© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.11.2005
Trần Vàng Sao
Tôi bị bắt
(Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù) 10 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
2.

Tôi nhớ rõ một hay ba ngày sau, khoảng 7 giờ sáng, bà Quy, bác sĩ chủ nhiệm khoa bảo tôi:

“Anh chuẩn bị sáng nay về Cục. Giấy tờ và thủ tục chúng tôi đã làm xong. Anh cứ đợi đây. Bao giờ tôi vào báo anh sẽ đi.’’

Lát sau, bà ta quay trở lại đưa giấy tờ cho tôi:

“Xe đợi anh ngoài cổng.’’

Tôi chào ông già Tuyến. Ông đưa trả tôi mấy cuốn sách, những cuốn bìa đỏ của Mao Trạch Đông bằng tiếng Pháp. Tôi nói:

“Bác cứ giữ mà đọc.’’

Ông già lắc đầu:

“Cái thằng…’’

Rồi ông hỏi tôi:

“Mầy đi đâu hả Đính?’’

“Dạ, họ nói về Cục.’’

Tôi bước ra ngoài phòng, không có ông già Giác. Tôi không chào ai hết. Mọi người bây giờ coi như không có tôi.

Tài xế là một thanh niên rất trẻ có râu quai nón. Suốt dọc đường từ Sơn Tây về Hà Nội tôi và anh ta không nói gì với nhau. Sau này rất lâu tình cờ tôi gặp anh ở Hà Nội. Anh ta chào tôi rất vui vẻ. Anh ta nói: “Anh biết không, lúc đưa anh về Hà Nội, trở về Sơn Tây tôi bị mấy ông tra hỏi đủ điều. Họ hỏi tôi trên đường đi anh đã nói gì với tôi, và tôi đã nói gì với anh. Tôi nói là anh có mời tôi hút thuốc, nhưng tôi lại không hút thuốc”.

Xe ngang qua nghĩa trang Mai Dịch, tôi chợt nhớ lại trong trận tra vấn tôi có một ông đã hỏi:

“Anh quá tệ đi anh Đính ạ. Anh nói xấu cả những đồng chí lãnh đạo của ta đã chết chôn ở nghĩa trang Mai Dịch nữa.’’

“Tôi có nói thế đâu.’’

“Anh không bao giờ thành khẩn hết. Đây này, có phải là anh đã viết: “…ở cái chết con người cũng không được bình đẳng. Cứ tùy theo tiêu chuẩn bao nhiêu thịt, bao nhiêu đường, bao nhiêu sữa mỗi tháng, mỗi ngày mà kẻ chết đi, người thì được chôn ở nghĩa trang Mai Dịch, kẻ thì ở Văn Điển”. Chắc anh cũng biết nghĩa trang Mai Dịch là nơi dành cho những đồng chí lãnh đạo có công lớn với cách mạng với nhân dân với đất nước?’’

Đến Cục đón tiếp cán bộ B ở 11 Hoàng Hoa Thám, tôi vào trình giấy tờ. Đến lúc này, tôi cũng không biết người ta sẽ còn làm gì tôi nữa. Chắc chắn là tôi sẽ bị khảo tra nhiều lần nữa, nhưng không biết bằng cách nào. Tôi có cảm tưởng cơ thể của tôi như bị mất cân bằng. Tôi ở trong trạng thái của một người bị bắt buộc phải làm việc quá nhiều, nhưng các thớ thịt không căng lên mà lại giản ra, máu lưu thông không đều; tất cả như dồn tại một chỗ trong đầu. Tôi cứ muốn mửa.

Tôi vào phòng làm việc để trình giấy tờ. Một anh chàng rất trẻ, trắng trẻo ngồi sau bàn giấy sát cửa ra vào, chào tôi:

“A, anh Đính.’’

Anh ta tên Ninh, người Quảng Nam, có quen tôi lúc ở K65. Anh ta bị thương ở trán, phía trên thái dương trái hỏm vào một lỗ bằng đồng bạc kênh năm xu. Nắng mưa gì anh ta cũng đội cái mũ cát dạ để giữ ấm đầu và đề phòng có va chạm. Hầu hết những người làm việc ở Cục đón tiếp cán bộ B này là người miền Nam, trong số này phần đông ở chiến trường ra chữa bệnh hoặc an dưỡng. Những người này nhờ quen biết thân thế vận động xin được làm việc ở đây để khỏi vào lại chiến trường và để được hưởng các tiêu chuẩn chế độ của cán bộ miền Nam. Anh chàng này cũng thế. Cha anh ta là một cán bộ cao cấp không muốn cho con trở lại chiến trường nên xin chuyển anh ta về làm việc ở đây.

Anh ta chỉ cho tôi vào phòng trong để trình giấy tờ. Phòng trong chỉ có một người đàn ông đứng tuổi ngồi sau bàn giấy. Những bàn chung quanh đều vắng người. Ông ta cầm xấp giấy tờ của tôi liếc qua rồi cất giọng:

“Anh tạm ở đây, chờ các anh ở trên giải quyết. Bây giờ anh để đồ đạc và nghỉ ngoài hội trường. Các tiêu chuẩn của anh căng tin sẽ giải quyết. Nếu anh đau, anh ra dãy nhà sau đến phòng y tế. Cơm trưa của anh tôi đã báo. Tiêu chuẩn ở đây một đồng hai một ngày. Tiền còn thừa (bốn hào) sau này anh sẽ truy lãnh. Buổi sáng anh phải tự túc, vì ở đây là cơ quan làm việc.’’

Hai ba người bước vào phòng cười nói, giọng Quảng, giọng Thừa Thiên, giọng Bắc… rồi tiếng máy chữ lóc cóc, tiếng gọi nhau ngoài hành lang, ở phòng ngoài…

“Thế mà tôi cứ tưởng anh hy sinh rồi chứ? Đến đây làm gì thế? Lại tiêu chuẩn chế độ chứ gì hay tìm người chứng để cưới vợ… ha ha… Thôi, thôi, ngồi đây, ngồi đây, uống trà nói chuyện cái đã.’’

“Ê, chuẩn bị đi phép phải không? Xuống nhận tiêu chuẩn tế cho rồi.’’

Người đàn ông đứng tuổi nhìn tôi nói:

“Thế này nghe anh Đính. Về đây tạm thời anh không được đi đâu hết, chỉ ở tại đây, chờ ý kiến của các anh. Thôi, anh ra hội trường nghỉ.’’

Ở hội trường cũng có một vài người (đều là cán bộ ở chiến trường) ở xa đến liên hệ công tác nằm chờ. Tất cả đều nằm trên ghế băng. Tôi kéo mấy cái ghế băng sát vào nhau gần cửa ra vào và cạnh cửa sổ làm chỗ nằm. Tôi chắc thằng Ngô, thằng Tình, bà Ngọc Trai, ông Doãn Triều đã biết chuyện của tôi. Sắp Tết rồi. Chắc chắn những ngày tết tôi phải bó rọ ở đây một mình.

