trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
9.4.2007
Hồ Bạch Thảo
Lần theo Minh sử đến Minh thực lục, tìm hiểu vụ tranh chấp lãnh thổ thời Trần
 
Sách Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu [1] , mục tỉnh Lạng Sơn, trích từ Minh sử về vụ tranh chấp đất đai giữa Trung Quốc và Việt Nam xẩy vào năm Quang Thái thứ 9 [1396] đời vua Trần Thuận Tông như sau:

“Năm thứ 19 niên hiệu Hồng Vũ [1396], Thổ tri phủ Tư Minh là Hoàng Quảng Thành tâu phủ ấy từ nhà Nguyên đặt lộ Tư Minh; châu huyện động trại trong hạt, phía đông đến châu Thượng Tư, phía nam đến Đồng trụ [Cột đồng] [2] . Quân nhà Nguyên đánh nước Giao Chỉ, cách Đồng trụ 100 dặm, đặt trại Vĩnh Bình để quân chống giữ, bắt người Giao Chỉ phải cung quân lương. Cuối nhà Nguyên rối loạn, người Giao Chỉ đem quân đánh phá trại Vĩnh Bình, vượt qua Đồng trụ hơn 300 dặm, xâm chiếm nhiều đất thuộc lộ Tư Minh, như 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên Thoát… bắt dân làng theo, vì thế thuế hàng năm của 5 huyện đều do Thổ quan nộp thay. Lại Đồng Đăng thực là đất của Tư Minh, mà người Giao Chỉ nói là Đồng trụ dựng ở nơi ấy, xin ban sắc cho An Nam phải giả lại đất cũ, để bờ cõi được đúng. Vua Minh Thái Tổ sai chức Hành nhân là Trần Thành, Lữ Nhượng sang dụ, bàn cãi đi lại mãi vẫn không quyết, việc dần thôi.” [3]

Cùng sự kiện nêu trên, Minh thực lục chép kỹ hơn về lời tố cáo của Tri phủ Hoàng Quảng Thành; ngoài ra lại cung cấp thêm những sử liệu sau đây:
  • Cuộc tranh luận giữa bọn sứ giả Trần Thành và triều đình ta;
  • Thư cuả Trần Thành gửi vua Trần Thuận Tông;
  • Thư của vua Trần Thuận Tông gửi Trần Thành, cùng bộ Hộ Trung Quốc;
  • Cuối cùng là quyết định dứt khoát của vua Minh Thái Tổ, bỏ qua việc này.
Sau đây xin lần lượt nêu lên từng sự việc được ghi trong Minh thực lục:

A. Trước hết là văn bản nêu việc Tri phủ Tư Minh tố cáo An Nam chiếm mất 5 huyện, nhân đó nhà Minh sai Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng sang đòi trả đất:

Ngày 1 tháng Chạp năm Hồng Vũ thứ 29 [31/12/1396]

“Sai Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng đi sứ An Nam. Trước đây, Tri phủ Tư Minh-Thổ quan Hoàng Quảng Thành tâu rằng bản phủ có từ xưa, đến đời nhà Nguyên lập châu Tư Minh, sau đổi là Tư Minh lộ quân dân tổng quản Phủ; địa hạt gồm các châu, huyện, động, trại dọc sông Tả Giang, phía đông giáp châu Thượng Tư, phía nam đến Đồng trụ. Khi quân Nguyên đánh Giao Chỉ, lập trại Vĩnh Bình quân dân vạn hộ Phủ cách Đồng trụ 100 dặm [4] , đặt quân phòng thủ và lệnh dân Giao [chỉ người Việt] cung cấp lương thực. Cuối đời Nguyên, loạn lạc, người Giao mang binh đánh phá trại Vĩnh Bình, vượt Đồng trụ 200 dặm, xâm đoạt đất Tư Minh gồm 5 huyện: Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát [5] , rồi bắt dân qui phụ. Từ đó thuế khóa trong 5 huyện đều do thổ quan địa phương trưng thâu. Các bậc tiền nhiệm trông coi bản phủ không đưa việc này trình lên triều đình, nên để người Giao áp bức mỗi ngày một nặng. Đến khi tố cáo lên Nhiệm Thượng thư bộ Lễ, thì người Giao lại lập trạm tại Đồng Đăng. Đồng Đăng là đất thuộc phủ Tư Minh, mà người Giao lại xưng chỗ này là Đồng trụ giáp giới! Thần đã từng tâu lên đầy đủ, lại được triều đình sai Thượng thư bộ Hình Dương Tĩnh khám xét sự thực, huống nay còn có thể khảo vào sách “Kiến Vũ Chí”, để xin ra lệnh An Nam hoàn lại 5 huyện, dừng tại địa giới Đồng trụ, ngõ hầu cương vực trở nên chính xác, thuế má không thiếu. Thiên tử lệnh bộ Hộ ghi đầy đủ lời tâu, sai bọn Thành đến An Nam dụ trả đất lại.” (Minh thực lục quyển 248, trang 3600-3601)

