trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
28.5.2004
Lý Đợi
Thơ dơ ở Việt Nam?
Hay là vài ý rời với mục IV & V trong bài Mới-Cũ trong thơ và Hậu Hiện Đại của Phan Nhiên Hạo
 
1.

Phải thú thực, đây là bài viết đầu tiên của Phan Nhiên Hạo làm tôi phải đọc tới lần thứ 3. Không phải vì nó quá "u ám", khó hiểu, mà vì nó có nhiều vấn đề mà tác giả này hơi đa đoan-nhiều chuyện, làm tôi muốn tranh rồi luận. Thế nhưng, tôi lại đang muốn bỏ tính nhiều chuyện,bỏ cái thói soi mói vào những việc không phải của mình. Nay xin "đối chấp" với riêng 2 mục như đã nói ở đầu đề.

Ở mục IV, có tên "Cách hiểu 'Giễu Nhại' ở Việt Nam hiện nay", Phan Nhiên Hạo viết: "...Nhưng ở Việt Nam, khi dùng từ "Giễu nhại", người ta lại chú thích là Pastiche. Dù sao, sự lầm lẫn thuật ngữ này cũng không quan trọng lắm. Điều tôi muốn chỉ ra là trong thơ Hậu Hiện Đại Việt Nam hiện nay, tiêu biểu như bài Thời hoa đỏ lè của Bùi Chát, có vẻ như người ta chỉ mới biết đến sự Nhai Lại (Pastiche) của Jameson, chứ chưa có có hội tham khảo quan điểm Giễu Nhại (Parody) của Hutcheon". Nhưng cách đó rất ngắn, khoảng 10 dòng gì đấy, trong mục V, có tên "Làm mới thơ", tác giả này lại viết: "Nếu chỉ làm thơ dưới áp lực của cái 'mới', chúng ta sẽ rơi vào thơ duy ý chí. Thơ ca trở thành minh hoạ cho lý thuyết". Đọc 2 đoạn trích, chúng ta có thể thấy rõ ràng sự mâu thuẫn, và có vài ý cần nghĩ lại:

  • Ở trên, bảo bài Thời hoa đỏ lè chưa có cơ hội tham khảo tinh thần parody; nhưng dưới thì bảo không khéo thơ sẽ trở thành thứ minh họa cho lý thuyết. Vậy parody hay pastiche là cái quái gì nếu không phải lý thuyết? Biết một thì minh hoạ một, biết hai thì ắt phải minh họa hai chứ… Vậy thì, một người biết nhiều như Phan Nhiên Hạo sẽ minh hoạ biết bao nhiêu? Có buồn cười không khi nghe tác giả này lý luận, không biết thì sẽ "trung tính", lạc đường;còn nếu biết thì sẽ rơi vào minh hoạ. Trên thế gian này, ngoài cái biết hoặc không biết việc mình làm, còn một kiểu nhà thơ thứ 3 chăng?

  • "Khái niệm Giễu Nhại (parody) mang tính chính trị" mà Phan Nhiên Hạo nói với thơ Việt Nam hiện nay, thật là có ý ngớ ngẩn. Ngớ ngẩn đầu tiên, là đồng nghĩa chính trị với tác phẩm có ý tưởng, có tính nghiêm trọng. Tác giả này không biết rằng (hay làm bộ không biết rằng), có thể chế xã hội nghĩa là đã có tính chính trị; vì thế, một tác phẩm sinh ra trong bất cứ xã hội nào, cũng đều mang tính chính trị hết cả, ngay một tác phẩm thờ ơ triệt để với tất cả các vấn đề của xã hội mà nó sinh ra. Cái ngớ ngẩn thứ hai, là tác giả này không biết cái parody rõ nét nhất ở Việt Nam là phải sống trong nó, cứ ngày ngày đối mặt với những khó khăn-áp lực-bất an mà nó mang lại. Im lặng hoàn toàn trong một hoàn cảnh như thế cũng đủ bày tỏ một thái độ chính trị rồi. Tôi đã thấy và còn sẽ thấy những kẻ được xem là "to mồm gốc Việt" khi về nước thì im như thóc mốc, dù chẳng ai dại đụng đến một sợi lông của một công dân nước ngoài; còn khi đã ở trong, thì dù anh có nói cỡ nào hay im lặng cỡ nào, đó cũng là một thái độ đáng ngờ, tất nhiên, nếu anh là người làm thơ-viết văn, thì sự đáng ngờ càng cao hơn.

