trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
5.8.2003
Vô Danh Nghệ
Dòng cảm hứng với Nhiếp ảnh
 1   2 
 
Ai không mê Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh?
Một sai lầm to lớn.
Con nít còn ham.
Gọi đại một thằng bé đến là biết ngay.
Đưa nó xem máy ảnh. Mắt của nó sẽ dòm vô viseur, tò mò như tìm hiểu "lỗ đen vũ trụ" bí hiểm.
Dàn dựng nó để chụp. Nó khoái chí "quậy" đủ kiểu. Sau đó nó sẽ hãnh diện kể chuyện lại với bạn bè. Anh trở thành một thần tượng của nó, hay đúng hơn, máy ảnh đã chinh phục nó từ giây phút đầy chất nghệ sĩ đầu tiên.
Anh trả tiền cho nó. Chưa chắc nó quan tâm.
Đó! Nó đã mê anh và mê máy của anh hơn nữa…

Cái mình cần thì không có. Cái mình có thì không cần.
Chỗ oái oăm đó tạo cảm hứng viết bài này khi thử đặt mình trong trường hợp:
Tôi ra đời dưới một ngôi sao lạ - ngôi sao "Không có số làm Nghệ sĩ".

Thượng đế đã, đang và mãi trừng phạt con người bằng cách khiến họ luôn không thỏa mãn cái mình có.
Câu ông bà nói "Đứng núi này trông núi nọ" không phải là quá đáng.
Thành Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh khó lắm chứ. Khó từ thuở ban đầu, khi mộng thành hiện thực vẫn khó bởi nhiều việc, dù linh tinh chẳng vào đâu.
Nguyễn Trãi đã từng viết:

"Trời thử thách trao cho việc lớn,
Ta quyết chí khắc phục gian nan"

Đọc Tây Du, vì nghe kinh ngủ gục, Đường tăng bị đọa đầu thai lãnh 81 nạn trong 14 năm mới đến được Tây Phương thành Phật.
Xem Odyssée, Poseidon hành hạ Ulysse, vì tội làm mù mắt Polyphème con mình, phải lênh đênh trên biển 20 năm mới về tới quê hương.
Trong nghiệp nhiếp ảnh, ta gặp khó khăn suốt đời vì nỗi đam mê vô bờ bến.

*


Chương thứ nhất:
Bài căn bản, lắm gian nan rình rập
Sách chân truyền, bao công thức bày ra


Khi mới học, bài vỡ lòng cũng làm nhiều anh chị nản chí. Ba cái lý thuyết lăng nhăng về tốc độ/khẩu độ, đo sáng điểm, đo sáng vùng, nào là phân loại máy ảnh nhóm 1, nhóm 2, nào là hiệu máy, filter, test ống kính… đủ làm phát điên cái đầu non nớt. Cái chữ mà ông Thầy dạy nghề tận lực truyền cho cũng không thể nào làm anh hấp thụ tới nơi tới chốn. Nói ra chẳng ai tin, nhưng về lâu dài, anh sẽ thông cảm vì chính Thầy cũng không ít chới với với cái Thầy truyền đạt. Vì "nói" và "làm" là hai phạm trù khác biệt. Nguyên nhân sẽ nói sau. Lâu lâu, thấy một hãng danh tiếng nào đó mời thầy mình đi hợp tác quảng cáo hay đào tạo nhân viên, có thể chắc ăn 100% trình độ căn bản của Thầy mình "nhỉn" hơn mấy thầy khác, và dĩ nhiên do đó có số lượng học trò theo đông hơn. Nói đùa như ta mừng khi được bảng "test Thầy" chưa tài liệu nào có.

Gặp thầy tận tình thì coi thầy hơn cha. Xui xẻo nếu gặp ông nào giấu nghề thì học mãn khóa cũng "công cốc" với câu cửa miệng của Thầy khi nghe trò thắc mắc quá nhiều: "Học khóa tới là biết". Có lý! Vì khóa sau sẽ có cái cần học. Phải nhớ: chỉ có ở khóa sau chứ khóa hiện tại chả giải đáp được cái anh thắc mắc. Thôi thì đành tự an ủi vì kiến thức không phải là "vốn tự có" nên thầy phải ráng giữ để sống, dạy "bứt cụt vốn" thì nồi cơm thầy cũng tanh bành vì ai thèm học thầy nữa? Thầy cũng biết điều sau một chầu nhậu do trò thết thì vui bụng rặn ra vài "mửng vặt" để trả công sòng phẳng theo đúng luật Kinh tế thị trường "Nhất tự vi sư, mãi tự vi sư".

Tiếc thay tác giả tối dạ, không ai quen biết nâng đỡ, ảnh thi đâu rớt đó, nản chí sinh lười nên chỉ nhớ trài trại "Photo Tam Thiên Tự" như sau (nên hùn tiền mua thầy CD bản gốc bài chân truyền đọc cho chắc ăn):

