trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
21.9.2004
Hà Nhân Văn L.L.H
Cái tâm có lãi bằng ba cái tài
 1   2   3   4   5   6 
 
3. Hãy cho tôi một nỗi sợ, tôi có thể làm sự sống ngừng lại

FDM: Vậy nhờ đâu mà người Việt có tính khiêm tốn vậy?

GÐK: Ðó là nhờ ngay từ trong gia đình, trẻ em Việt Nam đã được giáo dục tính vâng lời và tinh thần biết sợ. Hồi bé, tôi mà không làm bài tập là bị đánh đòn. Bây giờ mà con tôi không chịu tập đàn piano là tôi cũng không cho ăn cơm. Nghĩa là đứa trẻ làm một việc gì là vì sợ bị phạt, chứ không phải vì nó cho là đúng, vì nó thích, hoặc vì để được thưởng. Ðộng lực cho hành động của chúng chính là tinh thần biết sợ. Khi đứa trẻ làm điều gì xấu, như nói dối hoặc ăn cắp, thì chúng tôi thường mắng: “mày to gan thật, dám làm cái trò đó”... Nó sẽ hiểu “to gan” và “dám làm” (mà có kẻ gọi văn vẻ là tính can đảm) là cái gì đó rất xấu xa, sai trái, hư hỏng, không đạo đức. Do đó càng “bé gan”, ”biết sợ” hay “không dám làm” là càng ngoan, càng đạo đức tốt.

FDM: Ồ, Ðây là lần đầu tiên tôi được biết tới ưu điểm của sự sợ hãi. Quả là kỳ lạ.

NVH: Biết sợ là một phẩm chất đáng quý, giúp cho người Việt tránh không làm những gì nguy hiểm, nhiều rủi ro, như thay đổi hiện trạng chẳng hạn. Chỉ những ai được giáo dục cái Tâm tốt mới có khả năng sợ hãi. Những đứa trẻ thiếu giáo dục thường lì lợm, không biết sợ là gì, không biết điều hay lẽ phải, lớn lên chỉ đi buôn được thôi, không thể làm quan được.

FDM: Giá mà Bin Laden cũng được giáo dục cái Tâm thì có lẽ bao nhiêu người vô tội đã thoát chết rồi nhỉ?

NVH: Ðúng đấy. Có thể hắn sẽ yêu thương con người hơn và thôi không dùng bạo lực nữa để khủng bố nữa.

FDM: Không phải vậy. Mà khi ấy hắn sẽ có thừa tinh thần biết sợ nên không dám liều mạng lao máy bay vào tòa nhà WTC nữa chứ. Cũng vậy, nếu truyền bá cái Tâm ra khắp thế giới, chắc chắn tỷ lệ tội phạm trên toàn cầu sẽ giảm vì sẽ có thêm nhiều người không dám phạm tội. Cái Tâm quả là một phương tiện tuyệt vời để phòng ngừa tội phạm, vừa giáo dục tránh thói hơn người gây thương tích, vừa giáo dục tinh thần biết sợ.

GÐK: Tinh thần biết sợ còn tạo nên những công dân mẫu mực, đáng kính. Có ba mẫu người được quý mến và kính trọng nhất trong xã hội Việt Nam: thứ nhất là những người cao tuổi; thứ hai, như cô đã biết, là những người khiêm tốn, tức là luôn thua kém mình; thứ ba là những người không làm điều gì sai trái, sai phạm: không trộm cắp giết người, không trai trên gái dưới, không đa nguyên đa đảng. Mà càng làm việc lắm thì càng sai trái nhiều. Vậy, không làm gì cả là an toàn nhất, không thể có chuyện sai phạm hay mất định hướng được, đảm bảo giữ vững ổn định. Thứ chứa đựng nhiều nguy cơ sai phạm nhất mà người Việt luôn tìm cách tránh chính là làm việc. Chỉ có một tinh thần biết sợ cao độ mới giúp người Việt tránh hoặc hạn chế tối đa sa vào làm việc, giảm thiểu sai phạm.

FDM: Ồ, nếu tinh thần biết sợ đã ngấm vào máu, vào tận từng tế bào thì người Việt tha hồ sống lâu vì các tế bào được giáo dục sẽ hạn chế tối đa hoạt động để tránh mắc sai phạm, làm giảm thiểu quá trình trao đổi chất và làm chậm quá trình lão hóa lại. Không những thế, người Việt còn không bao giờ lo bị ung thư cả, vì tế bào ung thư (nếu có) cũng sẽ biết tội “to gan” của mình nên sẽ sửa sai bằng cách nằm im không hoạt động để tránh tái sai phạm, không thể biến chứng thành u ác tính được. Thảo nào nguời Việt trẻ lâu.

GÐK: Cô thấy đấy, trông tôi như mới chỉ ngoài 30. Nhưng tôi đã hơn 40 rồi đấy. Chính nhờ tránh làm việc mà nhiều người Việt chúng tôi sống cả đời bảy tám chục năm mà vẫn như chỉ sống vài chục năm thôi.

FDM: Nhưng tôi thấy nhịn làm việc là một việc rất khó, chẳng khác gì nhịn thở. Như tôi chẳng hạn, chỉ cần không làm gì trong 15 phút là đã không thể chịu nổi. Vậy có bí quyết gì chăng?


4. Nhịn làm việc: một biệt tài của người Việt

GÐK: Ðây lại là một kho bí quyết độc đáo nữa của người Việt chúng tôi. Cô biết không, nhờ kho bí quyết ấy mà chúng tôi có những bậc cao thủ có thể nhịn làm việc cả đời vẫn không sao. Chính nhờ nhịn làm việc mà họ không những tránh được sai phạm, mà còn tránh được những thất bại mà bất kỳ kẻ thành đạt nào cũng phải trải qua. Nhờ vậy, họ trở thành những bậc thánh nhân để toàn thể người cùng Việt tôn kính, là những tấm gương sáng để noi theo.