Hai hôm sau, người ta báo cho tôi chuyển chỗ ngủ. Phía bên kia đường Hoàng Hoa Thám, đối diện với Cục đón tiếp hơi chếch về phía Hà Nội, vào sâu trong hẻm có một dãy nhà mới xây làm nhà khách dành cho những người ở xa đến nghỉ lại. Dãy nhà nhiều phòng xây trên một cái hồ rau muống mới được lấp đất. Nhà mái ngói, phên tre trát vữa, chung quanh còn ngổn ngang những ụ đất đá, những đống vôi vữa bỏ dở đọng nước mưa, và tre nứa, gạch ngói vỡ rải khắp sân. Đất chỉ lấp phần nền để làm nhà, vẫn còn lại một phần hồ rất rộng, ban đêm ếch nhái kêu um nghe tức ngực. Đoạn đường từ con đường hẻm cũ vào nhà phải đổ cát lấp những hố bùn. Hai bên con đường hẻm này có một hai cái nhà nhưng mặt xây ra đường Hoàng Hoa Thám nên không có cửa ngõ. Cuối hẻm là một cái dốc, nhà thằng Ngô Thế Oanh ở sau đó, khuất sau những cây to. Tôi đã ngủ lại nhà thằng Oanh một hai lần rồi.

Căn phòng tôi ở có khoảng sáu giường, đi ngoài ngõ vào là phòng đầu tiên của dãy nhà. Có lẽ tôi là người đầu tiên đến ở đây. Tôi nằm giường ngoài cạnh cửa sổ ngó ra đường. Mưa lất phất và lạnh. Ông gác cổng Cục đón tiếp, người Nam bộ, đưa cho tôi một ổ khóa và dặn tôi khi nào đi ăn cơm nhớ khóa cửa. Ông ta nói với tôi, giọng Nam bộ pha Bắc:

“Mấy anh dặn tôi nói lại với anh là anh ở đây và không được đi đâu hết. Đến giờ, anh sang bên Cục ăn cơm.’’

Tôi bỏ đồ đạc lên giường rồi ra ngồi trên bực cửa. Mùi vôi và xi măng mới hơi khó chịu. Chung quanh nhà không có cây cối gì cả. Không có cửa ngõ, chỉ có một bãi đất trống rộng mở ra đường, chằng chịt vết bánh ô tô nước đọng thành những vũng dài. Con đường trước mặt thỉnh thoảng lắm mới có người đi qua. Không có một thứ tiếng động nào cả, không nghe tiếng người nói, chỉ có tiếng ô tô chạy ngoài đường Hoàng Hoa Thám. Tất cả đều trống không và tôi một mình. Tôi ngồi ngó mưa như rắc bụi trên những vũng nước. Tôi lượm một mảnh ngói ném ra giữa sân, một mảnh rồi hai ba bốn mảnh ngói, vôi vữa chết đóng cục. Không còn cái gì để làm nữa, tôi cứ ngồi yên ngó ra ngoài. Gần một buổi sáng và hết cả ngày, hết ngồi lại nằm, tôi cứ loanh quanh luẩn quẩn một mình tôi thế này. Ăn cơm xong, trưa chiều, tôi trở về lại đây, mở cái cửa duy nhất của phòng này, tôi ngồi ngó ra giữa trời đất. Trời còn mưa lất phất, tôi mặc thêm cái áo vệ sinh. Cái áo bông vẫn chưa đủ ấm. Buổi chiều lại yên tĩnh và trống trải hơn nữa. Tôi trông trời mưa thật to, mưa ào xuống nước chảy không kịp tràn cả sân và chim, một vài tiếng chim, chim se sẻ vừa nhảy vừa hót trên sân, rồi chợt vụt bay rồi kêu toáng lên vì có bóng người. Nhưng không có gì hết. Một mình tôi, đầu óc tôi mệt mỏi, chán nản. Đêm đến, ngoài ánh sáng của ngọn đèn điện trong phòng hắt ra sân một vạt và tiếng ếch nhái, còn thì tối đen hết. Tôi thèm một miếng nước trà, nhưng không có nước sôi và ấm chén. Tôi nhai mấy viên Ka-vét cho cái bụng đỡ cồn cào. Gần nửa đêm thì điện cúp.

Sáng hôm sau, cái ông dưới bốn mươi tuổi tôi tạm đặt tên Thanh cho dễ gọi, cái ông đã khảo tra tôi ở K 65, đến gặp tôi. Ông ta nói:

“Anh theo tôi lên đây làm việc. Nhớ mang theo giấy bút.’’

Tôi theo ông ra đường cái.

“Anh lên đây tôi lai.’’

Ông ta chở tôi về phía Hà Nội. Gần đến vườn bách thú, ông rẽ sang một con đường phía bên phải sát đó (tôi không nhớ tên đường). Đi một đoạn dốc dài dài, ông ta đứng lại trước một dãy nhà một tầng. Ông ta không nói gì hết. Ông dắt chiếc xe Phượng Hoàng nam màu đen lên thang gác. Tôi đi theo sau. Ông ta dựng xe vào lan can hành lang, khóa lại, rồi mở cửa một căn phòng ở cạnh lối xuống thang gác.

“Anh vào đây.’’

Ông ta bật điện và mở cửa sổ. Một cái bàn với hai cái ghế để sát cửa sổ có màn che bằng vải hoa. Ông ta đi vào trong mang ra một phích nước. Ông ta chế trà.

“Anh ngồi xuống đi.’’

Tôi kéo ghế ngồi xuống. Ông đẩy một tách nước về phía tôi.

“Anh uống nước.’’

Tôi lấy thuốc hút và uống nước. Ông ta vẫn mặc cái áo đại cán bằng nỉ màu đen, khăn quàng cổ ca rô xanh hồng đen trắng. Cái mũ lưỡi trai bằng nỉ kiểu Liên Xô cũng màu đen luôn luôn trên đầu. Ông ta xoa tay, rồi đặt hai bàn tay vào nhau lên kẹp đựng giấy tờ. Ông ta bắt đầu nói, trong lúc tôi dựa ngửa người lên ghế và duỗi chân ra dưới bàn.

“Chúng tôi đưa anh về đây là để tiếp tục làm việc với anh. Hiện nay quần chúng, cán bộ và Đảng viên ở K65 hết sức bức xúc, để anh ở đó chúng tôi xét thấy không có lợi. Số phận và tương lai của anh bây giờ là do anh quyết định đó. Anh chưa nói hết và thành thật với Đảng. Đây là cơ hội cho anh hối cải. Anh phải nói hết, nói thật, chỉ có cách đó anh mới cứu được anh. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Đảng rất độ lượng, mặc dù anh đã có những thái độ và hành động chống Đảng. Chúng tôi biết anh đang ở trong một tình trạng hết sức căng thẳng. Chúng tôi tạo điều kiện cho anh suy nghĩ thật đúng đắn về những việc làm của anh trước kia. Chúng tôi tin anh sẽ tỉnh ngộ và phải tỉnh ngộ để được hưởng lượng khoan hồng của Đảng.’’

