© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
23.5.2005
Trần Đức Thảo
Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức
10 kì
Ðoàn Văn Chúc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Từ sự chuẩn bị dụng cụ đến sự tu chỉnh nó

Khi một người vượn tự làm một cái gậy bằng cách phát đi các chùm lá của một cành cây hay bằng nắn thẳng một sợi sắt cuộn tròn, hay khi nó bào một thỏi gỗ để làm thành một cái que, hoặc nữa khi nó nối một cây sậy vào một cây khác để có một cái gậy đủ đụng tới mục tiêu xa, nó luôn luôn chỉ dùng các cơ quan tự nhiên của nó, tức hai bàn tay nó, hai chân hay răng, không bao giờ sử dụng một đồ vật trung gian làm thủ đoạn lao động. Trong các thực nghiệm tiến hành về chủ đề này, nhất là do Khroustov, ông đã không bao giờ có thể dẫn bắt con vượn chuẩn bị một dụng cụ này bằng một dụng cụ khác. [1] Hiển nhiên ở đây ta đứng trước một giới hạn của trí thông minh động vật, mà sự vượt qua giới hạn ấy đánh dấu một giai đoạn cơ bản trên con đường dẫn tới sản xuất công cụ.

Thực tế, sự chuẩn bị dụng cụ ở con vượn, nói thật đúng, khong thể được coi là một hành vi lao động. “Đây là, Marx viết, những yếu tố đơn giản mà trong chúng quá trình lao động được giải hợp thành: 1- hoạt động nhân thân của người hay lao động đúng nghĩa; 2- đối tượng tác dụng của lao động; 3- thủ đoạn tác dụng. [2] Do người vượn chuẩn bị dụng cụ không bao giờ điền tháp bất kì một thủ đoạn lao động nào vào giữa các cơ quan tự nhiên của nó với vật liệu, nên thao tác xét trong bản thân nó không tạo thành một hành vi lao động, mà chỉ đơn giản là một hành vi thủ thao trực tiếp. Sự lao động chỉ diễn ra khi vượn sử dụng dụng cụ để thoả mãn nhu cầu của nó. Do đó mà trong cả toàn bộ quá trình, duy chỉ có đối tượng của nhu cầu vận hành với tư cách đối tượng của lao động. Vật liệu mà vượn người xử lí để thích nghi nó với tình thế không vận hành với tư cách đối tượng lao động, nhân bởi nó được trực tiếp xử lí bằng tay bởi chủ thể, không có sự trung gian của một công cụ lao động nào.

Giữa đối tượng với chủ thể, Wallon lưu ý về vấn đề hoạt động dụng cụ ở con vượn, ham muốn tư chiếm làm nảy sinh một trường lực, mà các hình thế khả thể tuỳ thuộc vừa vào những ngẫu nhiên riêng thuộc của trường ngoại tại vừa vào những chu trình có thể được mở ra trong trường của những liên hệ thần kinh (cham des connexions nerveuses)… Bổ túc nhau cách chặt chẽ, hai trường không có dịp được phân biệt, nếu như không phải để phân tích những điều kiện riêng rẽ của chúng.” [3] Nói khác, trong trường năng động toàn phần, trong đó hoàn cảnh của chủ thể năng tri giác (sujet percevant) được xác định, đối tượng của nhu cầu thu hút một đối tượng thứ hai là cái, do những điều kiện hoá tiền tồn, được trình ra để làm chức năng trung gian. Đối tượng của nhu cầu, được trung gian hoá bởi dụng cụ ấy, trở thành đối tượng của lao động. Một khi vượn người quen với sử dụng dụng cụ, nó có thể đi vào chuẩn bị dụng cụ nếu như nó thấy dụng không sẵn sàng có đó trong tình thế cần dùng đến. Nhưng bởi, ở trình độ động vật, nhu cầu được xác định chủ yếu là sinh vật tính, nên rõ ràng rằng sự chuẩn bị dụng cụ ở đây được khêu gợi duy nhất bởi đối tượng của nhu cầu sinh vật: tự bản thân nó, nó không đáp ứng một nhu cầu nào cả. Do đó mà vật liệu, vô can ngay tự bản thân nó, là không có năng lực thu hút một đối tượng thứ ba làm thủ đoạn lao động.

Đúng là bắt đầu từ một trình độ nào đó phát triển, được cấu thành, do sự chiếu sáng xuất phát từ nhu cầu sinh học, một thứ nhu cầu nhất thời phải chuẩn bị dụng cụ. Như người ta thấy những con tinh tinh đen, đã quen với sự chuẩn bị dụng cụ, tỏ ra có năng lực tập trung và kiên trì nỗ lực, thí dụ để gặm một tấm gỗ thành một cái que. Vật liệu được trình ra ở đây, theo một ý nghĩa nào đó, là đối tượng của một nhu cầu mới: nhu cầu biến vật liệu thành dụng cụ. Nhưng cũng rẩt rõ là nhu cầu ấy chỉ được khiêu gợi bởi sự có mặt của đối tượng sinh vật và hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng sinh vật. Vậy bao giờ cũng vẫn là đối tượng sinh vật đóng vai trò trung tâm hấp dẫn chính và có thể nói vai trò cực ưu thắng của trường động học toàn phần của tri giác, khiến vật liệu chỉ còn trình ra như là một cực phụ thuộc: với danh nghĩa ấy, nó còn chưa thể thúc đẩy sự điền tháp một dụng cụ thứ hai, nói khác, nó tiếp tục chỉ vận hành với tư cách đối tượng của sự thủ thao trực tiếp.

Sự sử dụng một dụng cụ thứ hai để tác dụng tới vật liệu sẽ chỉ khả thể bắt đầu từ lúc việc chuẩn bị dụng cụ được thay thế bằng sự biểu hiện thuần túy của nó. Thật vậy, trong một hoàn cảnh như thế, vật liệu, là đối tượng của nhu cầu biến đổi nó thành dụng cụ, đến trong vị trí ưu thắng trong trường động học của tri giác, điều ấy cho phép nó hấp dẫn một đối tượng thứ ba với danh nghĩa trung gian, khi ấy vật liệu vận hành là đối tượng lao động, và sự chuẩn bị dụng cụ được nâng lên trình độ của một hành vi lao động.

Một bước tiến như thế giả định, như chúng tôi vừa lưu ý, rằng chủ thể phải có năng lực tự biểu hiện đối tượng sinh vật vắng mặt, bởi rất tất nhiên là dụng cụ không thể được chuẩn bị cho chính nó. Ở bình diện ấy, nhu cầu chuẩn bị dụng cụ chỉ có thể nảy sinh bẳng sự chiếu sáng xuất phát từ nhu cầu sinh học, khiến sự chuẩn bị ấy phải được thúc đẩy bằng sự có mặt nếu không bằng xương thịt, thì ít nhất cũng phải bằng hình ảnh, của đối tượng sinh vật.

Chúng ta đã thấy rằng ý thức xuất hiện vào thời kì đầu của sự phát triển người vượn bằng sự chủ thể hoá dấu hiệu chỉ dẫn dưới hình thức của xác thực khả cảm về thực tế khách quan của đối tượng tri giác được. [4] Từ đấy đến sự biểu hiện đối tượng vắng mặt, tất nhiên còn phải trải qua một sự trung gian dài của lao động và của ngôn ngữ. Vậy chúng ta có thể nghĩ rằng trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển người vượn, sự chuẩn bị dụng cụ đã chỉ được hoàn thành trước mặt hay bên cạnh đối tượng sinh vật, như chúng ta có thể quan sát thấy thế ở các vượn người, hay ít nhất cũng cận kề trực tiếp với nó, khiến nó ít nhiều vẫn là có mặt, bằng hình ảnh dư tồn của nó, trong trường tri giác. Trong các điều kiện ấy, đối tượng sinh vật vận hành luôn luôn là cực thống trị tình thế, và sự điền tháp một đối tượng thứ ba như là trung gian giữa chủ thể với vật liệu còn là bất khả thể. Đó chính là điều được xác nhận bởi kết quả của những khai quật trong các di chỉ Người vượn nam phương hiện nay đã được biết, nhân bởi đến nay vẫn không thể tìm thấy ở đấy một cái nào có thể dùng làm dụng cụ và mang dấu vết một sự chế tác bằng trung gian của một dụng cụ khác. [5]

Vậy ta có thể coi Người vượn nam phương được biết hiện nay là những đại biểu muộn mằn của giai đoạn đầu tiên của sự phát triển người vượn. Ấy là đúng trên dòng đi của giai đoạn đầu tiên ấy đã được cấu thành, do sự phát triển của lao động và ngôn ngữ, những điều kiện cho phép, vào đoạn cuối, xuất hiện sự biểu hiện đầu tiên khách thể vắng mặt. Một khi hoạch đắc tiến bộ ấy của ý thức, tổ tiên vượn người có thể chuẩn bị dụng cụ xa cách đối tượng sinh vật thí dụ ngay từ đầu buổi đi săn, nhân bởi họ đã có trong đầu hình ảnh về con mồi. Trong những điều kiện ấy, vật liệu đến hàng đầu với tư cách cực thống trị của trường tri giác, và như thế có thể hấp dẫn một đối tượng thứ ba để thay thế cho dụng cụ thứ hai.

