kỳ, về sau trở thành Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Các bài học được Hồ Tùng Mậu, Tản Anh và Lâm Ðức Thụ dịch sang tiếng Việt, đôi khi Hồ Chí Minh dịch. Chương trình học gồm ba phần: Cách mạng Thế giới, Cách mạng Việt Nam Phương pháp vận động và tuyên truyền cách mạng.

Về Cách mạng Thế giới, giảng viên chú ý phân tích sự khác nhau giữa Cách mạng vô sản Nga với Cách mạng tư sản Tây phương do tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo. Về Cách mạng Việt Nam, giảng viên nhấn mạnh rằng công nông là lực lượng chủ yếu để đánh đổ thực dân và phong kiến. Ðường lối chính trị của Phan Bội Châu, với chủ trương phò Cường Ðể và chính sách bất bạo động của Gandhi cũng được phân tích và phê phán là không thích hợp và không tưởng. Về Phương pháp vận động và tuyên truyền, chính Peng Pai (Bình Bái), người lãnh đạo phong trào nông dân (nông hội ) Trung Quốc và Lưu Thiếu Kỳ, lãnh đạo phong trào công đoàn (công hội ) của Đảng CSTQ, đảm nhận phần giảng dạy. Sau mỗi bài giảng là phần thảo luận, cho đến khi nào tất cả các học viên đều "thấm nhuần" phần chủ yếu ("nắm vững toàn bài " tr. 30). Ðịa điểm lớp học là số 5 đường Nhân Hưng Cai ở Canton (Quảng Châu). Khoảng hai tháng sau, lớp học kết thúc, các học viên được dẫn đến trước mộ Phạm Hồng Thái [9] để làm lễ tuyên thệ và được kết nạp vào Đảng Thanh niên (tiếng gọi tắt của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội). Trở thành cán bộ, HVH liền được bố trí về nước hoạt động.

Mùa xuân 1928 đánh dấu sự mở đầu cho cuộc đời chính trị HVH. Theo lệnh của Kỳ ủy Trung kỳ, ông mở cuộc vận động phong trào chống đối việc tàn sát người cộng sản ở Trung Quốc. Ông tổ chức rải truyền đơn kêu gọi người Hoa nổi dậy chống Tưởng Giới Thạch và chống sự đàn áp người cộng sản Việt Nam tại Quảng Châu. Vì trong cuộc đàn áp này, Tưởng đã bắt giam Hồ Tùng Mậu và một số cán bộ cách mạng Việt Nam.

HVH và hai đồng chí rải truyền đơn ở Vinh, một trong hai người này bị mật thám bắt. Thế là hoạt động bí mật của HVH bị lộ (tr. 34).

Bị lùng bắt, ông được gửi đi trốn tại Xiêm (Thái Lan) và ở lại bên ấy từ 1928 đến 1935.


Hoạt động của phong trào Thanh Niên tại Xiêm

Chương thứ hai của quyển hồi ký nói về hoạt động của HVH ở Xiêm. Tại đây ông gặp lại một số đồng chí bạn học cũ với ông ở Quảng Châu ngày trước.

Xiêm là đất nước đặc biệt thích ứng cho các hoạt động cách mạng Việt Nam và cũng là nơi ẩn náu của những cán bộ, đảng viên bị mật thám thuộc địa truy lùng. Sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thất bại, hàng trăm chiến sĩ chạy sang Xiêm trốn. Ðây cũng là nơi Đảng Thanh niên đào tạo cán bộ và chiến sĩ. Tóm lại, Xiêm là một hậu cứ giống như hậu cứ thứ nhất ở Trung Quốc. Nhờ vậy mà sau cuộc khủng bố tàn khốc của nhà cầm quyền thuộc địa Pháp ngay trước Thế chiến thứ hai, Hồ Chí Minh đã cứu vãn được thành phần cốt cán chủ yếu; trong khi đó, những người Ðệ Tứ trốt-kít Việt Nam, sau cuộc khủng bố này đã hoàn toàn bị tiêu diệt (chú thích của HKK).

Tại Xiêm, khi HVH đến, thì Hội Thanh niên, thành lập từ 1925, đã vững chắc. Trên một tổng số 30 000 người, hội lãnh đạo hai đoàn thể: Hội Hợp tác và Hội Việt kiều Thân ái. Hội Hợp tác, khoảng một trăm hội viên có sứ mạng trở thành chiến sĩ cho Thanh niên. Hội Việt kiều Thân ái, có tính chất mở rộng hơn, gồm tất cả người Việt trong cộng đồng, không phân biệt tôn giáo và chính kiến. Tại các nơi đông đảo, hội này có thêm các bộ phận khác như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội Thiếu niên.