"Bước đầu sáng tác thì chụp người mẫu. Chọn thiếu nữ trẻ đẹp áo xanh áo đỏ cùng nón lá. Hay bà già vú mớm lòng thòng, da nhăn nheo, giống ma vú dài càng hay. Hoặc ông già móm mém, có râu dài thêm hấp dẫn. Gặp con nít thì chụp sao cho thấy cặp mắt nhìn đứng tròng mới ra vẻ ngây thơ ngơ ngác. Chụp ngược sáng để lấy sáng ven mà vẫn đủ chi tiết phần tối và không bị halo mới là có ống kính xịn. Gặp mây đẹp thì đặt vòng polar cho lên mây. Chụp "nê" thì đánh dư 1 khẩu và kêu lab rọi đậm cho rực màu. Nắng to dùng 125 11. Trong studio dùng 60 5.6. Chụp đời thường thì cứ thế mà phăng, miễn sao có người và áo xanh, đỏ tạo điểm nhấn. Đi đây đó sáng tác thì nên lận lưng một tờ giấy giới thiệu để bảo kê phòng khi bị chính quyền "vịn" làm khó dễ. Chụp cảnh đồng quê phải un khói mịt mù để cho nắng chiếu vào (liệu hồn đừng chọc bà Hỏa ngứa nghề thì tù cả đám, giấy giới thiêụ không chạy án nổi, nói trước). Chưa chắc ăn bố cục thì chụp wide thật rộng rồi lab sẽ tự "cúp" lại dùm cho khoẻ. Ảnh triển lãm phải làm la mi na khổ thật to, chừa bo thật rộng mà áp đảo phủ đầu bà con. "Tâm lý chiến" khuyên bán ảnh nên chém giá bạo tay thì mới thấy giá trị nghệ thuật cao, nhằm mau gỡ vốn. Tên ảnh phải ấn tượng và tràn trề đậm đặc tính dân tộc. Y' tưởng phải tích cực cao độ nếu không đám kiểm duyệt nó hoạnh thì khỏi treo (hiện thực bắt buộc phải là tốt kiểu "đẹp khoe, xấu che", nhớ chưa?!)"

Để giúp thầy thợ đừng quên nghề, xin lỗi phải "bép xép" nhái Sư phụ:

"Thợ lúc nào cũng cần phải học để cho tác phẩm luôn độc xẹt hơn người. Gặp thời buổi ế "khứa" nên thợ nản lòng rồi xuống tay nghề và quên bài vở. Tổ buồn lắm. Thần Bạch Mi thấy thương tình nên hiện báo mộng giúp Tổ. Thức dậy, Tổ nhớ lời Thần dạy bèn lật Tố Nữ Kinh của Trung Hoa mà nghiên cứu ra một bí kíp thần sầu truyền cho hậu thế gọi là "Photo Artist Kinh" chỉ vẻn vẹn một câu Kiều cực kỳ bí hiểm:

"Vành ngoài bảy chử, vành trong tám nghề" (Câu 1210)

Thợ hỏi: "Vậy nghĩa là sao?"

Tổ giảng: "Bảy chữ là:
Thuyết (Ta quen gọi là Thuốc: Thuyết phục, dụ khách)
Thủ (Nhanh tay)
Nhãn (Lanh mắt)
Tài (Dùng tiền để sắm hàng hiệu xịn "tới nóc")
Di (Chịu khó đi đây đó sáng tác cho lên tay)
Ý (Nghiên cứu ý tưởng, kỹ thuật chụp)
Ém (Ém kỹ tác phẩm sợ bị đạo ý - phòng Photo tặc)"

Thợ nói: " Quả thật là hay".

Tổ giảng: "Còn tám nghề là:
Chụp đám
Chụp người mẫu
Chụp quảng cáo
Chụp báo chí
Chụp lịch
Chụp hình thẻ
Chụp sáng tác dự th.
Chụp triển lãm phong trào".

Rồi Tổ kết luận: "Đó là cái gốc giúp thợ giử vững tay nghề căn bản. Công phu lâu ngày sẽ thành Nghệ, rồi Đại Nghệ. Chứ cái sự học thì vô cùng. Ta không tài nào giảng hết vậy".

Thợ nói:"Quả thật là hay".

Lý thuyết chỉ bấy nhiêu song đầy ý nội, ý ngoại, nghĩa đen, nghĩa bóng, huyền bí hơn sấm Trạng, mỗi thời đều có nhận thức khác nhau và bàn theo cách riêng. Biết thâm sâu vậy để không nên trách thầy cũng còn lọng cọng.
Tới đây, anh em có người sẽ tò mò muốn biết tôi sẽ viết "cái gì nữa dzậy?"
Lên bản mặt đạo mạo như thầy, tôi nói: "Đọc chương sau thì biết".

*


Chương thứ hai:
Trang bị máy, "nghệ tơ" còn méo mặt
Nâng cấp hàng, Artist cũng nhăn răng


Cửa ải ban đầu còn đang lạch bạch chưa qua, thì cái họa về "sắm đồ nghề", nôm na là "tìm công cụ sản xuất", lù lù ám ảnh trước "con đường nghệ thuật" gây khó dễ như một trạm thu phí với giá vé tuốt tuồn tuột trên trời. Y tàn nhẫn rỉa sạch vốn liếng cho lắm anh cháy túi. Khốn nạn thân anh như số phận của "Ulysse muôn vàn trí xảo" bị cảnh "Tomber de Charybde en Scylla" [1] do Poseidon trừng trị.

