trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
26.7.2003
Nguyễn Ước
Một hồ sơ chủ nghĩa hậu hiện đại
 1   2   3 
 
Tiểu thuyết hậu hiện đại - Phê bình chủ nghĩa hậu hiện đại - Phản biện của người trong cuộc - Thay lời kết



11. Tiểu thuyết hậu hiện đại

Trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn là đề tài của những cuộc tranh luận sôi nổi thì không ai có thể chối cãi ảnh hưởng mạnh mẽ của nó lên mọi hình thức văn học, nhất là trong những gì liên quan tới văn chương hư cấu, đặc biệt tiểu thuyết.

Hỡi ôi! Chuyện văn chương, một tấc lòng cho ngàn đời! Văn dĩ tải đạo! Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm! Nous sommes embarqués... Cải tạo trật tự trần thế... Tác phẩm là một công trình hoàn chỉnh... Không vị nhân sinh cũng vị nghệ thuật... Sứ mệnh văn chương là là là là... Sao cứ tụng mãi những câu lập ngôn "nghiêm và buồn và hiện đại quá" như thế! Qua bao khúc quặt của lịch sử, biến thái của tư duy, thao túng của đủ loại chuyên chế, bất túc của lý trí, làm gì còn cái ý nghĩa được biểu hiệu...Chống cửa lên mà coi. Ðất trời đã sang mùa hậu hiện đại! Thượng đế chết rồi! Con người chết rồi! Tác giả chết rồi! Nguyên bản mất rồi, chỉ còn đây những cái thế vì! Chỉ còn biểu hiệu thôi. Chỉ còn chữ với chữ. Nên con thuyền cứ thế lênh đênh, trên boong người người cà rỡn với chữ! Tất cả chỉ là trò chơi xả láng với chữ, cạn kiệt với nghĩa! Khi bạn hạ bút viết "cuộc chơi chữ nghĩa", "sân chơi văn chương", "avant-garde" chẳng phải tiên phong mà là "tiền vệ"... không khéo bạn đang dùng lối chơi với chữ của chủ nghĩa hậu hiện đại đấy!

Dù sự sử dụng vô phân biệt của văn chương hậu hiện đại làm cạn kiệt mọi loại từ ngữ chính xác, người ta vẫn có thể phân biệt ba cách dùng chính:
  1. Liên quan tới văn học và nghệ thuật phi hiện thực, phi truyền thống trong giai đoạn sau Thế Chiến Hai.

  2. Liên quan tới văn học và nghệ thuật có những đặc trưng nhất định của chủ nghĩa hiện đại trong những thời kỳ cực điểm. Quan điểm này do John Barthes [1930] đề xuất trong tiểu luận The Literature of Exhaustion - Văn chương của sự cạn kiệt.

  3. Liên quan tới tình huống con người ngày càng tổng quát trong thế giới "tư bản chủ nghĩa thời kỳ cuối" sau thập niên 1950, giai đoạn được đánh dấu bởi sự chấm dứt cái Jean-Francois Lyotard gọi là những "đại tự sự hoặc siêu tự sự" của văn hoá phương tây. Những huyền thoại qua đó, chúng ta từng hợp pháp hóa kiến thức và thực hành của Kitô giáo, Khoa học, Dân chủ, Cộng sản, Cấp tiến mà hiện chúng không còn thiết yếu cần tới sự ủng hộ vô điều kiện nhằm lưu dưỡng những dự án được tiến hành nhân danh chúng và nhờ thế, đang đưa tới hành động triệt để giải tập trung cho khí quyển văn hoá. Thật chẳng đơn giản chút nào khi cho rằng vì chủ nghĩa hậu hiện đại không tin lắm vào chân lý nên nó hiểu rằng cả chân lý lẫn ý nghĩa đều được cấu trúc về mặt lịch sử, do đó, nó tìm cách phơi trần chủ nghĩa máy móc, một chủ nghĩa qua đó sự sản xuất bị giấu kín và "tự nhiên hoá".

Về mặt văn học, những cách thế thể hiện của chủ nghĩa hiện đại mà chủ nghĩa hậu hiện đại đang đẩy tới cực điểm mới gồm có:
  • Từ khước sự thể hiện có tính bắt chước mà thiên về hành động có tính tự qui chiếu đùa giỡn với các hình thức, các qui ước và các hình tượng của "nghệ thuật cao cấp" và văn chương;

  • Từ khước sự sùng bái nguyên bản mà thừa nhận sự mất bản gốc không thể tránh được trong thời đại văn chương quần chúng này;

  • Từ khước cốt truyện và nhân vật như là những qui ước nghệ thuật đầy ý nghĩa;

  • Và từ khước ý nghĩa tự nó như một ảo tưởng hão huyền.
Hassan đã trình bày cụ thể những điểm dị biệt của văn chương hiện đại và văn chương hậu hiện đại trong bản đối chiếu sắc nét ở Mục 6.

Tuy thế, tại nơi mà chủ nghĩa hiện đại nghĩ về nó như một nỗ lực chống đỡ cuối cùng cho những lụn tàn của văn hoá phương tây, như cuốn Fisher King - Vua đánh cá, của Eliot, thì người hậu hiện đại hân hoan chấp nhận sự phá sản ấy và cướp bóc tro cốt của nó, đem làm chất liệu nghệ thuật của mình. Những hình ảnh nhiều-nhiều Marilyn Monroe của Andy Warhol và văn bản Kathy Acker viết lại cuốn Don Quixote của Cervantes là đại diện cho khuynh ướng "hí hoáy sửa chữa", nghĩa là dùng các mẩu nhỏ, các mảnh của tác phẩm xưa cũ để sản xuất một nghệ phẩm mới, như thể không có gốc gác, một tác phẩm xoá những phân biệt cổ truyền giữa cũ và mới, thậm chí còn xóa sự phân biệt giữa nghệ thuật cao và nghệ thuật thấp.

Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương thường dính liền với tên tuổi của nhiều nhà văn như Acker, Barth, Thomas Pynchon, Donald Bartheleme, Jorge Luis Borges, Italo Calvino và John Ashberry.... Chiến lược văn chương của họ khác nhau rất xa nhưng người nào cũng cho thấy mối quan tâm có tính tự-phản tỉnh trong tiến trình tự sự tự nó và những cách thế qua đó xây dựng cả văn bản lẫn người đọc. Thí dụ, trong một truyện ngắn của Barth, Lost in the Funhouse - Lạc trong nhà kính dị hình, người kể chuyện liên tục phá vỡ ảo tưởng của chủ nghĩa hiện thực để ngụ ý tới các luật lệ văn chương qui ước mà hắn đang sử dụng.

"En route to Ocean City... Trên đường tới thành phố Ocean, trong chiếc xe nhỏ của gia đình, hắn ngồi nơi băng sau với đứa em trai tên Peter, mười lăm tuổi, và Magda G_____, một thiếu nữ xinh đẹp và là một tiểu thư mẫn cảm, ở đường B_____, không xa nhà hắn lắm [...] Trong tiểu thuyết thế kỷ mười chín, tên viết tắt, tên để trống, đều thường được dùng thay cho tên riêng để làm tăng ảo giác về thực tại. Có vẻ như thể tác giả cảm thấy cần xóa các tên ấy vì lý do tế nhị hoặc trách nhiệm trước pháp luật. Thật thú vị là cùng với các khía cạnh khác của chủ nghĩa hiện thực, đây là cách làm tăng ảo giác bằng các phương thế hoàn toàn giả tạo."