Sự tham gia của dụng cụ thứ hai biến sự thủ thao trực tiếp vật liệu thành một hành vi lao động, nhưng chắc chắn chưa phải là một lao động sản xuất. Hành vi sản xuất bao hàm rằng người lao động được hướng dẫn theo hình ảnh ý tưởng tính của một hình thức điển hình nhân vì đúng đó là sự hiện diện của một hình thức như thế ấy trên một khách thể, là cái cho phép nhận ra khách thể ấy là sản phẩm của một bàn tay người. Vào điểm chúng ta đã tới ở đây, chẳng có gì cho phép nhận ra khách thể ấy là sản phẩm của một bàn tay người. Vào điểm chúng ta đã tới ở đây, chẳng có gì cho phép chúng ta giả định là chủ thể đã có thể sử dụng một hình ảnh loại ấy mà trình độ chắc chắn cao hơn trình độ sự biểu hiện đơn thuần khách thể vắng mặt. Vậy có lẽ đúng rằng Tổ tiên đành lòng gia công vật liệu theo cách xấp xỉ nhiều hoặc ít, miễn sao họ đạt được một hình thức khả dĩ dùng được. Ở đây ta có thể nói đến một lao động tu chỉnh (travail d’élaboration) dụng cụ được tu chỉnh phải mang dấu ấn một sự gia công bằng trung gian của một dụng cụ khác, nhưng còn chưa trình ra một hình thức điển hình nào. Một đặc điểm như thế đáp ứng trúng những chỉ dẫn của Engels trong đoạn đã trích trên đây về tính cách bị hạn chế chặt chẽ của những tiến bộ lao động trong thời kì của đoạn trung gian hoặc đoạn quá độ từ vượn sang người: “Những thực thao mà tổ tiên chúng ta, qua hàng ngàn thế kỷ, đã học thích ứng dần dần bàn tay của mình trong thời kì chuyển từ vượn sang người, thì ban đầu đã chỉ có thể là những thực thao rất đơn giản. Những người hoang dã thấp nhất, ngay cả ở những người mà ta có thể giả định một sự thụt lùi lại một tình trạng khá gần gũi với thú vật, kèm theo sự thoái hoá về thân thể, cũng vẫn thuộc một trình độ còn cao hơn nhiều những tạo vật quá độ ấy”. Nhân vì còn chưa có sự sản xuất, chúng ta vẫn còn đang ở trong khuôn khổ dự- thành nhân, nhưng ở một trình độ cao hơn trình độ của giai đoạn đầu tiên đã nói ở trên. Sự can thiệp của dụng cụ thứ hai, làm biến đổi sự thủ thao trực tiếp vật liệu thành một lao động tu chỉnh, vậy là đánh dấu sự bước sang một giai đoạn thứ hai của sự phát triển dự- thành nhân.


Sự phát sinh lao động làm đá. Vượn Kafou như là giai đoạn thứ hai của sự phát triển dự-thành nhân

Cho đến nay người ta không còn tìm được một hài cốt nào cho phép hình dung cụ thể những Người vượn Nam phương đã tiến hoá của giai đoạn thứ hai ấy. Tuy nhiên các vật tiền sử được xếp dưới tên Kafouen có thể chứng minh sự hiện tồn của họ. Đó là những hòn cuội (galets) có một cạnh sắc không ổn định đạt được bằng một hay hai nhát ghè đẽo vào một cạnh. Sự vắng mặt của mọi hình thức điển hình, ngay cả ở bộ phận có ích dụng ấy, khiến những mảnh ấy khó được phân biệt với các dụng cụ tự nhiên, và nhiều tác giả gán cho chúng một nguồn gốc thuần tuý tự nhiên. Trong khi ấy chúng rất tương ứng với một nấc tất yếu trong sự tiến hoá của những dụng cụ bằng đá, như chúng ta có thể tái dựng nó bắt đầu từ trình độ vượn.

Sự sử dụng đá làm dụng cụ được thấy ở khỉ mũ, chúng dùng sỏi để đập vỡ các hạt cây và macác Nhật Bản thì dùng sỏi đập vỡ các mai cua. [6] Người ta có thể nghĩ rằng Tổ tiên vượn người vào cuối sự phát triển của nó đã có thói quen sử dụng đá sắc để chặt nhỏ con mồi. Một thói quen như thế đã dẫn họ đến chuẩn bị những công cụ ấy khi họ không thấy sẵn có trong thiên nhiên. Tuy nhiên, sự thủ thao đá, ngược với sự thủ thao gỗ, trình ra một khó khăn đặc biệt: không thể đập vỡ một hòn đá bằng hai tay. Tất nhiên người ta có thể gặm mẻ nó bằng răng, nhưng biện pháp ấy là cực nhọc và ít hiệu quả. Chắc rằng Tổ tiên vượn người và tiếp đấy là Người vượn Nam phương của giai đoạn đầu dự- thành nhân (người- vượn) đã cầu viện đến sự đập vỡ. Trong thế kỉ trước, người ta hãy còn thấy người tasmanien [7] đập vỡ một hòn đá bằng cách ném nó vào một tảng đá núi hay vào một hòn đá khác, sau đó chọn trong cách mảnh vỡ những mảnh có thể dùng làm dụng cụ sắc. [8] Một biện pháp như thế không vượt khỏi giới hạn một sự thủ thao trực tiếp vật liệu. Quả thật, ở đây vẫn chưa có một thủ đoạn lao động, nhân bởi hòn đá thứ hai chưa vận hành với tư cách trung gian giữa chủ thể với đối tượng của hành động hắn. [9]

Đến một trình độ nào đó phát triển, sự đập vỡ có thể mang hình thức sự cùng đập vỡ (concassage): chủ thể đập hai hòn đá vào nhau bằng cách cầm mỗi hòn trong mỗi tay.

Ở đây chúng ta đứng ở ngưỡng cửa thao tác ghè đẽo. Tuy nhiên, do hiệu quả hữu ích có thể được thực hiện trên một hòn đá này cũng như cả trên hòn đá kia, nên rõ ràng chúng vận hành cả hai đều với tư cách vật liệu, khiến cho ta vẫn ở trong khuôn khổ một hành vi đơn thuần là thủ thao trực tiếp.

Chừng nào Người vượn còn chuẩn bị dụng cụ trước sự hiện diện của đối tượng sinh vật, hắn còn chưa thể vượt khỏi hình thức của sự cùng đập vỡ. Quả vậy, đối tượng sinh vật chiếm đoạt vị trí là cực thống trị của trường năng động của tri giác, nên không một hòn nào trong hai hòn đá có thể trở thành trung tâm hấp dẫn chính, khiến cho vai trò của chúng không thể được khu biệt thành thủ đoạn lao động với đối tượng lao động. Hoàn cảnh thay đổi bắt đầu từ lúc chủ thể sử dụng một sự biểu hiện đối tượng vắng mặt. Thí dụ, một khi con mồi bị hạ bằng một cái gậy, vài người săn bắt có thể lưu giữ trong óc hình ảnh con mồi, đi đủ xa để tìm và cần đến bèn chuẩn bị ngay mảnh đá sắc sẽ dùng để chặt nhỏ con mồi. Đối tượng sinh vật được chuyển sang hậu cảnh (l’arriere-plan) của trường năng động toàn thể và hai hòn đá để cùng đập vỡ nhau đến cùng chiếm vị trí là cực thống trị. Khi nếu một trong hai bị ghè vỡ, nhưng còn chưa thể sử đụng dược như thế nào đấy, thì có thể diễn ra là sự chú ý sẽ được tập trung vào nó để thao tác tiếp. Nói khác, nó có thể chiếm chỉ cho nó vị trí cực thống trị của trường thị giác. Khi ấy hòn đá khác được đặt vào chức năng dụng cụ, hòn đá thứ nhất nọ bèn trở thành đối tượng lao động. Với sự tích tụ kinh nghiệm loại ấy, sự khu biệt vai trò của hai hòn đá trở thành thói quen, nói khác, ấy là từ đây mà ngay từ khi đầu của thao tác chủ thể đã lấy một trong chúng làm đối tượng lao động và một khác làm thủ đoạn lao động: sự cùng đập vỡ được trở thành sự ghè đẽo, sự chuẩn bị dụng cụ được nâng lên hình thức một tiến trình lao động.