Lúc lê chân ướt chân ráo chèm nhẹp vào lớp là lúc cái tư tưởng ngây ngô như nai của anh bị chi phối về việc chọn "hàng". Thầy tận tình vẽ đường dẫn lối. Chưa tìm ra "đồ" thì thầy dắt đến "vựa quen" mà mua. Có khi thầy đành rứt ruột "gả" phứt luôn máy của mình đang dùng để trò được việc, rồi thầy sẽ từ từ sắm món khác sau. Hên nhờ xui chịu. Gặp "hàng tốt" thì cám ơn thầy nức nở. Giới thiệu tiếp "mối" khác cho thầy vui, quảng cáo thầy như thần tượng. Xui thì khỏi nói. Máy trục trặc lia lịa. Càng sửa càng hư, tiếc ôm khư khư, khổ thêm chôn vốn. Nhờ thầy đem đi sửa thì thợ đại tài của thầy có lúc cũng đành bó tay dù chạy chữa tận tình. Tiền kẹt, bán không ai dại mua lại máy mình. Đành năn nỉ chịu lỗ trả lại. Chỉ trách mình xui, không ai nỡ trách thầy ác ý. Vì thầy là thầy. Thời buổi nạn nhân mãn, cát vàng lẫn lộn chẳng ai lường hết bất trắc, kể cả thầy. Điều không ai muốn xảy ra.

Tiếp còn phải động não săn tìm "hàng độc" ngoài chợ trời Lê Lợi, Nguyễn Huệ để cập nhật nâng cấp cho cái "của quý vật chất" lên được "bằng chị bằng em". Liệu hầu bao mà theo "phé". Nhớ luôn xem thông tin qua các cuộc thi, tài liệu xem ảnh trúng giải bằng món gì để bắt chước mua mà dùng cho mau lên tay. Nếu hàng không ưng thì chịu khó bù tiền đổi thứ khác hay ký gởi chờ đó. Khi thành "khách quen", "mối ruột" thì có thể thương lượng mua thiếu chịu chờ thời gian huy động vốn trả góp. Phải sòng phẳng với nhau, tuyệt đối cấm bắt chước mấy gã nghệ tặc tầm cỡ "lão gia" thiếu chịu thì thiếu thả ga mà mua thì kỳ kèo từng đô một và bới lông tìm vết kiếm chuyện đì giá tiếp; mà lúc mua rồi bày đặt vòi vĩnh quà khuyến mãi, filter, bao máy, pin hay tệ lắm là một cuộn film để test. Còn chưa kể nhiều lão Artist ma đầu bày đặt giới thiệu đứa gọi là "đệ tử" ra mua nhằm khỉa phần trăm để moi tiền sắm đồ chơi. Dân bán máy hay người mua chưa biết ai được thời hơn ai nhưng hàng độc thì không bao giờ thiếu, cứ chịu khó đợi từ từ sẽ lòi ra.

Thiệt là tức chết khi phô bày món đồ nghề của mình thì:

– Í ẹ! Dính hàng "luộc" rồi! Bị ai "thuốc" vậy?
– Hiệu đó mà chơi gì.
– Chọn NK hay CN đi, thầy nói có gì chơi chán cũng dễ bán lại không lỗ.

Bị khích tướng kế, tức chưa?

Thầy bảo, lại Thầy bảo. Cái gì Thầy nói phải đúng cả. Kinh nghiệm đã khuyên nên nghe kỹ cái Thầy nói và xem kỹ hàng khi mua cho khỏi mếch lòng về sau.

Sau vài lần thất bại trong việc sắm đồ thì trò cũng đạt một kinh nghiệm ngang cơ với thầy, đủ sức ngẩng cao đầu trong Hội Khoe Của nếu có. Bạc tiền thì châm vô liên tục và không hạn chế. Nói dân nhiếp ảnh nghèo là sai. Lắm anh nhờ bà con nước ngoài viện trợ về tiếp sức.

Tính chơi giả sử cứ một anh cần trung bình 3500 đô cho đồ nghề (2 thân máy: 1100$, 2 ống kính: 1500$, 1 flash: 450$, 1 chân máy: 150$, 6 filters: 300$). Đất Sài gòn nếu chỉ có 2000 phó nháy thì tốn sơ sơ 7.000.000 đô; thống kê số lượng chính xác trên toàn quốc ra tiền ta thì dữ hội hơn, đếm mệt xỉu. Số tiền dư sức xây mấy bệnh viện, trường học cho dân nghèo kèm khuyến mãi một nhà dưỡng lão cho Nghệ sĩ.

Chơi nhiều, hồi vốn chưa kịp do hàng bị đề mốt thì lại phải tiếp tục đi đổi bù tiền. Thành ra giống như ai cũng tự nguyện đóng một lệ phí "cập nhật thời thượng" cho dân bán máy. Lời đâu chưa thấy, mà theo quy luật, lỗ là tất yếu. Chưa kể gặp sự cố thì méo mặt thua trắng. Còn kinh hoàng cái cảnh phe ta bị chìm xuồng khi đi sáng tác trên hồ Lak năm nào. Cứ đi tìm phỏng vấn các nạn nhân hôm ấy thì rõ.

