trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: 255 năm ngày sinh của Johann Wolfgang Goethe (28.08.1749 – 28.08.2004)
 1   2   3 
28.8.2004
Nicholas Boyle
Goethe, con người kì dị và bí hiểm
Trương Hồng Quang dịch
Johannes Saltzwedel thực hiện
 
Boyle, sinh năm 1946, là Giáo sư Văn học và Lịch sử tinh thần Đức tại Magdalene College, Đại học Cambridge. Ông là tác giả của tác phẩm tiểu sử đồ sộ về Goethe, dự kiến gồm ba tập với đầu đề „Goethe – The Poet and the Age“ (Goethe – Thi sĩ và Thời đại), trong đó tập I (1749-1790) in năm 1991, tập II (1791-1803) in năm 1999 tại Oxford Univerity Press. Bài phỏng vấn sau đây do Tạp chí Spiegel (Đức) thực hiện trong số 33/1999 nhân dịp kỉ niệm 250 ngày sinh của Goethe (1749-1999).

talawas


SPIEGEL: Thưa Giáo sư Boyle, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Goethe trong hiện tại?

Boyle: Đối với thế giới – tôi biết ở Đức có cách nhìn nhận khác - Goethe trước hết là một thi sĩ. Ông đã viết những tác phẩm mang tầm cỡ văn học thế giới, mà chữ „văn học thế giới“ cũng là một khái niệm do chính ông đặt ra. Tác phẩm của Goethe chứa đựng những chân lí sâu sắc. Thậm chí tôi cho rằng thời đại của Goethe bây giờ mới đang thực sự đến.

SPIEGEL: Thật vậy sao?

Boyle: Goethe đến từ một thế giới tiền cách mạng, từ thời kì tiền hiện đại của thế kỉ 18. Thời đại được khởi đầu bằng cuộc Cách mạng Pháp phải đến giữa thế kỉ 20 mới thực sự chấm dứt. Hiện tại chúng ta đang sống trong một thời đại hậu dân tộc, hậu tư sản, có nghĩa là trong một hoàn cảnh có ít nhiều tương đồng với thời tuổi trẻ của Goethe.

SPIEGEL: Liệu điều này có nghĩa rằng hiện tại chúng ta có khả năng hiểu khác hay hiểu đúng tác phẩm của Goethe hơn so với những người đương thời?

Boyle: Đúng vậy. Tiểu thuyết của ông, chẳng hạn "Die Wahlverwandtschaften" (Tình họ hàng lựa chọn) hay cả phần II của vở bi kịch "Faust" rất gần gũi với những gì mà người đọc ngày nay chờ đợi từ một nền văn chương hậu hiện đại. Đặc trưng cho các tác phẩm này không phải là chủ nghĩa hiện thực, mà là thế giới của các biểu tượng. Thậm chí Goethe còn đi xa hơn cả chúng ta. Hiện thời đâu đâu người ta cũng nói về sự phân rã, sự giằng xé của cá tính. Đối với Goethe đây là một điều hiển nhiên. Ông coi mình như một Proteus [1] . Và ngay từ lúc bình sinh, Goethe đã cảm nhận rằng ông viết là cho tương lai, thậm chí có phần nào đó cho một tương lai rất xa.

SPIEGEL: Liệu có thật sự còn một tương lai nào đó dành cho Goethe nữa không? Nhiều ý kiến cho rằng lối thần thánh hoá vô bờ bến, nạn sùng bái tác giả kinh điển đã trở nên nhạt nhẽo và không thể nào còn chịu đựng nổi.

Boyle: Không may cho Goethe là vào cuối thế kỉ 19 ông đã bị chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc Đức lợi dụng – đáng tiếc đúng vào quãng thời gian mà khoa nghiên cứu về Goethe đang có những thành quả tột bậc. Cho đến tận ngày nay hệ tư tưởng về một thứ chủ nghĩa cổ điển quốc gia vẫn còn chi phối đến cách hình dung về nhà thơ, trong khi đó bản thân Goethe lại hoàn toàn bác bỏ việc đem khái niệm „cổ điển“ vận vào cá nhân ông.

SPIEGEL: Như vậy là những kẻ giải thiêng hiện thời đang hoàn toàn có lí?

Boyle: Những người này vấp phải nguy cơ đi quá đà: Hầu như họ chỉ vẽ ra những biếm hoạ về một bức biếm hoạ mà thôi. Một tượng đài, kể cả khi bị đặt lộn ngược và bị nhạo báng, vẫn còn là một tượng đài. Tại sao việc Goethe mắc lỗi lầm nọ hay lỗi lầm kia lại phải đóng một vai trò lớn đến như vậy? Ông đâu có phải là một vị thánh.

SPIEGEL: Những kẻ hoài nghi có thể kể ra hàng loạt những câu chuyện tệ hại về quan niệm luật lệ và trật tự hà khắc của Goethe, đặc biệt về thói ích kỉ của ông.