Sinh hoạt Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội tại Xiêm rất đa dạng: xuất bản báo chí, mở lớp học cho thanh thiếu niên, tổ chức những buổi diễn thuyết và thảo luận chính trị, tổ chức các lễ kỷ niệm có tính cách yêu nước và diễn kịch. Ngoài hoạt động chính trị, Hội còn tổ chức đưa cán bộ từ trong nước qua Xiêm hoặc Trung Quốc tiếp tục hoạt động cách mạng hay học chính trị. Năm 1927, Phân bộ Thanh niên ở Xiêm đã gửi người qua Lào thành lập Chi hội Thanh niên tại Vạn Tượng (Vientiane) và đặt cơ sở giao thông liên lạc giữa các thị trấn Lào. Hội đã thiết lập được một đường dây liên hệ bí mật giữa Xiêm và Việt Nam. Sách báo đủ loại in ấn ở Xiêm được đưa về Việt Nam, gây được tiếng vang đáng kể, đến nỗi Đảng quốc gia Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDÐ) tìm cách liên lạc với Thanh niên. Vẫn theo HVH, mùa xuân năm 1928, hai năm trước khi có cuộc khởi nghĩa Yên Bái, VNQDÐ gửi ba đại biểu sang Xiêm (Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Nguyễn Văn Tiềm) yêu cầu Thanh niên giúp đưa khí giới về nước chuẩn bị cuộc nổi dậy. Phái đoàn đại biểu được Thanh niên tiếp đón thân mật nhưng từ chối giúp khí giới. Khi về nước ba người đại biểu này đều bị bắt và khai thật với mật thám. Trong hai năm 1928 và 1929, Thanh niên và các Hội trong phong trào "trên đà phát triển tốt. Ðó là nhờ sự đóng góp của nhiều người kể từ những bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Ðặng Tử Kính cho đến những thanh niên mới từ trong nước ra và những em nhỏ (...) nhưng người có công lao to lớn nhất về việc xây dựng cơ sở Việt kiều lâu dài ở Xiêm thì phải nói là Ðặng Thúc Hứa, mà kiều bào đã quen gọi với một tên rất tôn kính và trìu mến là "Cố Ði" hay "Thầy Ði" (tr. 47).

HVH đã dành tám trang nói về Ðặng Thúc Hứa, một nhân vật đặc sắc và phi thường. Rời Việt Nam năm 1908, đến Xiêm 1909, năm 1910 Ðặng Thúc Hứa gặp Phan Bội Châu và cùng Phan Bội Châu xây dựng cơ sở một tổ chức chính trị giữa cộng đồng người Việt ở Xiêm. Lúc đầu Ðặng Thúc Hứa ủng hộ phong trào Cần Vương, sau chuyển sang phò Cường Ðể, tán thành dự định chính thể quân chủ lập hiến, rồi ông lại đồng ý với Việt Nam Quang phục Hội, theo đường lối tư sản. Cuối cùng ông tham gia Hội Thanh niên, bỏ rơi cả quân chủ lẫn tư sản. Ðược gọi là Thầy Ði hay Cố Ði vì ông thường đi bộ từ nơi này sang nơi khác, bất kỳ chỗ nào dù hẻo lánh nhưng hễ có đông người Việt là ông đến hô hào thương yêu, tập hợp tổ chức, đoàn kết, không quên nguồn gốc, và luôn nhớ lấy nỗi nhục mất nước. Từ đó ông giúp họ xây dựng và đấu tranh. Cùng với bạn bè, ông đã gây dựng được một số cơ sở và đường dây liên lạc khắp nước Xiêm như Bản Ðông, Vặt Pa, Noỏng Xẻng, Bản Mày, Bản Phừng, U Ðon, Ðồng Ỏn, và nhiều nơi khác dọc theo sông Mékong như U Thên, Noỏng Khai... Chi hội Thanh niên lúc đó đã thừa hưởng thành quả của nhóm Tâm Tâm xã do Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái thành lập tại Xiêm từ năm 1923. Cố Ði qua đời vì bệnh, thọ 61 tuổi, vào năm 1931, một năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với tên Vương, Hồ Chí Minh được Ðông Phương cục của Ðệ tam Quốc tế gửi qua Xiêm công tác hai lần. Lần đầu từ tháng 8 năm 1928 đến tháng 9 năm 1929, lần thứ nhì tháng 3 đến tháng 4 năm 1930, lúc đó ông 38 tuổi.


Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội tại Xiêm đổi thành Ðảng Cộng sản Xiêm

Trong lần công tác thứ nhất ở Xiêm, Hồ Chí Minh đề nghị hợp pháp hóa một số hoạt động của Thanh nên như việc xin phép mở trường dạy học ở Noỏng Búa. Ðược phép của nhà cầm quyền Xiêm, các đoàn viên đã góp công góp của xây cất cơ sở trường này.

