trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
29.11.2005
Cố Nhân
Chỉ số đáng đọc 96/100 của “Bóng đè”
 
Sự khiên cưỡng nói chung bao giờ cũng hàm cái nghĩa trái tự nhiên, không hẳn, không đáng, và không tạo ra được sự tâm phục khẩu phục... Tóm lại, đó là tính phi pháp, không chính đáng của hành động, khi có chủ thể này muốn tác động hoặc áp đặt lên khách thể kia. Phải vậy không nhỉ?

Vậy thì sự đọc nói chung và với “Bóng đè” nói riêng, tại sao lại có thể quy về chuyện khiên cưỡng hay không khiên cưỡng? Có ai bắt ai phải thế này thế nọ đâu? Có ai tự ép mình phải chay tịnh trong sạch hay rũ tóc nhập đồng đâu? Tất cả đều là tự nguyện, đều là đến với một ngôi đền mới xây, một vườn hoa mới nở, một sân chơi mới dựng, hay một món ngon mới bày, mọi người đều tùy thích thưởng thức và cảm nhận. Có khiên cưỡng chăng thì đó chính là ý định của một vài ai đó muốn nhân dịp này đứng ra hò hét cướp diễn đàn, hòng phổ biến cái luật lệ riêng phục vụ cho lợi ích bất chính của bản thân mình hay phe nhóm mình. Tôi nói như thế chính là muốn nhằm đến cái sự người ta đang lu loa lên rằng Ðỗ Hoàng Diệu bế tắc, trụy lạc, giật đổ thần tượng, hay thả thuốc độc xuống giếng... Phải nói ngay rằng, nếu không phải là tài năng thuộc cỡ ít thấy, thì làm sao “Bóng đè” cùng những dòng văn chưa có thâm niên nhiều kia lại có thể làm cho khá nhiều ai đó phải nổi xung hoặc phát sốt phát rét đến như vậy được? Thì đó chính là thành tựu vậy, nếu không muốn bảo đó là kiệt tác thì chí ít Ðỗ Hoàng Diệu cũng không còn ngu ngơ dễ bị bắt nạt, hay ngoan ngoãn để cho người ta phẩy tay phán bừa một câu đại loại "vắt mũi chưa sạch" nữa.

Tôi chưa muốn nói nhiều đến những loại người đang tìm đủ mọi cách để phủ nhận “Bóng đè”, bởi đơn giản công năng và đức hạnh của họ chắc chắn không đủ để làm điều đó. Hơn nữa, tôi cũng muốn hãy để người ta xây thật nhiều tường chắn, thậm chí cả những pháo đài boong-ke tối tân chồng chất nhiều lớp nhiều tầng, như muốn chôn đi một trái núi phóng xạ kiểu Chernobyl, để rồi năng lượng giải phóng từ phía “Bóng đè” sẽ dọn sạch một lần, như một sự tiết kiệm thì giờ và lực lượng.

Tôi cũng không muốn nói đến cách hiểu thuần túy dựa vào những thao tác kỹ thuật ít cảm xúc như kiểu Nguyễn Thanh Sơn vừa qua trên talawas, bởi để hiểu “Bóng đè” thì các trang bị kỹ thuật cùng những phương pháp máy móc sẽ không thể đủ. Nhưng tôi hy vọng, thời gian cùng kinh nghiệm xã hội sẽ cho phép những chuyên gia trẻ tuổi ngày càng tiếp cận gần hơn được với các tác giả, tác phẩm "nặng đô".

Ở đây tôi chỉ muốn nói đến quan điểm của những người đang khen “Bóng đè”, nào là Ðỗ Hoàng Diệu chọn sex làm vỏ bọc, nào là văn chương có tính ám chỉ, phúng dụ, ẩn dụ, hàm ngôn, ý tại ngôn ngoại, rồi những là ẩn ức vực thẳm, ám ảnh tổ tông, ý thức nữ quyền, hay khao khát giải phóng...

Tất cả đều đúng, giống như mỗi chúng ta là một gã thầy bói hiện đại đang rờ rẫm một con voi hiện đại. Nhưng còn cái bản chất tổng thể, cái cấu tạo giải phẫu đến mức bản đồ gien di truyền của loài voi mới này ở đâu, là gì, thì xem chừng chưa ai nói thật đúng, hay chí ít cũng có tính thuyết phục. Tôi không phải là người thích nói ngược, nhưng phải chăng chính là mỗi chúng ta đang muốn đem một nắm đất vườn nhà đến hòng đắp bồi nên một huyền thoại giữa làng, trong khi bản thân Ðỗ Hoàng Diệu với “Bóng đè” vẫn chình ình ra đó với sức hấp dẫn và tính toàn vẹn khó hiểu?

