trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
27.2.2007
Trần Nghi Hoàng
Kiệt Tấn: Rằng quen mất nết đi rồi!
 
I.

Nhà văn Kiệt Tấn
Cái thời tôi còn chủ trương tạp chí Văn Uyển. Văn Uyển ra một năm 4 số, theo... mùa. Trên tạp chí thì ghi là Xuân, Hạ, Thu, Đông, chả cần ngày tháng... Nên tôi muốn Văn Uyển xuất hiện giờ nào trong ba tháng của mùa đó năm đó, cũng an toàn, chưa có quý độc giả hay quý văn hữu cộng tác nào tỏ lời phiền trách.

Một trong 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông của Văn Uyển năm 1992, có bài Thạch Các, một tay viết phê bình văn học rất sắc bén... mà nhân hậu của Văn Uyển, viết về Kiệt Tấn. Và sau đó, tôi và Kiệt Tấn có giao thiệp qua điện thoại. Từ California nói chuyện với một quận ngoại ô của Paris Pháp quốc. Kiệt Tấn cứ nằng nặc bài viết ký tên Thạch Các là của tôi. Tôi phải đưa tay thề thốt Thạch Các là một ông giáo hồi trước 1975, có xương da máu thịt ràng ràng, rất giỏi về ngữ pháp Việt Nam... Xin ông Kiệt Tấn đừng có lấy công của người mà giao cho tôi, tội nghiệp!

Tôi đọc hầu hết của Kiệt Tấn. Dư luận về Kiệt Tấn trong văn đàn quả không phải ít! Nhưng tựu trung, những nhà phê bình đều nói, đại khái, Kiệt Tấn là một nhà văn nhân bản tuy có hơi bị nặng về tình dục; tự do mà yêu thiên nhiên; mê đắm và duyên dáng... Thậm chí xấu đẹp tùy người đối diện...

Lúc chưa đối diện với Kiệt Tấn (tạn mặt đá vàng), tôi thấy Kiệt Tấn như sau:

Kiệt Tấn từng viết:

"Nếu có người xả mình binh vực những nhân vật không cần ai binh vực hết (như Thượng đế, như lãnh tụ, như chủ tịch, như tổng thống) thì tôi, tôi binh đĩ."

Trong bức thư gửi cho Lộc (Lê Tấn Lộc, anh ruột của Lê Tấn Kiệt tức Kiệt Tấn) có in trong Nghe mưa [1] , Kiệt Tấn viết:

"Em vừa vạch da cây vịnh bốn câu ba vần trong ‘Đêm cỏ tuyết’ là quần hùng nhốn nháo. Có thân hữu đề nghị bôi chữ cỏ. Em nói: Tao đã cạo chữ kia để thay bằng chữ cỏ, bây giờ mầy biểu tao cạo chữ cỏ thì biết thay bằng chữ gì bây giờ? Chẳng lẽ để cho em bé đoi luôn? Lại có thân hữu khác đưa ra nhận xét: Truyện mầy viết sao chỗ nào cũng thấy đưa ra đĩ điếm. Đáp: Tao ở gần xóm đĩ từ nhỏ tới lớn, không viết về đĩ thì biết viết về cái gì bây giờ? Hỏi: Sao truyện của mầy đầy ắp tình dục? Đáp: Tình dục nuôi nấng tao từ tấm bé cho tới lúc lưng dài vai rộng thì tao viết về tình dục là một lẽ đương nhiên..." (trang 246-247)

Thực ra, có phải Kiệt Tấn chỉ chuyên viết về tình dục không? Và Kiệt Tấn là một nhà "Đĩ Quyền" chuyên bênh vực đĩ?

Thưa, theo tôi thấy thì không hẳn vậy. Thấy vậy mà chưa chắc vậy đâu nghe!