Tất nhiên, sự biến đổi vật liệu bằng lao động bao hàm một sự biểu hiện nào đó hình thức có ích phải thực hiện. Đó chính là tính ưu việt của sự tu chỉnh dụng cụ đối với sự chuẩn bị đơn giản như ta có thể thấy ở những vượn người. Dụng cụ mà con vượn đi đến chuẩn bị được mang hình thức hoàn toàn tình cờ, miễn sao dụng cụ ấy có thể được dùng làm trung gian để đạt đến đối tượng thèm muốn. Trong quá trinh chuẩn bị, chủ thể vậy là hướng không phải vào một biểu hiện của hình thức hữu ích của dụng cụ hay gọi là khái quát hoá [10] kết thúc từ kinh nghiệm trước đây của nó về cảm giác-vận động, còn nội dung thì ấy được xác định chủ yếu bởi một động tác hữu ích đặc biệt nào đó của chức năng dụng cụ tính: “Thí dụ đối với cái gậy thì là động tác đụng tới đối tượng ở xa. Một hình ảnh như thế hướng dẫn con vượn trong sự chuẩn bị dụng cụ bằng cách ứng dụng cụ thể vào hình ảnh tri giác tính của đối tượng sinh vật hiện diện, và người ta thấy ngay rằng dụng cụ được chuẩn bị như thế chỉ được hạn định trên bình diện chức năng tính, không định thức.” (nonformel)

Ta có thể nghĩ rằng khi Người vượn, trong giai đoạn đầu của sự phát triển, chuẩn bị đá sắc bằng cũng đập vỡ, hắn cùng hướng vào hình ảnh chức năng tính đơn giản của dụng cụ ấy, tức theo hình ảnh khái quát hoá của động tác phanh chặt áp dụng tức thì thí dụ vào con mồi hắn vừa hạ thủ được và hãy còn ít nhiều hiện diện trong trường năng động của tri giác. Nhưng kể từ lúc tổ tiên vượn đi tìm ở xa những mảnh đá cần thiết, thì sự biểu hiện đối tượng sinh vật chỉ có đủ để kích thích một sự tìm kiếm như thế, là không thể cung cấp một điểm áp dụng luôn luôn đủ vững chắc cho hình ảnh chức năng tính của dụng cụ phải chuẩn bị. Do đó mà hình ảnh ấy đã trở nên quá mơ hồ để có thể thường xuyên hướng dẫn sự chuẩn bị đang diễn ra. Trong những trường hợp phức tạp, chủ thể vậy là phải tự cấu thành dần dần một biểu hiện nào đó hình thức dụng cụ tính, tức hình thức sắc của bản thân dụng cụ như nó xuất hiện trong động tác chặt phanh, và đúng một sự biểu hiện như thế đã cho phép chuyển từ sự cùng đập vỡ sang sự ghè đẽo. Thực vậy, sự khu biệt hai hòn đá, một trở thành thủ đoạn lao động và một khác thành đối tượng lao động hàm ngụ rằng chủ thể cố gắng điều khiển thủ đoạn lao động sao cho có thể thực hiện trên đối tượng một hình thức nào đấy: hình thức ít nhiều thanh mảnh khiến nó trở nên một lưỡi, nói khác, là hình thức sắc bén vậy là được đặt ra từ trước.

Tất nhiên ở trình độ này còn chưa phải là vấn đề một sự biểu hiện điển hình. Thật vậy, chừng nào còn được cấu thành trên cơ sở của sự thực hành lao động tiền diễn thì hình ảnh biểu hiện của hành thức dụng cụ còn chưa thể thoát khỏi những đường nét đột xuất, mà với những đặc điểm ấy hình ảnh lẫn lộn hoàn toàn vào dụng cụ tự nhiên hay dụng cụ được chuẩn bị đơn giản. Sự thoát thai của hình thức, cái cho phép cấu tạo thành một hình thức điển hình, sẽ chỉ thực sự khả thể sau một tiến hoá dài của lao động tu chỉnh trong đó dụng cụ đi tới đạt được một hình thức rõ rệt ít nhất là trong bộ phận hữu ích của nó. Ở trình độ nói đến ở đây, vào lúc lao động tu chỉnh mới chỉ ra đời, tất yếu hình ảnh biểu hiện về hình thức dụng cụ tính còn lẫn lộn, trong một chừng mực, với những đường nét tuỳ tiện như đã được trình ra ở vật liệu: do đó sự pha trộn ít nhiều hỗn độn ấy, người ta có thể gọi nó là hình ảnh hỗn hợp (image syncrétique).

Đúng là một hình thức loại ấy người ta đã bắt gặp trên những hòn cuội kafouen. Quả thật phần coisch của chúng là ở một cạnh sắc được đẽo thô sơ chỉ ở một vế, khiến cho lưỡi tất yếu không đều đặn do nó được tạo nên bởi một sự gặp nhau giữa mặt tự nhiên và mặt được lao động. Một hình thức như thế tự xác định nó là hỗn hợp, nhân bởi vì nó bao hàm trong một chừng mực nhất định một sự pha trộn ít hay nhiều lẫn lộn giữa các nét thực sự hữu ích của cấu trúc dụng cụ tính với các đường nét tuỳ tiện vốn có trên mặt tự nhiên. Và từ tính cách hỗn hợp ấy của dụng cụ kafouen, người ta có thể quy kết rằng tiến trình lao động, tu chỉnh nên dụng cụ ấy, đã được hướng rõ rệt vào một hình ảnh hỗn hợp.

Tất nhiên, một đặc điểm như thế làm cho các hòn cuội kafouen trở thành khó phân biệt được một cách cá thể với các dụng cụ tự nhiên. Tuy nhiên, khi xem xét chúng trong cái toàn thể, in situ (trong môi trường tự nhiên của chúng) người ta thấy một sự tiến hoá thiên về xích gần chúng lại với kiểu loại oldovien [11] : mà một tiến hoá như thế hẳn là không thể cắt nghĩa được trong giả thiết về một nguồn gốc vật thể thuần túy.


Từ tu chỉnh dụng cụ đến sản xuất dụng cụ. Văn hoá oldovien như là bước kết thúc thời kỳ mang thai

Chừng nào bề mặt sắc của mảnh cuội mới chỉ được làm việc trên một mặt, thì nhất thiết bề ấy còn giữ hình thức hỗn hợp của nó. Sự tạo nên một hình thức điển hình vậy là sẽ chỉ khả thể bắt đầu từ khi sự ghè đẽo bề sắc được làm cả trên hai mặt, và đó đúng là điều người ta quan sát được ở dao chặt oldovien, tự chuyển từ văn hoá kafouen sang văn hoá oldovien vậy là bao hàm, như điều kiện tiên quyết, sự chuyển từ ghè đẽo trên một mặt sang hai mặt [12] , ấy là cái cho phép đem lại cho bộ phận hữu ích của dụng cụ một hình thức phân biệt. Để nói cách khái quát hơn, ấy thoạt tiên là sự chuyển từ một sự gia công đơn sơ hoặc lờ mờ, nói khác, từ một sự bán-gia công sang sự gia công toàn phần hoặc sự gia công rõ ràng phần hữu ích của dụng cụ. Và chỉ trên một thực nghiệm như vậy mới được cấu thành dần dà hình ảnh đầu tiên điển hình về hình thức dụng cụ tính, điều ấy sẽ cho phép sự lao động tu chỉnh chuyển sang lao động sản xuất.