  • Nhóm Mở Miệng thấy rằng việc mình đang làm hơi giống với tinh thần Hậu hiện đại, nên nói rằng mình sáng tác theo tinh thần Hậu hiện đại. Chứ chưa bao giờ nói rằng mình viết theo lý thuyết Hậu hiện đại cả. Lý thuyết phải khác với tinh thần chứ! Hình như Phan Nhiên Hạo không phân biệt được chuyện này. Nói thật, nếu ai đó sáng tác mà cứ lo khư giữ, đối sánh với lý thuyết thử xem mình có đi chệch đường không thì quả là ngây ngô-đần suy nghĩ, vì lý thuyết luôn là cái theo đuôi các tác phẩm. Phải xem các lý thuyết, các khái niệm như thứ phương tiện rẻ tiền,một thứ giấy vệ sinh ở các nhà vệ sinh cầu cá tra ở nông thôn miền Tây. Khi cần thì lấy xài, xong là bỏ, chẳng lẽ cứ phải quấn quanh mình đi đây đi đó để khi nhỡ… thì lấy ra dùng ư? Giấy vệ sinh mỗi nơi mỗi khác, cần thì mua thôi.

  • Cũng trong hai mục này, Phan Nhiên Hạo cũng đã nhiều lần "mủi lòng" và cũng đã nhiều lần đứng ra khuyên các "nhà thơ Hậu hiện đại nên làm thế này" làm thế kia. Tự nhiên tôi tự hỏi: Anh ta đang làm công tác gì vậy? Trước đó anh ta đã khuyên mọi người hãy "nên giữ cho mình quyền sáng tạo độc lập". Vậy thì, trong tinh thần độc lập-dân chủ (nếu có), nếu anh đã biết đường đi thì cứ đi đi, sao lại có vẻ quá bận tâm đến chuyện đời tư của người khác vậy. Anh sợ người khác đi lầm đường rồi phí sức hay hy sinh ư? Thời nào mà chẳng có lắm tử sĩ, vạn xác chết chưa làm nên được một thân anh hùng mà. Chúng tôi không nói mình sẽ là những tử sĩ, nhưng chúng tôi cũng sẽ không là "anh hùng"; anh hùng ngầu hơn nhiều, và nhục hơn nhiều. Nếu Phan Nhiên Hạo là anh hùng, thì xin mời cứ tự nhiên xông tới và về đích với vinh quang lẫn cờ hoa nhộn nhịp đi.

  • "Nếu làm thơ dưới áp lực của cái 'mới', chúng ta sẽ rơi vào thơ duy ý chí". Điều này cũng cần trình bày cho Phan Nhiên Hạo rõ là nhóm Mở Miệng, lúc này, đang không làm thơ dưới áp lực của cái mới. Bài thơ như Thời hoa đỏ lè làm sao lại nói là bài thơ mới, theo nghĩa làm thơ dưới áp lực tạo ra cái mới thật sự (theo kiểu nghĩ của Phan Nhiên Hạo và các nhà avant-gade). Và bài thơ Thời hoa đỏ lè (nhắn với Vương Văn Quang là đã viết tên sai rồi nhé) cũng không phải là bài thơ tiêu biểu của Bùi Chát, tác giả này đang cùng một lúc viết 3 tập thơ theo 3 cách hoàn toàn khác nhau, có ngày viết tới 20 bài,một kiểu công nghệ. Theo quan điểm của Bùi Chát, thì làm thơ đâu có gì khó, có thể đọc lại bài Thơ dễ quá, thua liền đã in trên talawas để hiểu thêm. Do sự cách ngăn, thật bất hạnh, Phan Nhiên Hạo đã không được đọc nhiều thơ Việt, kiểu như các nhà thơ Việt hiện nay không được đọc nhiều lý thuyết, cái thứ mà Phan Nhiên Hạo đang đọc.

