trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
10.5.2007
Lê Phú Khải
Bậc tiên tri thời đại
(Nhân 10 năm ngày mất của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện 10/5/1997-10/5/2007)
 
Ông Nguyễn Khắc Viện và tác giả
Trong nhiều năm làm bạn vong niên với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tôi phát hiện rằng: con người này luôn bàn chuyện ngày mai. Càng về cuối đời ông ông càng hay bàn chuyện tương lai, dự báo 10 năm, 20 năm nữa, đất nước sẽ đi về đâu, khuôn mặt Việt Nam sẽ ra sao, con cháu sẽ sống như thế nào?...

Dự báo để lường trước, để đề phòng, để có đối sách, để vững bước đi tới...

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã ra đi ngày 10 tháng 5 năm 1997. Đến nay vừa tròn 10 năm. Nghĩ lại những gì ông tiên đoán, đối chiếu với thực tại hôm nay, dù mới chỉ 10 năm người ta không khỏi ngạc nhiên đến khâm phục về sự nhìn xa trông rộng, trí tuệ mẫn tiệp, tấm lòng thiết tha với đất nước, với dân tộc của con người “mình thông vóc hạc” này.

Cuối năm 1992, nghe tin ông lại vào “trú đông” ở TP Hồ Chí Minh, tôi đến thăm vợ chồng ông tại nhà khách Viện Pasteur để chúc mừng ông vừa nhận giải thưởng lớn Pháp văn (Grand prix Franphoconie) những 400.000 francs (gần 1 tỷ đồng Việt Nam). Nguyễn Khắc Viện không nói gì đến giải thưởng cả. (Sau này tôi mới biết, ông đem toàn bộ số tiền đó để đầu tư vào NT, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí Trẻ em). Ông nói: Ai đề ra khẩu hiệu “mọi người làm giầu” là sai. Theo ông, Cách mạng Pháp 1789 nêu khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái (Liberté – Egalité -Fraternité)… Trên cái nền tự do bình đẳng bác ái đó mà nước Pháp trở nên giầu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giầu như hiện nay thì mau chóng suy thoái về đạo lý. Cái gì cũng có thể thay đổi, nhưng đạo lý ngàn đời vẫn thế. Tôi hỏi: Đạo lý là gì. Ông nói: Là thật-giả, trắng-đen, xấu-tốt phải rõ ràng! Nếu thầy giáo nhất định phải làm giầu thì chỉ có gõ vào đầu học sinh! Nếu thầy thuốc chỉ lo làm giầu thì phải bóc lột bệnh nhân. Nhà báo như cậu thì chỉ có bẻ cong ngòi bút!

Đến bây giờ, nạn dạy thêm, nạn thầy thuốc nuôi bệnh, ăn hối lộ của bệnh nhân, nhà báo đi “đâm thuê chém mướn”, công an tiếp tay cho tội phạm trong vụ án Năm Cam, nạn bằng thật bằng giả, mua quan bán tước, hối lộ, chạy án, chạy cô-ta… lan tràn khắp đất nước. Lời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện như văng vẳng bên tai chúng ta!

Vào những năm khi các công ty tư bản đầu tiên lập nhà máy, xí nghiệp thu hút nhân công rẻ trên đất nước ta, bác Viện lại vỗ vai tôi nhỏ nhẹ: Tư bản là bóc lột, bóc lột được tới đâu thì bóc lột tới đó. Vì thế phải đấu tranh, đấu tranh đòi cải thiện chế độ làm việc, đòi tăng lương, giảm giờ làm, bảo vệ môi trường… Hễ ta lùi thì nó tiến, hễ ta tiến nó lùi… Tư bản là kẻ giầu có, vì thế không có chuyện liều mạng như vô sản, phải biết thóp điều đó mà chơi với tư bản, nên kiếm tư bản phương Tây mà chơi vì nó đã lên đến văn minh, bọn… (tôi tránh không muốn dẫn những tên nước mà bác Viện dẫn ra…) còn man rợ lắm, đấm đá, đánh đập công nhân ta là chuyện sẽ xảy ra. Lúc đó ai bênh vực công nhân đây? Đó là những điều phải nghĩ trước, phải có chuẩn bị từ bây giờ…