Nhưng tổ tiên dự-người vào cuối thời kỳ tiến hoá của mình đã có thể đi vào gia công bề sắc của mảnh cuội trên cả hai mặt, và như thế chuẩn bị cho sự đi vào giống người dưới hình thức Homo habilis (Người khả năng) như thế nào? Chúng ta đã thấy sự lao động tu chỉnh được ra đời từ sự phát triển của sự thủ thao trực tiếp vật liệu trong biến chuyển từ giai đoạn nhất sang giai đoạn hai dự- người, khi Tổ tiên người vượn Nam phương đi vào chuẩn bị dụng cụ của họ mà vắng mặt đối tượng sinh vật: thí dụ ngay khi bắt đầu lên đường đi săn, hay khi con mồi bị hạ, họ đi ra xa để tìm đá sắc phanh chặt con mồi. Trong cả hai trường hợp, nếu đối tượng sinh vật là vắng mặt, thì tình thế sinh vật không vì vậy mà không hiện diện, và ấy là tình thế sinh vật là cái bảo lĩnh tính hữu hiệu của hình ảnh biểu hiên đối tượng sinh vật, và cho phép người vượn có lí do cho sự chuẩn bị, rồi sự tu chỉnh dụng cụ. Bởi nhu cầu dụng cụ chỉ có thể sinh ra do sự chiếu sáng từ nhu cầu sinh vật được bao hàm cụ thể trong một tình thế như thế. Mà rõ ràng bản thân tình thế sinh vật ấy, nó điều kiện hoá sự lao động tu chỉnh, cũng đồng thời thúc bách chủ thể đến mức độ hắn phải đành lòng với một dụng cụ khả dĩ sử dụng mà thôi, không có sự rảnh rỗi để hoàn thiện nó. Vậy là chừng nào người vượn mới chỉ đi vào sự tu chỉnh dụng cụ trong hoàn cảnh sinh vật thì lao động của hắn còn không thể vượt khỏi trình độ một sự gia công đơn sơ hoặc lờ mờ. Sự chuyển sang gia công toàn phần hoặc sự gia công phân biệt phần hữu ích của dụng cụ sẽ chỉ khả thể khi lao động tu chỉnh được thực hiện ngoài tình thế sinh vật tính, nói khác là trong lúc rỗi rãi, khi nhu cầu sinh vật đã được thoả mãn.

Nhưng cái gì sẽ thúc đẩy Tổ tiên làm việc vào lúc rỗi rãi của họ, trong khi từ trước tới nay họ chỉ dùng thời giờ ấy vào đùa nghịch? Tất nhiên chỉ sự biểu hiện đơn giản không thôi về đối tượng sinh vật vắng mặt là không thể đủ được, nhân bởi hành động của hắn đặt ra cụ thể sự hiện diện của hoàn cảnh sinh vật. Vậy cần là chủ thể phải có trong hắn một biểu hiện, về tình thế sinh vật chính nó, nói khác, một biểu hiện toàn thể bao gồm đối tượng sinh vật trong quan hệ năng động của nó với nhóm người vượn. Hình ảnh phức hợp ấy đánh thức nhu cầu sinh vật, và bằng sự toả sáng từ nhu cầu ấy nó đánh thức nhu cầu tu chỉnh dụng cụ, điều đó thúc đẩy chủ thể bắt tay vào việc. Cho đến khi ấy hắn vẫn bằng lòng gia công đơn sơ một cái khả dĩ dùng được. Nhưng do ở đây thì giờ không gò bó và trong tình thế sinh vật tưởng tượng này nhu cầu sinh vật và cũng do đó mà cả nhu cầu về dụng cụ tiếp tục làm cho chủ thể cảm thấy, ngay cả khi vật liệu đã được tu chỉnh trong hình thức hỗn hợp quen thuộc của nó, nên chủ thể được lôi cuốn đi xa hơn trong công việc. Thí dụ trong trường hợp mảnh đá cuội, hắn bắt đầu ghè đẽo lưỡi sắc trên mặt kia, trong khi sự gia công mặt thứ nhất đã đem lại cho toàn thể một hình thức khả dĩ sắc bén. Sự gia công toàn phần lưỡi sắc xoá bỏ hẳn hình thức tự nhiên của phần ấy hòn đá và đi đến, lần đầu tiên, một hình thức phân biệt do được làm việc hoàn toàn. Chính trên kinh nghiệm ấy của sự lao động sáng tạo mà được cấu thành một biểu hiện hình thức dụng cụ tính tách ra khỏi những đặc điểm tự nhiên ngẫu nhiên, như được trình ra trên vật liệu và còn được lưu giữ phần nào đó trên lưỡi dụng cụ kafouen, và ở đó chúng cùng vơi những đặc điểm thực sự có ích của cấu trúc dụng cụ tính làm thành một sự pha trộn hỗn hợp. Sự biểu hiện phân biệt đầu tiên ấy được xác định bằng cách trở nên tinh tế thêm mãi trong sự thực hành của lao động tập thể và tạo thành một hình ảnh điển hình của hình thức hữu ích của dụng cụ, như ta thấy nó được thực hiện trên lưỡi của dụng cụ chặt oldovien.

Ở đây chúng ta có thể nói lần đầu tiên đến một hành vi sản xuất, nhân bởi người lao động đi đến một kết quả đích xác phù hợp với mục đích hắn đã đề ra cho mình ngay từ lúc đầu trong ý thức hắn: “Kết quả mà sự lao động đạt đến tiền tồn cách ý thức tính trong trí tưởng tượng của người lao động. Không phải hắn thực thao chỉ một sự đổi thay hình thức trong những chất liệu tự nhiên, mà hắn thực hiện đồng thời ở đó mục đích riêng của hắn mà hắn có ý thức.” [13]

Sự lao động sản xuất vừa chợt xuất hiện còn chưa phải sự sản xuất công cụ. Bởi công cụ phải được xác định trong hình thức toàn thể của nó. Dao chặt oldovien, mới chỉ được xác định trong bộ phận hữu ích của nó, còn nằm trong dạng dụng cụ.

Tuy nhiên, đối lập với dụng cụ tự nhiên và với dụng cụ được chuẩn bị mà bộ phận hữu ích được xác định trên bình diện chức năng tính, không định hình và khác biệt với dụng cụ kafouen hoặc dụng cụ tu chỉnh mà phần hữu ích chỉ được xác định theo một hình thức hỗn hợp, dụng cụ oldovien được xác định trong bộ phận hữu ích theo một hình thức điển hình. Vậy nó bắt nguồn từ một hành vi sản xuất, và tác giả nó phải được xếp vào giống Homo (Người) nhân bởi lao động sản xuất là cái xác định loài người là loài người.

Tuy nhiên sự sản xuất còn trình ra ở đây chỉ dưới hình thức cục bộ và, nếu người ta muốn, ở thời kỳ mang thai. Với tư cách người sản xuất, Người khả năng đã vượt giai đoạn trung gian từ vượn tới người. Nhưng với tư cách người sản xuất dụng cụ, không phải công cụ, hắn vẫn còn là “người đang hình thành.” [14] Vậy hắn vẫn còn sở thuộc thời kỳ bào thai mà hắn xác định bước kết thúc, bước sẽ dẫn sang “con người hoàn tất” hay “con người thành nhân” (l’homme achevé ou l’homme constiué) với tư cách người sản xuất công cụ. Sự sản xuất công cụ xuất hiện lần đầu tiên với cái rìu tay (chelléen) chỉ lúc này người mới thực tại tách khỏi tự nhiên để sinh ra trong thế giới của văn hoá, với tư cách người chế tác (Homo faber). Ở giai đoạn oldovien, con người trong sự hình thành, như một bào thai trong bụng mẹ, mới chỉ phát triển trong giới hạn của sự sinh tồn tự nhiên: hắn còn chưa phải người thợ. Tuy nhiên, hắn có tư năng của người mở đường đầu tiên cho hành vi sản xuất, một tư năng của “người sửa vặt” (umehabileté de “brricoleur”) mà ta có thể tưởng tượng tốt đẹp về nó, khi xem xét sự phong phú và tính đa dạng về các kiểu loại dụng cụ. Người sáng tạo văn hoá oldovien vậy là hoàn toàn xứng đáng với tên của mình Homo habilis.

“Các thủ đoạn lao động, Marx nói, là những thước đo sự phát triển của người lao động.” [15] Ta có thể tìm được trong cách hình thức kế tiếp của dụng cụ với các hoạt động của nó một cơ sở để phân biệt, sau giai đoạn vượn người, các bước chính của thời kỳ thai nghén của giống Homo.

