trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.11.2006
Nguyễn Quang Thiều
Lê Vân - Một ví dụ đúng
 
Chúng ta đang tranh luận về cuốn tự truyện của Lê Vân với nhiều ý kiến khác nhau. Có không ít ý kiến không đồng ý với Lê Vân trong những đoạn chị viết về người cha của mình hoặc một vài vấn đề khác. Mấy ngày trước, tôi gặp nhà văn Chu Lai ôm một đống thiếp mời cưới con trai. Gương mặt ông thật hạnh phúc cứ như ông chuẩn bị đám cưới của mình. Nhưng khi nhắc đến tự truyện… ông phản đối ngay lập tức. Ông cho rằng Lê Vân đã phạm vào một nguyên tắc nào đó mang tính truyền thống. Nghĩa là không được nói những câu chuyện buồn liên quan đến người thân của mình mà đặc biệt là cha mẹ mình. Nhưng cũng có rất nhiều người đọc cuốn sách đó với một sự chia sẻ và họ mang theo một nỗi buồn nào đó về cuộc đời này. Tôi là một trong những người đó. Tôi đã nhìn thấy Lê Vân một lần cách đây vài năm trong một lần đến thăm NSND Trần Tiến. Tôi nhìn thấy Lê Vân đi lướt qua một khoảng trống ngoài sân và biến mất. Tất cả chỉ có thế. Và bây giờ là cuốn tự truyện.

