trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
12.9.2008
Nguyá»…n Mai SÆ¡n
Trí thức: Chiếc mặt nạ và trò diễn
 
Những ngày tháng gần đây trên talawas, người ta thấy cụm từ “lương thiện trí thức” hay “thiếu lương thiện trí thức” xuất hiện ngày một nhiều trong đối thoại (tranh luận hơn thua thì đúng hơn). Đặc biệt cụm từ “thiếu lương thiện trí thức” quả tình làm “nhột” con tim và trí óc của biết bao nhiêu người gọi là “trí thức” (đúng nghĩa hay chỉ là “bán trí thức”, “nửa mùa trí thức”, trí thức phò chính thống, phụ thống, trí thức quan văn “dương vật buồn thiu” (chữ của Phạm Thị Hoài?), “trí thức tùm bà hằng”…), vì chẳng ai muốn mình bị quy kết vào những cụm từ đó. Qua những định nghĩa và tranh luận từ nhiều phía về khái niệm “trí thức” rất “có học” và đôi khi rất “vô học” này (xin những “trí thức” đừng ai vội buồn vì “hữu học” và “vô học” trong đạo Phật có nghĩa rất khác) trong nhiều năm tháng nay trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Và từ lâu lắm rồi, người ta vẫn phải đặt câu hỏi “trí thức Việt Nam, anh (mày) là ai?”.

Trong nhiều “kiểu” trí thức ấy, ở xã hội Việt Nam và xã hội người Việt Nam ở hải ngoại, nổi bật và đan cài vào nhau là hai “loại” trí thức: “trí thức chống cộng” và “trí thức thân cộng” (trong hai loại này đều có những kẻ “lưu manh giả danh trí thức”, những kẻ mắt còn tinh hay thực sự đã thoái hóa từ lâu rồi nhưng vẫn thích “đeo kính trắng, kính màu” để nhìn (nhìn nhưng chưa chắc đã thấy) lịch sử và cả những sự thật lịch sử, bởi cũng có những thứ “lịch sử” chẳng thật chút nào).

Câu hỏi “trí thức Việt Nam, anh (mày) là ai?” làm đau đầu biết bao “giáo sư” (dạy người thì ít mà bị người dạy thì nhiều), “tiến sĩ” (quên cả sĩ để tiến) làm cho xã hội xuất hiện nhiều “vẹt” già mồm chửi quá. Và cứ thế năm này tháng nọ “trí thức vẹt” lại sinh ra “trí thức vẹt”…

Chửi bới, xuyên tạc, mạ lị nhau thì những “trí thức” kia lại được “đào tạo” rất bài bản, theo kiểu “ta sống nó chết” (phe ta, phe địch rất rõ ràng), lôi sách vở, lôi tư liệu và lúc cần thì lôi cả đời tư nhau ra để hạ thấp nhau. Nếu vẫn còn những “kiểu”, “loại” trí thức như trên thì chẳng bao giờ cái câu hỏi “trí thức Việt Nam, anh (mày) là ai?” được trả lời. Thử thêm một định nghĩa (cứ thử thêm đi) về trí thức: “Đánh đĩ” (xin lỗi, đánh bóng) từ ngữ, khái niệm, tư tưởng mà mình theo để giành nhau hơn thua, rồi đêm về “thở dốc”, huyết áp tăng, tụt, nóng giận vô cớ, kiếm bạn (đồng minh) để nhét đầy tai họ những lời chửi rủa, tự cho mình quyền đã nắm “chân lý”, quyền “đúng”, tẩy chay cả cái quyền “ngộ luận” của người khác.

Những ngày gần đây, thấy mấy “anh” trí thức Phùng NguyễnTrần Văn Trạng (với những phe và đồng minh của mình) trên talawas tranh luận (miệt thị) nhau dữ quá (có thể do lâu nay độc giả talawas chưa được “tởn”), họ miệt thị nhau để khẳng định “tính chính danh” của mấy thứ tư tưởng (“đỉnh cứt trí tuệ”, chữ dùng của Kiệt Tấn), để nhất định rằng mày không phải là “cộng” thì “trừ cộng” (có những kẻ vừa trừ vừa cộng), vĩnh viễn mày là thằng “khủng bố trí thức”, vĩnh viễn mày là thứ “kết tội vô lối”. “Tự ái” quá mà làm gì khi cái bọn “khủng bố trí thức” vẫn đầy ra trên các trang mạng và cuộc sống thực hàng ngày. Bởi có kẻ nào đó chẳng coi “trí thức” ra cái thá gì thì chẳng phải kẻ ấy đang nhận cái án “khủng bố” trí thức hay sao?