  1. Dụng cụ tự nhiên, xuất hiện theo cách rời rạc lẻ tẻ ở vượn, trở thành một nếp sống thông thường vào cuối thời kì vượn người, nếp sống ấy khiến ra đời dụng cụ chuẩn bị: Sự chuẩn bị dụng cụ được thực hiện trong sự hiện diện của đối tượng sinh vật và được hướng dẫn theo một hình ảnh cảm giác-vận động khái quát của chức năng dụng cụ tính. Thói quen lao động thích nghi kéo theo một mặt, sự hình thành dấu hiệu nguyên thuỷ của sự chỉ dẫn trên bình diện khách quan của ngôn ngữ của đời sống thực tế, mặt khác, sự chuyển sang đứng thẳng, điều này đánh dấu sự chuyển từ họ Vượn sang họ Người.

  2. Bàn tay được giải phóng, sự lao động thích nghi, với dụng cụ tự nhiên và dụng cụ chuẩn bị, trở thành một ứng xử ổn định trên cơ sở sự tiến bộ của cấu trúc sinh vật, điều này bao hàm sự cố định hoá hoàn toàn của dấu hiệu chỉ dẫn trong tổ chức thần kinh. Những tiến bộ ấy xác định sự thành nhân của giống Dự-người (Proehomo) như là “tạo vật quá độ” (Engels) từ vượn sang người. Sự hành xử lao động người- vượn kéo theo tức thì sự có ý thức về dấu hiệu chỉ dẫn, sự có ý thức ấy sản sinh hình thức nguyên thuỷ của ý thức là tính xác thực khả cảm. Sự lao động người- vượn trong những giới hạn của dụng cụ tự nhiên và của dụng cụ được chuẩn bị quyết định đoạn đầu của giai đoạn trung gian hay giai đoạn chuyển tiếp từ vượn sang người, đoạn mà Người vượn Nam phương hiện nay được biết đến là những đại biểu muộn mằn.

  3. Dụng cụ tu chỉnh (kafouen) đặc định đoạn hai của giai đoạn chuyển tiếp. Sự lao động tu chỉnh đặt ra một mặt, một sự biểu hiện đối tượng sinh vật vắng mặt, mặt khác, một sự biểu hiện hỗn hợp hình thức dụng cụ tính.

  4. Dụng cụ làm ra (oldovien) đặc định giai đoạn cuối cùng của thời kỳ thai bào (giai đoạn “con người đang hình thành” hoặc Homo habilis) Sự sản xuất dụng cụ, được thực hiện trong lúc rỗi rãi bao hàm một mặt sự biểu hiện tình thế sinh vật vắng mặt, mặt khác một sự biểu hiện điển hình hình thức dụng cụ tính, là hình thức của bộ phận hữu ích của dụng cụ.

  5. Cuối cùng công cụ, xuất hiện trong văn hoá chelléen, đánh dấu sự ra đời thực sự của giống Homo trong hình ảnh của Homo faber (Người vượn Java). Sự sản xuất công cụ đặt ra một sự biểu hiện điển hình về hình thức toàn thể của công cụ.

Như thế, xuất phát từ những hoạt động vật chất đặc thù của mỗi chặng, ta có thể suy ra mức độ tinh thần được bao hàm trong chặng ấy. Tuy nhiên, không thể chỉ với những dữ kiện duy nhất của thời tiền sử mà có được những thông tin về ngôn ngữ sẽ cần thiết cho một khảo cứu về ý thức trong thời kỳ ấy. Cho đến đây, chúng tôi mới chỉ tái dựng dấu hiệu ngôn ngữ sơ đẳng nhất, động tác chỉ dẫn, với sự chủ thể hoá của nó trong hình thức của tính xác thực khả cảm, và ý nghĩa được sinh ra như thế mới chỉ phản ánh đối tượng trong quan hệ với tính ngoại diện thuần tuý của nó với tư cách là như thế, là cái “cái này” thuần tuý với tư cách hiện thực ngoại tại độc lập với chủ thể. Và bản thân bước thứ nhất ấy, chúng tôi đã chỉ có thể hoàn thành nó bằng cầu viện đến sự quan sát một đứa trẻ. Để có thể theo dõi sự phát triển của mầm mống đơn giản ấy của ngôn ngữ và của ý thức, và thực tại hiểu rõ những hình thức, đầu tiên của sự biểu hiện, mà chúng tôi mới chỉ suy luận từ sự tiến hoá có thể xảy ra của ứng xử vật chất trong dòng đi của sự hoá người, vậy là lại phải tìm các dữ kiện cụ thể trong tâm lý trẻ em.


II. Sự ra đời của ngôn ngữ

“Cũng giống như, Engels viết, lịch sử tiến hoá của bào thai người trong bụng mẹ chỉ diễn ra là một sự lặp lại bằng thu ngắn lịch sử hàng triệu năm tiến hoá vật chất của các tổ tiên động vật của chúng ta, bắt đầu bằng con trùng. Cũng như thế, sự tiến hoá trí tuệ của đứa trẻ là một sự lặp lại, duy có điều còn thu gọn hơn nữa, sự tiến hoá trí tuệ của các tiên tổ ấy ít nhất là của các tiên tổ sau cùng. [16] Là tất nhiên rằng nên thêm vào “các tổ tiên động vật” đúng nghĩa khi nói về sự tiến hoá trí tuệ, những họ Người (Hominides) đã cắm mốc con đường nhân hóa. Bởi sự nhân hoá, về một khía cạnh vẫn còn là một thành phần của sự tiến hoá sinh vật, các chặng đường cơ bản của nó phải được lặp lại trong sự chín muồi của đứa trẻ đặc biệt hơn cả là trong sự chín muồi của hệ thần kinh, cái phải diễn ra theo một chiều nào đó trong sự phát triển trí tuệ của nó.

Người ta đã gọi tuổi lên 1 ở đứa trẻ là “tuổi con vượn” bởi ở giai đoạn này nó có thể giải quyết về chủ yếu các vấn đề giống như vượn người. [17] Giai đoạn tiếp theo mở ra bằng dấu hiệu chỉ dẫn mà ta có thể quan sát những đứa trẻ khi 14 tháng, và ta đã thấy dấu hiệu chỉ dẫn, trong sự phát sinh loài, đánh dấu sự chuyển từ Tổ tiên vượn- người sang Người vượn Nam phương. Ta cũng đã thấy mặt khác rằng Tổ tiên người- vượn vào kỳ cuối cùng sự phát triển của nó đã sử dụng được một biểu hiện nào đó về tình thế sinh vật vắng mặt. Mà ở đứa trẻ thì đến tháng thứ 19 xuất hiện sự biểu hiện sự kiện là đứa trẻ trở nên có năng lực theo một đối tượng bị che dấu qua nhiều chuyển chỗ mắt nó không trông thấy. [18] Quả thực là sự biểu hiện những sự chuyển chỗ liên tiếp ấy chỉ khả thể trong khuôn khổ một hình ảnh phức hợp bao gồm toàn thể các vị trí không trong thấy được, nói khác là bao gồm toàn thể tình huống không trông thấy được, qua tình huống ấy mà khách thể được chuyển chỗ. Vậy chúng tôi đề xuất, với tư cách giả thiết làm việc, coi giai đoạn từ 14- 20 tháng ở đứa trẻ là “tuổi của người vượn”.

Trên bình diện nhiễm sắc tố, người ta có thể tìm thấy một xác nhận cho giả thiết ấy trong sự kiện đúng vào tuổi ấy đứa trẻ trở thành có năng lực đi một mình trên hai chân. Ở giai đoạn trước (12- 13 tháng) nó còn phải có người dắt, điều ấy gợi rõ hình ảnh con vượn đi trên hai chân với sự giúp đỡ của một cây gậy. Đến tháng 14, sự đi hai chân được đạt tới, đồng thời dáng đi còn vụng về của đứa trẻ, đầu gối cứng nhắc, đùi khuỳnh ra, có thể nhắc ta sự thích nghi của Người vượn Nam phương với sự đi thẳng hãy còn chưa hoàn tất.


