trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
4.9.2003
Ngô Giáng
Hiện tượng Đào Anh Khánh
 
dao anh khanh

Hơn hai mươi năm trước không ai có thể hình dung chàng nhân viên ngành an ninh cao gầy hiền lành ấy sẽ có ngày là một hoạ sĩ thành đạt. Lúc Đào Anh Khánh cùng vợ là hoạ sĩ Mai Hiên vẽ không kịp bán, nhiều đồng nghiệp cười thầm rằng đó là nghệ thuật thương mại phục vụ thị hiếu "Tây ngố". Nhiều năm sau khi được những người đi tiên phong khai thác, thị hiếu "Tây ngố" đã trở nên thị hiếu chủ đạo trên thị trường mỹ thuật Việt Nam. Có người vẫn đau thầm nhưng không ai cười thầm về nó nữa. Giữa lúc ấy chàng hoạ sĩ vẫn cao gầy hiền lành và thành đạt ấy bỗng một lần nữa chuyển ngạch: gần 10 năm nay Đào Anh Khánh làm performance! Một nghề không thể gọi là hái ra tiền.

"Tôi muốn đem nghệ thuật đến gần với người thưởng thức, nhằm tạo nên đời sống nghệ thuật đa chiều, đa dạng. Một bản nhạc đương đại của một nhạc sĩ người Nhật đã khiến tôi liên tưởng đến dòng nước, những mạch nước ngầm li ti, chảy tí tách, dù rất nhẹ nhàng đơn lẻ, nhưng rồi, lại đổ về cùng nhau, tạo nên những mạch nước ngầm ào ạt, mạnh mẽ. Tôi dùng một mảnh vải đỏ dài 30-40 m quây thành vòng tròn trên vỉa hè, còn tôi mặc bộ đồ màu trắng, vẽ màu lên nửa mặt, một chân, một tay và dự kiến biểu diễn trong 15 phút. Nhưng tiếc rằng, khi đến phút thứ 7, đang ở đoạn cao trào, thì công an buộc tôi phải dừng lại. [1] " Đào Anh Khánh phát biểu sau cuộc trình diễn dở dang ngày 25.6.2003 ở Hà Nội, bên hồ Hoàn Kiếm phía đường Lý Thái Tổ, trước hơn 200 người xem.



"Tôi rất biết trình tự của việc xin phép trình diễn, triển lãm như thế nào. Nhưng tôi vẫn muốn đặt ra một vấn đề, nên chăng để những người nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật được thể hiện tình yêu nghệ thuật một cách đơn giản, trực tiếp nhất mà không phải thông qua báo cáo trình tự. Đối với nghệ thuật trình diễn, thì trạng thái, cảm hứng của người nghệ sĩ rất quan trọng, không thể báo cáo, diễn giải với các nhà chức trách trước được. Phải xin hết cấp này đến cấp khác thì tinh thần đã "xuống đến tận chân" rồi. Tôi nghĩ những chương trình có hiệu quả về nghệ thuật, không làm ảnh hưởng gì tới chính trị, an toàn xã hội thì nên để người nghệ sĩ sáng tạo.", Đào Anh Khánh nói. Anh đã làm performance ở nhiều nơi, trong đó có ở Anh và Mỹ (Travelling in Space, Merging with the Cosmos), nhưng trước hết là tại Studio của mình ở nhà sàn Gia Lâm, Hà Nội, nơi có thể chứa được cả ngàn khán giả. Tuy nhiên, khao khát đem nghệ thuật trực tiếp đến công chúng khiến anh suy tư: "Dù sao không gian ấy chỉ tuyển được tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Người dân lao động bình thường chưa thể đến đây, trong khi nghệ thuật trình diễn huớng tới công chúng rộng rãi. Hơn nữa cuộc performance phải diễn ra trong khung cảnh tự nhiên, không cần sự lựa chọn nào."