Mà trong cuộc chơi này, thầy lẫn trò, dù thắng hay thua, đều xem như một thú vui của mấy bà "đấu" đồ trang sức. "Photographer Fashion" đầu thế kỷ 21 ghi như sau:

"Body AF, design thật quạu, đủ các chức năng "Pro". Ống kính AF dù fixe hay zoom phải là loại Internal Focus mới đúng điệu. Ống kính "For" được công nhận là "Pro"do giá có loại đã cao hơn hàng hiệu với điều kiện có Stab, HSM, LD, Aspherical…Filter UV, Skylight đã được thay bằng Dynamic cho trong hình. Polar các loại phải đầy đủ mà phải là Circular. Filter màu cho đen trắng nay vẫn còn cần thiết. Ai sắm càng nhiều loại filter thì càng tốt cho công việc. Nhứt là nay cần thêm 3 loại red green blue enhancer cho lên màu. Đèn flash chỉ số cao, giá chót 40 để đánh xa với các chức năng TTL, second curtain, stroboscopic… kèm filter màu cho đèn, slave, dây synchro, pin xạc dung lượng cao. Chân máy cao, chắc mà bảo đảm gọn nhẹ kiểu poly carbon. Máy đo sáng cầm tay đa chức năng đủ để cầm nhấp lấy le. Thiết bị studio càng mắc càng bảo đảm. Nói chung cứ lấy giá hàng hiệu làm chuẩn tối thiểu và theo châm ngôn "tiền nào của nấy" là yên bụng. Film và giấy thì khuyên dùng thứ trùng tên hãng tài trợ để tiện gửi ảnh dự thi. Máy lớn thì thiên hình vạn trạng khiến tự điển không chép nổi. "Đồ" phải nâng niu giữ kỹ phòng mất "gin" để ít lỗ khi bán hay đổi lại. Còn riêng phục sức cho Nghệ sĩ sành điệu chỉ yêu cầu độc nhất một áo banh ngực, hở nách, đầy nhóc túi từ trước ra sau, màu tự chọn, tục gọi là "áo Khỉ", nam nữ dùng chung. Sắm thêm mobile thì đạt tước hiệu ECAP (Exellent Call Artist Photographer) cho dễ làm ăn…"

Đến đây phải kể một chuyện truyền miệng tối quan trọng ít ai biết vì không sử gia nào dám chép do nhiều lý do "tế nhị":

"Số là sách Tử Vi Đẩu Số của Hy Dy Trần Đoàn từ hàng trăm năm nay đã chép rằng mạng số Nghệ sĩ luôn có các sao Đào Hồng Tướng Kỵ Phục Thai chiếu nên Nghệ sĩ hay được người khác phái ái mộ vì tài.

Và từ đó, họa Đào Hoa đã sinh ra…

Và thế nên khi đàn bà con gái thuê Nghệ sĩ chụp ảnh là bị dính "sự cố" rắc rối hoài hoài.
Và với các nữ Nghệ sĩ tài hoa, cái "cám dỗ ngàn xưa" cũng chẳng nể mặt tí ti nào.
Và Thầy quen thói mời người mẫu đẹp đến lớp sáng tác để hỗ trợ trò hứng thú mà dợt nghề cho mau lên. Khiến người mẫu mới vô nghề ưa mò tới mấy lớp sáng tác đặng hy vọng mau nổi tiếng, vừa khỏi sợ bị "ế độ".
Và các Nghệ sĩ hay về thăm Thầy cũ để thừa dịp làm quen mỹ nhân mà thử lửa "hàng hiệu" mới "lên đời" còn nét cứng.
Và cuối cùng, một thầy đồ Nghệ ngồi nghía được nhiều "pha" vi vu quá đã mắt đến nỗi ngẩn ngơ quên chụp mà nổi hứng làm thơ như vầy để chọc thiên hạ cười chơi (trích):

"…Huy chương, tước hiệu bề bề,
Nghe hơi người mẫu cũng mê mẩn người.
Nhìn trò (dàn) "dựng", thầy ngồi bất lực,
Áo đỏ xanh bức xúc anh em,
Má đào bốc lửa cơn thèm,
Ngực (tấn) công, mông (phòng) thủ như thêm rơm, dầu.
Thầy chán nản mà rầu méo mặt,
Cái khổ này thắc mắc hỏi ai…?"

Thơ truyền tới tai chọc quê Tổ nên Tổ tức lắm vì không làm gì được. Lúc lâm chung, Tổ nguyền rằng nếu ai lấy đồ nghề chụp khỏa thân vốn tràn trề ô uế mà chụp "đám" khác thì Tổ sẽ khiến bị ế độ cho bõ ghét. (Biết thân muốn tránh Tổ quở thì nên sắm thêm bộ đồ nghề chỉ riêng chụp khỏa thân mới yên).
Đệ tử lo lắng hỏi về việc gởi ảnh khỏa thân dự thi, Tổ chỉ nói "Được, không cấm" rồi mỉm cười nhắm mắt từ từ mà tịch.
Đệ tử lo chôn cất tử tế, không quên gom huy chương, bằng tước hiệu của Tổ đem đốt sạch như lời Tổ dặn. Tổ vốn biết trước để lại chẳng ích chi; bán ve chai nó trả rẻ, lời lóm "giá thợ" chẳng bao nhiêu đếm tiền thêm tức. Tổ cũng không chịu để lại phim và tác phẩm cho bất cứ ai vì ghét thiên hạ nhìn mà bắt chước. Tổ cho phép đời sau tùy nghi định đoạt quy chế thi cử..."

Chuyện thi cử thế nào xem chương sau sẽ rõ.