B. Trần Thành và Lữ Nhượng đến nước ta tranh luận nhiều ngày nhưng không thu được kết quả gì. Y sợ Người thông dịch không trình bày hết ý, lại muốn có bằng cớ nói lên việc làm của mình để triều đình biết, nên viết thư gửi cho vua ta:

Ngày 21 tháng 3 năm Hồng Vũ thứ 30 [18/4/1397]

“Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng đến An Nam dụ Vương nước này là Trần Nhật Côn [vua Trần Thuận Tông] trả lại đất đã xâm lấn của phủ Tư Minh. Hai bên tranh cãi qua lại, nhưng chưa ngã ngũ. Thành cho rằng người thông dịch nói không đạt ý, bèn soạn bức thư gửi cho Nhật Côn. Thư rằng:

“Mới đây viên Thổ quan phủ Tư Minh Hoàng Quảng Thành tâu việc An Nam xâm chiếm đất đai, triều đình kê cứu điển sách, khảo lời ghi trong bản đồ, rồi sai sứ cáo dụ phải trả lại đất. Từ khi Thành đến Vương quốc, tuyên bố ý của Thiên tử, trình bày sự lý, nhưng Chấp sự [chỉ Vua Trần] quá cố chấp, chưa chịu tuân theo. Nay lấy những thư tịch đời trước đã ghi, cùng sự lợi hại trình bày cùng Chấp sự:

Theo sử Giao Chỉ thuộc đất Giao Châu xưa, dưới thời Hậu Hán có người đàn bà tên Trưng Trắc làm loạn, vua Quang Vũ sai Mã Viện mang binh bình định, bèn xây Đồng trụ ghi công và làm giới hạn trong ngoài. Dưới đời nhà Đường, đặt ra Ngũ Quản để đô hộ; đời Tống, Càn Đức [Lý Nhân Tông] cướp phá biên giới, Quách Quì mang binh đánh, bắt được Thái tử ngụy là Hồng Chân [6] . Càn Đức sợ nên cắt đất Quảng Nguyên [7] , Môn Châu, Tư Lang, Tô Mậu, Quang Lang; vậy lúc bấy giờ những đất này thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc; huống hồ là đất Khâu Ôn thuộc phía bắc Đồng trụ? Thời Nguyên Thế Tổ, tổ ngươi là Quang Bính [Vua Trần Thái Tông] nạp cống xưng thần, đến đời Nhật Huyễn [vua Trần Thánh Tông] tự tiện lên ngôi, trái đạo vua tôi nên vua Thế Tổ mang quân hỏi tội, bọn Nhật Huyễn trốn trong gai góc cỏ rậm, dân chết gần hết, thành quách bỏ không; con nối dõi là Nhật Tuân [vua Trần Nhân Tông] cầu xin thương xót chịu tội. Vua Thế Tổ sai sứ mang chiếu dụ nhập triều. Nhật Tuân nói rằng trước kia tống tiễn đến Lộc Châu, nhưng tiểu quốc sợ phạm tội xâm vượt nên dừng tại Khâu Ôn. Xem vậy phần đất phía bắc Khâu Ôn rõ ràng thuộc về phủ Tư Minh vậy. Nay An Nam chiếm vượt cả Uyên, Thoát; dành hết đất Như Ngao, Khánh Viễn, chẳng phải thừa lúc loạn lạc cuối đời Nguyên mà chiếm được ư! Từ ngày Hành nhân xuống xe đến quí quốc, vua tôi vương đều một mực nói đất này thuộc An Nam đã lâu, nhưng không biết do 2 đời Trần, Lê hay đời nào đặt ra; cứ nói theo đời trước bảo đây là đất của tổ tiên mà không trưng bằng cứ. Nếu lời Chấp sự là đúng, thì chí thư ghi lời Nhật Tuân nói, là điều nói vu hay sao? Hoặc vương sợ phạm tội xâm đoạt nên đem những lời không kê cứu được để bào chữa. Hoàng thượng ta, trời ban cho trí dõng để cai trị vạn nước, nếu ngoan cố thì tội nhỏ cũng không tha, sửa lỗi thì dầu tội trọng cũng xá. Truyện viết “Sai biết sửa coi như không sai, sai không chịu sửa chính là lỗi vậy” .Bởi vậy sửa sai sẽ gặp may mắn, đó là trường hợp năm ngoái của Triệu Tông Thọ tại Long Châu; ngoan cố gặp tai ương là việc các tộc Man tại Nam Đan, Phùng Nghĩa [8] mấy năm gần đây; những điều này thể nghiệm rõ ràng ai cũng nghe, ai cũng biết. Vương nên tránh tai ương, đón may mắn bằng cách trả lại đất, không những tông tộc được yên, mà cả nước được hạnh phúc. Bỏ cơ hội này không lo, không chịu nhường và ngoan cố đến cùng, thì cuối cùng sẽ gặp họa; Chấp sự nên tính liệu.” (Minh thực lục quyển 250, trang 3621-3622)