Ông ta nói, nói rất nhiều. Ông nói như giảng nghị quyết. Cách mạng miền Nam đang thắng lớn. Miền Bắc vừa đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đổ hết sức người sức của chi viện cho miền Nam, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình đối với hai nước bạn anh em là Lào và Campuchia. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước mắt nhân dân ta có những khó khăn nhất định, nhưng thuận lợi là cơ bản. Nhân dân tiến bộ khắp hoàn cầu, kể cả nhân dân lao động tiến bộ Mỹ và các nước tư bản, đều đứng về phía chúng ta. Chúng ta có hai nước hậu phương lớn là Liên Xô và Trung Quốc vĩ đại cùng các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đang hết lòng hết sức ủng hộ và giúp đỡ chúng ta. Đảng ta vĩ đại, nhân dân ta anh hùng, chúng ta nhất định thắng. Sự thất bại của đế quốc Mỹ và bè lũ ngụy quyền tay sai là tất yếu và chỉ còn là vấn đề thời gian v.v…

Ông ta nói nữa:

“Những người như anh cách mạng miền Nam đang cần. Tôi tiếc là anh đã phạm những sai lầm quá nghiêm trọng. Nhưng chưa muộn đâu anh Đính ạ. Chúng tôi muốn cứu anh, muốn cho anh trở nên người có ích cho xã hội. Cho nên điều tốt nhất, là anh phải hết sức thành khẩn trong việc khai báo. Anh phải nói hết, nói thật, không nên giấu giếm một việc, một điều gì hết. Anh phải biết rằng hôm ở K65 có những điều anh nói xấu Đảng, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Đảng viên, chúng tôi đã không cho anh chị em biết. Nếu họ nghe được thì chưa biết việc gì sẽ xảy ra như thế nào đối với anh. Riêng tôi, tôi tin rằng con người anh có thể cải tạo được. Anh phải trở thành một con người tốt.’’

Ông ta nói có đến 20 phút, nửa giờ. Ông ta nói lúc nhanh, lúc chậm, lúc như bình thản, lúc dằn giọng. Có khi ông ta đứng dậy bậm môi, có khi ông ta nhìn ra ngoài qua khoảng trên tấm màn che cửa sổ.

“Hằng ngày anh sẽ lên đây làm việc với tôi. Mọi việc sẽ được giải quyết nhanh hay chậm là do anh. Điều mà chúng tôi yêu cầu anh phải nói rõ là về mặt tư tưởng và ý thức, lập trường, anh phải nói hết những suy nghĩ của anh về chế độ, về miền Bắc, về chiến tranh, về Đảng v.v… Thứ hai là những việc làm của anh khi ra miền Bắc. Ai đã giao nhiệm vụ này cho anh, những người đó hiện nay ở đâu, đang làm gì. Công việc của anh đã tiến hành đến đâu, và trong dự định anh sẽ hành động như thế nào? Thứ ba là mối quan hệ của anh trong những ngày ở miền Bắc. Anh giao tiếp với ai, quan hệ với ai? Anh đã tổ chức họ như thế nào v.v.. Tôi sẽ nói cụ thể hơn về những vấn đề này lúc làm việc với anh, bây giờ tôi chỉ gợi ý. Trước hết anh viết cho chúng tôi một bản kiểm điểm. Chúng tôi sẽ căn cứ vào bản kiểm điểm của anh để xem xét thái độ của anh có thành khẩn hay không, có trung thực hay không? Chủ yếu trong bản kiểm điểm này có hai điểm quan trọng mà anh phải trình bày rõ là tư tưởng và hành động của anh. Anh nhớ, tự anh phải đề ra một phương hướng sửa chữa những sai lầm của mình. Hằng ngày tôi sẽ đưa anh lên đây làm việc. Anh cứ viết, bao giờ xong chúng tôi sẽ xem lại và góp ý. Mấy ngày cũng được, để cho anh thư thả và có thì giờ suy nghĩ. Chúng tôi không hạn chế thời gian.’’

Ông ta lấy trong cặp giấy ra đưa cho tôi một xấp giấy kẻ ngang màu vàng.

“Anh có bút rồi chứ? Giấy và mực đây. Buổi trưa, buổi chiều về ăn cơm anh để lại tất cả giấy tờ ở đây. Tôi nhắc lại để anh nhớ. Trong thời gian làm việc với tôi, anh không được đi đâu cả, không được tiếp xúc với bất cứ một người nào. Tôi sẽ đưa anh đến đây và đến giờ ăn tôi sẽ đưa anh về. Anh cần gì cứ báo cho tôi hoặc những đồng chí ở Cục biết. Nếu đau ốm anh đến phòng khám bệnh của Cục, mà ở đây cũng gần Viện E2. Thuốc chữa bệnh anh sẽ được cấp phát đầy đủ.’’

Đến trưa ông ta chở tôi về 11 Hoàng Hoa Thám. 1 giờ 30 chiều ông lại đạp xe về chở tôi lên. Đến chiều, tôi nói với ông:

“Anh để tôi đi bộ cũng được. Đây với đó không xa lắm.’’

Ông ta cắn môi, một lát sau bật miệng:

“Thế cũng được.’’

Nhiều buổi ông ta đi đâu chỉ còn một mình tôi ngồi trong phòng. Tôi cũng không biết dãy nhà một tầng này là cơ quan nào, dùng để làm gì nữa. Có điều chắc chắn là giữa cái nhà câm lặng này và Cục đón tiếp không có một quan hệ công tác nào cả. Suốt thời gian tôi đến đây ít khi tôi thấy người ra vào. Dãy gác này các cửa phòng đều đóng kín. Thỉnh thoảng có một hai người đi ngang qua phòng tôi ngồi. Tôi đoán căn phòng tôi đang ngồi đây là một phòng vừa ở vừa làm việc. Căn phòng này nhỏ, chiều rộng hơn 3 mét. Một cái tủ đứng bằng gỗ tạp và một bức màn vải hoa xanh đỏ đã cũ che không hết phía sau căn phòng. Phía sau không biết dài rộng bao nhiêu, luôn luôn tối, chắc là chỗ ngủ. Khoảng kê bàn để tiếp khách và làm việc rộng khoảng 7 đến 8 mét vuông.

Trong thời gian ở đây, thỉnh thoảng giữa chừng cuộc tra vấn ông ta mời tôi ăn bánh kẹo uống nước trà và nói chuyện, chuyện nói bao giờ cũng như vừa tâm sự vừa khuyên nhủ.

“Tôi tiếc cho anh… những người như anh là nằm trong hướng đào tạo của Đảng…’’

Có khi ông ta trong câu chuyện như tình cờ hỏi thăm về gia đình của tôi, anh em nội ngoại, bà con họ hàng hiện nay ở Huế sống ra sao; từ ngày thoát ly đến nay tôi có liên hệ hoặc gặp gỡ họ đến không, cuộc sống của họ thế nào… Tôi nói hết cho ông ta nghe, và ông ta có lần khi không hỏi:

“Anh thấy Sài Gòn thế nào?’’

Tôi cười:

“Tôi chưa bao giờ vào Sài Gòn.’’

“Thế anh so Huế với Đà Nẵng thì thế nào?’’

“Tôi cũng chưa bao giờ vào Đà Nẵng.’’

Tôi biết ông ta không tin, nhưng hơi sức đâu mà nói thêm nữa. Ông ta ậm ừ gì đó trong miệng, rồi gật gật cái đầu hỏi nữa:

“Anh có bà con anh em gì ở Sài Gòn hay Đà Nẵng không?’’

Tôi cười hứ một cái:

“Không.’’