FDM: Ồ, Việt Nam đúng là xứ sở của thánh nhân. Không những các bạn có thể đem thánh nhân đi xuất khẩu mà còn là một nơi lý tưởng để thực hành đạo “vô vi” của Lão tử, một trung tâm đạo đức của thế giới được đấy. Quả là một thiên đường giữa trần thế. Nhưng anh vẫn chưa nói bí quyết để nhịn làm việc là gì?

GÐK: Cô cứ bình tĩnh. Có rất nhiều bí quyết. Thứ nhất, muốn nhịn làm việc để khỏi mắc sai phạm thì tốt nhất là phải tập trung tư tưởng, để làm sao phát biểu ý kiến thật đúng đắn. Có như vậy mới không bị mất phương hướng để sa vào hành động, dẫn tới sai phạm. Phát biểu ý kiến thì đã có sách hoặc chỉ đạo từ trên rồi, nếu đã quán triệt thì không thể phát biểu sai được. Nhờ dành sức lực cho phát biểu ý kiến như vậy mà hầu hết các cán bộ, công chức chúng tôi không bao giờ bị sa vào hành động cả. Nhờ đó mới có được sự ổn định không thể tin nổi như hiện nay.

FDM: Nhưng nếu đã dành sức cho việc phát biểu ý kiến rồi mà vẫn còn thừa thời gian thì làm thế nào?

GÐK: Nếu phát biểu ý kiến chính thức trên hội nghị hội thảo, báo chí, truyền hình rồi mà vẫn còn thừa thời gian thì chúng tôi chuyển sang phục vụ hệ thống truyền thông nhân dân.

FDM: Truyền thông nhân dân có phải là hệ thống đã từng phục vụ trong chiến tranh nhân dân để đánh thắng đế quốc Mỹ?

GÐK: Không phải. Truyền thông nhân dân là một hoạt động thông tin tình nguyện không theo yêu cầu của ai cả, do quần chúng tự giác lập nên. Nhờ đó, những thông tin mà báo chí chưa bao quát nổi thì vẫn được truyền đi kịp thời từ nhà nọ sang nhà kia, từ cơ quan nọ sang cơ quan kia, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân. Chẳng phải nói đâu xa, ngay nhà ông Tuấn hàng xóm nhà tôi kia kìa, tối hôm qua tôi sang chơi, thấy bà vợ vừa phàn nàn với chồng là “dạo này ông đãng trí quá, toàn quên uống rượu thuốc thôi”, thì ngay sáng nay cả khu phố tôi và mấy chục cơ quan trong bộ đã kịp chép miệng thương ông ấy rồi: “Khổ thân, làm gì mà để vợ đánh suýt gãy của quý, rồi lại nhốt chặt trong nhà nữa. Mà cần gì phải trốn thuế. Chịu khó tập thể dục vào là xong thôi mà. May mà không gặp phải Lorena Bobbit đấy.” (L. Bobbit là một nhà “nữ quyền” Mỹ nổi tiếng vì đã cắt đứt của quý của chồng). Còn chàng thi sĩ chuyên nghiệp kiêm chủ tịch công đoàn ở cơ quan tôi, chuyên làm thơ trong khi dự hội nghị, thì đã kịp thời nhắc nhở ông ta bằng hai câu: "Ðàn ông nộp mạng thì sang. Ðàn ông cãi vợ tan hoang cửa nhà.”

FDM: Ồ, tôi chưa thấy hãng tin nào sáng tạo như vậy. Ngay như CNN cũng chỉ được cái nhanh thôi. À, mà, cơ hội cho thể thao Việt Nam đây rồi, cần gì phải đi tìm ở đâu. Chỉ cần đưa thêm vào nội dung thi đấu của SEA GAMES các môn như nâng tạ bằng răng hay ngậm vợt đánh cầu lông,... là đảm bảo thắng, vì loại cơ bắp phát triển nhất của các bạn là cơ miệng mà. Luyện cơ miệng trong hết hội nghị đến hội thảo, rồi lại chuyển sang làm tình nguyện viên truyền thông như thế thì vét sạch huy chương vàng là cái chắc. Nhưng nếu đã tập trung vào phát biểu ý kiến và truyền thông tình nguyện rồi mà vẫn còn thừa thời gian thì sao?

GÐK: Cô yên tâm, người Việt chúng tôi vô cùng sáng tạo. Vậy cô có biết trong các ngành kinh doanh, ngành nào phát đạt nhất và khách hàng của họ là ai không?

FDM: Có phải là kinh doanh vận may không?

GÐK: Chính xác. Trò chơi may rủi, (như số đề, cá độ bóng đá, tá lả, ba cây,...) là thứ giải trí được ưa thích nhất ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Nó có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất, trong khi không phải ai cũng có thể vào đại học, đi học nghề, tìm việc làm hay tự mở kinh doanh, thì trò chơi may rủi chính là con đường ngắn nhất, hứa hẹn nhất đi tới thành công, ngắn hơn cả kinh doanh ma-túy. Nó không đòi hỏi bằng cấp hay kiến thức này nọ, không đòi hỏi phải cố gắng tốn sức, không cần nhiều vốn. Nó cho phép người chơi thu kết quả của đầu tư nhanh nhất, thể hiện tài năng, bản lĩnh, sáng tạo và can đảm một cách dễ dàng nhất, và quan trọng hơn cả là ít phải làm việc nhất. Với những ưu điểm ấy, trò may rủi đáp ứng hoàn hảo mọi nhu cầu của người Việt: nó hứa hẹn nhiều cơ hội đổi đời nhất, đem lại nhiều hy vọng nhất cho mọi người Việt, không phân biệt trình độ học vấn hay giàu nghèo. Nếu có một công việc mà người Việt có thể say mê thì đó chính là kiếm tiền bằng vận may. Có thể nói đây là hoạt động trí tuệ ưa thích nhất của đại đa số người Việt.