C. Vua Thuận Tông biên thư trả lời với lập luận biên giới và việc lập trạm tiếp đón là hai việc không liên quan đến nhau. Lại nhân Trần Thành nêu lên việc phái đoàn đời vua Trần Nhân Tông tiễn đưa Sứ thần nhà Nguyên dừng lại tại “Khâu Ôn”, bèn dùng phép gậy ông đập lưng ông, bẻ lại rằng, như vậy rõ ràng Khâu Ôn thuộc lãnh thổ ta, từ đó suy ra 4 huyện còn lại cũng tương tự:

“Nhật Côn gửi thư phúc đáp bọn Thành như sau:

Mới đây được ân huệ nhận thư, với không ít lời khuyên dụ:

Căn cứ vào thư của phủ Tư Minh kể rằng trước đây Thiên sứ mấy lần đến tiểu quốc, khi nghênh tống dừng lại tại Khâu Ôn v.v… Việc nghênh tống và cương giới không liên quan gì với nhau. Vì Khâu Ôn là chỗ xung yếu, trước đây [sứ giả] từ Tư Minh vào Lộc Châu; gần đây thì từ Bằng Tường vào đường Đồng Đăng; chỗ này trước đây rừng núi hoang dã không tiện lập trạm nên lập trạm tại Khâu Ôn, địa điểm này giữa huyện, có quan huyện lo việc khoản đãi. Còn việc giao cắt phu ngựa thì hai bên gặp nhau tại cương giới, địa điểm hiện nay tại quan ải Pha La Duy [Pha Lũy].

[Theo lập luận trên] vào đời đầu triều Nguyên, Khâu Ôn đã là đất của tiểu quốc, phủ Tư Minh lại bảo rằng vào cuối đời Nguyên nhiễu loạn, [người tiểu quốc] vượt Đồng trụ hơn 200 dặm để xâm chiếm 5 huyện trong đó có Khâu Ôn, xem vậy những lời của Tư Minh không đủ để tin; từ một việc vu khống như vậy, thì những điều khác cũng có thể thấy được. Điều dẫn từ Chí thư [“Kiến Vũ Chí”]; thì từ Hán, Đường đến nay sự vật biến thiên, có thể nào đem chuyện xưa mà chất chính vào ngày nay! Những điều khác đã trình bày đầy đủ, không muốn nói lại rờm lời.” (Minh thực lục quyển 250, trang 3621-3622)

D. Có lẽ bên ta biết rằng quyền hạn của Sứ giả chẳng có là bao, nên không muốn trình bày dài dòng với họ trong thư. Nhưng khi Sứ giả sắp trở về nước, vua Thuận Tông đã gửi cho bộ Hộ nhà Minh bức thư khác chi tiết hơn với lập luận đầy tính thuyết phục:
  • Vùng huyện Uyên là nơi Sứ giả từng qua lại, ải Pha Lũy là nơi hai bên gặp nhau giao cắt phu ngựa.
  • Việc lập trạm cho Sứ giả tá túc không liên quan gì đến việc tranh đất.
  • Trấn Nam Vương Thoát Hoan thua về nước, không còn khả năng trở lai lập trạm tại Vĩnh Bình và bắt người Giao Chỉ cung cấp lương thực.
  • Đồng trụ Mã Viện xẩy ra trên ngàn năm, nay địa hình biến đổi không thể kê cứu được.
  • Đã không lấy đất, không thể đem dưng đất cha ông để lại.
Những chi tiết về lập luận trên, được ghi lại đầu đuôi trong văn bản sau đây:

