trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
19.1.2005
Joseph E. Stiglitz
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
16 kỳ
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
Tủ sách SOS2


Các Bài giảng Wicksell

Năm 1958 Hội Bài giảng Wicksell [The Wicksell Lecture Society], với sự hợp tác của Viện Khoa học Xã hội thuộc Đại học Stockholm [the Social Science Institute of Stockhol University], Trường Kinh tế học Stockholm [the Stockholm School of Economics], và Hội Kinh tế Thuỵ Điển [Swedish Economic Association], đã khai trương loạt các bài giảng để tôn vinh và tưởng nhớ Knut Wicksell (1851-1926). Đến 1975 các bài giảng được trình bày hàng năm. Sau một thời kì tạm dừng loạt bài giảng lại được Hội Kinh tế Thuỵ Điển khai trương lại năm 1979. Bắt đầu với các bài giảng 1982, một tập các bài giảng được trình bày hai năm một.



Lời giới thiệu của người dịch

Quyển sách này là quyển thứ 6 của tủ sách SOS2 do chúng tôi chọn và dịch ra tiếng Việt. Nó được Joseph Stiglitz viết hơn mười năm trước, vào những năm đầu của thời kì chuyển đổi, và được xuất bản đầu tiên năm 1994. Ông là người có công chính trong phát triển kinh tế học thông tin, và vì những cống hiến đó ông đã được giải Nobel kinh tế năm 2001. Trong cuốn sách này ông dùng những kết quả nghiên cứu của mình và của các cộng sự về kinh tế học thông tin để làm rõ hơn những vấn đề tranh luận lâu đời về các mô hình kinh tế, các hệ thống kinh tế, và trên cơ sở đó đưa ra những gợi ý chính sách cho các nền kinh tế chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa.

Ông phê phán các lí thuyết kinh tế tân cổ điển, mô hình xã hội chủ nghĩa thị trường và mô hình thị trường cạnh tranh truyền thống dựa trên lí thuyết đó, làm rõ hơn những điểm mạnh điểm yếu của các hệ thống kinh tế. Ông gợi ý những chính sách kinh tế cho các nền kinh tế chuyển đổi.

Phê phán và đánh giá của ông khá cân bằng và khách quan trên cơ sở những kết quả mới nhất trong nghiên cứu kinh tế. Độc giả của tủ sách SOS2 sẽ thấy cuốn sách này rất lí thú, nhất là sau khi đã đọc các cuốn sách khác của tủ sách, đặc biệt là hai cuốn đầu của Kornai.

Joseph Stiglitz đã từng là cố vấn kinh tế của tổng thống Clinton, là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ông đã thường xuyên thảo luận các vấn đề kinh tế chuyển đổi với các học giả và quan chức Trung Quốc và các nước Đông Âu từ đầu những năm 1980, và cho các nhà hoạch định chính sách những lời khuyên bổ ích. Việt Nam đã bắt đầu công cuộc chuyển đổi hơn mười lăm năm nay. Từ giữa các năm 1990 Ông đã vài lần đến Việt Nam; Chính phủ Việt Nam dường như đánh giá cao những lời khuyên của Ông.

Với các độc giả Việt Nam cuốn sách vẫn có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ mang đến cho chúng ta những suy ngẫm sâu xa liên quan đến nội dung các cuộc tranh luận lâu đời về các mô hình kinh tế, những vấn đề học thuật uyên thâm, mà còn mang tính thời sự nóng hổi cho công cuộc đổi mới đất nước. Trước hết nó, cũng như cuốn “Hệ thống Xã hội chủ nghĩa” của Kornai, giúp chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử kinh tế của mình trong hơn nửa thế kỉ qua, hiểu rõ hơn những vấn đề hiện tại, và hi vọng góp phần quan trọng trong định ra các bước đi thích hợp trước mắt và lâu dài.

Cuốn sách không chỉ bổ ích cho các học giả, các nhà hoạch định chính sách, mà cũng rất bổ ích cho các nhà doanh nghiệp, các nhà báo, sinh viên và những người quan tâm khác.

Tuy bàn luận về những vấn đề lí thuyết sâu xa, song cuốn sách không dùng đến những kiến thức toán học cao siêu, nên có thể dễ đọc hơn với quảng đại bạn đọc. Tuy vậy, đây là cuốn sách chuyên khảo, cần phải có những hiểu biết nhất định mới có thể hiểu được. Có một vài thuật ngữ toán (kinh tế) có thể lạ tai đối với một số bạn đọc (thí dụ như tính lồi [convexity], tính không lồi [nonconvexity], tuyến tính [linearity], phi tuyến [nonlinearity], v.v) bạn đọc nên xem lại các khái niệm toán sơ cấp hay cao cấp liên quan. Có một vài thuật ngữ kinh tế, như rent [tiền thuê, tô] đôi khi được dịch nhất quán là “đặc lợi” cho phù hợp với rents seeking [tìm kiếm đặc lợi]; hoặc polyarchy [(đa?) thứ bậc] lại được dùng nhất quán là phi thứ bậc để đối lập với hiearchy [hệ thống thứ bậc], có thể gây khó chịu cho một số độc giả. Tất cả những điểm như vậy đều có đánh dấu sao (*) ở các chỗ thích hợp. Mọi chú thích đánh số đều là của tác giả, các chú thích đánh dấu sao (*) là của người dịch. Để tránh những khó khăn trên, và giúp việc nghiên cứu được thuận tiện phần chỉ mục [index] tỉ mỉ về các khái niệm, dẫn chiếu chúng tôi kèm cả thuật ngữ tiếng Anh để tiện dùng.

Do hiểu biết có hạn của người dịch, bản dịch chắc còn nhiều sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và chỉ bảo. Mọi góp ý xin gửi về Tạp chí Tin Học và Đời Sống 25/B17 Hoàng Ngọc Phách [Nam Thành Công] Hà Nội, thds@hn.vnn.vn, hoặc nqa@netnam.vn.
 
Hà nội 11-2003
Nguyễn Quang A



Lời nói đầu

Quyển sách này mở rộng các bài giảng Wicksel mà tôi đã trình bày ở Trường Kinh tế học Stockhom tháng tư 1990. Khởi đầu tôi dự định trình bày một tổng quan về hiện trạng của kinh tế học thông tin, tiêu điểm của phần lớn nghiên cứu của tôi suốt hai thập kỉ qua. Nhưng những sự kiện ở Đông Âu - sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội với tốc độ hoàn toàn bất ngờ - đã đưa ra những vấn đề chính sách mới và khơi lại các vấn đề lí thuyết cũ: Chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường bị tác động ra sao? Những kinh nghiệm này có ý nghĩa gì với cuộc tranh luận kéo dài liên quan đến sự lựa chọn các hệ thống kinh tế khả dĩ?

Những vấn đề này liên quan đến một vấn đề thứ ba: các mô hình kinh tế truyền thống có ý nghĩa gì với những vấn đề kinh tế căn bản như vậy? Kết luận mà tôi rút ra vượt quá sự phê phán rằng các mô hình chuẩn chẳng có mấy ý nghĩa đối với các vấn đề này. Với tôi dường như là, các mô hình chuẩn có lỗi một phần cho tình trạng tai hại mà nhiều nước Đông Âu đã lâm vào. Trong một đoạn thường được trích dẫn, Keynes viết:

Các ý tưởng của các nhà kinh tế và của các triết gia chính trị, cả khi họ đúng lẫn khi họ sai, có quyền lực hơn là người ta thường vẫn tưởng. Thực vậy, thế giới được cai trị bởi mấy ai khác. Những người thực tiễn, tin rằng mình không bị bất kể ảnh hưởng trí tuệ nào, thường là nô lệ của nhà kinh tế học đã chết nào đó. Những kẻ mất trí có quyền lực, nghe những lời nói viển vông, đang chắt lọc sự điên cuồng của họ từ học giả bất tài nào đấy của mấy năm đã qua. Tôi chắc chắn rằng quyền lực của những giới có thế lực đã tăng quá mức so với xâm lấn dần dần của các ý tưởng.

