trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
19.12.2006
Bùi Tín
Lại bàn về thái độ khoa học và biện chứng
(Đáp lại bài của Đông La ngày 14-11-2006 trên talawas)
 
Nhân bài viết "Nhìn lại cuộc Cải cách ruộng đất: Những bài học còn nóng hổi’’ của tôi đăng gần đây trên các mạng talawas, Đàn Chim Việt, các báo Thế kỷ 21, Thông Luận..., Đông La nhận định: "Việc Bùi Tín xới lại những cái cũ ai cũng biết với thái độ không xây dựng, mà mục đích chính là để hạ uy tín những nhà lãnh đạo cũng như chế độ Việt Nam hiện thời không thể 'khoa học’ được…’’.

Có thật ai cũng biết rằng Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở Việt Nam hồi ấy là sản phẩm đặc sệt Trung Hoa không? Rằng khi sửa sai, Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam đã không hề nói rằng vì đã mù quáng tuân theo các chỉ dẫn của cố vấn Tàu, nên không sửa sai được tận gốc? Rằng mục tiêu thật sự của CCRĐ không phải là chia ruộng đất cho nông dân mà là nhằm củng cố nền chuyên chính của ĐCS đối với toàn xã hội? Rằng ngay sau đó Đảng lại buộc nông dân phải vào hợp tác xã từ cấp thấp đến cấp cao, để 30 năm dài nghèo đói vì 95% đất nông nghiệp vào ruộng hợp tác xã không nuôi nổi nông dân bằng 5% đất còn lại cho mảnh ruộng riêng của họ…?

Có thật ai cũng biết rằng chính lãnh đạo Trung Quốc - cụ thể là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai - là kẻ đã có sáng kiến chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, rồi ép ông Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp phải chấp nhận ở Hội nghị Genève, theo lợi ích của riêng Trung Quốc? Rằng thái độ lệ thuộc Trung Quốc (mà Đông La cho là đúng đắn, tất yếu) từ đó - chỉ trừ thời gian từ 1975-1991 – và đặc biệt tệ hại từ sau Đại hội VII (1991) đến tận hôm nay, thông qua sự tác động công khai rồi ngấm ngầm và dai dẳng của cặp Đỗ Mười và Lê Đức Anh, đã kìm hãm đất nước ta phát triển và hội nhập ra sao, gây những tổn thất nặng nề trên đất, trên biển đến mức nào?

Trong bài báo nói trên, tôi còn muốn nêu lên mối quan hệ giữa ĐCS với nông dân Việt Nam, nó có phải tuyệt hảo, tốt đẹp, hay là đầy bi kịch nối tiếp nhau, từ Cải cách ruộng đất, qua hợp tác hoá cưỡng bức, đến việc hy sinh hàng triệu sinh mạng nông dân trai tráng trên các chiến trường A, B, C… để giờ đây nông dân và nông thôn bị thành thị bỏ ngày càng xa vời trên con đường phát triển, với những quốc nạn tham nhũng, địa tặc, cường hào ác bá mới, dân oan khiếu kiện bị đàn áp, nền y tế giáo dục xuống cấp bi thảm, nạn bán dâm, buôn bán trẻ em và phụ nữ luôn lập kỷ lục mới. Một món nợ lưu cữu nặng nề của ĐCS đối với nông dân.

Tôi viết ra những sự thật trên đây là để hạ uy tín của lãnh đạo và chế độ hiện hành ư? Tôi đã từng là một nhà báo/công chức của Đảng, viết báo chỉ để tô vẽ, ca ngợi, tung hô Đảng và chế độ, theo kiểu cách tốt đẹp phô ra, khuếch đại lên, tô màu thêm lên, xấu xa đậy kín lại, có nghĩa là trình làng khá nhiều bài báo không đúng sự thật, đầy mỹ từ, sặc sỡ mà giả dối nhạt nhẽo, góp phần làm cho báo Nhân dân luôn ế ẩm trên thị trường. Từ 16 năm nay, tôi vui sướng được từ bỏ cái tư cách ấy, để là một nhà báo tự do, sám hối và hổ thẹn về nhiều bài báo không thành thật của mình trước kia, thông cảm sâu sắc với 8 ngàn nhà báo trong nước, đồng nghiệp của tôi, đến nay vẫn chưa được là những nhà báo tự do, gần đây còn bị ông Thủ tướng dán thêm băng keo vào mồm bằng Chỉ thị 37.