Cuốn tự truyện do nhà văn Bùi Mai Hạnh thủ bút. Nghĩa là Lê Vân đã ngồi xuống và kể lại cuộc đời mình. Chị đã kể lại rất bình tĩnh. Tôi chắc chắn là như vậy. Bởi chị phải mất một thời gian dài để nhớ và kể lại cho Bùi Mai Hạnh ghi và viết thành sách. Rồi chị một mình đọc lại bản thảo đó rất kỹ. Cuối cùng chị quyết định hạ bút “ký” để cuốn tự truyện vào nhà in và ra mắt bạn đọc. Chị kể lại cuộc đời mình để làm gì? Để nổi tiếng chăng? Không. Chị đã là người nổi tiếng và chị chưa bao giờ cho thấy mình là một người ham danh tiếng. Chị cần tiền chăng? Không. Chị không cần tiền đến mức như thế. Tôi tin chị là người khá giả. Chị kể lại như một lời tâm sự về những buồn vui trong cuộc đời mình. Chị là người ít nói và ít xuất hiện trước công chúng. Chị là người sống có vẻ “biệt lập” trong nhiều năm trở lại đây. Và đến một ngày nào đó, những giày vò, những u buồn và những thổn thức trong chị vỡ oà ra. Tôi lại tin rằng: sau khi cuốn tự truyện ra đời với bao dị nghị, bao phản đối, bao bĩu môi, bao mỉa mai… thì chị lại thanh thản hơn khi chị ở trong một vẻ ngoài nhu mì và cách biệt. Con người là vậy. Chúng ta là vậy. Kể cả với những người mắc lỗi lầm mà không ai biết. Nếu anh ta (chị ta) được nói ra sự thật thì lòng họ sẽ nhẹ đi rất nhiều. Rất nhiều người có nhu cầu nói ra sự thật của cuộc đời họ hơn là che giấu nó. Những câu chuyện của Lê Vân kể đâu có gì sai trái, đâu có gì không đúng với nhân cách của một con người xét cho tận cùng ý nghĩa của nó. Nếu tự truyện của Lê Vân là một tiểu thuyết do nhà văn Bùi Mai Hạnh sáng tạo ra thì chẳng có ai phản đối chị điều này hay điều nọ. Có quá nhiều câu chuyện tương tự đã được sáng tạo, được viết ra và được ra mắt bạn đọc nhưng chúng ta không để ý. Có khi chúng ta lại giành tình cảm cho nhân vật như thế của chúng ta. Nhưng nhân vật ở đây là Lê Vân, một nhân vật hiển hiện và quen biết chúng ta. Một nhân vật có quan hệ với quá nhiều những nhân vật phụ khác trong cuốn sách. Lê Vân đã nói về cha mình một cách chân thành đến làm cho những người khác sợ hãi. Nhưng sau những lời nói thật ấy, liệu chúng ta đã biết gì về quan hệ thực sự của cha con chị sau này. Chúng ta không biết gì mà chỉ võ đoán mà thôi. Tôi tin quan hệ ấy phải tốt hơn và hiểu biết hơn. Nó phải thế. NSND Trần Tiến có nghe thấy tiếng kêu của con gái mình không? Có. Tôi tin ông đã nghe thấy. Có thể bây giờ ông bị một phần dư luận làm cho lúng túng. Và có thể ông cũng ừ ào với những thăm hỏi đầy tính tò mò. Nhưng ông nghe thấy và ông hiểu con gái mình. Chúng ta từng chứng kiến những đứa con kêu lên trước người cha hoặc mẹ. Một tiếng kêu tủi thân, đơn độc và da diết đến đau lòng. Tôi hình dung khi Lê Vân ngồi kể lại một phần cuộc đời mình, chị mang gương mặt xa xôi và một đôi mắt buồn. Không bao giờ ở đó ánh lên sự cay độc hay thù hận. Tự truyện là một câu chuyện vui buồn mà mỗi chúng ta đều có nhưng nhiều người đã giấu nó. Tất nhiên, không phải tự truyện là kể ra tất cả những gì mỗi chúng ta đã sống, đã hành động và suy ngẫm trong cuộc đời. Im lặng hay kể ra là quyền của mỗi người. Hơn thế là nhu cầu tự trong đáy lòng của mỗi người. Lê Vân đã nói thật. Chị đủ thông minh để hình dung dư luận sẽ như thế nào khi cuốn tự truyện ra đời. Nhưng chị cũng tin những gì chị kể ra là chân thành và không có mưu mô gì. Mặc dù có thể lời kể của chị có chút nào đó ở chỗ nào đó chưa rành mạch, chưa tự tin và mang một lỗi lo lắng mơ hồ nào đấy và cả nỗi sợ hãi mơ hồ nào đấy. Nhưng chị đã được nói thật. Quyền lực của sự nói thật đã quyến rũ chị và mang cho chị sức mạnh. Chính thế mà chị đã suy nghĩ rồi ngồi xuống và kể lại những năm tháng đã đi qua của cuộc đời mình. Và cũng có thể những lời kể của chị ở một đoạn nào đó chưa được nhà văn Bùi Mai Hạnh lột tả hết hay lột tả đúng tâm trạng của người kể. Không ai lại nói mình là người có hiếu với cha mẹ mình. Nhưng tôi có thể nói tôi không bất hiếu với cha mẹ tôi trên những điều cơ bản của một đứa con. Và thế tôi thấy từ trong sâu thẳm những gì Lê Vân nói về cha mình không phải sự vô ơn hay vạch áo cho người xem lưng. Nếu bây giờ chúng ta xem một bộ phim có cảnh đứa con gào lên đau khổ trước người cha: “Cha, sao cha lại làm thế” thì đó là sự kết tội cha mình hay là tiếng kêu đau đớn của tình yêu thương và nỗi cô độc vô hình của đứa con? Sự thật là như thế. NSND Trần Tiến hiểu điều đó. Tôi tin vậy bởi tôi hiểu con người ông.