Có thể biện hộ mạnh mẽ cho định đề rằng các ý tưởng về kinh tế học đã dẫn gần một nửa dân số thế giới đến đau khổ không kể xiết.

Kinh tế học tân cổ điển thường tự cho mình là đối lập với kinh tế học của Marx. Nhưng kinh tế học tân cổ điển, ít nhất ở dạng quen thuộc trong cộng đồng Anh-Mĩ, thực tế đã không cung cấp một lựa chọn khả dĩ có thể đứng vững. Nó cung cấp một mô hình về nền kinh tế dường như quá xa những lực lượng cơ bản tạo sự ủng hộ cho kinh tế học của Marx trong những giả thuyết, những mô tả, và những mối quan tâm của nó. Bằng cách lập luận rằng dường như chúng ta là tốt nhất trong mọi thế giới khả dĩ, chẳng khẳng định một cách thoả đáng gì đối với nhu cầu của những người thấy sự khốn khó kinh tế ở khắp nơi. Tồi hơn nữa, trong khi chỉ ra sức mạnh của các thị trường, nó dường như đã lập luận rằng chủ nghĩa xã hội có thể hoạt động được: Chủ nghĩa xã hội thị trường có thể sử dụng các thị trường, mà nền kinh tế vẫn không có những đặc điểm tồi nhất của chủ nghĩa tư bản.

Kết luận này sai là điều dường như rõ ràng hiện nay. Nhưng vì sao nó sai lại đáng là bài học. Nó nói cho chúng ta cái gì đó về cả nền kinh tế lẫn các mô hình mà chúng ta đã dùng để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản. Một mục tiêu chính của các bài giảng này là kể lại câu chuyện ấy.

Sẽ không ngạc nhiên đối với những người đã theo dõi công trình của tôi, rằng tôi coi thiếu sót cốt lõi trong mô hình tân cổ điển là ở các giả thiết của nó liên quan đến thông tin. Trong các công trình trước đây của tôi về kinh tế học thông tin, tôi đã chỉ ra rằng những sự xáo động nhẹ trong các giả thiết chuẩn về thông tin làm thay đổi mạnh mẽ tất cả các kết quả chủ yếu của lí thuyết chuẩn tân cổ điển: Lí thuyết hoàn toàn không vững chút nào.

Tôi hi vọng rằng các bài giảng này vượt quá việc chê bai, nay đã thành quen thuộc, đối với mô hình chuẩn, để chỉ ra xem hệ thuyết (paradigm) lí thuyết thông tin mới có thể mang lại những cái nhìn mới thế nào trong các vấn đề lí thuyết về nền kinh tế vận hành ra sao - thí dụ, vai trò của cạnh tranh và phân quyền [phi tập trung hoá] - và trong việc đưa ra các chính sách cho các vấn đề thực tiễn mà các nền kinh tế chuyển đổi phải đối mặt. Tuy vậy tôi phải nhấn mạnh rằng, trong khi các giả thiết về thông tin làm cơ sở cho lí thuyết chuẩn có lẽ chính là điểm yếu cốt tử, là gót Achilles, của lí thuyết, nó chẳng vượt quá điểm đó: Các giả thiết liên quan đến tính đầy đủ, đến tính cạnh tranh của các thị trường, và sự thiếu vắng của đổi mới sáng tạo [trong lí thuyết chuẩn] là ba [thiếu sót] mà tôi nhấn mạnh.

Xây dựng một hệ thuyết mới là một quá trình chậm. Cái mà tôi gọi là lí thuyết chuẩn đã được trau chuốt liên tục qua các năm. Lí thuyết bây giờ có thể được phát biểu với tính tổng quát toán học cao. Nhưng tính tổng quát cao hơn đó không giúp gì cho tính thoả đáng của lí thuyết. Vấn đề liệu lí thuyết cơ sở có bất kể ý nghĩa nào đối với nền kinh tế của chúng ta chẳng hề dựa vào tính khả vi [1] của các hàm số liên quan. Quá nhiều nguồn lực của giới chúng ta được dành cho việc trau chuốt một mô hình có quá ít ý nghĩa với nền kinh tế, ngụ ý rằng có một sự phi hiệu quả trên thị trường về các ý tưởng, cái ít nhất cũng lớn như sự phi hiệu quả ở các thị trường vốn và lao động.

Các mô hình toán học hình thức nắm bắt một số khía cạnh của các ý tưởng được trình bày ở các trang tiếp theo - thí dụ, vai trò của cạnh tranh trong cung cấp thông tin, vai trò của phân quyền trong các tổ chức nơi mỗi cá nhân có thông tin hạn chế, hoặc vai trò của chính phủ can thiệp vào các nền kinh tế với các thị trường không hoàn hảo và thông tin không hoàn hảo - đã được phát triển. Nhưng ở đây tôi không có ý định điểm lại hoặc mở rộng các mô hình đó: Các độc giả quan tâm có thể xem các tài liệu tham khảo. Thay vào đó, theo tôi nhiệm vụ của một loạt bài giảng như loạt bài giảng này là đưa nhóm các ý tưởng vào đúng viễn cảnh của nó. Nếu tôi thành công trong việc tạo ra những nghi ngờ về hệ thuyết đang thịnh hành, nếu tôi thuyết phục được độc giả rằng có một hệ thuyết lựa chọn khả dĩ đáng theo đuổi, và nếu, vì lí do đó, mà có một sự tái phân bổ nhỏ nhoi các nguồn lực trí tuệ của giới chúng ta, thì tôi đã đạt mục tiêu của mình. Nếu các bài giảng tỏ ra có ích cho những người ở trong quá trình chuyển đổi, nếu không phải trong việc đưa ra các câu trả lời, thì ít nhất trong việc giúp tạo ra khuôn khổ cho thảo luận, thì tôi càng hài lòng hơn.

Tôi mang ơn sâu nặng đối với các sinh viên, các đồng nghiệp, và đặc biệt với các đồng tác giả của tôi, những người mà tôi đã cùng thảo luận nhiều ý tưởng trong cuốn sách này suốt hai thập kỉ qua. Những ảnh hưởng của Richard Arnott, Avi Braverman, Partha Dasgupta, Bruce Greenwald, Michael Rothschild, Barry Nalebuff, Steve Salop, David Sappington, Carl Shapiro, và Andrew Weiss là đặc biệt rõ rệt. Joshua Gans và Michael Smart đã trợ giúp nghiên cứu. Những bình luận sâu sắc của họ đã cải thiện bản thảo cuối cùng rất nhiều. Jean Koentop và Linda Handelman đã thực hiện công việc thư kí thường lệ tuyệt vời của họ, biên tập bản thảo khi đánh máy.

Tôi cũng được lợi từ nhiều bình luận của các đồng nghiệp đã tham dự các bài giảng ở Stockholm và các seminar ở Budapest, Praha, và Roma ở những nơi các phiên bản của nhiều chương đã được trình bày. Sự quan tâm của tôi đến các vấn đề của chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ những ngày còn là sinh viên sau đại học, khi tôi đến Trường Thống kê Trung ương ở Warsaw để nói chuyện với Lange, Kalecki và các môn đồ của họ. Tôi thu được nhiều hiểu biết sâu sắc về lí thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội, và rất cảm kích trước lòng mến khách hào hiệp của họ. Sự quan tâm của tôi về các vấn đề chuyển đổi đầu tiên được gợi lên năm 1981, tại một cuộc gặp mặt được tài trợ bởi Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia [National Academy of Science] và Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc [Chinese Academy of Social Science] ở Wingspreads, Wisconsin (ở đó tôi trình bày một phiên bản ban đầu của một trong các chương của cuốn sách này), và một cuộc viếng thăm đáp lại ở Bắc Kinh vào mùa hè tiếp theo. Từ khi đó, tôi đã có may mắn tiến hành nhiều cuộc viếng thăm tới Hungary, Tiệp Khắc, Rumani, và Trung Quốc, nhưng tôi không thể cho rằng mình là một chuyên gia, trên cơ sở những cái nhìn thoáng qua này, về hàng loạt các vấn đề mà các nước này đối mặt. Tôi hi vọng, và tin, rằng những thấu hiểu lí thuyết có thể có giá trị nào đấy.