Ông ta hỏi những câu như thế bao giờ cũng làm như hỏi cho vui để qua thì giờ trong lúc ngồi uống nước. Có lần ông ta nói là ông ta chưa thấy Huế bao giờ và bảo tôi kể sơ qua về Huế cho ông nghe. Tôi biết qua cách kể và nhận xét của tôi về một thành phố địch tạm chiếm ông ta sẽ đánh giá lập trường và quan điểm của tôi. Đang chừng câu chuyện ông ta hỏi:

“Bạn bè của anh có ai làm việc cho địch không?’’

Tôi không cho câu hỏi này là ngây thơ hay tình cờ một chút nào hết. Tôi nói:

“Bạn bè tôi người nào đã đi làm việc đều làm việc cho địch hết.’’

“Thế có ai là sĩ quan ngụy không?’’

“Lính cũng có mà sĩ quan cũng có.’’

“Bây giờ chắc có người đã lên đến cấp tá.’’

“Hiện nay thì tôi không biết. Lúc tôi thoát ly, bạn bè tôi có người đã là trung úy.’’

“Phần đông họ ở binh chủng nào?’’

“Hải lục không quân đều có. Đa số là ở bộ binh.’’

Một ngày hai buổi trong khoảng một tuần ngày nào tôi cũng phải leo lên cái thang gác lộ thiên vào ngồi trong căn phòng này để kiểm điểm với cái ông Thanh này. Khoảng 10 giờ trưa ngày thứ hai, tôi đưa cho ông ta bản kiểm điểm. Ông ta bỏ bản kiểm điểm của tôi vào kẹp giấy.

“Được tôi sẽ góp ý và bổ sung thêm. Bây giờ anh có thể về sớm.’’

Trời vẫn mưa lâm thâm và lạnh. Tôi uống một chén nước cho ấm bụng. Tôi chưa xuống cầu thang vội, tôi đứng tì hai tay lên lan can ở hành lang nhìn qua bên kia đường. Khoảng sân của dãy nhà này rộng, không có cây cối. Bên kia đường là vườn bách thú. Một khoảng đất dốc của núi Nùng thấp thoáng sau các tàng lá. Tôi quàng cái áo mưa lên cổ, bước xuống thang gác. Đường Hoàng Hoa Thám thường ít người và ít xe. Nhà ăn chưa có cơm, tôi quay ra cái quán gần ngõ mua diêm thì gặp anh Doãn Triều:

“Anh Triều, anh đi đâu đó?’’

Anh Triều trong cử chỉ có vẻ vội vã.

“Về chuyện của mi đây.’’

Tôi ngó quanh xem có ai luẩn quẩn không.

“Mầy thiệt là thằng… Bữa trước tao với bà Trai đã bảo mầy về Trại sáng tác B, mầy không chịu. Mầy nghe tao với bà Trai thì đâu có chuyện này xảy ra. Thằng Trác hại mày chớ gì nữa.’’

“Tôi nói thật với anh, tôi muốn trở lại chiến trường. Ra công tác A thì khó vào lại lắm.

“Mầy chẳng hiểu gì cả. Tao với bà Trai đang tìm cách cứu mày đây. Tao muốn nhân cơ hội này xin cho mầy về Trại sáng tác B. Nhưng họ không đồng ý. Họ bảo cần phải theo dõi mầy một thời gian đã. Mầy thấy khổ chưa. Nghe tao bữa trước là hay rồi.’’

“Anh có gặp thằng Ngô, thằng Tình báo cho chúng nó biết chuyện tôi với.’’

“Ở Hội Văn nghệ một số anh em đã biết rồi. Bây giờ tao cũng chưa rõ là họ sẽ đưa mầy đi đâu nữa. Bà Trai và tao sẽ tìm cách cứu mầy. Tao sợ họ đưa mầy đi K3. Mà dám lắm.’’

“Tôi bây giờ khó đi đâu và gặp ai hết.’’

“Tao biết rồi. Cục 78 đang theo sát mầy. Mầy cứ sống bình thường. Trường hợp có chuyện gì mầy cố tìm cách báo cho tao và bà Trai biết.’’

Trước khi chia tay, anh Triều nói:

“Nhớ đừng buồn gì hết. Phải cố sống như thường. Bà Trai gửi cho mi mấy gói thuốc. Tao cũng đem chừng, chưa chắc gặp mi được.’’

Cách đó hơn một hai tháng, anh Triều và chị Trai đã lên K65 nói tôi về công tác ở Trại sáng tác B, mọi thủ tục chuyển tôi đi công tác đã xong. Tôi không đi, tôi muốn vào Nam. Tôi nhớ mẹ tôi quá. Anh em bạn bè còn trong đó. Nếu ra công tác A (tức công tác ở miền Bắc), thì trở vào Nam rất khó. Lúc đó anh Triều có giải thích cho tôi rõ tôi đến công tác ở Trại sáng tác B ở Hà Nội, nhưng vẫn thuộc biên chế cán bộ miền Nam.

Lúc này tôi không hối tiếc gì về việc này. Tự tôi, tôi đã quyết định như thế.

Suốt thời gian tôi bị tra vấn, thỉnh thoảng có một vài người đến dự cuộc. Những người này đều đã có mặt trong cuộc thẩm vấn tôi ở K65, có khi họ đến giữa buổi, có khi họ đến từ đầu. Có người ngồi yên nghe hoặc chỉ ghi chép; có người thình lình trong cuộc đối đáp hỏi chen ngang một câu. Thường những người này đều có thái độ bực tức giận dữ ra mặt. Họ đứng dậy chống tay lên mặt bàn hoặc vừa theo dõi thái độ của tôi, vừa nghếch lên nghếch xuống cái đầu. Giọng lưỡi của họ bao giờ cũng nạt nộ, dọa dẫm.

“Anh nói không thành thật.’’

“Anh còn giấu chúng tôi nhiều điều.’’

“Không được đâu anh Đính. Anh nên nhớ anh là người có tội. Anh còn trẻ, anh phải nghĩ đến tương lai của mình. Đảng không bỏ anh đâu, Đảng sẽ khoan hồng, nhưng anh không được giấu Đảng. Đảng biết hết rồi.’’

“Anh là ai? Anh hãy nói thật đi!’’

“Anh đã làm gì cho địch?’’

“Chúng tôi biết hết, anh không qua mặt được chúng tôi đâu.’’

Rồi họ lấy những tấm ảnh chụp nhật ký của tôi, những ghi chép mà họ đã tịch thu của tôi ra, cứ theo cái đà đó, hạch sách, dọa nạt tôi. Thường họ hay kéo nhau ra ngoài hội ý to nhỏ với nhau, rồi sau đó đi vào phòng họ bảo nhau: “Cứ thế… cứ thế… ừ ừ… cứ thế…”

Ông Lai kẻ chủ chòm cuộc tra vấn tôi thường đến dự cuộc. Một hôm ông ta đưa cho tôi mấy tờ giấy có chữ đánh máy bảo tôi đọc. Đó là một bài thơ, không ghi tên tác giả, nhan đề là “Cảnh tượng”. Tôi chỉ nhớ đại ý man mán: vào một ngày mùa hè nóng dữ dội, một chàng thi sĩ bước vào một vườn hoa, có một bông hoa đỏ rực. Thi sĩ đi khỏi vườn hoa và lạc vào một khu vườn hoang, ở đó có một cây ngọc lan đang ra hoa, nhưng tầm gởi và gai gốc bám đầy. Một con cú quàng khăn đỏ đang đậu trên cành. Thi sĩ đang bàng hoàng thì một con mèo đen ở đâu đó xuất hiện. Thi sĩ hoảng hốt bỏ chạy…

Ông Lai hỏi tôi

“Anh biết tác giả bài thơ này chứ?’’