Ông còn giải thích thêm cho tôi rõ: Tư bản đầu tư sẽ sử dụng một đội ngũ trung gian để giúp nó quản lý xí nghiệp như cai kíp, quản đốc, phân xưởng trưởng… Những người Việt Nam này khi đã ăn lương cao của tư bản thì chất Hàn Quốc, chất Đài Loan, Singapore… trong người họ sẽ nhiều hơn chất Việt Nam! Lúc đó phải làm gì với họ? Không nghĩ, không kịp có đối sách.

Bây giờ nổ ra những vụ đình công trong các xí nghiệp liên doanh, đầu tư nước ngoài 100% ở nước ta, xem báo thấy hình ảnh công nhân ngất xỉu phải bế ra xe cấp cứu đi bệnh viện vì chủ bắt buộc làm tăng ca… rồi chuyện chủ Đài Loan, Hàn Quốc đánh công nhân; công an, tổ chức công đoàn phải đến can thiệp… tôi lại nhớ đến những lời của bác Viện, những lời đó như văng vẳng bên tai: Bênh ai? Bênh công nhân hay bênh chủ xí nghiệp, nếu là xí nghiệp quốc doanh liên doanh với nước ngoài thì bênh ai?

Không chỉ nghĩ đến tương lai chính trị, kinh tế của đất nước, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện còn đề xuất những dự báo ở nhiều lĩnh vực mà tôi thấy bất ngờ. Có lần ông tâm sự: Thể thao Việt Nam muốn đoạt giải cao trong các kì thi đấu quốc tế thì phải đầu tư cho các môn thể thao võ dân tộc mới có hy vọng. Các môn khác người ta đã tiến xa mình, đuổi không kịp nên phải đầu tư mạnh vào các môn mình có lợi thế… Ít lâu sau ông đưa cho tôi bài báo nhan đề “Tiên học võ”, nội dung cổ vũ cho việc đầu tư các môn võ thuật dân tộc như đá cầu, vật, đấu cờ… Ông nói: Nhờ cậu đưa cho bất kì một tờ báo nào, miễn là đăng được! (Vào thời điểm ấy đã có người ra lệnh mồm không được đăng bài của Nguyễn Khắc Viện ở bất cứ báo nào nên bác Viện mới nhờ tôi). Và tuần san Sài Gòn Giải phóng thứ bảy đã đăng bài báo này. Chỉ không lâu sau đó, Việt Nam liên tiếp được giải cao nhất trong các kì thi thể thao quốc tế về môn đá cầu… người ta càng nhận thấy, cái danh hiệu “nhà văn hóa” mà cuộc đời đã tấn phong cho Nguyễn Khắc Viện là có lý!

Vào những năm cuối thập kỉ 90, lúc Việt Nam bắt đầu chính sách mở cửa, hàng hóa bên ngoài ồ ạt nhập vào, một số con ông lớn đua nhau nhập Honda lấy lời. Tôi từ Mỹ Tho chạy xe gắn máy lên thăm bác Viện vào “trú đông” tại số 22 đường Phan Đăng Lưu. Bác Viện chỉ tay vào chiếc xe Honda bám đầy bụi đất của tôi nói: Cái xe gắn máy Nhật Bản và cái băng vi-đi-ô… là những quả đại bác nã vào các thành phố và thị xã, thị tứ ở nước ta, nó nã cho đến khi nào tan nát mới thôi! Lúc đó tôi vừa mới sắm được cái xe Honda cũ… đang hí hả mừng, nghe thấy những lời đó thật tình chưa hiểu ông nói gì. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông già điềm tĩnh nói: Rồi cậu sẽ hiểu!