FDM: Trò chơi này đúng là rất đại chúng, rất xã hội chủ nghĩa. Với lại, con người ta có thể thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng không thể sống thiếu hy vọng. Nhưng tôi thấy có điều là ở Việt Nam rất ít sòng bạc?

GÐK: Nếu chúng tôi đã có truyền thông nhân dân thì tương ứng với nó cũng là may rủi nhân dân, gồm xổ số tự chọn (thường gọi là số đề), cá độ bóng đá, đá gà, đánh ba cây, tá lả, chắn, và nhiều loại khác. Trong số đó, loại quần chúng nhất, đòi hỏi nhiều chất xám, lao động trí tuệ và đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo nhất cho người Việt chính là số đề. Ðã có hẳn một ngành công nghiệp số đề đem lại công ăn việc làm cho hàng triệu con người, từ đại lý ghi đề, người bán kết quả, chuyên gia luận giải mộng và thơ đề, đến chủ đề, các nhà đầu tư, v.v... Công nghiệp số đề còn cho ra đời những phần mềm phân tích và dự đoán kết quả cực kỳ thông minh. Dần dần hình thành một ngôn ngữ riêng cho số đề và cả một nền văn hóa số đề. Chưa có ở đâu, mọi cung bậc của cảm xúc và tính cách Việt như vui, buồn, hy vọng, giận dữ, tự hào, mặc cảm, can đảm, hèn nhát,... lại thể hiện sống động và phong phú như trong văn hóa số đề. Chính từ đây đã ra đời một nền thi ca mới, với không ít kiệt tác, thể hiện sự kết hợp tuyệt vời giữa tinh thần may rủi và nghệ thuật. Việt Nam khó có thể trở thành một cường quốc thơ như hiện nay nếu không có số đề mang thơ đến từng con xóm, từng ngõ nhỏ, từng góc phố, đến từng tâm hồn và số phận đầy ắp những hy vọng và ước mơ.

FDM: Dễ thương quá. Tôi nhớ không ít văn hào lớn người Nga như Dostoievski, Pushkin, Lev Tolstoi đã từng đi tìm vận may như vậy. Có lẽ các tác giả trẻ Việt cũng muốn bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng cách ấy. Ôi, những tâm hồn đồng điệu luôn luôn gặp nhau. Từ đây, tôi đã khám phá ra một bí quyết để làm người Việt là phải có một niềm tin mãnh liệt vào định mệnh và làm tất cả để định mệnh có tiếng nói quyết định đối với cuộc đời mình.

GÐK: Không những chúng tôi tin tưởng mãnh liệt vào số mệnh và vận may mà còn tin vào thánh thần, vào sự thân quen với với những người quyền cao chức trọng, vào tên tuổi của cha mẹ, chú bác, tóm lại là tất cả những gì nằm ngoài bản thân mình. Ðó chính là tính khiêm tốn ở mức cao nhất, thành quả của việc giáo dục tinh thần biết sợ.

FDM: Nhưng tôi thấy ở Châu Âu và Bắc Mỹ còn có nhiều sòng bạc hơn ở đây?

GÐK: Có ít nhất hai điểm khác biệt. Thứ nhất là các casino ở Châu Âu và Bắc Mỹ chủ yếu phục vụ khách hàng là dân châu Á, trong đó người Việt chiếm khá đông. Thứ hai, đánh bạc đối với dân Tây chỉ là một hình thức giải trí, để tiêu tiền. Còn đánh bạc đối với dân Việt và châu Á là một cách để kiếm tiền, đối với nhiều người là một công việc chính. Ðiều thú vị là ở chỗ dùng đúng cái thứ sinh ra để tiêu tiền đi nhanh nhất (vì kinh doanh cờ bạc là lãi nhanh nhất) để kiếm tiền.

FDM: Chuyện này làm tôi nhớ tới một một băng cướp rất vui tính. Vì băng cướp này mới thành lập, ít vốn, muốn làm giàu thật nhanh nên phải tìm một con mồi thật sộp. Mà một con mồi sộp tốt nhất là một kẻ kiếm được tiền dễ dàng từ kẻ khác. Sau khi phân tích các ngành nghề, họ đã quyết định chọn một con mồi cực sộp thuộc một ngành dễ kiếm tiền nhất. Nhưng vừa mới bắt đầu ra tay thì họ đã bị chính con mồi sộp đó... tóm gọn. Các đồng chí cảnh sát này đã mất gần năm trời theo dõi mới bắt được băng cướp lãng mạn đó vì chính họ cũng đang nôn nóng không kém gì băng cướp vui tính này muốn... cải thiện một cách nhanh nhất túi tiền bị viêm đã lâu.

GÐK: Xem ra các chuyên gia đánh bạc người Việt chúng tôi cũng vui tính có kém gì mấy nhà thơ đang học nghề đi cướp đó đâu. Chỉ khổ mấy đồng chí cảnh sát là không được may mắn như các sòng bạc khi vớ phải mấy nhà thơ kia thôi.

FDM: Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để giải trí bằng số đề, cá độ hoặc đánh bạc. Vậy họ làm gì để nhịn làm việc?

GÐK: Cô cứ yên tâm. Ðó chính là cơ hội cho bí quyết thứ hai. Chắc là cô cũng có thể đoán được đấy.

FDM: Hay là khi rỗi rãi thì người Việt làm thơ?