“Tôi không biết.’’

“Anh thấy bài thơ này thế nào?’’

“Đó là một bài tả cảnh.’’

Và ông ta không hỏi gì thêm nữa. Có thể họ tin tôi không biết người làm ra bài thơ này thật. Bài thơ này của Nguyễn Hữu Ngô dán trên báo tường ở Đài Giải phóng (58 Quán Sứ, Hà Nội). Bài này tôi đã đọc lâu rồi.

Khi tra vấn tôi trong bản kiểm điểm, đến mục quan hệ bạn bè, ông Thanh hỏi:

“Anh có bạn bè ở Hà Nội không?’’

Tôi nói có.

“Đó là những ai.’’

“Hồ Thanh [1] , Nguyễn Hữu Ngô.’’

“Họ là người thế nào?’’

“Bạn cũ của tôi ở Huế.’’

“Có phải bạn thân không?’’

“Bạn thân.’’

“Bây giờ họ đang làm gì?’’

“Công tác tại Đài Giải phóng.’’

“Anh có hay đến Đài Giải phóng không?’’

“Có.’’

“Tư tưởng của những người đó như thế nào?’’

“Tôi không biết.’’

“Bạn bè thân với nhau mà anh lại nói không biết.’’

“Làm sao tôi biết hết họ được.’’

“Thế anh thường trao đổi với họ về những điều mà anh đã viết trong nhật ký không? Cụ thể là thế này, có khi nào anh trao đổi với anh Ngô, anh Thanh và những người khác nữa những suy nghĩ của anh về miền Bắc, về chế độ xã hội chủ nghĩa, về Đảng, về chiến tranh vân vân… Và ý kiến của họ như thế nào? Họ có đồng ý với anh không?’’

Tôi nói ngay:

“Chúng tôi lâu lâu mới gặp nhau và mỗi lần gặp nhau thường nói đủ thứ chuyện. Tất nhiên trong câu chuyện thường cũng hay nói đến những suy nghĩ của mình về miền Bắc, về chủ nghĩa xã hội, về Đảng… và việc đồng ý hoặc không đồng ý với nhau về một điểm nào đó là chuyện thường.’’

“Thí dụ họ đã đồng ý với anh về những điều gì?’’

“Làm sao tôi nhớ hết được.’’

Vẻ bực tức và giận dữ của ông Lai lộ ra ngay trong cử chỉ và thái độ. Ông ta hứ một tiếng. Đến nước này tôi chẳng cần phải giữ ý tứ gì nữa. Mặc kệ, họ muốn làm gì tôi thì làm.

Buổi chiều ngày tôi nộp bản kiểm điểm, tôi lên lại căn phòng này. Lúc đó, ông Thanh vừa mới ngủ dậy. Ông bảo tôi rót nước pha chè uống. Ông lấy mấy tờ Nhân dân, Quân đội Nhân dân để giữa bàn, rồi bảo tôi ông đi có việc một lát sẽ trở về.

Tiếng mở khóa xe đạp nghe cách một cái, ông ta vác xe xuống thang gác. Giữa chừng thang gác phần lộ thiên một cô gái bước lên. Ông ta dừng lại nói gì với cô ta rồi đi xuống. Ông ta đạp xe về ngã Ba Đình. Tôi nghe tiếng dép nhựa lóc cóc trên thang gác, rồi lẹt xẹt ngoài hành lang. Cửa phòng vẫn mở. Cô gái ngó vào như tình cờ. Thỉnh thoảng cô lại đi ngang qua phòng tôi ngồi, khi cầm tờ báo, khi xách phích nước. Tôi cầm mấy tờ báo lật qua lật lại. Dãy nhà này không biết dùng để làm gì mà yên tĩnh thật. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng người nói ở tầng trệt. Cũng không thấy xe cộ ra vào. Không thấy bóng trẻ con. Tôi hút thuốc, uống nước. Có lẽ ông Thanh này chưa bao giờ vào chiến trường. Ông ta tập kết ra Bắc rồi làm việc luôn từ đó đến nay. Chắc ông ta ở ban bảo vệ Đảng của Ban Thống nhất Trung ương. Còn căn phòng này, có lẽ ông ta mượn để làm việc với tôi. Ngoài ông ta ra, không bao giờ tôi thấy một người nào ở trong phòng này. Tôi nhìn lên bức tường trước mặt. Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng khoác áo đưa tay chào, phía dưới là những ảnh màu chụp người, nhà cửa, xe cộ cắt từ báo ảnh Liên Xô. Anh Triều có nói người ta dám đưa tôi đi K3 lắm. K3 là trại cải tạo những phần tử xấu, phản động ở Quảng Bình. Tôi cũng chỉ nghe nói thế, nhưng không biết cái K3 này như thế nào? Hồi mới ra Hà Nội, tôi gặp thằng Ngô, thằng Tình, Út (Ý Nhi) đang đứng trước veranda [2] của Đài Giải phóng ở 58 Quán Sứ, tôi nói với thằng Ngô: “Rứa mà tụi hắn đồn mi bị đưa ra Bắc là để đi cải tạo ở K3 Quảng Bình”. Thằng Ngô đẩy cái kính cận thị sát mắt: “Thiệt hả mi? Tụi hắn đồn rứa hả mi?”, rồi hắn ngửa mặt lên trời cười ha ha rất sướng.

Một tiếng đồng hồ sau, ông mà tôi tạm gọi là Thanh này trở lại. Ông ta dắt xe lên thang gác, dựng xe vào lan can ngay trước cửa, khóa lại, cầm túi xách, đi thẳng vào sau phòng. Ông ta trở ra một tay cầm một cặp giấy, một tay xách cái bót da màu đen. Ông ta để cặp sau lưng ghế, rồi lật cặp giấy, rút bản kiểm điểm của tôi ra để lên bàn.

“Tôi đã đọc bản kiểm điểm của anh rồi. Anh đã viết theo dàn bài mà tôi gợi ý. Nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều chỗ cần phải viết lại. Tôi đã nói với anh nhiều lần, chúng tôi muốn cứu anh. Chúng tôi đã tạo điều kiện cho anh thấy rõ những sai lầm của mình để có phương hướng sửa chữa. Anh nên hiểu rằng đối với những trường hợp như anh thường người ta có ngay biện pháp xử lý. Và, chúng tôi chỉ cần thực hiện ý kiến của tập thể anh chị em ở K65 đối với anh là đủ. Nhưng chúng tôi không làm như thế. Chúng tôi tin con người anh có thể cải tạo được. Anh sẽ trở nên một người có ích mà cách mạng miền Nam đang cần.’’

Ông ta đưa bản kiểm điểm cho tôi và nói tiếp:

“Anh viết còn thiếu nhiều lắm. Anh chưa thật sự thành khẩn và không cụ thể.’’

