trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
6.5.2006
Phong Uyên
Vài nhận xét về hai bài viết của Bùi Kha về Alexandre Rhodes
 
Sau những cuộc tranh luận về bài viết của Bùi Kha về Alexandre de Rhodes, bẵng đi một dạo, nay lại thấy tác giả trở lại đề tài đó và còn quan trọng hóa nó, coi như nếu "không làm ra chuyện" có thể tổn thương tới thể diện quốc gia! Tuy tôi không hân hạnh được Bùi Kha nhắc tới trong những người đã phê bình bài trước, nhưng lần này được tác giả cho phép tôi xin đưa ra vài nhận xét sau đây:


1. Về phương diện từ ngữ

Tôi đã có dịp nói "dịch là phản bội", không ngờ nay lại có cơ hội chứng minh điều đó: Tác giả lấy Đào Duy Anh để muốn mọi người phải hiểu "soldat" chỉ có một nghĩa là lính chiến và "plusieurs" là để chỉ số đông, nhiều chứ không có nghĩa là "một vài". Nhưng muốn hiểu cho thật đúng nghĩa tiếng của một dân tộc, cần phải tra từ điển viết bằng tiếng của dân tộc đó để biết những từ mình cần tra cứu có nguồn gốc từ đâu tới, được dùng theo nghĩa đen hay nghĩa bóng và những từ đó được dùng trong bối cảnh nào, thời đại nào. Tiếng Pháp, ai cũng biết có nguồn gốc từ chữ Latin (tôi dùng chữ vì Latin là một tử ngữ không ai nói nữa) như đa số những tiếng châu Âu. Tiếng Pháp lại còn có cái đặc biệt nữa là rất chính xác nên được dùng trong mọi văn kiện ngoại giao và diễn tả được nhiều ý đồng thời cũng rất bóng bẩy nên có ảnh hưởng trong văn chương châu Âu nhiều thế kỷ. Trong tiếng Anh 70% có nguồn gốc từ tiếng Pháp, nên muốn thật giỏi tiếng Anh cần phải biết tiếng Pháp. Theo hai cuốn từ điển Pháp RobertLittré thì nghĩa của "soldat" và "plusieurs" như sau:

Soldat: Nguồn gốc: có trong tiếng Pháp từ năm 1475. Có gốc từ chữ Latin soldare có nghĩa là người được thuê tiền, lính đánh thuê được tuyển mộ bởi những người quí phái có tiền mua chức tước rồi tự tuyển mộ lính đánh thuê cho nhà vua hay các vương hầu. Nhà vua thật ra chỉ có vài trung đội ngự lâm quân mà ta đọc truyện Ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas sẽ hình dung được. Đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng được các nhà thi sĩ, văn sĩ như Alfred de Vigny, Victor Hugo dùng rất nhiều trong văn chương với cái nghĩa là tráng sĩ, quán quân. Nghĩa thời A. de Rhodes "soldat du Christ (Turenne)" là tráng sĩ của Chúa Ki tô. Thời bây giờ soldat de la Liberté là chiến sĩ của Tự do, nhà quán quân của Tự do, soldat du peuple là công bộc của nhân dân (còn quân đội nhân dân phải dịch là armée populaire) v.v...

Plusieurs: Được dùng trong tiếng Pháp từ năm 1080 từ gốc tiếng bình dân Latin plusiores có nghĩa là nhiều hơn một (plus d'un). Từ này lúc ban đầu đồng nghĩa với từ quelques (quel que Latin: qualis thế kỷ thứ 12) mà Bùi Kha đã dùng theo nghĩa một vài trong bài viết lần trước. Ngay thời A. de Rhodes cũng dùng theo nghĩa đó. Theo cách dùng bây giờ Bùi Kha hoàn toàn đúng khi nói quelques là một vài dùng để chỉ 4-5 người, nhưng plusieurs cũng chỉ dùng để chỉ số lượng trên dưới 10 tới 20 là cùng và để chỉ số lượng người đếm được chứ binh lính hợp thành những đơn vị thì phải dùng những chữ như troupes, armées chứ không ai dùng plusieurs soldats. Nếu A. de Rhodes có thật muốn vua Louis thứ 14 gửi quân mà vì lí do gì không muốn dùng những chữ troupes, armées thì chỉ cần thêm mạo tự les, des, viết một cách giản dị và đúng mẹo luật cho tới bây giờ là les soldats, des soldats.