Thế là Đào Anh Khánh tìm đến những khung cảnh tự nhiên như Sa Pa, biển Hải Thịnh, gặp suối trình diễn bên suối, gặp núi, cỏ cây hoa lá là trình diễn luôn cùng núi và cỏ cây hoa lá. Rồi đến bãi biển Nha Trang, trình diễn cho những người đang tắm, đang phơi nắng. Rồi ra Bờ Hồ, trình diễn cho những em bé đánh giầy, người buôn bán nhỏ, khách du lịch nuớc ngoài, khao khát đưa nghệ thuật đến gần công chúng nhất. Anh cho biết: "Để có được những cảm nhận tinh tuý giữa nghệ sĩ và công chúng thì cả hai đều phải trả giá. Không có nghệ thuật nào có thể đáp ứng nhu cầu của mỗi người ngay lập tức. Người nghệ sĩ phải trả giá cho sự sáng tạo và công chúng phải có thời gian tìm hiểu...Người xem cần hiệu quả tác động đến họ. Người nghệ sĩ phải thu hút họ, đánh động tất cả các giác quan của họ. Quá trình lí trí sẽ diễn ra sau, ban đầu là sự cảm nhận, cảm thấy...thế đã là thành công. Ban đầu, họ ngạc nhiên và tùy vào sức biểu cảm của mỗi nghệ sĩ, ánh mắt ngạc nhiên và quan tâm thể hiện như thế nào. Sau đó, từ sự lôi cuốn đến sự thích thú khiến nhiều cuộc trình diễn mà tôi thể hiện đã được hưởng ứng. Nghệ thuật đương đại hấp dẫn ở sự mới mẻ."

Những tranh luận gần đây về performance, nhất là những ý kiến coi đó là trò nhố nhăng tùy tiện, là sự mạo danh nghệ thuật không khiến Đào Anh Khánh ngạc nhiên. Những người coi nghệ thuật là thánh đường dành riêng cho một thiểu số là những kẻ ích kỉ và sợ đối mặt với đám đông. Nếu đám đông cũng biết làm nghệ thuật và trực tiếp tham dự vào nghệ thuật thì thiểu số ấy mất cái vị trí "ưu tú" của mình. Performance là loại hình nghệ thuật vô cùng dân chủ. Tài năng mỗi người khác nhau, nhưng ai cũng có cơ hội thực hiện khao khát nghệ thuật của mình thông qua performance. "Tôi cảm thấy nghệ thuật trình diễn và sắp đặt mang ý nghĩa xã hội, nét đẹp tư tưởng, và tôi khao khát mang lại cho công chúng những điều mới lạ, những cái nhìn và khả năng cảm nhận, khám phá. Nhiều nước đã có khoa này trong trường đại học cách đây hàng chục năm. Môn nghệ thuật này tiếp cận một cách trực tiếp đến công chúng, không bó hẹp trong sân khấu, nghệ thuật cần không gian tự nhiên, cây cối, mây trời. Tôi muốn tạo thêm vào đời sống tinh thần một loại hình nghệ thuật mới. Mỗi lĩnh vực nghệ thuật có ý nghĩa và ngôn ngữ riêng. Nghệ thuật performance có ngôn ngữ và sự hấp dẫn ở nhiều chiều, nhiều mặt, có thể trực tiếp đối thoại với khán giả, trực tiếp lôi cuốn khán giả, và công chúng có thể được người nghệ sĩ đưa vào cuộc trình diễn, tham gia vào quá trình hình thành tác phẩm."

Nhưng công chúng nghệ thuật Việt Nam hầu như chưa thành hình. Phần lớn còn bị bó hẹp trong hình dung về tác phẩm nghệ thuật như một sản phẩm nảy sinh trong cảnh tuyệt đối cô đơn, khi người họa sĩ một mình đứng trước giá vẽ để suy tư và sáng tạo. Việc hoạ sĩ Trần Hải Minh khuyên nghệ sĩ performance La Toàn Vinh nên trở về cầm cọ cho thấy là không những công chúng nghệ thuật mà giới nghệ sĩ còn bị bó chặt trong quan niệm truyền thống về nghệ thuật, nhất là về mỹ thuật, trong khi nghệ thuật khắp nơi trên thế giới đã từ lâu ra khỏi hội hoạ hàn lâm và những bức tường của phòng triển lãm. Nhưng điều ấy cũng không làm Đào Anh Khánh quan tâm. Ai vẽ cứ vẽ, ai trình diễn cứ trình diễn. Anh cũng tiếp tục vẽ và làm tượng. Sắp tới anh sẽ bán cho một nhà sưu tập Ý bộ tác phẩm điêu khắc đầu tiên của mình với giá 60 triệu. "Người nghệ sĩ không bó hẹp mình trong lĩnh vực nào. Tất cả đều rộng mở. Chỉ sợ không đủ sức, đủ tài, đủ khao khát những điều mới lạ."