Tôi cảm ơn sự trợ giúp của nhiều tổ chức đã hỗ trợ tài chính và tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu nằm đằng sau các bài giảng này: Quĩ tài trợ Khoa học Quốc gia [National Science Foundation], Quĩ tài trợ Sloan [Sloan Foundation], Viện Hoover ở Đại học Stanford, Chính phủ Rumani, Viện Cải cách Chính sách [Institute for Policy Reform], Bộ Tài chính Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, và Ngân hàng Thế giới. Quan trọng nhất, tôi muốn cảm ơn sự hỗ trợ của Đại học Stanford, đã tạo ra một bầu không khí trong đó việc thảo luận tích cực về các ý tưởng căn bản nhất đã được tiến hành một cách cởi mở và sôi nổi, trường đã cho tôi các đồng nghiệp và các sinh viên mà hàng ngày tôi học được rất nhiều từ họ.


1. Lí thuyết về chủ nghĩa xã hội và quyền lực của các tư tưởng kinh tế

Trong thế kỉ này chúng ta đã đến chỗ học được về quyền lực của các ý tưởng kinh tế. Những quan điểm đối địch về xã hội phải được tổ chức ra sao đã được tranh cãi không chỉ trong các phòng tranh luận của các viện hàn lâm mà cả ở các chiến trường ở Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan, và Trung Mĩ. Chắc chắn, trong mỗi trường hợp, vấn đề không đơn thuần chỉ là các ý tưởng kinh tế. Các du kích quân ở Việt Nam hoặc Honduras chẳng quan tâm đến các cuộc tranh luận về lí thuyết lao động, về giá trị hoặc các giáo lí khác của kinh tế học của Marx, ngay cả nếu họ hiểu rõ chúng. Mặc dù vậy những niềm tin vào một hệ thống kinh tế khả dĩ có thể lựa chọn, hệ thống hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn trong thế giới này, có ảnh hưởng đến hành động của họ chẳng kém những niềm tin vào các hệ thống tôn giáo khả dĩ khác - hứa hẹn sự cứu rỗi vĩnh hằng trong hậu thế - ảnh hưởng tới những người đã chiến đấu dữ tợn đến vậy trong các cuộc chiến tranh tôn giáo do hậu quả của phong trào Cải cách [thế kỉ 16]. Những niềm tin đã bị một cú đấm mạnh bởi các sự kiện ở Đông Âu trong vài năm qua, đặc biệt với sự sụp đổ của của Chính phủ Xôviết trong năm qua.

Nhưng nếu chúng ta đi tìm thời điểm mà chủ nghĩa xã hội không còn được coi là một lựa chọn khả dĩ so với chủ nghĩa tư bản, thì chúng ta phải tìm trước sự giải phóng của các nước Đông Âu năm 1989. Bên cạnh đó, sự từ chối chủ nghĩa xã hội của họ là một sự khẳng định chính trị, từ chối một hệ thống kinh tế được kẻ chiếm đóng áp đặt lên họ, cũng như là một sự tuyên bố về những tính ưu việt của hệ tư tưởng đó. Tôi nghĩ, chúng ta phải ngó lại các cuộc tư nhân hoá ở Pháp bắt đầu vào đầu các năm 1980, được tiến hành bởi một chính phủ công khai thừa nhận là chính phủ xã hội (chủ nghĩa), đảo ngược lại hình mẫu quốc hữu hoá mà chính phủ đó đã tiến hành mới ít năm trước. Đã có những ám chỉ xa xôi rằng lòng tin vào hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa có thể đã tan thành mây khói trong những năm trước đó: Thủ tướng Hy Lạp Andreas Papandreou, một nhà xã hội chủ nghĩa công khai khác, đã coi "xã hội hoá các doanh nghiệp quốc doanh" là một trong những mục tiêu của chính phủ của ông, công nhận công khai rằng quan điểm cũ, rằng quốc hữu hoá một doanh nghiệp sẽ đảm bảo cho mục tiêu của doanh nghiệp ấy trùng hợp với "lợi ích quốc gia", bất luận nó được xác định ra sao, đã chẳng có cơ sở trong thực tế, ít nhất trong bối cảnh Hy Lạp. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, với tư cách là một hệ tư tưởng kinh tế, là đáng chú ý ở nhiều mặt cũng như sự sụp đổ đồng thời của khối Xôviết, biểu trưng cho tột đỉnh của một cuộc thí nghiệm kinh tế kéo dài nửa thế kỉ. Đó là một cuộc thí nghiệm được tiến hành với suy tính đáng kể, dựa trên cơ sở của một hệ tư tưởng tồn tại hơn một thế kỉ. Hệ tư tưởng đã đương đầu với sự xem xét kĩ lưỡng của thời gian. Những hứa hẹn và kết luận của nó đã được tranh luận rộng rãi, và trong hàng ngũ những người ủng hộ nó bao gồm một số người có trí tuệ nhất suốt thời kì hơn một trăm năm. Ngay cả ngày nay những tư tưởng và lí tưởng Marxist tạo cơ sở cho hệ tư tưởng kinh tế vẫn còn sống động, không chỉ trong thế giới thứ ba mà cả ở các chuyên ngành khác. Một miêu tả đầy đủ và nhất quán về sự nổi lên, sự bền bỉ và sự sụp đổ một phần của tập các niềm tin này là rất hấp dẫn nhưng sẽ dẫn tôi đi quá phạm vi của các bài giảng này. Nhưng một luận đề mà tôi hi vọng trình bày là, gián tiếp hay không chủ ý, các mô hình kinh tế tân cổ điển đã đóng một vai trò trung tâm trong truyền bá và duy trì niềm tin vào chủ nghĩa xã hội thị trường - một trong những biến thể chủ yếu của mô hình xã hội chủ nghĩa- như một lựa chọn khả dĩ thay cho chủ nghĩa tư bản. Tôi lập luận trong các bài giảng này rằng, nếu giả như mô hình tân cổ điển (hoặc những tiền thân của nó) đã cung cấp một mô tả đúng của nền kinh tế, thì thật sự chủ nghĩa xã hội thị trường đã có cơ hội thành công. Như vậy sự thất bại của chủ nghĩa xã hội thị trường đưa ra một sự bác bỏ mô hình tân cổ điển chuẩn hệt như nó bác bỏ lí tưởng xã hội chủ nghĩa thị trường. Trong các bài giảng này tôi cố gắng giải thích chính xác hơn cái gì là sai với mô hình đó và cung cấp những nội dung cơ bản của một hệ thuyết khả dĩ khác (alternative paradigm).
Theo hầu hết đánh giá, kết quả của thí nghiệm chủ nghĩa xã hội là không mập mờ: Cuộc thí nghiệm là một thất bại. Giống như hầu hết các thí nghiệm xã hội nó không phải là một thí nghiệm được kiểm soát, như thế có sự tranh cãi về chính xác phải dẫn chiếu đến cái gì - các tư tưởng cơ bản (nếu không phải là các lí tưởng) của chủ nghĩa xã hội sai ở mức độ nào và ở mức độ nào thất bại được cho là do cách thực hiện các tư tưởng ấy gây ra, ở mức độ nào có thể viện dẫn như do "các tính chất thiết kế đặc thù"? [2]

Đôi khi lỗi cũng được đổ cho hệ thống chính trị hà khắc đi kèm với thí nghiệm xã hội chủ nghĩa: Chủ nghĩa xã hội thị trường dân chủ thực ra đã chẳng bao giờ được thử nghiệm. Nhưng một biện hộ cũng có thể được đưa ra rằng thí nghiệm xã hội đã thành công hơn so với trường hợp không có áp bức Cộng sản: bởi vì, ở mức độ nhất định, hệ thống chính trị áp bức đã cung cấp một cái thay thế - cái gậy- cho sự thiếu vắng của củ cà rốt của những khuyến khích kinh tế. Có vấn đề tương tự liệu có mối liên hệ nhân quả giữa hệ thống chính trị áp bức và hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nếu không phải là hệ quả không thể tránh khỏi của việc cho nhà nước độc quyền trong sở hữu tư liệu sản xuất, thì vẫn có thể có "xu hướng" tập trung quyền lực vào một lĩnh vực dẫn đến sự tập trung quyền lực ở lĩnh vực khác.

