trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
10.3.2007
Nguyá»…n Trung LÆ°Æ¡ng
Đọc Ba người khác của Tô Hoài
 
Cuộc Cải cách ruộng đất là một sự kiện quan trọng trong lịch sử hiện đại Việt Nam diễn ra cách đây hơn năm mươi năm và đã ghi sâu đậm vào tâm khảm của mỗi người như một cơn ác mộng, một quá khứ chưa khắc phục. Sự kiện này là cái nền của câu chuyện Ba người khác của Tô Hoài, và có lẽ đây là lý do đưa đến sự quan tâm đặc biệt của công luận đến tác phẩm vừa mới ra mắt của nhà văn lão thành của chúng ta. [1]

Có người đọc tiểu thuyết để xem nó có phản ánh "đúng" thực tại hay không; có người xem tiểu thuyết là nơi giáo huấn luân thường; có người còn đòi hỏi nhà văn phải mang vào mình những chức năng như "kỹ sư tâm hồn" hay "lương tâm của thời đại", lại có người đọc tiểu thuyết để xem nó có giống cái định nghĩa về thể tiểu thuyết như đã được học thuộc lòng. Tôi ngại rằng ông Tô Hoài không đủ tài để đáp ứng các loại yêu sách này.

Tôi đọc tiểu thuyết bởi một động cơ đơn giản: Tôi tò mò muốn biết thế gian, luân thường như tôi cảm nhận sẽ thành cái gì qua tài biến chế bởi óc tưởng tượng, trí xét đoán, sức diễn đạt của tác giả. Tất nhiên, sản phẩm ấy sẽ như thế nào là điều khó đoán chừng được, hoàn toàn ngỏ và có thể chứa đựng nhiều sự bất ngờ. Với một quan điểm tiếp cận như thế tôi đã đọc Ba người khác.

Cuộc Cải cách ruộng đất là một đề tài được xem là nhạy cảm, về mặt chính trị cũng như về mặt xã hội. Nhạy cảm đối với những người chịu trách nhiệm, trực tiếp hay gián tiếp, vẫn còn nguyên quyền lực trong tay, nhạy cảm đối với nạn nhân cho đến nay vẫn chưa cảm thấy được phục hồi. Vì thế cuộc Cải cách ruộng đất là một đề tài văn học bị tránh né, và có lúc đến mức độ cấm kỵ. Là người lớn lên trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, ở tuổi 13, 14 đã nhìn tận mắt các cảnh tố khổ, tử hình cường hào địa chủ, đã nghe tận tai tiếng súng tự vẫn vọng lại từ bên nhà láng giềng của một ông cựu chủ tịch xã bị đấu tố oan, tôi đã đọc Ba người khác một mạch, vừa chăm chú vừa say sưa khác thường và rồi không khỏi không kinh ngạc về cách xử lý vấn đề của Tô Hoài.

Khác với các tác phẩm cùng đề tài, Ba người khác không phải là diễn đàn mà tác giả dựng lên để tổ chức thêm một cuộc đấu tố cho nạn nhân của cuộc Cải cách ruộng đất. Ông cũng không hề bận tâm đến việc thanh minh biện hộ cho những "sai lầm" trong chính sách Cải cách ruộng đất theo dạng "sửa sai" hợp lý hợp tình, sám hối xúc động. Ông không chỉ trích cũng chẳng bào chữa cho ai cả. Tô Hoài đã tự cho phép mình đứng ngoài hai lập trường này, giữ một địa vị không đảng không phái, tự cho phép mình có quyền chỉ tự đại diện cá nhân mình thôi. Qua đó ông đã thoát ly ra khỏi khuôn khổ diễn đạt quen thuộc.