Hiện nay tác động của chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là cái gì đó thuộc về một lực lượng suy kiệt trong những nhóm nhất định vì hầu hết những khuôn mặt chủ lực văn chương của nó, Pynchon, Barth, Bartheleme,v.v... sản sinh tác phẩm phong độ nhất của họ vào cuối những năm 1960 và 1970. Nói chung, vào thời ấy, tác phẩm của họ được sự đón nhận và tung hô của các nhà phê bình hơn là các độc giả của chúng. Sau thời kỳ sáng tác trên văn bản in ấn với sách lược mời gọi người đọc, bằng hành động đọc, cùng tham gia tiến trình sáng tác với tác giả, nay đã sang tới thời kỳ sử dụng máy điện toán với văn bản hypertext. Và hypertext có lẽ là di sản của những nhà văn tiên phong ấy, trong bối cảnh nổi bật của một thử nghiệm với hình thức đặc trưng cho tiểu thuyết văn bản điện toán. Xét theo từ nguyên, hyper là vượt quá, thái quá, cao ở bên trên; text là văn bản.Vậy hypertext là một văn bản vượt quá văn bản. Theo George Landow thì "hypertext là một văn bản với kỹ thuật thông tin bao gồm nhiều khối chữ hay từ vựng và những nối kết điện tử ráp chúng lại," (Hyper/Text/Theory, 1994). Trong tiểu thuyết hypertext, tác giả dùng nhiều dạng kết hợp, có thể đưa tới nhiều khả năng dựng truyện khác nhau, và mời gọi người đọc dùng kỹ thuật trình duyệt, lắp ráp của máy điện toán để vừa đọc theo ngẫu hứng vừa đùa giỡn, tham gia tiến trình sáng tác bằng muôn cách.

Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại bị những người chống đối nó bảo là buông bỏ thế giới với những ràng buộc chính trị và xã hội cho những khoái lạc ích kỷ của trò chơi ngôn từ thì người ta sẽ nói ra sao về tiểu thuyết hypertext đang lôi cuốn độc giả của nó vào khoảng trống phiêu diêu của ngôn từ điện tử? Liệu truyện ngụ ngôn trong bộ sưu tập của Borges, vốn chứa đựng thế giới tổng thể, không được nhận thức một cách lạ lùng trong không gian điện toán (cyberspace) của William Gibson hoặc trong dự án Xanadu của Ted Nelson sao? Xanadu là tên một hệ thống phát hành mới, được Nelson thiết kế từ thập niên 1960 và công bố vào năm 1989 như một nỗ lực thử nghiệm nhằm liên kết mọi văn bản hiện hành vào với nhau làm thành một kho tàng cất giữ toàn bộ kiến thức của nhân loại. Người sử dụng chỉ việc truy cập qua mạng internet, thu thập tức thời, sử dụng tùy ý hoặc chế biến tùy thích. Các truyện ngắn chương hồi của Bartheleme và những "tiểu thuyết rút gọn" của Ballard dọn đường cho tiểu thuyết mắt nút và liên kết (nodes and links). Cho tới nay, tiểu thuyết hậu hiện đại đã đưa tới những hệ quả tích cực, tuy thế, nó vẫn bị đánh giá là không biết các tác giả của nó có thể chuyển được hay chưa những mảnh vụn của các "siêu tự sự" đang sụp đổ thành chất liệu của một phương cách thể hiện mới. Vì sáng tạo và thưởng ngoạn không thuần túy là vấn đề của luận văn và ý nguyện nên về phương diện này, văn chương thời hậu hiện đại vẫn không thể từ khước yêu cầu căn bản và muôn thời của nghệ thuật, rằng sự đả kích của người tiên phong phải đi đôi với tài năng của người trước tác mới có thể biến chuyển được tập quán thưởng ngoạn đã bị cơ chế hoá lâu đời trong tâm thức người đọc.


12. Phê bình chủ nghĩa hậu hiện đại

Roy D'Andrade (1931) Trong bài Moral Models in Anthropology - Các kiểu mẫu đạo đức trong nhân chủng học, D'Andrade phê bình sự xác định của chủ nghĩa hậu hiện đại về tính khách quan và tính chủ quan bằng cách nhìn vào khái niệm đằng sau các kiểu mẫu đạo đức. Ông tranh luận rằng những kiểu mẫu đạo đức ấy thuần túy chủ quan. Rằng dù không thể nào đạt tới giá trị hoàn toàn khách quan, mục tiêu của các nhà nhân chủng học là tiếp cận hết sức có thể được. Ông tranh luận rằng phải tách rời các kiểu mẫu đạo đức khỏi các kiểu mẫu khách quan vì "chúng đều phản tác dụng trong việc khám phá thế giới hoạt động như thế nào" (D'Andrade 1995:402). Từ chỗ đó, ông không đồng ý sự tấn công của chủ nghĩa hậu hiện đại vào tính khách quan. Ông phát biểu rằng trong hành động giải nhân tính hoá (dehumanizing), không cách gì và không thể nào có được tính khách quan. Ông viết "Khoa học hữu hiệu không phải vì nó tạo ra các bản báo cáo không thành kiến nhưng vì các bản báo cáo của nó có đủ khách quan để được chứng minh hoặc bị bác bỏ bất chấp ý người ta muốn chúng là xác thật. (D'Andrade t. 404).

Rosenau đưa ra 7 điểm mâu thuẫn trong chủ nghĩa hậu hiện đại, diễn dịch như sau:
  1. Về mặt bản thể, chống lý thuyết cũng là một lập trường lý thuyết.

  2. Chủ nghĩa hậu hiện đại nhấn mạnh phi lý tính nhưng trong phạm vi viễn cảnh lại tha hồ sử dụng các công cụ của lý trí.

  3. Mệnh lệnh của hậu hiện đại là chú mục trên lề của văn bản, đó chính là một sự nhấn mạnh có tính thẩm định.

  4. Người hậu hiện đại nhấn mạnh liên văn bản nhưng lại xử lý cô lập văn bản.

  5. Bằng hành động từ khước các tiêu chuẩn của hiện đại để đánh giá lý thuyết, người hậu hiện đại không thể cãi rằng không có các tiêu chuẩn giá trị dùng để phán xét.

  6. Người hậu hiện đại phê phán sự không nhất quán của chủ nghĩa hiện đại nhưng lại không chịu để bị cầm giữ trong những tiêu chuẩn nhất quán của chính mình.

  7. Người hậu hiện đại tự mâu thuẫn qua việc từ bỏ những tuyên bố chân lý trong các văn bản của chính mình. (Rosenau 1993).

Melford Spiro tranh luận rằng các nhà nhân chủng học theo chủ nghĩa hậu hiện đại không thể gạt bỏ phương pháp khoa học; nếu nhân chủng học quay mặt với phương pháp khoa học, lúc ấy nó trở thành một bộ môn nghiên cứu ý nghĩa chứ không phải khám phá những căn nguyên hình thành những gì thuộc về con người. Spiro phát biểu thêm rằng, "Bản báo cáo căn nguyên văn hoá dựa vào những hốc lõm sinh thái, những phương thế sản xuất, những kỹ thuật mưu sinh, và vân vân, cũng như bản báo cáo căn nguyên tâm trí dựa vào sự bốc hỏa của tế bào thần kinh, sự tiết hóc-môn, tác động của chất dẫn truyền thần kinh..."

Spiro đặc biệt trình bày 6 đề xuất có quan hệ tương liên, rút từ tác phẩm Rationality and Realism - Sự hợp lí và chủ nghĩa hiện thực - của John Searle, xuất bản năn 1993, trong đó Searle bác bỏ những nguyên lý cơ bản tri thức học và siêu hình học của "Truyền thống Duy lý phương Tây":
  1. Thực tại hiện hữu độc lập với những thể hiện của con người. Nếu điều này đúng thì trái với chủ nghĩa hậu hiện đại, nguyên lý cơ bản này hỗ trợ sự hiện hữu của "thực tại độc lập bên ngoài tâm trí" vốn được gọi là "chủ nghĩa hiện thực siêu hình".

