trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
25.4.2007
Trần Quang Bình
Đôi điều cần minh định lại
 
Bài “Viết lại lịch sử hình thành Kinh Dịch” của ông Hà Văn Thuỳ có nhắc đến tôi, nên xin có vài lời phản hồi sau:

1.Trần Quang Bình dựa vào công cụ điện toán, phát hiện ra trong 40.320 đồ hình Bát quái lý thuyết, Bát quái Văn Vương chỉ là 1 trong 24 đồ hình đạt tới 6 chiều đối xứng. Chỉ duy nhất một đồ hình đáp ứng cả 8 chiều đối xứng, được gọi là Bát quái chuẩn”. Nếu dựa vào công cụ điện toán thì liệu nó có quá đối nghịch với cái Kinh Dịch đã có cách đây hàng mấy ngàn năm chăng? Hai cụm từ “điện toán” và “Kinh Dịch” hẳn nhiên quá đỗi khác nhau về tầm vóc và thời đại. Thật ra, có 8 phương vị và có tám quái nên số bát quái sẽ là 8!=40320. Trong công trình của tôi, tôi chỉ viết nếu xét đến các điều kiện: Khảm-Ly là trục Bắc-Nam, tổng các độ số bằng 18 và tổng độ số các cặp quái đối diện khác (ngoài Khảm Ly) lấy mod 9=6 thì dễ dàng tính ra có 24 bát quái như thế. Chứ chưa hề dùng điện toán nào cả. Tôi dùng điện toán vì cách phân tích đối xứng cần phải vẽ hình sẽ mất nhiều thời gian nên mượn máy tính để chúng tính giúp mình. [1] Và nhiều người nhầm là công trình chứng minh đối xứng đó là nội dung chính của quyển sách: Kinh Dịch - di sản sáng tạo của nền văn hiến Âu Lạc. Cả chương trình điện toán đó nhằm chứng minh tính đồng nhất trong đối xứng của cụm bát quái được tôi ký hiệu là F1,8 - tức các bát quái có các quái nghịch nhau nằm đối qua tâm (Càn đối Khôn, Cấn đối Đoài, Tốn đối Chấn, Khảm đối Ly). Cả Tiên Thiên Bát quái và Hậu Thiên Bát quái Âu Lạc [2] đều nằm trong nhóm này. Công trình này cũng chỉ ra Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương có rất ít chi tiết đối xứng - chỉ 30 chi tiết trên 47 phép biến đối xứng. Còn nhóm F1,8 có 135 chi tiết (lớn nhất), ở bất kỳ phép biến nào cũng có đối xứng tâm và quan trọng hơn là có sự đồng nhất của các tổ hợp đối xứng trong các bát quái này. Chứ không hề có: “Bát quái Văn Vương chỉ là 1 trong 24 đồ hình đạt tới 6 chiều đối xứng. Chỉ duy nhất một đồ hình đáp ứng cả 8 chiều đối xứng, được gọi là Bát quái chuẩn”.

2. Còn Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc được tôi bây giờ hay người Việt cổ cách đây hàng ngàn năm phát hiện ra không nhờ vào điện toán mà nhờ vào các phép tính số học rất đỗi tầm thường. Chân lý thường đơn giản, không có cách biểu diễn Hậu Thiên Bát Quái nào đẹp hơn, gọn gàng hơn đồ hình số học này:



Chính đây là cách hoàn toàn phù hợp với trình độ của người cổ đại. Họ có thể phát hiện ra những điều lý thú về triết học, vũ trụ quan, nhân sinh quan nhưng tính toán thì tất yếu phải phù hợp với trình độ của họ lúc bấy giờ. Chỉ cần hai điều kiện Hậu Thiên Bát Quái phải mang tính kế thừa của Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái phải mang tính trùng quái; hay nói cách khác Hậu Thiên Bát Quái chính là Tiên Thiên Trùng Quái được xây dựng bởi chỉ 8 quái. Và đồ hình cân xứng nhất đối với một bát giác đều được biểu thị như hình trên. Đó là số học rất đơn giản. Chỉ có hình trên là thỏa mãn. Tôi đã có giải thích cặn kẽ về vấn đề này ở quyển sách của mình.