*


Chương thứ ba:
Thi Grand Prix, thí sinh tìm danh vọng
Chấm Cồng cua, giám khảo lãnh tiếng oan

"Học thầy không tày học bạn". Có bạn bè chỉ vẽ nhau học thêm vui, tăng hào hứng lúc sáng tác ban đầu. Thầy dù giấu nghề theo kiểu thầy. Nhưng bạn lại dấu cái thầy không dấu. Học bạn lại rẻ hơn học thầy, do miễn phí. Bạn có bạn tốt bạn xấu. Vớ trúng thằng "nổ" loại:

"Nghề còn bưng bít như hang thỏ,
Miệng đã tô hô quá lỗ trê… "

thì dẹp nó qua một bên tìm bạn tốt khác hạp ý vui hơn. Vả lại do cùng trang lứa nên khi cùng mài cùng mò lẫn nhau trong sáng tác thì càng sung càng sướng, thêm hứng đôi bên.
Tất nhiên những tác phẩm, bầy con nghệ thuật, phải ra đời. Dù con so thiếu tháng hay con rạ, chưa chắc con khôn cũng làm mát lòng rời rợi. Vác khoe với anh em bạn bè, nhứt là trình thầy như một lễ rửa tội tác phẩm với các nghi thức: thầy ngắm nghía kiểm tra nét, hỏi tham khảo kỹ các chi tiết thông số kỹ thuật cùng với hiệu máy, loại ống kính, hiệu film, hiệu filter, density/balance màu, nơi chụp, cắt cúp, đặt tên ảnh, khuyên vài điều rút kinh nghiệm cho lần sau. Tất nhiên người luôn khuyến khích gởi ảnh dự thi. Tưởng tượng nhà có gái đẹp là có người tới rủ rê đi thi hoa hậu để hy vọng "vớt" được một tấm chồng ngoại hay chồng giàu cho đã. Hỏi ai không thích?

Cái giai đoạn hào hứng của cuộc thi ảnh ở ta là lúc xem chấm công khai mà trên thế giới chưa và không hề có. Hay ở chổ ấy. Thử tưởng tượng các anh em từ tay non tới lão làng đều vây quanh khu vực ban giám khảo (BGK) như xem thi hoa hậu. Cũng chấm vòng 1, vòng 2, vòng 3. Vui lắm chứ, như lễ hội vậy! Các "thí sinh" ảnh được BGK yêu cầu trưng bày ra từng loạt để duyệt cẩn thận từng em một. Nhiều tấm được ông này chê úp lại, lão kia xuýt xoa khen đẹp lại lật ngửa lên, bà nọ đi qua đỏ mặt thò tay úp lại… Úp úp mở mở hoài làm nhiều "bậc cha sanh mẹ đẻ" lên ruột, hồi hộp muốn bứt tim. Đôi tay lão luyện BGK che tới che lui, sờ qua sờ lại từng ảnh vừa bàn nhau cắt cúp thế này mới thấy "đã", hay là nghiêng qua kia một tý cho "cân"… Làm anh chị em ta học được lắm điều bổ ích nhất là nắm ý từng vị BGK cho cuộc thi sau (lạ gì có một anh đứng cạnh tôi đã đoán trúng phóc hơn thầy Lăng Ông bức nào được vị nào ưa, và khuyên tôi rọi ảnh ở lab nào mới đúng ý BGK nữa kìa). Trách chi anh em chen chúc đến xem bằng được như lể hành hương Thánh Địa vậy.

Thế giới xưa nay người ta chấm ảnh chỉ dùng "lý" mà chấm. Còn ta siêu hơn vì biết kết hợp giữa "tình" và "lý". Có một dạo truyền hình quay lại một buổi chấm ảnh công khai. Xem thì biết. Quả là phương pháp "made in NSNA [2] " siêu việt mà thế giới cần rút kinh nghiệm: sau khi chấm mặt ảnh theo "lý" như cách phàm tục xưa nay, cách chấm theo "tình" tiếp theo là lật lưng từng tấm để xem xét cho thấu đáo giá trị nghệ thuật đến tận cùng mặt trái của nó, bám sát hiện thực, đúng theo câu: "tình lý cân phân". Một anh đã từng trải nói tôi rằng cách này cực kỳ công bằng vì không bao giờ "đánh rớt lầm" nhân tài. Có bất trắc thì phần "tình" vớt lại phần "lý". Nếu không nhiều anh em phe ta rớt oan mạng, tội nghiệp lắm!

Trước hết vẫn là tội BGK - các đại Nghệ sĩ cao thủ - đang đứng trước cái khó khăn trên đường nghệ thuật của chính mình. Cảnh "sống làm Nghệ khắp người ta" đâu dễ. Chỉ mình mới tự hiểu mình thôi vậy. Tệ hại hơn là đâu có được xơ múi bao nhiêu tiền đâu? Mấy cha "khuất mặt khuất mài" dành chấm mút hết sạch. Vì mê báo cáo số lượng ảnh dự thi cao hơn năm trước mà cuộc thi giang tay nhận ảnh thả ga không hạn chế. Báo hại ban tổ chức chọn ảnh, vô danh sách mệt hả họng, rồi khi chấm xong lo "gói xác" vô bịch nylông chờ trả về tác giả quản lý. Chẳng ai thèm thông cảm mà còn dám ba que xỏ lá chơi "biển người" gởi một lần hàng trăm ảnh để hy vọng "vô" một tấm mới chết người ta! Có ai nghĩ ra việc đóng kha khá lệ phí ảnh nhằm bồi dưỡng riêng cho BGK đỡ lao tâm lao lực đâu? Họ chẳng có được một câu "cám ơn" dù lạt như nước ốc. Tiền eo bạc bẽo chỉ trông chờ vào những đồng bạc bố thí rỉ giọt của anh tài trợ. Y có lúc cao hứng bổ nhiệm một tay vừa dốt đặc về "Phô tô Ạc" (Photo Art) vừa vênh váo kiểu Đài Loan lựa vợ, vô ngồi gác cẳng ngang cơ với BGK mà chấm thi làm tổn oai, coi thường chân giá trị phe ta lắm lắm! Nhưng vì ăn cơm Chúa thì phải múa thôi, tránh sao khỏi?

