trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
3.10.2006
Hoà Nguyễn
Vài lời trao đổi với ông Lữ Phương
 
Trong bài "Đàng sau một câu trả lời: 'Ai phá hoại Hiệp định Genève?’” ông Lữ Phương không bác bỏ được, ít ra bằng lập luận rõ ràng, thuyết phục, các lý lẽ ông Đinh Từ Thức đưa ra là miền Bắc đã không tôn trọng hiệp định Genève, hay đúng hơn cả hai miền Nam và  Bắc Việt Nam đều không tôn trọng hiệp định này, và miền Nam không bội ước vì không hề ký kết giao ước về việc tổ chức tổng tuyển cử để quyết định chế độ chính trị (duy nhất) trên phạm vi cả nước. Ông Thức cho biết thêm, chính quyền Ngô Đình Diệm còn đặt vấn đề nếu có bầu cử phải bầu cử trong tự do, là đòi hỏi rất hợp lý, nhưng trong hoàn cảnh chính tri tại Việt Nam thời đó điều này rất khó thực hiện, và không ai có thể bảo đảm là sẽ thực hiện được. Vì cho tới lúc đó, cả nước Việt Nam chỉ mới có kinh nghiện về cuộc bầu Quốc hội năm 1946, và với lý do tình hình cực kỳ phức tạp do Pháp đã trở lại đánh chiếm nhiều nơi nên thể thức "Đảng cử dân bầu" đã được đảng cầm quyền thời đó áp dụng và tiếp tục áp dụng cho tới ngày nay (vào năm 1946, các chính đảng khác cũng đã tẩy chay lối bầu chọn đại biểu Quốc hội  như thế).
 
Khi không sử dụng được các thế mạnh chính trị, ngoại giao để buộc miền Nam phải chấp nhận tổng tuyển cử, miền Bắc đã ra lệnh cho các cán bộ còn lại trong Nam "đồng khởi" qua Mặt trận mà về sau ông Lữ Phương tham gia, và đưa cán bộ, quân chính quy từ miền Bắc vào, mở đầu cho cuộc chiến khốc liệt, lâu dài. Lúc đó ý tưởng tự do, dân chủ chưa đi sâu rộng vào đông đảo người dân miền Nam do dân trí còn thấp, và quân lực miền Nam yếu hơn, nên chính quyền miền Nam phải tìm kiếm thế lực nào có thể giúp được mình đứng vững mà không phải hy sinh chủ quyền quốc gia, không sợ phải rơi vào tình trạng thuộc địa như trước. Miền Nam tìm thấy ở Mỹ người "bạn đồng minh" thiết yếu và đáng tin cậy, ít ra là cho giai đoạn lịch sử đó. Chiến tranh Quốc-Cộng, hay Cộng sản-Tư bản (Mỹ) xảy ra và kéo dài, sau cùng Mỹ rút quân vì nhiều lý do.
 
Chế độ miền Nam không phải bị mất vì thiếu chính nghĩa, như ông Lữ Phương lý luận. Từ năm 1973 đến 1975 miền Nam đã vắng bóng quân "xâm lược" Mỹ, cho nên ở bên kia chiến tuyến, ông Lữ Phương không thể gọi quân đội miền Nam là "lính đánh thuê" được nữa. Ngay trước đó cũng vậy, vì sự hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam Cộng hòa, từ thời ông Diệm đến ông Thiệu, là sự hợp tác "bình đẳng" giữa hai bên vì lợi ích riêng của mỗi bên, và không bên nào có ý định khống chế bên kia để bắt phải lệ thuộc và làm theo mọi ý muốn chỉ có lợi cho bên mình. Trong một thời gian dài, Mỹ nắm quyền "tổng chỉ huy" quân sự trên các chiến trường là chuyện đương nhiên khi xét về phưong tiện chiến tranh mà Mỹ có, cũng giống như ngay cả ngày nay tại Nam Hàn, Mỹ vẫn còn giữ cái quyền "tổng chỉ huy" đó theo thỏa ước Mỹ-Hàn, nếu xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên. Hợp tác giữa Sài Gòn với Washington rất khác với mối liên hệ giữa vua Lê Chiêu Thống và nhà Thanh hay giữa con cháu nhà Trần và nhà Minh của Trung Quốc, vì Mỹ không có cái "hậu ý" mà Trung Quốc vẫn thường có. Cũng phải thấy rằng Mỹ đã can dự vào Việt Nam kể từ khi Mao Trạch Đông giải phóng Trung Quốc (1949) và cử tướng Trần Canh sang Việt Nam làm cố vấn (1950), giúp vạch ra kế hoạch đánh thông đường biên giới từ Cao Bằng đến Lao Kay để từ đó Trung Quốc chuyển được số lượng lớn vũ khí giúp cho lực lượng kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi (theo Việt Nam 1945-1995 của Lê Xuân Khoa). Thử nghĩ cho công bằng, nếu ông Mao Trạch Đông không vào được Bắc Kinh thì ông Hồ Chí Minh có cơ hội trở lại Hà Nội không? Cũng có thể có, nhưng phải trong điều kiện khác (vẫn là chuyện giả định), dù sao chắc chắn khó có chiến thắng Điện Biên Phủ như đã xảy ra.
 