GÐK: Ðã là người Việt thì ai mà không làm thơ. Không tính thơ vào đây. Thế cô có biết Việt Nam nổi tiếng trên thế giới về những gì rồi chứ?

FDM: Nổi tiếng về chiến tranh, cái nghèo và đau khổ.

GÐK: Chiến tranh và nghèo thì không bàn ở đây nữa, vì nói nhiều quá rồi. Còn đau khổ, chắc cô cũng biết là trên thế giới còn nhiều dân tộc khác chịu nhiều mất mát đau thương thực tế hơn người Việt rất nhiều, như người Do Thái, người A-rập chẳng hạn. Nhưng họ không có được những nỗi đau lừng danh như người Việt chúng tôi. Vậy cô có biết vì sao không?

FDM: Vậy à, sao tôi không nghe nói mấy nhỉ?

GÐK: Những nỗi đau của người Việt chúng tôi cũng nổi tiếng không thua gì tính cần cù siêng năng và óc sáng tạo của chúng tôi. Nhưng tất cả đều là nổi tiếng ở Việt Nam nên cô không biết là phải.

FDM: À tôi nhớ ra rồi. Hôm đó, anh biết không, lần đầu tiên trong đời tôi mới được nghe nói tới kiểu nổi tiếng độc đáo ấy, tôi giật mình sửng sốt đánh rơi cả kính, suýt té nhào khỏi ghế. Ðúng là nếu chưa tới Việt Nam thì không ai có thể hình dung nổi là lại có thể có kiểu nổi tiếng như vậy cả.

GÐK: Sở dĩ người Việt chúng tôi có được những nỗi đau trứ danh đó là nhờ trí tưởng tượng tuyệt vời của mình. Như bà mẹ tôi chẳng hạn, mỗi khi không có việc gì làm, mà thường là như vậy, thường ôn lại nghèo khổ, tìm lại những nỗi đau nổi bật nhất từ cách đây mấy chục năm, ví dụ như chuyện bố tôi thỉnh thoảng nhầm cô hàng xóm với vợ, phục chế lại cả những đoạn không nhớ rõ hoặc nếu quên rồi thì sáng tác thêm cho đủ.

FDM: Những người biết nhớ lại những ngày nghèo khó để cảm nhận đầy đủ hạnh phúc hôm nay như mẹ anh thế là hiếm lắm đấy.

GÐK: Ấy chết. Cô đừng hiểu nhầm những người như mẹ tôi. Bà cụ cố gắng gom góp từng nỗi đau nhỏ nhất không phải để cảm nhận hạnh phúc của hôm nay, mà là để cảm nhận đến tận cùng những khổ đau ấy. Khi nào góp đủ một bầu tủi thân thật đầy đặn, nặng ký, hết sức thuyết phục và đầy sáng tạo, bà cụ sẽ ung dung nhấm nháp và say sưa rầu rĩ. Lúc ấy bà cụ hoàn toàn yên tâm mình là một trong những người bất hạnh nhất trên đời, vì vợ tôi và nhất là mấy bà hàng xóm rất hay tuyên bố khơi khơi “không ai khổ bằng tôi” hết sức cảm tính, chẳng có cơ sở gì cả. Tất nhiên, họ cứ gặp mẹ tôi là mất điện hết, trật tự ngay, lại tươi hơn hớn để lúc về nhà mới dám tinh vi với chồng con và hàng xóm.

FDM: Trời, sao lại độc đáo thế nhỉ. Quá là bổ cho cái đầu óc chật hẹp của tôi. Ðúng là phải sang Việt Nam thì tôi mới mở mắt ra được. Nhưng nếu bà cụ không góp đủ một bầu tủi thân thì sao?

GÐK: Nếu ngày xưa không có nỗi đau nào đáng giá thì mẹ tôi thường chăm chú tìm xem con dâu, con trai, con gái, hoặc chồng hoặc anh em chồng có ai nói câu nào coi thường mình không, lọc ra ghi nhớ ngay, khuyếch đại lên hoặc cố gắng tìm xem giữa những câu nói của họ có mối liên hệ nào không, lắp ráp lại cho thành một nỗi đau để dùng luôn, hoặc để dành cho những lần sau rầu rĩ tiếp. Mấy lần mẹ tôi nổi trận lôi đình khi thằng em tôi định âm mưu cướp mất bầu tủi thân là thú vui duy nhất ấy của cụ. Nó cứ cố chứng minh thực ra cụ là người sung sướng: vừa khoẻ mạnh, vừa sung túc, vừa có địa vị xã hội, con cái thì hiếu thảo, tử tế, thành đạt, chuyện hòa bình thế giới thì đã có Liên Hiệp Quốc lo rồi, (mà mẹ tôi cũng chẳng quan tâm). Tóm lại là chẳng có gì đáng để suốt ngày rầu rĩ cả. Nhưng mẹ tôi có hưởng thú đau thương một mình đâu? Bà cụ còn san sẻ cho cả bố tôi và chúng tôi cùng hưởng đấy chứ.

FDM: Nghệ thuật đau khổ của người Việt quả không những tinh tế, công phu mà còn hết sức sáng tạo và khoa học. Chả bù cho ở Châu Âu, cả đến ông bà già cũng bận bịu làm chuyện này chuyện nọ, hết hoạt động xã hội rồi viết lách sáng tác, nghiên cứu này nọ linh tinh, chẳng biết bao giờ mới có thời gian mà hưởng những thú vui tao nhã và đầy tính nhân văn như vậy.