“Nhận được thư, lại tiếp tục biện luận không ngớt; Vương An Nam tặng Thành 2 đỉnh vàng, 4 đỉnh bạch kim cùng các loại trầm hương. Thành từ chối. An Nam nói: “Tặng đây là lễ, từ thời Lục Giả sang sứ đã có lệ như vậy, bất tất phải từ tốn.”

Thành nói: “Úy Đà muốn đem đất Việt nhỏ nhoi để tranh hoành với Thiên tử, cuối cùng bị họa; Lục Giả thích vàng để chia cho con cháu, đó là điều lợi cẩu thả. Vương muốn tự xử mình như Triệu Đà, lại còn ép người làm Lục Giả, như vậy hẹp hòi quá ru!”

Vương An Nam không đáp được, bèn viết thư gửi cho bộ Hộ:

“Được biết thượng ty vì việc phủ Tư Minh tâu chiếm đất bèn sai Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng mang văn thư đến hạ quốc ra lệnh trả lại đất đai. Hạ quốc nghĩ rằng 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát từ trước đến nay đời đời làm sưu dịch, nạp thuế cho hạ quốc; mà Đồng Đăng là đất thuộc huyện Uyên là nơi Thiên sứ thường đi lại; người dân Bằng Tường thuộc phủ Tư Minh mỗi năm cùng dân huyện Uyên của hạ quốc gặp nhau để giao cắt phu ngựa tại quan ải Pha La Duy giáp giới với Bằng Tường. Nay người Tư Minh cho rằng hạ quốc lập trạm tại Đồng Đăng để xâm chiếm, sai trái biết là nhường nào! Cái gọi là lập trạm xâm chiếm để mong được đất được dân; mà đất đó, dân đó từ xưa đến nay đã có rồi, đâu cần phải lập trạm để chiếm?

Phàm việc phế hoặc lập trạm, tùy đất thuận tiện, tùy thời thích nghi; trạm trường tồn tại Khâu Ôn là do đất thuận tiện; trạm tạm lập tại Đồng Đăng là để thích nghi. Lúc bấy giờ Nhiệm Thượng thư và bọn Ngô Quan tra xét biên giới, bèn ra lệnh dựng lợp phòng ốc để tiện nghỉ ngơi, vậy việc dựng lên hoặc bỏ đi chẳng can dự gì đến việc chiếm đất! Nếu bảo rằng vốn không có đất này, không có dân này, cho dù mưu chiếm cũng không dễ! Vậy đánh nhau để chiếm lúc nào? Tàn phá tiêu diệt chỗ nào? Còn lúc lập trạm, chủ đất và nhân dân không kể là ai đều khoanh tay nhìn, việc cung cấp lao dịch không việc gì là không dễ dàng!

Lại bảo rằng dưới thời nhà Nguyên đại quân hai lần đánh Giao Chỉ, lúc trở về lập trại Vĩnh Bình, điều quân đến trấn thủ biên giới, bắt Giao Chỉ cung cấp lương hướng. Hai lần đại quân tướng soái của Trấn Nam vương không dừng lại để được đưa tiễn, sử nhà Nguyên kỵ húy không chép rõ đầu đuôi, chỉ nói về việc trở về như sau “Trấn Nam vương tại ải Nội Bàng gặp giặc tập trung nhiều, chẹn đường về, Vương bèn từ huyện Đơn Kỷ theo đường tắt Lộc Châu để rút”; xem cách về biết được quân tình, lại còn sức đâu để mang quân trở lại Vĩnh Bình rồi bắt Giao Chỉ cung cấp lương thực!

Lại bảo hạ quốc vượt qua Đồng trụ hơn 200 dặm để xâm chiếm 5 huyện như Khâu Ôn v.v... Xét kỹ thời Hán Vũ thứ 19 sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp người con gái họ Trưng lập Đồng trụ, tính đến nay đã hơn 1.350 năm; dưới một ngàn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được Đồng trụ ở đâu?