Trong khi các học giả có thể suy xét về các chủ đề này, hầu hết các nước liên quan dường như đã quyết tâm chuyển sang nền kinh tế thị trường. Họ thấy sự thịnh vượng của các nước Tây Âu, Bắc Mĩ, và Đông Á, và họ hi vọng bằng cách cố vươn tới nền kinh tế đó, họ cũng sẽ đạt được sự thịnh vượng tương tự. Họ đối mặt với vấn đề chuyển đổi khó khăn - đi thế nào từ vị trí hôm nay sang vị thế họ muốn trở thành. Trong khi có sự tin chắc rằng họ muốn thành quả của một nền kinh tế thị trường, có thể không có sự tin chắc như thế rằng họ muốn cả giá phải trả - sự nghèo khổ cùng cực đặc trưng cho hầu hết các nền kinh tế thị trường nghèo hơn, trong số đó các nước này chắc chắn phải được tính đến [3] - hoặc là họ sẵn lòng chịu chi phí của chuyển đổi. Cuối cùng, các nền kinh tế thị trường có tính đa dạng về màu sắc và sắc thái. Các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đối mặt với một tập các vấn đề khó khăn trong quyết định loại hình thức nào họ muốn lấy. Thực vậy không phải tất cả các nước nguyên xã hội chủ nghĩa cam kết đầy đủ cho nền kinh tế thị trường. Một số thảo luận về một con đường thứ ba, nhưng những người phê phán bác bỏ nó là không thể - như chủ đề thường được diễn tả, bạn không thể có thai một chút được.

Đối với các nhà lí thuyết kinh tế các vấn đề đối mặt với các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là những thách thức. Ở đây chúng ta có một nhóm các nước lao vào lựa chọn hệ thống kinh tế. Hẳn là lí thuyết kinh tế phải cung cấp sự chỉ đạo đáng kể. Đáng tiếc - ít nhất cho đến gần đây - khoa học kinh tế chẳng có thể nói mấy về những chủ đề căn bản này, và thậm chí càng ít hơn về các vấn đề quan trọng của chuyển đổi. Lời khuyên điển hình của nhà tư vấn tới thăm và tiến hành chuyến đi một cách vội vã cho một nền kinh tế đi theo con đường chuyển đổi là nhấn mạnh tầm quan trọng của các thị trường, một bài học dường như bây giờ đã được học kĩ (mặc dù những người ủng hộ thị trường sẽ nói rằng đó là bài học không thể nhắc lại quá nhiều lần và, đơn giản như nó có vẻ, mà nội dung của nó dường như khó hấp thu - ngay cả ở các nền kinh tế quen với thị trường đã lâu). Thực vậy dường như có sự lôi cuốn tức thì giữa các nhà lí luận cũ của cánh tả và của cánh hữu. Cả hai đều bị lôi cuốn bởi sự hăng say sùng đạo, chứ không phải bởi phân tích duy lí. Do nhiều nhà lí luận đã từ chối hệ tư tưởng của Marx, họ chấp nhận hệ tư tưởng thị trường tự do. Có một chuyện đùa rằng Milton Friedman là nhà kinh tế học được kính trọng rộng rãi nhất ở Liên Xô - mặc dù sách và các bài viết của ông thì còn phải đọc. Ông là một biểu tượng của một hệ tư tưởng, và đó là một hệ thống niềm tin khả dĩ khác mà họ tìm kiếm.

Tất nhiên có nhiều loại thuộc về bằng chứng giai thoại - sự thực là các nền kinh tế thị trường đã hoạt động tốt liên tục được thuật lại. Chứng cứ giai thoại – cho dù chắc chắn tốt hơn không có chứng cớ gì- chỉ là cọng rơm yếu ớt để đặt cơ sở cho sự lựa chọn một hệ thống kinh tế. Chứng cứ giai thoại của mười lăm năm trước đã đưa nhiều người viết sách giáo khoa (kể cả Paul Samuelson) gợi ý rằng có thể có sự đánh đổi nào đó giữa quyền tự do và tăng trưởng - rằng các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thực ra đã tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế thị trường. Những thảo luận được ưa chuộng của thời đại đã gợi ý rằng dân chủ và quyền tự do có thể là những thứ xa xỉ mà chỉ nước giàu mới có thể đủ sức: Những nước đã cam kết cho tăng trưởng nhanh có lẽ phải chọn con đường xã hội chủ nghĩa, ngay cả nếu dường như có mối tương quan (tất yếu hoặc không) giữa con đường đó và sự mất quyền tự do. Ngay cả các nước không chấp nhận hoàn toàn mô hình Xôviết hà khắc đã được thuyết phục rằng một số đặc tính của nó - kế hoạch hoá tập trung, công nghiệp hoá mạnh mẽ, sở hữu công cộng đối với các tư liệu sản xuất cơ bản, tỉ lệ tiết kiệm bắt buộc cao – đã là những thành tố quan trọng của bất kể chương trình phát triển thành công nào. Ngày nay – nhìn từ phối cảnh lịch sử hiếm có của vài năm muộn hơn - tất cả những xét đoán kinh nghiệm đó đều bị nghi ngờ. (Tất nhiên có nhiều nhà kinh tế học chẳng bao giờ nao núng trong niềm tin của họ với thị trường, bây giờ những người ấy nói “tôi đã bảo mà”. Nhưng một số trong số họ cũng giống như các nhà phân tích chứng khoán luôn tiên đoán các thị trường giá xuống hoặc thị trường giá lên. Ngày vàng son của họ cuối cùng đã đến, nhưng điều này không thể được cho là hoặc do sự nhạy bén của họ hoặc do tính nghiêm túc của phân tích của họ). Hơn nữa, chứng cứ giai thoại còn xa mới rõ ràng liên quan đến tiến trình hành động nào các nước này phải tiến hành: Một lí giải thường dùng cho sự thần kì Á Châu - sự tăng trưởng nhanh của Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan- là chính phủ đã đóng một vai trò thiết yếu trong “chi phối thị trường”. [4]

Khi tôi hỏi, “Liệu khoa học kinh tế có đóng góp nhiều cho những thảo luận này?” tôi muốn nhiều hơn việc thuật lại chứng cứ giai thoại và sự lặp đi lặp lại niềm tin của các nhà kinh tế học vào thị trường: Liệu có “các định lí” nào chỉ cho chúng ta rằng các nền kinh tế thị trường sẽ nhất thiết làm tốt hơn các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hoặc liệu tư nhân hoá sẽ cải thiện tính hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh? Liệu có các kết quả giải tích nào cho chúng ta biết chút gì đó về sự cân đối và vai trò của chính phủ và khu vực tư nhân – vì hầu hết các trường hợp thành công liên quan đến các nền kinh tế hỗn hợp với các chính phủ lớn. Chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường không đòi hỏi làm héo tàn nhà nước mà là sự tái xác định vai trò của nó. Khoa học kinh tế phải cung cấp sự chỉ dẫn nào cho các chủ đề này?