Kiệt Tấn viết về tình dục, đúng. Mà viết hay hết sẩy nữa! Nhưng điểm cần lưu ý là, thái độ của Kiệt Tấn đối với tình dục, đối với việc rờ rẩm sờ mó và mần tình nó hết sức... trong sáng mà mê đắm... Như một đứa bé đòi mẹ viên kẹo hay cái bánh... Thử đọc một đoạn thư của Louise, Nữ Chúa Tàu Ma hay người tình xứ tuyết Ca Ná Đà của Kiệt Tấn viết cho cho Kiệt Tấn:

"Tức cười khi hình dung một ngày nào đó Bambino của em bắt buộc trở thành một đấng lang quân, dù là của em hay của ai khác. Thú thiệt em không hình dung nổi. Anh để ý mà coi. Khi gặp em, anh làm điều gì trước tiên? Anh luồn tay vào áo em... Mà khổ một cái là em cũng không đủ can đảm theo như bản tính mình để từ chối điều gì với anh được hết. Si tình là như vậy chăng? Nếu vậy thì em đã si tình anh mất rồi! Em chấp nhận. Em chấp nhận hết những gì anh muốn. Em có cảm tưởng nếu em gỡ tay anh ra thì biết đâu chừng anh sẽ lăn ra... nằm vạ! Anh muốn em. Vậy thôi. Rất dễ thương... " (Sđd, trang 57)

Không ai nói về Kiệt Tấn tình dục có thể đúng bằng những... người đàn bà con gái trong đời Kiệt Tấn! Và tôi nhận ra, Kiệt Tấn không chỉ "binh đĩ", mà đối với phái đẹp, với tất cả những vị nữ lưu, Kiệt Tấn luôn dùng một ngôn ngữ văn chương gượng nhẹ, âu yếm, tôn xưng và nhất định đứng về phần... khép nép (giả dạng quân ta, hả cha nội?).

Thử đọc một đoạn Kiệt Tấn "tả" chuyện người yêu xứ tuyết, nàng Louise tình cờ tới một dạ tiệc và bắt quả túm Kiệt Tấn ta đang ôm trong tay nàng Danyèle mà Kiệt Tấn tặng cho cái hỗn danh là "tấm nệm xốp":

"Sau khi di tản từ góc này sang góc khác mà vẫn không trốn lánh được, tôi quyết định ra trình diện. Ôm tấm nệm xốp khư khư trong vòng tay học trò, tôi lăn lăn trong điệu luân vũ trong bóng mờ từ từ tiến ra pháp trường hồi chánh. Lả lướt hồi chánh.

Và rồi chuyện gì phải xảy ra bèn xảy ra. Louise bước tới túm lấy cổ áo veston của dâm tặc, giận run, nghẹn lời. Và dâm tặc đã lưu lại một vết nhơ muôn đời không rửa sạch trong lịch sử tình ái: Dâm tặc từ từ rút hai cánh tay tỉnh bơ ra khỏi áo, để lại cái veston tòn teng trên tay Nữ Chúa! Mạnh Lệ Quân thoát hài! Tôi cũng không dè trong người mình lại ẩn tàng một tiềm năng tồi bại tới mức như vậy. Thiệt là cẩu trệ. Tuyệt cùng cẩu trệ! Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên sao nàng lại không cầm chai rượu xáng lên đầu tôi một cái phun máu ngay lúc đó." (Sđd, trang 70)

Kiệt Tấn không "gồng mình" khi viết văn. Ông viết về Kiệt Tấn hay viết về bất cứ gì cũng bằng giọng văn... thành thật một cách vô tội vạ như vậy. "Tôi cẩu trệ, tôi tồi bại. Vậy đó. Rồi sao?" Hai chữ "rồi sao?" không phải để thách thức. Mà là một câu hỏi cho thấy cái tình huống huề vốn của vấn đề! Tôi từng đọc nhiều đoạn văn tả cảnh đánh ghen. Nói rõ hơn là tả công cuộc đánh ghen của những bậc nữ lưu. Nhưng chưa ai tả một công cuộc đánh ghen mà mình là nhân vật chính, lại... vui và hấp dẫn như Kiệt Tấn. Không có níu tóc quào mặt. Không có xé quần xé áo tình địch. Không có "con đĩ ngựa này con đĩ chó kia..." giữa hai người phụ nữ. Mà chỉ thấy hành vi "cẩu trệ và tồi tệ" của thằng cha làm ra chuyện!!!

