trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
10.7.2006
Hoà Nguyễn
Trao đổi với Đoàn Tiểu Long
 
Sau khi đọc ý kiến của Đoàn Tiểu Long ("Tiếng Hoa có Latin hoá chữ viết được không?"), tôi vẫn xin phép bảo lưu ý kiến của mình.


1. Về vấn đề trùng âm

Tiếng Hoa và tiếng Việt đơn âm, nhưng tiếng Hoa có 5 thanh còn tiếng Việt có 6 thanh khác nhau, trong khi tiếng Hàn và tiếng Nhật đều đa âm, không có các thanh.
 
Xét về âm, tiếng Việt phong phú nhất, cho nhiều biến điệu nhất, vì có nhiều nguyên âm đơn và nguyên âm kép (như iêu, uyê, ươi...) nhất:

Tiếng Nhật có 5 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm kép, cộng chung 8. Tiếng Hàn có 9 nguyên âm đơn và 12 nguyên âm kép, cộng chung 21. Tiếng Hoa có 8 nguyên âm đơn và 28 nguyên âm kép, cộng chung 36. Tiếng Việt có 9 nguyên âm đơn, và 155 nguyên âm kép, cộng chung 164.
 
Do đó, tiếng Việt ít bị trùng âm hơn tiếng Hoa. Các tiếng thuần Nhật và thuần Hàn nhờ là đa âm nên ít có trùng âm, nhưng nhiều tiếng họ vay mượn từ Hán tự (gọi là Kanji, và Hanja) có nhiều đồng âm dị nghĩa hơn cả tiếng Hoa, vì họ đã bỏ mất thanh của tiếng Hoa. Người Việt khi đọc chữ Hán không biết vì sao lại thêm nhiều âm và thanh mới làm giảm bớt sự trùng âm trong tiếng Hoa gốc, có khi đến 4, 5 lần ít hơn. Theo tài liệu (loại phổ thông), ngày nay tiếng Hàn có 52% gốc từ chữ Hán, Nhật có từ 60 đến 70% gốc Hán, và tiếng Việt có 60% hoặc nhiều hơn từ ngữ Hán Việt.
 
Thử đối chiếu riêng tiếng Hoa và Việt. Gọi âm tiết là một âm nói tạo thành bởi chỉ một nguyên âm, hay nguyên âm kết hợp với phụ âm đứng trước và sau nguyên âm (như a, ta, ban...), thì tiếng Hoa có 409 âm tiết, và tiếng Việt có 2402 âm tiết. Theo ông Tăng Khánh Đáng dựa vào từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, xuất bản ở miền Nam năm 1970, nếu thêm các thanh (chữ mang các dấu huyền, hỏi, ngã, nặng), người Việt có đến 6822 tiếng được dùng trong ngôn ngữ của mình (không kể còn có những âm Việt khác, viết được bằng Quốc ngữ, nhưng người Việt không sử dụng trong ngôn ngữ, thí dụ như: buyên, nươi, v.v...). Điều đó giải thích tại sao tiếng Hoa bị gánh nặng về trùng âm, nên đến ngày nay người Hoa vẫn phải dựa vào chữ biểu ý riêng để phân biệt các âm nói, để giúp nghĩa của tiếng nói được minh bạch hơn, trong khi tiếng Việt có khả năng dùng mẫu tự La-tinh chỉ để ghi âm, như chữ Quốc ngữ, mà không gây nhiều sự hàm hồ về ngữ nghĩa. Tiếng thuần Việt rất ít trùng âm (thoảng hoặc có như “mây trời”, “cây mây”...), và dù tiếng Hán Việt có nhiều trùng âm thì vẫn ít hơn trùng âm trong tiếng Hoa nên người Việt chấp nhận được khi theo lối chữ ghi âm.
 