Từ đó, với chính sánh "be bờ" để ngăn chặn "làn sóng đỏ", tức ngăn không cho thế lực, ảnh hưởng của Trung Quốc cộng sản  tràn xuống khắp Đông Nam Á, nơi đang có sẵn mấy chục triệu Hoa kiều có thể là lực lượng nội ứng cho chính quốc, Mỹ phải giúp Pháp – còn chưa "hồi phục" sau khi bại trận trong Thế chiến thứ Hai - để Pháp có đủ sức đánh nhau với "Việt Minh" đang được Trung Quốc nhiệt tình chi viện vì tình đồng chí cũng là "anh em". Không thể cho rằng Mỹ giúp Pháp chiếm lại thuộc địa cũ, hay giúp Pháp vì muốn chia chác quyền lợi  ở Việt Nam (trước đó Mỹ đã trả độc lập lại cho Phi, và góp phần ngăn Hà Lan trở lại Indonesia). Chính phủ và những người Việt sống trong vùng Pháp kiểm soát cũng cảm nhận đựợc điều đó, nên đã tin và dựa vào sức mạnh của Mỹ để hình thành dần một khối gọi là "quốc gia", chống lại thế lực còn lại của Pháp để từng bước đòi thêm chủ quyền, và đồng thời chống cả lực lượng mà họ tin là sẽ áp đặt chế độ toàn trị lên cả nước. Họ có được những kinh nghiệm sống với những người cộng sản trong thời gian ngắn sau Cách mạng  tháng Tám, trước khi quân Pháp trở lại, và còn sau đó nữa trong nhiều năm (họ tham gia) kháng chiến. Sau Hiệp định Genève, anh em ông Ngô Đình Diệm chiếm được thời cơ, nêu cao "khẩu hiệu" nói lên được ước vọng của ai còn được tự do để theo đuổi con đường họ chọn: Chống cộng (sản), bài phong (kiến), và đả thực (dân)", nên được nhiều người ở miền Nam ủng hộ. Đoàn quân viễn chinh Pháp vẫn còn hùng hậu dù thất trận Điện Biên, nhưng phải rời khỏi Sài Gòn, tức thành Gia Định - bị họ chiếm vào giữa thế kỷ 19 - mà miền Nam không phải tốn xương máu (nhờ áp lực của Mỹ và sự phản kháng quyết liệt của người Việt ở miền Nam). Chế độ cộng hòa thay thế cho chế độ phong kiến đã lỗi thời. Chỉ còn phải đương đầu với những người đã dày dạn trong chiến tranh, có nhiều kinh nghiệm và quyết tâm trong vận động nắm lấy chính quyền mà không cần thông qua bầu cử hay trưng cầu dân ý. Trong khi miền Bắc đã đứng hẳn trong khối cộng sản quốc tế (từ 1950), thì miền Nam muốn tồn tại tất phải dựa vào Mỹ, nếu không muốn làm theo Sihanouk của Cambốt dựa vào Pháp đã rút lui khỏi Đông Dương hay theo các nước phi liên kết rất ít thực lực và không ở trong tình trạng đất nước bị phân chia, nhân tâm bị phân tán như Việt Nam.
 
Chiến tranh kéo dài, không đem lại thắng lợi rõ rệt, và sau khi tổn thất hơn 50 ngàn quân, người Mỹ không còn muốn con em hay chính họ phải chết thêm cho một vùng đất quá xa xôi, không thấy có lợi ích thiết thực gì cho nước họ, nên sau khi bắt tay được với Bắc Kinh, thấy đủ chắc là dù Việt Nam, Miên, Lào có mất thì "làn sóng đỏ" mà Mỹ lo sợ trước kia cũng không tràn xuống xa hơn, nên Mỹ quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam, và bị kể là thua trận. Nhưng Kissinger vẫn đắc chí với ý tưởng tuy mất Đông Dương mà được Trung Quốc (từ khối XHCN). Rồi tổng thống Nixon từ chức để khỏi bị biếm truất vì lý do nội bộ, và từ đó  Mỹ lui về chỉ lo chuyện riêng trong nước. Miền Nam như bị bỏ rơi (thật ra là không còn đồng minh sẵn lòng yểm trợ manh khi cần), đã lúng túng trước nhiều tình huống khó khăn bất ngờ. Quân đội miền Nam  thiếu đạn dược, xăng dầu, thiếu phương tiện hành quân, tác chiến đâm ra mất tinh thần chiến đấu trước bộ đội miền Bắc vũ trang hùng hậu, quyết tâm hơn trước, nên đã tan rã nhanh chóng sau một trận đánh lớn. Nhưng không phải cướp được chính quyền (bằng vũ lực) là đương nhiên có chính nghĩa, còn phải xem xét sau đó có đem lại được hay không một cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc cho đa số người dân, với các giá trị về nhân phẩm và nhân quyền được tôn trọng như ở nhiều nơi khác trên thế giới trong thời đại văn minh.
 
