trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
7.12.2006
Phạm Quang Tuấn
Nguyễn Vy Khanh dõng dạc bảo trong nước "dùng sai tiếng Việt". Trịnh Thanh Thuỷ hỏi: "Ông quản giáo X có nhiệm vụ quản lý tù nhân Y, Z? Tôi ngạc nhiên tại sao người ta không dùng chữ ‘trông nom, trông chừng’ thay vào chữ ‘quản lý’ có hay và thuần Việt hơn không?".

Những chữ "sai tiếng Việt", "thuần Việt" thật là thú vị, nhưng thú vị nhất có lẽ là chữ "hay" của Trịnh Thanh Thuỷ. Không hiểu dựa vào đâu để bảo rằng một từ này "hay" hơn một từ khác nhỉ? Chuyện thơ hay, văn hay người ta còn không đồng ý nhau và cãi vã tơi bời trên talawas và các nơi khác, huống chi một "chữ hay"!

Riêng tôi thì thấy chữ "quản lý" dùng trong trường hợp chỉ một nhiệm vụ chính thức nó chính xác và... hay hơn là "trông nom", "trông chừng", những từ này nên để dùng trong khuôn cảnh không chính thức thì hơn: ở nhà cha mẹ đi vắng thì chị trông nom em, nhưng khi bà chị làm giám đốc trại tù và thằng em làm trái luật bị giam thì bà giám đốc phải quản lý người tù chứ không chỉ "trông nom" hay "trông chừng" được! Trong tiếng Anh, những từ manage, supervise, look after, caretake, take care of, take charge of v.v. cũng vậy, tuy đại khái thì đồng nghĩa với nhau nhưng mỗi từ có một sắc thái (nuance) khác biệt. Giở thesaurus ra sẽ thấy từ nào cũng có hàng chục họ hàng đồng nghĩa xa gần. Sự phong phú đó (thesaurus từ chữ treasure là kho báu) chính là một điểm hãnh diện của ngôn ngữ Anh.

Trịnh Thanh Thuỷ cũng bảo nên dùng "trông nom, trông chừng" vì nó "thuần Việt" hơn. Nhưng nếu dùng những từ rất "thuần Việt" như nhà đẻ, máy bay lên thẳng v.v. thì chắc bà cũng không thích lắm! Cho thấy là "thuần Việt" không bao giờ là một lý do chính đáng để dùng một chữ. Trong đoạn trước, Trịnh Thanh Thuỷ có vẻ không vui vì chữ "ghi danh" của "tiếng Việt Sài Gòn" đã được thay thế bởi "đăng ký". Chữ này ghép "ghi" là tiếng thuần Việt (đúng hơn là gốc Hán, nhưng đã chuyển thành một dạng thuần Việt), với "danh" là tiếng Hán Việt, theo thứ tự tiếng Việt, vừa không ổn về ngữ pháp (tả pín lù), vừa thừa thãi vì đã có từ "ghi tên" rất thuần Việt và rất đúng về ngữ pháp! Tuy nhiên dùng mãi "ghi danh" thì cũng vẫn thấy... không sai, thậm chí thấy... hay, vì quen tai. Từ "tạp ghi" rất thông dụng trong tiếng Việt Sài gòn và hải ngoại, cũng có thể xếp vào loại tả pín lù này.

Khi di cư năm 1954, tôi còn nhỏ nhưng cũng còn nhớ là ba tôi suốt ngày phàn nàn rằng người Nam nói tiếng Việt "sai bét". Ô-tô thì gọi là xe hơi - hơi gì vậy? Xe đạp gọi là xe máy - máy ở đâu? Tôi thì dĩ nhiên không thấy sai gì lắm! Ði du học thời Mỹ đổ vào miền Nam, cứ mỗi năm đón một nhóm du học sinh mới qua là lại xính vính trước những từ mới của họ (nâm bờ ten, ô kê sa lem, bụi đời, sờ nách ba, xì ke, v.v.). Dần thì cũng quen.

Ngôn ngữ như là dòng sông, mỗi ngày mỗi thay đổi. Dòng sông mà dừng lại thì không phải là sông nữa. Tiếng Việt Sài Gòn đã bắt đầu chết từ ngày 30/4/1975, ngay cả trong miệng những người Sài Gòn tỵ nạn, khi họ bước lên thuyền và phải học những tiếng dân chài, rồi được vớt lên các chiến hạm Mỹ ở ngoài khơi và phải bắt đầu pha trộn tiếng Mỹ. Thay vì than vãn cái chết của một ngôn ngữ, ta phải lấy làm mừng là sự tiến hành song song của hai dòng ngôn ngữ Bắc Nam và sau đó là trong nước - hải ngoại đã làm cho tiếng Việt phong phú hơn, nhiều từ hơn, và với sự biến chuyển gạn lọc tự nhiên của thời gian, sẽ giúp ta có thể diễn tả nhiều nuances hơn. Cũng như sự tồn tại của hai nguồn từ thuần Việt và Hán Việt đã làm cho tiếng Việt ta phong phú và nhiều khả năng diễn tả hơn trong hai ngàn năm trước đó. Tiếng Anh sở dĩ phong phú là vì không những có nhều nguồn chữ từ tiếng Anh cổ, tiếng Hy Lạp, La Mã, Pháp, Scandinavian, và vô số thứ tiếng của các dân tộc thuộc địa, mà còn vì các giống dân nói tiếng Anh ở Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand mỗi dân có một hoàn cảnh riêng và tâm lý riêng, đóng góp những từ ngữ và thành ngữ riêng của mình. Hy vọng rằng người Việt mình cũng đủ khôn ngoan để lợi dụng hoàn cảnh chia cách làm cho phong phú ngôn ngữ, thay vì bàn cãi tiếng nào "hay" hay "đúng" hơn tiếng nào một cách vô bổ!