Lê Vân không phải là người quen của tôi. Chị cũng không phải là thần tượng của tôi. Bởi vậy tôi nói về chị là nói về một sự thật. Sự thật này cần bình tĩnh để hiểu đúng và chia sẻ. Tôi rất quý trọng chị bởi chị đã nói lên sự thật với bao nỗi giày vò và cả vật vã. Dẫu rằng sự thật chị nói cho chúng ta nghe không phải là một sự thật "chết người ". Đó chỉ là sự thật giản dị về một cuộc đời như muôn vàn cuộc đời khác. Những điều chị nói chẳng hề ảnh hưởng đến vị thế của cha mẹ hay các em gái chị. Tôi vẫn kính trọng NSND Trần Tiến. Tôi vẫn quý trọng tài năng của NSND Lê Khanh và nghệ sỹ Lê Vi và người mẹ của ba cô con gái "vàng". Thực ra sự xuất hiện cuốn tự truyện chẳng có gì phải ầm ĩ như thế. Những gì chị kể trong cuốn tự truyện đó chẳng có gì giật gân. Nhưng tôi đọc nó bởi sự xúc động mạnh mẽ rằng: chúng ta đang bắt đầu tập nói thật. Việc nói thật không một chút dễ dàng đối với hầu hết chúng ta trong đó có tôi. Và tôi cất giọng nói về cuốn tự truyện của chị chỉ bởi vì tính trung thực và dũng cảm của một con người. Chúng ta đã nói khéo với nhau quá lâu rồi. Sự khôn khéo giả tạo của chúng ta đã làm cho chúng ta thấy cuộc sống trở lên nhàm chán mà chính chúng ta không đủ can đảm từ bỏ nó. Nói thật là một ý thức sống mà chúng ta phải học từng phút, từng giây và cho đến cuối đời. Chúng ta đã quá vô cảm và quá mệt mỏi với lối sống "đóng cửa bảo nhau" hay "rút kinh nghiệm trong nội bộ". Lối sống đó chỉ là cách chúng ta trốn chạy sự thật mà thôi. Khi chúng ta càng trốn chạy sự thật thì chúng ta càng đến gần sự dối trá. Cho dù chúng ta nói ra sự thật với sự vụng về và nhiều lúc làm đau đớn người khác thì nó vẫn có giá trị hơn ngàn lần những từ ngữ sáo rỗng của thói đạo đức giả.

NSND Thanh Hoa cũng sẽ ra mắt tự truyện. Rồi sẽ còn nhiều người nữa (có thể cả tôi) muốn viết lại những năm tháng buồn vui của cuộc đời mình như một lời tâm sự, như tìm kẻ tri âm, như để lòng mình thanh thản hơn cho những ngày đang đến. Tự truyện như Lê Vân yêu và sống dù thế nào cũng là một hành động sống trung thực và can đảm. Và Lê Vân là một ví dụ đúng cho hành động sống ấy.

© 2006 talawas



Phụ lục

Tạ Duy Anh
Mấy lời cho lần tái bản thứ nhất

Sau sự kiện Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm, không mấy ai, cả từ phía những người làm sách đến độc giả, chờ đợi lại có một cuốn sách nào đó gây nên một cơn sốt tương tự. Nhưng rồi điều đó đã xảy ra với Lê Vân yêu và sống. Hàng chục ngàn cuốn sách vừa ra khỏi nhà in đã hết vèo. Trong khi việc nối bản đang tiến hành gấp rút thì những cuốn sách in lậu cũng chỉ phần nào đáp ứng được cơn bức xúc của độc giả. Lần đầu tiên thị trường sách ế ẩm của Việt Nam xảy ra điều thú vị: Hàng chục hiệu sách do không thể có nguồn cung, đành trương lên tấm bảng “Ở đây không có Lê Vân yêu và sống” để khỏi cứ phải trả lời khách hàng mà họ không lỡ cáu gắt do quá mệt mỏi.

Vậy điều gì ở cuốn tự truyện này thu hút sự quan tâm của bạn đọc mọi lứa tuổi mạnh mẽ như vậy?