Trong cái sự ồn ã về “trí thức” hiện nay, có những người chỉ xin được làm “phó thường dân” vì không ít người cũng có lúc đã từng bị “điên” khi nhét vô đầu mình cái danh “trí thức” (một trào lưu ưỡn ngực tự phong khi chỉ cần có một mảnh bằng là đủ), bảo mình hàng ngày thức dậy phải vỗ ngực nói to lên rằng “tôi (tao) là “trí thức””, nhưng nói mãi mỏi mồm thì cũng chỉ có những người (thằng người, con người) cùng ngôn ngữ tiếng Việt mới biết “trí thức” nó là cái quái gì đó, chứ mấy ông (thằng) Tây, và những thứ động vật khác như chó mèo trong nhà chẳng thể hiểu cái thằng “trí thức” ấy được giáo dục những gì mà nó “điên”, nó “vừa ngố vừa nhặng xị” với cái hư danh ấy đến thế.

Cứ như rằng nếu nói được thiên hạ là “thiếu lương thiện trí thức” là mình đang “thừa lương thiện trí thức” vậy. Và cứ như rằng khi mình bị nói là “thiếu lương thiện trí thức” thì nhục nhã lắm, không chịu nổi, cái bọn “trí thức” kia sẽ hiểu nhầm, hiểu sai là mình “thiếu lương thiện trí thức” thật. Ôi chỉ một cái danh xưng (giả danh) “trí thức” thôi mà thế gian này có nhiều kẻ trong đối thoại vẫn đĩnh đạc chỉnh “mũ váy” thưa ông này, thưa bà nọ một cách lịch sự (tôi xin lỗi, chửi nhau thế thì cứ gọi thẳng nó bằng thằng đi cho “tiện” và minh bạch hơn với những thứ ngôn ngữ còn “lịch sự” hơn nhiều ở trong đầu), tội chi tình nguyện dấn thân vào để vun xới cái “đỉnh cứt trí tuệ” cho cao mãi ra đến như thế. Nhưng “trèo cao thì ngã đau”, nhỡ mồm nói ra những câu “thừa lương thiện trí thức” nhưng lại “thiếu tính người” thì “bỏ mẹ”.

Phật Thích Ca cũng nói đến hai hạng người gọi là “Thiện tri thức” và “Ác tri thức”. Kinh Phật kể rằng, Đề Bà Đạt Đa là hạng người “Ác tri thức” khi nhiều lần tìm cách hại Phật để tranh làm giáo chủ. Theo thói thường thì người ta luôn khuyên hóa đạo đức theo thiện bỏ ác. Tuy nhiên, Phật Thích Ca lại bảo rằng ông ta sẽ thành Phật ở tương lai. Và có câu chuyện thú vị rằng khi ông ta gặp một trận động đất, bị đất đá vùi chết và lập tức sa đọa vào địa ngục, có một vị đại đệ tử Phật xuống địa ngục thăm, thấy ông ta ngồi trên lò lửa, bèn hỏi ông ta có cảm thấy nóng khổ không thì ông ta thản nhiên nói rằng ta đang ngồi trên hoa sen đấy chứ, ta đang rất an lạc, có thấy nóng khổ gì đâu.

Trước những thực tế của cuộc chiến tranh tại Việt Nam, vết thương đau của biết bao nhiêu gia đình người Việt còn đó khắp các làng quê Việt Nam. Sau khi người cộng sản chiến thắng, vài triệu người (ở tư tưởng đối lập) chịu không nổi với hoàn cảnh sống mới (bị đối xử phân biệt, coi là ngụy quân, ngụy quyền) bỏ nước ra đi và trên đường đi ấy biết bao nhiêu cảnh đời phải chịu thống khổ, bất hạnh. Nhưng nỗi bất hạnh ấy có nhiều hơn nỗi bất hạnh của những gia đình còn ở lại trên khắp mảnh đất Việt Nam, khi gần như gia đình nào cũng có người chết, què quặt, quái thai vì chiến tranh, có bao nhiêu những người mẹ mất chồng và mất hết các con?

Và những gì người Mỹ đã làm tại Việt Nam thì không ai phủ nhận, có bao nhiêu những thứ vũ khí tối tân, ác độc nhất đều được thử nghiệm ở chiến trường Việt Nam và bao nhiêu tấn chất độc hóa học mà cho đến bây giờ hậu quả của nó còn vô cùng khắc nghiệt. Chẳng lẽ đó không phải là sự thật? Có cuộc chiến tranh nào mà không đem lại cho con người những tổn hại và tha hóa? Từ mấy ngàn năm trước, sử thi Mahabharata của Ấn Độ đã nói đến chiến tranh dù là chính nghĩa hay phi nghĩa thì đều dẫn đến những sự tha hóa không lường trước được của lòng hận thù. Trong chiến tranh ấy kẻ nào đã lấy “lửa” làm “hoa sen” và kẻ nào đã lấy “hoa sen” làm “lửa”? Nhiều người Hàn Quốc đã từng cảm thấy hối hận và giày vò lương tâm vì tham chiến, ủng hộ tham chiến tại Việt Nam, gây ra những cuộc thảm sát dân thường vô tội, nhưng không biết có trí thức nào trên đất nước họ có thể cười được trước nỗi đau chia cắt của hai bờ Nam Bắc?