Trong suốt nửa thế kỉ qua một hệ thuyết đơn giản đã chi phối nghành kinh tế học - được nhắc đến một cách khác nhau như hệ thuyết cạnh tranh (competitive paradigm), hoặc tân cổ điển, hoặc mô hình Walras. Phát biểu chính xác nhất của hệ thuyết ấy được cung cấp bởi mô hình của Arrow và Debreu (1954; xem cả Arrow 1951b; Debreu 1959). Nó đưa ra định đề về số đông các xí nghiệp tối đa hoá lợi nhuận với các khách hàng duy lí, tối đa hoá thoả dụng trong một nền kinh tế trong đó có một tập đủ của các thị trường cạnh tranh hoàn hảo – cho mọi hàng hoá, trong mọi giai đoạn, trong mọi trạng thái tự nhiên (cho mọi rủi ro), ở mọi địa điểm. Hầu hết những người, cho rằng mô hình có nhiều điều nói về thế giới thực, đều tin rằng những kết luận của nó là vững chãi đối với việc giảm các giả thiết chính xác được Arrow và Debreu sử dụng (thí dụ, liên quan đến tính đầy đủ của các thị trường).

Tôi muốn lập luận trong các bài giảng này rằng hệ thuyết cạnh tranh không những không cung cấp mấy chỉ dẫn cho vấn đề cốt tử về lựa chọn các hệ thống kinh tế, mà “lời khuyên” nó cung cấp thường là sai lạc. Các quan niệm về thị trường tạo cơ sở cho phân tích đã mô tả sai đặc điểm của nó; những phân tích chuẩn đánh giá thấp những điểm mạnh – và điểm yếu - của các nền kinh tế thị trường, và như thế cung cấp các tín hiệu sai cho sự thành công tiềm năng của các khả năng lựa chọn khác và cho việc thị trường có thể được cải thiện. Cũng như thế, không thể dựa vào hệ thuyết đó để đưa ra những chỉ dẫn cho các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa khi họ tìm cách xây dựng các hệ thống kinh tế mới.

Vấn đề cơ bản với mô hình tân cổ điển và mô hình tương ứng tạo cơ sở cho chủ nghĩa xã hội thị trường [5] là chúng không tính đến một loạt vấn đề nảy sinh do sự thiếu vắng thông tin hoàn hảo và chi phí để kiếm thông tin, cũng như sự thiếu vắng hoặc sự bất hoàn hảo trong những thị trường vốn và thị trường rủi ro [bảo hiểm] chủ yếu. Sự thiếu vắng hoặc bất hoàn hảo của các thị trường này, đến lượt chúng, đa phần lại có thể lí giải bởi các vấn đề thông tin. Trong mười lăm năm qua, một hệ thuyết mới, đôi khi được nhắc tới như cách tiếp cận lí thuyết thông tin đối với kinh tế học (hoặc, nói gọn, hệ thuyết thông tin), [6] đã được phát triển. Hệ thuyết này công khai quan tâm đến những vấn đề này. [7] Hệ thuyết này đã cho chúng ta cái nhìn thấu hiểu vào kinh tế học phát triển [8] và kinh tế học vĩ mô. [9] Nó cấp cho chúng ta một tân kinh tế học phúc lợi mới, [10] một lí thuyết mới về doanh nghiệp, [11] và một sự hiểu biết mới về vai trò và sự hoạt động của các thị trường vốn. Nó cho chúng ta sự thấu hiểu mới liên quan đến các vấn đề truyền thống, như thiết kế các cơ cấu khuyến khích.

Những mối quan tâm lí thuyết thông tin này đã không chỉ làm giàu và thay đổi các câu trả lời cho các vấn đề kinh tế truyền thống; chúng cũng dẫn đến các vấn đề mới phải đặt ra. Đối với ba vấn đề cổ điển của kinh tế học - phải sản xuất cái gì, phải sản xuất ra sao, và phải sản xuất cho ai – bây giờ chúng ta đưa thêm vấn đề thứ tư – các quyết định này phải được tiến hành ra sao và ai phải ra các quyết định đó. Trong nền kinh tế của Joan Robinson (hoặc Arrow và Debreu), các nhà ra quyết định, và cơ cấu của việc ra quyết định, không đóng vai trò nào. Joan Robinson mô tả công việc của nhà quản lí của một doanh nghiệp chỉ đơn thuần là ngó vào cuốn sách kế hoạch ở trang thích hợp tương ứng với giá cả các yếu tố sản xuất hiện thời (và tương lai). Trang đó sẽ cho biết công nghệ nào tối thiểu hoá chi phí với các giá cả yếu tố ấy. Cuộc sống thật đơn giản! Tất nhiên, nếu giả như cuộc sống đơn giản thế, làm một nhà quản lí sẽ thực sự là một việc nhàm chán, đáng để nhà hàn lâm Anh khinh, và việc thiếu quan tâm của Lange, Lerner, và Taylor đến những khuyến khích quản lí sẽ chẳng mấy quan trọng: về cơ bản họ [nhà quản lí] có thể được thay bằng các automat [máy tự động].

Tóm lại, trong cuốn sách này tôi muốn chỉ ra những triển vọng của hệ thuyết thông tin mới này có thể cung cấp ít nhất một sự thấu hiểu hạn chế ra sao vào các vấn đề căn bản đối mặt các nền kinh tế nguyên xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra tôi muốn đề cập một số vấn đề cơ bản, lâu dài trong lí thuyết về tổ chức kinh tế: tôi muốn chứng tỏ rằng phần lớn của cuộc tranh luận cũ đã qua về sự đáng khát khao của chủ nghĩa xã hội thị trường đã lầm lạc; nó đã dựa trên sự hiểu biết sai lầm về các thị trường cạnh tranh hoạt động ra sao, một sự hiểu lầm mà mô hình Walras có thể đã góp phần không nhỏ. (Những người Áo, tôi tin, đã cảm nhận điều này, và họ đã cố gắng tạo ra một viễn cảnh khả dĩ khác về nền kinh tế thị trường. Nhưng họ đã chẳng thành công trong diễn tả và hình thức hoá các quan điểm của họ ở dạng hoàn toàn thoả mãn với tư cách là một hệ thuyết nhất quán thay cho hệ thuyết Walras, và như thế, ngoài một số dẫn chiếu chú thích đôi khi, họ vẫn ở ngoài trào lưu chính, ít nhất ngoài trào lưu Mĩ/Tây Âu. Tôi sẽ có nhiều điều để nói về quan hệ giữa các ý tưởng trình bày ở đây và truyền thống Áo muộn hơn trong cuốn sách này. [12] )

Sau khi giải thích những hạn chế của các lí thuyết và tranh luận ban đầu, tôi sẽ cố gắng diễn đạt cái tôi xem là các vấn đề cơ bản, những sự thấu hiểu có thể lượm lặt được từ cái mà chúng ta đã học trong mười lăm năm qua, và các vấn đề vẫn còn phải giải quyết. Tôi sẽ kết thúc cuốn sách với một số nhận xét gắng thử áp dụng các bài học đã học được vào các vấn đề chuyển đổi đang đối mặt các nước Đông Âu. [13]


Những kết quả truyền thống về các hệ thống kinh tế so sánh

Khoảng chừng mười hoặc mười lăm năm trước khoa kọc kinh tế đã có ba nhóm kết quả để hướng dẫn những ai muốn lựa chọn các hệ thống kinh tế khả dĩ.

Các định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi và bàn tay vô hình của Adam Smith

Đầu tiên, đã có các định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi (Arrow 1951b; Debreu 1959), phát biểu lí lẽ nổi tiếng của Adam Smith về bàn tay vô hình. Smith lập luận rằng không chỉ các cá nhân được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình thông qua chạy theo tư lợi để theo đuổi lợi ích quốc gia, mà chính sự chạy theo tư lợi này là cách cách tin cậy hơn nhiều để đảm bảo rằng lợi ích công cộng được phục vụ so với bất kể lựa chọn khả dĩ nào khác - chắc chắn tốt hơn việc dựa vào nhà lãnh đạo chính phủ nào đấy, dẫu cho nhà lãnh đạo ấy có ý định tốt đến đâu. Lí lẽ của Smith tạo ra nền tảng để dựa vào các nền kinh tế thị trường.