Kiệt Tấn yêu "đầm Ca Ná Đà" thì như vậy. Chứ Kiệt Tấn mười bảy tuổi yêu nữ sinh tỉnh nhỏ thì sao? Kiệt Tấn đưa Hoa (người yêu của Kiệt Tấn trong "Bến đò trao thơ") đi xem hát bóng (tức xi-nê-ma) tuồng Việt Nam có cái tựa ly kỳ khó hiểu: Lý chơn tâm, Anh hùng cỡi củi! Tôi nhỏ hơn Kiệt Tấn nên chưa biết được có cái tuồng này (than ôi!). Trong rạp hát, dĩ nhiên chàng Kiệt Tấn ta còn tâm trí đâu để mà xem xi-nê-ma... Xin mời đọc:

"Tôi không thiết gì tới tuồng tích. Bàn tay tôi lúc đầu nắm lấy bàn tay nàng trong bóng tối, từ từ buông ra dọ dẫm. Sa-ten mát rượi. Hoa rùng mình chụp lấy tay tôi giữ lại cứng ngắt. Nắm siết. Chặt chẽ. Rồi yếu dần, buông lỏng, thở dài... Tôi cũng thở dài mà ngực nghẹn tức..." (Kiệt Tấn, Nụ Cười Tre Trúc, Văn Nghệ xuất bản 1987. Trang 91)

Thủ phạm thở dài mà nạn nhân cũng thở dài. Trời đất! Lý Chơn Tâm xẹp lép trong màn ảnh đang cỡi củi bay chập chờn trên mây, chứ chàng Kiệt Tấn nhà ta thì đã bay lên chín tầng mây mà chỉ cần có một... cây củi nhỏ xíu (nếu so với bó củi của Lý Chơn Tâm!!!)

Đó chỉ mới là sự vụ mở đầu! Đừng nóng, từ từ mà đọc thêm đoạn sau đây:

"Trước khi ra về, chúng tôi ra ngồi quán nước cạnh bờ sông giải khát hứng mát (và chờ cho Hoàng Tử Lưng Gù hạ hoả)... Đêm khuya thức dậy ngó trời, thấy sao phía Bắc đã dời phía Nam... Hai câu ca dao còn lởn vởn trong đầu, tôi vói bàn tay mặt ơ thờ cầm cái ly đá chanh ẩm hơi nước đọng bên vách ly đưa lên định... bỗng giật mình vì ly nước chợt vuột khỏi bàn tay nắm của mình, như bàn tay có thoa mỡ, trơn mướt! Ly đá chanh tuột xuống va trên mặt bàn khua một tiếng rè đục như sắp bể... Không ai hiểu. Tôi cũng không hiểu, ngay lúc đó. Tôi đổi ly sang tay trái, đưa lên uống bình thường. Ngẫm nghĩ. Chợt hiểu! Và cũng chợt bồi hồi xúc động thương người yêu bé bỏng của mình hết sức! ..." (Kiệt Tấn, Nụ Cười Tre Trúc, Văn Nghệ xuất bản 1987. Trang 91)

Kiệt tấn hiểu chuyện gì vậy cà? Những chuyện mà hầu như những nhà văn đều... tránh viết ra, hoặc nếu viết ra theo kiểu... hiện đại của phái "cách mạng tình dục" gì đó bây giờ, thì vô duyên và thô tục, thì Kiệt Tấn đã viết được bằng những đoạn văn thơ mộng dễ thương. Nhất là, sau sự vụ đi xi-nê-ma tối đó về, chàng Kiệt leo lên chiếc giường trong phòng trọ học:

"... Lưng đau như dần. Tôi lăn sấp người lại úp mặt trong lòng bàn tay, rên ư ử. Thoang thoảng một dư hương rất lạ, chưa từng biết, ngây ngất trong lòng bàn tay. Gì như thể... như thể... Đúng rồi! Hương Trinh Nữ! Hương của Hoa..." (Kiệt Tấn, Nụ cười tre trúc, trang 94 [2] )

Cách nay gần hai mươi năm, khi đọc truyện này, tôi đã phone cho Thạch Các:

"Ông tìm đọc Kiệt Tấn đi."

