© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.5.2005
Trần Đức Thảo
Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức
10 kì
Ðoàn Văn Chúc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Những bước đầu ngôn ngữ ở dự-thành nhân

Ở trên chúng tôi đã đề nghị, với tư cách giả thiết làm việc, coi giai đoạn từ 14-20 tháng ở đứa trẻ như là “thời kỳ dự-thành nhân”. Vậy bây giờ chúng tôi phải khảo sát xem rằng, xuất phát từ những điều kiện sinh tồn của Người vượn Nam phương, ắt không thể tái dựng những bước khởi đầu của ngôn ngữ theo một cấu trúc có thể xuýt xoát so sánh được với cấu trúc vừa mới trình bày.

Tất nhiên, ở đây phải tính đếm đến một khác biệt lớn: Đứa trẻ ra đời với thân thể của người tinh khôn (Homo sapiens) và nó được nuôi nấng trong một xã hội văn minh. Mặc dầu vỏ não còn chưa hoàn toàn chín mùi, nhưng những từ đầu tiên của nó, ở tuổi Dự- thành nhân, đã trình ra một sự bắt đầu về âm tiết, điều mà Người vượn Nam phương chắc chắn đã không làm được. Đúng sự chuyển tiếp sang đứng thẳng đã phải dẫn đến sự dày thêm và tròn thêm của các dây thanh (cordes vocales) với một sự mềm dẻo nào đó của hàm dưới khiến cho Người vượn Nam phương có thể phát ra, hẳn thế, những âm thanh phong phú hơn vượn người. [1] Mặt khác, như ta đã thấy, bộ não nó đã phát triển hơn chút ít. Tuy nhiên não giữ một cấu trúc toàn thể gồm như cũ, với hình thức tròn dần một cách đều đặn, không có những hình thế làm thành chỗ nhô ra trên mặt trong sọ của Người archanthropien [2] và những người paléathrope [3] những hình thể ấy đánh dấu những chiều hướng ưu trên của sự phát triển của vỏ não ở những người hoá thạch, lan rộng ra đặc biệt là ở xung quanh đầu tiên của khe sylvien và trên xương trán thứ ba nơi đó hình thành một cái gờ gọi là “củ chẩm trên” (tubercule latéral). Ấy là ở trình độ củ chẩm bên này mà ở người hiện nay có những khu vực 45, 44 (trung khu Broca) [4] chúng đảm bảo cái cơ giới (la motorique) của ngôn ngữ có âm tiết. Cái cơ giới ấy chủ yếu hàm chứa sự ức chế những thanh âm ngay sau khi vừa phát ra chúng, điều này cho phép khu biệt chúng khi chuyển hẳn từ một thanh âm này sang một thanh âm khác. [5] Mà củ chẩm bên thì không còn nữa ở Người vượn Nam phương còn chưa trình ra hiện tượng ức chế âm thanh ấy, khiến mỗi thanh âm nó phát ra bị kéo dài ít nhiều dưới một hình thức khuếch tán. Vậy là sự cấu âm là bất khả thể và những sự phát âm của Người vượn Nam phương đã phải được so sánh với của Vượn hình người, dù cho hẳn là có biến hoá hơn.

Ở con khỉ, mới chỉ là những tín hiệu diễn tả hình thức cảm xúc của hành động. Chúng tôi đã chỉ ra trong mục trước rằng sự phát âm đã lần đầu tiên có một ý nghĩa khách quan, nói cách khác, mang tính ngôn ngữ, bằng nối liền với cử chỉ nguyên gốc từ sự chỉ dẫn. Có thể tiếng “A!” ở đứa trẻ chỉ “cái này” đến từ “ak” mà con khỉ phát ra trước một tình thế bất an, và tổ tiên Người vượn ở cuối thế kỷ tiến hoá của mình đã lặp lại khi bắt đầu chỉ bằng bàn tay vào đối tượng lao động tập thể. Sự cấu thành của dấu hiệu ngôn ngữ đầu tiên bằng sự kết hợp giữa âm thanh cảm xúc với cử chỉ chỉ dẫn đánh dấu sự chuyển từ họ Vượn sang họ Người. Với sự xuất hiện của người vượn nam phương, quá trình cứ đi tới bản thân sự phát triển của sự vận động chỉ dẫn; những thí dụ chúng tôi vừa đưa ra trong khảo cứu cấu trúc được trình bày ở trên như dấu hiệu sự mổ hay sự mở lối “koko” có thể được chuyển vị dễ dàng sang những tình thế của sự phát sinh loài.

Thực tế, ta đã thấy rất chắc là ngay từ buổi đầu phát triển dự-thành nhân, trong sự hữu thức về dấu hiệu chỉ dẫn, thì hình thức nguyên gốc của cử chỉ vòng cung được chuyển đổi sang hình thức đường thẳng. Mà nếu vì lý do kích thích sự lao động tập thể, cử chỉ chỉ dẫn bằng đường thẳng có kéo dài thêm ra một lát, thì cũng là do nó nhất thiết phải dõi theo đối tượng đang trong vận động: thí dụ con mồi chạy trốn hay bị ngã nhào, hay mảnh xương hoặc gỗ xuyên qua con vật theo cách một cái nỏ hay mũi dao găm. Dấu hiệu cử chỉ triển khai như thế được tăng cường mỗi lần bởi một thanh âm lờ mờ, từ nguồn gốc cảm xúc, nhưng bây giờ thanh âm ấy gắn liền vào với hình ảnh thiên hướng tính được phóng ra bởi cử chỉ và như vậy bèn có giá trị là từ (mot) với một ý nghĩa khách quan: “cái này” trong một vận động hình thức rời xa, ngã nhào, đâm xuyên v.v… Như vậy dấu hiệu chỉ dẫn triển khai được cấu thành trong công thức ngữ nghĩa cơ bản. CVH (1): “cái này trong một vận động trong hình thức (H). Mà tất nhiên rằng sự giao tiếp một nội dung như thế về ý nghĩa cho phép một sự kết hợp lao động tập thể cao hơn rất nhiều với sự tập trung các lực lượng của nhóm vào đối tượng được chỉ ra là “cái này”. Kết quả là dấu hiệu mới được bội tăng để chỉ đối tượng đang vận động trong hình thức khác nhau. Mặt khác, trong tiến trình của sự thực hành xã hội, mỗi cử chỉ chỉ dẫn triển khai có thể được diễn đạt tình thế bằng nhiều cách khác nhau tùy theo tính cách và nhu cầu tình thế. Mỗi dấu hiệu, như là đơn vị của cử chỉ và của từ, vậy là hoạch đắc một ý nghĩa nhiều chiều bao ôm cả bốn công thức ngữ nghĩa miêu tả ở trên, đối tượng trong một vận động của một hình thức nào đó CVH (1)- đối tượng trong một hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó, CHV (2)- sự vận động mong muốn liên quan đến đối tượng, VHC (3)- cuối cùng là sự vận động nhận thấy ở bản thân đối tượng, VCH (4). Những biến thức ấy còn chưa khác biệt rõ rệt trong bản thân chúng, nhân vì, xuất sinh trực tiếp từ những sắc thái khác nhau của cử chỉ, nên chúng chỉ có thể tự phân biệt mình trong quan hệ với tình thế cụ thể mà bản thân cử chỉ phải lệ thuộc. Trong ý nghĩa của dấu hiệu tổng thể, vậy là chúng hoà vào nhau ít nhiều thành một tập hỗn hợp chỉ được biện biệt tuỳ theo tình thế. Vậy nếu ta chỉ lấy riêng ra yếu tố lời nói, ta có thể nói rằng từ xuất hiện ở trình độ này là miên man (diffus) trên bình diện cái biểu đạt và hỗn hợp (suncrétique) trên bình diện cái được biểu đạt gọn lại trong chừng mực ta có thể trình bày được nó thì ngôn ngữ xuất hiện ở Dự- người dưới hình thức một ngôn ngữ không âm tiết, làm bằng những cử chỉ chỉ dẫn triển khai được nhấn mạnh bởi những từ miên man- hỗn hợp.