Các định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi chính xác hoá ý nghĩa và các điều kiện theo đó các thị trường có hiệu quả. Định lí thường được nhắc tới như định lí cơ bản thứ nhất của kinh tế học phúc lợi chỉ ra rằng dưới những điều kiện nhất định mọi cân bằng cạnh tranh là có hiệu quả Pareto - tức là, một trạng thái tới hạn trong đó không ai có thể khá giả hơn mà không làm cho ai đó bị tệ hơn. Cái thường được nhắc tới như định lí thứ hai của kinh tế học phúc lợi đưa ra các điều kiện theo đó bất kể phân bổ nguồn lực có hiệu quả Pareto nào đều có thể được thực hiện thông qua các cơ chế thị trường. Các định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi tạo nền tảng của cách tiếp cận “khuyết tật thị trường” cho can thiệp của chính phủ. [14] Các thị trường không hoạt động hoàn hảo khi có những ảnh hưởng ngoại lai quan trọng, và vì thế có lí do căn bản cho các loại thuế ô nhiễm. Các thị trường không cung cấp các hàng hoá công cộng, và vì thế có lí do căn bản cho chi tiêu công cộng về đường sá, quốc phòng, và các công việc công cộng khác. Phân bổ thị trường của thu nhập có thể là không được như mong muốn về mặt xã hội, và vì thế có lí do căn bản cho các chương trình tái phân phối của chính phủ.

Cách tiếp cận khuyết tật thị trường lập luận rằng thực sự có một vai trò cho chính phủ, nhưng chỉ là vai trò hạn chế: Chính phủ đơn giản chỉ cần sửa các khuyết tật thị trường được xác định rõ, việc nó có thể làm với các công cụ đơn giản có ảnh hưởng tối thiểu đến phương thức hoạt động của nền kinh tế thị trường. Thí dụ, các vấn đề về ảnh hưởng ngoại lai có thể được đề cập thông qua các khoản thuế hiệu chỉnh (thuế Pigouvian). Ngay cả khi chính phủ không chắc chắn về thuế suất nào sẽ đạt các mục tiêu kiểm soát ô nhiễm riêng biệt, cơ chế thị trường có thể được sử dụng: Chính phủ có thể cấp các giấy phép ô nhiễm có thể mua bán được. [15] Chắc chắn là, chính phủ có những trách nhiệm hạn chế khác nữa: nó phải cung cấp các hàng hoá công cộng và phải thu thuế để tài trợ chúng. Nó cũng có thể phải có những hành động để đảm bảo rằng các thị trường là thực sự cạnh tranh. Định lí cơ bản thứ hai của kinh tế học phúc lợi phác hoạ tiếp vai trò hạn chế của chính phủ: Ngay cả nếu tái phân phối thu nhập là không thoả mãn, chỉ cần đến can thiệp hạn chế của chính phủ. “Tất cả” cái mà chính phủ phải làm chỉ là tái phân phối các khoản trợ cấp theo phương thức trọn gói (không méo mó).

Đằng sau cả hai định lí là quan niệm rằng hệ thống giá cả cung cấp một công cụ hùng hậu cho phân bổ nguồn lực. Những trình bày giáo khoa về năng lực của hệ thống giá thường đi quá các ý tưởng được phản ánh trong các định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi, để nói về “tính hiệu quả thông tin’ của nền kinh tế thị trường và hệ thống giá. Chẳng ai cần biết đầy đủ về sở thích của các cá nhân, các công nghệ sản xuất, và sự sẵn có của các nguồn lực. Chẳng ai thậm chí cần biết đến việc làm ra một mặt hàng đơn giản như chiếc bút chì thế nào. Giá cả truyền đạt thông tin về sự khan hiếm của các nguồn lực. Chúng truyền đạt thông tin từ các hộ gia đình đến các xí nghiệp liên quan đến người tiêu dùng muốn gì, và từ các xí nghiệp đến các gia đình về các chi phí nguồn lực liên quan đến tiêu thụ mỗi mặt hàng. Hệ thống giá đảm bảo rằng nền kinh tế sản xuất các mặt hàng mà các cá nhân mong muốn.

Trong khi những người ủng hộ kinh tế thị trường thường thi vị hoá vẻ đẹp và quyền năng của nó, các định lí làm nền cho sự khoa trương thực ra chẳng nói mấy về “thông tin”. Các định lí, thí dụ, không thảo luận nền kinh tế xử lí thông tin mới tốt ra sao - thực ra trong các mô hình của chúng, không có dòng thông tin mới – cũng chẳng nói liệu nó có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực để thu lượm thông tin thoả đáng cho việc phân bổ nguồn lực. Nó thậm chí không thừa nhận sự xung đột giữa tính hiệu quả, theo đó nền kinh tế truyền đạt thông tin và tri thức, và những khuyến khích hiện có cho thu thập thông tin và tri thức: Nếu, thí dụ, các giá thị trường cổ phiếu chuyển tải thông tin một cách hoàn hảo và tức thời, thì chẳng nhà đầu tư nào cần bất kể khuyến khích nào để kiếm thông tin. Các thị trường cổ phiếu phải được đặc trưng bởi thông tin không hoàn hảo, chừng nào thông tin là đắt đỏ. Có, như Grossman và Stiglitz (1976, 1980a) diễn đạt, “một lượng cân bằng của bất cân bằng”. Nhưng các định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi tuyệt đối chẳng có gì để nói về lượng cân bằng của bất cân bằng là hiệu quả theo bất kể ý nghĩa nào. Thí dụ, liệu các chi phí cho thu thập và phân phát thông tin là quá ít, quá nhiều hay vừa đủ?

Theo cách tương tự, đối với các nhà sáng chế hay đổi mới để nhận được khoản lợi trên các hoạt động sáng chế của họ, không thể có sự truyền bá tự do tri thức công nghệ. Như thảo luận dưới đây của tôi sẽ nhấn mạnh, các vấn đề thông tin mà nền kinh tế thị trường cạnh tranh giải quyết có hiệu quả là cực kì hạn chế.

Định lí Lange-Lerner-Taylor

Nhóm kết quả thứ hai đôi khi được nhắc tới như định lí Lange-Lerner-Taylor. Nó liên quan đến việc thiết lập sự tương đương giữa hai lựa chọn khả dĩ về sắp xếp định chế cho nền kinh tế; nó khẳng định sự tương đương giữa các nền kinh tế thị trường và “chủ nghĩa xã hội thị trường”.

Chủ nghĩa xã hội thị trường là một dạng tổ chức kinh tế trong đó chính phủ sở hữu các tư liệu sản xuất (như dưới bất kể hệ thống xã hội chủ nghĩa nào) nhưng dùng giá cả theo cách như các nền kinh tế thị trường dùng để phân bổ nguồn lực. Dưới chủ nghĩa xã hội thị trường các nhà quản lí được chỉ thị để tối đa hoá lợi nhuận, như các nhà quản lí tối đa hoá lợi nhuận ở chủ nghĩa tư bản. Giá cả được định sao cho cầu bằng với cung.

Những khác biệt chủ yếu giữa các nền kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường là các cơ chế theo đó giá cả được định ra và chủ sở hữu vốn. Để định giá dưới chủ nghĩa xã hội thị trường, một cơ quan chính phủ lập kế hoạch thay thế việc đi đi lại lại ra thương trường hoặc thay nhà đấu giá kiểu Walras huyền thoại. [16] Sự thực là vốn được chính phủ sở hữu có nghĩa rằng thay vì các cổ đông nhận cổ tức (biểu hiện lợi nhuận của xí nghiệp), thì cổ tức được chuyển cho chính phủ.

Một hệ quả của việc chính phủ sở hữu vốn là chính phủ phải gánh vác trách nhiệm phân bổ vốn. Trong hầu hết những thể hiện của chủ nghĩa xã hội thị trường chính phủ không làm điều này bằng một cân bằng cung và cầu (theo cách các mặt hàng khác được phân bổ) mà thay vào đó bằng một cơ chế phân bổ trực tiếp hơn. [17] Nhưng nếu chính phủ phân bổ vốn theo cách chính xác như các xí nghiệp tư nhân phân bổ, thì những phân bổ nguồn lực hiện ra từ hai hệ thống sẽ giống hệt nhau.