Dấu hiệu chỉ dẫn triển khai

Tuổi 14 tháng ở đứa trẻ được đặc định bởi sự xuất hiện một số nào đó những dấu hiệu cử chỉ với những từ dùng biệt lập và người ta gọi cách truyền thống là “từ câu” (mots-phrases”) Người ta hiểu đó là mỗi một những từ ấy có ý nghĩa của một câu, điều ấy dường như là tất nhiên a priori (tiên nghiệm), nhân bởi chúng ta cần phải cả một câu để diễn đạt một ý nghĩa đầy đủ. Trong thực tế vấn đề không đơn giản như thế. Bởi nếu đứa trẻ ở giai đoạn ấy có thể đem lại cho từ của nó ý nghĩa của một câu thì người ta khó hiểu tại sao nó lại không làm chính cả câu ấy. Bởi ý nghĩa của một câu là ở chỗ một ý kiến (nu jugement) và khi người ta đã có ý kiến, người ta phải có thể kết hợp các từ theo cách để diễn đạt ý kiến. Và nhân vì đứa trẻ là chưa có năng lực nên chúng ta bị buộc phải tự hỏi rằng vậy các câu người ta cho là tương đương với từ mà đứa trẻ dùng cách riêng rẽ thì thực tế có là cái cách của người lớn hiểu đứa trẻ chứ không phải cách hiểu của chính đứa trẻ.

Người ta biết rằng mặt khác mỗi một những từ ấy được áp dụng vào những tình thế khác nhau với những ý nghĩa khác biệt. Tính nhiều nghĩa ấy của từ đôi khi gây sai trật tạo thành một những khó khăn chính cho lý thuyết về các bước đầu của ngôn ngữ. Nó khiến ta nghi hoặc rằng ngôn ngữ của đứa trẻ có cấu trúc ngữ nghĩa riêng độc đáo và người lớn không tức thì thấy ngay được. Mà nếu như một cấu trúc như thế có thể có, ắt nó sẽ trở thành hoàn toàn không thể nắm bắt dược chỉ bởi một lẽ là người ta hẳn đã bắt đầu thay thế vào từ của đứa trẻ bằng một câu của người lớn, điều ấy lại trở lại là đặt chồng lên nó một cấu trúc khác hẳn.

Chúng tôi nghĩ là để tránh lẫn lộn cách nhìn của người lớn với cách nhìn của đứa trẻ, thoạt tiên nên diễn giải ngôn ngữ của trẻ em bằng chính ngôn ngữ ấy, nói khác đi, bằng “mã” (code) riêng của nó. Và do nó trình ra là một xử lý hai tầng, một tầng khẩu thiệt và một tầng cử chỉ, cái cử chỉ là rõ ràng hơn cái khẩu thiệt, nên ta phải bắt đầu bằng trở lại với từ mà đi đến cử chỉ và phân tích ý nghĩa của cử chỉ bằng cấu trúc khách quan riêng của nó.

Ta hãy lấy một từ của giai đoạn này mà mọi nhà quan sát đều ghi chép: “aoua” hoặc “avoua” (au revoir: tạm biệt) Ý nghĩa nguyên thuỷ rõ rằng đến từ cử chỉ chia biệt nằm trong một động tác vẫy tay, bàn tay nâng lên lại hạ xuống và giơ về phía người đang đi xa dần.

Người ta dễ dang thấy rằng cử chỉ ấy sản sinh, bằng sự phóng chiếu thiên hướng tính, một hình ảnh phản ánh đích động tác đi xa của người đương sự. Hình ảnh ấy, được biểu đạt như thế bởi cái dấu hiệu mang danh nghĩa ý nghĩa, bao hàm trong nội dung nó ba yếu tố hoà lẫn vào nhau chặt chẽ: 1- Yếu tố về đối tượng, được sản sinh bằng sự giơ thẳng bàn tay và cái nhìn về phía người đi. Một sự giơ thẳng như thế chỉ là bản thân cái hình thức của cử chỉ chỉ dẫn, nó nhằm vào “cái này” như là hình thức ngoại tại, độc lập với chủ thể. 2- Yếu tố sự vận động của đối tượng ấy hay của người ấy, như là sự vận động của “cái này”. Yếu tố thứ hai ấy của hình ảnh được phóng ra bởi sự cựa quậy của bàn tay giơ thẳng. Cuối cùng, 3- Yếu tố về hình thức như là hình thức của sự vận động ấy của đối tượng ít nhiều hoà lẫn với bản thân đối tượng. Yếu tố ấy chủ yếu ngụ trong hình thức chung của hình ảnh thiên hướng tính do cử chỉ sinh ra, tức một hình thức ly tâm hoặc hình thức xa cách do từ sự phóng chiếu của hình thức đan xen của vận động giơ lên lại hạ xuống của bàn tay. Tóm lại ý nghĩa của cử chỉ chia tay chủ yếu là trong một hình ảnh của “cái này” (C) trong một vận động (V) trong hình thức của sự xa cách (G) (CVH).

Ta thấy dấu hiệu cử chỉ của đứa trẻ, với từ cách dấu hiệu ngôn ngữ, nói khác, với tư cách dấu hiệu quan hệ đến đối tượng, có thể được xác định như là một cử chỉ chỉ dẫn được triển khai. Sự giơ thẳng bàn tay phóng ra hình ảnh của “cái này” và sự vận động được triển khai trên sự giơ thẳng ấy, được phóng ra trong hình ảnh một vận động bên ngoài, kéo cái “cái này” vào trong một hình thức nào đấy. Vậy ta có thể nói cách chung rằng ý nghĩa của cử chỉ chỉ dấu được triển khai chủ yếu là trong hình thức của “cái này” (C) trong một vận động (V) t1 hình thức (H), hoặc CVH. Thế là một công thức như vậy, mà ta có thể gọi là công thức của sự chỉ dẫn triển khai bao gồm một số nào đó những biến hoá khả thể cho phép ta hiểu hiện tượng nhiều nghĩa của từ mang đỡ cử chỉ. Thực tế, tuỳ theo tính cách và những nhu cầu của tình thế, cử chỉ chỉ dẫn triển khai sẽ nhấn mạnh hơn vào yếu tố này hay nọ của cấu trúc nó. Do đó mà trên hình ảnh thiên hướng tích được phóng ra như thế, thì yếu tố này sẽ đứng ở hàng đầu, yếu tố khác nó sẽ đứng ở hàng thứ, khác nữa hàng ba. Công thức cơ bản là:

CVH (1)

Ta sẽ có những biến thức:

CHV (2)
VHC (3)
VCH (4)
HCV (5)
HVC (6)

Vậy ở bước này, từ chỉ có thể lấy ý nghĩa của nó trực tiếp từ cử chỉ: bởi, luôn luôn được dùng cách cô lập, nó còn chưa hàm chứa một tương quan nào với các từ khác cả trên bình diện ngữ đoạn học lẫn trên bình diện hệ biến hoá. Do đó mà những biến hoá của hình ảnh được phóng ra như là ý nghĩa của cử chỉ sẽ tức thì đem lại một tính vô số tương ứng những ý nghĩa trong từ. Tất nhiên, cử chỉ có thể được qui giản vào một hình phác đơn giản hoặc một tổng quát nội tại. Nhưng như chúng tôi đã lưu ý, cử động phác hoạ cũng thực tại, vật chất, như cử động hoàn tất. Và trong dấu hiệu ngôn ngữ tổng thể bao giờ cũng là toàn tập vận động cử chỉ, phác hoạ hay hoàn tất, là cái xét cho cùng thông qua những trung gian khác nhau, làm nên ý nghĩa của từ. Ở trình độ sơ thuỷ mà chúng ta đứng ở đây, cử chỉ sản sinh trực tiếp ý nghĩa của từ.