Tôi ngờ rằng mỗi khi chúng ta muốn phán định một sự vật hiện tượng nào, chúng ta đã không để đối tượng lên tiếng cho chính nó, bởi cuối cùng khát khao bí mật nhưng cũng cháy bỏng nhất của mỗi chúng ta vẫn là làm sao để kêu lên được cái dằn vặt vò xé hay tái tê sung sướng của chính bản thân mình. Ðiều đó cũng tốt thôi, nhưng xem chừng phải huy động đủ cả 6 tỷ nhân ngã trên trái đất này, hay ít nhất cũng hơn 80 triệu đôi mắt biết đọc tiếng Việt để thưởng thức “Bóng đè”, may chăng mới dần dần tiệm cận chân lý? Có một cách khác tiết kiệm hơn nhiều, rốt ráo hơn nhiều, là lấy chính cái thế giới tinh thần “Bóng đè” ra làm một khoanh vùng trải nghiệm. Nó nguy hiểm ư? Chẳng hơn gì hoàn cảnh mỗi chúng ta đang hàng ngày hàng giờ bị vô số những thế lực siêu ngã đè nén cưỡng bức. Nó tăm tối chăng? Thì liệu chúng ta có dám ra giữa trưa nắng mùa hè nhiệt đới mà học hành, yêu đương, đùa rỡn không? Hay nó phí phạm một cơ hội khám phá bản thân và thế giới? Chỗ này còn đáng suy ngẫm. Nhưng hãy thử tưởng tượng, chẳng phải là mỗi giây mỗi phút chính là chúng ta đang quăng mình vào những thử nghiệm vô cùng gian lao và bất trắc đó sao? Thì hãy sống thử với thế giới của Ðỗ Hoàng Diệu một lần, cho thật sâu sắc, tôi tin rằng các bạn cũng sẽ hiểu đủ, ít nhất là trên phương diện cảm giác, cái bản chất bi hài lỏng chặt của cái cuộc đời này. Tôi không thích nói thay người khác, nhưng nếu được làm anh chàng cò mồi đứng trước cửa ra vào khu giải trí cảm giác mạnh mang tên “Bóng đè”, thì tôi dám mạnh dạn nói với du khách thập phương đang tần ngần lưỡng lự rằng, đó chỉ là hành trình rút ngắn của cuộc du hý sáu bảy mươi năm ròng cho mỗi đời người, để ra về mỗi người coi như đã được ứng trước đôi phần tuổi tác và sự từng trải. Liệu tôi có quá hào phóng những lời quảng cáo chăng? Ðâu dám. Kể cả nếu có ai đó sau khi ra rồi có đến mà phản đối, đòi lại tiền vé tôi, thì bản thân điều đó cũng chính là một trong những bài học “Bóng đè” mang lại, khi cái anh chồng tên Thụ ngu ngơ kia có mắt như mù, nhai mãi một mẩu khoai sống mà không biết mình đang mất đi những gì thân yêu nhất. Nhưng tôi tin tỷ lệ những kẻ như Thụ chỉ là số ít, cũng giống như doanh thu khu vườn “Bóng đè” sẽ mỗi ngày một tăng, bởi người ta vốn được ông thiên bà địa sinh ra sẵn có khả năng để nhận ra những bài học đắt giá nhất ngay cả trong sợ hãi và căm uất.