Cho đến đây bước chuyển từ sự chỉ dẫn đơn giản sang sự chỉ dẫn triển khai mới chỉ là được thực hiện trên bình diện khách quan của ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực bởi một sự nhào nặn của cái biểu đạt, nói khác, của sự vận động của bàn tay giơ về phía đối tượng, trên những điều kiện vật chất của lao động tập thể, cái dẫn nó đến theo đuổi đối tượng trong sự vận động. Kết quả là cái được biểu đạt tức hình ảnh thiên hướng tính được phóng ra như thế, phản ảnh đối tượng không chỉ đơn giản với tư cách “cái này” là như thế, mà cũng còn trong một vận động của một hình thức nào đấy, như hình thức ấy trình ra trong hoạt động vật chất tính và những liên hệ vật chất tính của Dự- người. Tuy nhiên, trên bình diện của ý thức, ta bao giờ cũng chỉ có tính cố ý cội nguồn tính sự xác thực khả cảm như là đích nhằm trực tiếp của “cái này”. Các yếu tố của sự vận động và của hình thức mới chỉ được trình ra trên hình ảnh được biểu đạt với tư cách những yếu tố thiên hướng tính, được giao lưu rất khách quan bởi các chủ thể từ người này đến người nọ trong sự thực hành xã hội, nhưng còn chưa hàm chứa một ý thức nào, kết quả là chúng chỉ xuất hiện vì tình thế, khiến chủ thể bản thân nó không sử dụng được chúng.

Sự có ý thức về dấu hiệu chỉ dẫn triển khai chỉ diễn ra khi chủ thể gửi cho chính bản thân hắn. Ấy là điều ta có thể thấy trong quan sát sau đây của Konnikova ở một em bé vào tuổi dự- người:

Từ “taka” ra đời trong đứa trẻ vào lúc bố nó kều bằng gậy một đồ chơi bị lăn vào gầm ghế đi-văng. vài ngày sau, khi quét dưới gầm giường, đứa trẻ lại nói “taka”- và cái chổi nhận tên ấy. Về sau, trong khi chơi các đồ chơi trên sàn, đứa trẻ chọc cây bút chì vào gậm đi văng vừa tủm tỉm cười và nói: “taka”. Rồi từ “taka” được dùng cho một con dao và cuối cùng cho một cuộn dây băng dài. [6]

Là đủ rõ rằng ở đây từ lấy ý nghĩa ở một cử chỉ nối dài bất thần của bàn tay xuất hiện khi nhại lại động tác của cái gậy rồi của cái chổi mà đứa trẻ đã nhìn thấy lùa vào gầm đi văng hay gầm giường. Vấn đề là một sự “nối dài vào chiều sâu”. Vậy “taka” đã bắt đầu bằng ý nghĩa: “cái này trong một sự vận động trong hình thức nối dài vào chiều sâu (Ns)” như hình thức nó xuất hiện trong sự vận động giả định của nó: CNsV. Vậy khi về sau đứa trẻ đã lùa cây chì vào gầm đi văng vừa dùng lại vẫn từ “taka” thì hành động của bàn tay thực hiện trong thực tế một nhiệm vụ kép. Một mặt nó đã lặp lại cùng một cử chỉ triển khai, nhưng bằng nhấn mạnh vào yếu tố vận động trong hình thức đương sự, được thi hành vào đối tượng: VNsC. Nói cách khác, đứa trẻ tự làm dấu hiệu cho đích nó là lùa cây chì vào đó, và từ đã tăng cường cho cử chỉ. Mặt khác, bằng cũng một hành động của bàn tay, nó đã thi hành lệnh ấy do nó hạ cho chính nó. Sự vận động vật chất của dấu hiệu như vậy đã thực hiện ý nghĩa riêng của nó, cái xác định ngay đích khái niệm trò chơi, bởi một trò chơi là một biểu đạt thực hiện cái được biểu đạt riêng của nó. Và đó là cái được đánh dấu trong nụ cười tủm của đứa trẻ. Bằng thao tác chủ động ấy về sự có ý thức (prise de conscience) dấu hiệu nói với bản thân nó, đối với nó, đã trở thành một hoạch đắc khả dụng, điều đã dẫn nó đến mở rộng trường ứng dụng bằng cách chỉ giữ lại có hình thức nối dài nói chung. Và ấy là như thế mà nó đã chỉ định con dao, rồi dải băng với tư cách là “cái này trong hình thức nối dài (N) như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó CNV”.

Nếu ta nhớ lại sự phát sinh loài, ta thấy sự hồi về bản thân mình của dấu hiệu, hiện ra trong đứa trẻ trong hình thức trò chơi, thực ra đã có những điều kiện nguyên thuỷ trong sự thực hành lao động tập thể. Những người lao động dự- người tống đạt cho nhau cùng một sự chỉ dẫn triển khai vào đối tượng theo một vận động có hình thức (H). Nhưng nếu một người trong bọn họ đến chậm, thì dấu hiệu hắn lặp lại cách tự động nhất thiết sẽ trở lại về chính hắn nhân vì trong vị trí đến chậm của hắn, thực tế hắn không phải kêu gọi người khác vào việc này, khiến cho thực tế ấy là hắn lặp lại cho chính hắn lời kêu gọi từ người khác đến với hắn đồng nhất hoá mình với họ trong tiếng gọi chính mình, hắn tự nhiên thấy chính hắn trong họ như thể tự gọi chính hắn vào hành động trong hình thức (H) ấy với đối tượng. Về sau một khi các cá nhân trong bầy đã hoạch đắc theo cách ngẫu nhiên quan hệ ấy với mình như sự quay lại với mình của mối quan hệ với người khác, thì cấu trúc mới được khái quát trong một sự có ý thức tập thể trong đó mỗi người vừa tống đạt dấu hiệu cho những người khác, vừa đồng thời gửi dấu hiệu ấy đến cho chính mình. Kết quả là dấu hiệu, có thể nói, được mang vác bằng tính hỗ tương xã hội lại trở lại với bản thân nó trong cái nhóm, khiến nó trở thành khả sử dụng với nhóm nay cả khi ngoài lao động trực tiếp. Cuối cùng, đến một lúc nào đấy, hình ảnh dư tồn của nhóm trong mỗi cá nhân cũng đủ để nhắc lại dấu hiệu ấy cho hắn, khiến hắn thấy mình được khơi lại mỗi khi đối tượng đánh thức trong trường năng động của tri giác một hình ảnh thiên hướng tính khai diễn lại một những biến thức khả thể của ý nghĩa đã hoạch đắc. Kết quả là chủ thể từ nay trở đi sử dụng hằng xuyên dấu hiệu ấy mà hắn giữ về nhóm hắn và trong hình ảnh dư tồn mà hắn ở trong chính hắn, điều này dẫn trở lại nói rằng hắn có dấu hiệu ấy trong ý thức hắn. [7]


Những dấu hiệu đầu tiên của sự biểu hiện

Sự có ý thức về sự chỉ dẫn triển khai tất nhiên cho phép một bước tiến quan trọng trong tổ chức lao động. Từ khi dấu hiệu ấy xuất hiện trên bình diện khách quan của ngôn ngữ của đời sống hiện thực, nó đã cung cấp cho nhóm dự- người một phương tiện phối hợp nỗ lực của họ không chỉ đơn giản bằng tập trung họ vào cùng một đối tượng được chỉ dẫn như “cái này” mà còn hướng họ, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào hành động thích nghi với nhu cầu của tình thế. Sự định hướng được đưa ra trực tiếp khi dấu hiệu được trao đổi theo thức mệnh lệnh, theo công thức (3): VHC, và gián tiếp trong ba trường hợp khác - các công thức (1), (2) và (4)- chúng được đặt trên thức trình bày. Một khi dấu hiệu trở thành hữu thức, nó cho phép chủ thể làm minh thị cho chính hắn nội dung trường tri giác của nó. Do đó nó thức tỉnh sáng kiến cá nhân, đồng thời nó tự trình ra như là một phương tiện thuộc sự sử dụng của cá nhân, để điều động và định hướng lao động tập thể.