  • Thơ dơ ở Việt Nam!? Quả thật, tôi đã nhiều lần tự hỏi và trong bài phỏng vấn mà Liêu Thái đã thực hiện trên talawas, tôi cũng đã đề cập đến ý này trong vấn đề các nhà thơ không chính thống. Thế nào là thơ dơ? Ai đó đang lấy đất bùn bôi bẩn vào các tập thơ ư? Hay thơ dơ là thơ viết về những thứ được xem là taboo của dân Việt. Lồn, cặc, tinh trùng, cứt đái… ai mà không có, có gì đâu phải "thẹn thùng" khi nói đến nó chứ. Xưa nay, văn học Việt vốn quen nói về những điều cao cả, nghiêm trọng (dù nói rất tệ) nên đã làm hư đầu-hư cách nghĩ của những người giống Phan Nhiên Hạo. Mà nếu đó là thơ dơ thật thì đã sao; nó cũng là một sản phẩm được sinh ra từ những cái đầu trung thực và thích dân chủ mà. Nó cũng là một phần chính yếu của đời sống. Tôi kinh sợ những kẻ đạo mạo, luôn tỏ ra đạo đức nhưng khi có điều kiện là dở trò. Tôi có biết một kẻ mần thơ khi về nước, bỏ ra vài đồng đôla chui vào một nhà trọ cùng lúc với 3 gái điếm; sau khi xong sự hả hê, lại quay ra chửi những cô gái kia đốn mạt, lừa tiền của một kẻ "thanh sạch" như hắn. Không biết Phan Nhiên Hạo có thấy chi tiết này giống với Bút ký dưới hầm của Dostoievsky không. Còn khi đã ở Việt Nam ấy, có thằng nào làm thơ lại không dính vào dơ đâu. Không dơ ở ngoài thì cũng dơ ở trong, như hoa sen vậy, phải có đôi chỗ "trên cành hoa sen" là dơ chứ, môi trường dơ mà. Nhưng ở Mỹ hay in the world, theo chỗ tôi biết, cũng khó giữ mình thanh sạch.

  • "Nhưng để làm mới thơ với tinh thần Hậu Hiện Đại, trước hết nên đọc về Hậu Hiện Đại đến một mức nào đủ để thấy sự đa dạng của nó". Tài liệu thì luôn cập nhật, các lý thuyết gia thì nhiều như chó rơm [sổ cẩu], cỏ dại,đọc đến bao giờ mới hết, mà đọc không hết các quan điểm thì làm sao để mà thấy hết sự đa dạng. Có người còn nói, cứ 10 thằng viết văn thì có đến 8 đứa có nguy cơ trở thành "nhà phê bình". Cứ nói năng, cãi cọ lẩn thẩn như thế này, có khi 2 thằng đầu tiên sẽ bị loại ra khỏi danh sách sáng tác là Phan Nhiên Hạo và Lý Đợi… Mà than ôi, khi đã tin mù quáng vào các lý thuyết gia, nghĩa là tin vào những khuôn khổ-cái bất biến; mà sáng tác như thế, thì hết bàn, nói như kiểu dân gian là đã bị liệt dương.

  • "Thơ Hậu Hiện Đại không phải toàn bộ thơ đương đại, mà chỉ là một bộ phận trong nền thơ ca đa dạng của Hoa Kỳ". Vậy thì Phan Nhiên Hạo đưa ra hai trường hợp thơ (E. Bishop và J. Ashbery) để làm gì cơ chứ. Bởi 2 hướng của 2 nhà thơ này đâu phải là tất cả thơ Mỹ; theo chỗ tôi biết, ở Mỹ có lắm kẻ làm thơ lắm mà (trong đó còn có cả Phan Nhiên Hạo) thì 2 hướng làm sao đủ. Với lại, phải biết rằng, khi phải kể về hai nhà thơ yêu thích nhất, hay chỉ đơn thuần là phải kể 2 nhà thơ thì chắc chắn mỗi người mỗi khác. Bishop âm thầm, hàng nghìn kẻ khác cũng âm thầm,nhưng Bishop thành công. Ashbery thì ồn ào, hàng nghìn kẻ khác cũng tìm cách ồn ào,nhưng chỉ Ashbery là thành công. Vậy thì việc trưng ra 2 nhà thơ nổi tiếng thì đâu hù doạ được ai, nhất là những người cầm bút khác. Tôi tin chắc Phan Nhiên Hạo đã tảng lờ đi những lời chê của người khác đến hai nhà thơ này (E. Bishop và J. Ashbery).