Liệu Ðỗ Hoàng Diệu có thể sáng tác thêm một cái gì đó hay hơn “Bóng đè” không? Có thể, nhưng theo tôi chỉ cần thế là đủ. Thế giới có thể cần nhiều Disneyland, đời người có thể cần nhiều đêm tân hôn hay bài ca có thể cần nhiều khúc phóng túng..., nhưng một ý thức tỉnh táo, nhân văn, trước mọi thế lực tuyệt đối vĩnh hằng dù cao siêu và thâm nghiêm nhất, thì dường như chỉ cần một mình “Bóng đè” đã đủ tạo dựng. Ai đó cho rằng đó đơn thuần chỉ là thái độ phản kháng? Không phải. Chỉ cần một cái quắc mắt, rồi sau đó không bao giờ về quê nữa, là nhân vật "tôi" sẽ phế bỏ hoàn toàn mọi uy danh dù ảo hay thực của cái dòng họ kia chứ sao. Cùng lắm là đến cái chết, nàng "tôi" sợ ư? Chẳng việc gì phải sợ, nếu điều đó Ðỗ Hoàng Diệu đã làm được trong "Tình chuột", hay một vài truyện khác. Hay đơn thuần chỉ là sự chịu đựng mang ý nghĩa tố cáo? Lúc đầu là vậy, nhưng rất nhanh thôi, đến lần thứ ba thứ tư gì đó là nàng dâu đã bắt đầu cảm thấy thích thú. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, nếu đơn thuần chỉ là sinh lý, nhục dục, tội lỗi... thì thiếu gì nơi để Ðỗ Hoàng Diệu cho nhân vật của mình tung phá đắm chìm? Tôi nói hãy để mỗi chúng ta tự mình chiêm nghiệm lấy sự thật vừa sâu xa vừa trần trụi trong “Bóng đè” chính là vì vậy. Chẳng ai có thể nói được thay ai, trước cái điều vừa có vừa không, vừa hay vừa dở, lúc thiện lúc ác ấy. Cuộc đời vốn không dễ mô hình hóa, thì cái chất nhân văn trôi chảy ẩn ngầm bên dưới mỗi số phận con người lại càng không thể dễ dàng điểm nhãn tạo bày. Tác giả bài viết "Có nên quá khiên cưỡng..." xem chừng đã gắng công giải mã đôi bàn tay kỳ lạ trong “Bóng đè”, và quả thực nàng/chàng đã tiến rất gần chân lý. Nhưng một điều tôi muốn lặng thật im, nghĩ thật nhiều, đó là không thể ai trên đời này có một đôi bàn tay như thế. Một đôi bàn tay phi thực, đầy huyễn hoặc hay lý tưởng, có thể nói là đã được thánh thần hay quỷ dữ đâu đó ký gửi cho mượn, nhưng mà nhân vật "tôi" kia đã làm gì được với đôi bàn tay ấy? Vô ích, dù có đẹp đến mấy. Nhưng không vô cớ, không phải đồ thừa, bởi đôi tay ma quái (có thể tiến thêm một bước, gọi thẳng là ma mãnh) ấy hình như là một ngón bùa các đấng siêu nhiên siêu cao nào đó ém sẵn nơi nàng. Ðể làm gì ư? Ðể trấn áp một nỗi sợ hay một trí khôn vặt vãnh thông thường, để công nhiên dẫn dắt con người đi theo một luồng lạch mới. Tác giả bài viết "Có nên quá khiên cưỡng..." đề nghị phương án xem đôi tay là bản lề, hay khâu nối gì đó, liên kết hai phần tinh thần của "tôi", quả là cũng tinh và kỹ lắm. Nhưng như đã nói, vậy thì loài người vốn sinh ra đã có sẵn nước mắt để mà ân hận, để mà tẩy rửa đi mọi tội lỗi sa ngã trợt trầy, việc gì phải cần đến một thứ phi nhiên phi tại như đôi bàn tay lấp lánh đó?! Ở đây tôi lại phải một lần nữa xin lỗi Ðỗ Hoàng Diệu khi có khuynh hướng bóc trần một thủ pháp văn chương vốn không nhiều người dám sử dụng, đó là dùng cái ảo phi nhân để cướp lấy cái thực toàn nhân. Bạn đọc thử nghĩ mà xem, cũng chẳng khác gì fan hâm mộ cuồng điên John Lennon dám xả súng bắn chết chính kẻ mà anh ta cùng cực yêu quý. Ðể làm gì? Chẳng phải để sở hữu trọn vẹn cái thần tượng siêu phàm kia từ giữa cuộc đời mịt mù? Tôi không muốn bình luận lấn sang phần đạo đức hay luật pháp, nhưng muốn nói thử cái điều có thể chỉ nằm trong giả tưởng: phải chăng trong một không gian học thuật, giữa một bối cảnh nặng tính giả định, thì một lối "cứu cánh biện minh cho phương tiện" cũng có thể giành cơ hội khả biểu? Nếu trí tưởng tượng vốn được thiên nhiên ưu đãi cho duy nhất con người mà bị giới hạn hay đánh chặn, thì đừng nói một đôi bàn tay bùa chú như thế, mà ngay chỉ bản thân cái thế giới tinh thần gồm hai nửa như tác giả bài "Có nên quá khiên cưỡng..." đã vén ra trên kia cũng không thể có lý do tồn tại. Và điều đó thì quyết không bao giờ là một phương án hợp pháp, phải không (các) nhà phê bình đã khuấy động được tôi?