  2. Ngôn ngữ truyền đạt ý nghĩa nhưng cũng liên quan tới đối tượng và tình huống trong một thế giới độc lập với ngôn ngữ. Trái với chủ nghĩa hậu hiện đại, nguyên lý cơ bản này hỗ trợ khái niệm ngôn ngữ có chức năng truyền đạt và có tính qui chiếu.

  3. Các phát biểu đúng hoặc sai thì tùy vào các đối tượng và các tình huống mà chúng ngụ ý, tương ứng với cấp độ cao hơn hoặc thấp hơn của các phát biểu. Ðối với người hậu hiện đại, "lý thuyết tương ứng này" của chân lý, tới một chừng mực nào đó, là lý thuyết của chân lý, nhưng khái niệm này bị nhiều người hậu hiện đại từ khước, xem đó như là theo thuyết duy bản thể (essentialist) trong khi đó, người duy bản thể thì đối nghịch sắc nét với lý thuyết "mạch lạc hoặc tự sự."

  4. Tri thức thì khách quan. Ðiều này hàm ý rằng chân lý của lời tuyên bố tri thức thì độc lập với động cơ, văn hoá hoặc phái tính của người tuyên bố. Tri thức thì tùy thuộc vào sự hỗ trợ của chứng nghiệm.

  5. Trái với chủ nghĩa hậu hiện đại, luận lý và sự hợp lý cung cấp một chuỗi các qui trình và các phương pháp có khả năng nghiên cứu để qua bằng chứng, giá trị và lý trí, thẩm định các tuyên bố đầy ganh đua về tri thức.

  6. Những tiêu chuẩn khách quan và liên chủ quan phán xét giá trị của các lời phát biểu, các lý thuyết, các diễn dịch và mọi bản báo cáo. Theo định đề này, thuyết sáng tạo có thật không kém thuyết Darwin.

Tất cả các nguyên lý cơ bản ấy đặt trên giả sử rằng khoa học nhân văn không thể là khoa học và vì tính chủ quan của nó, không có khả năng khám phá chân lý. Spiro đồng ý với các nhà hậu hiện đại rằng khoa học xã hội đòi hỏi những kỹ thuật nghiên cứu con người khó khăn hơn khoa học tự nhiên, nhưng "trong khi thấu thị và thấu cảm bị chỉ trích trong việc nghiên cứu tâm trí và văn hoá...trách nhiệm trí thức đòi hỏi tính khách quan (phương pháp khoa học) trong khoa học xã hội. Không có những qui trình khách quan thì dân tộc học chỉ là chứng nghiệm quờ quạng và vô trách nhiệm trí thức (Spiro 1993).

"Bộ môn dân tộc học theo chủ nghĩa hậu hiện đại đã và đang bị chỉ trích vì nuôi dưỡng tính chủ quan chiều theo thị hiếu cá nhân, và vì cường điệu hóa các khía cạnh bí truyền và độc đáo của một nền văn hoá tuy được cái giá là nôm na dung dị nhưng toàn là những vấn nạn đầy ý nghĩa." (ECA 1996:58)

Christopher Noris tin rằng Lyotard, Foucault và Baudrillard quá bị cuốn hút vào ý tưởng về ưu thế số một của các phán đoán đạo đức (Norris t. 50).

Cũng trong phản ứng với trào lưu hậu hiện đại, Marshall Sahlins trình bày nhiều chủ đề hậu hiện đại trong đó có định nghĩa quyền lực. "Cái ám ảnh hiện nay có tính Foucault-Gramscy-Nietzsche về quyền lực là sự xâm nhập mới nhất và vô phương cứu chữa của thuyết duy chức năng vào nhân chủng học...Nếu trước đây, quyền lực là sự liên kết xã hội và lợi thế vật chất thì ngày nay nó là cái "lỗ đen" trí thức, cuốn hút vào đó mọi nội dung văn hoá (Sahlins, 1993:15).

Antonio Gramcsi (1891-1937) người Ý. Ông là một nhà tư tưởng và sáng lập viên đảng cộng sản Ý năm 1921. Tới năm 1924, ông đắc cử vào quốc hội nhưng đến năm 1926 thì bị bắt, bị toà án phát xít kết án tù 20 năm. Ông chết trong tù. Tác phẩm để lại là Quderni Del Carcere (Prison Notebooks - Sổ tay tù ngục) xuất bản từ năm 1948 tới năm 1956, trong đó ông ứng xử với các đề tài triết học, lịch sử, văn hoá, văn hoá nghệ thuật dân gian, văn chương, ngôn ngữ và vai trò của trí thức.

Phạm Trọng Luật viết trong bài Từ tranh luận "nửa chừng xuân" và "đoạn tuyệt" ra khơi đến "Tiểu Xảo Văn Ðoàn": một vòng văn chương Việt Nam hãi ngại đăng ở Hợp Lưu số 69 năm 2003, sau bổ túc và đăng lại trên diễn đàn talawas, mục "Tranh luận văn học", ngày 26-27.6.2003:

"Có lúc tôi nghĩ mình cũng là 'hậu hiện đại' như ai, tuy lắm khi cũng kinh hoàng khi bị xem là 'hậu hiện đại'! Thật ra, không làm gì có một 'triết phái hậu hiện đại' thuần nhất; đây chỉ là một tên gọi tiện lợi, chỉ một phong trào bao gồm nhiều tác giả trước tác trong nhiều lãnh vực khác nhau, đôi khi xuất thân từ những tập hợp chính trị hoặc tư tưởng chống đối nhau, song tác phẩm lại đồng qui trên một số chủ đề, và bao hàm cùng một thái độ nhập thế, tuy ở đây cũng có nhiều mức độ dấn thân rất chênh lệch, trong tư duy cũng như trong hành động."

"Thứ nhất, tôi không tin rằng để có nhiều tự do hơn, độc giả phải bước qua xác tác giả. (...) khai tử tác giả, tôi chỉ còn lại một cách đọc, kiến thức văn hoá của tôi sẽ giàu hơn hay nghèo đi? (...) Thứ hai, tôi ngờ rằng 'liên văn bản' là một phát hiện thật sự mới lạ: các nhà thơ cổ điển Việt Nam đã không ngừng mượn lời của thi nhân Trung Quốc, đời trước hay đương thời, trong thơ của mình hay sao? (...) Thứ ba, (...) Nếu 'độc giả là kẻ phải hoàn thành tác phẩm' thì tác phẩm sau (của độc giả) có giá trị như thế nào, trong mọi quan hệ (có tình trạng ông viết gà, bà diễn vịt về chủ đích của người viết không; hay hơn hoặc dở hơn về nghệ thuật sáng tác...), so với cái trước (của tác giả)? (...) Thứ tư, (...) một nội dung mới đòi hỏi một hình thức diễn đạt mới (như những phát hiện mới về dòng ý thức đã đẻ ra độc thoại nội tâm chẳng hạn); ngược lại tôi chưa hề tìm được một phản thí dụ nào cho thấy nhờ có hình thức mới mà phát hiện ra nội dung mới! (...) Nói cách khác, nếu hình thức là điều kiện cần để định nghĩa văn thơ, nó không phải là điều kiện cần và đủ để tạo nên một tác phẩm văn học thực sự có giá trị."