3. Từ đây tôi cũng rất đồng ý với ông Hà Văn Thùy là Hậu Thiên Bát Quái khó thể nói là được xây dựng từ Hà Đồ. Nhưng vì sao lại có tên Hà Đồ dính liền với Hậu Thiên Bát Quái? Trong công trình đã dẫn, tôi đã chứng minh được tính tương đương của Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc cũng bằng số học đơn giản. Cũng có thể Hà Đồ được người xưa hình dung ra từ những hiện tượng khác và thấy nó lại trùng khớp với Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc nên người xưa đã dùng nó ít ra với ý nghĩa mã hóa Hậu Thiên. Không những thế, sự độc lập giữa phát hiện ra Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái và cuối cùng chúng lại trùng khớp với nhau đã làm cho người ta nghĩ đến Hà Đồ chính là mã vĩ đại của thời vũ trụ đã thành này. Những quan sát để tìm ra Hà Đồ không hề thiếu, ví dụ, chúng ta hoàn toàn dễ dàng hình dung ra 5 cặp số Hà Đồ như sau:



4. Tôi chưa hề nói rằng mình nhận thấy Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc ở trong bức tranh “Đàn lợn”. Hãy khoan nói đến nội dung về màu sắc của các con heo con lẫn heo mẹ trong bức tranh đó. Tôi chỉ muốn đề cập đến những đốm xoáy của chúng: trên lưng heo mẹ là hai Thái cực (Thái cực Việt [3] chứ không phải Thái cực có hai vòng tròn nhỏ bên trong của người Trung Hoa hay bây giờ đã phổ biến trên toàn thế giới) đã phân lưỡng nghi còn trên lưng mỗi heo con là hai đốm xoáy có chiều ngược nhau. Điều này có thể gợi ý cho chúng ta liên tưởng (chỉ liên tưởng thôi chứ chưa cần đến luận giải sâu) đến 5 cặp số Hà Đồ với heo mẹ là Thái Cực ở giữa còn các con của nó chia ra ở các hướng chính chứa đựng tư tưởng Hà Đồ trên lưng của mình. Và lạ lùng thay, truyền thuyết Phục Hy tác quái cũng có kể vua Phục Hy có bắt được tấm đồ trên lưng con Long Mã có các “đốm xoáy”. Vậy cùng một tư tưởng như thế (Dịch lý), các đốm xoáy trên lưng con Long Mã chỉ là huyền thoại thì đối lại các đốm xoáy trên lưng các con heo là một thực tiễn của văn hóa Việt thì liệu chúng ta có thể kết luận việc vẽ đốm xoáy trên lưng của các con vật (có dính dáng đến Dịch lý vì trên lưng heo mẹ lại được vẽ rõ ràng hai Thái Cực đã phân lưỡng nghi) đã là việc làm khá thường xuyên của người Việt chúng ta được không? Theo tôi là được và đây chính là bằng chứng hỗ trợ cho việc chứng minh Kinh Dịch là của người Việt.



5. Phần nhận định (phần 2) của ông Hà Văn Thùy có ba mục a, b, c. Trong mục a, ông Hà Văn Thùy viết: Cho rằng người Trung Hoa ngẫu nhiên (bằng vật cống hay chiếm đoạt) có được Hà Đồ rồi làm Dịch lại càng không có cơ sở, bởi lẽ nhiều tác giả chứng minh rằng không phải từ Hà Đồ làm ra Dịch; mặt khác, nếu vậy, trên đất Trung Hoa không thể có một phong trào làm Dịch rộng lớn, bền bỉ trải dài nhiều thời kỳ, tạo nên di sản khổng lồ: tới đời Thanh, Tứ khố toàn thư tập hợp được 158 bộ gồm 1761 quyển, phụ lục 8 bộ, 12 quyển. Tôi chưa hề thấy có ai trong người Việt chúng ta lại cho rằng người Trung Hoa chỉ sở đắc được mỗi Hà Đồ. Người Trung Hoa đã sở đắc nhiều kiến thức Dịch lý, nhưng vì không đi từ gốc rễ, từ tiên đề đến định lý nên người ta đã có những bước tiếp theo sai lầm. Ví dụ bảng Trùng quái Chu Dịch tưởng chừng là bảng các trùng quái khô khan và khó hiểu, nhưng không phải vậy. Trong đó, chúng ta phải phân định rạch ròi ra một số loại kiến thức:

  1. Số quái: 64. Đúng. Vì ai cũng có thể tính ra 8x8=64.

  2. Cách sắp xếp các quái: nếu trùng quái đó là bất dịch thì số tiếp theo sẽ là trùng quái đối với nó. Nếu trùng quái đó thuộc dạng điên đảo dịch thì quái tiếp theo sẽ là trùng quái mà kết hợp với trùng quái đi trước tạo thành trùng trùng quái bất dịch.

  3. Cách sắp xếp các trùng quái trong mỗi nghi.

  4. Cách sắp xếp các trùng quái vào hai nghi. Kiến thức này khác kiến thức trên vì người ta có thể biết (theo nguyên tắc nào đó) hai nghi có những trùng quái nào nhưng họ lại không biết sắp xếp thứ tự chúng ra sao trong từng nghi.