Lại bảo rằng đã hỏi, ông già Hoàng Bá Nhan nói như vậy. Bá Nhan người cùng phủ Tư Minh, há lại không cùng ý mưu. Dù hỏi một ngàn Bá Nhan cũng chẳng đáng tin!

Lại bảo rằng các Thổ quan cũ không trình bày rõ, mới đây nhậm chức bèn vẽ địa đồ đầy đủ, cùng trình bày sự kiện trong “Kiến Vũ Chí”. Há lẽ cha ông tổ tiên nhà Hoàng Quảng Thành không biết chuyện xưa, không thể trình rõ, phải đợi đến Quảng Thành mới có đủ kiến thức để trình ư!

Hạ quốc với Tư Minh giáp giới, người phủ Tư Minh thường đến đất hạ quốc dành đất đai, cướp trâu, súc vật; hạ quốc là chỗ sơ viễn khó có thể tố cáo. Nay Tư Minh đã quen với thu hoạch nhỏ, nên mưu lợi lớn.

Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì! Nay không xâm chiếm lấy gì mà thoái hoàn. Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối đời truyền lại; đất để lại phải giữ vững, đâu dám để đất đai của tổ tiên, giao cho Tư Minh. Hai bên đáng giữ biên giới đã định sẵn để thờ thiên triều, đâu dám tham vọng xâm đoạt để phiền đến thượng ty. Duy thánh Thiên tử đối xử cùng một lòng nhân, cùng đức với trời đất, nên hạ quốc dựa vào đó để dốc hết gan ruột ra trình bày, làm phiền nghe những lời rờm rà, tội không thể tránh được. Nay đã trình bẩm lên, cúi mong các hạ trên thể theo lòng chí đức của Thiên tử, nhìn xuống dưới thương xót đến hạ quốc người xa xôi, thẩm xét giám sát, hạ quốc lấy làm may mắn vô cùng.” (Minh thực lục quyển 250, trang 3623-3627)

E. Lời văn rắn rỏi, ý chí như sắt đá, không thể lay chuyển nổi. Vua nhà Minh xét tình hình lúc này chưa tiện mang quân sang xâm lăng, nên đành nói lời chống chế để nhượng bộ:

“Bọn Thành trở về phục mệnh, Thiên tử triệu quần thần bàn việc này; có kẻ tâu nghịch mệnh đáng mang quân thảo phạt. Thiên tử phán: “Bọn man di tranh với nhau, từ xưa đến nay vẫn có như vậy, bọn chúng ngoan cố bất phục, cuối cùng sẽ mang họa, hãy chờ xem!” (Minh Thực lục quyển 250, trang 3627)


*


Qua những sử liệu nêu trên, có thể rút ra được những điều đáng lưu ý sau đây:
  1. Các bộ Sử và Chí nước ta như Toàn thư, Khâm định, Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình dư địa chí v.v... thường tham khảo từ Minh sử, chưa duyệt qua Minh thực lục. Thực ra Minh sử chỉ làm công việc tóm tắt các văn bản trong Minh thực lục, mà nhiều khi việc tóm tắt còn không được trọn vẹn. Ví như qua dẫn chứng tại phần mở đầu bài này, Minh sử trích một phần lời tố cáo của viên Tri phủ Tư Minh Hoàng Quảng Thành, rồi kết luận rằng “bàn cãi đi lại, mãi không quyết, việc dần dần thôi.”

    Không kể đến việc không nêu lên nội dung cuộc bàn cãi, ngay cả đến lá thư của Trần Thành gửi cho vua ta, rồi thư của nhà vua gửi cho Trần Thành cùng bộ Lễ cũng không được Minh sử nêu lên. Cuối cùng, điểm quan trọng Minh thực lục chép là vua Thái Tổ nhà Minh bỏ qua việc này không xét, chứ không phải “bàn cãi đi lại mãi vẫn không quyết, việc dần thôi” như Minh sử chép.

    Có lẽ thời xưa việc in ấn khó khăn, bộ Minh thực lục quá cồng kềnh, có đến hàng mấy ngàn quyển, nên các bậc tiền nhân nước ta không có dịp đọc qua. Ngày nay Minh thực lục được lưu trữ trong các thư viện lớn tại nước ngoài và ngay trên mạng; thì việc tham khảo lịch sử Việt Nam qua sử Trung Quốc cần được tiến xa hơn.