Người ta thường nhận xét rằng từ của đứa trẻ ở giai đoạn này thường bao hàm một tính lưỡng hợp về nghĩa, bởi nó được áp dụng cho cả bản thân đối tượng đang vận động lẫn sự vận động của đối tượng ấy. Như “avoua” được áp dụng hoặc với những người ra đi, hoặc với hành động ra đi của họ. [19] Trong kho tư liệu của Gvosdef [20] người ta thấy một đứa trẻ nói “pici” (viết đi) vừa chỉ vào cái bút chì. Một lần khác, nó dùng từ để yêu cầu cha vẽ (nó đưa cho ông một bút chì và một mảnh giấy). Là nhàm chán, khi nhận thấy “apain” tuỳ theo tình thế mà được áp dụng vào cái miếng người ta đương ăn, hay vào hành vi đương ăn miếng ấy, “boi- boi” vào nước người ta đương uống, hay vào hành vi uống, v.v…

Dễ dàng thấy tính lưỡng hợp ấy về nghĩa chuyển đến cho khả năng của cử chỉ chỉ dẫn triển khai nhấn mạnh trước hết hoặc và yếu tố đối tượng, cái “cái này” hoặc vào yếu tố vận động. Phải thêm vào đó rằng mỗi một của hai trường hợp ấy bản thân nó cũng tự trình ra dưới hai hình thức khả thể. Thế nên khi yếu tố đối tượng đứng ở hàng thứ nhất, thì cử chỉ, cái căng trương từ, có thể thứ là nhấn mạnh, tuỳ theo tình thế hoặc vào yếu tố vận động, hoặc vào yếu tố hình thức. Và chúng ta bắt gặp lại chính xác tính vị định kép ấy trong sự đa nghĩa của từ được áp dụng vào những người đang rời xa: “cái này (C) trong một vận động (V) trong hình thức xa cách (X) hoặc CVX. Nhưng cùng một từ cũng được áp dụng với những người đã khuất [21] , nói khác, những người đang ở trong hình thức xa cách, như nó xuất hiện trong sự vận động rời xa của họ, đã diễn ra hoặc giả định- nhân vì một đối tượng mà rời xa sẽ đi đến biến mất. Vậy ở đây “aoua” có nghĩa: “Cái này trong hình thức xa cách (X) cái hình thức xuất hiện trong sự vận động của nó (giả định) hoặc CXV. Người ta có thể nhận xét rằng trong trường hợp thứ nhất, trường hợp của cử chỉ chia biệt, sự cựa quậy của bàn tay được lặp lại nhiều lần đến mức yếu tố vận động được nổi lên rõ rệt ở đằng sau sự giơ thẳng bàn tay và cánh tay. Ngược lại, trong trường hợp thứ hai, chủ thể tự giới hạn chỉ ở một vận động của bàn tay xung quanh cổ tay, vuông góc với chiều của cánh tay giơ ra phía đối tượng khiến cho trên hình ảnh thiên hướng tính được phóng chiếu như thế, nó là hình thức của sự xa cách được vẽ ra trực tiếp ở đằng sau cái “cái này” yếu tố vận động chỉ đứng ở hàng thứ ba.

Trong một quan sát của Piaget [22] người ta thấy từ “aplus” được đứa trẻ áp dụng vào một đối tượng bị lật đổ (không mất đi). Tiếp theo aplus đơn giản chỉ định sự xa cách (ở bên ngoài trường nắm bắt cụ thể) là dễ thấy rằng trong trường hợp thứ nhất, từ nghĩa là “Cái này (C) trong một vận động (V) trong hình thức lật đổ (L) hoặc CVL. Trong trường hợp sau đây đối tượng ở ngoài trường nắm bắt cụ thể được coi như, theo cách loại suy với trường hợp thứ nhất, ở trong tư thế ấy do một vận động đã lật nhào nó. Vậy là nó ở trong hình thức lật đổ, như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) lật đổ nó. Vậy ở đây ý nghĩa của “có đâu” là: “cái này trong hình thức lật đổ (L) như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó hoặc CLV.

Trong một quan sát của Rosengart- Pouklo, người ta thấy một đứa trẻ gọi “koko” (từ “kuritsa” chỉ con gà mái) tất cả những đồ chơi có một chỗ nhô ra giống mỏ chim. Từ được kèm theo một cử chỉ của bàn tay bắt chước hành vi mổ [23] . Người ta thấy cử chỉ đem lại nghĩa của nó cho từ được cấu thành ở nguồn gốc như là một chỉ dẫn triển khai từ con gà mái đang mổ hạt: “cái này” (C) trong một vận động (V) trong hình thức sự “mổ” (M) hoặc CVM. Về sau, cùng dấu hiệu ấy được áp dụng vào mọi đồ chơi có một cái mỏ. Nhưng do thực tế những đồ chơi ấy là bất động nên cử chỉ, sau khi đã làm nổi rõ trước hết là yếu tố “cái này” bằng sự giơ thẳng bàn tay và cái nhìn thì không thể thứ đến nhấn mạnh vào yếu tố vận động được nữa. Vậy ấy là hình thức mổ hạt là cái đến ở bình diện thứ hai. Và nó tự trình ra như đang xuất hiện trong sự vận động (giả định) của đối tượng nhân vì hình ảnh nó được cấu thành bằng sự đóng chiếu xuất phát từ cử chỉ chủ động của bàn tay nhại lại động tác mổ. Và thực tế chính là sự vận động ấy đã đem lại cho con gà mái dạng vẻ đặc biệt ấy, có thể nói được ghi ký trong hình thức nhô nhọn ra của cái mỏ nó, và hình thức ấy được gặp lại trong các đồ chơi đang nói. Vậy ở đây từ “ko ko” mang ý nghĩa “cái này trong hình thức mổ (M) như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó” hoặc CMV.

Tóm lại dấu hiệu chỉ dẫn triển khai bắt đầu được cấu thành bằng đi theo đối tượng trong sự vận động được diễn ra trong một hình thức (H) nào đấy: CVH (1). Rồi nó được khái quát hoá cho tất cả đối tượng khác có hình thức tương tự, có thể nói là bằng tái dựng hình thức nọ xuất phát từ sự vận động được xác định từ trước. Nhưng do hình thức ấy lần này đã thấy hiện diện trên đối tượng nên sự vận động của bàn tay trên sự giơ thẳng nó, được thu tóm theo cách nào đấy để cho sự nhấn mạnh của cử chỉ lần thứ hai nhằm vào yếu tố hình thức. Vậy ấy là hình thức là cái xuất hiện ở đằng sau hình ảnh được phóng chiếu, như là hình thức của đối tượng bật ra ở hàng thứ ba, từ sự vận động hiện diện cách tiềm tính của nó. Vậy ý nghĩa là: “cái này trong hình thức (H), như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó” hoặc CHV.

Nếu bây giờ ta khảo sát trường hợp trong đó cử chỉ, căng trương từ, nhấn mạnh trước hết đến yếu tố vận động (V), ta thấy nó cũng bao hàm hai biến thức, tương ứng với các công thức (3): VHC, và (4): VCH. Như từ “avoua” hoặc “aoua” có thể diễn đạt ước muốn của đứa trẻ là người ta hãy thả nó ra khỏi xe, phải đi thôi: “aoua, aoua!” (Pichon). Nhưng nó cũng có thể được áp dụng, như đã lưu ý ở trên, chỉ đơn giản vào chính hành động bỏ đi. Trong một này và một khác của hai trường hợp ấy, sự giơ thẳng bàn tay được quy giản đến mức sự vận động trên sự giơ thẳng ấy đóng vai trò chính và như vậy là đứng ở hàng đầu. Trong sự diễn đạt ước muốn ra đi, sự cựa quậy của bàn tay và cánh tay, trong vận động luân phiên giơ lên hạ xuống, mạnh lên đến run rẩy. Do đó mà sự nhấn mạnh thứ hai được diễn ra trên yếu tố hình thức của sự rời xa, được phóng chiếu xuất phát từ hình thức luân phiên của những rung chuyển bàn tay: phải đi thôi! Yếu tố “cái này”, ở đây chuyển về hàng thứ ba mà thôi. Vậy ý nghĩa là: “sự vận động (V) trong hình thức xa cách (X) với cái này (C)” hoặc VXC. Khi trái lại vấn đề chỉ đơn giản là ghi nhận sự ra đi của một người nào đấy, thì sự cựa quậy của bàn tay thu rút lại đến mức được qui giản chỉ vào một vòng quay duy nhất xung quanh cổ tay, theo cách sự giơ thẳng của cánh tay đến đối tượng xuất hiện ngay ở dưới. Do đó mà trên hình ảnh được phóng ra ấy là yếu tố “cái này” đến ở hàng thứ hai, yếu tố hình thức với tư cách hình thức xa cách chỉ đến ở hàng thứ ba. Vậy ý nghĩa là: “Sự vận động của cái này trong hình thức xa cách (X) hoặc VCX.

Vậy người ta có thể nói cách khái quát rằng chúng ta có một ý nghĩa tác dụng đến thức mệnh lệnh, khi cử chỉ chỉ dẫn triển khai dựa mạnh mẽ vào một vận động của một hình thức nào đó để phóng ra hình ảnh một vận động (V) hình thức (H) hấp dẫn cái “cái này” (C): VHC (3). Ngược lại, ý nghĩa tác dụng được trình ra trên thức trình bày, khi sự vận động nhại được thu tóm theo cách để giơ thẳng bàn tay xuất hiện ngay ở dưới. Yếu tố “cái này” bên hiện ra ở hàng thứ hai của hình ảnh phóng chiếu, và ý nghĩa được xác định như là “sự vận động của cái này trong hình thức (H): VCH (4).