  • Sau hết, tôi rất thích một phần câu phát biểu của A. Baraka: "THƠ CỦA TÔI là bất cứ cái gì tôi nghĩ tôi là (…) TÔI CÓ THỂ LÀ BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TÔI CÓ THỂ. Tôi làm loại thơ mà tôi cảm thấy hữu dụng…". Vậy mà Phan Nhiên Hạo (đúng là "Tha nhân-địa ngục") cứ tìm cách khuyên người khác phải như thế này-thế kia.

Theo quan điểm của Phan Nhiên Hạo thì cốt yếu là để hữu dụng-theo kiểu hướng tới cái đẹp-sự bất tử, và không bị xếp vào số phận rác rưởi của đời sống. Vậy thì anh còn nói đến chuyện "của mình và của người làm gì nữa. Bởi nhìn lại anh đi, một người Việt chính hiệu-lại đang "bám rễ" ở nước ngoài (ở đây, tôi không có ý chê nước ngoài), than ôi, biết đâu là của người với của mình chứ.


2.

Để duy trì lời đã hứa, đúng hơn là một hi vọng trong các bài viết trước đây; và cũng để thấy thơ "hữu dụng" như thế nào, xin khuyến mãi những bài thơ mà nhiều kẻ xem là rác rưởi, thơ dơ. Tất nhiên, cũng chỉ là những gương mặt dơ quen thuộc. Nói như thế xin đừng tưởng rằng ở Việt Nam không còn thơ dơ khác; nhưng các tác giả của nó đang tìm cách đổ tội cho dân gian, tiếu lâm, hoặc đang hèn nhát đọc thỏ thẻ đâu đó trong phòng bia ôm, phòng gái điếm… Hoan hô các tiểu muội gái điếm, sao các muội lại có diễm phúc được chứng kiến nhiều bộ mặt thật đến thế.




Bùi Chát
Hoảng hốt với một quả lựu đạn trong túi quần mùa thu*

mùa thu như một người già nhập cư mặc quần áo cũ
lạc lõng và phiền trách các đổi thay
không phải tôi là một người lắm lời, tôi chỉ không giữ được bí mật
sự vô vọng của các kết hợp khiến tôi muốn được nghe
tiếng của những chiếc lá rụng vào ngực
một người nằm dài dưới gốc cây
với một quả lựu đạn trong túi quần

bánh mì làm bằng lúa mạch có pha chút tỏi
tôi không thích việc vứt thức ăn cho chim bồ câu ở quảng trường
chúng không làm gì ngoài việc mổ mổ và đạp mái
những nhà quý tộc thời xưa làm tình thế nào, có giống bồ câu không?
sách vở mô tả phần đông họ là những tay trác táng
họ có từng vặt lông chim và chỉ ngón tay lên mặt trăng?
nếu họ hiếp dâm thì phải mất rất lâu để cởi áo quần
người ta nói đất nước tôi đã từng bị cưỡng dâm liên tục!

khi còn bé tôi đã nhổ nước bọt vào bàn tay ngửa ra của một người mù
bây giờ tôi phải làm gì trong mùa thu?

hu hu hu…


chú:
* đúng ra phải là: hoảng hốt với một cái điện thoại di động trong túi quần mùa thu [1]


Trích bản thảo tập thơ nghĩa địa "Xác ướp trở lại", dự định xuất bản vào năm tới với 333 bài