Nathalie Sarraute [1902], một trong những tiểu thuyết gia trụ cột của phong trào Tiếu thuyết mới tại Pháp, nhận xét (trích và dịch của Phạm Trọng Luật trong bài vừa nói tới):

"Thật ra, không có tác phẩm văn học nào, không có một thí dụ nào về tác phẩm văn học, trong đó ngôn ngữ có thể tự lực cánh sinh đơn thuần như câu chữ, nghĩa là vất bỏ được phần ý nghĩa hoặc chỉ tạo ra ý nghĩa như một phó sản phẩm không đáng kể. Bởi vì, và phải chấp nhận như thế mà thôi, không thể nào tách rời ý nghĩa khỏi ngôn ngữ được. Chúng chỉ là một". (...) "(Một nhà văn trẻ nói) điều lý tưởng là ngăn độc giả bám vào ý nghĩa, vào cái được biểu đạt [signified]. Ðiều lý tưởng là khi ý nghĩa vừa ló đầu ra thì phải chặt ngay, bằng cách gắn vào các câu chữ đi trước những từ cú chẳng liên hệ ngữ nghĩa gì với chúng cả, để đi đến chỗ không chỉ gì cả, không nói gì hết, nghĩa là đến cái tình huống là ngôn ngữ tự nó đã đủ rồi. Nhưng tôi tin rằng làm như thế chỉ tốn công vô ích. Dù có làm chi chăng nữa thì người đọc cũng sẽ tìm cách, từ ngôn ngữ, tạo ra ý nghĩa mà thôi. Và nếu bị cấm cản, họ sẽ không đọc nữa."

Humanist Manifesto 2000: A Call for a New Planetary Humanism - Hiến Chương Nhân Bản 2000: Lời kêu gọi một chủ nghĩa nhân bản toàn cầu mới - do Paul Kurtz, triết gia, Chủ tịch Hội đồng Nhân bản Thế tục (Hoa Kỳ) thảo, với chữ ký đồng tình của hàng trăm trí thức, nhà hoạt động nhân văn, nhà khoa học, sống rải rác trên 35 quốc gia - trong đó có hơn 10 nhân vật được giải Nobel, và những nhà văn như Salman Rushdie - phê phán khía cạnh thực tiễn của chủ nghĩa hậu hiện đại như sau:

"Tại nhiều nước phương Tây, xuất hiện cái gọi là hệ tư tưởng hậu hiện đại vốn phủ nhận tính khách quan của khoa học, phiền trách sự sử dụng kỹ thuật hiện đại, tấn công quyền con người và nền dân chủ. Một số hình thức của chủ nghĩa hậu hiện đại khuyến cáo chủ nghĩa thất bại: trong điều kiện tốt nhất, chúng không đưa ra chương trình giải quyết các vấn đề của thế giới; trong điều kiện xấu nhất, chúng phủ định các giải pháp khả thi hoặc có thể thành tựu. Tác dụng của phong trào mang tính văn chương triết lý ấy là phản tác dụng, thậm chí có tính hư vô chủ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng phong trào ấy lầm lẫn sâu xa vì khoa học đưa ra những tiêu chuẩn khách quan và hợp lý cho việc phán xét những tuyên bố chân lý của nó. Quả thật, khoa học đã trở thành một ngôn ngữ phổ cập, phát biểu với tất cả mọi người, nam giới cũng như nữ giới, mà không đặt thành vấn đề bối cảnh văn hóa của mỗi người." (Bản tiếng Việt, Nguyễn Ước dịch và chú thích, Nxb Tạp chí Người Việt Hải ngoại, Tái bản lần 2, Canada, 2003, t.17; có đăng toàn văn trong Hợp Lưu số 68, 2002, Hoa Kỳ, và diễn đàn talawas mục "Ðiểm nóng" ngày 29.3.2003)

Cuốn Post Modern Theory: Critical Interrogations - Lý thuyết hậu hiện đại: những thẩm tra có tính phê phán do Steven Best và Douglas Keller cùng biên tập, xuất bản năm 1991 bởi nhà New York: The Guilford Press nhưng nó được thực hiện theo dự án Critical Theory - Lý thuyết phê bình, của Ðại học Texas. Trong đó, Best và Keller - (B & K) - phê phán chủ nghĩa hậu hiện đại trên nhiều lãnh vực. Dưới đây là hai trích đoạn có liên quan tới chính trị, kinh tế và văn hoá.


8.3 Sinh hoạt chính trị hậu hiện đại: tính chủ quan, luận thuyết và mỹ học

B & K trình bày những hạn chế của lý thuyết hậu hiện đại khi nó liên quan tới chính trị: "Nó thiếu những ý niệm xã hội tích cực." (t.283); nó tuyên bố sự phân rã của đối tượng trưởng giả, của người theo chủ nghĩa nhân bản, nhưng không đưa ra lời giải thích phù hợp về "cái môi giới, cái bản ngã năng động và sáng tạo bị trung gian điều giải bởi các định chế xã hội." (t.283); "hầu hết lý thuyết hậu hiện đại nhìn đối tượng như ở trong thể siêu lỏng, đơn thuần là một mắt nút bên trong các hệ thống ký hiệu và kỹ thuật tự quản." (t.284) Nhưng như một "đơn tử đang thèm khát [nhục dục]", trong vài lý thuyết hậu hiện đại thí dụ của Deleuze và Guatti, đối tượng cá thể ấy được phục hồi tới một mức độ nào đó.

Tuy thế, dường như sách lược chính trị của chủ nghĩa hậu hiện đại là muốn một hành động đẩy thật nhanh, cho dù bất chấp đạo lý (cynical), "quá trình của chủ nghĩa hư vô mà không đề xuất các khả năng chọn lựa tích cực về xã hội và chính trị." (t.284). B & K thấy chiều hướng cơ hội chủ nghĩa và bất chấp đạo lý ấy trong tư duy chính trị của chủ nghĩa hậu hiện đại là một phản ứng ương ngạnh sau sự thất bại của phong trào cấp tiến năm 1968 tại Pháp; nó mang tính chủ bại, tệ hơn nữa, từ chối việc thách thức "các khía cạnh độc hại của chủ nghĩa tư bản." (t.285).

Tuy vậy, B & K thừa nhận rằng "chính trị hậu hiện đại về đồng dạng và khác biệt" có những hiệu quả tích cực khi phản ứng trước những biến đổi hình thái xã hội có tính toàn cầu và mới mẻ. Trong chiều kích này, "chủ nghĩa hậu hiện đại có những cái nhìn sâu xa tích cực về đa nguyên, đa tầng, cởi mở và bối cảnh." (t.286). Lý thuyết hậu hiện đại về tản quyền...cho phép có vô số khả năng phấn đấu chính trị và không còn bị xác định giản lược trong phạm vi sản xuất hoặc nhà nước.

B & K cũng thấy giá trị tích cực của lý thuyết hậu hiện đại "trong nhiều ý nghĩa của nó, đang tấn công khái niệm của hiện đại về sự thể hiện" - sự từ khước của nó đối với "phép ẩn dụ của tâm trí như chiếc gương soi của thiên nhiên." (t.287).

Tuy thế, về đại thể, lý thuyết hậu hiện đại chẳng khác gì lý thuyết đa nguyên cấp tiến thời hiện đại, cả hai đều không có khả năng nắm bắt "những tương quan có hệ thống và những quan hệ nhân quả", do đó, vẫn không hữu hiệu khi phân xử các chủ đề trong "cuộc đàm đạo trọng đại" về những tương quan xã hội (t. 289). Ðây là một khập khễnh. [[Người ta tự hỏi phải chăng một số zic-zăc của cựu tổng thống Clinton được tạo ra bởi lập trường căn bản của ông rút từ luận văn chính trị hậu hiện đại]]. Lý thuyết hậu hiện đại không rõ ràng, cấp tiến cá nhân chủ nghĩa và phi lý tính. Bằng việc mỹ học hoá đối tượng nhân bản cấp tiến (vốn đã bị mất tín nhiệm), nó giảm thiểu đối tượng ấy thành cái máy khao khát [nhục dục] vô luân, không cung cấp cơ sở cho lý thuyết chính trị. B & K đánh giá Marcuse là nhà tư tưởng tìm cách giải quyết vấn đề ấy; ông thấy nhu cầu giải phóng qua sự phối hợp "cuộc nổi loạn của bản năng" với cuộc "nổi loạn của lý trí."(t.291).