Còn trong lúc chấm thi, phe cổ động bên ngoài cứ chọt câu này, xỉa câu nọ làm mất trật tự và nhứt là công kích linh tinh vô văn hóa với ngôn từ phản nghệ sĩ. BGK nghe tức trào máu mà phải câm họng chịu đòn. Bọn xấu lợi dụng cơ hội mà há mồm thối phịa đủ thứ: nào là thằng cha nọ đã "ngậm" tiền thí sinh X., còn thằng Y. "đi đêm" trước với con mẹ nào đó rồi, mấy chả được mụ Z "tạm ứng" trước phần trăm tiền thưởng. Hỏi ai không tức khi bị xuyên tạc nói xấu? Có vị đành phải ôm hận mang tiếng "lẻn trốn về" cho khuất mắt đám "trời đánh không chết" ấy. Việc đúng hay sai thế nào chẳng ai dám nói. Nhưng đâu hãy vào đấy vì đã chịu chơi phải đồng tình chấp nhận luật, xem BGK là cha là mẹ, hơn cả trọng tài trên sân cỏ vì trọng tài còn bị treo còi mà chửa ai có quyền treo ghế BGK cả. Hơn nữa, thấy không, họ không lợi dụng "mồm kẻ sang có gang có thép" để cự với mấy "nghệ non háo thắng", cũng chẳng dám đôi co tranh luận với ai từ đó về sau. Thì phải tôn trọng họ chứ, nhất là khi họ đã lịch sự với ta đến thế.

Nhờ vượng khí mả tổ độ mạng nên khiến "cái khó ló cái khôn" giúp BGK điều nghiên ra một sáng kiến tuyệt vời xưa nay chẳng ai tưởng tượng nổi để đối phó với cái gọi là "chê BGK bất tài". Nhớ rằng trong mọi ngành khác khi hành nghề thì người ta phải có giấy phép hay bằng cấp phòng khi bị các cơ quan chức năng "sờ gáy". Ở đây, các ông bà Nghệ ta chẳng có giấy nào lận lưng quần để thủ thân, thơ tay lại càng không có vì chẳng có ai cao hơn để làm ô dù. Sáng kiến được nhất trí là lấy đại vài tác phẩm của mình ra treo chung chạ với các ảnh dự treo. Có ba cái lợi:
Thứ nhứt là tạo được tính đồng đẳng trước khi khẳng định bình đẳng giữa BGK và thí sinh. Theo đó là sự khẳng định thần kỳ:

"Nhiếp ảnh là môn ai chụp cũng được và ai chấm cũng được".

Thứ hai là thể hiện cái điểm chuẩn cũng như cái nhìn của BGK, các thí sinh cứ bám theo đó như trọng tâm đề cương ôn tập là chắc ăn cho lần thi sau.
Thứ ba quan trọng nhứt là BGK tự khẳng định trình độ của mình. Mọi người cứ nhìn vào đấy mà uốn lưỡi ba lần, vừa tự xét ảnh mình trước khi công kích. Nếu không thì chúng mày nên về đóng tiền học với chúng ông vài khóa rồi tính tiếp; chớ xỏ mồm vào làm rách việc người khác!

Một cái rất ngộ, ngộ lắm! Một bức ảnh trúng giải ngoài các tiêu chuẩn thông thường ra sao thì không biết nhưng ta thấy thường còn kèm theo một yếu tố ngoại lệ: gây phẫn nộ dư luận. Nhớ hồi khoảng năm 2000 gì đó, bức ảnh biệt danh "Ma Đói gắng sức Moi Đá" ẵm giải nhất làm dư luận la ó dữ dội trước trò "ngựa bán độ về ngược" làm tiêu dênh số tiền cá cược khổng lồ. Mà "hạ thủ bất huờn" [3] thì chịu. Lạ và hay hơn nữa là sê ri BGK cũng được nổi tiếng "ăn theo" với tác giả. Lời lý giải nông cạn duy nhứt theo thuyết nhân quả là vì "ở hiền gặp lành" do dùng đúng "tình lý". Công phu "xoay tròn quả phúc" lâu ngày đến khi "phúc ứng nhãn tiền" thì mới biết giá trị "một chỉ vàng ròng hơn hòn đá tảng". Đơn giản cái phẫn nộ là do cái ganh tỵ tiểu nhân, chấp nhất chi cho tổn thọ. Từ ấy mới thấy cuộc thi ảnh khác với thi hoa hậu ở điểm là người ta, thường là đồng nghiệp, hỏi phần ứng xử ở BGK, hỏi hoài đến khi có câu đáp thỏa đáng mới thôi. Hiểm độc thay, câu hỏi lần nọ quá hóc búa đến nỗi ông cố chủ tịch hội đồng nhà ta đến lúc nhắm mắt vẫn chưa giải đáp được cho thiên hạ nhờ. Các nhà lý sự phê bình cũng đành mang tiếng "mít đặc". Thương giới hậu sinh tới nay tắc tị y chang Trạng Quỳnh đứng ngắc ngứ hoài trước cửa buồng tắm của Thị Điểm chỉ vì bí câu đối "Da trắng vỗ bì bạch".