Bối, Cự, Đình, ba cán bộ được cử về xóm Am, xóm Chuôm và xóm Đìa của một xã thuộc tỉnh Hải Dương để thi hành chính sách cải cách ruộng đất; họ là ba nhân vật chính của câu chuyện. Cự trước kia đã từng là chính trị viên đại đội, một người cứng cỏi, từng trải trong hành quyền, đối với anh ta "học lắm thì chỉ lý sự cùn". Anh ta hoàn toàn nhất trí, hòa mình với vai đội trưởng đội cải cách ruộng đất được giao phó. Đình là một đội viên đội cải cách; trong đời trước đó anh ta là cán bộ tuyên truyền, tuy nằm trong guồng máy quyền lực nhưng còn nặng tình với lý tưởng thế giới đại đồng mà anh ta vẫn tiếp tục theo đuổi; cái giá phải trả là giấc mơ một xã hội không tưởng ấy đã biến thành tai họa trên đường đời của anh ta. Bối giữ chức "đội phó phụ trách tòa án", nhưng hình như tự bản thân anh ta không hiểu tại sao và cũng không rõ đây là cái may hay cái họa. Có điều chắc chắn là cái nhiệm vụ đi làm cán bộ cải cách ruộng đất không phải là sự lựa chọn của anh ta. Phản ứng khi nhận được chỉ thị: "Lúc đầu tôi lo cứ rối tinh. Nhưng rồi cả tháng vừa nghe vừa hỏi thì cảm như mọi việc khuôn phép dần đâu vào đấy, công tác này cũng thế thôi. Còn gì khó hơn cái sổ sách kế toán, mình chẳng học mà cũng thành nghề cộng trừ nhân chia, thế ra đi cải cách không đáng sợ…" Sự tình cờ của cuộc đời đã đưa anh ta lên địa vị này. Khác với "đội trưởng" Cự, "đội phó phụ trách tòa án" Bối không nhất trí nổi với cái chức vị của mình và sự bất đồng ấy đã tạo nên một khoảng cách có tính chi phối cái vai đặc biệt của anh ta trong câu chuyện: Bối vừa là người trong cuộc vừa là người quan sát.

Trong Ba người khác Tô Hoài đã để cho Bối tự kể về mình, về Cự, về Đình, về những hoạt động của họ, về hậu quả họ đã để lại trong xóm Am, xóm Chuôm, xóm Đìa. Tôi thoáng nghĩ: Nếu Tô Hoài để cho Cự hay Đình kể chuyện thì chắc quyển tiểu thuyết sẽ trở thành một tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa hay lãng mạn cách mạng gì đó. Khác với Cự, người lúc nào cũng ý thức được tầm quan trọng của chức vụ mình, khác với Đình, người vẫn còn đầy những ý nghĩ mông muội ngổn ngang, Bối là một người không ảo tưởng và đặc biệt có năng lực biết cười về mình. Vì thế câu chuyện tự thuật của Bối về ba người thành câu chuyện về Ba người khác. Cái khác ở đây không phải là cái khác thường, khác với cái thực mà là khác với những nhân vật đã từng được tạo ra trong cách diễn đạt quen thuộc. Thái độ của một người biết cười về mình chi phối phong cách kể chuyện của tác giả và đã biến Ba người khác ít nhiều thành một tấn tuồng về cải cách ruộng đất. Thái độ này có tương xứng với "hiện thực lớn lao" của cuộc Cải cách ruộng đất hay không?

Không phải tình cờ mà trong Ba người khác Tô Hoài đã không trang bị cho các nhân vật của ông bằng những ý tưởng và tình cảm lớn lao, không dựng lên những nhân vật sống hòa nhịp với môi trường của mình về phương diện ý thức hệ cũng như phương diện tình cảm. Con người trong Ba người khác, ba "anh đội" cũng như dân làng đều là những con người thủ đoạn, bất lực trước một thực tại khách quan, một thực tại mà trong đó cái phi lý, cái tùy tiện đã biến thành quy luật của xã hội, bởi vì vấn đề cơ bản của cuộc Cải cách ruộng đất là sự cưỡng hiếp thực tại xã hội bằng bạo lực của một lý luận duy chí, bắt buộc thực tài phải phục tùng sách vở giáo điều. Không kiếm ra địa chủ để xử tử là không đúng với giáo huấn của Đảng, cho nên không phát hiện ra địa chủ thì phải phát minh ra địa chủ! Cách xử lý thực tại này đã đem lại nhiều hậu quả bi thảm cũng như nhiều tình thế rất khôi hài.