Như thế, B & K vạch cho thấy những thiếu sót của lý thuyết chính trị hậu hiện đại, "cổ súy cho chính trị của những liên minh, một chính trị văn hoá, một chính trị sách lược, kết hợp những viễn ảnh vĩ mô và vi mô, tuy thế vẫn duy trì chỗ đứng nổi bật cho sự hợp lý mang tính phê phán." (t.292/2)

Cả hai kết thúc phần bình luận này bằng viện dẫn dồn dập các tài liệu tham khảo cho thấy tính chất vô năng lực của lý thuyết chính trị hậu hiện đại trong sự dấn thân đầy ý nghĩa vào các chủ đề đấu tranh giai cấp, đấu tranh phái tính và chủng tộc. B & K lên án sự buồn phiền, sầu muộn và vô vọng tìm thấy trong Lyotard và Baudrillard. B & K khẳng định Jameson, Laclau và Mouffe về những luận cứ của họ thiên về "các giá trị không tưởng" (vốn dự phần vào toàn bộ các siêu tự sự đã bị các nhà hậu hiện đại Pháp từ khuớc). B & K có vẻ đồng ý với các nhà lý thuyết văn hoá người Anh, những kẻ kết án các trí thức Pháp ấy là tự ý xem mình là người phát biểu cho "tập thể quần chúng" mà không có giấy ủy quyền. B & K cáo buộc các nhà hậu hiện đại là hời hợt nông cạn khi ứng xử với những diện mạo bên ngoài và "thất bại khi khái niệm hoá một số động lực cơ bản, ẩn bên dưới các xã hội tư bản đương đại." (t.294)


8.4. Lý thuyết văn hoá và chính trị: những điển mẫu đầy xung khắc (tt. 294-303)

Khi B & K nhìn chủ nghĩa hậu hiện đại, cả hai thấy cái biểu tượng nhất cho những thay đổi đầy kịch tính cuối thập niên 1980 và 90 có lẽ là sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và sự kiện đó đòi hỏi các lý thuyết có hệ thống phải đưa ra lời giải thích cùng với định hướng cho tương lai. Các nhà lý thuyết hậu hiện đại thiếu khả năng đưa ra hai cái đó, họ nhìn vào "các nhà lý thuyết cổ điển thời hiện đại" - Marx, Dewey, Weber - và Trường phái Frankfurt trước đây như những kiểu mẫu hướng dẫn. Marx đã được chứng minh là không thoả đáng nhưng vẫn thích đáng vì sức mạnh tiếp tục của chủ nghĩa tư bản (t.296). Cả hai tuyên chiến với sự buông bỏ của chính trị hậu hiện đại về lý thuyết xã hội có hệ thống, với sự từng mảnh, chủ nghĩa hư vô, thái độ hờ hững, nước đôi, "chúng đang làm què quặt cả về chính trị lẫn lý thuyết, nên nghiêm khắc phê bình chúng và khắc phục chúng." (t.296)

"Quả thật, hầu hết các lý thuyết của hậu hiện đại có thể tạo được chút ý nghĩa cho các biến cố đầy kịch tính của kỷ nguyên hiện nay, ngược lại những tuyên bố của nó liên quan tới cứu cánh của xã hội, tập thể quần chúng và vân vân, đều nực cười mặc dù đang trỗi lên một loạt những sự kiện lịch sử đột ngột và đầy xúc động." (t.296-7)

B & K kết án các nhà trí thức hậu hiện đại là "ra sức phá hoại các khái niệm chủ yếu của cuộc cách mạng dân chủ" vào chính khoảnh khắc lịch sử mà nền dân chủ tiến bộ đang cần sự khích lệ. (t.297)

Cả hai mạnh dạn đưa ra một lý giải lịch sử về "tính chất điên cuồng mê loạn" trong lý thuyết hậu hiện đại hồi thập niên 1980. Như những nhà trí thức đánh mất quyền lực - những hi vọng bị tan tành vào cuối thập niên 1960 - họ túm lấy vốn liếng văn hoá mới, làm người diễn dịch bên trong viện hàn lâm trong khi bên ngoài vị trí của họ bị mất theo với sự kết thúc lối phân biệt giữa văn hoá thấp và văn hoá cao. Tuy thế, họ vẫn duy trì khuynh hướng thiên về PHÂN TÍCH VI MO, vốn được dùng để điều chỉnh hành động khái quát hoá quá độ lý thuyết phê bình, (t.298/9) nhưng họ muốn định vị phân tích vi mô "trong một khung sườn lịch-sử-xã-hội rộng lớn hơn." (t.300). Họ giữ lại các bản danh mục của Marx làm tâm điểm trọng yếu vì quyền lực đang gia tăng của chủ nghĩa tư bản trong sự định hình xã hội."(t.300). Họ thấy ảnh hưởng mới mẻ và đầy kịch tính của tư bản công nghệ xuyên quốc gia như một lý do bắt buộc khiến phải phát triển lí thuyết vĩ mô nhằm giải thích nó. (t.301)

B & K kết thúc với lời kêu gọi cần có một lý thuyết mới biện minh cho "niềm hi vọng vào tương lai tốt đẹp hơn" bằng cách nắm bắt các khía cạnh không tưởng trong tham vọng lịch sử ngày nay và bằng cách làm nản lòng các khía cạnh trần trụi. Cuối cùng, B & K vẫn tin rằng cần có một lý thuyết phê bình thiết yếu để nuôi dưỡng "một chuỗi mới mẻ các liên minh chính trị chống lại tư bản toàn cầu và một chủ nghĩa xã hội dân chủ được tái tăng cường sinh lực."


13. Phản biện của người trong cuộc

Gần đây, mọi người nói tới chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhiều người đề xuất chủ nghĩa ấy xem nó như một sức mạnh giải phóng trong các học viện hàn lâm. Ðối với họ, chủ nghĩa hậu hiện đại mang kỳ vọng giải thoát chúng ta khỏi sự hợp lý ngột ngạt, chủ nghĩa tập trung biểu tượng và chủ nghĩa lấy châu Âu làm tâm điểm của những gì được cho là xuất hiện trước đây. Thế nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại cũng có nhiều người đối nghịch. Họ xem nó như một đứa trẻ đảo thiên nghịch địa và vô ơn bạc nghĩa của truyền thống trí thức phương tây. Nó có tính phá hoại, lỏng lẻo, hư vô và tệ hơn cả, nó xu thời. Ở đây, mục đích của tôi là cung cấp một tóm lược ngắn gọn về chủ nghĩa hậu hiện đại và vì thế không tránh khỏi quá giản lược. Nói chung, tôi sẽ tiếp cận với đầy thiện cảm - một phần vì tôi đồng thuận nhiều luận điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại, phần khác vì nhiều đối thủ của nó đã quá vội vã khi bác bỏ.

Vậy chủ nghĩa hậu hiện đại là gì? Ðây là vấn nạn cực kì khó vì về nhiều phương diện, thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại bị dùng lệch lạc. Nhiều nhà trí thức bị dán nhãn hiệu là người theo chủ nghĩa hậu hiện đại nhưng họ không chịu nhận, và thậm chí trong số những người chấp nhận nhãn hiệu ấy cũng có những dị biệt lớn lao trong cách tiếp cận. Trên cơ sở đó, tôi có ít nhất hai cách tiếp cận vấn nạn chủ nghĩa hậu hiện đại là gì? Thứ nhất là cách tiếp cận vấn đề có tính rất chống chủ nghĩa hậu hiện đại, đó là lần tìm dấu vết phát triển của nó trong lịch sử. Cách thứ hai là tìm sợi chỉ triết học (hoặc phản-triết học) chung giữa các nhà tư tưởng được đề cập tới một cách rộng rãi như là những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại. Tôi sẽ cố làm theo cả hai cách.