Bây giờ thành phố của chúng ta đang rên xiết vì xe gắn máy hai bánh. Tai nạn giao thông đến mức hãi hùng. Một ngày có gần 40 người chết vì tai nạn, một năm hơn chục ngàn người chết và thiệt hại vật chất gần 1 tỷ USD (con số do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố). Mà 80% tai nạn do xe gắn máy gây ra. Ở các nước, phương tiện giao thông nào gây tai nạn quá 50% là người ta cấm. Năm 2001, ở Pháp cứ mỗi ngày có 30 người chết vì tai nạn giao thông do ô tô chạy quá nhanh. Báo chí Pháp chỉ trích “Nước Pháp là cường quốc tai nạn giao thông”! Lúc đó ở Việt Nam mới có 17 người chết 1 ngày. Vậy mà chỉ có mấy năm ta đã vượt “cường quốc tai nạn giao thông” là Pháp! Nhà báo Anh Dale Lawrence đã đến Việt Nam năm 1995, nay trở lại TP.HCM đầu năm 2007, đúng thời điểm Việt Nam vừa gia nhập WTO. Ông Dale Lawrence sau khi phát biểu những nhận xét tốt, “ngạc nhiên về sự đổi mới ở Việt Nam”, nói tiếp: “ Nhưng tôi không thể nói những gì nhìn thấy trên đường phố, nơi sẽ là ác mộng cho những người lần đầu tiên lái xe tại TP HCM. Toàn bộ hệ thống đường luôn đông nghẹt xe máy. Họ chuyển động chậm chạp, len lỏi, tạt qua, tạt lại giữa các làn đường và thậm chí còn đi bên trái. Trong khi đó, những chiếc xe tải, xe bus, và xe du lịch cũng luôn tìm cách vượt qua hoặc chèn lấn vào đường của người đi xe máy. Tôi tin chắc rằng, bất kì người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng phải đặt câu hỏi về số tai nạn giao thông ở trên. Có lẽ chính vì lí do ấy mà trong số mấy chục đất nước trên thế giới mà tôi từng đến, không có nơi nào các tờ báo và chương trình truyền hình hàng ngày dành một mục cho các vấn đề tai nạn giao thông. Nhưng dường như những nỗ lực ấy của giới truyền thông không ảnh hưởng đến những người dân đi trên đường phố này! (Tạp chí Nghề báo số Xuân 2007).

Ngoài tai nạn giao thông còn nạn tắc đường, ô nhiễm không khí, phụ nữ ra đường phải che kín mặt… Cả xã hội điêu đứng vì xe gắn máy hai bánh. Vậy mà các “quả đại bác” như lời bác Viện nói vẫn đang chất đầy các kho các cửa tiệm… Chính quyền nghĩ sao đây? Còn cái băng video nữa. Với tư cách một nhà báo, phải đến chứng kiến những cuộc đốt bỏ hàng núi băng video ngoài luồng, có nội dung bạo lực, đồi trụy… tôi nhớ lại câu “rồi cậu sẽ hiểu” của bác Viện. Nay thì tôi hiểu thật rồi!

Ngày mới giải phóng miền Nam, ông nhận định về TP HCM: “Cái vốn cách mạng to lớn của thành phố ở đây đụng đầu với một lực lượng phản dân tộc lớn nhất. Đứng về thành phần xã hội, đã hình thành trong cả nước và rõ nét nhất ở thành phố này một liên minh kiểu mafia gồm bốn loại người: Một là, những con buôn phe phẩy buôn lậu, đầu cơ ngoại tệ, tuồn hàng xa xỉ vào, làm hàng giả, lừa gạt. Hai là, các bộ xấu lạm dụng chức quyền đục khoét tiền của nhà nước, móc ngoặc với con buôn làm giầu. Ba là, những đám lưu manh côn đồ thường làm tay sai cho bọn trên, đâm thuê chém mướn. Bốn là, những bọn tay sai nước ngoài. Tôi dùng chữ liên minh vì mối quan hệ giữa bốn lại người này thường rất chặt chẽ. Ngày nay mà còn nói đến ngụy quyền để đánh giá về chính trị một con người là sai lầm, người nào làm ăn lương thiện không nằm trong liên minh nói trên đều là công dân, ai lợi dụng chức quyền bắt tay với con buôn có hệ thống cũng phải xem là phản dân tộc (Đi thăm đất nước, tái bản lần thứ 2, NXB Thanh niên 1999).