Ông ta bảo tôi đọc bản kiểm điểm. Trong bản kiểm điểm của tôi, nhiều chỗ bên lề và phần giấy còn lại có những chữ ghi chú nhằm sửa sai tôi của ông ta.

Bản kiểm điểm của tôi có ba phần: A- Tóm tắt lý lịch; B- Phần kiểm điểm; C- Phương hướng sửa chữa. Tôi ghi lại dưới đây bản kiểm điểm của tôi (bản thảo) đã được ông Thanh này góp ý sửa chữa nhiều lần.

A- Tóm tắt lý lịch.

Họ và tên: Nguyễn Đính, tên riêng: Nhân.

Làm thơ lấy tên Trần vàng Sao.

Sinh ngày ………….. tại ……………

B- Phần kiểm điểm.

Sau khi đã được các đồng chí ở Cục đón tiếp cán bộ B [3] và tập thể K65 góp ý kiến và phân tích, tôi đã nhận thấy rõ những sai phạm về ý thức, tư tưởng có tính phản động của mình, tôi tự kiểm điểm mình như sau:

Bằng nhật ký, những ghi chép khi đọc sách, thư từ và thơ văn, tôi đã biểu lộ những tư tưởng và suy nghĩ [4] chống Đảng, nói xấu các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương, xúc phạm lãnh tụ, mạt sát các Đảng viên, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhận thức sai lầm về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay; khinh miệt giới văn nghệ sĩ và tri thức miền Bắc.

1) Đối với chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

- Về chuyên chính vô sản.

Một thắc mắc đã có trong đầu óc tôi khi ở miền Bắc là những điều đã nói trong kinh điển về chuyên chính vô sản và sự thực thi chuyên chính vô sản ở miền Bắc là hoàn toàn trái nghịch nhau. Chuyên chính vô sản và sự lãnh đạo của Đảng không phải là một. Staline khi đấu tranh chống lại bọn cơ hội trong Đảng đã xác định rõ (về mặt lý thuyết) rằng: Nếu như Lénine có lần nói “chuyên chính của Đảng” là muốn nói Đảng không chia quyền lãnh đạo với một phe phái nào khác, vì chuyên chính vô sản là chuyên chính của giai cấp vô sản đối với các giai cấp phản động chống đối cách mạng. Còn nếu “Đảng chuyên chính” thì chuyên chính với ai, không lẽ lại chuyên chính với giai cấp đang nắm chính quyền là giai cấp vô sản. Staline đã xác định điều đó là sai lầm, không thể coi sự lãnh đạo của Đảng và chuyên chính vô sản là một (xin xem Staline toàn tập, tập 6) [5] .

Khi ở miền Bắc, tôi có cảm nghĩ là miền Bắc đã vi phạm nguyên tắc kinh điển đó. Tôi cho là Đảng đã với tay quá dài ra khỏi quyền lãnh đạo của mình để xâm phạm vào quyền chuyên chính của giai cấp vô sản. Ở các Đảng bộ cơ sở, tôi cảm thấy hình như cách làm việc có tính quan liêu, mệnh lệnh của những đồng chí lãnh đạo đã thể hiện sự vi phạm nguyên tắc đó. Quyền hạn của chi bộ, Đảng bộ to quá, lấn áp cả quyền hành chính. Quần chúng muốn được tiếng là tiến bộ thì không dám phê bình thẳng Đảng viên, cấp ủy. Như thế, tôi kết luận, ở miền Bắc chỉ có chuyên chính của Đảng, chứ không phải là chuyên chính của giai cấp vô sản. Và chuyên chính của Đảng đó thực chất là chuyên chính của Trung ương. Giai cấp vô sản, rõ ra là chuyên chính của giai cấp này, không có thực quyền.

- Về kinh tế.

Tôi cho rằng miền Bắc khó có thể tái sản xuất mở rộng được. Khu vực sản xuất tư liệu sản xuất và khu vực sản xuất tư liệu tiêu dùng bị mất cân đối trầm trọng. Vừa tích lũy vốn dành cho khu vực trên, vừa phải dành cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, lại thêm đất nước có chiến tranh, đó là một vấn đề nan giải. Trong lúc đó, bất cứ một quan hệ nào giữa người dân với người dân cũng đều được gọi là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa [6] . Tôi nghĩ rằng muốn có một quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trước hết phải có hai điều kiện cần và đủ là, một là lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa, hai là khối lượng vật chất tiêu dùng của nhân dân phải có tính xã hội chủ nghĩa. Không có đủ hai điều kiện đó thì mọi quan hệ trong xã hội gọi là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đều là ảo tưởng. Miền Bắc chưa có hai điều kiện đó. Ăn mặc thiếu thốn, làm ăn bỏ công bỏ việc mà cứ nói quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tôi cho như thế là chúng ta đã quá chú trọng về phía trước mà bỏ quên hiện tại chúng ta đang có nhiều thiếu thốn khó khăn. Và tôi nghĩ rằng tình trạng trộm cắp, gian thương, những cách làm ăn bê bối trong các cửa hàng mậu dịch, hợp tác xã buôn bán, ăn uống… do đó mà ra cả.

Tôi cho là nhân dân thì thiếu thốn, kẻ giàu người nghèo trong xã hội còn nhiều, người có nhiều thịt, kẻ không có thịt mà ăn như thế là không bình đẳng. Còn lâu nhân dân mới thấy chủ nghĩa xã hội thật sự.

- Về văn học”nghệ thuật.

Tôi có thái độ bất kính đối với một số người làm công tác văn học nghệ thuật ở miền Bắc. Tôi cho họ có tài, nhưng không dám suy nghĩ độc lập, viết lách theo chỉ thị nghị quyết của Đảng; viết một điều gì sợ mất lập trường hoặc không đủ luận cứ để trình bày thì họ lại trích dẫn nghị quyết, lời của các đồng chí lãnh đạo. Như thế là họ nịnh lãnh đạo, làm việc miễn cưỡng, thiếu tự do. Họ có tiếng mà không có miếng. Tôi nghĩ rằng từ cân thịt, lạng đường họ được phân phối thì cái kiến thức của họ cũng căn cứ vào đó, lấy đó làm cơ sở, mà phân phối. Tôi thắc mắc vì sao trí thức miền Bắc được Đảng và Chính phủ đào tạo bao nhiêu năm nay lại không viết được một quyển sách nào về kinh tế, chính trị hoặc nghiên cứu về triết học khả dĩ có giá trị mà tất cả đều do các đồng chí ở Trung ương. Viết về Bác Hồ cũng chỉ có đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Tố Hữu… Cả cái kho tàng lý luận Marx – Lénine đồ sộ như thế mà các nhà nghiên cứu đã có cuốn sách nào cống hiến cho nền lý luận chủ nghĩa Marx-Lénine ở Việt Nam chưa, hay rồi cũng chỉ có Bác Hồ, các đồng chí ở Trung ương, như cuốn Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng… của đồng chí Lê Duẩn. Tôi mất tin tưởng ở một số người làm văn nghệ và trí thức ở miền Bắc là vì thế. Do đó mà tôi đã nói:

“Nếu không có tài đánh giặc thì miền Bắc chỉ là một vũng nước bùn lộn cứt”.