Bản phả hệ của chủ nghĩa hậu hiện đại

Vì nhiều nhà tư tưởng hậu hiện đại là người Pháp, một số người tìm căn nguyên của nó trong các biến cố, thí dụ Cuộc Chiến tranh Dành Ðộc lập của Algeria hoặc các cuộc biểu tình của sinh viên trong tháng Năm 1968 tại Paris dẫn tới một cuộc cách mạng nhỏ tại Pháp, như một toàn bộ. Dù các biến cố ấy có tầm quan trọng đối với các nhà hậu hiện đại, tôi nghĩ chúng ta có thể xem sự vỡ mộng sâu xa đối với chủ nghĩa hiện đại (và sự kết án của nó đối với lý trí, chủ nghĩa duy lý, duy khoa học, tính khách quan và tiến bộ) trước đó nữa trong lịch sử phương tây, bắt đầu với tác phẩm của Friedrich Wilhelm Nietzsche.

Thay vì thảo luận về Nietzsche, hẳn khó khăn và mất thì giờ, tôi quyết định trích một đoạn văn từ cuốn Thus Spoke Zarathustra - Zarathustra đã nói như thế, mà tôi nghĩ rằng nó truyền được mùi vị chống chủ nghĩa hiện đại của ông:

"Ngươi kẻ thông thái nhất loài người, cái gì cổ vũ ngươi và đánh thức nhiệt tình của ngươi? Có phải ngươi gọi cái đó là "ý chí cầu chân lý"? Ý chí cầu sự khả tưởng khả tri của trọn cả hữu thể: chính cái đó ngươi gọi là ý chí của ngươi! Ngươi trước hết muốn biến trọn cả hữu thể thành khả tưởng khả tri: để với lòng nghi ngờ lành mạnh, ngươi hồ nghi không biết quả thật nó có khả tưởng khả tri không. Nhưng nó phải cúi mình và cung hiến chính nó cho ngươi! Như thế ý chí của ngươi sẽ có nó. Nó phải trở nên mềm mại và lệ thuộc tâm trí như chiếc gương soi và phản ánh của tâm trí. Ðó hoàn toàn là ý chí của ngươi, ngươi kẻ thông thái nhất loài người; đó là ý chí cầu quyền lực; và vẫn là cầu quyền lực cả những khi ngươi nói tới thiện ác và sự thẩm định các giá trị. Ngươi muốn tạo ra thế giới để ngươi có thể quì gối trước thế giới đó: đó là niềm hi vọng và cơn mê say tối hậu của ngươi."
[Tác phẩm này của Nietzsche đã có bản tiếng Việt, "Zarathustra đã nói như thế" do Trần Xuân Kiêm dịch, in tại Sài gòn trước năm 1975, nhà xuất bản Văn học tái bản năm 1999 tại Hà Nội, có thêm lời giới thiệu của Quang Chiến].

Người quan trọng kế tiếp trong bản phả hệ đặc biệt này của chủ nghĩa hậu hiện đại là Martin Heidegger. Tác phẩm của ông là sự tiếp tục cuộc tấn công của Nietzsche vào tính ổn cố của chủ nghĩa hiện đại:
"...tư duy chỉ bắt đầu khi chúng ta biết ra rằng lý trí, được vinh danh suốt nhiều thế kỷ, là kẻ thù bướng bỉnh và ngạo nghễ nhất của tư tưởng."

Tiếp theo là Michel Foucault. Và thêm lần nữa tôi trích một đoạn văn buốt nhói thay vì thảo luận dài dòng về tác phẩm của ông.
"Chúng ta phải thấy các lễ nghi của chúng ta cốt để làm gì: những cái hoàn toàn tùy tiện, mệt mỏi vì các trò đùa và bóng gió, thật là tốt khi ở dơ và để râu, có đầu tóc dài, nhìn giống như con gái khi ta là con trai (và ngược lại); ta phải đem ra mà giỡn, làm cho nó lộ ra, biến đổi hình thái nó, và đảo ngược các hệ thống đang không ngừng âm thầm ra lệnh cho ta làm việc này việc nọ. Tôi vô cùng quan tâm tới cái đó và đó là cái tôi ra sức làm trong tác phẩm của mình."

Người sau cùng, có lẽ là kết cuộc và là hình ảnh thu nhỏ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông là Jacques Derrida. Ða số văn bản của ông rõ ràng là không thể giải đoán và ông cố tình làm như thế. Ðó là vì ông nhắm mục đích giải thích cuộc chơi năng động và bất tận của ý nghĩa trong ngôn ngữ. Hi vọng đoạn trích dưới đây bao quát được phần nào:
"Siêu hình học - huyền thoại da trắng tái tập hợp và phản ánh nền văn hoá của phương Tây: người da trắng ghi chép huyền thoại của chính hắn, huyền thoại Ấn-Âu, "ngôn từ" của chính hắn, nghĩa là cái "huyền thoại" phương ngữ đặc biệt của hắn, vì hình thức phổ quát của cái đó, hắn còn phải ước muốn triệu tới Lí trí."

Derrida cũng được gọi là nhà hậu cơ cấu luận. Dù một số người xem chủ nghĩa hậu hiện đại và hậu cơ cấu luận là đồng nghĩa, tôi nghĩ giữa chúng có sự khác biệt rõ rệt. Chủ nghĩa hậu hiện đại là phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý, duy khoa học và tính khách quan của chủ nghĩa hiện đại. Mặt khác, hậu cơ cấu luận là phản ứng chống lại cơ cấu luận, cái vốn quả quyết rằng có những cơ cấu phổ quát của ngôn ngữ và rằng các cơ cấu ấy là thành tố quyết định tối hậu trong đời sống và tư tưởng. Theo Derrida, đó là hai trào lưu gối lên nhau đưa tới sự bác bỏ đa số truyền thống trí thức phương tây.

Theo ý kiến của tôi, đó là bốn "ngôn sứ tuyệt luân" - tôi dùng cụm từ này của Alan Megrill - dẫn đầu cuộc tấn công chủ nghĩa hiện đại và gây hứng khởi cho nhiều nhà hậu hiện đại thời nay. Lúc này, bản phả hệ này có thể đã cho cảm giác xa xăm nào đó về các gốc rễ của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng nó kể cho chúng ta quá ít về chủ nghĩa ấy. Vì thế chúng ta sẽ phải tìm kiếm sợi chỉ trong các tác phẩm của các tác giả hậu hiện đại.

Sợi chỉ chung

Theo ý kiến của tôi, sợi chỉ chung giữa những người được gắn nhãn hiệu một cách rộng rãi là nhà hậu hiện đại - từ Nietzsche tới Derrida và gồm cả các nhà hậu hiện đại thời nay như Jean Baudrillard, Jean-Francois Lyotard, Gayatri Spivak và Julia Kristera - là những người triệt để chống thuyết duy bản thể và chống thuyết duy nền tảng (anti-essentialism and anti-foundationalism). Như thế, tôi có ý nói rằng họ phủ định các bản thể, các bản chất và bất cứ tính phổ cập nào đặt định ý nghĩa nền tảng và bất biến trên cuộc hiện sinh. Do đó, nhìn từ viễn cảnh hậu hiện đại, không có các nền tảng siêu việt, xuyên lịch sử, xuyên văn hoá cho sự diễn dịch. Việc triệt để chống thuyết duy bản thể của các nhà hậu hiện đại dẫn họ tới hành động phê phán những khái niệm và xoá bỏ những phương pháp mà các nhà hiện đại cảm thấy thoải mái với chúng. Ở đây, tôi sẽ phác họa một số điều ấy. Khi cần, tôi sẽ tham chiếu các văn bản của Michel Foucault vì tôi quen thuộc với tác phẩm của ông hơn của các nhà hậu hiện đại khác.