Theo nhận xét của tôi, Kiệt Tấn không "sáng tác" truyện... tình. Kiệt Tấn chỉ kể lại những mối tình của ông với những người đàn bà con gái trong đời ông. Kiệt Tấn yêu đĩ, yêu nữ sinh, yêu đàn bà, yêu con gái, yêu vũ nữ, yêu ca ve, yêu gái quê... đều "bằng như nhau". Kiệt Tấn không... phân biệt giai cấp trong tình yêu lẫn tình dục của ông.

Đó là Kiệt Tấn qua "văn bản" mà tôi bắt gặp gần mười lăm năm trước... Cho đến khi...


II.

Năm 2002 thì phải, là lần đầu tôi gặp mặt Kiệt Tấn. Đó là buổi ra mắt thơ của PTNN tại Washington DC. Vợ chồng tôi và vợ chồng anh chị PTNN & QĐ khá quen thân. Trong buổi ra mắt thơ của chị PTNN, Kiệt Tấn và tôi là hai trong bốn diễn giả nói về "tác phẩm và tác giả"...

Người nói trước tiên là Kiệt Tấn, rồi đến tôi.

Lúc Kiệt Tấn nói, có lẽ vì buổi sáng chàng chưa đủ độ rượu, cũng có thể vì cái giọng lè nhè không "ăn micro" nên hơi bị khó nghe! Đã vậy, Kiệt Tấn còn soạn một bài khá dài (tuy rất có duyên và tinh tế) lên nói... Phía dưới, có dăm bảy người không biết Kiệt Tấn là ai. Và chắc cũng "đáp tàu" lỡ chuyến đến với buổi ra mắt sách sao đó nên dễ bề nóng ruột... bèn la inh ỏi đòi đuổi Kiệt Tấn xuống. Chàng Kiệt Tấn thản nhiên khoát tay xuống mấy quý vị đó rồi phán một câu xanh rờn:

"Nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ!"

Rồi tiếp tục nói hết bài của Kiệt Tấn viết về tác giả PTNN.

Sau đó, tôi và Kiệt Tấn cũng có ngồi với nhau qua dăm ba bữa rượu lai rai. Nhưng là ngồi chung với nhiều người ngoài giới... "giang hồ". Vả, Kiệt Tấn không ở Washington DC lâu mà đã "lưu diễn" qua California liền sau đó. Nên tôi và Kiệt Tấn chỉ kịp "nhận" nhau, cũng có nói chuyện qua lại, nhưng chưa có một bữa rượu tới bến để "biết" nhau.

Còn nhớ, cả Kiệt Tấn lẫn QĐ sau đó đều kể cho tôi nghe một câu chuyện như sau:

"Một lần, QĐ rụt rè hỏi Kiệt Tấn:

"Anh Kiệt Tấn à, tôi nghe nhiều người nói là anh... điên! Mà anh có điên thiệt không vậy?

Kiệt Tấn trợn mắt trả lời:

"Điên thiệt quá đi chứ cha! Tui điên có 'bằng cấp' mà!"