Tất nhiên trong một xã hội bị lũng đoạn bởi bạo lực như thế cũng không có chỗ cho tình yêu, cho sự âu yếm giữa trai gái. Đặc biệt quan hệ tình dục giữa các "anh đội" với các cô gái làng chỉ có thể diễn ra trong hình thức “hủ hóa", tức là quan hệ tình dục vụng trộm. Những cảnh Bối "hì hục", "vật lộn" với cô Đơm, cô Duyên, được Tô Hoài cho diễn ra liên tục trong câu chuyện như một điệp khúc và được tác giả diễn đạt trực ngôn cũng như tự trào, theo tôi có tính tượng trưng cao: Tuy là vụng trộm nhưng hình thức tình dục vô chính phủ ấy biểu hiện tính chân thật và trong sáng khác hẳn với tất cả những quan hệ giữa con người đầy dẫy dối trá và tự dối trá trong câu chuyện.

Ba người khác chủ yếu diễn ra trong phạm vi địa phương của thôn Am, thôn Chuôm, thôn Đìa nhưng cái tinh thần của câu chuyện hoàn toàn không mang tính địa phương chút nào; đấy là ảo tưởng của cả một thời đại, ảo tưởng rằng hạnh phúc của con người chỉ có thể tạo nên bằng con đường bạo lực (đồng nghĩa với cách mạng), từ đó sinh ra cái nghịch lý của một tinh thần bạo động phục vụ cho cái Thiện. Trong suốt thời kỳ cực thịnh của nhà nước cộng sản Việt Nam (nay hay gọi là thời kỳ bao cấp) nhờ chiêu bài vị thiện mà sự tồn tại của bạo lực trong mọi lãnh vực của cuộc sống đã được lặng lẽ chịu đựng, tạo nên một không khí khủng bố căng thẳng thường trực. Những vấn đề lớn của thời đại như cải cách ruộng đất, thống nhất đất nước, đòi hỏi dân chủ biểu hiện qua phong trào Nhân văn-Giai phẩm đã đều được "giải quyết" trong tinh thần bạo động.

Nhà triết học hiện sinh Kierkegaard (1813-1855) có lần phát biểu rằng, con người khi hành động luôn phải hướng về phía trước, nhưng muốn tìm ý nghĩa của nó phải nhìn về phía sau. Ta thấy gì trong cái nhìn lùi tổng quát? Cải cách ruộng đất là một đường lối cần thiết trong quá trình hiện đại hóa và ngày nay các nhà khảo cứu hoàn toàn thống nhất rằng chính sách "người cày có ruộng" phân chia lại ruộng đất, thực hiện hợp pháp hợp lý bất bạo động, đã là tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội tại các "hổ quốc" mà ta đang khâm phục. Nước Đức bị chia cắt, từng là chiến tuyến gay go, nguy hiểm nhất trong cuộc chiến tranh lạnh, đã thống nhất bằng con đường hòa bình, bất bạo động. Trong những ngày này nhân dịp ông Nguyễn Hữu Đang tạ thế, báo mạng talawas này đã đăng lại những bài công kích ông và phong trào Nhân văn-Giai phẩm. Những bài báo này đã cho ta thấy rằng thậm chí ngôn ngữ cũng đã bị bạo lực tiêm nhiễm. Thật khó có thể tưởng tượng được là một sự phi lý thô bạo đến mức độ đáng nực cười như thế đã một thời đóng vai trò chỉ đạo toàn bộ cuộc sống tinh thần của cả một quốc gia. Rõ ràng thực tại tếu hơn hẳn tâm tưởng và điều đáng kinh ngạc là nhiều danh nhân trí thức, văn nghệ sĩ đã không ngần ngại đóng vai hề trong thời đó. Còn đáng kinh ngạc hơn là thậm chí hôm nay cái tính phi lý thô bạo ấy vẫn còn tồn tại như một "bóng đè".

Một điều đã trở thành hiển nhiên thông qua trải nghiệm lịch sử trong nửa thế kỷ qua là trên con đường xây dựng hạnh phúc bằng bạo lực, phương tiện sử dụng đã thoát ly khỏi mục tiêu cao cả. Cái viễn ảnh khởi nguyên đã phai mờ, còn lại chỉ là sự trần trụi của bạo lực. Theo tôi, đấy chính là cái chủ đề thực sự của Ba người khác và sự kiện Cải cách ruộng đất chỉ là chất liệu mà Tô Hoài dùng để diễn đạt cảm nhận của mình.

