trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
2.12.2006
Vương Văn Quang
Tôi công nhận, việc bà Thủy cho rằng, bài viết của bà là “viết với tính cách ghi nhận một sự kiện. Toàn bài viết chỉ là ghi nhận”. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng bà Thủy không phản đối nếu tôi cho rằng, bài viết của bà không phải là một biên bản ghi nhận theo kiểu thống kê, hay ghi nhận sự kiện khô khốc theo lối đưa tin của một thông báo, mà những “ghi nhận” của bà luôn phảng phất tình cảm chủ quan. Chính vì điều đó mà tôi, với tư cách một độc giả hoàn toàn có quyền “hiểu lầm”. Hay nói cách khác, nếu như tôi có “hiểu lầm” thì lỗi không phải hoàn toàn do tôi.

ý kiến trước, tôi cho rằng những ví dụ bà Thủy đưa ra đều sai mà không dẫn chứng vì thấy nếu dẫn chứng thì “ý kiến ngắn” có nguy cơ biến thành “ý kiến dài” một cách không cần thiết. Nay bà Thủy yêu cầu thì buộc lòng tôi phải chỉ ra (một số) vậy:
  • Những từ (dùng trong cuộc chiến): trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức (hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… được bà Thủy nhận định “hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại”. Từ thực tế, tôi thấy, 21 từ được bà Thủy dẫn, chỉ một từ duy nhất tôi thấy lạ lẫm, đó là từ “lạnh cẳng”. Còn lại, tôi không hề thấy chúng “không được dùng trong hiện tại” (cũng mong bà Thủy đừng bắt tôi dẫn chứng, vì làm thế sẽ rất dài dòng, không phù hợp với một ý kiến ngắn).

  • Bà Thủy cho rằng: “Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan”. Thưa bà, ghi danh, đi xem vẫn tồn tại và tồn tại độc lập. Nó chẳng liên quan và “bị thay thế” bởi đăng kí, tham quan như bà nói. Người Việt trong nước (nước ngoài thì tôi không biết) nói “đi xem phim”, “đi xem kịch” chứ không nói “tham quan phim”, “tham quan kịch”; tham quan họ dùng trong trường hợp xem thắng cảnh thiên nhiên, chẳng hạn. Tương tự, tùy tình huống, văn cảnh, lúc người ta dùng đăng kì, lúc người ta dùng ghi danh.

  • Những từ được bà Thủy cho rằng “dần dần đã bước vào quên lãng như: sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v...”, cũng từ thực tế quan sát (qua báo chí, văn bản văn học hiện đang lưu hành phổ biến) và tư duy cá nhân, tôi không hề thấy chúng xa lạ. Tôi và nhiều người người viết khác vẫn thường xuyên sử dụng chúng, sao có thể nói là chúng “dần bước vào quên lãng”?
Lần trước, bà Thủy đưa ra một ví dụ, khiến tôi phải dùng đến một từ không hay ho gì, đó là “ngớ ngẩn”. Lần này, bà Thủy khiến tôi thật sự bật cười. Bà viết: “Ông nói tôi rất 'ngớ ngẩn’ khi đem một ví dụ về cách dùng chữ 'quản lý’ của miền Bắc mà ông chưa từng nghe hoặc thấy một câu như vậy. Nếu ông chưa từng thấy câu ấy, vậy thưa ông, có bao giờ ông thấy câu này chưa: 'Anh sẽ xây dựng với đồng chí gái, và đồng chí gái sẽ quản lý đời anh...”

Vâng, quả tình là tôi có nghe đâu đó người ta kể chuyện tiếu lâm hiện đại, trong đó có những câu tương tự vậy. Nhưng đó là tiếu lâm, đằng này bà Thủy trưng nó ra với tinh thần hoàn toàn nghiêm túc, vậy làm sao tôi không khỏi bật cười?

Cũng cần nói thêm cho rõ, việc tôi chỉ ra sai sót trong những ví dụ của bà không có nghĩa tôi cho rằng “tiếng Việt Sài Gòn cũ” còn sống. Tôi không biết (và không quan tâm) nó còn sống hay đã chết.

Trở lại với từ “quản lí”. Bà Thủy cho rằng: “Từ 'quản lý’ = management = quản trị, chịu trách nhiệm. Từ này bắt chước từ Trung Quốc và bị lạm dụng. Nói: 'Anh X quản lý một xí nghiệp’ thì được, nhưng quản lý một con người, một cá nhân thì không được. 'Quản lý’ chỉ dùng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hành chánh. 'Quản lý’ không dùng cho lĩnh vực tình cảm được, tình cảm không phải là một lô hàng, không phải là một xí nghiệp.

Tôi không bình luận về nhận định trên, nhưng tôi xin hỏi bà Thủy, trong trường hợp một công an trại giam (hay còn gọi là quản giáo. Quản giáo= quản lí, giáo dục) có trách nhiệm trong coi, điều khiển một/vài tù nhân, ta phải dùng từ gì để diễn đạt cái công việc của anh ta một cách ngắn gọn và chính xác nhất? Theo Từ điển tiếng Việt 2004 (Viện ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên), quản lí: trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định. Quản: Trông coi, điều khiển. Vậy có gì bất thường, bất hợp lí khi nói/viết rằng: “Ông quản giáo X có nhiệm vụ quản lý tù nhân Y, Z”?

Thưa bà Trịnh Thanh Thủy, không hiểu vì lí do gì mà bà cho rằng tôi “phiền” về nỗi hoài cảm của bà. Hoài cảm, hoài niệm là một tình cảm tự nhiên của con người. Đã là con người, ai không có những hoài niệm về một điều/cái gì đó? Chẳng những không “phiền”, tôi còn tôn trọng tình cảm ấy của bà. Vâng, đúng như bà nói: “cái đa cảm của tôi về một ngôn ngữ dần chìm vào quên lãng cũng là cái đa cảm của những người Việt khác đã bỏ nước ra đi hay những người Sài Gòn cũ còn ở lại. Chỉ có những người đã nói, đã sống một thời với nó mới cảm nhận được”. Điều này cũng tương tự như hiện tượng nhiều em bé chỉ chịu ngủ khi đắp cho chúng tấm chăm thấm đẫm mùi nước đái của chính chúng. So sánh này có thể khiến nhiều người tức giận, nhưng thực tế, nó không có gì sai. Tấm chăn đó chỉ có giá trị với riêng em bé đó. Vì thế, giả sử tôi có là kẻ “ác tâm” như bà viết, thì tôi cũng không bao giờ có ý định ngăn cản bà “ngồi khóc cho quê hương”, cũng như nhà cầm quyền cộng sản chẳng bao giờ lấy làm phiền khi người ta chống cộng bằng cách không dùng ngôn ngữ Việt cộng.

Vài nhời [1] với ông/bà Nguyễn Vy Khanh:

Thoạt đầu, tôi thật sự băn khoăn, bởi không hiểu tôi đã quá tự tin về điều gì như ông/bà viết. Nhưng sau đó, tôi gạt ngay sự băn khoăn ấy ra khỏi đầu, bởi viết mà không tự tin thì viết làm gì. Và tôi hoàn toàn thanh thản khi thấy ông/bà so sánh ý kiến của tôi với phản ứng của hàng trăm người nào đó với một cô bé nào đó. So sánh này khiến tôi thấy không còn lí do viết thêm một dòng nào để đối thoại với ông/bà.


[1]nhời: lời (ngôn ngữ châu thổ sông Hồng trước 1954)