Khái niệm đầu tiên sụp đổ đằng sau sự chống duy bản thể là ý tưởng về bản chất của con người, hoặc cái mà nhiều nhà hậu hiện đại nói tới như là chủ thể siêu việt. Thí dụ, trong bộ môn sử học, chúng ta giả sử rằng, về một số mặt nào đó, loài người trong quá khứ cũng giống y như ngày nay. Chúng ta cũng giả sử rằng dân chúng trong những nền văn hoá khác cũng giống với dân chúng trong nền văn hoá của chúng ta. Sự giả sử ấy cho phép chúng ta nghiên cứu lịch sử và có đức tin nào đó rằng những tuyên bố của chúng ta về động cơ và hành động của dân chúng trong quá khứ là chính xác.

Thế nhưng các nhà hậu hiện đại cãi lại rằng chẳng có tính bản thể thiết yếu nào về loài người. Việc giả sử như thế chỉ làm giảm thiểu sự khác biệt, độc đáo, đặc dị của các cá thể. Theo các nhà hậu hiện đại, ta nên có ấn tượng rằng thế giới triệt để không đồng nhất; quá khứ thì khác triệt để với hiện tại; và mọi nền văn hoá thì triệt để khác nhau.

Tiếp đến, người hậu hiện đại xoá bỏ sự phân biệt giữa thực tế và hư cấu. Ðối với họ, không có tương quan thiết yếu giữa ngôn từ và vạn vật, biểu hiệu và cái ý nghĩa được biểu hiệu, chủ thể và khách thể. Như thế, một luận văn tuyên bố là mô tả thực tại, thí dụ lịch sử, thì so với tiểu thuyết, nó chẳng có tương quan lớn lao hơn với cái được nói tới. Cả lịch sử lẫn tự sự hư cấu đều là những cái thay thế cho thực tại hơn là những bản sao tốt hoặc những bản sao tồi của thực tại. Ðó là căn bản của lời tuyên bố sau đây của Michel Foucault: "Tôi nhận biết rất rõ rằng tôi chẳng bao giờ viết ra cái gì ngoài hư cấu. Tôi không có ý đi xa tới mức nói rằng tiểu thuyết thì ở bên kia sự thật. Dường như đối với tôi, người ta có thể tạo ra một tác phẩm hư cấu bên trong sự thật."

Một phạm trù cơ bản trong sử học, tôi nghĩ, là khái niệm về biến cố. Nó được giả sử là đề cập tới tính chất cá biệt của biến cố lịch sử. Thế nhưng người hậu hiện đại cãi lại rằng việc dùng thuật ngữ "biến cố" chỉ làm giảm thiểu tính đặc dị của các biến cố xuống thành tính tổng quát. Và vì không có cái gọi là bản thể của các biến cố để liên kết chúng với nhau nên trong thực tế, ý tưởng về các biến cố là khái niệm vô giá trị. Foucault nhắc tới thuật ngữ biến cố như là "hình tượng hão huyền" (phanstam) lơ lửng trên mớ bồng bông hỗn tạp của các biến cố; nó là một tác động của ý nghĩa mà không thể đồng nhất hoá với bất cứ cái gì trong một biến cố thật sự.

Có nhiều khái niệm khác bị hủy hoại dưới những phân tích chống thuyết duy bản thể của các nhà hậu hiện đại. Tuy thế vấn đề là họ hoài nghi về các bản thể và các bản chất. Theo ý kiến tôi, đây là cái làm cho họ khác biệt đầy táo bạo.

Kết luận

Nhiều người khiếu nại rằng chủ nghĩa hậu hiện đại hoá thành chủ nghĩa hư vô - biến mọi tuyên bố triết học (và sử học) thành vô giá trị trước khi chúng được tuyên bố. Những người khác phàn nàn rằng chủ nghĩa hậu hiện đại loại trừ nền tảng tri thức học và đạo đức học. Nhưng theo ý kiến của tôi, người hậu hiện đại không xác nhận rằng những quyết định về các chủ đề đạo đức đều không có giá trị hoặc chúng đều vô ích. Ðơn giản là họ chỉ cởi bỏ nhu cầu phải có nền tảng và nhu cầu chọn quan điểm này hơn quan điểm nọ, và vì thế, cho phép chúng ta tự do xây dựng quan điểm của chính mình. Nhưng có lẽ gánh tự do thì quá nặng và là cái gì đó không phải tất cả chúng ta đều muốn gánh vác, tôi xin kết thúc bằng một đoạn trích từ Foucault:

"Các trào lưu không thể không có những nỗ lực và bất định, các giấc mơ và ảo giác, qua đó ta tách mình khỏi những gì đã được chấp nhận là đúng, và tìm kiếm những qui tắc khác - đó là triết học. Sự chuyển vị trí và chuyển hình thái các khung khổ của tư duy, sự thay đổi các giá trị đã được chấp nhận và mọi công trình đã hoàn tất để tư duy ngược lại, để làm điều gì khác, để trở thành khác hơn cái ta đang là - đó cũng là triết học... Nó dễ hiểu tới độ trong thế giới của ý tưởng, sau chế độ quân chủ nhỏ nhoi, một số người thay vì khóc cho lỗ trống hiện tại thì hãy khao khát. Những ai trong đời mình từng một lần tìm ra cung giọng mới, cách nhìn mới, cách làm mới, tôi tin rằng họ sẽ không bao giờ cảm thấy nhu cầu than khóc rằng thế giới này lầm lạc, rằng lịch sử đầy dẫy những kẻ chẳng làm nên trò trống gì, và rằng đây chính là thời điểm mà những người khác phải trầm lặng để cuối cùng, âm thanh phản đối của họ có thể được nghe."
(Fayaz Chagany)


14. Thay lời kết

Khi một trào lưu triết học xuất hiện và trở thành chủ đề của những cuộc tranh luận sôi nổi thì nó gây được ít nhất ba ảnh hưởng tích cực: soi rọi một số điểm bất cập quan trọng của những triết thuyết đương thời; giúp con người hiểu rõ thêm thực tiễn và căn nguyên của tình huống mình đang sống; đồng thời củng cố thêm niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy thế, đòi hỏi một trào lưu triết học phải có hệ thống và hoàn chỉnh thì có lẽ đó là hai yêu cầu không tưởng. Một đằng vì trong quá trình hình thành, nó là sự đóng góp của nhiều triết gia mà tư duy lắm khi không đồng điệu; hệ thống hoá nó hẳn là công việc của các nhà nghiên cứu. Ðằng khác, trên con đường sống và tìm kiếm chân lý, con người vốn bất toàn nên mọi triết thuyết hoặc chủ nghĩa, sản phẩm trần thế của nó, vừa mang dấu vết thời đại vừa không bao giờ hoàn hảo. Theo thời gian, lý thuyết nào rồi cũng trở nên lỗi thời, mất dần khả năng cắt nghĩa thực tại đang chuyển hoá (cực nhanh như từ nay) và đưa định hướng cụ thể cho một tương lai còn nhiều giả định.