Hai năm sau, Kiệt Tấn lại từ Pháp bay qua Washington DC dự đám cưới của con gái anh chi PTNN & QĐ. Tôi quên nói, chị PTNN và Kiệt Tấn rất thân nhau, đã quen biết từ thời ở Việt Nam. Tôi được anh chị PTNN & QĐ nhờ lo phần tiếp tân và chiêu đãi quần hào văn nghệ sĩ. Do đó, hàn xá bèn biến thành biệt viện cho quần hào tạm trú mà bày đại tiểu yến, cũng như dưỡng quân sau khi đã liên hồi đánh đấm! Những danh tài như Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Trọng Khôi, Lâm Chương... bèn mỗi ông được nhà tôi, Hoàng Thị Bích Ti phát cho hai tấm chăn, một cái gối... Có vị sẽ hỏi tại sao tới hai tấm chăn, bộ thời khoảng đó là mùa Đông, lạnh lắm hả? Xin thưa, lúc đó chưa tới mùa Đông. Nhưng mỗi danh tài được phát hai tấm chăn là vì một tấm để lót trên sàn nằm và một tấm để đắp!

Thế là, không tiệc lớn ở nhà anh chị PTNN & QĐ thì tiệc nhỏ ở nhà tôi. Nhiều lần, Kiệt Tấn thấy bọn tôi vui quá, bèn bôn đào không chịu ở nhà PTNN & QĐ, mà lánh nạn qua nhà tôi để... tha hồ uống rượu và có bạn để đấu hót.

Trong một bữa rượu, Nguyễn Trọng Khôi giả giọng ông Tông Tông Trần Văn Hương, đọc bài nói chuyện của Tông Tông cựu nhà giáo trong một trường trung học, như sau:

"Kính thưa Ban Giám Học, kính thưa quý thầy, quý cô cùng các em học sinh thân ái! Tôi xin lưu ý Ban Giám Học rằng là, tôi nhận thấy các em nữ sinh của trường mình mặc quần áo hơi quá mỏng. Tôi xin lập lại là quá mỏỏỏỏng! Làm cho quý thầy và các em nam sinh trường ta đi đứng có phần hơi bị... khó khăn!"

Cả nhà tất nhiên lăn ra cười! Riêng Kiệt Tấn, sau đó, cứ ngồi lẩm bẩm câu: "đi đứng có phần hơi bị... khó khăn" mà thấm ý cười tủm tỉm hoài!

Lúc vừa gặp lại Kiệt Tấn tại nhà anh chị PTNN & QĐ, tôi nói:

"Ông Kiệt Tấn, cái bài ‘Sục cặc trước bàn thờ’ của ông trên talawas, nhà tôi, Ti khen hay lắm. Tôi có đăng lại trên báo LP. Sau đó, liền bị mất hai trang quảng cáo, ông ạ!"

Kiệt Tấn nhìn Ti gật gù:

"Lạ thiệt! Lạ thiệt! Cô là vị nữ lưu đầu tiên mà chắc cũng là cuối cùng khen cái bài mắc dịch đó! Viết bài đó, tôi bị mấy bà, mấy cô càm ràm đay nghiến quá trời!"

Tôi lại nói với Kiệt Tấn:

"Còn phần tôi thì tâm đắc nhất hai câu của ông. Dĩ nhiên tôi cũng thích thú cả bài."

Kiệt Tấn hỏi:

"Hai câu nào?

Tôi cười, đọc:

"Ở hải ngoại lẫn trong nước, các bà các cô đều vọc lồn mình mà la làng hết ráo... (rồi) Đụ là đụ! Đâu có cần gì phải quăng cái lồn lông lên không trung mà đặt câu hỏi nhớn (không dè nó rớt xuống trúng u đầu có cục)."

Chú thích thêm của Trần Nghi Hoàng:

Kiệt Tấn vốn rất trang trọng và trân quý chuyện tình dục. Đối với Kiệt Tấn, tình dục và tình yêu đều rất đẹp như nhau. Kiệt Tấn không "chịu" được khi một số các nhà văn gần đây cứ mang chuyện tình dục ra mà viết một cách "thiếu nghệ thuật", tục tiũ. Đa số trong các nhà văn ấy lại là các cô, các bà! Do đó, ông viết "Sục cặc trước bàn thờ". Một bài viết tục và dữ dằn hết cỡ để phản bác, theo nguyên tắc "lấy độc công độc". Đoạn cuối bài, Kiệt Tấn có tuyên bố sẽ sẵn sàng "lý luận" tiếp, nếu có ai đó lên tiếng khó chịu về bài này. Cho đến hôm nay, Nov 26 - 2006, tôi chưa thấy có phản ứng nào một cách chính thức về bài viết này!