Đó là những sơ đẳng của tiếng Pháp mà một người có trình độ trung bình về tiếng này cũng có thể nhận thức được. Bởi vậy tôi không thể nghĩ là tác giả không hiểu tiếng Pháp mà đây là sự cố ý vì trong bài tác giả đã "ra lệnh" phải dịch theo cái nghĩa "nhiều lính chiến" bất chấp những nghĩa khác trong từ điển. Việt Nam mang tiếng là nằm trong khối các quốc gia nói tiếng Pháp: Số người hiểu tường tận tiếng Pháp trong nước không phải là ít, số người ngoại quốc giỏi tiếng Việt cũng nhiều, thử nghĩ nếu họ đọc những bài viết như vậy họ nghĩ thế nào về trình độ hiểu tiếng Pháp và cách suy luận để kết tội từ một cụm từ hiểu sai nghĩa? Nói cho cùng chữ lính chiến tiếng Việt tác giả dùng cũng đã sai rồi: đã là lính thì phải chiến chứ không lẽ là lính cảnh à?


2. Về bối cảnh lịch sử và tôn giáo nước Pháp và châu Âu thời vua Louis thứ 14

Tác giả Bùi Kha có vẻ không cần tìm hiểu châu Âu cách đây 4 thế kỷ :

Châu Âu hồi đó chỉ gồm có mấy triều đại trị vì ở những nước như Y Pha Nho, Anh, Pháp, Hoà Lan, Đức Áo, Ý (Giáo hoàng La Mã). Mấy triều đại đó khi chiến khi hoà, khi liên kết gả con cho nhau để đổi đất đai rồi lại trở mặt phản lại nhau lại thêm hậu quả chiến tranh tôn giáo tàn sát lẫn nhau giữa Công giáo trung thành với giáo điều La Mã và những giáo phái cải cách (Réforme) Phản thệ (protestantisme). Giáo hoàng La Mã chỉ là bung xung giữa các triều đại đó và quyền thế tục bị tước bỏ lần lần. Trừ nước Pháp, ý niệm quốc gia dân tộc cũng chưa rõ ràng lắm, ý niệm công dân không có, chỉ có ý niệm thần dân của một vương hầu. A. de Rhodes là người Avignon, đất thuộc Giáo hoàng, là thần tử của Giáo hoàng chứ không là thần tử của Louis 14, mà lại càng không phải là công dân nước Pháp (từ "công dân" cũng giống như từ "đồng chí" của mình, chỉ mới được dùng từ Cách mạng Pháp). Khi khám phá ra châu Mỹ, những thuộc dân ở những nước có truyền thống đi biển đua nhau đi kiếm đất mới ở châu Mỹ, Trung, Nam Mỹ thì có Bồ Đào Nha, Y Pha Nho, Bắc Mỹ thì Anh và Pháp. Phương Đông khi đó không là đất thuộc địa vì đông dân cư, trái lại là đất để buôn bán, mà hai nước có thương thuyền nhiều nhất là Bồ Đào Nha và Hoà Lan cũng là hai nước nhỏ nhất về quân sự. Bồ Đào Nha là nước theo Công giáo nên lẽ tất nhiên Giáo hoàng giành phần truyền đạo cho thuộc dân nước này. Tuy vậy mục đích chính là buôn bán, lại gặp phải đối kháng mạnh mẽ không phải từ đạo Phật mà từ triều đình nên truyền đạo hồi đó ngược lại, là phải có đức tin mãnh liệt lắm, giáo dân cũng như giáo sĩ mới sẵn sàng chấp nhận tử vì đạo chứ không như ở Trung, Nam Mỹ đối với dân da đỏ mà "lưỡi gươm đi trước thập giá đi sau" được. Chứng cớ là 5-6 trăm năm tiếp xúc với châu Âu, số dân theo đạo Ki Tô ở phương Đông không phải là nhiều, trái với đạo Hồi đã đến từ trước, một phần với lưỡi gươm.