Tuy nhiên, một bước tiến như thế còn chưa đem lại sự biến đổi chủ yếu trong chính cấu trúc của sự lao động thích nghi, như nó được cấu thành như thế với tư cách là ứng xử đều đặn cùng với sự ra đời của Người vượn nam phương. Quả vậy, đến đây, tất cả sự hoạt động dụng cụ tính còn dừng lại tập trung vào đối tượng được tri giác, khiến sự phát triển của hoạt động ấy chỉ được diễn ra trong giới hạn của sự tri giác hiện tại. Vậy đó vẫn còn là một tiến bộ lượng tính. Bước nhảy vọt phẩm tính chỉ được thực hiện với sự vượt lên của tri giác hiện tại bằng sự ra đời của sự biểu hiện. Thực tế, ta đã thấy sự chuyển tiếp của sự chuẩn bị dụng cụ, bằng thủ tác trực tiếp vào vật liệu, sang sự tu chỉnh dụng cụ bằng một dụng cụ thứ hai đã chỉ khả thể khi Người vượn nam phương sửa soạn dụng cụ của họ ở nơi cách xa đối tượng sinh học, điều này kéo theo sự biểu hiện đối tượng sinh học. Mặt khác, sự chuẩn bị dụng cụ trong những điều kiện như vậy cũng yêu sách một sự biểu hiện nào đó hình thù dụng cụ. Sự phát triển của ngôn ngữ và của ý thức trong giai đoạn đầu dự- thành nhân vậy là tất phải đi đến một biểu hiện kép như thế, nhờ nó bước tiến cơ bản trong cấu trúc lao động thích nghi được thực hiện, cái đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn hai.


A. Những bước đầu của sự biểu hiện ở trẻ em

Người ta có thể quan sát ở trẻ em sự ra đời của biểu hiện vào khi đứa trẻ có thể tìm thấy lại ở đằng sau một tấm màn một đồ vật đã được đặt vào đấy mà đứa trẻ không thấy. Ứng xử này đã được Piaget miêu tả lần đầu tiên qua hai đứa con ông, một gái (Jacqueline) 18 tháng tuổi và một gái khác (Luciene) 13 tháng tuổi. Nhà quan sát cầm một đồ vật trong tay và ông nắm bàn tay lại dưới con mắt đứa trẻ. Rồi ông đưa bàn tay ra sau tấm màn và đặt đồ vật vào đấy. Ông trở ra bàn tay không và nắm lại. Đứa trẻ tìm đồ vật trong bàn tay, và không thấy, nó lưỡng lự, dò dẫm, và cuối cùng đi tìm ở đằng sau màn. [8]

Một hiệu năng như thế giả định ở chủ thể một cái gì đó hơn là một hình ảnh đơn giản cảm giác-vận động dư tồn của đối tượng liên hiệp với sự tri giác tấm màn, như trong trường hợp khi đối tượng được cất dấu dưới mắt nó. Thí dụ khi đứa trẻ tìm đối tượng trong bàn tay người bố, mà nó vừa mới thấy nắm lại, bàn tay ấy được dùng làm màn thì đồng thời cũng được tri giác như một chỉ báo gợi ra đối tượng kia, khiến cho đối tượng, dù không được nhìn thấy, nhưng theo một cách nào đó vẫn cứ còn là hiện tại trong trường tri giác. Nói cách khác, hình ảnh cảm giác- vận động về đối tượng được duy trì dưới hình thức một hình ảnh dư tồn, hình ảnh này, bằng sự trung gian của chỉ báo, tiếp tục ít nhiều là bộ phận cấu thành tri giác hiện tại. Ta thấy sự tìm kiếm đối tượng ở đằng sau tấm màn, trong trường hợp vật ấy đã được đặt vào đó dưới con mắt của đứa trẻ, không vượt khỏi cái giới hạn- vận động, và như vậy thì không giả định một sự “tái trình hiện” (re- Présentation) nào như là sự trình hiện tưởng tượng một đối tượng vắng mặt. Sự tìm kiếm ấy, thực tế dẫn trở lại với ứng xử bước ngoặt ở động vật có vú, xuất hiện ở đứa trẻ 8 tháng tuổi, hoặc ở giai đoạn thứ tư của trí tuệ cảm giác- vận động trong sự xếp loại của Piaget.

Tình thế trở thành khác hẳn khi đối tượng đã bị dấu kín bằng một cử động mà chủ thể không nhìn thấy như trong những quan sát dược nói lại ở trên. Ở đây không hề có một chỉ báo nào trong trường tri giác gợi ra sự hiện diện của đối tượng ở đằng sau tấm màn, khiến đứa trẻ không tự hướng dẫn mình được nữa bằng một hình ảnh dư tồn đơn giản. Để tìm thấy lại đối tượng trong những điều kiện ấy, cần là đứa trẻ “tái trình hiện” nó, nói khác, cần là đứa trẻ ”trình ra lần nữa” đối tượng ấy trước chính nó ở bên ngoài tri giác hiện diện của tri giác hiện tại, điều chỉ là khả thể bằng một hình ảnh chủ động báo hiệu một khởi đầu của tư tưởng.

Đúng là Piaget qui cho ứng xử của hai chủ thể của ông không vào tác động của biểu hiện, mà vào một tập sự thực hành mà người ta có thể thấy trong những mò mẫm diễn ra trước khi thành công. Đó hẳn chính xác là lý do mà vì nó, ở trình độ này, đứa trẻ chỉ chế ngự duy nhất một sự chuyển chỗ không mắt thấy đối tượng. Nếu sau khi thử thách ấy thành công, nhà quan sát lại đưa bàn tay mình đang nắm lại ra đằng sau một tấm màn thứ hai để đặt đối tượng ở đấy, đứa trẻ tìm vật này lần nữa ở đằng sau tấm màn thứ nhất chứ không ở đằng sau tấm màn thứ hai. [9] Vậy là dường như hiệu năng trên đây chỉ quan hệ chỉ đến một sơ đồ cảm giác- vận động hoạch đắc bằng một tập sự kinh nghiệm. Tính theo Piaget, việc có mặt của sự biểu hiện chỉ được coi là xác lập khi đứa trẻ đi đến làm chủ được nhiều chuyển chỗ không mắt thấy, nhà quan sát đã đưa bàn tay nắm của mình liên tiếp đằng sau nhiều tấm màn để rồi chỉ đặt đối tượng ở đằng sau tấm màn cuối cùng. Thử thách này đã chỉ qua Jacqueline vượt được vào 18 tháng tuổi và Luciene vào 15 tháng tuổi, đánh dấu một trình độ cao hơn rõ rệt. [10]

Trong khi ấy, dựa trên những kết quả quan sát tiến hành có hệ thống ở 90 trẻ em từ 3 đến 20 tháng tuổi, bà Gouin Décarie đã chỉ ra rằng về sự phân bố thống kê các hiệu năng giữa các trình độ khác nhau, sẽ là logic hơn khi chấp nhận sự có mặt của bước khởi đầu, tất nhiên còn chưa ổn định, của năng lực biểu hiện là từ sự làm chủ được chỉ một chuyển chỗ không mắt thấy đối tượng. Sự làm chủ được nhiều chuyển chỗ không mắt thấy xuất hiện ở trình độ tiếp sau, vậy hẳn là không đánh dấu sự ra đời đúng nghĩa, mà sự ổn định hóa và tăng cường năng lực biểu hiện. [11] Sự phản bác ấy có sức nặng càng nhiều hơn khi nó đã được nêu lên ở ngay trong nội bộ trường phái piagentien, bà Gouin Décarie đã lấy hệ thống của Piaget làm cơ sở cho những nghiên cứu của bà.

Tôi đã làm lại quan sát về ứng xử này ở một em trai 16 tháng tuổi. Chúng tôi đã cùng ngồi đối diện nhau trên một cái chiếu. Sau khi giơ ra trước em một quả bóng nhỏ bằng nhựa, tôi đưa quả bóng ra sau lưng tôi, giấu dưới vạt áo ngoài của tôi phủ kín trên chiếu. Bé liền đứng dậy đi đến bên tôi, chỉ ngón tay vào đấy, và đứng im như vậy chừng mươi giây. Rồi bé cúi xuống, lật vạt áo tôi lên và lấy được quả bóng.

Người ta thấy ở đây hiện tượng mò mẫm mà Piaget nhấn mạnh, được thay thế bằng một cử chỉ chỉ dẫn nhằm vào đối tượng, dường như thế, thông qua tấm màn. Nhưng điều đó là khả thể như thế nào?

Đến đây ta đã thấy sự vận động chỉ dẫn nhằm vào cái này như là hiện thực khách quan được đem đến cho trực giác khả cảm. Vậy vẻ ngoài, hẳn nó không thể vượt qua trường của tri giác hiện tại. Mà trong quan sát vừa được nêu, không phải chỉ đối tượng đã là không thể nhìn thấy được dưới vạt áo ngoài của tôi, mà lại còn chẳng có một chỉ báo nào gợi ra quả bóng có mặt ở đấy, nhân vì tôi giấu ở đấy nhưng đứa trẻ không biết. Vậy như thế nào mà đứa trẻ đã có thể chỉ dẫn bằng ngón tay vào chỗ ấy?

