trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
14.3.2003
Lê Hoàng
Cao Xuân Hạo: Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?
 
Bài viết của GS Cao Xuân Hạo về ưu thế hơn hẳn của chữ Hán so với chữ Tây, chắc chắn không ít thì nhiều đã gây tranh cãi. Phản bác có Nguyễn Hoàng Sơn, bênh vực có Trịnh Hữu Tuệ:

Khi GS Cao Xuân Hạo nhắc đến kết quả thí nghiệm của một nhóm học giả Mỹ về chứng alexia để củng cố ý kiến của mình, Nguyễn Hoàng Sơn chỉ trích rằng đây chỉ là một "thí nghiệm duy nhất... mà chắc GS cũng chỉ đọc trên báo, chưa được kiểm nghiệm". Lời chỉ trích này cho thấy Nguyễn Hoàng Sơn không có khái niệm gì về cách làm việc khoa học. Nếu mới chỉ có một thí nghiệm, hoặc ta chỉ biết về một thí nghiệm, thì việc trích kết quả của thí nghiệm ấy là hoàn toàn bình thường, chẳng việc gì ta phải đợi đến thí nghiệm thứ hai, thứ ba cả. Còn việc chỉ đọc trên báo mà chưa kiểm nghiệm thì gần như là điều tất nhiên. Chính vì thế nên mới có hàng nghìn tờ chuyên san khoa học, để mọi người có thể đọc mà không cần đến tận nơi kiểm nghiệm.

Đọc qua những bài ấy, tôi vẫn thắc mắc, tự hỏi: Liệu ai có sức thuyết phục hơn, GS Cao Xuân Hạo hay Tiến Sĩ kiêm chuyên gia Rùa Hoàn Kiếm Hà Đình Đán?

Trong nhiều năm qua Hà Đình Đán nhiều lần xuất hiện trên báo SGGP với đề tài Rùa Hoàn Kiếm. TS Đán đã thống kê những lần rùa nổi lên ở hồ Hoàn Kiếm để chứng minh rùa hồ Hoàn Kiếm là Rùa Thiêng, là Quốc Bảo - theo đó hầu như vào các ngày lịch sử (không nhớ rõ) hay những lần tu sửa khuôn viên hồ Hoàn Kiếm thì rùa luôn nổi lên. Thống kê như vậy liệu có giá trị nếu không xem xét cả những ngày thường? Tỷ lệ rùa xuất hiện trong các ngày lễ có lớn hơn nhiều so với ngày thường? Chả may rùa hầu như ngày nào cũng nổi mà TS Đán không biết, thì kết luận rùa thiêng càng buồn cười hơn!

Còn thí nghiệm của GS Cao Xuân Hạo về chứng alexia có gì khác không? Thí nghiệm chứng tỏ những trẻ học kém chữ Latin không tỏ ra đần độn khi học chữ tượng hình (tức khả năng nhận dạng phân tích kém hơn khả năng nhận dạng tổng hợp), nhưng vẫn chưa chứng tỏ trẻ học kém chữ tượng hình cũng không thể học chữ Latin tốt hơn - chưa thể vội vã kết luận gì, vì khả năng tổng hợp kém chưa chắc khả năng phân tích cũng kém. Sở trường và sở đoản mỗi người có khác nên thí nghiệm ấy chưa chứng minh hệ chữ nào kém hơn. Không những Tư tưởng mà Khoa học Đông Tây cũng khác nhau ở điểm này: Đông thiên tổng hợp (chủ toàn), và Tây thiên phân tích (chủ biệt). Chẳng hạn ở Phương Tây thì Vật Lý không thể khảo sát tương tác vật chất nếu không cô lập hệ thống, ngược lại, Đông Y dựa trên quan niệm holistic, giúp người bệnh lấy cân bằng mà tự khỏi bệnh. Ai dám bảo Đông Y hay Tây Y luôn hiệu quả hơn? Và thí nghiệm một chiều của GS Cao Xuân Hạo đã khẳng định được gì chăng?

Cũng như thống kê Rùa Hà Đình Đán, rõ ràng là không phải thí nghiệm và kết luận "khoa học" nào cũng đáng tin cậy. Một nhóm nghiên cứu ở Đại Học Harvard đã tiến hành 1 cuộc thí nghiệm để tìm hiểu hội chứng Cao Lầu (Chinese Syndrome), nhức đầu khó chịu khi ăn các món nêm nhiều bột ngọt. Họ cho hai nhóm ăn có bột ngọt và không bột ngọt nhưng không hề biết mình thuộc nhóm nào. Theo họ kết quả cho thấy hội chứng Cao Lầu chỉ là chuyện hoang đường. Nhưng kết luận như vậy có đủ tin cậy không?

Thứ nhất là không rõ:

– Họ thử bột ngọt ít nhiều ra sao, vì người Âu Mỹ to con khỏe mạnh hơn ắt phải thử với liều lượng cao hơn.

– Họ đã thực hiện thí nghiệm với cả những người mắc hội chứng Cao Lầu không? Nghĩa là thí nghiệm có những 4 nhóm, trong đó có 2 nhóm chứ không phải 1 nhóm đối chứng.