"Sục cặc trước bàn thờ" là bài viết của Kiệt Tấn nhân đọc mấy bài tung hô các nhà văn nữ hiện đại đòi quyền "khoe lồn và các thứ" qua các văn bản của các nhà đòi "Lồn Quyền" và không đòi gì hết sau:

  • "Tình dục và các nhà văn nữ di dân Việt Nam" của Thế Uyên. Hợp Lưu số 81, 2005. (Bài này tôi chưa đọc, nhưng nguyên cái tựa có ba chữ ‘nhà văn nữ’ đã không thấy ổn! Trên thế giới này, kể cả từ xưa cho đến hôm nay, dường như chỉ có Việt Nam ta mới ’đẻ’ ra ba chữ ’nhà văn nữ’!)

  • "Nhận diện một số nhà văn Việt đầu thế kỷ 21" của Nguyễn Văn Lục, Hợp Lưu số 81, 2005. (Bài này tôi cũng chưa đọc luôn! Vốn dĩ, tôi rất ít khi nếu không muốn nói là chả bao giờ bỏ công đi đọc những cái vụ "nhận diện"... này nọ. Bởi, xấu đẹp tùy người đối diện. Mỗi người sẽ có một "đường lối" nhận diện khác nhau!)

  • "Trò chuyện với hoa thủy tiên" của Nguyễn Huy Thiệp, Văn Học số 223, 2006. (Bài này thì tôi có đọc, đọc kỹ và đã có mấy bài "góp ý cò ý kiến".)

  • "Có thật đa số các nhà văn đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh" của Trần Mạnh Hảo, Văn Học số 223, 2005. Bài này tôi cũng có đọc, và cũng đã có bài "góp ý cò ý kiến".)

  • "Khi nhà văn cưới nhà thơ" của Ngọc Anh, Văn Học số 223, 2005. Bài này tôi chưa đọc.
Hết chú thích.

Trong một bữa rượu ở nhà tôi, có mặt đầy đủ quần hào và thêm một vị nữ lưu vốn là nhà văn, xin tạm gọi là L. Cô nhà văn L này hay bị tôi và Nguyễn Trọng Khôi, người luôn tự nhận là Điền Bá Khôi... (nhưng xem ra lại rất đứng đắn đàng hoàng, chưa từng thấy dở trò... nài hoa ép liễu bất cứ ai!) cáp độ, tức là gán ép (chơi cho vui) với Phan Xuân Sinh. Thấy có bóng hồng trong bữa rượu, Kiệt Tấn ta bèn mặt mày sáng rỡ. Cái dáng lừ đừ biến mất hết năm chục phần trăm. Kiệt Tấn vừa ngồi bên kia bàn uống tì tì, vừa lom lom ngắm nghía nhà văn L. Câu chuyện trong bàn chắc chắn là đang diễn ra tưng bừng hào hứng. Hốt nhiên, Kiệt Tấn từ tốn đứng dậy khỏi ghế, đủng đỉnh bước qua phía bên kia bàn, tiến trước nhà văn L. rồi ôm cô này và hôn một phát! (Hôn ở đâu xin quý vị cứ tự do tưởng tượng, như vậy mới ly kỳ... hấp dẫn!) . Cô nhà văn L. tỏ ra là một cao thủ trong những trường hợp bất ngờ và thậm chí bất an (ninh) như vậy, cô cười cười nói:

"Anh Kiệt Tấn hôn L., không sợ anh Phan Xuân Sinh ghen sao?"