Một vài phút trước khi quan sát, tôi đã để cũng cho em bé ấy thấy tôi đẩy quả bóng nhỏ vào dưới nắp một cái hộp đặt ngược, nắm mở ra nằm trên chiếu. Đứa trẻ giơ ngón tay vào giữa hộp vừa nhìn tôi, như thể nó đợi tôi lấy lại quả bóng ở dưới cho nó. Ở đây cử chỉ chỉ dẫn dựa trên một hình ảnh dư tồn, được trung gian hoá bởi sự tri giác cái hộp là vật vận hành vừa với tư cách một chỉ báo, vừa với tư cách một tấm màn. Nói khác, cái hộp gợi ra sự có mặt của quả bóng ở bên dưới, khiến cho quả bóng, dù không mắt thấy được, nhưng vẫn tồn tại theo cách nào đó là vẫn hiện diện trong trường tri giác hiện tại: theo ý nghĩa ấy quả bóng “vẫn còn được tri giác” ở dưới cái hộp, khiến chủ thể có thể chỉ ra nó bằng một cử chỉ của ngón tay nhằm vào nó thông qua cái hộp, như một cái “cái này vẫn hiện diện”.

Vậy là khi tôi đã đưa quả bóng ra sau lưng tôi, đứa trẻ giữ lại hình ảnh dư tồn của quả bóng được trung gian hoá bằng sự tri giác về thân hình tôi mà đằng sau đó đứa trẻ đã nhìn thấy quả bóng biến mất, và cũng bởi tri giác về cái chiếu, nhân vì bàn tay tôi đã lướt trên chiếu vừa chuyển động qua chỗ quả bóng. Trong trường tri giác, theo nghĩa rộng, của đứa trẻ, sự hiện diện dư tồn của quả bóng được gợi ra bởi chỉ báo kép ấy vậy là ít nhiều được định vị vào phía dưới lưng tôi. Và đó là lý do cử động của đứa trẻ khi nó nhằm vào bên cạnh tôi để nhìn về phía ấy. Vậy là khi nó giơ ngón tay chỉ vào đó, thì dấu hiệu chỉ dẫn ấy đã nhằm cũng vào sự hiện diện dư tồn nọ: nói khác, đứa trẻ chỉ dẫn cho chính nó quả bóng mà nó không nhìn thấy, nhưng nó đã giữ hình ảnh dư tồn ở phía dưới lưng tôi. Cử chỉ của ngón tay giơ ra chỉ chỏ vậy là lúc ấy không nhằm vào đối tượng qua tấm màn bằng tà áo của tôi. Tuy nhiên, sau mươi giây, do dự trong tư thế ấy, đứa trẻ đã cúi xuống để lật tấm màn. Vậy là cử chỉ của ngón tay giơ ra đã mang một ý nghĩa mới: bây giờ nó nhằm vào đối tượng qua tấm màn, như ở dưới nó. Tình thế vẻ ngoài có một tương tự nào đấy với quan sát nói trên, trong đó đứa trẻ chỉ ra quả bóng dưới cái hộp, nhưng với một khác biệt hoàn toàn cơ bản là cái hộp vận hành như một chỉ báo gợi ra quả bóng là “vẫn hiện diện” trong trường tri giác. Tà áo tôi, ngược lại, chẳng thể gợi gì trước mắt đứa trẻ, nhân vì tôi đã giấu quả bóng ở dưới mà nó không biết. Vậy là quả bóng đã chỉ có thể bị nhầm trong tư thế như là ở ngoài trường hiện diện của tri giác hiện thời, nói cách khác là “khiếm diện”. Người ta thấy trong mươi giây ấy, mà ta có thể coi là một thời gian hồi suy (unemps de réflexion) đã diễn ra một sự biến đổi chủ yếu. Thoạt đầu, cử chỉ của ngón tay giơ nhằm vào quả bóng trên hình ảnh dư tồn của nó ở phía dưới lưng tôi, khiến nó chỉ quả bóng như một cái “cái này vẫn có mặt”, mặc dù thực tế là không mắt thấy được, trong trường tri giác. Bây giờ nó chỉ quả bóng ở dưới vạt áo tôi như một cái “cái này vắng mặt” nhưng được “biểu hiện” hoặc “tái trình” ngoài trường tri giác hiện diện. Chiều hướng của ngón tay giơ, nói khác, hình thức bên ngoài của cái biểu đạt đã hình như không thay đổi, nhưng cái được biểu đạt đã trở nên khác hẳn. Như thế nào mà một lát “hồi suy” đã có thể đi đến một kết quả như thế?

Các bạn đã thấy trong mục trên đây rằng dấu hiệu ngôn ngữ, và trước hết là dấu hiệu chỉ dẫn được cấu thành trong tính biện chứng của tính hỗ tương xã hội mà nó tiếp tục mang trong cấu trúc nội tại riêng của nó. Ý nghĩa mới vừa nảy sinh đó vậy là nhất thiết quy về một tiến bộ của cấu trúc hỗ tương của bản thân dấu hiệu. Tuy nhiên, khảo cứu nó ở trẻ em sẽ là khó khăn, nhân vì trẻ em chỉ làm có việc là vận dụng, từng bước một, một di sản hoạch đắc trong quá khứ xã hội của họ Người. Vậy là ta phải trở lại với sự phát sinh loài.


B. Những nguồn gốc của dấu hiệu biểu hiện trong sự phát triển dự-thành nhân

Như chúng tôi đã lưu ý trên kia, sự tìm lại đối tượng đã mất được trình ra dưới hình thức đơn giản nhất ở động vật có vú, trong ứng xử bước ngoặt, nó đã bao hàm sự nối dài hình ảnh tri giác được về đối tượng trong một hình ảnh dư tồn. Với sự xuất hiện của Người vượn nam phương, sự phát triển của cử chỉ chỉ dẫn chắc chắn đã cho phép, trong dòng đi của giai đoạn thứ nhất, dự-thành nhân chỉ dẫn đối tượng đã mất bằng hình ảnh dư tồn của nó ở đích nơi nó vừa biến mất hoặc nữa ở nơi mà chủ thể quen nhìn thấy nó biến mất hay xuất hiện, như chúng ta đã có thể quan sát ở đứa trẻ, 15 tháng tuổi, giơ ngón tay về phía cửa ra vào khi người ta hỏi nó: “Mẹ đâu?” vậy nếu như trong khi săn, một con mồi trốn ra sau núi, những tay thợ săn dự-thành nhân có thể chỉ nó bằng giơ bàn tay về chỗ ngoặt mà nó đã biến mất, nhưng ở đó, con mồi vẫn còn hiện diện bằng hình ảnh dư tồn của nó.