Hồ Chí Minh với sự cộng tác của HVH, dịch quyển Duy vật sử quan (Le Matérialisme Historique [10] ) và ABC của chủ nghĩa cộng sản [11] , ông Hồ đã đổi tựa đề của quyển thứ nhất thành Lịch sử tiến hoá của loài người. Các dịch giả chủ ý tóm tắt và giữ các ý chính chứ không dịch sát nghĩa. Ðiều đáng lưu ý là họ sử dụng bản dịch Trung Quốc chứ không dùng các bản dịch tiếng Pháp như về sau này. Óc thực tiễn và sự khôn khéo tài tình của Hồ Chí Minh thường được HVH ca ngợi và nhắc nhở. HVH kể lại một giai thoại khá tiêu biểu: Ðến U Ðon và Xa Côn, nhận thấy một số gia đình người Việt thờ phụng Ðức Thánh Trần và hay cầu cúng, lên đồng xin tàn hương nước thải chữa bệnh, xua đuổi ma tà v.v., Bác Hồ bèn soạn bài ca nhắc nhở, kể rõ tính danh đức Thánh Trần, và ca ngợi lòng yêu nước của ngài. Ðức Thánh Trần chính là anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo đã đánh đuổi quân Nguyên. Ðọc bài thơ, người ta nhận thấy rằng sự mê tín dị đoan không bị bài trừ mà được sử dụng như công cụ tuyên truyền chính trị (tr. 59). Theo HVH, nhờ thế các đệ tử đức Thánh Trần trở thành đệ tử Hội thân hữu, do Thanh niên lãnh đạo.

Ông còn kể lại một chuyện bên lề khác với sự khâm phục chẳng kém: được giao trách nhiệm thảo một bức thư gửi nhà cầm quyền TQ trước khi cùng các đồng chí (ở vùng dân tộc thiểu số VN mới sang TQ) trở về Việt Nam, HVH đưa bản nháp cho Hồ Chí Minh duyệt. Bác Hồ bôi xoá vài chữ và thêm vào vài chữ khác. HVH lấy làm lạ vì như vậy dù nội dung thư không thay đổi, nhưng văn pháp thì sai. Bác Hồ mới trả lời ông rằng: “Chú chỉ biết viết thư là viết thư, chứ chưa biết chính trị. Người Việt Nam ở vùng dân tộc viết chữ Trung Quốc thế nào mà đúng văn pháp được. Viết sai như vậy họ mới tin là anh em viết“ (tr. 140). HVH kết luận: “Việc tuy nhỏ nhưng đối với tôi là một bài học rất sâu sắc về công tác quần chúng và công tác thực tế.”

Cũng trong lúc ở Xiêm lần thứ nhất này, Hồ Chí Minh hay tin Đảng Thanh niên, trong Ðại hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội nhóm họp ở Hương Cảng (tháng 5/1929) đã chia rẽ thành hai nhóm: nhóm Quốc Anh (tức Trần Văn Cung) và Kim Tôn bỏ đại hội về lập Đảng Cộng sản. Nhóm kia bèn biểu quyết khai trừ nhóm Quốc Anh không chờ ý kiến đồng chí Vương (tr. 60).

Hồ Chí Minh quyết định rời Xiêm đi hỏi ý kiến Ðông Phương cục của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 9/1929 được uỷ quyền hành động của Quốc tế Cộng sản, ông Hồ tổ chức hội nghị thống nhất các khuynh hướng tại Hương Cảng. Nhờ vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam, do hai Đảng Cộng sản An Nam và Đảng Cộng sản Ðông Dương hợp lại, ra đời ngày 3/2/1930.

Hai nhiệm vụ của “đồng chí Vương “ khi đến Xiêm lần thứ hai là:

  1. Báo cáo về sự thống nhất thành công của các nhóm cộng sản (Thanh niên) Việt Nam

  2. Ðổi Phân bộ Xiêm của Đảng Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội ra Đảng Cộng sản Xiêm.

HVH kể lại rằng, vừa đến Xiêm, Hồ Chí Minh bắt liên lạc ngay với những người cộng sản Trung Quốc ở Bangkok và Tỉnh ủy Đảng Thanh niên Việt Nam tại U đon để thông báo tình hình về việc thống nhất các đảng cộng sản Việt Nam và truyền đạt tinh thần Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm (tr. 60). Hồ Chí Minh giải thích: “Người cộng sản cư trú ở nước nào sẽ tham gia hoạt động vào sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản nước đó (...) Và những người Việt ở Xiêm cũng có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân bị áp bức, bóc lột Xiêm làm cách mạng (...) Người cộng sản không chỉ lo sự nghiệp cách mạng của nước mình, mà phải góp phần vào công cuộc cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới “ (tr. 62).