Ðến đây tôi muốn bày tỏ sự ngạc nhiên với những ai cứ khăng khăng liên tưởng Ðỗ Hoàng Diệu với Vệ Tụê. Có thể nói, những người này chỉ có thể là đã không đọc (kỹ), hoặc láng máng "nghe hơi nồi chõ" về cả hai nữ sĩ thì mới nói kiểu ấy. Theo tôi, họ khác nhau hoàn toàn. Cái liên hệ mong manh duy nhất giữa họ với nhau là yếu tố sex, hóa ra lại là yếu tố ít đáng nói nhất trong các tác phẩm của họ. Tình dục thì cũng chỉ là một trong rất nhiều yếu tố dính líu đến mọi mặt hoạt động đời sống của con người, chứ làm sao có thể trở thành hồn cốt cho một chuyên ngành nghệ thuật bao quát hàm chứa như văn học? Nếu bảo Ðỗ Hoàng Diệu và Vệ Tụê chỉ lấy sex làm vỏ bọc, thì cũng vẫn là nói cái bề ngoài, cái hiện tượng dễ dãi. Muốn chính xác ra, ta phải hiểu rằng ở Vệ Tuệ, tinh thần sex nằm ở bản thân cái môi trường đã tiến tới mức "mở toang", "lộ thiên", hay "chan hòa trôi chảy". Còn với nữ sĩ trẻ tuổi của ta thì sex không khác gì cái việc chẳng đặng đừng phải bước qua như phải bỏ giày trước khi vào làm lễ tẩy trần. Có lẽ nhiều độc giả trong văn giới Việt Nam vẫn còn nông nổi và hời hợt lắm mới bị vướng bận vào cái thủ tục "cởi giày" của Ðỗ Hoàng Diệu. Nhưng tôi cũng đồ rằng, tình trạng như vậy rồi sẽ chẳng diễn ra lâu một khi nền văn học của chúng ta khẳng định sức lớn mạnh và lòng nhân ái trong thế kỷ 21.

Trở lại với cách đọc và phê bình “Bóng đè” và Ðỗ Hoàng Diệu, theo tôi chẳng cần phải chơi trò "bói voi" mãi mà làm gì, bởi con vật này chắc hẳn chưa có trong các bộ sưu tầm của giới chuyên ngành xứ ta. Vậy thì câu hỏi đặt ra đương nhiên sẽ phải là: Có cách gì đo đếm được mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đối với xã hội, thay thế cho việc cãi vã phân trần vẫn thường xảy ra trong bối cảnh hiện nay? Tôi xin mạnh dạn thử đề xuất một phương án như sau.

Nên chăng chúng ta đặt ra một chỉ số, gọi là Chỉ số đáng đọc, theo đó mỗi người đã đọc tác phẩm sẽ cho điểm trên thang 100. Tác phẩm tuyệt vời nhất thì cho 100 điểm, tác phẩm nào đáng vứt sọt rác thì cho 0 (zerô). Tất nhiên sẽ có trường hợp, một tác phẩm gây tranh cãi thì bên cạnh số điểm rất cao (gần 100) cũng sẽ có rất nhiều điểm rất thấp (gần 0). Vậy thì chỉ cần thống kê bảng điểm dư luận đã cho, chúng ta hoàn toàn có thể biết được hiệu ứng đối với xã hội của tác phẩm, mà không cần phải phân tích dài dòng. Bài toán này thực ra ở các chuyên ngành khác (cả tự nhiên lẫn xã hội), người ta đã thực hiện rồi, nhưng riêng mảng văn học, một lĩnh vực cứ bị ám ảnh bởi tính chủ quan tùy hứng nên người ta không dám manh động sử dụng các phép tính lạnh lùng. Kể cũng có thể coi là bất cập và đáng tiếc.

Riêng đối với “Bóng đè” của Ðỗ Hoàng Diệu, theo thiển ý của tôi, nếu không đạt đến 100 thì cũng phải cỡ 95 hay 96 điểm gì đó. Và tất nhiên tôi hiểu nó cũng sẽ nhận rất nhiều điểm dưới 10, mặc dù khi hạ bút chấm những điểm như vậy, các độc giả "quyết đoán" đều có lý do "rất thuyết phục" của họ. Âu cũng là bức tranh xã hội, và thế mới còn những lý do để các nhà văn phải hao tâm tổn trí sáng tác nên những kiệt tác mới trong tương lai.

Xin một lần nữa bày tỏ mối ưu tư sâu nặng trước văn chương và cuộc sống.

© 2005 talawas