Đông La còn cho rằng tôi là kẻ bất mãn, tham vọng cá nhân không được thoả mãn nên tìm cách đạp đổ, chọc gậy bánh xe. Ông kể ra: dư luận cho rằng nếu như tôi được lên Tổng biên tập (báo Nhân dân), vô Trung ương (Đảng) thì tôi sẽ chẳng bao giờ chống đối.

Đây là ý kiến riêng của ông, việc gì ông phải núp sau cái gọi là dư luận? Tôi mong Đông La kể ra được một ai đó mà ông coi là "dư luận’’, từng biết rõ, hiểu rõ tôi, ở trong Quân đội Nhân dân, ở toà soạn báo Quân đội Nhân dân và toà soạn báo Nhân dân (nơi tôi làm việc từ 1965 đến 1990), thấy được cái tham vọng muốn "lên Tổng biên tập" và "vô Trung ương Đảng" của tôi. Đông La có quyền phán đoán, suy diễn, tưởng tượng…, nhưng nếu như không muốn ai nói sai về mình thì chớ nên nói sai, dựng đứng về người khác.

Suốt thời gian làm báo, tôi hoàn toàn tâm nguyện và phấn đấu là một nhà báo tốt, năng động, có bút pháp riêng, được bạn đọc (hơn là lãnh đạo) mến mộ. Đó là niềm say mê riêng, sau khi đi được đến hơn 20 nước, làm quen với hàng trăm nhà báo Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Đức, Ý, Úc, Thái lan… Trong hàng chục huân chương được thưởng, tôi quý nhất tấm huân chương quốc tế Julius Fuçik do Hội Nhà báo Quốc tế OIJ qua ông Chủ tịch Nordenstreng trao ở Hà Nội năm 1977. Vì Đông La suy diễn tuỳ tiện về tôi nên tôi xin được giãi bày cùng dư luận như thế. Địa vị, danh vọng, hưởng thụ vật chất quả thật không hấp dẫn tôi như Đông La nghĩ đâu.

Đông La nhắc đến ý kiến của ông Hoàng Tùng, nhà lý luận và tuyên truyền hàng đầu của chế độ mà tôi biết rất rõ. Từng ca ngợi hết lời Staline và Mao Trạch Đông, sau khi Liên Xô tan rã tháng 8-1991, ông Hoàng Tùng hiểu ra nhiều sự thật, đến mức quay phắt lại nhận xét thẳng thắn rằng quả thật Staline vượt qua tội ác của Hitler, và Mao vượt xa tội ác của Tần Thuỷ Hoàng, điều mà đến nay những người cầm quyền cộng sản vẫn chưa ai dám nói. Tôi hiểu ông Hoàng Tùng không thể đi xa hơn để nhận định về ông Hồ Chí Minh, người từng dõng dạc tuyên bố tại hội trường Đại hội II của ĐCS tháng 2-1951: "Bác bảo đảm rằng các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông vĩ đại của chúng ta không bao giờ phạm sai lầm". Đông La kể ra việc ông Hồ xé danh sách các sĩ quan chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam gốc tiểu tư sản mà cố vấn Tàu muốn gạt bỏ - một việc làm đáng ca ngợi - thế nhưng việc to lớn hơn, bao trùm và nặng nề hơn: đề nghị ghi tư tưởng Mao Trạch Đông vào Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam làm nền tảng lý luận và tư tưởng thì ai đã làm? Đông La kể ra việc tướng Giáp thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", nhưng tôi cho rằng thật ra như thế vẫn là theo tư tưởng "thí mạng", "thí quân", một dạng của "biển người". Đã có đại biểu Quốc hội nào trong thời chiến dám chất vấn (dù là bí mật, trong nội bộ) người chỉ huy về số thương vong ở Điện Biên Phủ, ở An Lộc (1972-73), ở Quảng Trị (1972), ở Cam-bốt (1977-1989)? Xin thưa đó là những con số 30 ngàn, 20 ngàn, 14 ngàn thương vong, 52 ngàn chết và 200 ngàn bị thương, - tương ứng với các điạ danh trên, theo số tròn, - với 300 ngàn còn mất xác, toàn là trai tráng tuấn tú, chất kem của dân tộc. Lẽ ra ông Giáp phải nghiền ngẫm nhiều lắm về cái tên gọi: Quân đội Nhân dân hay quân đội của Đảng, chỉ phục vụ Đảng và chết cho Đảng?