Bất chấp những cái cười thầm và dè bỉu tiếp theo của một số đồng nghiệp, chương trình performance và hoạt động nghệ thuật trong thời gian tới của Đào Anh Khánh vẫn sẽ kín đặc: Ngày 06.9.2003, trình diễn nhân dịp khai mạc trụ sở mới của Alliance Francaise tại 24 Tràng Tiền. Tháng 11, triển lãm tại khách sạn Melia, sau đó là khách sạn Sofitel Metropole. Tháng Giêng 2004: chương trình Dạo Xuân lần thứ hai. Và năm 2005 là một cuộc trình diễn hoành tráng bên sông Đuống.

Nghệ thuật là mạo hiểm. Đào Anh Khánh đến với hội hoạ, điêu khắc không qua đào tạo chính quy, bước vào performance như một natural performer, và thành đạt, gây dư luận. Sự nổi tiếng của anh luôn kéo theo sự khó chịu của giới tự coi mình là "nghệ thuật nghiêm túc". Gần đây nhất, người nghệ sĩ "không biết sợ" này một lần nữa lại liều lĩnh dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn khác: Âm nhạc. Ngày 30.8 vừa rồi, cuộc trình diễn âm nhạc mang tên "KhaT" của anh cùng nhạc sĩ Vũ Nhật Tân diễn ra tại Gia Lâm, Hà Nội. Hai người ngồi trình diễn một chương trình âm nhạc với ca từ và nhiều nhạc cụ khác nhau trên tấm chiếu trắng, viền quanh là vải mầu da cam, hàng trăm ngọn đèn dầu để trong các chai thủy tinh cắt đôi treo trên các cành cây. Theo anh, đó là "cuộc hoà hợp của âm thanh, ánh sáng, không gian, hình thể, tương tác giữa nghệ sĩ và người xem."

Lại có người lắc đầu dè bỉu. Bản thân người viết bài này sau một số cuộc trình diễn của Đào Anh Khánh cũng tương đối thất vọng. Hình như anh hơi "hồn nhiên" quá và phó mặc quá cho "ngẫu hứng", những "ngẫu hứng" đó hầu như không gợi được điều gì hay không để lại cảm xúc sau đó. Những điều anh nói thì hợp lý về mặt nguyên tắc nhưng tác phẩm của anh mới chỉ là minh hoạ mờ nhạt không được thuyết phục lắm. Theo tôi anh chưa có sự độc đáo dù có sự liều lĩnh. Những ý tưởng của anh thường ở mức "vừa vừa", không có sự quyết liệt hay sự khai phá, nhiều khi không rõ ràng hay có thể là...không tồn tại. Các ý tưởng...có tồn tại thì được anh thực hiện một cách cũng "vừa vừa", người xem không được cảm giác hồi hộp hay nổi gai ốc vì quá bất ngờ, quá mới mẻ, quá tinh tế, quá sốc, quá đánh động, quá ám ảnh. Có lẽ sự "vừa vừa", còn nặng tính một "cuộc chơi", "vui vẻ", "trang trí" đó cũng là một phần lí do khiến anh dễ được chấp nhận và "thành đạt" hơn nhiều người khác.

Nhưng Đào Anh Khánh sẽ không dừng lại. Chúng ta sẽ được nghe nói về những liều lĩnh khác của anh, trừ phi anh và công chúng của anh có nhu cầu đoạn tuyệt với sự "vừa vừa", "vui vẻ", "trang trí", "chơi" trong nghệ thuật. Hiện tượng Đào Anh Khánh theo tôi là hiện tượng nói lên rõ nét sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Có dấn thân, có lòng say mê, có mạo hiểm, có khao khát những chân trời mới, nhưng kết quả dẫn đến những cuộc chơi còn "vừa vừa".

© 2003 talawas



[1]Những lời phát biểu của nghệ sĩ Đào Anh Khánh trong bài này trích từ trang netnam và trang VnExpress.