GÐK: Người Việt chúng tôi còn có một bí quyết thứ năm nữa là sống vì người khác. Chẳng hạn như thằng con trai tôi 20 tuổi năm ngoái thi được học bổng du học ở Mỹ trị giá 50.000 USD. Nhưng vợ tôi yêu nó lắm, sẵn sàng chết vì nó, không muốn nó bơ vơ không có ai chăm sóc, nên khi chỉ còn vài ngày nữa là lên đường thì vợ tôi giấu luôn cuốn hộ chiếu đi. Cuối cùng nó đã hủy học bổng để ở nhà cho mẹ nó yêu thương. Vợ tôi nếu không có con trai để chăm sóc thì không thể nào sống nổi, vì cô ấy đánh đề toàn thua, mà làm tình nguyện viên truyền thông nhân dân thì vẫn không hết thời gian. Ðã thế, cô ấy lại không khoái giao lưu văn hóa với mẹ chồng, tóm lại là không có hoạt động và thú vui nào khác ngoài chăm sóc cậu con trai. Không rõ con trai tôi sau này có chịu sống độc thân để cho mẹ nó tiếp tục sống vì nó suốt đời không.

FDM: Thật là không có gì cảm động và thiêng liêng như tình mẫu tử. Sống vì con như vậy không những là bí quyết để nhịn làm việc mà còn để khỏi sống cuộc đời (là bể khổ) của chính mình và nhất là để cho con cái cũng khỏi phải sống cuộc đời (cũng là bể khổ) của chính chúng. Ôi những bà mẹ Việt Nam không chỉ anh hùng mà còn rất vị tha.

GÐK: Vậy là cô thấy đấy, nhịn làm việc là một lối sống phổ biến, một nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt, giúp con người xích lại gần nhau hơn, người này sống cuộc đời của người kia và phát triển đầy đủ những bản năng tự nhiên của mình. Nếu người Mỹ luôn tìm cách ăn kiêng, thậm chí nhịn ăn để tránh béo phì, bệnh tật, thì người Việt luôn tìm cách kiêng làm việc, tiến tới nhịn hẳn để tránh mắc sai phạm.

FDM: Tôi có một thắc mắc. Nhịn làm việc là một nét đẹp văn hóa rất đặc trưng của người Việt. Có lẽ nhờ nhịn làm việc mà các bạn mới có nhiều vị lãnh đạo, nhiều sếp hơn nhân viên, nhiều nhà văn lớn không tác phẩm, mới có những nỗi đau trứ danh, mới có đạo Nhàn, đạo Chơi và mới tạo nên phong cách 10 đặc tính chữ N của sản phẩm Việt (Nhạt-Nông-Nhàm-Nhái-Nhỏ-...-Nhầm). Và có lẽ nhờ chiêm nghiệm nét văn hóa ấy mà Nguyễn Du mới viết nên học thuyết “Tâm bằng ba Tài” vĩ đại làm nền tảng tư tưởng cho người Việt. Tại sao một nét đẹp văn hóa có ảnh hưởng bao trùm như NHỊN LÀM VIỆC, cùng tất cả những gì liên quan tới nó, chẳng hạn như thái độ coi khinh thành công, thi vị hóa thất bại..., lại hoàn toàn vắng bóng trong các công trình nghiên cứu của các nhà Việt Nam học? Phải chăng họ khiêm tốn hộ cho đối tượng nghiên cứu của mình?

GÐK: Ðấy lại là một câu chuyện khác, rất dài, có lẽ thuộc loại dài nhất mà cô sẽ được nghe, và tất nhiên sẽ vô cùng đặc sắc. Nhưng nếu bàn bây giờ thì nặng đô quá, vì suốt từ nãy tới giờ, tôi thấy cô cứ tròn mắt ra như gặp người ngoài hành tinh ý. Sợ cô lại choáng như mấy lần trước, thôi để lần khác vậy. Lại nói tiếp, muốn rèn luyện khả năng nhịn làm việc, cần loại bỏ nguồn gốc của bệnh nghiện làm việc mà người Mỹ hay mắc là cái tính “to gan”, chỉ thích hành động, phiêu lưu, nghĩa là phải giáo dục tinh thần biết sợ từ bé.

NVH: Tuy nhiên, tinh thần biết sợ cũng có một ngoại lệ. Chẳng hạn, nếu các "đạo sĩ" ở nước tôi cũng được giáo dục tinh thần biết sợ thì cũng không hay lắm.

FDM: Họ sẽ không dám truyền đạo hay sao?

NVH: Không phải vậy. Họ vẫn hăng hái truyền bá những tác phẩm tinh hoa của nghệ thuật thế giới. Nhưng họ sẽ không dám đề tên mình vào vị trí tác giả của tác phẩm như trước. Mà như thế thì buồn chết. Nhạc Việt sẽ chẳng có gì mà hát cả. Cô thử tưởng tượng bài Tình thôi xót xa mà thanh niên Việt Nam say mê hát đầy tự hào trong bao năm qua lại mang một cái tên Tây như “I’ve never been to me” và đề tên một tác giả nước ngoài lạ hoắc thì chán lắm, cùng lắm thì cũng chỉ như “Baby, one more time” của Britney Spears hát ào ào trên MTV là cùng.

GÐK: Tôi nghĩ vẫn có cách khắc phục chuyện này. Môi trường lý tuởng để niềm tự hào Việt Nam phát triển là không so sánh. Nhờ môi trường đó mà trong mấy chục năm qua, không những từng người Việt được ngây ngất đắm say trong tự hào và hy vọng mà cả nhân loại tiến bộ cũng mơ sáng mai thức dậy thành người Việt Nam. Nay, muốn được tiếp tục tự hào thì cần duy trì môi trường đó bằng các bức tường lửa trên internet.

FDM: Vậy cũng vẫn là cách ly, có gì mới so với trước đâu?

GÐK: Khác chứ. Tường lửa là chỉ dành cho công chúng thôi, chứ đã là "đạo sĩ" mà không biết trèo tường thì giải nghệ đi cho xong. Khi không có so sánh, các đạo sĩ sẽ tha hồ mạnh dạn đề tên mình vào các kiệt tác sưu tầm được trên internet. Người Việt chúng ta sẽ tha hồ có thêm cái để tiếp tục tự hào.