Thứ nhất, quả thật là người ta có lý do để tìm đọc cuốn sách trước hết vì Lê Vân là một nghệ sĩ khá đặc biệt. Ðặc biệt từ hoàn cảnh xuất thân, những vai diễn xuất sắc trên màn ảnh đến những mối tình éo le qua tin đồn. Ðặc biệt hơn nữa khi người đàn bà xinh đẹp, tài hoa và đa đoan đa tình ấy bỗng vào một ngày rũ bỏ tất cả và gần như biến mất, không để lại tăm dạng, không có bất cứ lời giải thích nào khi những gì mà một nghệ sĩ mơ ước đang ngay trong tầm tay, để lại biết bao tiếc nuối và những lời đàm tiếu. Suốt mười năm ấy Lê Vân đi đâu, làm gì, sống và yêu ra sao, tại sao chị lại hành động như vậy... chắc chắn vẫn là những thắc mắc chưa mờ phai hẳn trong mối quan tâm của những người hâm mộ chị. Thì nay, bằng sự ra đời của cuốn tự truyện, họ hy vọng tự tìm được sự thoả mãn.

Thứ hai, có thể tâm lý hiếu kỳ đã tạo nên một phần không khí nóng bỏng xung quanh cuốn tự truyện, nhưng liệu chỉ để thoả mãn sự hiếu kỳ thì người ta có truyền tay nhau cuốn sách, hào hứng mách nhau chỗ mua sách, bàn tán bình phẩm về nội dung, câu chữ... rầm rộ và nghiêm túc như đang xảy ra không? Câu trả lời chắc chắn là không. Chỉ cần lướt qua hàng trăm trang báo viết, báo mạng trong thời gian qua bạn đọc có thể yên tâm về khẳng định đó. Người ta bị cuốn hút trước hết vì hầu như cho đến nay chưa từng có một cuốn tự truyện nào (bao gồm cả những cuốn ghi là hồi ký) mang âm hưởng của một lời thú tội thực sự như vậy, hay nói như Lê Vân là chị chỉ có một nhu cầu duy nhất là sám hối. Người đàn bà này đã trừng phạt nghiêm khắc bản thân bằng cách tự “giải mật” đời mình, sòng phẳng một lần trước những gì chị cho là tội lỗi, điều mà một người khôn ngoan thông thường luôn biết cách để không làm. Vì chúng được kể ra bằng ngôn ngữ của trái tim nên cũng dễ dàng đến thẳng với trái tim người đọc. Có lẽ vì thế mà đa số độc giả tin ngay vào tính chân xác của những sự kiện bị cuốn theo cuộc đời chị, do đích thân chị kể lại. Ðiều này không phải cứ muốn mà được.

Và cuối cùng, khi những tò mò, những cơn xúc động hay nỗi giận dữ lắng lại, người ta chợt nhận ra sự cuốn hút thực sự của cuốn sách lại ở chỗ nó có tất cả mọi phẩm chất của một tác phẩm văn học chất lượng cao. Ngày càng khó tìm được thứ văn phong đẹp, giản dị và tinh tế, lại đậm đặc chất trữ tình như vậy. Làm nên điều này là cây bút trẻ Bùi Mai Hạnh. Cuốn sách là một sự nhập thân kỳ diệu giữa hai người đàn bà can đảm, đến độ người thể hiện biến mất trong những lời kể của nhân chứng mà chị kiên nhẫn ghi lại với một cảm hứng có thể nói là cũng vô cùng kỳ lạ. Từ chuyện kể về số phận một nghệ sĩ, Bùi Mai Hạnh đã khéo léo phác lại cả một bức tranh toàn cảnh rộng lớn mà mỗi chúng ta hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều góp vào làm nên độ tối sáng của nó. Ðiều đó cũng rất đáng kể tạo ra diện mạo và tầm vóc của cuốn sách khiến nó xứng đáng là một sự kiện văn học và chắc chắn sẽ tiếp tục được tìm đọc.

Hà Nội 29-10-2006

(Lời tựa cho lần tái bản thứ nhất, 2006, do công ti Phương Nam ấn hành)