Một số cuốn sách và bài báo viết về văn học phản động ở bên Tây hay ở vùng địch tạm chiếm đã làm cho tôi ít tin tưởng ở sự hiểu biết của các tác giả về loại văn học này. Tôi cho họ chưa đủ sức để đối đầu với địch về phương diện này. Tôi nghĩ có chính nghĩa chưa đủ, cần phải có kiến thức. Về hạn chế sinh đẻ, tôi cho đó là tàn nhẫn. Tôi ghê tởm chuyện nạo thai. Hạn chế sinh đẻ, tôi nghĩ, chẳng qua là một cách giải quyết sự thiếu thốn, khó khăn về nhân khẩu.

Đó là những suy nghĩ và tư tưởng hết sức sai lầm và phản động của tôi. Những điều tôi hiểu trong sách vở chưa thấu đáo, sự liên hệ thực tế của tôi lại có tính cách xuyên tạc, hơn nữa lại hết sức mơ hồ và bản thân tôi không tìm ra một chứng cứ cụ thể. Tôi biết một mà chưa biết hai. Tôi chưa hiểu rõ về sự lãnh đạo của Đảng. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” [7] .

Đối với xã hội miền Bắc, tôi không hiểu hết những đặc điểm của nó. Tôi chỉ thấy khó khăn mà không thấy thuận lợi. Thấy một vài hiện tượng ở bên ngoài xã hội tôi đã vội vàng kết luận đó là thực chất của xã hội. Do đó, trong ghi chép, nhật ký, thơ văn của tôi, tôi chỉ nêu lên những khó khăn, đau đớn, thiếu thốn trong xã hội, mà không nêu hết cái tốt, cái ưu việt của xã hội. Những sai lầm đó đã dẫn tôi đến sự mất tin tưởng, bất mãn với chế độ [8] . Từ đó, cái gì thật sự là tốt đẹp tôi cũng nói là xấu như vấn đề hạn chế sinh đẻ chẳng hạn.

Cái óc tiểu tư sản vẫn chưa được gột rửa hết những tư tưởng phản động tiêm nhiễm trong những năm tôi sống trong vùng địch còn sót lại, thêm vào, đó là tính tự cao tự đại của tôi, đã làm cho tôi có thái độ khinh miệt một số người làm văn nghệ và tri thức ở miền Bắc và khen bọn Trần Dần, Phùng Quán. Từ đó tôi có tư tưởng chống lại đường lối văn nghệ của Đảng. Tôi cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tố Hữu… không phải là những chân lý sống của nghệ thuật. Con người ta có hạn, nghệ thuật thì lâu dài, không thể căn cứ vào những lời nói của các đồng chí lãnh đạo để làm bằng cứ cho chân lý của nghệ thuật được.

2) Đối với sự lãnh đạo của Đảng

Từ những suy nghĩ về chuyên chính vô sản và nền kinh tế của miền Bắc, tôi đã có thái độ không tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng.

Tôi cho rằng tất cả những tệ nạn xã hội hiện nay Trung ương đều biết, nhưng Trung ương bất lực không giải quyết nổi. Tôi nghĩ rằng Trung ương Đảng chỉ có tài lãnh đạo đánh giặc chứ không có kinh nghiệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là về kinh tế.

Tôi cho rằng trong cuộc cách mạng của ta, ta chủ trương xóa bỏ giai cấp, nhưng trong xã hội lại hình thành một giai cấp mới, đó là giai cấp lãnh đạo mà Trung ương là đứng đầu. Giai cấp lãnh đạo này có nhiều đường, nhiều thịt sống trên lưng trên cổ nhân dân, ra chỉ thị, nghị quyết cho những thằng ở dưới.

Từ chống đối, bất mãn đó có khi tôi đã nói xấu các đồng chí lãnh đạo. Tôi gọi Tố Hữu, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng là những tên và trong bài thơ Sân Khấu II tôi đã xúc phạm lãnh tụ [9] .

Đối với các Đảng viên có lần tôi đã chê bai và mạt sát thậm tệ. Tôi đã dùng những lời lẽ hết sức vô lễ, hết sức bẩn thỉu như cái chổi quét nhà, ăn máu tanh đàn bà, cuồng tín để nói về họ. Tôi đã cho Đảng đã thành công trong việc biến những Đảng viên thành những đinh ốc, bù loong.

Suy nghĩ như thế, tôi căm tức, tôi cho Trung ương Đảng không biết hết những cực khổ, nhọc nhằn của nhân dân. Tôi muốn nhân dân phải biểu tình, viết báo chữ to tố cáo những kẻ ngồi trên sung sướng để nhân dân phải cực khổ, nói rõ những nguyện vọng của mình và nổ súng vào bọn đầu trâu mặt ngựa.

Những tư tưởng của tôi về sự lãnh đạo của Đảng hết sức phản động. Tôi đã tỏ thái độ căm tức hết sức điên cuồng, không lối thoát. Tôi đã quên mất rằng, chúng ta đang đánh Mỹ, bất cứ một hành động, một suy nghĩ nào có phương hại đến chế độ, đến uy tín của Đảng kẻ thù đều muốn lợi dụng.

Cuốn La nouvelle classe dirigeante của M. Djilas [10] (một tên xét lại phản động đã từng làm bộ trưởng ngoại giao Nam Tư) mà tôi đã biết hồi còn ở trong vùng địch đã làm cho tôi có suy nghĩ sai về Đảng là “một giai cấp lãnh đạo mới”. Sai lầm của một số Đảng viên đã làm cho tôi hiểu sai không đúng đắn về Đảng viên của Đảng. Những lúc suy nghĩ như thế tôi đã quên mất trong bất cứ một cuộc đấu tranh chống xâm lược hoặc trên một lĩnh vực nào, Đảng viên là những người đi trước hơn tất cả, là những người đã hy sinh nhiều hơn tất cả.

Tôi thắc mắc về những va chạm trong đường lối của các Đảng anh em trong phong trào cộng sản quốc tế. Mỗi Đảng đều có một sách lược riêng, một chiến lược riêng. Ai đúng? Ai sai? Nhưng chính tôi, tôi cũng rất hãnh diện về Đảng ta đã có một đường lối độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào một Đảng nào khác. Chính nhiều khi tôi cũng đã nghĩ con đường từ Mạc Tư Khoa sang Bắc Kinh phải qua Hà Nội.

Thực tiễn của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay phải làm cho tôi hiểu rõ điều đó. Nước ta là nước Việt Nam, Đảng ta là Đảng Lao động Việt Nam, người sáng lập và đứng đầu là Hồ Chủ Tịch, ta có đường lối của ta. Cái tinh túy của chủ nghĩa Marx – Lénine là ở trong cách mạng Việt Nam, được áp dụng một cách sống động và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

3) Đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Tôi đã mất bình tĩnh trước sự kéo dài của chiến tranh. Tôi tin tưởng nhất định ta sẽ thắng, nhưng nhân dân ta sẽ chết rất nhiều. Tôi bị ám ảnh bởi sự chết chóc của chiến tranh gây ra. Cuộc đánh nhau ở Nam Lào đã dằn vặt ý thức tôi. Nam Lào, tôi nghĩ nơi thí điểm của chiến lược Việt Nam hóa của Nixon. Hắn gieo gió ở đó, và những người Việt Nam phải gặt bão, phải chết ở đó.