Tuy nhiên, sau đấy, hình thức đầu tiên ấy của sự chỉ dẫn “cái này vẫn hiện diện” chuyển hướng theo tình thế hiện thực. Như khi một số tay săn vượt lên trước, có thể đến chỗ ngoặt trong lúc số đông còn đi ở đằng sau. Vậy họ nhìn thấy con mồi và chỉ dẫn nó cho những người khác bằng một cử chỉ giơ thẳng bàn tay về phía trước, ở sau núi, những người khác đáp lại cũng bằng dấu hiệu ấy, nhưng giờ đây dấu hiệu này được dựa vào sự vận động thiên hướng tính của bàn tay người đi tiên phong, vừa dõi mắt nhìn theo rạch đường thẳng nối dài cử chỉ của bàn tay để chỉ về phía con mồi. Kết quả là dấu hiệu chỉ dẫn, bằng nó mà số đông của nhóm đáp lại tốp tiên phong, có chiều hướng ít nhiều thẳng góc với dấu hiệu của tốp tiên phong. Nói khác, những tay săn ở lại đằng sau, đứng trước ngọn núi, bây giờ chỉ vào con mồi không phải ở chỗ ngoặt nơi họ đã nhìn thấy con mồi biến đi, mà ở đằng trước nữa, ở đằng sau núi, bằng một cử chỉ bàn tay nhằm vào con mồi qua tấm màn che (mỏm đá). Nói khác, vì tình thế mới, tính hỗ tương của dấu hiệu được chuyển hướng theo cách khiến cho hình ảnh của “cái này” phóng chiếu bởi cử chỉ của bàn tay giơ thẳng, được chuyển chỗ vừa đem theo nó hình ảnh cảm giác-vận động dư tồn về con mồi khi thoạt đầu ở chỗ ngoặt mà bây giờ thì được chuyển dời về phía trước, ở đằng sau núi. Vậy là bằng một thứ nhào nặn theo những điều kiện vật chất của lao động tập thể, một hình thức mới của dấu hiệu được cấu thành mà chúng ta có thể gặp lại trong cử chỉ của đứa trẻ đã miêu tả ở trên, khi nó chỉ vào quả bóng giấu dưới nắp cái hộp bằng giơ ngón tay về chính giữa nắp hộp, chứ không chỉ vào bên rìa và chỗ nó đã trông thấy quả bóng biến mất. Ta thấy rằng sự chỉ dẫn đầu tiên ấy vào đối tượng qua tấm màn ở đứa trẻ đã bao hàm một bước tiến nhất định trong cấu trúc hỗ tương nhập nội, thừa kế ở từ cội nguồn và trở thành tự tại đối với bản thân dấu hiệu, điều này đã kéo theo một sự chuyển dời hình ảnh cảm giác-vận động dư tồn về đối tượng dưới cái hộp, từ ngoài rìa vào chính giữa.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải sự ra đời của một cấu trúc mới, mà chỉ là một biến thức của cùng một cấu trúc. Thực tế, hình ảnh dư tồn của quả bóng, mà chủ thể đã trông thấy quả bóng lăn vào dưới rìa hộp, khiến sự chuyển rời của nó vào giữa nắp hộp không đem lại thay đổi chủ yếu gì trong tương quan chung của các vị trí. Cũng là như vậy đối với hình ảnh dư tồn về con mồi đã đang ít nhiều gì đó ở đằng sau chỗ ngoặt, và như vậy là ở đằng sau đích ngọn núi khiến cho sự chuyển dời lên phía trước không làm thay đổi căn bản vị trí của nó so với số đông các tay săn, mà đối với họ tấm màn do ngọn núi tạo nên vẫn tiếp tục vận hành như một chỉ báo gợi ra sự hiện diện hiện thời của con mồi là ở đằng sau. Kết quả là, như trong trường hợp quả bóng dưới cái hộp, đối tượng bị nhằm qua tấm màn luôn bị chỉ ra là một cái “cái này vẫn hiện diện” trong trường tri giác hiện thời. Nói khác, chúng ta luôn ở trong giới hạn của cấu trúc nguyên thuỷ của dấu hiệu chỉ dẫn, với tư cách là nó nhằm vào cái cái này như một thực tế khách quan dữ định hoặc “vẫn đang dữ định” cho trực giác khả cảm. Vậy là chưa thể nói đến sự biểu hiện được.

Trong khi ấy con mồi, tiếp tục chạy trốn đằng sau quả núi, bị thít chặt dần bởi nhóm tiên phong của các tay săn Người vượn nam phương, thình lình đứng trước một mỏm đá. Nó bèn rẽ lẩn quanh sau mỏm đá và lại thêm lần nữa nó trượt khỏi mắt những người săn đuổi. Đến lượt những người này tới, cũng rẽ vào chỗ ngoặt ấy và lại lần nữa nhìn thấy con vật khuất ở đằng sau. Đúng lúc này, lúc con vật vừa mới biến về đằng sau mỏm đá, số đông bọn săn đã tới chỗ ngoặt thứ nhất. Họ đã nhìn sau núi, về chỗ họ đã tự chỉ dẫn họ chính họ con mồi bằng theo dấu hiệu chỉ dẫn của nhóm tiên phong, từ cùng vị trí mà lúc này họ đương đứng. Và vì không thấy gì, họ giơ tay về phía trước, vừa chỉ vào con vật không trông thấy song vẫn hiện diện do hình ảnh dư tồn của nó. Họ cứ trong thái độ tìm kiếm bằng mắt nhìn như thế, và vẫn chỉ thấy trước mặt họ là mỏm đá, mà con vật thì đã vòng qua song họ không hay biết. Sau đấy, nhóm tiên phong, mới đến chỗ ngoặt thứ hai, trên sườn mỏm đá, chỉ dẫn bằng bàn tay cho họ con mồi ở phía sau. Cử chỉ của đa số tay săn tức khắc do đó mà có một ý nghĩa mới. Bởi bây giờ cử chỉ ấy đáp lại dấu hiệu mới của nhóm tiên phong và bằng cách dựa vào dấu hiệu mới ấy, nó chỉ dẫn con mồi ở đằng sau mỏm đá. Kết quả là hình ảnh dư tồn của con vật được chuyển vị ra đằng sau tấm màn thứ hai nọ.

Ở đây vẻ ngoài như chúng ta có một tình thế có thể ví xuýt xoát với tình thế được miêu tả trên đây, vào lúc bộ phận lớn của nhóm dự- người đáp lại cử chỉ của nhóm tiên phong ở chỗ ngoặt thứ nhất, và như thế nó đã chỉ dẫn con mồi ở đằng sau núi. Tuy nhiên, lại có một khác biệt hoàn toàn cơ bản. Quả thật, trong trường hợp trên, ngọn núi đã tiếp tục vận hành như là chỉ bảo, khiến cho cử chỉ xuyên qua nó mà nhằm vào con mồi, luôn luôn chỉ dẫn con mồi như là một cái “cái này vẫn hiện diện” trong trường tri giác. Và ý nghĩa ấy của sự hiện diện “vẫn hiện thời” về đối tượng bây gìơ được duy trì, khi bộ phận lớn thợ săn, đến chỗ ngoặt thứ nhất và không thấy con vật sau núi, đã cố gắng tự chỉ dẫn nó cho chính mình bằng bàn tay vào hình ảnh dư tồn của nó. Nhưng bây giờ thì vẫn cử chỉ ấy, đáp lại dấu hiệu của nhóm tiên phong ở chỗ ngoặt thứ hai, lại chỉ dẫn con mồi ở đằng sau mỏm đá, ý nghĩa trở thành khác hoàn toàn, nhân vì mỏm đá không vận hành như là chỉ báo sau tấm màn hai, mà không một chỉ báo nào gợi ra sự có mặt hiện thời của con mồi, chỉ có thể nhằm vào con mồi như một cái “cái này vắng mặt” nhưng được “tái trình” hoặc “trình ra lần nữa” ở bên ngoài trường tri giác tuỳ theo tương quan hỗ tương với cử chỉ của nhóm tiên phong là kẻ chỉ dẫn trực tiếp vào đối tượng ở chỗ ấy.

Việc nhào nặn cái biểu đạt trong sự vận động hỗ tương của nó, trên những điều kiện vật chất của lao động tập thể vậy là lần này không đạt đến một biến thái giản đơn ở bên trong của cùng một cấu trúc, mà sang một cấu trúc hoàn toàn mới, dấu hiệu chỉ dẫn bây giờ vận hành như dấu hiệu của sự biểu hiện hoặc sự chỉ dẫn biểu hiện tính. Đối lập lại, sự chỉ dẫn trong giới hạn của trường hiện diện của tri giác hiện thời có thể mang tên là dấu hiệu trình bày hoặc sự chỉ dẫn trình bày.

Ý nghĩa mới vừa nảy sinh trên bình diện khách quan của ngôn ngữ đời sống thực tế có đặc điểm là, bằng hình thức khách quan của nó, nó lập tức bao hàm yếu tố chủ quan. Chúng ta đã thấy trong tính biện chứng của dấu hiệu nguyên thuỷ chỉ dẫn rằng có ý thức bắt đầu bằng một hình thức phân tán trong một tình thế chậm trễ, trong đó chủ thể thực tế không kêu gọi những chủ thể khác hướng vào đối tượng, nhân vì bản thân hắn cũng ở đằng sau khiến dấu hiệu mà hắn gửi đến họ cách tự động, lại trở lại với bản thân hắn bằng cách lẫn lộn vào dấu hiệu của họ, do đó, kết quả là thực tế, chủ thể biểu thị sự kêu gọi đến chính hắn xuất phát từ những chủ thể khác mà hắn đồng nhất hoá mình với họ. Bây giờ tổng sự chỉ dẫn biểu hiện tính đối tượng vắng mặt, như nó vừa xuất hiện ở những tay săn Người vượn nam phương, chúng ta đứng trực tiếp trước một tình thế cùng loại, nhân vì đa số của cái nhóm, kẻ phát ra dấu hiệu ấy là đi chậm, ở đằng sau tốp tiên phong và vậy nên đã không gọi tốp ấy đuổi theo con mồi được. Vậy thì thực tế đa số ấy đã phát sự chỉ dẫn cho chính bản thân họ, nói khác họ gọi lẫn nhau và mỗi người tự gọi mình bằng cách tự đồng hóa mình vào sự kêu gọi đến với họ từ tốp tiên phong, và trong kêu gọi ấy họ nhìn thấy lẫn nhau. Kết quả là dấu hiệu mới có ngay hình ảnh của chính nó trong bản thân nó, khiến đa số tay săn tự nhận ra chính họ trong sự kêu gọi ấy của tốp tiên phong, xuất phát từ sự kêu gọi ấy họ tự gọi chính họ đuổi theo con mồi, ở đằng sau mỏm đá. Đó chính sự vận động của một sự nhận biết như thế tạo nên cho hành vi biểu đạt vật chất một hình thức cho nghiệm sinh của nó, với tư cách là ý thức. Vậy ta có thể nói rằng dấu hiệu chỉ dẫn biểu hiện tính xuất hiện ngay từ ngọn nguồn là hữu thức.