Và khi Việt Nam đàm phán với Trung Quốc về biên giới, hàng trăm sĩ quan, binh sĩ gửi thư cho lãnh đạo nói lên thắc mắc, đau xót, uất ức do bị lấn đất, lấn biển, mất đảo, tôi chờ một lời lên tiếng của ông, tướng Giáp, người lẽ ra phải nhạy cảm nhất về từng tấc đất Tổ quốc bị xâm phạm, thì ông im lặng. Hoàn toàn im lặng! Các bạn tôi từ Hà Nội báo tin sang và nhận xét: Ông đại tướng ta hết sợ hai ông họ Lê đã chết thì nay lại sợ M+A Tàu. M+A là Đỗ Mười và Lê Đức Anh, thế lực chính theo chân bọn bành trướng Tàu.

Tướng Giáp đã có lần gửi thư rất dài cho lãnh đạo, khiếu kiện về vụ Tổng cục 2, nhưng không được trả lời dù chỉ một câu. Ông bị coi thường vì do động cơ sĩ diện cá nhân chứ không phải vì nhân dân và đất nước, không vì nghĩa lớn, không vì quốc dân đại sự. Cái não trạng lệ thuộc Tàu, phụ thuộc Tàu, nể sợ Tàu. Hãy nghe thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ kể trong Hồi ức và suy nghĩ: "Cuối tháng 9-1990 tướng Giáp được mời sang Bắc Kinh dự khai mạc Á Vận hội (ASIAD 11), ông ngỏ ý xin được gặp tướng Tàu Dương Đắc Chí, kẻ chỉ huy cuộc tấn công tháng 2-1979 tàn phá 6 tỉnh phía Bắc nước ta, liền bị tướng Tàu này cự tuyệt: Đời nào tôi lại gặp ông ta!". Thế có phải là hớ, là mất thể diện, do não trạng lệ thuộc, nể sợ nước lớn không? Tôi mong rằng tướng Giáp, trước khi trăm tuổi, có một sự thức tỉnh, tỏ lòng ưu ái với những đồng chí đồng đội của mình bị đối xử tàn tệ bất công, tỏ thái độ với các hiệp định bất bình đẳng Việt–Trung, về các đảo bị chiếm; ủng hộ tiếng nói đòi tự do; những điều đó có giá trị cao hơn nhiều vô vàn huân chương và 8 ngôi sao vàng đại tướng trên vai ông.

Đông La luôn bênh vực thái độ lệ thuộc Trung Quốc, coi như một định mệnh tất yếu bởi thuyết địa lý-chính trị. Vậy thời Lý, thời Trần sao ông cha ta vẫn sống độc lập, tự chủ? Sao Mãn Châu và Mông Cổ nhỏ bé lại từng không những không chịu lệ thuộc mà còn cai trị Trung Hoa? Sao các nước láng giềng xa gần Trung Quốc, từ Ấn Độ, Pakistan, Népal, Thái Lan, Miến Điện, cho đến Nam Hàn, Đài Loan… đâu có chịu cái định mệnh lệ thuộc ấy? Huống gì là ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vũ khí hiện đại, pháp lý quốc tế, không gian/điạ lý không còn giá trị như trước. Không lệ thuộc không có nghĩa là đối lập, mà là giữ quan hệ láng giềng tốt, thế thôi.

Cuối cùng còn một điểm, Đông La cho rằng tôi thay đổi chính kiến "thực chất không phải là do nhận ra con đường mình đi là sai (nếu thật vậy họ không thể đi lâu như thế), mà chỉ đơn giản là do tham vọng không đạt nên đã quay lưng". Một ý kiến chủ quan, ngộ nghĩnh nữa!