Khúc Duy
Ứ …ừ…

em uống gì đi - anh uống gì
đi, em sướng mần răng - anh sướng
mần rứa, chấp em (anh) sướng trước

thôi đi cha nội, dạo này tu!
rụng tóc rụng râu rụng lông rụng
cu luôn nè

anh muốn làm nghệ sĩ hạt nhân
hột nhơn hột người hột le chấm
nước miếng được hôn

cái mặt lồn ơi hãy nói với
em giùm tôi




Lý Đợi
Xã hội 5

Chú thích cho thi sĩ họ Phan [không phải Bá Thọ & Huyền Thư]:

em là ai trong ba cái
này: holly hunter-harvey keitel-sam neil
này ada [the piano]
này khi muốn gọi em, anh rối trí
này anh muốn nằm chung giường…
mà sao thế, nhiều lúc anh tưởng em dustin hoffman-geena davis-andy garcia
mà sao thế, anh đâu nói we're all heroes-if you catch us at the right moment [hero]
chết thiệt, lại nhớ lẫn meryl streep-julianne moore-nicole kidman [the hours]
thật tồi tệ anh là thằng sến cuội…
đọc những dòng thế này
em có thấy sến cuội không…

khốn khổ thật, nếu bạn sống ở xứ mất tự do hay một kiểu tự do khác [vietnam]
bạn sẽ trở nên chính trị một cách kệch cỡm…

khốn khổ thật, nếu bạn là một thằng công an văn hoá
bạn sẽ chẳng bao giờ biết được văn hoá ở nơi mô…

khốn khổ thật, nếu bạn là một nhà thơ made in vietnam
bạn sẽ dơ, sẽ hèn và sẽ chống cộng một cách rất sến…

khốn khổ thế, nhiều lúc tôi muốn đánh bom bùi chát và bọn la hán phòng
vì bọn nó cho rằng làm thơ rất dễ…
nhưng nghĩ lại bọn nó cũng có mình trong đó…

em thấy không, anh đã cố gắng làm một bài thơ trữ tình & rất sến
[sến kiểu tinh thần dân tộc và rao giảng bản sắc -mặt]
nhưng có được…

anh cũng cố làm một bài thơ mô tả hiện thực phì nộn
nhưng lại rất sơ sài…

vậy là bài thơ xã hội 5, anh nên viết gì đây
dơ chăng… sao dơ bằng đồng bọn
sến chăng… sao sến bằng dân tộc

ở vietnam [thì] làm gì cũng được và làm gì cũng không…
thật là quá amen!

Trích tập "Tao là cái búa vỉa hè"



Phan Bá Thọ
hai lên một xuống

sự tỉnh thức có nhiều lúc giống hệt như ân sủng của tạo hóa ban tặng. đôi lúc, nó cũng mang mùi vị khét lẹt của một phát súng ơn huệ
đùng, xuyên tai óc tóe tung & hồn phách bay tuốt luốt trời cao, mai - đi - mốt - trở - lại

sở hữu đồng thời 2 cái lỗ - cá - nhân - thủng - lịch - sử [lỗ 1: 45 kg - tóc vàng bốn số tám - 3 vòng vàng bốn số chín & mùi đặc trưng nóng hổi của bắp nấu. lỗ 2: chễm chệ cuối háng lỗ một - với sở thích đi giày đỏ thể thao & ice coffee năm lượt một ngày] nhưng, cái thằng tôi [tộc - viên - dâm - đãng] này, cũng rất khoái trá [hình] với những vụ, kiểu: nhìn xiên ngó xéo rồi bú mớm liếm láp lung tung trong lông lá tưởng tượng chân trời… porto - madrid

  • thành viên của hiệp hội nhà nghề poet - foot - bomb - squad nhưng cái thằng tớ tôi này rất hãi chơi bóng ở những sân đầy rẫy police khán giả & những khoa điên lượm banh rờ dẹt.

  • một lần, rê dắt bóng bay bên sườn núi xám với những ma hời & nhận ra nhiều nhẽ: mọi gương mặt ở xứ ết sờ này đều có một màu xám ngắt sự chết. lá xám, đường phố xám, lời qua tiếng lại xám & tất thẩy xám xịt dưới bầu trời xám xịt. à, cả những con tinh trùng vừa bước chơn ra khỏi dương [gian] vật [vã] cũng lung linh một màu xám nốt.