Tất nhiên ở đây hãy còn là một ý thức phân tán, gắn liền với những hoàn cảnh khá riêng biệt trong dòng đi vào lao động tập thể. Cái nghiệm sinh biểu hiện tính chỉ được cấu thành là cấu trúc thường trực khi hình thức mới của tính hỗ tương được nhập nội trong hình ảnh dư tồn của nhóm, theo cách khu biệt trong hình ảnh này một yếu tố riêng biệt, yếu tố của tốp tiên phong, mà vai trò là phác thảo cách hằng xuyên dấu hiệu chỉ dẫn xuất phát từ bờ rìa của mỗi đối tượng bằng cách nhằm vào đằng sau đối tượng. Do đấy mà chủ thể, cái luôn luôn mang hình ảnh xã hội tính ấy trong bản thân nó trong tính đồng nhất của nghiệm sinh của mình, tự thấy mình hằng xuyên được chỉ dẫn một cái gì đó đằng sau đối tượng mà hắn nhìn vào. Kết quả là tri giác từ nay được điều tháp vào một cấu trúc mới, trong đó nó được mở rộng bởi yếu tố biểu hiện là cái hằng xuyên phóng chiếu vượt khỏi những giới hạn của trường hiện diện của tri giác hiện thời, hình ảnh ít nhiều bất định của một không gian xa xôi, nhưng cần được cụ thể hoá dần dần theo với tình thế và sự hoạt động thực tế. Một cấu trúc như thế được ổn định dần trong hình thức kế thừa những liên hiệp thần kinh ở Tổ tiên dự- người vào cuối giai đoạn phát triển thứ nhất của mình, và ấy là, trong sự quan sát về đứa trẻ giơ ngón tay chỉ vào phía dưới lưng tôi khi tìm quả bóng ở dưới vạt áo tôi, mà chúng ta tham dự sự phục hoạt của cấu trúc ấy trong sự phát triển của loài. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, xuất hiện dưới mắt chúng ta như là một thoáng hồi suy, đã được thực thao sự chuyển tiếp từ dấu hiệu biểu hiện trình bày tính theo nghĩa rộng, như là sự chỉ dẫn cái “cái này, vẫn hiện diện” sang hình thức đầu tiên của dấu hiệu biểu hiện như là sự chỉ dẫn cái “cái này khuyết diện”. Sự “hồi suy” mà ở đây ta có thể định nghĩa như là sự tiếp tục, trên một thời hạn nào đó, của sự quay trở lại với đích mình mà dấu hiệu đã trải qua trong sự vận động nhập nội của tính hỗ tương xã hội, đã đạt đến khu biệt trong “môi trường tự tại” ấy một “yếu tố tiên phong” nhờ nó mà cử chỉ của ngón tay giơ đã có nghĩa là một chỉ dẫn vào đối tượng vắng mặt dưới tấm màn, nhân vì bây giờ nó đáp ứng cách nội tại cho hình ảnh được phác ra bằng một chỉ dẫn khác, từ mép vạt áo của tôi, chỉ dẫn này nhằm vào một chỉ dẫn khác, từ mép vạt áo của tôi, chỉ dẫn này nhằm vào quả bóng nằm phía dưới. Sự xuất hiện của cấu trúc mới ấy của dấu hiệu chắc chắn đã được chuẩn bị bằng kinh nghiệm xã hội của đứa trẻ, nó đã có thể trong nhiều dịp người ta dùng ngón tay chỉ cho nó một đối tượng ở đằng sau tấm màn mà nó không biết. Tuy nhiên chính ngay vị trí của sự xuất hiện ấy trong sự phát triển đánh dấu một thời đoạn nhất định và cũng do đấy nó dẫn về thời điểm tương ứng trong sự phát sinh loài. Thực tế trẻ em chúng tôi đang nói đến đã 16 tháng tuổi. Trên kia, chúng tôi đã nhắc lại những quan sát của Piaget về sự tự chủ trước một chuyển chỗ không mắt thấy đối tượng đã biến mất ở hai trong số các con ông, một 18 và một 13 tháng tuổi. Bà Gouin- Décarie đã ghi nhận cũng ứng xử như vậy ở một chủ thể 20 tháng tuổi (đã dẫn). Vậy nếu chúng tôi lấy số trung bình của những con số trên thì có thể đặt mức độ của ứng xử ấy vào 16-17 tháng tuổi, hoặc xuýt xoát vào giữa tuổi của dự- thành nhân (14- 20 tháng), điều này rất tương ứng với thời đoạn bước chuyển từ kỳ thứ nhất sang thứ hai của sự phát triển dự- thành nhân trong tiền sử.

Chúng tôi đã chỉ ra trong phần thứ nhất sự giải phóng bàn tay do đạt được cách đi thẳng đứng đã trở thành “bước quyết định” như thế nào khiến bước ấy mở ra con đường nhân hóa đánh dấu sự chuyển từ họ Vượn sang họ Người. Bây giờ chúng ta có thể coi sự xuất hiện của dấu hiệu biểu hiện là vào giữa giai đoạn dự- người hoặc giai đoạn chuyển tiếp giữa vượn sang người, như là một sự giải phóng thực sự khối óc, mà những chức năng cao đẳng, ngôn ngữ và ý thức, có thể từ đây trở đi vượt qua các giới hạn chật hẹp của tình thế hiện diện, trong đó tâm thần động vật bị cầm tù và dấu hiệu chỉ dẫn trình bày còn chưa thoát khỏi các giới hạn ấy.

Sự giải phóng khối óc đã là bước quyết định thứ hai, nó mở ra con đường cho sự cấu tạo tiến bộ không bờ bến về một hình ảnh của thế giới trong tính phổ quát của nó, như là tính vô hạn của vật chất đang vận động và cũng do đó cho phép con người đảm bảo ngày một nhiều hơn sự thống trị của mình đối với tự nhiên và đối với chính bản thân. Tuy nhiên cũng sự vượt qua cái dữ định hiện diện cũng đã mở ra khả năng, xuất phát từ một trình độ nào đó về phát triển ngôn ngữ và ý thức, hoàn toàn thoát ly hiện thực, để tự giam hãm trong những kiến tạo thuần túy biểu tượng tính phủ nhận tính hiện thực và lật ngược nghĩa chân thực của đời sống người. Thuyết duy tâm biện minh nguyên lý của những kiến tạo ấy bằng diễn giải khái niệm “vượt quá” như một sự phủ định thuần tuý hiện thực khách quan, điều này chỉ có thể, suy cho cùng, đáo đầu tới một “siêu nghiệm huyền bí”. Sự phân tích cụ thể dấu hiệu biểu hiện cho phép cụ thể hoá nghĩa đích thực của vượt quá khi làm rõ sờ sờ nội dung thật sự hiện thực, tức nội dung xã hội của nó. Sự vượt quá trường hiện diện của tri giác hiện hành bản thân nó đã là được dữ định cách khách quan trong sự vận động xã hội của lao động nơi cái nhóm mở rộng trường hoạt động bằng cách phân phối nhau trên nhiều khu vực, đồng thời, bằng sự truyền thống ngôn ngữ đảm bảo sự phối hợp các nhiệm vụ, nó liên kết tất thảy thành viên trong hình thức của cùng một “người lao động tập thể” duy nhất, như thế người này là “hiện diện ở khắp nơi” trên một không gian ngày càng rộng lớn thêm của hiện thực tự nhiên. “Người lao động tập thể, Marx nói, có mặt và có tay ở đằng trước và đằng sau và đến một điểm nào đó là hiện diện khắp nơi. [12] Và tất nhiên tính vô sở bất tại hiện thực ấy của người lao động tập thể, chàng “Briaréc” chân chính [13] (người khổng lồ trong huyền thoại có 50 đầu và 100 cánh tay) kiêm thêm một chàng Argus (người khổng lồ trong huyền thoại có 100 mắt) sản sinh ra tính vô sở bất tại ý tưởng tính của ý thức, khi chủ thể, xuất phát từ hình ảnh dư tồn của nhóm mà hắn có trong bản thân trong hình thức là nghiệm sinh của mình tự nhắc lại cho mình dấu hiệu biểu hiện trong những cấu trúc ngày càng phức tạp thêm do chúng phản ánh những tiến bộ thực tế của lao động xã hội trong những viễn cảnh luôn luôn mở ngỏ, và như thế tự vượt khỏi mình bằng chính mình, một cách vô cùng bất tận.