Tôi đã có những tư tưởng căm thù và ghê tởm chiến tranh như thế. Tôi đã lên án tất cả các cuộc chiến tranh, không phân biệt chiến tranh phi nghĩa và chính nghĩa. Và tôi đả đảo chiến tranh.

Với những ý nghĩ đó ngay trong bản thân tôi, tôi đã thủ tiêu sự đấu tranh rồi. Tôi đã quên mất rằng chính sự chết chóc, tàn phá, nô lệ, tù đày là do đế quốc gây ra. Muốn chấm dứt chết chóc và tàn phá thì phải đuổi bọn xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi nước ta. Muốn thế thì phải cầm súng để ngăn chặn chiến tranh phi nghĩa. Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu làm nô lệ. Không gì quý hơn độc lập, tự do.

4) Về quan hệ

Tôi đã trao đổi những thắc mắc, suy nghĩ của tôi để mong có sự đồng tình với một số bạn bè hoặc mới quen khi ra Bắc hoặc đã quen từ trước trong chiến trường. Và cũng đã có một số bạn bè như Nguyễn Hữu Ngô, Bùi Đức Mẫn đã có một vài điểm đồng tình với tôi. Nguyễn Hữu Ngô đồng ý với tôi về cái nhìn của tôi về chiến tranh và về sự bất lực của lãnh đạo trước một vài tình trạng xấu của xã hội. Mẫn đồng ý với tôi về nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong xã hội.

Trong quan hệ với bạn bè như thế, tôi đã gây ảnh hưởng xấu cho họ. Tôi đã sai trái còn làm cho họ sai trái theo tôi.

C- Phương hướng sửa chữa

  1. Bằng thực tiễn lao động để tự cải tạo mình [11]
  2. Phải tìm hiểu những cái hay cái đẹp của xã hội ta để cải tạo nhận thức
  3. Học hỏi ở các đồng chí chung quanh [12]
  4. Đọc sách phải đúng đắn và nghiêm túc hơn nữa. Học tập chủ nghĩa Marx – Lénine để cải tạo tư tưởng mình.
Nói thật, tôi mệt mỏi và chán lắm rồi, tôi viết cho qua. Suốt ba bốn ngày, ông Thanh này xoay tôi từng chữ, từng câu, từng ý, gạch bỏ, thêm bớt, và làm cái việc gọi là gợi ý cho tôi thêm nhiều đoạn nữa.

Tôi viết lại bản kiểm điểm, thêm vào những điểm bổ sung, rồi nộp cho ông Thanh. Ông ta bảo tôi đọc cho ông ta nghe. Tôi đọc và không cần để ý đến thái độ của ông ta. Thỉnh thoảng ông ta ngắt tôi và góp ý thêm bớt. Ngay ở đoạn đầu phần kiểm điểm: “Từ ngày ra Bắc, bằng nhật ký, những ghi chép khi đọc sách, thư từ và thơ văn, tôi đã biểu lộ những tư tưởng và suy nghĩ chống Đảng…”, ông ta lắc đầu nói to:

“Tôi đã ghi chú ở ngoài lề là anh phải ghi thêm hai chữ “hành động” vào, “biểu lộ những tư tưởng, suy nghĩ và hành động” nữa chứ.’’

Tôi nói liền:

“Tôi chỉ có tư tưởng, lập trường chống Đảng, chứ không có hành động chống Đảng.’’

Tôi nhất định không làm theo ông ta.

Ông Thanh nói:

“Bản kiểm điểm của anh vẫn chưa đầy đủ. Những điều anh đã nói thì anh không nói hết, và còn nhiều vấn đề anh chưa nói. Sự thành khẩn của anh chỉ có mức độ. Chúng tôi chấp nhận ngang đó đã. Không phải anh kiểm điểm như thế là hết đâu. Đó mới chỉ là một bước. Và anh còn tiếp tục làm việc với chúng tôi.’’

Có người đứng ngoài hành lang. Ông ta đứng dậy đi ra. Hai người to nhỏ một lúc. Ông kia nghiêng đầu nhìn tôi, rồi đi xuống cầu thang. Ông Thanh trở vào:

“Chiều nay anh tạm nghỉ cái đã. Tôi cũng thông cảm cho anh, kể ra anh cũng căng thẳng. Sáng mai tám giờ anh lại đến gặp tôi.’’

Tôi nói:

“Bây giờ còn sớm, anh cho tôi đi ra mua ít tờ báo.’’

“Được, anh cứ đi, nhưng không được gặp bất cứ một người nào và không được nói chuyện của anh cho họ biết. Kể từ nay, những ngày ở đây, anh đi đâu, làm gì, quan hệ với ai đều phải báo cho chúng tôi biết. Tốt hơn hết là anh không nên giao thiệp với bất cứ người nào ở Hà Nội. Chúng tôi luôn luôn theo dõi sát những hành động và việc làm của anh. Tôi nói thẳng cho biết. Bây giờ anh cứ đi.’’

Tôi vừa bước ra khỏi phòng, ông ta nói theo:

“Anh nhận đầy đủ các tiêu chuẩn và sinh hoạt phí rồi chứ?’’

Tôi nói rồi, rồi xuống cầu thang. Trời tạnh, nhưng còn lạnh.

© 2005 talawas



[1]tức Hồ Tính Tình
[2]hiên nhà (BT)
[3]họ là công an, ban bảo vệ Đảng, Cục 78… tôi cũng chỉ được và phải viết, như họ đã tự xưng, Cục đón tiếp cán bộ B
[4]ông Thanh gạch dưới hai chữ suy nghĩ và ghi ngoài lề: hành động
[5]ngoài lề đoạn này có ghi chú của ông Thanh: “từ đó mà đã chống đối thế nào, nay nhận thấy sai lầm, vì sao, phân tích”.
[6]Ghi chú bên lề của ông Thanh: “từ đó đã xuyên tạc, chống đối ra sao, nay thấy sai lầm chỗ nào, phân tích”.
[7]ông Thanh đánh dấu x ở đây và bảo tôi: “anh viết thế này chưa đủ và thiếu thành khẩn”.
[8]Hai chữ bất mãn là do ông Thanh bảo tôi thêm vào
[9]Ông Thanh ghi: ai? Nêu rõ; và ở ngoài lề: còn kết tội và đả đảo, treo cổ và bắn, xem là kẻ thù như thế nào? Tôi có nói với ông Thanh thế này: hôm ở K65 tôi đã có nói cho các anh biết ý của tôi là thế này: hễ mỗi lần những nhà nghiên cứu, phê bình văn học lúng túng, tìm không ra lối thoát khi bình giải thì lại trích dẫn ra những tên Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… làm bằng cứ và bùa phép… Tên ở đây có nghĩa là tên tuổi. Ông ta không chịu. Ông ta chỉ nói một cách đơn giản: Anh phải viết theo sự góp ý của tôi
[10]Milovan Djilas (1911-1995) Lãnh tụ chính trị và nhà văn Nam Tư. Cuốn Giai cấp mới đã đăng trong Tủ sách talawas (BT).
[11]ông Thanh ghi thêm: cụ thể?
[12]ông Thanh ghi: học sao?