  • đéo khoái khẩu với cái đội hình vừa ba phải, thù tạc của wũ thị. nhưng, tôi cũng đâm thinh thích cái cách hắn ta ới gọi đồng đội mình: ê, hai lên một xuống…thọc bóng vào chỗ này này…thọc vào thọc vào

hai lên một xuống ở cái xứ sở hốc bò tó này thì một đống [chứ chả riêng gì minh đỏ]: trần đức thảo triết sỹ / trần văn giàu huyện sỹ / trần dân tiên một phẩy đạo tặc sỹ / nguyễn đình thi ca sỹ / nguyễn khoa văn múa sỹ / nguyễn kim thành vô sỹ.… còn một xuống hai lên cũng không ít: lê khả feel / nguyễn cao kỳ cọ / nguyễn hữu chánh thức / lương quốc dũng sỹ…
như vậy cũng đủ vừa cho một tiểu đội lên lên xuống xuống. thủ môn: đảng cộng sản việt nam vinh quang bất hủ chai lọ

xưa nọ, nguyễn du cô nương lọ mọ gót hài vượt biên giới [tính] tít một cái sang tận xứ tàu bay [xa xôi rất khó bị phát hiện], để tìm kiếm kiều nhi gái gọi mà thỏa lòng chơi bế. lệ gọi là phắc gay cùng tính, còn tục gọi là một sướng hai rên [à, nói để rõ thêm: một là tên của sếp a, b nào đó đại loại bất kỳ. còn hai là tên để gọi chung cho tất cả các bọn thuộc cấp của hắn]

saigon 22.5.04



3.

Phụ lục. Bởi Vương Văn Quang (trong bài Hạ văn chương) gọi tôi là anh, dù nhỏ tuổi hơn tôi cũng xin nhận trách nhiệm làm anh [khó đấy, đâu phải chuyện đùa] này. Vậy em nhỏ yên tâm đi, anh sẽ nể tình huynh đệ [tương tàn] mà không viết bài chửi rủa; hoặc gọi điện uy hiếp-đe doạ đến tính moạng [Quảng ngữ] gia quyến em đâu. Có đề, mấy cái sai của em anh cần nhắc và răn đe [nhại Trần Wũ Khang]: Thứ nhất, đang học lớp 3 hay lớp 4 mà viết như thế, khi chưa đủ ý thức trách nhiệm với công việc mình đang làm thì cuộc đời của em khốn nạn là phải. Với lại, khi đã làm thì nên công bố [mà có khi công bố lúc đó, em quả là thiên tài rồi] sao lại dấm dúi, để bây giờ quên trước quên sau [theo kiểu thơ mới làm mà cố tình không nhớ nổi]; đúng là chẳng ra cái gì. Thứ hai, khi muốn nói đến thơ vần, em phải nói cụ thể là tác giả nào-bài nào, còn nói chung chung thì không được. Em đừng có tập cái tính lập lờ mà các "kẻ sĩ" cầm bút ở ta đang dùng một cách hưng thịnh. Tại sao em lại đem thơ vần chung chung để so sánh với cái cụ thể là hội họa, điêu khắc thời Phục Hưng; mà cho dù là Phục Hưng thì em cũng phải nói rõ tác giả và tác phẩm nào; bởi thời nào không có lắm kẻ bất tài nhảm nhí [nhảnh hoặc nhố]. Hơn nữa, ở trên em nói kính thưa các loại trường phái như dada, lập thể, siêu thực… ở dưới em lại nói đến hội hoạ Phục Hưng, coi chừng người ta nói em mâu thuẫn và bảo thủ. Em đúng là kiểu chuẩn cho số đông người đọc Việt Nam.

Hạ hồi phân giải. Vô tư.

La Hán Phòng 23.5.2004


© 2004 talawas


[1]Chú thích của talawas: Nguyên văn bài thơ này là của Phan Nhiên Hạo. Bùi Chát có thay đổi tựa đề, thêm dòng cuối "hu hu hu..." và lời chú.
<