Chúng tôi đã miêu tả sự ra đời của biểu hiện dưới hình thức sơ đẳng nhất của nó như là sự chỉ dẫn đơn giản về cái “cái này vắng mặt”. Và ta đã thấy trong những điều kiện ấy nó đã bao hàm sự có mặt hiện thời của một hình ảnh dư tồn được chuyển vị ra ngoài trường tri giác bằng cử chỉ của bàn tay nhằm vào đối tượng xuyên qua tấm màn. Như ở đứa trẻ chỉ dẫn bằng ngón tay quả bóng không mắt thấy như là “vẫn có mặt” ở đằng sau lưng tôi, thì sự can thiệp của cấu trúc mới, cái đã đưa lại cho cử chỉ ấy nghĩa của một sự chỉ dẫn vào đối tượng ở dưới vạt áo tôi, cũng do đó mà dẫn đến sự chuyển vị trí của hình ảnh dư tồn của quả bóng nằm dưới tấm màn ấy. Là rõ ràng một thực thao như thế chỉ khả thể đối với một đối tượng vừa mới biến mất mà thôi, và sự có mặt dư tồn của nó còn được giữ lại một cách khá rõ rệt trong tri giác hiện thời. Chừng khi đối tượng biến mất đã chìm sâu vào quá khứ, hình ảnh dư tồn của nó thiên về bị xoá đi trong trường tri giác, khiến cho dấu hiệu biểu hiện chỉ còn có thể vận hành một cách thực tại với điều kiện phục hoạt nó.

Mà đó dĩ nhiên là vấn đề đã được đặt ra trong sự phát sinh loài vào cuối kỳ thứ nhát của sự phát triển dự- thành nhân, khi Người vượn Nam phương đã bắt đầu sửa soạn dụng cụ của hắn trong sự vắng mặt đối tượng sinh vật. Nếu sự biểu hiện đối tượng ấy, nảy sinh ở thời kỳ đó, đã bị hạn chế trong sự chỉ dẫn đơn giản là một cái “cái này vắng mặt” thì khoảng lề tự do giành cho sự tìm kiếm vật liệu hẳn đã không lớn lắm, nhân vì dấu hiệu ấy, như ta vừa thấy bao hàm sự có mặt trong trường tri giác một hình ảnh dư tồn về đối tượng còn tương đối rõ ràng. Vậy chừng khi các tay săn Người vượn nam phương thiên về dời xa thêm đối tượng dụng cụ thì đã phải liên hiệp cử chỉ đơn giản giơ bàn tay nhằm vào đối tượng sinh vật như là một “cái này vắng mặt” với một chỉ dẫn chi tiết hơn, làm sống lại hình ảnh dư tồn của nó đã ít nhiều bị xoá mờ. Ở trình độ ta đương xem xét, chủ thể sử dụng đến dấu hiệu chỉ dẫn triển khai trong công thức (2) CHV, dấu hiệu này phóng chiếu hình ảnh cái “Cái này trong hình thức như nó xuất hiện trong sự vận động (giả định).” Dấu hiệu ấy cho đến đây đã chỉ vận hành trong giới hạn của tri giác hiện thời. Ta có thể nghĩ rằng do những yêu sách của tình thế mới bây giờ nó tích hợp mình vào với cấu trúc của sự biểu hiện, khiến cấu trúc này từ đây trở đi bao gồm hai thành phần, một chỉ ra cái “cái này vắng mặt” và một khác biểu hiện nó dưới dạng vẻ quen thuộc mà nó thường trình ra trong khi thực hành lao động tập thể, nói khác, như một “cái này trong hình thức (H) như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó.”


C. Dấu hiệu chỉ dẫn phức hợp

Người ta có thể quan sát ở trẻ em ngay từ giai đoạn đầu của tuổi dự-thành nhân, sự liên hiệp của dấu hiệu chỉ dẫn đơn giản với một dấu hiệu chỉ dẫn triển khai trong khuôn khổ của tri giác hiện thời. Như trong một quan sát của Piaget [14] , người ta thấy một bé gái 13 tháng 29 ngày nói từ vouaou vừa ấn bằng đầu ngón tay những hình vẽ kỷ hà trên một tấm thảm (một đường ngang có ba đường thẳng dọc cắt). Cũng từ ấy trước ấy đã được dùng để chỉ những con chó. Một hiện tượng đa nghĩa như vậy chỉ rõ rằng vấn đề không chỉ đơn thuần là một sự bắt chước âm thanh. Từ vouaou rút ý nghĩa nguyên gốc từ một cử chỉ chỉ dẫn triển khai vào con chó đang đi vào nhằm vào bé như một “cái này trong một vận động trong hình thức sự phóng chiếu của kẳng chó (K), CVK. Và chính là đứa trẻ đã tìm thấy lại vẫn hình thức ấy như là hình thức của đối tượng trong đường nét vạch ngang bị cắt bởi ba vạch dọc mà nó giơ ngón tay chỉ vào vừa lặp lại vouaou. Vậy là ở đấy một dấu hiệu kép, gồm cử chỉ giơ ngón tay chỉ vào cái “cái này” (C) và từ hỗn hợp vouaou bao hàm một cử chỉ tổng quát chỉ cái này (C) trong hình thức sự phóng chiếu của những kẳng chó (K) [15] như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (V) (giả định) của nó, hoặc: CKV. Vậy thì ý nghĩa trọn vẹn là: C, CKV, nó nói lên rằng: “cái này như là một cái này trong hình thức phỏng chiếu của những cái kẳng như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó.” Ta có thể gọi dấu hiệu ấy là dấu hiệu chỉ dẫn phức hợp.

Vẫn cấu trúc ấy ta bắt gặp lại trong một quan sát khác cũng của Piaget về đứa con trai nhỏ 16 tháng, đứa bé nói “mẹ mẹ” vừa giơ ngón tay chỉ vào bất kỳ cái gì muốn chỉ, kể cả khi nói với bố hay bất kỳ ai (sdd, Quan sát 102). Ta thấy từ “mẹ” ở đây là một từ hỗn hợp có ý nghĩa do từ một cử chỉ chỉ dẫn triển khai nhằm vào một sự vận động trong hình thức xích lại gần cái “cái này” tức là đối tượng ham muốn, đã được chỉ dẫn bằng cử chỉ đơn giản của ngón tay giơ. Tôi đã quan sát một bé gái 14 tháng tuổi đứng trên bậc cửa và nhìn ra phố. Một chiếc xe ầm ầm đi qua đã làm nó sợ hãi, nó quay vào vừa khóc bên cạnh cô mẫu giáo và giơ bàn tay chỉ về phía cái xe vừa nói “mẹ”, bàn tay úp vào giơ lên hạ xuống. Sự vận động này gần giống như trong cử chỉ tạm biệt, nhưng được tiến hành chậm hơn, điều này phóng ra hình ảnh một sự vận động xích lại gần của đối tượng hay người được chỉ, đối lập với hình ảnh xa rời phóng ra bởi sự vẫy nhanh bàn tay giơ chào. Ta thấy từ “mẹ” giúp vào cho cử chỉ ấy là một kêu gọi giúp đỡ mà ý nghĩa được xác định theo công thức (3) về chỉ dẫn triển khai (cách mệnh lệnh): “Sự vận động trong hình thức xích gần lại (G) cái “cái này” hoặc VGC, cái “cái này” ở đây là kẻ hướng dẫn. Ta có thể nghĩ rằng từ “mẹ” phát ra bởi chủ thể của Piaget, dưới một hình thức phác thảo, chỉ một cử chỉ cùng loại. Vậy là sự liên hiệp của từ với cử chỉ đơn giản của ngón tay giơ chỉ vào đối tượng mong muốn tạo nên dấu hiệu chỉ dẫn phức hợp, mà ý nghĩa là C.V.G.C “cái này trong sự vận động trong hình thức xích lại gần của cái “cái này” hoặc nói gọn thì là “cái này trong sự vận động trong hình thức xích lại gần của nó”.