Ý tưởng về chủ nghĩa xã hội thị trường đã là một ý tưởng mạnh mẽ. Nó gợi ý rằng có thể có tất cả những ưu điểm của các nền kinh tế thị trường mà không có những nhược điểm kèm theo của sở hữu tư nhân và những sự tập trung lớn của cải thường đi kèm. Chủ nghĩa xã hội thị trường, người ta đã nghĩ, có thể đồng thời loại trừ những cạm bẫy mà chủ nghĩa xã hội kiểu Xôviết đối mặt. Điều này đòi hỏi rằng về cơ bản tất cả mọi thông tin về công nghệ [18] phải được truyền tới nhà lập kế hoạch trung ương, người tiến hành hàng triệu quyết định liên quan đến mặt hàng nào phải được sản xuất và sản xuất ra sao. Nhà lập kế hoạch trung ương sẽ phải quyết định mỗi nhà máy phải sản xuất những mặt hàng nào, và phải chuyên chở đầu ra của nó đi đâu. Hayek đã phê phán quan điểm này một cách đúng đắn, lập luận rằng nhà lập kế hoạch trung ương chẳng bao giờ có thông tin cần thiết. Chủ nghĩa xã hội thị trường dường như gợi ý rằng nhà lập kế hoạch trung ương chẳng cần có tất cả thông tin chi tiết – ngoài vai trò của mình trong phân bổ đầu tư, nhà lập kế hoạch trung ương chẳng làm gì hơn nhà đấu giá kiểu Walras, một tác nhân quan trọng trong diễn giải các nền kinh tế cạnh tranh. Các định lí của kinh tế học phúc lợi nâng cao năng lực của chủ nghĩa xã hội thị trường: định lí căn bản thứ hai đảm bảo rằng chính phủ có thể, thông qua chủ nghĩa xã hội thị trường, đạt bất kể kết quả có hiệu quả Pareto nào.

Trong thập kỉ qua Hungary và một số nước khác đã cố gắng theo con đường chủ nghĩa xã hội thị trường (hoặc ít nhất theo cái mà họ coi là một sự thích nghi của mô hình ấy) với thành công khá hạn chế. [19] Những thất bại có vẻ này của cách tiếp cận đó dẫn tới hai phản ứng. Một số người, ít nhất trong chốc lát, đã có mong muốn quay lại với các hệ thống phi thị trường; trong khi đa số mong muốn tiến nhanh theo con đường dẫn tới thị trường. Hầu hết mọi người càng ngày càng nghi ngờ về khả năng tồn tại của loại con đường thứ ba đại diện bởi chủ nghĩa xã hội thị trường.

Chúng ta phải quy thất bại của chủ nghĩa xã hội thị trường cho cái gì? Định lí Lange-Lerner-Taylor, khi kết hợp với các định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi, gợi ý rằng nền kinh tế phải có khả năng đạt bất kể kết quả có hiệu quả Pareto nào. Ta còn chờ mong gì nhiều hơn từ cuộc sống, hoặc ít nhất từ nền kinh tế?

Về các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung và hệ thuyết tân cổ điển

Suốt cuốn sách này tôi sẽ tập trung vào so sánh giữa các thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường, chứ không phải, thí dụ, vào so sánh giữa các thị trường và các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chắc phải rõ là nhiều vấn đề mà tôi nêu ra ở đây cũng áp dụng cho so sánh đó. Một trong những lập luận của tôi là, giả như mô hình tân cổ điển của nền kinh tế là đúng, thì chủ nghĩa xã hội thị trường hẳn sẽ thành công; bằng cách tương tự, nếu giả như mô hình tân cổ điển là đúng đắn, thì chủ nghĩa xã hội kế hoạch hoá tập trung đã vấp phải ít vấn đề hơn nó đã thực sự vấp phải. Samuelson đã mô tả nền kinh tế như lời giải cho bài toán tối đa hoá; định lí căn bản của kinh tế học phúc lợi chỉ ra rằng với các giả thiết mạnh thì sự thấu hiểu của ông là đúng. [20] Ngoài ra, các kĩ thuật toán học, như quy hoạch tuyến tính, kết hợp với các máy tính tốc độ cao, gợi ý rằng có khả năng “giải” trực tiếp ra các phân bổ nguồn lực hiệu quả. Như tôi đã nhắc tới ở trên, mô hình Arrow-Debreu gợi ý rằng các thị trường cạnh tranh là giải thuật hiệu quả để “giải” bài toán phân bổ nguồn lực của nền kinh tế, nhưng các kĩ thuật và công nghệ mới này đã gợi ý rằng chúng ta có thể không cần đến giải thuật đó – do đó bỏ qua mọi vấn đề gắn với cơ chế thị trường – mà vẫn nhận được lời giải cho vấn đề các nguồn lực của xã hội phải được phân bổ một cách có hiệu quả ra sao. [21]

(Có lẽ đáng nhắc tới là trong khi những công trình ban đầu về các giải thuật để giải các bài toán tối đa hoá phức tạp gợi ý rằng những giải thuật dùng “giá cả” [sử dụng tính đối ngẫu] và “phân quyền” – có vẻ tương tự như cách các thị trường giải bài toán phân bổ nguồn lực – là những giải thuật hiệu quả, các công trình mới đây hơn đã tạo ra các giải thuật hiệu quả hơn những cái dường như không có bất kể cái tương tự thị trường nào. Điều này hỗ trợ cho quan điểm của tôi rằng, cái là vấn đề trong phân tích về nền kinh tế phân bổ nguồn lực của mình ra sao nhiều hơn là lời giải đơn thuần cho một bài toán tối đa hoá phức tạp: kinh tế học là phức tạp hơn nhiều, và lí thú hơn, so với cách tiếp cận kĩ thuật ứng dụng đã thịnh hành trong các thập niên theo sau Cơ sở của Phân tích Kinh tế [Foundations of Economic Analysis] của Samuelson). [22]

Định lí (hoặc phỏng đoán) của Coase

Nhóm cuối cùng của các ý tưởng thường được nhắc tới như định lí Coase (tuy chẳng bao giờ được phát biểu ở dạng đủ chính xác để đáng có tên gọi đó). Coase nhấn mạnh tầm quan trọng của các quyền tài sản. Theo Coase, nếu các quyền tài sản được phân rõ ràng, thì các cá nhân có khuyến khích để thực hiện những dàn xếp kinh tế hiệu quả. Không quan trọng lắm là ai nhận được các quyền tài sản (tất nhiên, điều này ảnh hưởng đến phân phối của cải) giống như người nào đó có. Những sự phi hiệu quả như "Thảm hoạ Đồng cỏ" - chăn thả gia súc ăn cỏ một cách quá đáng trên đồng cỏ chung, khoan nhanh quá thể các túi dầu chung, đánh bắt cá quá đáng ở vùng biển quốc tế - là kết quả của sự thất bại trong phân các quyền tài sản. Những sự phi hiệu quả khác nảy sinh từ hạn chế các quyền tài sản: Thất bại trong việc cho phép các quyền về nước được mang bán đã dẫn đến phân bổ sai về nước ở miền tây của Hoa Kì.

Các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nghĩ mình đã phá huỷ nhiều quyền sở hữu tư nhân, và nhiều thất bại của chủ nghĩa xã hội được cho là vì điều đó: Những người ở trong các căn hộ đã không có những khuyến khích để bảo trì căn hộ của họ, bởi vì họ không thể chiếm được bất kể khoản lợi nào từ các hoạt động ấy khi bán căn hộ (hệt như các đô thị, với kiểm soát tiền thuê, đối mặt với các vấn đề tương tự). [23] Các nhà quản lí của các xí nghiệp quốc doanh có những khuyến khích không thoả đáng, họ không thể gặt hái được đầy đủ lợi ích của các nỗ lực của mình.