  5. Cách luận giải các trùng quái. Một trong những cách đó là Hệ Từ Truyện tương truyền là của Khổng Tử.

  6. Cách thực hành xủ quẻ để lấy một trùng quái nào đó cho một công việc bói toán hay tiên tri nào đó.

  7. Có thể có thêm loại kiến thức nữa: mối liên hệ giữa bảng trùng quái này với các môn lý số khác.

Từ đây, chúng ta có thể thấy người ta có thể sở đắc được một số kiến thức đối với trường hợp này là kiến thức a, b, một phần của e, f, g nhưng sự lúng túng trong cách giải thích vì sao được bảng trùng quái như thế có thể cho chúng ta thấy là họ chưa sở đắc được kiến thức c và d. Hay nói chính xác hơn họ đã không có những khám phá tìm tòi ngay từ gốc rễ hay từ tiên đề (cả mấy ngàn năm qua bao thế hệ Dịch gia mà người Trung Hoa vẫn không thể lý giải cho thấu đáo vì sao có bảng Chu Dịch và bảng Lục Thập hoa giáp; như thế càng cho ta thấy rõ sự sở đắc chứ không phải khám phá, phát hiện từ nguyên thủy). Vì nếu họ nêu lên tiên đề thì họ hẳn phải biết mối liên kết giữa các kiến thức, nếu như có giai đoạn nào đó một số kiến thức mất đi thì từ tiên đề chuẩn họ cũng suy lại những kết quả đúng đắn. Ví dụ, hình học có những tiên đề, định lý khác nhau; nếu chúng ta biết chúng và giả như có thời gian nào đó chúng ta quên mất đi định lý Pythagoras được diễn tả như thế nào thì sẽ có lúc một người nào đó trong chúng ta dùng các kiến thức từ những tiên đề, định lý khởi thủy để phục hồi lại đúng định lý đó.

Có ai tìm thấy và phát hiện ra mốc thời gian người Trung Hoa sở đắc được một số kiến thức của Dịch lý để rồi sau đó, trên đất Trung Hoa (không thể) có một phong trào làm Dịch rộng lớn, bền bỉ trải dài nhiều thời kỳ, tạo nên di sản khổng lồ: tới đời Thanh, Tứ khố toàn thư tập hợp được 158 bộ gồm 1761 quyển, phụ lục 8 bộ, 12 quyển? Để giải thích được các hiện tượng do ông Hà Văn Thùy nêu ra cộng với hiện tượng người Trung Hoa hoàn toàn không có một lý giải khả lý nào để từ Lạc Thư hay Hà Đồ dẫn đến Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương cũng như không có một lý giải khả lý nào để người ta làm ra bảng trùng quái (Văn Vương) thì liệu sau đây có phải là cách đơn giản nhất: vì lý do nào đó, người Trung Hoa đã sở đắc được một số kiến thức Dịch. Do họ không phải là người xây dựng Dịch lý từ đầu nên họ đã có những bước tiếp theo sai lầm trong khi phát triển Dịch. Tuy vậy, việc phát triển Dịch này cũng đã đem đến một di sản Dịch khổng lồ… Nhưng dù trăm kinh vạn quyển đi chăng nữa cũng không thể nào che đậy được những thiếu sót bên trong. Ở đây, xin phép cho tôi được khẳng định là có một số di sản Dịch (cái này cũng chưa chắc là của người Trung Hoa) còn sót đến bây giờ vẫn mang đúng tinh thần của Kinh Dịch nguyên thủy và đúng đắn. Tôi xin nói đến mục b: Cho rằng, vào đời Hạ, đời Thương Trung Quốc chưa có Dịch là không đúng. Sách bói Liên Sơn, Quy Tàng đã truyền từ thời Phục Hy qua Thần Nông, Hoàng Đế. Di vật xóm Rền 3500 năm trước tương đương với đời Thương. Như vậy dấu tích cổ nhất về quẻ Dịch ở Việt Nam cũng muộn hơn những sách Dịch thời Thần Nông, Hoàng Đế. Ta từng nghe nói sách Tam phần mở đầu Thượng Thư bị Khổng Tử loại bỏ khi san định kinh Thư thì chính đó là “Tam Phần Thư” mà Mao Tiệm phụng sứ đi kinh Tây, khi tới Đường Châu tìm được trong dân gian ba bộ sách gọi là Tam phần thư, gồm có Sơn phần, Khí phần, Hình phần. Sơn phần là Liên Sơn Dịch của Thiên hoàng, họ Phục Hy; Khí phần là Quy tàng Dịch của Nhân hoàng, họ Thần Nông; Hình phần là Kiền Khôn Dịch của Địa hoàng họ Hoàng đế. Mỗi bộ Dịch đều có 8 quẻ; dưới mỗi quẻ lại đều có 7 quẻ nữa, tổng cộng 8 x 8 = 64 quẻ. Như vậy Tam phần là Dịch thời Tam Hoàng. Chúng có những cái tên Liên Sơn, Qui Tàng, Kiền Khôn và có 64 quẻ, gọi là: “Quân, Thần, Dân, Vật, Âm, Dương, Binh, Tượng; Qui, Tàng, Sinh, Động, Trưởng, Dục, Chỉ, Sát; Thiên, Địa, Nhật, Nguyệt, Sơn, Xuyên, Vân, Khí” tức là Kiền, Khôn, Chần, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài. [4] Điều này càng minh chứng cho việc Dịch có mặt ở Trung Nguyên ít nhất từ 2800 năm TCN. Tôi e rằng ở đây ông Hà Văn Thùy có đôi chút chủ quan. Nếu như chúng ta lẫn người Trung Hoa có thể dẫn ra được các bằng chứng chứng minh là Kinh Dịch được ghi lại trong các sách từ thời Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế và đời Thương thì lúc đó mới đủ sức thuyết phục: Di vật xóm Rền 3500 năm trước tương đương với đời Thương. Như vậy dấu tích cổ nhất về quẻ Dịch ở Việt Nam cũng muộn hơn những sách Dịch thời Thần Nông, Hoàng Đế. Trong quyển “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch”, nhà xuất bản VH-TT, 2002, tr.93, tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh có đưa ra bảng thời gian thực tế của các vấn đề liên quan đến Dịch Lý như sau:



Dĩ nhiên, không thể ai đọc hết sách thiên hạ được, nhưng nếu có ai phản biện lại tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì cũng nên dẫn ra các bằng chứng của mình.

Quả tình, khi đọc ông Hà Văn Thùy, tôi tự hỏi liệu các ông Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế có thật không? Hay họ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng người Hoa và Việt cổ? Rồi trình độ của thời Thương liệu có đạt đến mức đã làm ra sách bói chưa? Tôi nhường câu trả lời cho các nhà ngôn ngữ học, khảo cổ học chứ không dám lạm bàn.

Sách Kinh Dịch - Cấu hình tư tưởng Trung Quốc, Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh, tr. 589 viết: “Đời nhà Thương dài 630 năm, là một thời kỳ có nhiều tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực văn hóa. Những văn vật xuất thổ quý nhất chính là những mảnh giáp cốt đào được tại An Dương, xưa kia là kinh đô cuối cùng của nhà Ân, Thương (gọi là Ân Khư). Những mảnh được giám định là xưa nhất thì được tạo ra vào đời vua Vũ Đinh (1339-1281 trước CN), nghĩa là cách đây trên 3300 năm”. Trang 583: “Việc bói giáp cốt tưởng chừng đơn giản, thực tế thì không. Nó giúp ta hiểu được phần nào về nguồn gốc văn tự Trung Quốc. Mục đích bói thì không có gì để bàn. Nhưng cách bói thì thế nào? Các lời giải thích của từ điển và của các học giả không hoàn toàn giống nhau. Kể từ đời Thương đến nay (nghĩa là trên 3000 năm rồi), nó đã thất truyền. Những mảnh giáp cốt đào được tại An Dương ở thôn Tiều Đồn (cách huyện An Dương tỉnh Hà Nam 5 dặm về phía Tây Bắc) kể từ năm 1899, năm Quang Tự thứ 25 khiến cho các nhà khảo cổ Trung Quốc lẫn Tây Phương giám định là có từ đời Thương, bởi lẽ An Dương là kinh đô cuối cùng của nhà Thương. Nhưng những chữ khắc trên giáp cốt (gọi là giáp cốt văn, trinh bốc văn tự, quy giáp văn) khó giúp ta hình dung trình tự phép bói.”