Trở lại lần nữa với tiếng Hoa để làm sáng tỏ hơn chuyện này, chúng ta thấy có đến 20 chữ Hán khác nhau để chỉ nhiều nghĩa khác xa nhau của âm "hú" của Quan thoại. Riêng một chữ Hán cũng âm “hú” mà Hán Việt đọc là “hồ” cũng lại có rất nhiều nghĩa, không liên quan gì nhau, như: mảng thịt dưới cổ, rợ Hồ, hàm hồ, họ Hồ..., là một bất tiện về trùng âm mà tiếng Hán Việt phải chấp nhận. Có khi tiếng trùng âm trong Hoa ngữ cho hai nghĩa khác nhau rất xa như trời với đất, đó là trường hợp âm "míng" mà Hán Việt đọc là “minh”, có một nghĩa là sáng tỏ, và một nghĩa khác là tối tăm. Cho nên có thể hiểu được tại sao người Hoa phải viết âm này với hai chữ Hán khác nhau để phân biệt hai nghĩa khác nhau đó. Cũng may tiếng Việt chỉ mượn dùng từ Hán "minh" trong từ kép, nên không gặp khó khăn về ngữ nghĩa, như thấy trong "quang minh" và "u minh" (đa số người Việt đều hiểu nghĩa của "quang" (trong quang đãng)  và "u" (trong u tối) nên phân biệt được nghĩa của “quang minh” và “u minh”).  

Cho rằng tiếng nước nào cũng có "nạn" trùng âm như tiếng Hoa là không đúng. Cũng không thể coi "get" và "take" trong tiếng Anh là trùng âm, vì nhiều nghĩa của hai tiếng đó khá gần nhau, do cách sử dụng phóng túng (dùng chạ) tiếng nói trong đời sống thường ngày. Khi viết, người ta vẫn cố tránh bằng cách dùng từ ngữ khác thay thế hai tiếng đó để cho rõ nghĩa hơn. Gọi là đồng âm trong tiếng Anh phải như trường hợp của "son" và "sun", "two" và "too", hay trong tiếng Pháp như "scène" với "sain”, “saint". Nói chung, tiếng Pháp và Anh là ngôn ngữ đa âm, nên rất ít trùng âm, tuy thế họ vẫn giữ lối viết phân biệt cho số ít tiếng trùng âm đó, vậy thì người Hoa càng khó bỏ được lối chữ biểu ý đã dùng để giải quyết vấn đề trùng âm trong tiếng của họ để theo lối viết ghi âm bằng mẫu tự La-tinh. 

Theo Đoàn Tiểu Long, “nếu sợ lẫn lộn mà cứ mỗi một nghĩa phải dùng một chữ khác nhau thì biết bao nhiêu cho xuể? Bao nhiêu cũng không xuể, nhưng dùng một chữ hú thôi có khi lại vẫn đủ!”. Nếu những người sáng tạo ra chữ viết đều "dễ tính" thì có lẽ họ sẽ theo lối giải quyết dễ dãi của tiếng nói đã hồn nhiên hình thành trong cuộc sống, và dùng một chữ duy nhất cho một âm nói giống nhau. Nhưng chắc là đa số họ đều ước muốn dùng chữ viết để chỉnh sửa lại sự khiếm khuyết, thiếu rõ ràng của tiếng nói, để làm cho văn tự được sáng tỏ về nghĩa hơn. Và cũng có lẽ chỉ khi có được văn tự sáng tỏ về nghĩa, thì cách suy tư, diễn ý sẽ trong sáng, minh bạch hơn.


2. Về khả năng La-tinh hoá

Tiếng thuần Nhật có ít nguyên âm và phụ âm (lại không có phụ âm cuối), tính chung chừng 112 âm tiết, cũng không có thanh, nên dễ tạo ra cách viết "ghi âm tiết", với các ký tự mượn từ chữ Hán, đó là lối chữ Hiragana. Nhưng trở ngại lớn với họ là các từ gốc Hán được sử dụng rất nhiều trong ngôn ngữ Nhật. Để giải quyết nạn trùng âm từ tiếng Hoa gây ra, ngưới Nhật phải giữ nguyên một số chữ Hán (chừng 3000 chữ). La-tinh hóa chữ viết hay thay nét chữ Nhật hiện có bằng mẫu tự La-tinh là việc rất dễ làm, nhưng không có lợi gì khi vẫn phải giữ lại một số chữ Hán.
 