Theo HVH, khi nghe từ nay nước Việt Nam có đảng CS, những người có mặt rất vui mừng phấn khởi nhưng thắc mắc đặt câu hỏi vì sao họ không được vào đảng này (tr. 62). Vài điều lo ngại khác như: trở thành đảng viên đảng CS Xiêm như vậy họ sẽ không còn góp phần vào cách mạng Việt Nam, họ sẽ tách rời cộng đồng người Việt và sẽ chịu sự khủng bố của chính phủ Xiêm; hơn nữa không dễ dàng hoạt động chính trị vì họ không biết nói tiếng Xiêm. Thật vậy, Phân bộ Xiêm của Đảng Thanh niên đều là người Việt và người Hoa. Làm sao tranh đấu và tranh đấu thay cho người Thái trong đất nước của người Thái? Nhưng trước uy quyền và hào quang của Quốc tế Cộng sản và Hồ Chí Minh, những thắc mắc cùng lo ngại mau chóng lùi bước, mọi sự trở lại bình thường. Ðề nghị chuyển đổi thành đảng CS Xiêm được tuyệt đại đa số các đồng chí cốt cán phấn khởi chấp nhận [12] (tr. 63). HVH cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đường hướng mới này và thấy chiến thuật của Bác Hồ thật tài tình.

Hội nghị do Hồ Chí Minh chủ trì họp ở Bangkok ngày 20/4/1930, tuyên bố thành lập Đảng CS Xiêm. Vẫn theo HVH, đảng này, từ lúc mới thành lập cho đến sau này, không hề có cương lĩnh, điều lệ lẫn chương trình (tr. 69).

Sau thành tích độc nhất vô nhị này của phong trào cộng sản, Hồ Chí Minh đi Mã Lai Á "giúp các đồng chí ở đó thành lập Đảng Cộng sản Mã Lai " (tr. 64).

Hai công tác được Đảng CS Xiêm triển khai là:

  1. Tuyên truyền vận động dân chúng Xiêm chống chính phủ

  2. Viện trợ cách mạng Ðông Dương.

Chỉ công tác thứ hai mới có hiệu quả, còn mục tiêu thứ nhất quá "mơ hồ" vì khi đại biểu Quốc tế Cộng sản đi rồi, không có chỉ thị hành động (tr. 90). Do đó từ 1930 đến 1934, Đảng CS Xiêm trở thành một tổ chức với hoạt động độc nhất là viện trợ cho cách mạng Ðông Dương. HVH, từ Tỉnh ủy U đon được cử sang Bangkok làm việc trong Xiêm Uỷ.


Ðảng Cộng sản Xiêm trước sự đàn áp của chính phủ Xiêm

Khi chuyển sang Đảng CS Xiêm, các đảng viên Hoa-Việt thuộc Phân bộ Thanh niên phải lấy tên Xiêm và học tiếng Xiêm. Ðối với HVH, vốn có khiếu học ngoại ngữ, chuyện học này không thành vấn đề (ông nói thành thạo tiếng Xiêm và tiếng TQ) nhưng đối với các đảng viên còn lại thì khác. Thật vậy, cho đến lúc bấy giờ, chuyện ở Xiêm, đối với họ, chỉ có tính cách tạm thời, nên việc học tiếng Xiêm đã không được xem là quan trọng. Nhưng khó khăn nhất trước mắt lúc ấy chính là chuyêïn đối phó với sự khủng bố của nhà cầm quyền Xiêm.

Ðối với nhà cầm quyền Xiêm, “bọn cộng sản” chỉ có thể là người Hoa và người Việt. Cảnh sát Xiêm đem theo những truyền đơn cộng sản (nhiều khi do chính họ làm ra hay lượm được ở ngoài đường phố) càng ngày càng ngang nhiên xông vào nhà bắt giam người Việt hoặc người Hoa.

Cộng đồng người Việt tại vài thành phố [13] bị thiệt thòi hơn cộng đồng người Hoa vốn đông hơn (hơn một triệu người tại Bangkok) và khó kiểm soát hơn (nên người cộng sản có thể trà trộn vào dễ dàng).

Trước tình thế này, HVH đặt câu hỏi: “Nếu cứ làm thế này mãi, mỗi lần phát truyền đơn lại bị bắt bớ dần mòn, rồi sẽ đi tới đâu? (...) Nếu đương cục cứ thẳng tay khủng bố thì chắc chắn cơ sở dễ bị tan rã” (tr. 76).

Những câu hỏi này ám ảnh ông trong nhiều năm. Trong khi đó báo chí Ban chỉ huy Đảng ở nước ngoài tại Hương Cảng lại "nêu cao tinh thần đấu tranh không khoan nhượng" (tr. 76). HVH đọc trong báo Bolshevik ấn bản Hương Cảng gửi qua Xiêm năm 1934, một bài tố cáo "bọn hữu khuynh lùi bước trước tình hình". Tháng 5/1934, gặp lúc đồng chí Tăng đầu bạc sửa soạn đi Hương Cảng họp hội nghị mở rộng của Ban chỉ huy Đảng CS Ðông Dương, Hoan nói với Tăng điều thắc mắc này và đề nghị Tăng trình bày với lãnh đạo Đảng. Nhưng khi trở lại Bangkok, Tăng cũng nói như báo Bolshevik và thêm "còn một người, còn đấu tranh " (tr. 77). Dĩ nhiên HVH thấy vấn đề nghiêm trọng nhưng không bao giờ ông có ý định đặt lại đường lối của Quốc tế Cộng sản và Hồ Chí Minh. HVH nghĩ rằng có lẽ lỗi do Tăng đã báo cáo quá "lạc quan", nghĩa là "sai lạc" về tình hình Xiêm cho Quốc tế Cộng sản.