Các ông (có cả các bà nữa) tranh luận thì cứ tranh luận nhưng đừng nên tự cho mình cái quyền phán xét nỗi đau của biết bao gia đình trong các cuộc chiến tranh “đầy bom đạn, cứt đái và vân vân thứ” ở Việt Nam. Các ông cứ thử kể hết những nỗi khổ đau “to lớn” mà đến giờ này làm cho các ông ám ảnh nó như vậy để cho mọi người xem, hay thực sự các ông chỉ muốn xé toác cái “nhân văn”, “nhân đạo” của chiến tranh ra để các ông ban ơn mưa móc cho biết bao nhiêu nỗi đau mất mát của dân tộc Việt Nam? Có thể các ông là những “chiến binh trí thức”, vậy mong các ông hãy dồn hết tâm huyết và thời gian còn lại trong cuộc đời để nghiên cứu hay viết đồ án về một cuộc chiến tranh mà chẳng có bên nào phải đau khổ hay chỉ có một bên phải đau khổ thôi thì nhân loại sẽ cảm ơn các ông lắm lắm.

Còn cứ ngồi mà vân vê quá khứ, chém chả hiện tại, hơn thua với được mất thì các ông sẽ mất trước khi các ông biết được thế giới này ngày mai sẽ có những kẻ thù nào đang bắt tay nhau làm bạn và cũng sẽ có những kẻ đang làm bạn với nhau lại trở mặt thành kẻ thù (chủ yếu là vì lợi quên nghĩa thôi). Các ông có thể thấy hết, thấy một nửa hay chỉ thấy một phần sự thật của các cuộc chiến tranh, nhưng dù cái thấy một phần hay cái thấy hết thì cũng chỉ là những cái thấy thô thiển như nhau thôi khi các ông không thấy rằng nhân loại từ cổ chí kim cũng đã từng thấy như các ông, viết lại lịch sử để truyền đời, nhưng gần như càng thấy nhiều càng làm cho chiến tranh trở nên tồi tệ hơn, bởi vốn dĩ cái tâm thức chiến tranh trong chính mình, gia đình mình, trong cái “đỉnh cứt trí tuệ” của mình có bao giờ mất đi đâu. Có nước nào “dân chủ”, “nhân quyền”, “bảo vệ công lý hòa bình” bằng mấy anh trong Hội đồng Bảo an Cấu kết (cấu xé) nước, nhưng cứ thử xem có anh nào xuất khẩu vũ khí để giết người, để gây chiến tranh nơi nọ, nơi kia bằng anh trùm Mỹ và Nga.

Kẻ “ác” ngồi trên “lò lửa” mà bảo là “hoa sen”, còn có những kẻ “thiện” ngồi trên “hoa sen” lại thấy nó như “lò lửa”. Chúng ta đứng ở đâu trong các cặp thiện - ác, lò lửa - hoa sen, lương thiện trí thức - thiếu lương thiện trí thức thì đứng. Trí thức Việt Nam, anh (mày) là ai? Trong thế giới mà xu hướng tâm lý luôn mong “kéo thấp người khác xuống cho bằng mình” thì người ta sẵn sàng đứng ở cái “đỉnh” của mình mà bốc “cứt trí tuệ” ném vào mặt nhau kiểu “chó sủa mặc chó, người đi mặc người”, làm gì còn thời gian mà nâng cấp cái Đẹp, cái Thiện để nhìn nhau một cách bình đẳng rằng chúng ta đều là những kẻ mặt ngang mũi dọc..., đang tranh nhau chụp lấy những chiếc mặt nạ nhân cách (núp dưới danh xưng trí thức) mà úp vào mặt mình, diễn trò, diễn trò và diễn trò…

Nhớ lại ông trí thức (có người gọi là đại trí thức) Nguyễn Trãi, không biết ông ta có “khủng bố” ai không mà ông ấy “khủng bố” chính mình gớm đến như thế, khi thốt ra rằng “Ta dư cửu bị Nho quan ngộ” (Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà Nho nó chụp làm cho sai lầm). Tôn vinh một thứ “đỉnh cứt trí tuệ”, ra cúi vào luồn trước nó, khốn thay cái “đỉnh cứt trí tuệ” vay mượn từ bên kia cương giới lại là một thứ “vũ khí” lợi hại để lên lớp với văn hiến của dân tộc mình, xâm chiếm dân tộc mình. Và khốn thay cái “nhà nước” mà ông cúc cung tận tụy ấy cũng lại chỉ là nhà nước của một số tên “trùm” giả nhân giả nghĩa, diệt khai quốc công thần nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc. Bọn chúng đều lấy những “đỉnh cứt trí tuệ” để diệt nhau, có ai nghĩ đến mối tiên ưu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, có ai nghĩ đến “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của ông đâu? Thật đáng buồn thay!

© 2008 talawas