Mới giải phóng miền Nam mà nhận định về TP HCM như thế không khỏi làm cho nhiều người choáng váng. Có người hậm hực phản đối ra mặt.

Bây giờ đọc lại những dòng này không ai còn giận bác Viện nữa. TP HCM đã đặt tên đường Nguyễn Khắc Viện ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Đầu xuân 2006, bà Nguyễn Thị Nhất, người bạn đời của bác Viện từ Hà Nội vào thăm tôi, đã đưa tôi đi thăm đường phố này, nó ở gần đại lộ Nguyễn Văn Linh. Những năm cuối cùng, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã dành hết tâm huyết của mình để nghiên cứu tâm lí trẻ em. Trung tâm nghiên cứu tâm lí trẻ em là một tổ chức khoa học, dân lập, do ông đứng đầu hoạt động bằng kinh phí tự có nhằm mục đích: Nghiên cứu tâm lí bình thường và tâm lí bệnh của trẻ em. Chẩn đoán trẻ em có những biểu hiện tâm lí bất thường, thực nghiệm chăm sóc, dạy dỗ, giúp gia đình giải quyết những trường hợp rối nhiễu trẻ em. Đào tạo cán bộ nghiên cứu và giáo viên cho những hoạt động trên.

Mùa đông năm 1995, vào trú đông tại TP HCM, dự cảm thấy “quỹ thời gian” không còn nữa, ông bảo với tôi: "Chia tay cậu trước". Đến mùa đông năm 1996 ông không vào “trú đông” nữa. Đến Tết năm 1997 từ Hà Nội ông gửi thiệp cho tôi, “không biết rồi còn có dịp gặp nhau nữa không?” Trên thiệp còn mấy chữ Hán: "Nhật nhật tân - Hựu nhật tân". Dưới có đóng dấu: Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí Trẻ em. Ông và tôi đã không “có dịp gặp nhau nữa” từ bức thư trên thiệp đó.

… Có người hỏi tôi: Ấn tượng mạnh nhất của anh về Nguyễn Khắc Viện?

Xin trả lời: Dự báo! Suốt đời con người này dốc toàn sức lực, trí tuệ và tâm huyết của mình để dự báo những gì sẽ đến với dân tộc. Ông không run sợ khi nói lên sự thật, nói đúng sự thật. Người phương Tây có câu ngạn ngữ “Ai nói đúng sớm quá là sai lầm!”(Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort). Suốt đời Nguyễn Khắc Viện đã trả giá cho những “sai lầm”! Khi nghe tin ông được Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng lớn Pháp văn (1992), những phần tử chống cộng cực đoan ở Pháp phản đối Chính phủ trao giải thưởng cho một người cộng sản. Nhưng oái oăm thay trong nước lại có người đề nghị không đưa tin này, vì Nguyễn Khắc Viện là một phần tử chống Đảng!

Một nhà thơ phát biểu trên đài truyền hình rằng: Xã hội có phát triển nhưng có điều gì không ổn!

Cái không ổn mà nhà thơ cảm nhận hôm nay chính là điều nhà tiên tri Nguyễn Khắc Viện đã dự báo nhiều năm về trước.

Nền kinh tế thị trường muốn phát triển phải có một đội ngũ doanh nhân mạnh. Đội ngũ doanh nhân đó lại cần có một đội ngũ trí thức đủ bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết làm nền cho họ trên bước đường phát triển. Đội ngũ trí thức của đất nước phát hiện kịp thời, nắm bắt, dự báo về “những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” (Stefan Zweig)… Các nhà quản lí đất nước điều chỉnh các chiến lược quốc gia, dựa trên những dự báo của tầng lớp trí thức ưu tú đó.

Nguyễn Khắc Viện chính là một trí thức tự cho mình cái quyền dân chủ suy nghĩ độc lập để dự báo, mở đầu cho sự hình thành một tầng lớp trí thức mới của thời kinh tế thị trường, kinh tế tri thức trước yêu cầu phát triển của đất nước.

TP HCM, tháng 5/2007

© 2007 talawas