Và ông mong muốn gặp lãnh đạo tại TQ để hiểu rõ thêm về vấn đề này. Năm 1935, lấy lý do đi TQ “chữa bệnh đau đầu”, HVH gặp Hà Huy Tập tại Nam Kinh, khi đó ông "mới trực tiếp trình bày được đầy đủ" (tr. 77). Phần báo cáo này có thể tóm tắt như sau:

Ðảng CS Xiêm thành lập năm 1930 chỉ gồm người Hoa với người Viêït, riêng người Xiêm: "không có mấy". “Các đồng chí người Hoa không có cơ sở cũng như ảnh hưởng trong dân chúng. Chỉ có người Việt, mới có chút ảnh hưởng“. Còn trong cộng đồng người Việt khoảng ba vạn người, chỉ có vài nghìn người ở trong tổ chức cộng sản hoặc là cảm tình viên cộng sản. Ngày trước, người cộng sản có thể tổ chức lễ hội, sinh nhật vào dịp Cách mạng tháng Mười Nga hay ngày lao động quốc tế mùng 1 tháng 5. Họ có thể phát truyền đơn, cổ động phát triển đảng. Bây giờ, nếu làm như vậy, họ sẽ lập tức bị đàn áp hay bị bắt thật nhiều như trường hợp ở Phi Chịt (vùng Trung Xiêm). Và nếu tiếp tục như thế, các cơ sở cán bộ cũng như cảm tình viên sẽ "không thể bảo toàn", thì khi đó "sự cống hiến đối với cách mạng Xiêm sẽ giảm đi, mà công tác viện trợ cách mạng Ðông Dương cũng sẽ bị ảnh hưởng không thể lường hết được " (tr. 93-94).

Hà Huy Tập chăm chú nghe rồi trả lời HVH rằng trong báo cáo, Tăng “không nêu vấn đề như anh vừa nói. Hôm nay nghe anh báo cáo rõ, tôi thấy có nhiều chỗ đáng phải suy nghĩ. Nhưng trước mắt, tôi chưa thể trả lời được, rồi đây chúng tôi sẽ thảo luận, có ý kiến gì sẽ nói với anh sau” (tr. 94).

Báo cáo xong, về sau HVH không nhắc đến chuyện này nữa nên độc giả không biết ông có được Đảng trả lời hay không.

Khi HVH sửa soạn trở về Xiêm thì hay tin mọi liên lạc với xứ này đều bị gián đoạn. Quả thật, lúc đó cuộc khủng bố người cộng sản của nhà cầm quyền Xiêm đang lên đến cực điểm, các cơ sở cộng sản hay thân cộng sản đều bị giải tán, hàng trăm đảng viên và cảm tình viên bị bắt giam (tr. 114-117). Trước tình thế này, HVH buộc lòng phải ở lại TQ cho đến năm 1942, nghĩa là 8 năm.

Tại TQ, ông sẽ gặp lại HCM, và vài lãnh tụ quan trọng khác như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng v.v. Ông cũng có dịp gặp gỡ các tổ chức quốc gia khác như Việt Quốc [14] , Việt Cách [15] , Phục Quốc [16] v.v. HVH đi từ tỉnh này qua tỉnh nọ, kiên nhẫn và quyết tâm tuyên truyền, củng cố uy danh và vai trò bá quyền của đảng mình. Thời kỳ này có rất nhiều biến cố và sự kiện lịch sử quan trọng: HVH kể lại trong chương thứ ba, một trong những chương quan trọng nhất của quyển hồi ký, liên quan đến khoảng thời gian trước khi Việt Minh lên nắm chính quyền ở Việt Nam năm 1945.


Tình hình các tổ chức người Việt Nam tại Trung Quốc

Trong chương ba, HVH phân tích tỉ mỉ về tình trạng người Việt di cư tại TQ cũng như sự tranh giành ảnh hưởng giữa các tổ chức chính trị. Ðất TQ thời ấy là nơi gặp gỡ của Việt kiều thuộc mọi khuynh hướng chính trị, từ quốc gia đến cộng sản, kể cả trốt-kít Ðệ tứ. Từ năm này sang năm khác, mỗi lúc một đông những người Việt trốn khủng bố, đến đây tiếp tục cuộc tranh đấu. Ban đầu, với số đông và nhờ sự giúp đỡ của Quốc dân Đảng Trung Quốc, các đảng phái quốc gia như Việt Quốc, Việt Cách, Phục Quốc v.v. tạo nên lực lượng quan trọng nhất. Nhưng dần dần, người cộng sản lật ngược tình thế nhờ ở cách cài người tài tình và tổ chức vững chắc. Nhưng yếu tố quyết định sau cùng là việc họ có cán bộ trung kiên hoạt động từ lâu tại quốc nội, điều mà các đảng phái khác không có.