Boyle: Chắn chắn Goethe là một trong những kẻ vị kỉ lớn nhất từng có trên thế gian. Tuy nhiên ông đã làm cho chủ nghĩa vị kỉ của mình trở nên có ích đối với người khác, vâng, ông đã thật sự hào phóng với thiên tài của mình. Hầu như mọi người đương thời của Goethe đều nhận xét ông là một người kì dị và bí hiểm. Tuy nhiên cũng hầu như chẳng có ai nói rằng Goethe từng cố tình gây đau khổ cho một người nào đó. Với một cuộc đời hơn 80 năm được như vậy đã là đáng kể rồi. Tất cả những gì còn lại nói cho đúng ra chỉ liên quan đến bản thân Goethe và Đấng Sáng thế của ông.

SPIEGEL: So với nhiều tác giả trước đây, trong tác phẩm tiểu sử về Goethe ông đã quan tâm nhiều hơn đến thái độ của Goethe đối với tôn giáo. Tại sao ông đã đặt lại câu hỏi Gretchen [2] này đối với Goethe?

Boyle: Đấy là một mối quan tâm mang tính chất cá nhân, song không chỉ có vậy. Sự phát triển của tư tưởng tôn giáo vào những năm 1800 đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với lịch sử tinh thần của châu Âu. Hölderlin, Herder, Hegel và Schelling đều bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là những nhà thần học. Goethe biết tất cả họ, ông hầu như chỉ đứng ngoài lề, nhưng ông theo dõi một cách chăm chú, và chắc chắn không phải là với một thái độ lãnh đạm hay thậm chí báng bổ.

SPIEGEL: Liệu Goethe còn có đức tin về Đức Chúa Trời của Kinh Thánh?

Boyle: Có lúc hẳn là như thế. Ở mỗi một hoàn cảnh sống, với từng đối tượng trao đổi khác nhau, Goethe hiện lên mỗi lúc một khác, có lúc như là một người mộ đạo, có lúc lại như là một kẻ tà giáo, ông quả là một Proteus. Vào những năm còn trẻ, có lúc Goethe từng gọi mình là một "kẻ có đầu óc thực tế bất trị". Nhìn chung ông không bị chi phối bởi các vấn đề tôn giáo một cách mãnh liệt như nhiều người cùng thời.

SPIEGEL: Bản thân ông đã được cải đạo như thế nào để trở thành một tín đồ của Goethe?

Boyle: Lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên này là lúc tôi vừa mới tám tuổi, khi tôi đọc một cuốn sách kể về một chuyến đi bè trên sông Kon-Tiki của Thor Heyerdahl. Có một người trong nhóm thủy thủ nhất quyết mang theo cả 14 tập sách của Goethe và vì vậy sẵn lòng bỏ lại cả bít tất của mình ở nhà - điều này đã làm cho tôi thật tò mò. Về sau này, khi đã 13 tuổi và hàng ngày phải đi học xa bằng xe buýt, trên đường đi tôi đã đọc hết bản dịch cả hai phần của "Faust". Ngày đó mơ ước lớn nhất của tôi là tự tay mình có thể viết ra một áng văn như vậy!

SPIEGEL: Nếu bây giờ có ai đó chưa hề đọc gì của Goethe và hỏi ông nên bắt đầu từ đâu thì ông sẽ khuyên người đó như thế nào?

Boyle: Một người Anh là chuyên gia về văn học Đức thuờng được đặt câu hỏi này. Tôi sẽ khuyên rằng hãy bắt đầu như chính tôi đã từng làm: hãy đọc „Faust“. Đấy là tác phẩm lớn nhất – mà tập I đồng thời cũng là phần lôi cuốn nhất - mà Goethe đã sáng tạo nên. Ở đó người ta có thể tìm thấy tất cả những gì thực sự đáng kể. Ngoài ra có nhiều câu thơ đã biến thành các thành ngữ, đến nỗi ai cũng sẽ phải ngạc nhiên khi vỡ lẽ rằng mình đã trích dẫn Goethe bao lần mà không hề hay biết.


© 2004 talawas


[1]Proteus: Tên một thần biển trong thần thoại Hi Lạp, có khả năng tiên tri và biến hoá, hàm chỉ một người dễ dàng thay đổi các chính kiến (Người dịch)
[2]Gretchen: Tên của nữ nhân vật chính trong vở bi kịch «Faust» của Goethe. «Câu hỏi Gretchen» là câu hỏi mà nàng đã đặt ra cho Faust liệu chàng có đức tin tôn giáo (nguyên bản: «Nun sag, wie hast du’s mit der Religion?»). «Câu hỏi Gretchen“ (die Gretchen-Frage) trong tiếng Đức hàm nghĩa là một câu hỏi mang tính chất cật vấn, thường đặt ra trong một tình huống trớ trêu, bắt buộc người trả lời phải bày tỏ một thái độ rõ ràng. Trong văn bản tác phẩm, Faust đã thoái thác không trả lời câu hỏi này của Gretchen («Đừng hiểu sai lời anh, ôi gương mặt dịu hiền! – Ai dám gọi đích danh Người ra đó ? – Và có ai tự thú – Là: tôi tin ở Người ?»; trích bản dịch «Faust» của Quang Chiến, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 177; nguyên bản tiếng Đức: «Miß hör mich nicht, du holdes Angesicht! – Wer darf ihn nennen? – Und wer bekennen: Ich glaub’ ihn.» (Người dịch)

Nguồn: DER SPIEGEL 33/1999 - 16. August 1999 http://www.spiegel.de/spiegel/0,1518,35156,00.html