FDM: Có thế chứ. Ðúng là cái khó ló cái khôn.

NVH: Tạm gác lại cái ngoại lệ trên vốn chỉ khẳng định thêm quy tắc. Lại nói tiếp, tinh thần biết sợ còn có giá trị giúp ngăn đứa trẻ khỏi sa vào những xét đoán nguy hiểm.

FDM: Nguy hiểm cho trí tuệ non nớt của nó?

NVH: Nguy hiểm cho người khác chứ. Việc xét đoán, đánh giá tùy tiện, sẽ dẫn đến việc nó thầm phê phán điều này và ngưỡng mộ điều kia, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan hữu trách. Óc phê phán là một mầm mống nguy hiểm có thể dẫn tới mưu toan gây ra thay đổi. Muốn triệt tận gốc, phải giáo dục tinh thần biết sợ.

FDM: Thảo nào tôi thấy các bạn lúc nào cũng đoàn kết nhất trí, không có bất đồng.

NVH: Tinh thần biết sợ còn là tiêu chuẩn để thẩm định và lựa chọn mọi thứ. Vì toàn là người có giáo dục, sợ hãi có thừa, không cần thêm nữa, nên chúng tôi chỉ chọn những gì không mang lại sợ hãi. Ðó là những thứ đã quen thuộc, không xa lạ và không chứa nguy cơ gây thay đổi. Nhờ vậy mà các cuộc chấm giải hay chọn người để bổ nhiệm luôn đạt độ an toàn rất cao.

FDM: Có điều này tôi thấy hơi khó hiểu. Văn chương Việt Nam xưa nay luôn ca ngợi những anh hùng nghĩa sĩ coi cái chết nhẹ như lông hồng, đề cao tinh thần dũng cảm. Vậy điều đó có gì mâu thuẫn với việc giáo dục tinh thần biết sợ không?

GÐK: Không hề mâu thuẫn. Ðó lại là một điều kỳ diệu nữa của văn hóa Việt. Vậy xin hỏi, cô đã bao giờ thấy văn chương, báo chí Việt Nam không đề cao, và ngợi ca Lao Ðộng chưa?

FDM: Chưa bao giờ cả. “Lao động là vinh quang” là một khẩu hiệu rất phổ biến ở Việt Nam.

GÐK: Thế cô đã bao giờ thấy văn chương, báo chí Việt Nam không đề cao, và ca ngợi tự do, dân chủ, pháp quyền chưa?

FDM: Chưa bao giờ cả. Lúc nào người Việt cũng đề cao và ngợi ca những giá trị phổ quát của loài người.

GÐK: Cô đã từng dự nhiều hội nghị, hội thảo. Chắc cô cũng hiểu vì sao lúc tốt nhất để các đại biểu có thể tranh thủ đọc báo, viết truyện, làm thơ, hoặc nghỉ ngơi hay biểu diễn kỹ thuật ngủ mà không ai biết chính là lúc diễn giả đang phát biểu ý kiến rồi chứ?

FDM: Có phải là vì diễn giả nói buồn tẻ, thiếu hấp dẫn?

GÐK: Không phải vậy. Mà là vì ai cũng biết là toàn bộ tâm huyết diễn giả phải để dành phát biểu chính thức ở quán nước hoặc bàn nhậu rồi, nói trên diễn đàn chỉ là thủ tục thôi. Chứ còn chuyện buồn tẻ thì vẫn như mọi khi, có gì mới đáng nói đâu.

FDM: À tôi hiểu rồi. Như vậy là giữa “lao động là vinh quang” và phong cách nhịn làm việc cùng các đạo Nhàn-Chơi, đại diện bằng 10 chữ N của sản phẩm, giữa tự do - dân chủ - pháp quyền trên báo chí và việc thực hành nghề yêu nước, giữa nói trên diễn đàn hội nghị và phát biểu chính thức tại bàn nhậu, cũng như giữa ngợi ca lòng dũng cảm trong văn chương và giáo dục tinh thần biết sợ trên thực tế cùng có chung một mối quan hệ.

GÐK: Ðó là một sự tương phản kỳ diệu giữa biểu hiện chính thức và nội dung thực tế, tinh thần mới nhất của chữ LỄ. Ngày xưa LỄ là một trong ngũ thường (năm đức tính của đạo đức Nho giáo): Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín. Bây giờ chữ Lễ phụ trách mặt tiền của Công nghệ đạo đức nhân tạo, trong khi phần cốt của công nghệ này đã có Trí-khôn-kiểu-Việt phối hợp với nghề kinh doanh vốn tự có phụ trách. Chuyện này dài lắm. Ta sẽ bàn kỹ vào dịp khác. Giờ ta hãy trở lại với tinh thần biết sợ.

FDM: Tôi thấy tinh thần biết sợ là một biểu hiện của tính người. Chỉ có con người mới biết sợ hãi. Còn khả năng sợ hãi là vẫn còn cảm xúc, chưa bị biến thành cái máy.

NVH: Có thể nói, tuy thầm lặng, không phô trương, nhưng tinh thần biết sợ là một tài sản to lớn của văn hóa Việt, làm nền tảng cho tư tưởng và động lực cho hành động của người Việt, là gốc rễ của sự ổn định.

FDM: Thật là sáng tạo. Dân Tây luôn tránh nỗi sợ như tránh một bệnh dịch, kinh hãi nó. Ðấy là một thái độ hèn nhát. Còn người Việt đã nâng tinh thần biết sợ lên thành một đức hạnh, một phẩm chất hàng đầu, một giá trị căn bản. Ðó là một quan điểm giáo dục hết sức can đảm, can đảm vì dám chấp nhận những sản phẩm đạm bạc của nền giáo dục đó. Thật là tài tình, một tinh thần biết sợ đầy can đảm. Và trên nền tảng của tinh thần biết sợ, sẽ hình thành tính vâng lời?