Câu chuyện cũ về lịch sử xin dừng lại ở đây.
 
Dẫn chứng ông Lữ Phương đưa ra trong bài viết tuy có vẻ nhiều, nhưng không có giá trị bao nhiêu, vì chỉ lấy từ các tài liệu của Ngũ Giác đài, hay Bộ Ngoại giao Mỹ là những cơ quan thừa hành, thực hiện theo chức năng đã định cho các sách lược do tòa Bạch ốc đề ra  về cuộc chiến ở Việt Nam, được họ đặt trong Chiến tranh Lạnh rộng lớn trên toàn cầu. Ông Lữ Phương nên sử dụng các tài liệu cho thấy nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Truman đến Nixon (từ 1949 đến 1973) đã có chính sách gần như nhất quán về Việt Nam và Đông Dương để dễ thuyết phục hơn khi nói về bản chất của cuộc chiến Việt Nam trong suy tính của người Mỹ (như Mỹ có chủ trương "xâm lược" Việt Nam hay không). Ông Lữ Phương còn lấy nhận xét về lịch sử từ Bách khoa toàn thư Wikipedia tiếng Việt mà chắc ông tin là có giá trị lớn lắm. Thật ra, trừ phần tư liệu được dịch từ bản tiếng Anh (hay tiếng Pháp) có thể kiểm chứng là đúng hay sai (cho dù thường là đúng cũng không đầy đủ và có giá trị như một quyển sử hay sách chuyên đề của tác giả có tên tuổi), còn những phần khác của bộ Toàn thư tiếng Việt này là những bài viết với nhận định riêng của những người được mời gọi cung cấp tư liệu, và thực tế không biết họ là ai, từ đâu, đã dựa vào nguồn tư liệu đáng tin nào, vì vậy cần phải kiểm chứng kỹ trước khi sử dụng. Thí dụ Wikipedia tiếng Việt viết về phía Việt Nam Cộng hòa thời đó như sau:
 
"... đa số các nhân vật lãnh đạo của họ là những người trong chính phủ Trần Trọng Kim, hình thành dưới chế độ bảo hộ của phát xít Nhật, hay đã từng làm việc cho Pháp".
 
Nhưng trong thành phần chính phủ Trần Trọng Kim có ông Phan Anh được ông Hồ Chí Minh đưa vào nội các chính phủ liên hiệp vào tháng 3 năm 1946, ông Hoàng Xuân Hãn là nhân tài rất đáng được trọng dụng trong bất cứ chính phủ nào, và ông Trịnh Đình Thảo sau này giữ chức chủ tịch gì đó trong Mặt trận Giải phóng miền Nam. Chỉ có ông Trần Văn Chương được Ngô Đình Diệm sử dụng. 
 
Chuyện ông Nhất Linh tự tử được ông Lữ Phương và Trần Văn Trạng dùng như chứng cớ về chính sách độc đoán của ông Diệm, thì tuy cũng công nhận ông Diệm có độc tài, tôi thấy nên nhắc lại chuyện cũ mà có thể ông Lữ Phương và nhiều người khác còn biết rõ hơn tôi. Theo nhật ký của ông Đỗ Mậu (được in lại trên báo và in thành sách trong nước, nên rất có thể ông Lữ Phương cũng đã đọc), trong đảo chính (thất bại) ngày 11-11-1960, ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam với tư cách là chủ tịch "Mặt trận Quốc dân Đoàn kết" mới thành lập đã lên tiếng ủng hộ quá sớm cuộc đảo chính về sau bất thành, nên đã bị chính quyền ông Diệm điều tra (nhưng không bị giam giữ). Đến trước ngày ra tòa để bị xử chung với nhiều người, Nhất Linh tự tử, để lại bức thư mà nhiều người còn nhớ có câu "đời tôi để tôi tự xử". Như vậy, đối với luật pháp thời đó, khi thất bại Nhất Linh không nói mình vô tội, nhưng ông chỉ không thể chịu được chuyện người khác kết án mình vì hành động ông cho là chính đáng. Ông Lữ Phương cũng không nên sử dụng cái chết của Thích Quảng Đức và Nhất Chi Mai để biện minh cho hoạt động của ông chống lại chính quyền miền Nam thời đó. Cả hai người này đã chết vì niềm tin tôn giáo riêng của họ (để Phật giáo được công nhận là bình đẳng), còn ông Lữ Phương có lẽ cũng sẵn sàng chết, nhưng cho ý hướng chính trị riêng của ông (đánh đổ chính quyền Sài Gòn). Họ không đi cùng một con đường với ông. 
 
© 2006 talawas