Khi nhìn một số giáp cốt, tôi đã phát hiện ra đó chính là những chi tiết của Dịch lý vì chúng hoàn toàn khớp với những phát hiện (tiếp theo và sau Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc) của tôi cách đây 2 năm. Như vậy theo ý kiến chủ quan của tôi, Dịch lý đã có và tư tưởng (theo tôi là đúng đắn) của nó đã tồn tại lâu đời và hoàn toàn không chờ đến khi ông Văn Vương bị cầm tù ở Diễu Lý mới làm ra Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương (đồ hình mà theo người Trung Hoa từ đó làm ra bảng trùng quái và là nền móng của các môn lý số khác), cũng như không chờ đến khi Chu Công Đán làm tướng quốc mới đặt ra các hào tự. Ở đây nếu nói đến mốc thời gian thì các giáp cốt văn có thật đó cũng chưa phải là xưa hơn cái bình có khắc trùng quái Lôi Thủy Giải. Nhưng phải chăng việc trưng bày các bằng chứng di sản vật thể tại đất Trung Hoa và Việt Nam bây giờ là quan trọng trong việc xác định chủ nhân của Kinh Dịch? Theo tôi điều đó có “góp phần” chứ không là bằng chứng quan trọng nhất. Có ai biết được còn thứ gì trong lòng đất? Và thứ đó có bao nhiêu năm tuổi? Việc người Trung Hoa (hay người Việt Nam) chưa tìm ra (đào thấy) một di sản vật thể nào đó có tuổi già hơn cái mà người Việt Nam (hay người Trung Hoa) đang có phải chăng đủ để chúng ta kết luận chủ nhân của Dịch lý là người Việt Nam hay ngược lại? Rồi để truy nguyên lại, chúng ta cần phải xác định rõ không gian sinh tồn của hai dân tộc Việt và Hoa từ xưa đến nay. Nếu bảo một vật được đào ra ở Hồ Động Đình có tư tưởng Dịch cách đây 5000 năm thì liệu nó có phải là sản phẩm của người Hoa Hạ? Cũng như ở trên, khi khẳng định trong các giáp cốt văn có những chi tiết của Dịch thì vô hình chung tôi đã khẳng định Kinh Dịch của người Trung Hoa có từ đời Thương. Không hẳn vậy. Với một không gian sống đan lẫn vào nhau của người Việt, người Hoa cổ mà ranh giới là khoảng lãnh thổ từ Nam Hoàng Hà xuống Bắc Dương Tử thì việc giao lưu văn hóa hầu như tất yếu. Điều quan trọng là chúng ta suy xét vì sao có sự nở rộ về văn hóa thời Thương, cụ thể là môn bói toán Dịch lý với di sản hàng mấy chục ngàn giáp cốt văn (có chữ lẫn không có chữ) như thế mà các kiến thức đó lại thất truyền? Vì lý do gì mà khi đã có một kiến thức Dịch bao la, phổ dụng và xa xưa đến thế mà người Trung Hoa vẫn phải ghi chép trong sử sách là mãi đến đời Chu Văn Vương mới trùng quái? Vâng, lý do thì có nhiều lắm nhưng để nó phù hợp với việc Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương không lý giải lẫn bảng Chu Dịch vô căn cớ có phải chăng là vì họ chỉ sở đắc một số những kiến thức Dịch có sẵn của dân tộc khác? Có phải chăng lý do họ không phải là người đi từ khởi thuỷ hay là người đã khám phá ra những tiên đề Dịch lý là xác đáng?

6. Chính vì thế mà tôi cho rằng phải tìm ra một nguyên lý chứng minh khác. Nguyên lý hợp lý nhất theo tôi là xây dựng một hệ thống logic luận phù hợp với các sự kiện và hiện tượng liên quan. Đối với Kinh Dịch thì hệ thống logic luận đó được tôi nêu ra là: Kinh Dịch là sản phẩm sáng tạo của người Việt trên nền tảng hai nghi Nòng Nọc với tất cả nội dung hàm chứa trong chúng là âm, hình và số. Một định đề được suy ra từ thuyết này và ứng hoàn toàn với Hà Đồ là trong thời vũ trụ đã hình thành, Nước-Khảm là chủ tế của cả hai nghi Đất Nước. Tuy nhiên, cũng sẽ có người lý luận: “Đồng ý, cứ cho là Kinh Dịch của người Việt, phù hợp với hàng loạt các chứng cớ (lẫn về tính đúng đắn của toán học đến tính tương thích với các hiện tượng văn hóa) đi thì vẫn còn khả năng Kinh Dịch đó đã được du nhập từ Kinh Dịch Trung Hoa và sau này các học giả của các anh đã có những sửa chữa cần thiết thì sẽ sao?”. Vâng, vì lý do này mà cần phải đưa một số tiêu chí vào. Thứ nhất, tính đúng đắn. Tiêu chí này là điều kiện cần. Thứ hai, sự phân biệt rạch ròi và có hệ thống. Thứ ba, khả năng ăn sâu vào tâm thức người dân cũng như vào văn hóa. Tiêu chí này lại là điều kiện đủ. Vì nếu nói dân tộc nào đó làm ra Dịch thì tư tưởng Dịch phải chi phối rất nhiều lên đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc đó. Nếu như các di sản phi vật thể của dân tộc anh không còn chút gì của tư tưởng Dịch đó thì làm sao có thể khẳng định 100% dân tộc anh làm ra Dịch lý dù với bất kỳ di sản vật thể nào! Có thể sẽ có người cho rằng nếu như vậy thì vẫn có thể các di sản phi vật thể đó cũng được chi phối bởi tư tưởng Kinh Dịch của dân tộc khác thì sao? Chính vì lẽ này mà tôi đã đặt ra tiêu chí thứ hai là “có khả năng phân biệt rạch ròi và có hệ thống”. Khi đã đặt ra hệ thống logic luận sau đó chúng ta lại lắp ráp các hiện tượng, sự kiện, sự vật vật thể lẫn phi vật thể vào thấy trùng khớp thì kết luận của chúng ta càng thuyết phục. Một số kết quả nghiên cứu của tôi đã được đăng tiếp ở trang này: http://www.vietlyso.com/forums/forumdisplay.php?f=100. Trong giới hạn của một bài phản hồi, tôi chỉ nhắc đến một số ví dụ nhỏ đã có đăng ngay trong link mà ông Hà Văn Thùy đã dẫn ra. Đối với tôi chúng là những chứng lý rất quan trọng hơn cả những chứng lý di sản vật thể Đông Sơn, tranh Đàn Lợn mà ông Hà Văn Thùy đã nêu ra. Về hình, thì với Nọc là một vòng tròn và Nòng là hai vòng tròn thì chúng ta sẽ hoàn toàn giải thích được vì sao các quái (phương diện hình) có nghĩa (phương diện ngôn ngữ) như thế. Và nhờ những phân tích này, tôi đã giải mã luôn các chữ khắc trên trống đồng Lũng Cú. Về số thì đặc trưng nhất phải là các trống đồng, tính phân biệt rất rõ ràng. Người Trung Hoa vì là bát quái (do Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương không diễn tả nổi tính trùng quái) nên họ hay vẽ các biểu tượng trên bát giác đều, còn trên trống đồng thì thấy hằng hà sa số các trống có vẽ sáu con chim Lạc (hay Diệc?); có nhiều trống vẽ 6 con nhưng có một khoảng trống ở giữa hai cặp 3 con; có trống lại vẽ rõ ràng 8 biểu tượng bên trong nhưng 6 chim ở ngoài (6 là biểu tượng cho 6 trùng quái bất dịch. Tuy số quái là 8 nhưng linh hồn của Hậu Thiên Bát Quái là sáu trùng quái bất dịch). Ngoài ra những trống đồng bất đối xứng như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ là những trống đồng mang nhiều thông tin nhất lại thường vẽ hoặc là mặt trời 14 cánh hoặc vẽ 14 chim. Con số 14 chính là con số tượng trưng cho thời Hậu Thiên vì thời Hậu Thiên được chia ra thành hai phần Trời và Đất bằng nhau. Tổng số của các quái là 28, nên mỗi nghi của bát quái Hậu Thiên tổng các quái sẽ là 28/2=14. Hay lấy truyền thuyết “Bà Nữ Oa, ông Tứ Tượng”:

L. bà nữ Oa bằng 3 mẫu ruộng.
C. ông Tứ tượng bằng 14 con sào.

Nếu là Kinh Dịch Trung Hoa thì phải là:

L. bà Nữ Oa như hố sâu thăm thẳm.
C. ông Tứ Tượng bằng 18 con sào.

Hoặc Nước=Thuần Khảm=010010=18, 16=010000=Nước Đất hay đất nước. Nhân đây, tôi xin đề cập đến một hiện tượng văn hóa mà nhiều người nhầm tưởng là được du nhập từ Trung Hoa. Kinh Dịch Nòng Nọc được xây dựng trên nền tảng số và Kinh Dịch của Trung Hoa được xây trên nền tảng độ số. Số các quái viết qua nhị phân là: Càn-111=7, Khôn-000=0, Đoài=110=6, Cấn-001=1, Ly-101=5, Khảm-010=2, Chấn-100=4, Tốn-011=3. Kinh Dịch Trung Hoa lại dùng các độ số như sau: Càn-1, Khôn-8, Đoài-2, Cấn-7, Ly-3, Khảm-6, Chấn-4, Tốn-5. [5] Tổng các độ số các cặp quái đối diện trong Tiên Thiên Bát Quái là 9, vì lẽ này mà khi xây dựng Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương, họ cho tổng độ số của trục Khảm-Ly là 9 còn các cặp khác lấy mod 9=6 [6] . Từ đó, mới có những lý luận tiếp là 9 tượng trưng cho hào Dương, 6 tượng trưng cho hào âm và có những khái niệm như dụng cửu, dụng lục mà hệ quả của nó là ngôi cửu ngũ-ngôi vị đế vương. Người Việt ta trọng số 18 không phải là vì nó là 2x9 mà là số 18=010010=Thuần Khảm-=Nước thời Hậu thiên. Còn bằng chứng trọng nước khá hiển hiện trong danh từ Đất Nước hay Nước chỉ lãnh thổ người Việt sinh sống. Đặc biệt, Nguyên Nguyên trong bài “Thử tìm hiểu số đếm 1-10 trong văn minh Đông Sơn” cho rằng người Việt xưa không đếm theo hệ thập phân. Một trong những bằng chứng được dẫn ra là người Mường không đọc số 27 như chúng ta mà đọc là 39. Tuy nhiên, ở đây ông chưa minh định rõ từ 1 đến 26 người Mường đọc như thế nào cũng như số 28 người Mường có đọc là ba chín một hay không? Người Mường trong Sử thi Đẻ đất đẻ nước có kể vua Dịt Dàng đẻ ra 18 người con: 9 con trai và 9 con gái cũng như truyền thuyết bọc trăm trứng cũng cho thấy chính họ là những người ở lại núi rừng, còn 50 người con khác xuống đồng bằng để trở thành tổ tiên của người Kinh. Cả ba số chín: “9 con trai”, “9 con gái”, “ba chín” làm người ta nhầm tưởng văn hóa Mường chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng theo tôi không phải vậy. Vì rằng, chung quy người Mường và người Kinh (hai chi hệ rất gần nhau) đều bị ảnh hưởng của Dịch lý qua số của tổ tiên họ là người Việt cổ. Người Mường có hai số 9 trong 18 người con nhưng ngay số 18 đã cho thấy tư tưởng Dịch-Thuần Khảm. Còn vì sao tách ra 9-9? Rất đơn giản vì họ ở núi rừng (vua đầu tiên là Tá Cần) nên họ trọng quái Cấn: 9=001001=Thuần Cấn=Núi. Hai số 9-9 tạo ra hai cái núi Nòng và Nọc hài hòa giao cảm nhau. Người Mường tránh đọc số 27 vì 27=011011=Thuần Tốn-tượng Nòng nọc của nó là một vật gì đó động, hung hiểm treo trên đầu núi. Người ta chuyển qua thành 39 lại là ba cái núi. Vậy, cũng cùng là số 9 nhưng nội dung qua lăng kính Dịch Nòng Nọc và Dịch Trung Hoa hoàn toàn khác nhau. Cần phải giải thích thêm vì sao có nhiều số tượng trưng cho Tốn như 011=3, 011011=27, 011011011=219,… nhưng người ta chỉ tránh mỗi số 27? Cũng rất đơn giản, vì chỉ có số đó là biểu thị cho Tốn-Gió thời Hậu thiên-thời vũ trụ đã thành hình.