Phan Xuân Sinh cũng tỏ ra là một tay hào hoa phong (cá) độ:

"Ai "hun" cứ "hun". Tôi yêu tôi cứ yêu."

Kiệt Tấn đã về đến cái ghế của mình. Vừa ngồi xuống ghế, Kiệt Tấn vừa làu bàu:

"Ai yêu cứ yêu. Tui thích "hun" thì cứ "hun" hà!"

Quả là kỳ phùng địch thủ. Bên nửa cân, người tám lạng, phong vũ ma chiết trùng trùng nhưng không khí vẫn rất ồn ào vui vẻ!

Bữa rượu cuối cùng sau tiệc cưới. Một bữa rượu khuya ở nhà anh chị PTNN & QĐ. Gần 3 giờ sáng. Đã vài anh hùng hảo hán rớt đài, nằm đâu đó hay la liệt nơi phòng khách mà an giấc điệp. Trong bàn còn anh Nguyễn Xuân Thiệp, Kiệt Tấn, Độc Cô Cầu Thắng, QĐ (ra vô on & off), anh Tòng, Hoàng Thị Bích Ti và tôi. Chẳng biết câu chuyện lan man thế nào, mà hai ông bạn lớn (tuổi) Kiệt Tấn và Nguyễn Xuân Thiệp lại đi vào đề tài tình yêu! Trời đất!

Tôi nghe loáng thoáng Nguyễn Xuân Thiệp nói:

"Tôi cho rằng, tình yêu đích thực nó tồn tại mãi với thời gian, dù rằng hai người xa xôi cách trở. Chỉ cần gặp lại, hôn lên trán người yêu một cái, là tôi thấy đã quá đủ. Quá hạnh phúc rồi!"

Giọng Kiệt Tấn đã đến giai đoạn lè nhè, lè nhè ở mức không thể lè nhè hơn:

"Ông nói sao tôi hổng biết! Chứ với tôi, yêu là phải sờ mó, phải nắn bóp, phải... đủ thứ. Tức là phải có mần tình thì nó mới "trọn vẹn cái chữ yêu" ông ơi!"

Thế là hai ông bạn lớn (tuổi) của tôi cứ tiếp tục tranh luận về hai quan điểm "yêu" rất khác nhau như vậy tà tà. Cuộc tranh luận xem ra hết sức lăng lệ nhưng vẫn hoà bình và đầy tình thân ái. Đến nỗi, có lúc hai ông rót rượu cho nhau, ôm nhau thắm thiết (xin có hình đính kèm làm bằng, để tránh lời ong tiếng ve cho rằng là Trần Nghi Hoàng tôi bịa chuyện!).

Tuy nhiên, chẳng bữa rượu nào mà kéo dài mãi... phải không? Có điều, cho đến lúc tàn cuộc rượu, đâu chừng khoảng 5, 6 giờ sáng (vì tôi nghe vẳng từ lùm cây ở sân sau nhà anh chị PTNN & QĐ có tiếng chim ríu rít), tôi không biết hai ông bạn lớn (tuổi) của tôi, Nguyễn Xuân Thiệp và Kiệt Tấn đã dắt nhau đi đến cái chỗ kết luận chung cuộc ra sao. Điều này vẫn còn là một bí mật cho đến ngày hôm nay. Quý vị nào thắc mắc, xin cảm phiền tìm hỏi thẳng hai đương sự để tận tường thoả mãn.

Với tôi, từ tiếp cận Kiệt Tấn qua văn bản, tôi đã tiếp cận Kiệt Tấn tạn mặt đá vàng! Kiệt Tấn đáng yêu ngay ở tiềm năng tồi bại tới mức như vậy của ông ta. Kiệt Tấn có khả năng tồi bại một cách cực kỳ... trong sáng và vô (số) tội!

Nov 26 - 2006



[1]Xuân Thu xuất bản, 1989
[2]Văn Nghệ xuất bản, 1987
Nguồn: Tạp chí Văn 117-118 (số đặc biệt về Kiệt Tấn) tháng 9 & 10.2006