Các lực lượng đảng phái quốc gia chủ yếu là các cựu đảng viên VNQDÐ, Việt Cách và những người sang TQ yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc dân Đảng. Nói về Việt Quốc, HVH viết: “Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Vũ Hồng Khanh lại từ trong nước chạy ra, nhập bọn với Nguyễn Thế Nghiệp. Ðược sự cho phép ngầm của đế quốc Pháp, và sự "giúp đỡ" của đương cục Trung Quốc, chúng đã tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, dựa vào một số lưu manh làm cốt cán để uy hiếp và lưà dối quần chúng “ (tr. 124).

Nhân vật Việt Quốc nổi tiếng nhất là Nguyễn Hải Thần, một người quốc gia đã cao tuổi ở đất TQ từ lâu. Ông rất ngờ vực người cộng sản và được lòng Trung Hoa Quốc dân Đảng. HVH mô tả ông như một người rất mờ nhạt, thiếu khả năng phân tích chính trị, dễ bị hoàn cảnh lôi cuốn, sao cũng được miễn là tên mình còn đứng đầu danh sách. Cho nên, người cộng sản thường dàn xếp, mỗi khi có dịp, cho ông ta làm "chủ tịch" những tổ chức do họ thành lập hay tham dự. Năm 1941, khi Nguyễn Hải Thần được nhà cầm quyền Trung Hoa đẩy ra làm chủ tịch Việt Cách, theo HVH, nhằm tạo điều kiện chuẩn bị cho kế hoạch Hoa quân nhập Việt.

HVH còn nhắc đến một đảng phái quốc gia khác, đảng Phục Quốc và nhóm Trương Bội Công.

Ðảng Phục Quốc tuyên bố kế thừa phong trào Cường Ðể, là một tổ chức thân Nhật. Có khoảng năm trăm đảng viên, thành phần phức tạp và không có khuynh hướng chính trị gì cả. Khi bị Nhật bỏ rơi và Pháp truy nã, họ chạy trốn sang TQ và được Trung Hoa Quốc dân Đảng giúp đỡ.

Riêng nhóm Trương Bội Công thì khác hẳn, do chính quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng thành lập và Trương Bội Công (là người Việt) tự xưng là thiếu tướng chỉ huy quân đoàn này.

Lực lượng quân sự người cộng sản VN lúc ấy khoảng sáu mươi người ("anh em Việt Minh", tr. 178). Nếu ở Xiêm, lực lượng cộng sản đông hơn và hoàn toàn thuộc về Thanh niên (Đảng Cộng sản) thì ở TQ họ hành động dưới danh nghĩa Việt Minh. HVH và đồng chí mang khá nhiều nhãn hiệu: khi thì là Việt Minh, đoàn thể “ma” do chính họ thành lập, khi thì núp sau những tổ chức của các đảng phái quốc gia. Trong bí mật, họ hoạt động dưới quyền điều khiển của Ban hải ngoại thuộc Ðông Phương cục của Ðệ tam Quốc tế.

Bên cạnh các tổ chức quốc gia và cộng sản này, HVH nhắc đến một nhóm Ðệ tứ bằng những lời lẽ như sau: “Ngoài Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ ra, còn có một nhóm tờ-rốt-kít độ ba bốn tên, cầm đầu là một anh có trình độ văn hoá, biết nặn tượng, chịu ảnh hưởng của Tạ Thu Thâu khá sâu, hay nói lý luận có vẻ cách mạng, có thể đánh lừa một số quần chúng. Hắn tuyên truyền vận động kiều bào xuống đường chống Pháp và đòi đương cục Trung Quốc giảm thuế. Hắn đi vận động đến đâu cũng bị ta đả thẳng cánh, âm mưu không thực hiện được và hoàn toàn bị cô lập“ (tr. 128).

Xin lưu ý, khác với Hồ Chí Minh, HVH không dùng những từ ngữ vu khống "gián điệp" "tay sai đế quốc" để chỉ người trotskistes [17] .


Ðảng Việt Minh đầu tiên thành lập năm 1936

Từ Nam Kinh đến Côn Minh, rồi từ Côn Minh qua Long Châu, Liễu Châu, Tịnh Tây v.v. đến Pắc Bó, HVH giữ một vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo Đảng CSVN. Bất cứ chỗ nào đã qua, ông đều để lại dấu ấn của một chiến lược gia và một người tổ chức có bản lĩnh. Năm 1936, ông là một trong ba người thành lập tổ chức Việt Minh đầu tiên: Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh Hội, tiền thân của Việt Minh năm 1941.