Ta thấy dấu hiệu chỉ dẫn triển khai, tạo nên yếu tố thứ hai của dấu hiêu chỉ dẫn phức hợp, có thể được trình ra theo bất kỳ một công thức khả thể nào của nó. Vậy nếu hình thức hoá sự chỉ dẫn phức hợp, thì có thể lấy cho thành phần thứ hai của nó công thức cơ bản của sự chỉ dẫn triển khai (CVH(1)) nhận vì công thức ấy có thể được thay vì bằng một trong những biến thức của nó.

Vậy là ta có công thức chung của sự chỉ dẫn phức hợp: C.CVH (7)
nó nói lên rằng: “cái này như là một cái này trong một vận động trong hình thức H”.


D. Công thức chung của sự biểu hiện đối tượng vắng mặt

Ta đã thấy ở cuối kỳ thứ nhất của sự phát triển dự thành nhân trong sự phát sinh loài, chừng khi Tổ tiên người vượn nam phương thiên về chuẩn bị dụng cụ ở nơi cách xa đối tượng sinh học, thì sự biểu hiện đối tượng, thoạt tiên xuất hiện trong hình thức một chỉ dẫn đơn giản cái “cái này vắng mặt” tất nhiên được cụ thể hoá bằng phụ thêm vào một dấu hiệu chỉ dẫn triển khai. Bây giờ ta có thể nghĩ rằng sự liên hợp ấy trình ra như một dấu hiệu chỉ dẫn phức hợp đã miêu tả, và được tích hợp vào cấu trúc của sự biểu hiện: nói khác, một cử chỉ của bàn tay giơ chỉ về phía xa nhằm vào đối tượng không mắt thấy trong trảng cỏ, với từ hỗn hợp thường dùng để chỉ đối tượng ấy trong sự vận động quen thuộc liên quan của nó. Ý nghĩa của dấu hiệu phức hợp ấy có thể được đưa ra bằng cách thêm vào công thức chung của sự chỉ dẫn phức hợp (7) một ký hiệu phụ, thí dụ một gạch ngang trên các chữ, để lưu ý rằng không phải là một đối tượng có mặt, mà là một đối tượng vắng mặt được biểu hiện ở bên ngoài trường tri giác:
_____
C.CVH (8)

Công thức ấy nói lên rằng: “cái này (vắng mặt) được biểu hiện như một cái này trong một vận động trong hình thức (H)”. Như đã được lưu ý ở trên, thành phần thứ hai của biểu thức ấy, biểu thị ở đó với danh nghĩa là công thức cơ bản của sự chỉ dẫn triển khai, luôn luôn có thể được thay thế bằng một biến thức của sự chỉ dẫn triển khai nọ. Trong sự biểu hiện đối tượng sinh học vắng mặt đối tượng này có thể xuất hiện như là bất động- thí dụ khi là con mồi đã bị hạ sát. Dấu hiệu chỉ dẫn triển khai nhập vào sự biểu hiện này, vậy trong trường hợp này, sẽ theo công thức (2) CHV, và ý nghĩa toàn bộ sẽ là
_____
C.CHV, “cái này (vắng mặt) được biểu hiện như là một cái này trong hình thức (H) như hình thức ấy xuất hiện trong sự vận động (giả định) của nó”.

Vì sự chỉ dẫn đơn giản cái “cái này vắng mặt” tùy thuộc chặt chẽ vào hình ảnh dư tồn của đối tượng đã biến mất, và nó không hay biết gì về đối tượng nếu không phải chỉ là biết rằng đối tượng đang hiện tồn thực sự ở ngoài trường tri giác, nên ta chỉ có thể coi sự chỉ dẫn đơn giản nọ như là một hình thức hoàn toàn manh nha vậy chúng tôi đề xuất đặt tên nó là dấu hiệu tạm thời biểu hiện đối tượng vắng mặt. Sự biểu hiện này chỉ trở thành vững chắc khi nó được xác định bằng một từ hỗn hợp (N) gia thêm vào sự chỉ dẫn một vận động và một hình thức liên quan đến đối tượng nọ. Vậy là chỉ khi ấy ta mới thực sự nói về dấu hiệu biểu hiện đối tượng vắng mặt, sao cho công thức (8) có thể được coi là công thức chung biểu hiện đối tượng vắng mặt.

Công thức ấy, có thể giúp ta hiểu sự biểu hiện hỗn hợp hình thức dụng cụ tính, mà ta đã thấy trong phần thứ nhất nó là cần thiết cho sự chuẩn bị dụng cụ ở xa đối tượng sinh học và sự chuyển bước của nó sang công tác tu chỉnh. Quả thật, nếu ta khảo sát ký hiệu đã được đưa vào đó, tức là gạch ngang ở trên đầu các chữ và chỉ định cấu trúc biểu hiện tính trong đó hai thành phần thứ nhất của ý nghĩa toàn bộ được tích hợp, ta thấy rằng nó (cái gạch trên đầu) rất có thể chỉ mang một trong hai thành phần ấy. Vậy ta sẽ có hai công thức mới khả thể:
_____
C.CVH và C.CVH. Công thức thứ nhất, trong biểu thức của nó là C.CVH hoàn toàn phù hợp với sự biểu hiện hỗn hợp của hình thức dụng cụ tính. Còn công thức thứ hai, nó có thể mang hình thức
_____
C.VCH, cái hình thức cho phép nó được áp dụng vào hiện tượng bắt chước đình hoãn (l’imitation differéc) mà ta thấy cũng xuất hiện ở trẻ em vào trình độ nói đây.


[1]Spirkine: “L’origine du langage et son rôle dans la formation de la pensée” (Nguồn gốc của ngôn ngữ và vai trò của nó trong sự hình thành tư tưởng) trong “Lapérée et le langage” (tiếng Nga), Moscou, 1957, tr.36, 37.
[2]Archanthropien: nhóm họ người hóa thạch thuộc thế cách tân trung kỳ (pléistocène moyen), hình thức nói chung được qui vào với người đứng thẳng, và được đại diện bởi vượn người Java, người vượn Bắc Kinh, người vượn Bắc Phi và Mauer. (ND).
[3]Paléethrope: một hình thức họ người hóa thạch là trung gian giữa archanthropien và người néanthrope, đại diện chủ yếu bởi người vượn néandertalien. (ND).
[4]Broca: lấy tên Paul Broca, nhà giải phẫu và nhân chủng học Pháp (1824- 1880), người sáng lập Trường Nhân chủng học. Ông đã khảo cứu bộ não và chức năng của ngôn ngữ. (ND)
[5]Kotchetkova: “Caracté ristique comparéc desendocrânés des hominides du point de vue paléoneurologique” (Ðặc điểm so sánh mặt trong sọ của những họ người về phương diện cổ nhân thần kinh học) trong “Les Hominides fossiles et l’origine de l’homme” (Những họ người hóa thạch và nguồn gốc con người), tr.490.
[6]Konnikova: “L’étape initiale dans le dévelopment du langage” (tiếng Nga) (Giai đoạn khởi đầu trong sự phát triển của ngôn ngữ). Theo Elkonine: Tâm lí học trẻ em (tiếng Nga), Moscou, 1950, tr.99.
[7]Chúng tôi không trở lại ở đây những chi tiết đã trình bày trong miêu tả sự có ý thức về dấu hiệu chỉ dẫn nguyên thủy.
[8]Piaget, “La construction du réel chez l’enfant”, Paris, 1950, tr.64 -, nhận xét tr.58- 59.
[9]Piaget, sdd, tr. 66- 69. Quan sát 60–63.
[10]Piaget, sdd, tr.70- 71. Quan sát 64- 66.
[11]Thérèse Gouin-Décarie, “Telligence et affectiveté chez le jeune enfant” (Trí tuệ và tình cảm ở hài nhi), Neuchâtel, 1962.
[12]Marx, Tư bản luận, t.II, tr.20.
[13]Ibirdem, tr.35.
[14]Piaget, “La formation du symbole chez l’enfant” (Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em), Paris, 1945.
[15]Dùng chữ K để tiện ghi kí hiệu, tránh lẫn lộn với C (cái này).