Vua Louis 14 (1638-1715) tục gọi là Vua Mặt trời (Le Roi Soleil) lên ngôi từ năm 22 tuổi và cầm quyền 54 năm. Triều đại của ông là triều đại xán lạn nhất trong lịch sử nước Pháp nhưng cũng là triều đại có nhiều chiến tranh nhất. Thời niên thiếu là nội chiến (la Fronde) rồi chiến tranh với Áo, Y Pha Nho, Anh, Hoà Lan với Giáo hoàng La mã, chiếm rồi lại đổi chác trả lại Avignon cho Giáo hoàng. Vua Louis 14 lo mở rộng bờ cõi nước Pháp: Nếu huy động quân lính các vương hầu là cho các cuộc chiến đó chứ nhà vua không có ý niệm gì về phương Đông, ngoại trừ một thương điếm ở Pondicherry Ấn Độ (1674) dùng để cạnh tranh buôn bán với Hoà Lan về đồ gia vị. Trọng tâm về thuộc địa là châu Phi (nguồn lợi là buôn người đen bán qua châu Mỹ làm nhân công khai khẩn thuộc địa) và nhất là Bắc Mỹ, Canada, tranh giành đất đai với Anh. Nước Pháp chỉ để ý đến Việt Nam 200 năm sau, thời Napoléon đệ Tam với mục đích giúp thương gia Pháp tìm đường buôn bán với miền Tây Nam nước Tàu xuyên qua Tonkin. Đổ cho A. de Rhodes dọn đường cho Tây từ 200 năm về trước là chửi lịch sử.

Như trên đã nói Louis 14 chỉ có vài trung đội ngự lâm quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp, còn muốn đi chinh phục đất đai đều "khoán" cả. Louis 14 có muốn thể theo A. de Rhodes cũng chẳng được. Các vương triều châu Âu đều thế cả. Chistophe Colomb đi tìm châu Mỹ cũng đi hết vua này tới vua khác để được "khoán".

Nên nhớ là mấy ông giáo sĩ Dòng Tên đi truyền đạo bằng cách đem trí thức của mình chinh phục các vua chúa như Vạn Lịch đời Minh, Khang Hy đời Thanh, các lãnh chúa Nhật, bằng đem khoa học, toán học, thiên văn cơ khí, cách làm súng ống tàu bè để được quyền truyền đạo. Nhờ vậy Nhật biết thức thời canh tân. Cũng vì sợ có thế lực nhờ trí thức mà mấy ông Dòng Tên có thể khuynh loát và có sự tranh chấp với những dòng khác nên ngay ở châu Âu họ nhiều khi cũng bị trù dập, cấm đoán cho tới cuối thế kỷ 19. Cho tới bây giờ dòng này vẫn còn nhiều uy thế nhờ mở được những trường trung học, đại học danh tiếng trên toàn cầu và các nhân vật danh tiếng trên thế giới kể cả K. Marx, Fidel Castro cũng đều xuất thân từ mấy trường này.


3. Hoàn toàn hồ đồ và lố bịch khi kết tội A. de Rhodes có âm mưu đem quân Pháp xâm chiếm Việt Nam, làm gián điệp cho Pháp

Phần sau bài của tác giả là cả một cáo trạng làm "rợn tóc gáy". Người đọc có cảm tưởng như đứng trước công an thời Cải cách ruộng đất:

Tội 1: Xin Vua và Hoàng hậu Pháp "nhiều lính chiến" để chinh phục toàn cõi Đông Phương.

Bằng chứng:

  • Cụm từ "plusieurs soldats" bắt buộc phải được hiểu là "nhiều lính chiến";

  • "Toàn cõi Đông phương" tất nhiên là phải có Việt Nam. Như vậy là có ẩn ý đem Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Tội 2: Nói dối là ở Việt Nam người đánh cá cũng có lưới bằng tơ như vậy là gián tiếp nói nước này giầu lắm để kích thích các thương gia Pháp xâm chiếm.

Bằng chứng:

  • Đã nói dối để kích thích lòng tham của những kẻ có thể vì vậy mà nuôi ý đồ xâm lược. Chứng cớ: con cháu những kẻ đó đã thực hiện ý đồ 206 năm sau;

  • Đã có hành động gián điệp nên mới biết ngư nhân Việt Nam đánh cá bằng lưới.
Tội 3: Nhờ cậy Pháp là vì biết chỉ có Pháp mới đủ sức lấy lại quyền chinh phục vùng đất mà Giáo hoàng đã trao cho Bồ Đào Nha.