Sao lại vơ đũa cả nắm thế? Mỗi người có một nguồn gốc, một hoàn cảnh, quá trình nhận thức, nhân cách riêng. Cứ đi lâu một con đường thì không còn có thể nhận ra sai lầm ư? Thảo nào trong ĐCS Việt Nam vẫn còn quá nhiều người mù quáng, chậm nhìn ra lẽ phải và sự thật đến thế. Theo tôi, có người thay đổi chính kiến vì bất mãn, vì tham vọng cá nhân không đạt, nhưng cũng có nhiều người thay đổi chính kiến vì nhận ra con đường sai lầm ảo tưởng, có hại cho đất nước và dân tộc. Có người sớm, có người rất sớm. Có người muộn, và cũng có người dù nhận ra nhưng không dám nói lên sự thật vì thiếu nghị lực, buông trôi, không có gan thay đổi.

Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh nhìn ra rất sớm con đường cộng sản là tệ hại, đã viết thư cho anh Nguyễn Tất Thành (sau là Hồ Chí Minh) can ngăn rất chí tình. Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi khi có dịp qua Liên Xô trở về hồi 1978 lắc đầu ngao ngán nói với tôi: "Chế độ này hỏng tận gốc, không sống được!", "Con người ở Liên Xô vẫn chỉ là nông nô mới’’. Anh Từ Chi không bất mãn cá nhân, anh có trí tuệ và dũng khí của một trí thức có tư duy độc lập. Cụ Nguyễn Đổng Chi hồi trước, anh Nguyễn Huệ Chi hiện nay (vừa gửi thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu sớm giải quyết các vụ tham nhũng lớn nhất, không thể lần lữa) hình như cùng có gien tư duy độc lập và nhân cách kẻ sĩ, đâu có vì bất mãn. Tôi quý trọng tướng Trần Độ sau 50 năm trong Đảng, đến cuối đời vẫn nói lớn lên điều mình nhận ra là "Đảng CS đã trở thành trở ngại nguy hiểm nhất cho sự phát triển lành mạnh của dân tộc’’. Tướng Trần Độ không bất mãn cá nhân, ông là tấm gương về trí tuệ và tâm huyết cho trí thức và đảng viên cộng sản hiện nay. Các nhà báo trẻ Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, các bậc nữ nhi như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Bùi Kim Thành, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ… công khai bác bỏ chế độ độc đảng, độc đoán, độc quyền và độc ác phi nhân, nêu cao khí phách dám nói lên điều mình nghĩ, bất chấp khủng bố của ngành công an, dù cho bị vu cáo là bất mãn cá nhân, là gián điệp.

Tôi cũng muốn nhắc đến tấm gương về trí tuệ của nhà triết học Jean François Revel, từng ở hàng đầu trí thức cánh tả châu Âu, từng sùng bái Staline và Mao, sau một thời gian tự nhìn lại mình và nhìn kỹ lại lịch sử, dám phủ định dứt khoát những khẳng định cũ của mình, để chủ biên tác phẩm Sách đen của chủ nghĩa cộng sản. Với thái độ công bằng, ông công nhận Stalin có đóng góp không nhỏ trong cuộc chiến đấu chống phát-xít, nhưng đóng góp ấy không thể che giấu tội ác khủng khiếp, giết hại hơn 40 triệu sinh linh Xô-viết (giới phú nông cu-lắc, đảng viên Men-sê-vích, cộng sản Bôn-sê-vích, hậu duệ Nga hoàng, trí thức tư sản,... bị bức hại, bị đày ải trong hàng trăm trại Gulag ở Sibérie, hàng triệu nông dân bị bỏ đói ở nông thôn, công nhân kiệt sức trên các công trường thế kỷ…). J. F. Revel công nhận Mao có đóng góp vào công cuộc thống nhất Trung Quốc, là một nhân vật có tầm cỡ của thế kỷ 20, nhưng điều ấy không thể che lấp sự thật khác là Mao có hành động của một bạo chúa bất nhân, cuồng dâm vô độ và vô đạo, qua "Đại nhảy vọt’’ và "Cách mạng Văn hoá vô sản’’ mê muội đã tàn sát hàng trăm triệu lương dân, trong đó có không ít đồng chí gần gũi nhất của mình. (Nhân đây xin thông tin rằng hiện nay ở Trung Quốc người ta không còn hát bài tụng ca Mao "Đông phương hồng" và cũng đã hạ khẩu hiệu "Mao Trạch Đông vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của chúng ta"). J. F. Revel sùng bái chủ nghĩa cộng sản từ tuổi sinh viên đến tuổi ngoài 60 mới thay đổi chính kiến, mà không vì bất mãn cá nhân nào hết. Dư luận châu Âu quý trọng sự thay đổi, quay lưng lại quá khứ như thế, gọi đó là dũng khí tinh thần, là sự lương thiện của trí tuệ (la probité intellectuelle). Phủ định một sự khẳng định cũ khi nhận ra nó sai, dù cho cái sai đã được số đông dựng nên thành thần tượng, đó chính là khoa học,biện chứng.