Năm 1939, HVH cùng với Phùng Chí Kiên, Vũ Anh (Trịnh Công Hải) tổ chức "Ban Hải ngoại của Đảng, để lãnh đạo mọi mặt công tác của Đảng tại Trung Quốc “ (tr. 128), HVH trở thành bí thư ban này ít lâu sau đó. Năm 1941, ông được chỉ định vào ban lãnh đạo Việt Minh.

Theo HVH, chính Hồ Học Lãm đã có ý định đầu tiên thành lập một tổ chức cách mạng hợp pháp. HVH và Hải [18] , đồng chí cũ đã cùng học ở Quảng Châu với HVH, thực hiện việc này. Hải thảo đìều lệ bằng tiếng Việt, nội dung như điều lệ của hội Phản đế đồng minh, Hoan dịch sang tiếùng TQ (tr. 103).

Cuộc hội nghị tuyên bố thành lập Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh được tổ chức tại phòng họp Ðảng bộ khu phố của Quốc Dân đảng TQ (Trung Hoa QDÐ). Tham dự hội nghị về phía người Việt có Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm và anh em khác khoảng hai mươi người, phía người TQ có hai đại biểu trung ương Quốc dân Đảng TQ. Cách tổ chức đơn giản như vậy, mục đích là hợp pháp hoá hoạt động chính trị yêu nước của Việt kiều dưới mắt nhà cầm quyền TQ ngõ hầu được họ giúp đỡ và hỗ trợ. Ðây là ý kiến của Hồ Học Lãm.

Hồ Học Lãm là ai? Theo HVH, Hồ Học Lãm rất được mọi người quý mến và kính nể. Sống sót sau khi phong trào Ðông Du thất bại, bỏ Nhật sang TQ, Hồ Học Lãm vào làm việc ở Bộ Tham mưu quân đội Tưởng Giới Thạch tại Nam Kinh với cấp bậc Trung tá. Là người quốc gia yêu nước, không vào đảng cộng sản nhưng luôn luôn giúp đỡ, hỗ trợ đảng và các đảng viên cộng sản Việt Nam. Ông đảm bảo cho họ chuyện ăn ở. Trong nhà ông lúc nào cũng có nhiều người cộng sản đến trú ẩn. Ông còn giúp họ bí mật tổ chức cả lớp dạy chủ nghĩa Marx và lý thuyết về các giai đoạn cách mạng Việt Nam. Về mặt lý tưởng, ông thiên về người quốc gia của Việt Cách và Việt Quốc, nhưng về mặt thực hành ông luôn luôn giúp người cộng sản, vì thế có khi gây hại cho người quốc gia. Là sĩ quan của quân đội Tưởng, ông hay đứng ra bảo lãnh cho người cộng sản mỗi khi họ gặp rắc rối trong mối quan hệ khó khăn giữa họ và nhà cầm quyền TQ. Năm 1936, chính nhờ ông đỡ đầu, việc đăng ký và thành lập đảng Việt Minh mới thực hiện được. Báo chí Quốc dân Đảng nói đến đảng Việt Minh này với nhiều thiện cảm. Nhờ có cơ sở hợp pháp, người cộng sản đã rút tiả được nhiều thành quả tốt. Và để "biểu thị sự hoạt động tích cực của Việt Minh, Hồ Học Lãm tự bỏ tiền, ra một tờ tạp chí nhỏ bằng chữ TQ lấy tên là Việt Thanh, số lượng phát hành chỉ độ một trăm cuốn, cốt để gửi cho các cơ quan Quốc dân Ðảng TQ ở Nam Kinh, cũng có gửi cho Việt kiều ở Quảng Châu và Côn Minh độ vài chục cuốn“ (tr. 105).

Chính vào lúc HVH và các đồng chí đang vận động thành lập Việt Minh thì Tưởng Giới Thạch thi hành chính sách chống cộng ác liệt (tr. 108). Việt Minh bị tố cáo, mọi hoạt động của phong trào cộng sản bị ngừng chỉ. Tờ báo Việt Thanh cũng đình bản.

Bốn năm sau, vào cuối năm 1940, tình hình hoàn toàn thay đổi vì Mao Trạch Ðông và Tưởng Giới Thạch hợp tác để đối phó với quân xâm lăng Nhật Bản: Việt Minh lại xuất hiện.

Sau khi Phạm Văn Ðồng tiếp xúc với một vài nhà văn TQ, Trung Việt Văn hoá Công tác Đồng chí Hội được chính thức ra đời, để thắt chặt tình bạn giữa hai dân tộc. Trong Ban Lý sự Hội Trung Việt này có 2 ủy viên Việt là Hồ Học Lãm với tư cách chủ nhiệm Biện Sự xứ Việt Minh tại hải ngoại và Phạm Văn Ðồng, (dưới bí danh Lâm Bá Kiệt) phó chủ nhiệm Biện Sự xứ.