Tất nhiên, cái ở đây chúng ta gọi là sự vận động của đối tượng hay sự vận động của “cái này” phải được hiểu trong nghĩa chung nhất, bao gồm mọi vận động trong đó đối tượng có mặt, dù cho đó là sự vận động chủ động của bản thân đối tượng hay là sự vận động tác động đến nó, hặc một cách chung hơn nữa là mọi vận động tác động đến nó, hoặc một cách chung hơn nữa là mọi vận động ảnh hưởng hay để ảnh hưởng đến nó khiến nó đi (thí dụ khi đứa trẻ đòi người ta đem nó ra khỏi xe) “papo” hiểu theo nghĩa hành động của nó, không chỉ chỉ ra hành vi đội mũ, còn chỉ ra tập vận động dạo chơi trong đó vừa đúng có mặt cái mũ, “bobo” chỉ danh cả đối tượng với sự vận động chủ động của nó, gây khó chịu lẫn sự vận động mà đứa trẻ bị khó chịu phải chịu. Từ “Bébé” được đứa trẻ dùng không chỉ vì chuyện bản thân nó và những đứa trẻ khác, mà cũng vì chuyện cái gương trong đó người ta thấy đứa bé. Pichon nói thật hay: “ấy là thấy mình và thấy đứa bé nằm trong từ “bébé”… Đó là tất thảy những hành vi quan hệ đến bébé.” [24] Ta thấy những công thức (3) và (4) của sự chỉ dẫn triển khai có thể được phát biểu cụ thể hơn theo cách sau đây: “Sự vận động trong hình thức (H) quan hệ đến cái này” hoặc VHC (3) và sự “Sự vận động quan hệ đến cái này trong hình thức (H)” hoặc VCH (H).

Tất nhiên, ở trình độ nguyên lai này, hiện thực có thể mới chỉ được nắm bắt trong những biểu diện hời hợt của nó, quan hệ giữa đối tượng và sự vận động chỉ trình ra theo cách lờ mờ trên hình ảnh hỗn hợp được phóng chiếu bởi dấu hiệu chỉ dẫn triển khai. Tuy nhiên, dù một hình ảnh như thế không đầy đủ đến đâu, nó vẫn tạo thành một hình ảnh của thực tế cấu trúc cơ bản của mọi hiện thực khách quan, với tư cách vật chất trong vận động hoặc sự vận động vật chất.

Công thức của sự chỉ dẫn triển khai còn bao hàm hai biến thức, trong đó yếu tố hình thức (H), đến ở hàng thứ nhất: HCV (5) và HVC (6). Tất nhiên chúng không thể tìm được ở đây bất kỳ một áp dụng thực tại nào. Quả thật sự tách gỡ của hình thức và đặt nó vào hàng thứ nhất đánh dấu một quá trình đầu tiên về sự vượt qua cái hỗn hợp, điều này chỉ khả thể đối với một trình độ cao hơn trình độ mà chúng ta đang đứng ở đây. Đối với những bước khởi đầu của ngôn ngữ, dấu hiệu chỉ dẫn triển khai trước hết chỉ có thể dựa vào một yếu tố cụ thể, tức yếu tố cái này hay yếu tố vận động. Vậy là yếu tố hình thức chỉ có thể đến ở hàng thứ hai hoặc thứ ba.


[1]“Questions d’anthropologie” fase, 19, Moscou, 1965, tr.9. 10, 24.
[2]Marx, Tư bản.
[3]Henri Wallon: “De l’acte à le pensée” (Từ hành vi tới tư tưởng), Flammarion, tr.78.
[4]“Le mouvement de l’indication comme forme originaire de la conscience” trong La Pensée, số 128, aout 1965.
[5]V.P..Iakimov: “Les Australopithéciens” (Những Vượn người Nam phương) trong “Les Hominides fossiles et l’orgine de l’homme,” Moscou, p.74- 76.
Những xương dài nổi tiếng mà các đoạn nhọn có thể dùng làm dao đâm, chắc chắn đã được bẻ gãy trên đất hoặc vào đá, điều ấy không vượt khỏi giới hạn của một hành vi thủ thao trực tiếp. Trong trường hợp xương bị bẻ gãy bằng một hòn đá, thì điều đó lúc ấy chỉ là để rút lấy tủy, vậy chỉ là một hành vi hoàn toàn thông thường về sử dụng dụng cụ để thỏa mãn nhu cầu sinh học, các đoạn xương còn lại chỉ vận hành là những đồ vật tự nhiên mà thôi. Vậy khi sau này, chúng được dùng làm dao găm để tấn công con mồi thì sẽ chỉ là danh nghĩa dụng cụ tự nhiên. Ðành rằng chúng cũng có thể khi này là đối tượng của một sự chuẩn bị, nhưng ta chẳng có lí do gì để giả định sự chuẩn bị ấy được hoàn thành bằng trung gian một dụng cụ khác. Như trường hợp hai đoạn xương tìm thấy cùng một lúc, một đoạn được cắm vào ống tủy của đoạn kia, nếu không phải là sự tình cờ đơn thuần, thì tất nhiên ta được đặt đứng trước kết quả một thao tác không hề vượt một tí gì về ý nghĩa sự cắm hai ống sậy ở con tinh tinh đen.
[6]Iakimov, Những vấn đề nhân học (tiếng Nga) tập 19, 1965, tr.9.
[7]Tasmanien, một đảo lớn thuộc Mélanésie, nam châu Úc (N.D.)
[8]“Les peuples d’Australie et d’Océanie” (tiếng Nga), Moscou, tr.275.
[9]“Thủ đoạn lao động là một vật hay một tập vật mà con người đặt giữa hắn với đối tượng lao động với tư cách là những vật dẫn dắt hành động của hắn.” (Marx, sdd).
[10]Ladygina Kotf: “L’activé instrumentale des singes et le probrolème de l’anthropogenèse” trong L’Anthropologie contemporaine (tiếng Nga), Moscou, tr.141.
[11]H.Alimen: Préhistoire de l’Afique (bản dịch tiếng Nga), Moscou, 1960, tr.236.
[12]H.Alimen, sdd.
[13]Engels, Phép biện chứng của tự nhiên, tr.177.
[14]Engles, sdd, tr. 177.
[15]Marx, sdd, tr.182- 183.
[16]Engels, sdd, tr. 180.
[17]Ở đây tất nhiên là mức độ chung của ứng xử, được đặc định bởi năng lực giải quyết những vấn đề thực hành bằng thử làm và lầm lẫn. Ðối với những thực hiện cụ thể, tất nhiên vượn người hơn đứa trẻ bởi sự khéo léo và kinh nghiệm cảm giác vận động. Ðặc biệt, ấy là bằng kinh nghiệm những thử thách trước kia mà có thể giải thích những hiện tượng biểu diện về tái tổ chức trường tri giác trong sự xử lý dụng cụ ở con vượn, mà Kohler đã miêu tả là thuần túy trực giác tính (xem sự bác bỏ những luận điểm của Kohler trong Ladygina Kotz đã dẫn).
[18]Piaget, “La construction du reel chez l’enfant” (Sự kiến tạo cái thực ở đứa trẻ), Paris, 1950, tr..70- 72.
[19]Piaget, “La formation du symbole che l’enfant” (Sự hình thành biểu tượng ở đứa trẻ), Paris, 1945, tr.231.
[20]Gvosdef, “Questions de l’etude du langage chef l’enfant” (Những vấn đề trong sự khảo cứu ngôn ngữ ở trẻ em), Moscou, 1961, tr. 162.
[21]Pichon: “Le Dévoloppement poychique de l’enfant et de ador lescent” (Sự phát triển tâm thần của trẻ em và của thiếu niên), Paris, 1947, tr.59.
[22]Piaget, sdd, tr.232.
[23]Rosengart-Pouklo: “Sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ em non tuổi,” Moscou, 1963. Dẫn theo Katfnielson, “Le contenu du mot, signification et désignationi” (tiếng Nga) (Nội dung của từ, ý nghĩa và chỉ danh), Moscou, 1965, tr.29.
[24]Pichon, sdd.