Như ta biết, từ hơn nửa thế kỷ nay Tô Hoài là người đứng và hoạt động trong hàng ngũ của những người đấu tranh cho lý tưởng cộng sản và chính họ tự định nghĩa mình bằng lập trường duy bạo động. Có lẽ không sai nếu ta suy luận rằng lý tưởng cộng sản ít nhiều chi phối (hay đã từng chi phối) nhân sinh quan của Tô Hoài, và cũng không lầm nếu ta xem Ba người khác là biểu hiện mỹ cảm của sự tan vỡ ảo tưởng của ông. Vỡ mộng có thể đưa đến thái độ tiêu cực, thụ động, gây nên tâm trạng sầu muộn, rên rỉ ("Em ơi nếu mộng không thành thì sao!" kiểu Trịnh Công Sơn) hoặc đưa đến thái độ tích cực, chủ động có tác động thức tỉnh. Trong trường hợp thứ hai thì sự tan vỡ ảo tưởng (Desillusion) trở thành một động lực cấu thành chủ nghĩa hiện thực (Georg Lukács). Mà quả thật: khi đọc Ba người khác tôi có cảm tưởng như Tô Hoài còn muốn thủ thỉ vào tai ta bảo thêm rằng: Chẳng còn chi phải giấu diếm cả! Chẳng còn chi phải ngại ngùng cả! Chẳng còn chi phải ngượng ngùng cả! Đối với người và đặc biệt tự đối với mình. Vì thế thực tại trong Ba người khác là một thực tại không nhân nhượng, hớ hênh, khiêu khích, và trong tư thế kể chuyện tự trào của Tô Hoài thực tại ấy đã để lại ấn tượng của một tấn tuồng đời.

Tuy nhiên hài hước không phải đơn thuần nhằm mục đích mua vui giải trí. Hegel xem hài kịch là một biểu hiện mỹ cảm của sự suy vong xã hội, một thời kỳ mà trong đó luân thường từng đạt được tính khách quan đã mất hiệu lực và tính chủ quan thắng thế. Theo ông thì những tấn hài kịch của Aristophanes phản ánh sự suy sụp của nền dân chủ thị dân thời cổ đại Hy Lạp; Don Quijote của Cervantes quy chiếu sự tàn tạ của thời kỵ sĩ phong kiến trung đại Tây Ban Nha. Đối với Karl Marx thì chức năng lịch sử và xã hội của hài kịch là nó biến một trật tự xã hội cũ kỹ thành một trò cười cho thiên hạ và qua đó giúp ta nhẹ nhàng từ biệt sự lỗi thời ấy. Ông đã phát biểu rất hóm hỉnh về tình trạng chính trị lạc hậu của nước Đức thời ông như sau: “Lịch sử chu đáo lắm và trải qua nhiều giai đoạn, trước khi đem chôn cất một hình thái cằn cỗi. Chặng cuối cùng của một hình thái lịch sử là một tấn hài kịch. Có chặng lịch sử này để làm gì nhỉ? Là để làm cho nhân loại thoải mái khi vĩnh biệt quá khứ của mình. Cái số phận lịch sử thoải mái này chúng tôi xin dành cho những thế lực chính trị tại nước Đức.” [2]

Có lẽ Tô Hoài cũng có cảm nhận tương tự khi ông phát biểu: "Tôi ước ao những vấn đề lớn như về thời kỳ bao cấp nếu có cái ai viết trào phúng kiểu Xuân Tóc Đỏ thì tuyệt vời". [3] Tuy nhiên với Ba người khác Tô Hoài đã đang trên đường biến ước ao của mình thành sự thật, qua đó ông đã mở đường cho chúng ta chia tay với quá khứ một cách thoải mái, không hận thù mà cũng không đẫm lệ và đây là một sự lựa chọn cao thượng.

Tháng 3.2007

© 2007 talawas


[1]Tô Hoài: Ba người khác. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 2006
[2]Karl Marx: Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie. Einleitung (Góp phần phê phán triết học pháp lý của Hegel. Lời dẫn đầu). Trong: Marx Engels Werke (Tác phẩm Marx Engels), Tập 1. Dietz Verlag, Berlin 1972, trang 382
[3]Tọa đàm về Ba người khác của Tô Hoài, talawas ngày 06.01.2007