Có một số bằng chứng ngôn ngữ khác theo tôi có giá trị to lớn hơn các bằng chứng di sản vật thể. Xin đơn cử dưới đây: [7]

Từ Đất nước và Nước: tại sao người ta lại dùng từ Đất nước để gọi lãnh thổ nơi người ta sinh sống, ca hát, hội hè, sinh con đẻ cái, nơi mà người ta có thể hy sinh thân mình để bảo vệ? Có thể là ngẫu nhiên: vì đất và nước là những thứ dân tộc nào chuyên làm nông nghiệp đều phải hiểu và cần đến. Vì vậy, người Việt gọi lãnh thổ là đất nước đâu có dính dáng gì đến Dịch lý. Vâng có lẽ thế. Thế nhưng, khi bạn biết đến Hà Đồ với ngôi vị số 1 là Nước ngôi vị số 2 là Đất (theo Hậu Thiên Bát quái Âu Lạc) thì cái danh từ đất nước hoàn toàn không còn là sự ngẫu nhiên trùng hợp nữa. Và người Việt có thể dùng Nước để thay Đất Nước (nước Việt Nam, đất nước Việt Nam) với nguyên nghĩa của nó thì cái “ngẫu nhiên” này có xác suất quá nhỏ gần bằng 0. Liệu từ Đất nước và Nước này có xa xưa hơn các giáp cốt văn? Và nếu như hai từ này không khắc sâu trong tâm khảm người dân Việt thì qua nghìn năm nô dịch văn hóa có lẽ người dân ta đã không giữ được nó đến bây giờ mà phải gọi bằng tiếng Hán “guo jia”.

TR: trời, trên, trước, trán, trốt (cái đầu-tiếng Việt cổ), trắng, trong (trong suốt), trưa, tre, trúc, trái (sai), trái (bên trái), trai (con trai, ngọc trai), trai (người con trai),…Đ: đất, đít, đuôi, đứng, đá, đi, đạp, đen, đêm, đục, đục (khoét), đỡ, đầm, đầm đìa, đìa, đào, ….Có thể nói đó là những từ đơn giản và thậm chí có thể khẳng định ở bất kỳ ngôn ngữ nào thì những từ đó bắt buộc phải có trước những từ khác. Tất cả những từ đó, ai ai cũng đoán ra là được chi phối bởi Dịch lý rõ ràng: các chữ bắt đầu từ tr là những chữ (mà ngay trong sách Hán định nghĩa) mang tính Nọc (Dương), các chữ bắt đầu từ đ là những chữ mang tính Nòng (Âm, có các từ đứng, đá, đi, đạp có dính dáng đến chân). Liệu ngẫu nhiên chăng?

Các luận giải về các vấn đề trên tôi đã đăng rải rác trên các link đã dẫn, xin mạn phép không đề cập ở đây nữa. Đối với tôi, chỉ cần một trong hai mục vừa dẫn với những luận giải thích ứng cũng đủ thuyết phục tôi tin Kinh Dịch là sản phẩm của người Việt.