GÐK: Ðúng vậy. “Vâng lời bố mẹ” chính là phẩm chất cần có thứ hai của một đứa trẻ. Cần vâng lời người trên thay vì làm theo điều đúng, lẽ phải. Lời người trên đương nhiên là đúng, không cần chứng minh hay giải thích đúng ở chỗ nào và không được đặt vấn đề suy nghĩ xem có đúng hay không. Từ đó đứa trẻ cũng tin rằng cái gì được coi là đúng là đương nhiên đúng, không cần chứng minh, chỉ cần tin tưởng. Tính vâng lời giúp cho đứa trẻ tránh được cái tật tự tiện suy nghĩ mà chưa được phép, từ đó sẽ không làm gì trái với những điều được dạy, trái với truyền thống.

FDM: Thảo nào ở đây nhiều bé ngoan thật, càng lớn càng ngoan. Trẻ con ngoan một thì người lớn ngoan mười. Nền giáo dục của các bạn quả là một trường đào tạo quan chức lý tưởng.

GÐK: Ðúng vậy. Sợ hãi và vâng lời là những phẩm chất làm nền tảng cho sự ổn định. Tinh thần biết sợ giúp cho người Việt tránh xa những gì xa lạ, phiêu lưu, rủi ro, giữ chặt lấy nguyên trạng và do đó tránh được nguy cơ thất bại. Tính vâng lời đảm bảo rằng mỗi người Việt sẽ không làm gì khác với ý người trên và trái truyền thống. Nhờ đó mà đất nước tôi luôn luôn ổn định.

FDM: Ðúng là trẻ con ngay từ nhỏ đã được dạy bí quyết thành công rồi. Thảo nào đất nước các bạn nhiều quan chức tới mức có thể đem xuất khẩu được. Trong khi ở nước tôi, những đứa trẻ nào hồi nhỏ hay vâng lời thì lớn lên lại không làm nên trò trống gì.

GÐK: Ðược giáo dục tinh thần biết sợ và tính vâng lời, đứa trẻ sẽ luôn nghĩ rằng mình rất bé nhỏ và thành người thật sự khiêm tốn, khiến mọi người xung quanh rất hài lòng. Và để cân bằng lại tính khiêm tốn tận đáy lòng đó, một số người thường cố gắng thể hiện cái hơn người (tưởng tượng) của mình nên được người khác gọi là “tinh vi.”

FDM: Có lẽ là nhờ tính khiêm tốn tận đáy lòng mà tôi thấy các bạn không chỉ có biệt tài tưởng tượng ra đau khổ mà còn có tài tự tạo ra hạnh phúc một cách dễ dàng. Hôm nọ mấy ông bạn Tây ba-lô tôi quen ngoài đường có nói chơi chơi câu gì đó đại loại như “các bạn thật là sáng tạo”, vậy mà ngay số báo ngày hôm sau đã đăng lời khen đó trên trang nhất kèm theo ảnh và lời bình. Mấy năm sau tôi vẫn thấy báo đăng lại câu đó.

GÐK: Tất nhiên là chỉ có những người khiêm tốn chân chính mới biết tự sướng như vậy thôi.

FDM: Còn bọn khiêm tốn giả hiệu thì sao?

GÐK: Bọn giả hiệu thường làm ra vẻ từ tốn, nhưng bao nhiêu kiêu căng tự phụ và đểu giả chúng trút hết vào cái gọi là tác phẩm hay công trình nghiên cứu của chúng. Bọn này hay đi một mình một đường, tách ra khỏi dân tộc, thách thức toàn thể những người còn lại, thách thức truyền thống dân tộc. Chúng chính là thủ phạm của tất cả những xáo trộn gây ra bao nhiêu đau thương cho những nhà yêu nước và những người cầm bút chân chính, nhất là các nhà văn lớn. Những kẻ không có Tâm như vậy không được phép tồn tại ở đất nước này.

FDM: Thảo nào mà tôi tìm mãi mà chưa thấy ai. Chắc họ sợ cái hơn người của mình sẽ tiếp tục gây thương tích cho người khác, khiến tội càng nặng thêm nên đã trốn đi ở ẩn hết rồi. Vậy nguyên nhân sâu xa của loại tội “hơn người gây thương tích” này là gì?

GÐK: Chính là cái Tài. Tài mới sinh ra tiền và danh tiếng hơn người, mới gây thương tích chứ. Từ cách đây mấy trăm năm cụ Nguyễn Du đã nghiêm khắc cảnh báo về tính nguy hiểm của cái Tài: "Có tài mà cậy chi tài. Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Cái Tài hơn người không chỉ gây thương tích cho người khác mà còn gây tai họa cho chính kẻ sở hữu cái tài đó. Cái Tài là thứ vô giá trị: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.


5. Bảo bối nghề nghiệp

FDM: Vậy giá trị con người không phải ở cái Tài mà là ở cái Tâm?

QC3: Thời buổi này, ăn nhau là ở cái Tâm. Chỉ cần có Tâm là đủ. Tất cả những cái khác như cái Tài, cái Trí, chất lượng, hiệu quả, sự công bằng,... đều không quan trọng. Tối kỵ nhất là cái Tài.

FDM: Vậy Tâm hơn Tài ở chỗ nào?