Tiếng Hàn có chừng 3000 âm tiết (không thanh), nên cũng dễ dùng mẫu tự La-tinh để ghi âm. Thế nhưng người Hàn đã giải quyết vấn đề văn tự theo cách riêng của họ từ lâu. Nhờ nghiên cứu chữ Phạn trong kinh Phật, người Hàn từ thế kỷ 15 đã phân biệt được nguyên âm, phụ âm, nghĩ đến chữ viết ghi âm tiếng nói, và họ làm điều đó phỏng theo ký tự và lối viết (vuông) của Hán tự. Dù vậy sau đó họ không coi trọng lối chữ Hangul rất sáng tạo này, và hầu như bỏ phế trong 400 năm vào thời họ vô cùng hâm mộ chữ Hán. Cho đến khi bị người Nhật cai trị, tinh thần phản kháng ngoại nhân lên cao, người Hàn quay lại yêu mến lối chữ riêng của dân tộc họ, và nhiệt thành sử dụng chữ đó trong sách báo (gần giống trường hợp các nhà Nho thời Đông kinh Nghĩa thục đã đón nhận, cổ vũ chữ "Quốc" ngữ, tuy nguồn tạo ra hai thứ chữ đó khác nhau, và hăm hở dùng Quốc ngữ làm phương tiện để mở mang dân trí). Sau nhiều công trình chuẩn hoá chữ Hangul vào thời Nhật thuộc, chữ Hàn hiện rất hoàn chỉnh, không cần đến chữ Hán như trong chữ Nhật, tuy tiếng Hàn cũng vay muợn nhiều từ Hán (và người Hàn trung bình vẫn phải học chừng 2000 chữ Hán). Dùng mẫu tự La-tinh thay cho lối viết hiện nay, người Hàn không thấy có lợi gì (xin nhắc lại chữ Hàn hiện đã theo lối ghi âm, chứ không theo lối ghi âm tiết như chữ Nhật), không kể họ không muốn thay đổi vì tự hào dân tộc. Tuy vậy, người Hàn cũng dùng mẫu tự La-tinh để giúp người ngoại quốc học nói tiếng Hàn (và có nhiều hệ thống La-tinh hóa tiếng Hàn). Còn trong tương lai không biết họ sẽ nghĩ thế nào về chữ viết của họ.
 
Tôi không biết gì về chữ Mông Cổ , nhưng nhớ vào thời Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ chưa có chữ viết. Sau đó, khi đón nhận Lạt Ma giáo (một nhánh Phật giáo) từ Tây Tạng, họ học cách viết chữ của người Tây Tạng, vốn dựa vào mẫu tự Phạn ngữ, để ghi âm tiếng Mông cổ (đa âm). Sau này , khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Ngoại Mông, việc chuyển đổi chữ viết từ mẫu tự Phạn qua mẫu tự Hy Lạp mà người Nga dùng (không phải chữ Slavơ), cũng không khó khăn lắm, và chắc đem lại nhiều tiện lợi trong việc in ấn, cho nên có lẽ người Mông Cổ đã "vui vẻ" đón nhận thứ chữ mới. 
 
Riêng người Việt Nam cũng nên tự hào về tiếng nói của mình, rất phong phú về âm và thanh, vẫn còn dư thừa âm tiết để tạo thêm nhiều  tiếng mới, nếu cần. Ngoài ra, tiếng Việt tuy gần gũi nhưng giàu có hơn tiếng Hoa về âm thanh, biến điệu, nên không thể cho là "phó sản" của tiếng Hoa; trái lại, tiếng Việt đã  hình thành rất độc lập, và tuy có nhiều từ gốc Hoa, nhưng nói như một số người là đã vay mượn có sáng tạo. Nhưng hình như người Việt vẫn thiếu sáng tạo khi không tự chế ra được chữ viết hoàn chỉnh cho dân tộc. Chữ Nôm, ngày xưa chỉ dùng trong thơ (và phú), chưa thấy được thử thách để dùng được trong việc viết văn, ghi chép lại chuyện sinh hoạt của đời sống, nên có lẽ chữ Nôm chưa tới được cái khả năng đó (phải cần nhiều chữ hơn trong thơ). Một bài thơ Nôm còn phải viết với nhiều chữ Hán xen lẫn, giống như bản văn tiếng Nhật ngày nay, mà so sánh thì chữ Nôm học khó hơn chữ Nhật (Hiragana) gấp nhiều lần. Muốn viết tiếng Việt theo lối Hangul (chữ Hàn) sẽ khó khăn hơn vì tiếng Việt có nhiều âm nói (bao gồm âm tiết và thanh) hơn tiếng Hàn, đòi hỏi khả năng sáng tạo rất cao. Nên hiểu được tại sao các nhà nho Việt Nam ở đầu thế kỷ trước, mặc dù ban đầu chống đối, nhưng sau đã nhiệt tình đón nhận, sử dụng và quảng bá chữ Quốc ngữ du nhập từ phương Tây. 

© 2006 talawas