Còn thi ngoài nước là một chuyện khác. Có bức ảnh thi trong nước thì đậu, mà khi đi ra ngoài thì rớt té nước. Và ngược lại. Chẳng lạ chi có anh thi nhiều lần ở nước ngoài với độc một bức ảnh mà ăn điểm lia lịa. Cứ ráng thi đủ tiêu chuẩn tối thiểu trong nước, còn lại bao nhiêu lấy điểm quốc tế bù vô cho đủ để vô "Trung ương". Quả là "xuất khẩu là chính". Tới khi ăn giải cao thì nguồn chất xám bị lãng quên mới được khám phá. Mà cũng lạ mấy tác phẩm ấy lại chẳng gây ồn ào dư luận. Cũng buồn vì không có gì để bàn tán chơi. Cái chông gai của khâu gởi ảnh nước ngoài thì nhiều hơn. Từ khâu gởi ảnh đi bằng đường bưu điện phải tìm mẹo nào gởi kèm lệ phí bằng tiền đô cho khỏi mất, nếu hên có ai đi nước ngoài cầm theo thì an toàn tuyệt đối, khỏi bị kiểm duyệt lôi thôi mất thì giờ, tiền bạc lẫn nước bọt để giải thích. Nhưng bù lại khi ảnh trót lọt thì thường với tấm ảnh nghiêm chỉnh là anh ít nhiều cũng đậu. Ít thì 1 điểm, nhiều thì mười mấy điểm một lần, giống như giá xuất khẩu thì phải cao hơn nhiều lần giá vựa gốc. Một vốn bốn lời thấy rõ nên nhiều anh chưa đầy một năm đã dư tiêu chuẩn vô "Trung ương".

Mừng có thời gian, phó nháy vô "Trung ương" ồ ạt, rồi AFIAP, EFIAP, VAPA, PSA… ì xèo (chưa nghe nói tới ARPS, FRPS… chắc tại khó vô quá chăng?). Nhiều anh em "non tuổi đời, sáng ngời tuổi Nghệ" đã làm xứng danh "con hơn cha nhà có phúc". Việc khiến mấy Nghệ thâm niên phải ghen tỵ mà quở: làm sao vô nhanh vậy? Đông quá còn gì là cao quý nữa? Khiến nhiều anh "đắc quả" bị mang tiếng "tu đường tắt".

Rồi nghe đồn luật mới đưa ra dù được bao nhiêu điểm cho một lần thi thì anh chỉ được 1 điểm cho Trung ương mà thôi, để hòng tránh nạn lạm phát, giữ giá Nghệ sĩ. Theo tác giả, tại sao không bắt chước theo tiêu chuẩn quy hoạch, chiếu theo mật độ dân cư từng vùng mà quy định tỷ lệ phần trăm số lượng nghệ sĩ. Như vậy ít gây mất lòng hơn. Một khi số lượng Nghệ đã đủ thì những anh còn lại dù có đủ tiêu chuẩn thì được xem như thành phần Nghệ dự bị chầu rìa. Cho mấy anh cứ ngồi nhà mặc sức cầu trời cho Nghệ nào chết đi để hy vọng mình được trám vô ngồi như chức quan hậu bổ. Cách này tuy gây thất thu nghiêm trọng hội phí mà không ai ta thán. Hơn nữa là không ai đổ thừa địa phương cho gia nhập nhiều để dành lấy đa số phiếu bầu trong đại hội. Cần nghiêm chỉnh bàn kỹ để hợp lòng anh em. Tốt hơn để cho bề trên lo liệu.

Trở về trận Vũ Môn nội địa đầy căng thẳng. Cái cảnh "đau như đòn hằn, rát như lửa bỏng" thì thôi nhiều khỏi nói. Nếu tỷ lệ đậu gần 100% kiểu thi tú tài thì còn gì hay? Hễ "vô" là được giá chót 1 điểm "gối đầu". Trước để vui với anh em dù là nằm dự treo trong góc. Sau là lãnh thưỡng ít tiền để gỡ vốn cho kỳ sáng tác sau và khao anh em cùng vui vài xị. Kế là nở mày nở mặt khi thấy thiên hạ đến bình ảnh của mình. Cái sợ nhứt là cảnh cụng hàng trong khi chấm ảnh. Để rồi khi ảnh mình lọt vô mà ảnh anh em mình rớt (hay ngược lại) thì thiên hạ lại nói tới lui làm mích lòng dễ xa nhau lắm. Mà trong nghệ thuật phải "dĩ hòa vi quý" nên cái khó khăn (lại thêm một khó khăn) là làm sao đừng cho ai biết trước mình sẽ gởi ảnh nào cũng như phải giấu cái chổ sáng tác, cái ý tưởng mình sản sinh ra. Dấu, dấu thật kỹ như Photo chỉ bảo! Mang tiếng "mèo dấu cứt" cũng phải nhịn nhục vì đại sự. Lũ bạn xấu mà biết thì chúng tìm lại vị trí mình đã sáng tác để dàn dựng lại "tới" hơn (có kẻ uống máu liều phá tiêu cái tiền cảnh đẹp sau khi chụp để khỏi ai mò tới). Chưa kể thằng đểu sẽ "đạo ý" y khuôn, hay tệ hơn tìm cách "chôm" phăng cái phim của mình cho khoẻ nhằm gởi dự thi chỗ khác. Có lúc ảnh mình sẽ bị chúng "phỗng tay trên" đem đăng báo kiếm nhuận ảnh mua phim chơi. Cái đó người ta hay la làng hoài chưa kể lâu lâu thấy trong sách ảnh này có một tác phẩm đề tên tác giả này, sang sách của cuộc thi khác thì ảnh na ná 90-99% lại mang tên tác giả khác. Sĩ và Nghệ giận nhau cũng từ đó. Anh này buộc tội anh kia là Daguerre cướp công phát minh nhiếp ảnh của Niépce. Thành ra cái "tội tổ tông" hóa thần Trùng mãi đeo đẳng nhà photo ta mà chẳng thầy bà nào đủ cao tay ấn mà ếm cho yên chuyện. Khổ thật, khó mà tránh! (Lại cứ KHÓ KHỔ, nghe nói mãi, mệt thật!)