Có những bước tiến khá lớn trong công cuộc tìm lại cội nguồn của Kinh Dịch. Một trong những công trình tìm bằng chứng phi vật thể đáng giá là loạt bài viết của ông Nguyễn Cung Thông “Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp” đăng trên khoahoc.net:

Một sự tình cờ dẫn dắt tôi đến với Kinh Dịch và một tình cờ khác đưa tôi đến những khám phá về Kinh Dịch Nòng Nọc. Đến nay đã trở thành đam mê. Vẫn biết “châu chấu đá xe” nhưng với tôi đã là định mệnh. Và hoàn toàn tin tưởng sẽ có ngày những giá trị chân thực của văn hóa truyền thống dân tộc Việt được phục hồi, hiển lộ với tất cả những vẻ đẹp tuyệt vời của chúng. [8]

Trần Quang Bình
Tuvilyso@mail.ru

Các tài liệu liên quan

Hà Văn Thùy. “Viết lại lịch sử hình thành Kinh Dịch”, talawas.org.
Trần Quang Bình. “Kinh Dịch-sản phẩm sáng tạo của nền văn hiến Âu Lạc”.
Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Tìm về cội nguồn Kinh Dịch, Nhà xuất bản VH-TT, 2002, tr. 93
Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam. Nhà xuất bản VH-TT, 2002, tr. 37.
Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh. Kinh Dịch-Cấu hình tư tưởng Trung Quốc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1999, tr. 583-589.
Nguyễn Cung Thông. “Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp”, www.khoahoc.net.
Nguyên Nguyên. “Thử tìm hiểu số đếm 1-10 trong văn minh Đông Sơn


© 2007 talawas



[1]Có thể dùng toán học để chứng minh cũng không khó. Tuy nhiên, tôi vẫn dùng điện toán vì nó nhanh hơn, đồng thời sẽ in ra kết quả nhanh.
[2]Tôi đặt tên là Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc chỉ vì nghĩ là sản phẩm của các người con của ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Cũng như tên của quyển sách đã dẫn. Đến nay mới biết sẽ có những ngộ nhận nếu dùng tên này nên tôi đã đổi quyển sách thành “Kinh Dịch-sản phẩm sáng tạo của nền văn hiến Văn Lang” và bát quái thành Hậu Thiên Bát Quái Văn Lang. Quý bạn đọc cần phân biệt rõ hai bát quái: bát quái do Nguyễn Vũ Tuấn Anh đề xuất có tên Hậu Thiên Bát quái Lạc Việt, bát quái do tôi tìm ra là Hậu Thiên Bát Quái Văn Lang.
[3]Thái cực trong dân gian Việt Nam được vẽ trong tranh Đông Hồ, cụ thể là trên con heo mẹ trong bức tranh Đàn lợn. Và cũng có thể thấy nó trên các đền, đình cổ.

[4]Tôi có tiên đoán là: việc vẽ mắt thần trên người và thú vật (không phải mắt thần bị ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ mà của văn hóa Phùng Nguyên-Đông Sơn) là thực tiễn khá phổ biến của người Việt cổ thời Phùng Nguyên-Đông Sơn. Nếu quý vị nào có các tư liệu khảo cổ nào về vấn đề này xin cung cấp cho tôi. Chân thành cảm ơn.
[5]Người Việt Nam có đặt ra các độ số nhưng chỉ mang ý nghĩa triết học. Họ không dùng để phát triển tiếp Dịch lý. http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/kinhdich/ch9II1ktt.htm
[6]Nhưng nếu quán chiếu qua mod 9 thì chính trục Khảm-Ly lại mang tính âm nhất 9=0 (mod 9).
[7]Có vô vàn những ví dụ như thế. Hiện tại tôi đang hoàn chỉnh quyển hai của sách Kinh Dịch-sản phẩm sáng tạo của nền văn hiến Văn Lang. Một phần đã đăng trên www.vietlyso.com.
[8]Theo ý kiến riêng của tôi, thì thuở xa xưa chỉ có một dân tộc Việt. Sau này mới có sự phân hóa và sự chia rẽ này phụ thuộc rất lớn vào mức độ xâm nhập văn hóa Hoa Hạ vào từng vùng lãnh thổ của dân tộc Việt thời thái cổ. Vì thế, cũng đồng ý và không đồng ý với ông Hà Văn Thùy; đồng ý là Kinh Dịch sản phẩm của những cư dân sống phía Nam Dương Tử xuống tận Bắc Việt Nam làm ra; không đồng ý vì tôi cho rằng tất cả họ lúc bắt đầu có Dịch lý là thuộc một dân tộc Việt thuần nhất. Mãi sau này, khi các tiên đề Dịch đã là một thực tiễn thì sự phân hóa mới xảy ra. Chính vì thế, tôi hay dùng cụm từ “người Việt cổ”.