Chính vì thiếu dũng khí, vì mù quáng và cố chấp mà khi đã trót dại lao vào con đường sai lầm lâu quá rồi, nhiều người rất ngần ngại quay lại tìm con đường khác, có khi quay lại chỗ cũ, cách đây 60 năm. Thật vậy, 60 năm trước, những Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ, những hãng buôn và thương hiệu Cự Phát, Hưng Long, Tân Vinh, nhà in tư nhân Lê Văn Tân, nhà xuất bản tư Nam Đồng thư xã, báo tư nhân Trung Bắc tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phong hoá, Nam phong, xà phòng Cô Ba… đều bị coi là hết thời, không còn đất sống. Đến nay, những nhà tư bản dân tộc, những công ty, sản phẩm, thương hiệu tư nhân như thế lại trở nên thời thượng, trở thành sinh tử cho nền kinh tế phồn vinh của đất nước. Về mặt kinh tế, 60 năm bỗng như con số không. Nếu như không có chủ trương tiêu diệt tư hữu, không coi tư hữu là tội ác, không coi tập thể là phép thần thông mầu nhiệm duy nhất, thì nước ta đâu có chậm hơn Thái Lan đến 20 năm, chậm hơn Đại Hàn đến 30 năm như hiện nay.

60 năm trước người ta đóng cửa trường Đại học Luật, xử án không cần luật sư, nay lại quay lại làm luật, mở trường Đại học Luật, đào tạo hằng vạn luật sư, thẩm phán, có phải quay lại từ điểm 60 năm trước không? 60 năm lầm đường lạc lối, với nền độc lập thiếu vắng tự do và tự chủ, ngỡ là đi lên thiên đường, hoá ra đi vào ngõ cụt lạc hậu bất công cho đại chúng, mà vẫn không chịu tỉnh! Vẫn còn mơ màng ngạo nghễ "đánh thắng hai đế quốc to", và "cả thế giới quý mến chế độ ta vào dịp thượng đỉnh APEC vừa qua"! Hãy nhìn cho rõ cả hai mặt, thời cơ và nguy cơ, thời cơ vàng và thảm hoạ đen, chân kinh tế tiến chân chính trị lùi, chế độ độc đảng tước đoạt mọi công sức của dân lao động, người ngay làm cho kẻ gian ăn, những bài toán hiểm nghèo nhất của đất nước về phát triển vững chắc, công bằng xã hội, môi trường, giáo dục, chế độ pháp quyền nghiêm minh… đều chưa có giải pháp.

Điều trớ trêu là khi nền kinh tế đã trở về với chế độ tư hữu và chủ nghĩa tư bản thông thường trong cuộc sống thì người ta lại không dám nói thẳng ra như thế và cũng không xử sự hoàn toàn như thế. Vì sĩ diện, vì xấu hổ, vì không có dũng khí nhận sai lầm, vì sợ nhân dân nổi giận? Làm mà không dám nói, làm một đằng nói một nẻo. Cho nên quyền tư hữu vẫn không được công khai thừa nhận một cách đầy đủ. Cho nên vẫn cứ gắn lòng thòng cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà không có nội dung riêng. Cho nên không dám trả lại cho dân các quyền tự do của công dân ghi rõ trong Hiến pháp nhưng bị tước đoạt qua một số luật lệ vi hiến.