Dĩ nhiên tình “thân hữu giữa hai dân tộc” chỉ là hình thức. Thật sự đôi bên đều rình rập, nghi ngờ nhau. Phía TQ sợ rằng nếu tổ chức này bị cộng sản lũng đoạn, thì việc biến nó thành một cơ quan chính trị thuận lợi cho kế hoạch Hoa quân nhập Việt của TQ sẽ bị cản trở. Phía cộng sản Việt Nam thì e ngại TQ sẽ nắm lấy một tổ chức hoạt động chính trị hợp pháp của Việt Minh.

Phong trào Việt Minh từ 1936 đến 1940 (ngược lại với Việt Minh của năm 1941) tuyệt đối không thể trở thành cơ quan chính trị có quyền lực do sự có mặt của các lực lượng quốc gia trong ban lãnh đạo. Bởi người cộng sản Việt Nam theo nguyên tắc không bao giờ muốn chia sẻ quyền lực với người khác.



[1]Bài này tác giả Hoàng Khoa Khôi viết vào tháng 9 năm 1987 (chú thích của người dịch pttt).
[2]Trong số tháng giêng & tháng 2 năm 1986, tờ báo Bulledingue (xb tại Paris) cho một dẫn chứng hùng hồn: dưới tựa đề "Người ta viết lại lịch sử như thế nào" tờ báo này trich dẫn hai bản khác nhau của cùng một nghị quyết của ban chính trị Ðảng CSVN. Một bản đăng trong Tạp chí Cộng sản và một bản trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Mỗi bản giải thích một kiểu về vấn đề có hay không chuyện nổi dậy chống chính quyền ông Thiệu của nhân dân thành thị miền Nam vào năm 1975, khi quân đội Hồ Chí Minh sắp tiến vào Sài Gòn.
[3]Xem Truyện và ký - tr. 334, nxb Văn Học, Hà Nội - Hồ Chí Minh nói thực với người đồng hành: “Bác không phải là người hay thơ mà thơ Bác cũng không hay". Ðấy là sự thật không hơn không kém, chỉ có những kẻ xu nịnh trong Đảng Cộng sản Việt Nam mới tâng bốc và đặt Hồ Chí Minh lên địa vị một “đại thi hào”.
[4]Xem Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch - nxb Sự Thật, 1975, Hà NộI - Hồ Chí Minh, dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, kể lại đời chính trị của mình. Nhờ viết tiểu sử cách ấy, Hồ Chí Minh có thể khen mình qua... tác giả.
[5]Trường này cũng như trường Thuộc địa ở Paris, đào tạo công chức hành chánh thuộc địa cho thực dân Pháp. Năm 1911, Hồ Chí Minh cũng xin vào trường này mà không được. Theo chúng tôi, việc xin này là cốt ý ông muốn học hay để có một nghề hơn là nhằm vào việc tiến thân.
[6]Phương Tây thường hiểu sai chữ Tự do trong khẩu hiệu này của Hồ Chí Minh, nó không hề mang cái ý nghĩa của Tự do ghi trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế”.
[7]Tiền thân Đảng CSVN do Hồ Chí Minh thành lập
[8]Chỗ này ông không nhắc đến vợ ông, nhưng khi đó ông đã lập gia đình vì qua trang sau (tr. 31) ông kể chuyện ghé thăm người em vợ, và sau đó (tr. 35) ông" bồi hồi nghĩ đến vợ con ".
[9]Phạm Hồng Thái, chiến sĩ quốc gia, ném lựu đạn ám sát toàn quyền Ðông dương tại Quảng Châu.
[10]Tác giả là Staline (chú thích của HKK)
[11]Tác giả là Boukharine, vài năm sau Staline ra lệnh cấm lưu hành quyển này (chú thích của HKK)
[12]HVH không viết “hoàn toàn nhất trí”.
[13]Như U đon, Xà Côn, Na Khon, Na Khon Pha Nôm v.v.
[14]Việt Nam Quốc dân Đảng
[15]Việt Nam Cách mạng Ðồng minh Đảng
[16]Ðảng thân Nhật
[17]Ðọc Chroniques vietnamiennes số 1, hồ sơ " Hồ Chí Minh et les trotskistes"
[18]HVH cho biết Trịnh Công Hải lúc đó đã trở thành "kẻ ăn chơi" "không ăn khớp với tư cách một người cách mạng" (tr. 95).

Nguồn: Bản tiếng Pháp do Hoàng Khoa Khôi viết dÆ°á»›i bút hiệu Hà CÆ°Æ¡ng Nghị trong tờ Chroniques vietnamniennes,Trimestriel, Hiver Printemps 1988, Numéro spécial Paris, France (Việt Nam Thời Luận, báo định kì tam cá nguyệt, số đặc biệt Ðông Xuân năm 1988, xuất bản tại Paris, Pháp). Phan Thị Trọng Tuyến dịch năm 2000. In lai trong Hồ sÆ¡ đệ Tứ tập 3: Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam do Nhóm đệ Tứ Việt Nam tại Pháp và Tủ sách Nghiên cứu thá»±c hiện. Mr HOANG 8 rue saint Ambroise 75011 PARIS- FRANCE