Thứ hai, kết luận ấy không thể phủ nhận thực tế cá nhân tôi là nạn nhân chứng Cao Lầu: mỗi lần ăn món nêm nhiều bột ngọt, chẳng hạn món phở Bắc, tôi bị đau gáy buốt trán tức ngực mỏi nhừ lưng - và bị nhiều lần trước khi tôi biết đến nạn nhân thứ 2 của triệu chứng ấy, thậm chí trước khi biết đến các danh từ Hội Chứng Cao Lầu và Chinese Syndrome - hoàn toàn không thể do ảnh hưởng tưởng tượng từ sách báo hay lời truyền miệng.

Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai ...) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó [1] .

Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "diện mạo tổng quát" này được gọi là Gestalt. Cái Gestalt này càng gọn ghẽ (prégnant) bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán.


Theo GS Cao Xuân Hạo, Gestalt càng gọn ghẽ bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Và GS Cao Xuân Hạo kết luận "về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây." Nhưng hơn hẳn như thế hẳn đã có ý nghĩa gì: tốc độ nhận dạng từng chữ nhanh hơn liệu có tác dụng nào hơn, khi nó nhanh quá so với tốc độ xử lý tiếp nhận dòng thông tin? Tương tự, với tốc độ đánh máy chuyên nghiệp có giới hạn, việc nâng cấp máy PC lên P4 tốc độ 3Hz hay 300GHz gì đó liệu có giúp ta gõ văn bản nhanh hơn không? Các nhà tâm lý trên không nêu rõ tốc độ nhận diện từng Gestalt so với giới hạn tốc độ xử lý dòng thông tin qua các Gestalt đó. Ngoài khía cạnh nhận diện mặt chữ ra, cú pháp các thứ tiếng khác nhau có vai trò quyết định nào đối với tốc độ não xử lý dòng thông tin qua ngôn ngữ đó?


Không rõ theo GS Cao Xuân Hạo thì chữ viết (có thể cải biến) hay cú pháp (kể như bất biến) mới có vai trò quyết định hơn cả? Nhưng rõ là ông ca ngợi ưu thế của chữ Hán không chút nghi ngại: Không có gì đáng lấy làm lạ nếu sách chữ Tây rất khó đọc theo cách "Nhất mục thập hàng" như sách chữ Hán.

Tôi không biết tiếng Pháp, Đức, Nga ra sao, chứ với tiếng Anh thì đã có nhiều sách luyện đọc nhanh, giúp ta cải thiện tốc độ đọc, tăng lên 500-2000 chữ một phút. Nhưng cứ theo các sách đó, thì số có thể vừa đọc vừa sang trang rất hiếm. Liệu so với tốc độ đọc chữ Hán dễ dàng nhanh cỡ "Nhất mục thập hàng", ai sẽ vội vã cho rằng các nước Âu Mỹ nếu không đã thì trước sau gì cũng "thua hẳn" các nước dùng chữ tượng hình?

Còn ở Việt Nam nhu cầu đọc nhanh đã thành một hiện tượng xã hội chưa? Ở Việt Nam đã có sách luyện đọc tiếng Việt cho nhanh hơn chưa? Bản thân GS Cao Xuân Hạo đã có ý định viết sách luyện đọc nhanh tiếng Việt chưa? GS đã thống kê xem người đọc nhanh như máy chiếm bao nhiêu phần trăm trong số những người thành đạt ưu tú nhất nhì trong các nước dùng chữ tượng hình và chữ hệ Latin? Hiện nay trình độ quản trị và đào tạo ở các nước tiên tiến đã bỏ xa các nước tụt hậu - người quản trị / người học hiện nay không phải cứ ngốn càng nhiều báo cáo /sách báo là xong việc. Đành rằng đọc ít nghĩ nhiều và đọc nhiều nghĩ ít đều cần thiết - nhưng quan trọng hơn cả là đọc/học 1 biết 10 làm 100 - chứ không phải đọc/học 10 biết 1, như cách học nhồi nhét ở bậc phổ thông tại Việt Nam hiện nay.

GS Cao Xuân Hạo có vẻ rất hào hứng với tốc độ đọc chữ Hán, nhưng tốc độ viết chữ Hán thế nào? Rõ ràng chữ Latin kiểu viết tay nét liền nét (không phải chữ Việt cải cách khốn khổ, bỏ bớt nét ngoặc cho "đơn giản dễ viết" năm nao) bình thường viết nhanh dễ hơn chữ Hán; còn muốn ngoáy tiếng Hán cho nhanh, chỉ có loại chữ thảo. Nhưng tiếc rằng cũng như chữ tốc ký tiếng Việt hay tiếng Tây chuyên dùng của thư ký ngày xưa, chữ thảo không phải là cách viết phổ cập, không phải ai cũng biết và cũng dễ đọc. Theo tôi biết chữ tốc ký tiếng Việt viết tháu thì ngay cả người viết cũng chào thua, vậy chữ thảo tiếng Hán cũng là tốc ký mà viết tháu có dễ đọc hơn? Cũng xin hỏi bản thân GS Cao Xuân Hạo đã định chuyển sang ghi chép tay bằng tiếng hay chữ Hán chưa? GS Cao Xuân Hạo có dùng Windows bản tiếng Hoa?


Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ "Quốc ngữ" thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ của Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?

Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm) …, thì tình hình có lẽ đã khác.

Lập luận và giả định trên có gì nhầm lẫn hay sắc bén? Tại sao Việt Nam không dùng chữ Hán và Bắc Hàn có dùng chữ Hán đều nghèo khó nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc? Vì cái hoạ chữ Quốc ngữ hay hoạ chữ Nôm, vì chiến tranh hay vì mấy lần theo học Trung Cộng nên Việt Nam đến nay mới bắt đầu khá hơn Bắc Hàn nghèo đói? Thực tế là: đều dùng chữ hình tượng, nhưng Bắc Hàn và Nam Hàn lại không cùng sánh bước phát triển kinh tế; và Đài Loan chứ không phải Trung Cộng nhất nhì thế giới về sản xuất Mainboard (bo mạch chủ cho máy tính PC); và Trung Cộng nhờ Bác Mao đã từng tụt lùi khá xa trước khi trở thành cọp giấy [*] (thế mà không ngờ đã hóa rồng thật). Liệu có thể cho rằng tiến bộ vượt bực ở Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Singapore, Ðại Hàn đều là nhờ chữ Hán? Ở Singapore tiếng Anh chứ không phải tiếng Hán là ngôn ngữ dùng toàn lãnh thổ, còn tiếng Hán chỉ là một trong bốn ngôn ngữ bản địa chính thức bắt buộc trong phạm vi cộng đồng sắc tộc, vậy tiếng nào mới là có công đóng góp cho sự phồn vinh của Singapore? Giá mà Việt Nam vẫn dùng chữ Hán, thì chắc sẽ hoá rồng nhanh hơn Bắc Hàn và Singapore? Cũng theo lập luận ấy, giá mà Nam Hàn chuyển sang chữ Tây, có lẽ Bắc Hàn đã thống nhất Nam Hàn từ lâu?

Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ - barrières linguistiques - xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá, và đến lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện nay.

Đấy cũng chỉ là một dự đoán? Hay sẽ là một cuộc đổi ngôi ngoạn mục, một cuộc tái sinh cái nôi văn minh Trung Hoa? Chả có gì khó hiểu khi ta chưa từng nghe có ai nói đến cái gọi là Nôi Văn Minh Hoa Kỳ. Từ lâu thông tin lan đi toàn cầu với tốc độ ánh sáng, triệt tiêu khoảng cách địa lý, đã khiến khái niệm Nôi Văn Minh trở thành vô nghĩa. Hay nói rõ hơn, chỉ có thể nói rằng Hoa Kỳ là mồ chôn nôi văn minh nhân loại thì đúng hơn. Ánh sáng cuối cùng từ cái nôi ấy, nếu có, chính là tiếng Mỹ, vẫn và sẽ không ngừng lấn lướt tiếng Pháp trong cộng đồng EU, và tín hiệu số hóa trên mạng InterNet toàn cầu. Liệu sẽ có một luồng ánh sáng ngược lại, hồi sinh từ Trung Hoa Cổ Đại xa xưa?

So với người Nhật và người Việt Nam chỉ giỏi giữ nước hơn là cướp nước, người Mông Cổ chỉ vô địch cướp nước, quả đúng là người Trung Hoa vô địch giữ nước và cướp nước, và có tiếng thông minh nhất nhì Châu Á. Nhưng hiện nay chính người Trung Hoa đang dốc hết tâm sức học hỏi từ Phương Tây nói chung, và từ Mỹ nói riêng. Sách Mao và sách Khổng mang nặng tư tưởng áp đặt đã bị cất vào bảo tàng viện để họ khởi đầu công cuộc giải phóng sáng tạo trong môi trường giáo dục. Họ sẵn sàng trả lương tương đương lương Mỹ trả để khuyến khích nhân tài trong các ngành mũi nhọn sau khi học ở Mỹ về Trung Cộng làm việc hết mình. Tất nhiên tham vọng của họ là vị trí hiện nay của Hoa Kỳ, là những Bill Gates Made in China, nhưng khó mà tưởng tượng được rằng trong tương lai chữ Hán sẽ là kẻ sống sót duy nhất, là mồ chôn các chữ viết hệ Latin của thế giới - trừ khi Trung Hoa trở về ngôi vị Cổ Đại II, là cái nôi văn minh nhân loại, chẳng hạn khi nó là quốc gia duy nhất sống sót sau một thảm họa toàn cầu nào đó.

Dự đoán ấy nếu thành sự thật, sẽ là đáng vui hay đáng sợ?

© 2003 talawas



[*] cọp giấy: lời chế diễu của Liên Xô - nhan đề một cuốn sách của nhà xuất bản MИP - trước kế sách "Bốn Hiện Đại" của Trung Cộng, trong thời kỳ hai nước Xô Trung xung đột. Tựa bản dịch sang tiếng Anh là Paper Tiger (Mir Publishers).