Xin hỏi Đông La, nên chăng chờ đến khi mọi đảng viên cộng sản phát sinh "bất mãn cá nhân" để từ bỏ một con đường sai lầm đã hiển nhiên, hay là nên kêu gọi những nhân cách kẻ sĩ trong trí thức, cổ vũ những trí tuệ bừng dậy theo kịp thời đại mới, phát hiện và nhân gấp những Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An, Lê Văn Siêu, Phan Chu Trinh của đầu thế kỷ 21 này?

Nhiều nhân cách mới như vậy đã lóe lên từ một số trí tuệ thời đổi mới, như các trí thức Lê Đăng Doanh, Phan Đình Diệu, Trần Văn Hà, Đặng Quốc Bảo, Dương Trung Quốc, Trần Quang Cơ, Cao Hồng Lĩnh, Đào Xuân Sâm, Phạm Như Cương, Hoàng Tụy…, như các nhà văn hoá Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Duy, Lại Nguyên Ân, Dư Thị Hoàn…, như các chiến sĩ dân chủ Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thuỷ, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn cùng hàng nghìn dũng sĩ mới của khối 8406, và hàng vạn vạn nhân cách đang âm thầm vào cuộc.

Trong thời hội nhập, được thông tin đầy đủ để so sánh chính xác nước ta với các nước, mọi công dân yêu nước đều đau xót thấy nước ta bị xếp hạng quá thấp về nhiều mặt. Đã hết cái thời ấu trĩ kiêu ngạo là dân tộc tiên phong, ra ngõ gặp anh hùng! Nên biết rõ rằng ta còn rất kém để mà tìm mọi cách vươn dậy, xốc tới. Về tự do báo chí, Việt Nam bị xếp thứ 144 trên 176 nước. Về nạn tham nhũng, Việt Nam cũng xếp gần cuối. Về thực thi pháp luật công minh cũng là đèn đỏ. Về trình độ của các trường đại học, chúng ta ở thứ 68 trên số 82 nước được xếp hạng. Trong nước, một bài trên mạng VietNamNet đã báo động về tình trạng khoa học và công nghệ ta chưa hề hội nhập với thế giới, khi đang là thời văn minh trí tuệ. Trí thức ta vẫn vắng mặt hoàn toàn trên các tạp chí khoa học đăng các tìm tòi, phát minh có tầm cỡ thế giới...

Nhiều bạn quốc tế lo hộ cho ta là Việt Nam chưa có một think-tank nào, nghĩa là những viện nghiên cứu tư nhân cấp cao, ngoại hạng, chuyên nghiên cứu đường lối, chính sách, chiến lược mới cho đất nước, được coi là cái túi khôn thần kỳ, hiến diệu kế cho hiện tại và dự kiến cho hàng chục năm sau. Họ dám đề xuất những điều táo bạo, người thường không nghĩ đến, đề xuất những tranh luận, phản biện đầy trí tuệ, vượt qua những quyền lợi đảng phái thiển cận, để công luận cân nhắc, xem xét. Đây là sự yếu kém nguy hại nhất. Vì cái túi khôn ở nước ta được dốc ra mỗi 5 năm Đại hội Đảng, thật ra chỉ làng nhàng ở trình độ cấp huyện hay cấp tỉnh về trí tuệ.

Các bạn trí thức trẻ nước ta hãy quan tâm bù đắp sự thiếu vắng này, và biết đâu cùng những cơ quan truyền thông khác, mạng talawas có thể đóng góp để hình thành một think–tank Việt, góp phần hội nhập trọn vẹn với thế giới văn minh trong kỷ nguyên trí tuệ của loài người, bù đắp một thời gian 60 năm nước Việt Nam ta gần như biệt lập với phần lớn của thế giới.

Xin cám ơn Đông La dù sao đã có những ý kiến kích động những suy nghĩ chân thực của tôi. Cám ơn talawas đã cho tôi có dịp nói chuyện rộng rãi với bạn đọc trên mạng và có dịp sớm chúc mừng năm mới 2007 nhiều hứa hẹn tới các bạn quan tâm đến những tâm tình trên đây của tôi.

Paris, 20-12-2006

© 2006 talawas