  2. Trung Quốc thường lợi dụng lúc nội bộ nước ta không được êm thắm, bèn gây chuyện sách nhiễu đất đai nơi biên giới:
    • Việc tranh chấp đất đai đề cập ở trên xảy ra sau khi trong nước ta có vụ phế lập. Lúc này Hồ Quý Ly toàn quyền việc nước, phế bỏ vua Phế Đế, lập con vua Nghệ Tông lên làm vua, tức vua Trần Thuận Tông.
    • Vụ tranh chấp này được dàn xếp yên trong vòng 9 năm, sau khi Hồ Quý Ly giành ngôi của nhà Trần, vua con tức Minh Thành Tổ, lại sai sứ sang đòi đất một lần nữa [1405]; lần này nhà Hồ phải nạp 59 thôn cho Trung Quốc.
  3. Qua cuộc tranh luận giành chủ quyền đất đai nêu trên, chứng tỏ triều đình ta lúc bấy giờ tỏ ra khôn khéo, và có sách lược hẳn hoi. Ai cũng biết rằng Tư Minh là phủ tại biên giới Hoa Việt do một Thổ tù trông coi theo chế độ cha truyền con nối; đất này thuộc lãnh thổ Trung Quốc và việc sai sứ đi đòi đất do chính vua nhà Minh xướng xuất. Nhưng trong cuộc tranh luận, triều đình ta trực tiếp đả kích vào Hoàng Quảng Thành-Tri phủ Tư Minh, buộc triều đình nhà Minh phải làm trọng tài bất đắc dĩ. Với sách lược này có thể đả kích mãnh liệt, dùng hết lời cay chua, cương quyết không nhường một tấc đất; nhưng không dồn vua nhà Minh vào thế quá mất mặt, để cuối cùng Minh Thái Tổ ra một quyết định tương đối có thể chấp nhận được.

© 2007 talawas


[1]Nguyễn Văn Siêu sinh năm Kỷ Mùi (1799) hiệu là Phương Đình, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Nỗi tiếng thông minh từ nhỏ. Ông thi Hương đỗ Á Nguyên, sau đó thi Hội đỗ Phó Bảng. Ông từng làm quan tại Huế thăng đến chức Tập Hiền Học sĩ, rồi làm Án sát Hà Tĩnh, Án sát Hưng Yên. Năm 1845, ông dâng sớ tâu một số việc không được triều đình phê chuẩn, bèn cáo bệnh từ quan, về nhà mở trường học ở Ngõ Gạch (nay là phố Nguyễn Siêu, Hà Nội) và trước tác, hoạt động văn hóa. Chính ông là người đứng ra tu bổ đền Ngọc Sơn và đích thân viết bốn chữ “Tả thanh thiên”; ông cũng là một trong tứ đại văn nhân đương thời: Siêu, Quát, Tùng, Tuy (Lời xưng tụng đương thời: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”; chỉ Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương)
[2]Xem giải thích trong bài.
[3]Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí, Ngô Mạnh Nghinh dịch, NXB Văn hóa Thông tin, , Hà Nội, 2001. (trang 446-447)
[4]Dặm: 1 dặm xưa tương đương 0,5 Km.
[5]Theo Đào Duy Anh (Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hóa, Huế, 1994) Khâu Ôn tương đương với huyện Ôn Châu tỉnh Lạng Sơn; Như Ngao tương đương với đại bộ phận huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; Khánh Viễn ở khoảng huyện Điềm He; Uyên tức huyện Văn Uyên ngày nay, huyện lỵ là Đồng Đăng, Thiên hạ quận quốc chép cửa Pha Lũy tức ải Nam Quan thuộc huyện Uyên; Thoát tức huyện Thoát Lãng ở phía nam huyện Tràng Định.
[6]Đại Việt sử ký toàn thư không đề cập đến việc Thái tử Hồng Chân bị bắt.
[7]Năm 1084 nhà Tống trả lại nước ta vùng Quảng Nguyên gồm 6 huyện, 3 động. Người Tống chế riễu việc này với câu thơ:
Nhân tham Giao Chỉ Tượng,
Khước thất Quảng Nguyên Kim.
(Vì tham voi Giao Chỉ,
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên)
[8]Các địa danh hiện trong nội địa Trung Hoa (BT)