Những ý kiến của các tác giả được trích dịch hoặc tham chiếu làm thành hồ sơ này đều gặp gỡ nhau ở một điểm chung rằng chủ nghĩa hậu hiện đại có xuất xứ tại Pháp, nở rộ từ Hoa Kỳ và không là một triết phái thuần nhất, chưa đạt các tiêu chuẩn lý thuyết hoá. Tuy thế, nó vẫn gây được ảnh hưởng khắp thế giới vì trên hết, nó là phản ứng bén nhạy và nỗ lực xung phá đương đại. Ngày nay con người cảm thấy ngột ngạt trong một xã hội bị truyền thống duy lý cơ chế hóa mọi hình thái sinh hoạt; hoang mang trước những bất cập ngày càng lộ rõ của các triết thuyết trước đây; nhu cầu phát triển kinh tế của các nước lớn đã đẩy quá nhanh tiến trình toàn cầu hoá cho phù hợp các ý định của họ; tình trạng mất quân bình giữa tăng tiến mậu dịch và phát triển xã hội; sự tiến bộ của công nghệ tin học và vận chuyển đang thu nhỏ thế giới, tạo cơ hội thuận tiện cho việc quảng bá lối sống và văn hoá phương tây. Các luận văn của chủ nghĩa hậu hiện đại được phổ biến sâu rộng trong các trường đại học, chuyển tải trong văn học nghệ thuật, thời trang, các phong trào bảo vệ môi sinh, theo dõi nhân quyền, đấu tranh chống mậu dịch quốc tế, chống toàn cầu hoá... nên nhiều luận điểm mới lạ của chúng, với sức đột phá mạnh mẽ, đang ngày càng được tiếp nhận không những trong giới trí thức, thanh niên, mà còn trong các phạm vi sinh hoạt khác như truyền thông đại chúng, khoa học nhân văn, kinh tế chính trị bản địa, khu vực hoặc liên đại lục, công tác xã hội, v.v.

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu toàn cầu nên Việt Nam không thể không bị chạm tới. Ta có ưu điểm khi tiếp cận các triết thuyết phương tây, từ nhị nguyên tới cái gọi là đa nguyên, với tâm cảm nhất nguyên của người phương đông, bù lại vẫn có những trở ngại đòi hỏi ta phải khắc phục. Thứ nhất ta chưa có hoàn cảnh thuận lợi cho các nhà triết học người Việt thực hiện chức năng của mình. Thứ hai, việc tiếp cận triết học phương tây tầng tầng lớp lớp ảo diệu đòi hỏi phải có chuyên môn, công phu và thời gian; đã qua rồi những ngày tiếp thu hoặc phê phán các "lý thuyết ngoại lai" bằng một ngọn bút châu phê, một cái gật đầu hoặc chắt lưỡi. Thứ ba, mặc cảm tự ái hoặc tự ti của công dân một nước đang phát triển, trăm năm nay chưa tròn giấc mơ hiện đại hoá mà đã bị các sản phẩm tư tưởng của thời hiện đại làm cho điêu đứng. Tuy thế, ảnh hưởng hiện nay của công cuộc đổi mới xứ sở và tiến trình toàn cầu hoá đẩy chúng ta vào tư thế phải hành động thật gấp. Một mặt xây dựng môi trường sinh hoạt tư tưởng độc lập để thuận tiện hấp thu tinh hoa từ nhiều nguồn khác nhau. Chính Trung Quốc chỉ vài năm sau ngày phát động cuộc đổi mới đã không ngần ngại thỉnh giảng các giáo sư phương tây tới Ðại học Bắc Kinh và các đại học khác, trong đó Frederic Jameson là một trường hợp rất điển hình. Mặt khác, cần nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại, cách riêng những luận điểm độc đáo mang ý nghĩa phê phán sâu sắc thời hiện đại, như chủ nghĩa duy lý, đại tự sự, giải cấu trúc, tính chủ quan và khách quan, biến loạn của chữ và nghĩa, văn chương của sự cạn kiệt... hoặc thái độ năng động trước thực tiễn như "suy nghĩ toàn cầu hành động địa phương", vai trò và giá trị của văn hoá bản địa... Bên cạnh đó, hình như hiện nay ta đang hướng về truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc để tìm ở đó căn bản tư tưởng hoặc định hướng cho các sinh hoạt đa dạng của mình. Chính vì cảm nhận như thế nên chúng tôi đã dụng ý lắp ráp rải rác nhiều ý kiến của chủ nghĩa hậu hiện đại về dân tộc học và nhân chủng học vào các mục trên.

Sau cùng, kết thức tập hồ sơ này, chúng tôi hướng tới thế hệ trẻ hiện nay, gồm các thanh niên trí thức được ăn học trong hoà bình và có hoàn cảnh cùng trình độ tiếp cận tri thức muôn phương hơn thế hệ chúng tôi, với ước vọng sẽ được đọc những công trình nghiên cứu dồi dào chất lượng, bằng tiếng Việt, về các triết thuyết, đặc biệt về chủ nghĩa hậu hiện đại. Dù trong lãnh vực tư tưởng, nỗ lực tra vấn, chứng nghiệm và thành tựu là hành trình đơn độc của cá thể nhưng càng có nhiều trí thức nhạy cảm và năng động như thế thì tập thể dân tộc càng có cơ may đạt tới trạng thái phát triển quân bình giữa chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Hy vọng thế hệ mới của Việt Nam sớm cùng với các nhà hoạt động và các trí thức cấp tiến trên thế giới vận dụng những cái nhìn sắc sảo và những luận văn tinh tế của chủ nghĩa hậu hiện đại để triển khai thành lý thuyết mới, đáp ứng được những thách thức tại bản địa và trên toàn cầu trong những thập niên mở đầu thiên niên kỷ mới này.

Toronto, Canada



Ghi chú:

1. Hồ sơ này góp nhặt tài nguyên chủ yếu từ:

In Search of the Postmodern www.transformaties.org/bibliotheek/klages
What Is Postmodernism www.colorado.edu/english/ENGLISH2002/klages
Postmodernism Thought www.cudenver.edu/~mryder/itc
Postmodernism and the Postmodern Novel www.iath.virginia.edu/elab
Postmodernism & Hypertext & Literature www.blackalchemistpress.com
Postmodernism and Its Critics www.as.ua.edu/ant/Faculty
Postmodern Theory: Critical Interrogations www.webpages.ursinus.edu/rrichter/ bestkellner
Postmodernism - Rearranging the Furniture of the Universe www.geocities.com/ Athens/Agora
Flax, Jane (1990), bài "Postmodenism and Gender Relations in Feminist Theory",tuyển tập
Feminism/Postmodernism, Linda J. Nichoson biên tập, Routledge, tr. 41-2.
Phạm Trọng Luật, (2003) bài "Từ tranh luận "nửa chừng xuân" và "đoạn tuyệt" ra khơi đến "Tiểu Xảo Văn Ðoàn": một vòng văn chương Việt Nam hãi ngại" talawas.org
Encyclopaedia Britannica 2003
Encyclopedia Americana 2003
The New Penguin Encyclopedia 2003


2. Tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt:

Connor, Steven, Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương, Phan Tấn Hải dịch, Tạp chí Thơ số 12, 1998. California
Hoàng Ngọc Tuấn (2002), Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, California: Văn Nghệ
Hoover, Paul, Giới thiệu thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, Phan Tấn Hải dịch, Tạp chí Thơ, số 11, 1997
McKenna, Kristine, Ba phần đời của Jacques Derrida - Phỏng vấn bố già của Giải cấu trúc, Hoàng Nguyên Nhuận dịch, Tạp chí Hợp Lưu số 69, 2003. California
Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, California:Văn Nghệ
Nguyễn Minh Triết, Derrida và thuyết hủy tạo, Tạp chí Chủ Ðề số 19, 2000, Portland
Strinati, Dominic, Thuyết hậu hiện đại và văn hóa đại chúng, Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch, Tạp chí Thơ, số 19, 2000, California
Turner, Frederick, Chủ nghĩa kinh viện mới và văn hoá, Nguyễn Tiến Văn dịch, Tạp chí Thơ số 24, 2003, California


3. Cách ghi chú sách tham khảo:

Thí dụ: (Sarup 1993:161): Sarup, Madan (1993) An Introductory Guide to Post-Structualism and Postmodernism, Atlanta, University of Georgia Press, tr. 161.


4. Có thể tìm hầu hết các văn bản tiếng Anh được dùng làm tài nguyên cho hồ sơ này và chi tiết các sách tham khảo ở các websites liên hệ, hoặc truy cập postmodernism sẽ có thư mục hậu hiện đại.


© 2003 talawas