QC3: Cái Tâm là đại diện cho tất cả những gì cao quý thiêng liêng nhất của con người như lương tâm, đạo đức, lòng nhân ái, tình người. Chỉ có những thằng điên mới đi chống lại cái Tâm. Vấn đề là làm sao thể hiện được cái Tâm, thể hiện được mình là người có Tâm. Có được cái Tâm làm bùa hộ mạng thì đố đứa nào dám động đến. Vì vậy cái Tâm chính là một bảo bối, một phương tiện tuyệt vời để cạnh tranh nghề nghiệp. Một khi được công nhận là người có Tâm rồi thì đứa nào tài giỏi mấy cũng chẳng ngại. Tài là cái quái gì. Chỗ tôi bao nhiêu cô cậu bằng cấp Tây cả đống mà có ai lên được đến chức trưởng phòng đâu.

FDM: Tôi tưởng tài năng là cái quyết định chất lượng sản phẩm chứ?

QC3: Nhưng nó lại thiếu tính cạnh tranh, chỉ số cạnh tranh CI (Competitivity Index) rất thấp. Ðể có một cái tài, ví dụ học nghề kỹ sư tin học hay y học, phải mất ít nhất 5-7 năm học đại học, rồi lại thêm khoảng 5-6 năm làm việc cật lực nữa. Chi phí như vậy quá cao. Còn cái Tâm thì chi phí rất thấp: lòng trung thành, vâng lời và giữ nguyên mọi thứ ổn định, thì chỉ cần bỏ ra một khối lượng lao động rất nhỏ. Ðã thế, làm gì có sếp nào lại ưa nhân viên có tài? Tài lắm chỉ tổ gây thay đổi và đe dọa cái ghế của sếp thôi chứ có giải quyết được vấn đề gì đâu. Cái Tâm vừa có chi phí thấp hơn, vừa được khách hàng là sếp ưa chuộng hơn vì không đe dọa gây thay đổi, nên rõ ràng là nó có chỉ số cạnh tranh cao hơn hẳn cái Tài. Thời buổi này ăn nhau là ở sức cạnh tranh mà. Hongkong tuy chưa bằng cái móng tay của Trung Quốc nhưng lại phát triển hơn hẳn chính là nhờ ở sức cạnh tranh vượt trội của nó.

FDM: Theo tôi khi cụ Nguyễn Du nói “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần” là nói tắt. Chữ Tai, tức tai họa, chính là sự trừng phạt của Trời đối với những tội ác mà kẻ có Tài gây ra. Kẻ có Tài không chỉ phạm tội “hơn người gây thương tích” mà có lẽ còn gây ra nhiều tội ác khác nữa?

GÐK: Cái Tài, cụ thể là kẻ sở hữu nó, là kẻ gây ra 3 loại tội kinh điển nghiêm trọng mà người Việt vốn rất nhân ái và độ lượng cũng không thể dung tha. Ngoài tội hơn người gây thương tích, hai loại tội còn lại là tội lợi dụng thông tin để vu khống, xúc phạm người khác & xuyên tạc đạo lý và tội mưu toan thay đổi hiện trạng. Chỉ những kẻ tàng trữ cái Tài mới có thể phạm cả 3 loại tội đó.

FDM: Vậy cái Tài gây ra những tai họa gì nữa?

QC3: Kẻ nào trót sở hữu cái Tài, nếu không diệt đi được thì phải kiềm chế nó hoặc giấu nó thật kín. Ðã có tài thì khó tránh khỏi phạm tội hơn người gây thương tích. Nếu lại không được giáo dục tinh thần biết sợ và vâng lời thì rất dễ phạm hai tội còn lại. Ðòn trừng phạt vì phạm 3 tội trên thì khủng khiếp vô cùng. Nguyễn Trãi ngày xưa vì cái Tài mà bị tru di tam tộc. Vương An Thạch, Thừa tướng đời Tống bên Tàu cũng vì nó mà phạm cả 3 tội nên bị xử tử xé xác (ngũ mã phân thây). Cái Tài chính là cái ác xấu xa nhất. Nó không đem lại điều gì tốt đẹp cho bất cứ ai, cả người sở hữu nó lẫn người bị người khác nhiều tài hơn mình. Muốn loại trừ tận gốc cái Tài, phải xây dựng cái Tâm, trước hết phải giáo dục cái Tâm.

GÐK: Ðể loại bỏ cái Tài thì cần biết rõ cấu tạo của nó. Cái Tài là khả năng làm việc thành công, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng hoặc hiệu quả cao. Có 3 nhân tố căn bản tạo nên cái Tài là sự tự tin (niềm tin vào bản thân và vào thành công), kiến thức và cái gan để hành động. Trong đó, quan trọng nhất là sự tự tin và cái gan, từ đó có thể tạo ra được kiến thức. Chỉ cần được giáo dục cái Tâm từ nhỏ, ngăn chặn làm những chuyện “to gan”, đứa trẻ sẽ có một tinh thần biết sợ cao độ, dập tắt sự tự tin và cái gan hành động, loại trừ mọi nguy cơ của cái Tài, tránh được thói hơn người gây thương tích.

NVH: Lịch sử Việt Nam đã cho thấy những ai có được cái Tâm làm bảo bối bao giờ cũng làm lãnh đạo. Kẻ có tài chỉ làm cu-li thôi.

FDM: Tiếc thật. Giá mà tôi biết cái bảo bối Tâm này sớm hơn thì có lẽ đã được tăng lương từ lâu rồi, mà không chừng bây giờ lên tổng biên tập rồi cũng nên.

QC3: Cô mơ mộng thật đấy. Chỉ có ở đây cái Tâm mới có giá trị như thế thôi.

FDM: Vậy nhờ đâu mà cái Tâm lại có giá ở Việt nam như vậy?

QC3: Ðó là nhờ tính nhân văn vượt trội của văn hóa Việt. Muốn biết thì cô hãy hỏi nhà nghiên cứu văn hóa sẽ rõ.

© 2004 talawas