Trách nạn cụng hàng với lý do chủ quan thì phải phân tích bào chữa cho tới nơi tới chốn qua hoàn cảnh khách quan. Số là số lượng thầy và lò luyện thi NSNA rất khiêm tốn, chưa kể kiến thức ai ai cũng hạn chế, anh em tay ngang đông đảo, ít trường phái mà được duy trì trên nửa thế kỷ. Công thức sáng tác kiểu từ chương của Thánh hiền Xì tin Phô tô ngáp được bóp nặn tinh hoa từ vài kiểu ảnh đã trúng giải. Vô tư "nối gót cha anh" theo đúng rặt bài là chắc ăn, khỏi sợ bị đàm tiếu. Như Tôn Tử đã khuyên tập trung quân đánh riết một chỗ của địch tất giải được vây, chuyển bại thành thắng.

Do tính công nghiệp hóa đậm đà màu sắc dân gian của cương lĩnh sáng tác như vậy nên tất nhiên dù không chụp chung thì cũng đừng trách tệ nạn "cụng hàng". Hay thay cái "tình" của BGK giải pháp thay thế cách bốc thăm quá may rủi để quyết định thắng bại. Càng lạ hơn khi tới nay chửa có lời chứng minh thoả đáng:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Hồ Dzếnh

Và cái thằng tôi này sực nhớ là phải viết thêm hai câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ cho đủ bộ:

Chữ tình là cái chi chi
Dầu chi chi cũng chi chi với tình.

Ôi! Cuộc đời đầy phức tạp.

Cái độc đạo dự thi nhằm thăng tiến lên Nghệ sĩ hệt như đường khoa bảng tự ngàn xưa. Cũng có giải nhất oai như trạng nguyên, vinh quang trước bá tánh. Vì chế độ đa thê bị cấm nên trạng nguyên không được nhà vua (nay là BGK) gả công chúa mà chỉ được lãnh ít tiền còm hay tấm mề đay để nhà ngắm. Lý do chính một phần là ngày nay nhiều anh đỗ đầu hàng trăm lần, thậm chí có nhiều cô bình đẳng với nam giới cũng vô giải nhứt ì xèo. Hoan hô giải pháp "của đi thay người"! Nếu không liệu BGK lẫn nhà tài trợ có đủ số con gái, và thậm chí luôn cả con trai hàng năm để mà gả nhiều đợt trong thời đại "Thuận vợ thuận chồng, đẻ con đông nuôi mệt nghỉ" nhường chỗ cho "kế hoạch hóa"? "Huợn cơ" [4] hơn nữa khi thấy có vài vị tầm cỡ sếp sòng trong làng photo với chức vị bén rễ rậm rịch như cây si cổ thụ, vẫn còn lom lem gởi ảnh dự thi. Hỏi thì họ nói "để vui thôi mà". Phải công nhận mấy ông bả còn "sung độ" hết biết. Chưa kể khi tuổi trên 60, 70 vào cõi thọ mà vẫn:

"Canh bố cục, nạp phim, đo sáng,
Đoán mây mưa, xoạc cẳng, lên nòng,
Đồ chơi lủng lẳng, lòng thòng,
Phất phơ "áo Khỉ", một lòng ra đi…"

sáng tác không thua gì dân trai tráng. Bỏ bạc triệu đi săn ảnh đối với mấy vị "ghiền đậm" ấy chỉ là "thổi kèn tý đỡ buồn", chả thấm tháp vào đâu. Ấy là cái phong độ "Thân lão, Tâm bất lão". Bài viết đầu năm Con Dê khiến tác giả cầm bút phải run tay vì bụng lên cơn rậm rực, sôi máu thèm thuồng cái mà ca dao ông bà xưa tả:

"Ông già, già tóc, già hơi
Già răng, già lợi, ĐỒ CHƠI không già".

Xin mạn phép tiếp tục lải nhải là làm NSNA khó lắm. Khó từ thuở ban đầu, khi mộng thành hiện thực vẫn khó bởi nhiều việc linh tinh. Từ từ đọc nghiền ngẫm chương sau mà biết thêm. Đừng xem quá vội mà hết hay.



© 2003 talawas



[1]Tên cơn bão xoáy ở eo biển Messine. Dù tàu bè thoát được thì cũng bị trúng bãi đá ngầm Scylla rất gần đó. Ý gần như "họa vô đơn chí".
[2]NSNA: Nghệ sĩ nhiếp ảnh.
[3]Điều gì đã xẩy ra rồi thì không đảo ngược lại được nữa (chữ của dân cờ tướng ngày xưa)
[4]E dè, sợ sệt, ngán đối phương (chữ bình dân)