Bằng chứng:

  • Biết chỉ có Louis 14 mới có đủ lực lượng quân sự chống đối với Bồ Đào Nha mặc dầu trước nay vẫn làm việc với các giáo sĩ người nước này nhưng vì tham xâm chiếm Việt Nam nên sẵn sàng phản lại chủ mình;

  • Một chứng cớ nữa là nếu cần thừa sai sao không xin thẳng Giáo hội Pháp mà lại xin Vua? (Xin nói cho tác giả biết là người đứng đầu Giáo hội Pháp cũng chính là vua Louis 14.)
Tội 4: Đi tới đâu cũng bị đuổi tất nhiên phải có ý định phục thù.

Bằng chứng:

Chỉ cần suy bụng ta ra bụng người: bị Đàng Trong, Đàng Ngoài đều đuổi, bị Trung Quốc cũng đuổi, tất nhiên phải nhờ Pháp để phục thù. Tuy việc không thành, nhưng có cái ý tưởng đó cũng đủ có tội.

Tội 5: Khi vào Dòng Tên phải tuyên thệ trung thành với Giáo hội La Mã và chống giáo phái Phản thệ.

Bằng chứng:

Cũng chỉ cần suy luận: Phản thệ cùng thờ một Chúa mà còn chống đối huống hồ đối với những đạo khác. Trong suốt quá trình Đắc Lộ không bao giờ có ý định bỏ Dòng Tên ác ôn cuả mình. Không biết phản tỉnh tức là có tội.

Những người đồng loã:

Tổ tiên những người theo đạo Gia Tô ở Việt Nam đã nghe lời dụ dỗ của Đắc Lộ mà "thành những kẻ ly khai với xứ sở";

Những học giả, những nhà sử học trong hai cuộc hội thảo năm 92-93 đã "vinh danh một kẻ không những bất xứng mà còn là một gián điệp ngoại bang làm hại nước ta với việc kêu gọi chính phủ Pháp xâm chiếm nước ta, làm nhiệm vụ một công dân yêu nước Pháp";

Trong số mấy trăm học giả, sử gia, hai người bị "chỉnh" nhiều nhất là Gs Chương Thâu và Linh mục Hồng Nhuệ.

Tôi có cảm tưởng khi đọc những dòng trên như đang sống lại thời Nhân văn-Giai phẩm và Đắc Lộ là một tên gián điệp Pháp gài lại để hoạt động trong tụi phản động đội lốt Công giáo Bùi Chu Phát Diệm Quỳnh Lưu Nghệ An. Bùi Kha bất chấp thời gian, dùng những chữ như chính phủ, công dân, gián điệp, những chữ mà thời Louis 14 cách đây gần 400 năm chưa có cả trong tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Đọc ba bài của Bùi Kha, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có cái bằng chứng duy nhất để kết tội A. de Rhodes là cụm từ tiếng Pháp plusieurs soldats và những suy luận từ hai chữ đó. Tôi không khỏi ngạc nhiên là thời buổi đổi mới này vẫn còn có người còn giữ cái tư duy là 1) Phải có lập trường; 2) Phải biết qui định ai là bạn ai là thù, dù người tốt mà đã bị qui định vào thành phần xấu (thành phần giáo sĩ truyền giáo) như giáo sĩ Đắc Lộ tất nhiên không thể tốt được; 3) Phải suy luận mọi sự kiện lịch sử theo biện chứng với cái nghĩa chỉ cần lý luận theo qui luật lịch sử của Ban Tư duy. Truyền giáo theo biện chứng lịch sử là mở đầu cho chủ nghĩa tư bản xâm chiếm thị trường, nên dù được che giấu dưới bất cứ một ý tưởng tốt đẹp nào, hình thức nào, thời đại nào chẳng hạn như tác giả đã dẫn chứng, hiện tại ở Tây Nguyên chẳng hạn, cũng cần "phải vạch mặt chỉ tên".

© 2006 talawas