Nhìn từ viễn cảnh hiện thời, các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã ít thành công hơn trong việc huỷ bỏ các quyền sở hữu tư nhân như họ có thể nghĩ; bởi vì các nhà quản lí đã có quyền tự ý đáng kể trong phân bổ (thường với giá quá thấp) sản phẩm đầu ra (thường để đáp lại những ưu ái tương tự từ các nhà quản lí khác). Việc làm mà một cá nhân không thể bị sa thải có thể xem tương tự như "quyền sở hữu". Tất nhiên chúng là những quyền sở hữu hạn chế: Người công nhân, thí dụ, không thể bán việc làm của mình cho một người khác. Và bởi vì các quyền sở hữu là hạn chế, nên đã nảy sinh đủ loại méo mó. Viễn cảnh Coase có một đơn thuốc rõ ràng: Chủ nghĩa xã hội thị trường, giống như bất kể hình thức nào khác của chủ nghĩa xã hội, có số phận bi đát, đơn giản bởi vì các quyền sở hữu trong tài sản không được xác định rõ ràng. Khi tài sản được sở hữu bởi tất cả mọi người, thì thực ra chẳng ai sở hữu cả, không ai có khuyến khích thích đáng. Theo viễn cảnh này, thì, nhiệm vụ đầu tiên trong nền kinh tế chuyển đổi là tư nhân hoá tài sản nhà nước.

Trong khi lập luận rằng sự thiếu vắng các quyền sở hữu tư nhân được xác định rõ ràng, hoặc bị hạn chế, thường gây ra những méo mó là lí lẽ đúng, còn những kết luận cơ bản khác thì không. Thứ nhất, sự phân rõ các quyền sở hữu không nhất thiết dẫn đến hiệu quả. Các vấn đề hàng hoá công cộng, thí dụ, [24] không được giải quyết bằng định lí Coase. Trong khi Coase và những người theo ông đã chỉ để ý lướt qua đến khả năng là các chi phí giao dịch có thể cản trở các bên "mặc cả" ra một kết quả hữu hiệu, với sự hiện diện của thông tin không hoàn hảo (gây ra cái có thể được coi như các chi phí giao dịch), kết quả không hiệu quả thường nảy sinh; thật vậy các thương vụ cùng có lợi có thể đơn giản không xảy ra, khi một bên cố thuyết phục bên kia rằng giá trị của mối quan hệ đối với anh ta là nhỏ, trong nỗ lực nhằm chiếm phần lớn hơn của giá trị thặng dư sinh ra từ mối quan hệ (xem, thí dụ, Farrell 1987). [25]

Thứ hai, sự thiếu vắng các quyền sở hữu tư nhân được xác định rõ ràng không nhất thiết gây ra các vấn đề. Có nhiều tài liệu ngày càng tăng chứng tỏ rằng, trong các bối cảnh khác nhau, các cộng đồng địa phương đã tránh "Thảm hoạ Đồng cỏ" ra sao bằng các công cụ điều tiết đa dạng.

Đại thể hơn, có một số nghi ngờ liệu sự thiếu vắng các quyền sở hữu được xác định rõ ràng có phải là vấn đề trọng tâm không. Có hai chứng cớ ủng hộ điều này. Thứ nhất là hầu hết các công ti lớn đều không được các ông chủ điều hành mà do các nhà quản lí được thuê điều hành. Câu hỏi liệu có sự khác biệt chăng khi nhà quản lí làm việc cho một nhóm tạp nham các cổ đông, hoặc làm cho nhà nước, là vấn đề mà tôi sẽ quay lại sau. [26] Thứ hai là sự tăng trưởng nhanh ở Nam Trung Quốc: sự thiếu vắng các quyền sở hữu được xác định rõ ràng đã không cản trở tốc độ tăng trưởng hai con số.
Không chỉ là trường hợp rằng sự thiếu vắng các quyền sở hữu tư nhân có thể không là vấn đề trọng tâm; thậm chí còn không rõ là với tư nhân hoá chính phủ có thể đạt các mục tiêu của mình cũng hiệu quả như nó có thể nếu nó kiểm soát trực tiếp doanh nghiệp. Câu hỏi liệu tư nhân hoá áp đảo kiểm soát công cộng là một vấn đề trung tâm mà tôi sẽ quay lại ở Chương 9. Định lí cơ bản về tư nhân hoá được thảo luận ở đó gợi ý rằng không phải thế.


Các chủ đề trung tâm của các bài giảng này

Đến đây tôi đã chuẩn bị xong để có thể phát biểu đầy đủ sáu chủ đề chủ yếu của cuốn sách này:

  1. Mô hình tân cổ điển chuẩn - diễn đạt hình thức hoá bàn tay vô hình của Adam Smith, luận điểm cho rằng các nền kinh tế thị trường sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế - cung cấp ít chỉ dẫn cho chọn lựa các hệ thống kinh tế, vì một khi sự bất hoàn hảo thông tin (và sự thực là các thị trường là không đầy đủ) được đưa vào phân tích, mà chắc chắn phải vậy, thì không có cơ sở cho giả định rằng các thị trường là hiệu quả.

  2. Định lí Lange-Lerner-Taylor, khẳng định sự tương đương của thị trường và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường, dựa trên một quan điểm sai lầm về thị trường, về các vấn đề cốt lõi của phân bổ nguồn lực, và (không ngạc nhiên khi cho trước hai khiếm khuyết đầu) về cách thị trường đề cập các vấn đề ấy ra sao.

  3. Hệ thuyết tân cổ điển, thông qua sự đặc trưng sai lầm của nó về các nền kinh tế thị trường và các vấn đề chủ yếu của phân bổ nguồn lực, tạo một cảm giác sai về niềm tin trong khả năng của chủ nghĩa xã hội thị trường nhằm giải quyết các vấn đề phân bổ nguồn lực đó. Phát biểu theo cách khác, giả như hệ thuyết tân cổ điển đã cung cấp một mô tả tốt cho vấn đề phân bổ nguồn lực và cơ chế thị trường, thì chủ nghĩa xã hội thị trường chắc đã có thể thành công. Bản thân những phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường, như thế về đại thể, là những phê phán hệ thuyết tân cổ điển.

  4. Các vấn đề kinh tế chủ yếu vượt quá ba vấn đề truyền thống được đặt ra ở đầu của mọi văn bản dẫn nhập: Sản xuất cái gì? Sản xuất thế nào? Và sản xuất cho ai? Trong số các vấn đề rộng hơn gồm: Các quyết định phân bổ nguồn lực này phải được tiến hành ra sao? Những ai phải ra các quyết định này? Làm sao có thể khiến những người có trách nhiệm ra các quyết định này đưa ra các quyết định đúng đắn? Các quyết định tách rời nhau của hàng triệu con người -những người ra quyết định- trong nền kinh tế được điều phối ra sao?

  5. Cốt lõi của các nền kinh tế thị trường thành công là cạnh tranh, các thị trường, và phân quyền (phi tập trung). Có thể có những điều này, và chính phủ vẫn đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế; thực vậy có thể cần thiết là chính phủ phải đóng một vai trò lớn hơn nếu cạnh tranh cần phải được duy trì.
    Mới đây đã có nhiều lẫn lộn về sự thần kì Đông Á, sự tăng trưởng nhanh đáng kinh ngạc của các nước trong vùng này trong suốt một hai thập kỉ qua, phải được quy cho cái gì. Các nước như Hàn Quốc đã sử dụng thị trường; họ rất hướng về xuất khẩu. Và bởi vì các thị trường đã đóng một vai trò quan trọng như vậy, nên một số nhà quan sát đã kết luận rằng thành công của họ là chứng cứ thuyết phục về năng lực của riêng thị trường. Thế mà trong hầu hết các trường hợp, chính phủ đã đóng một vai trò to lớn trong các nền kinh tế này. Trong khi Wade có thể diễn đạt hơi quá khi ông đặt tên cho cuốn sách của mình về thành công của Đài Loan là Cai trị Thị trường [Governing the Market], không có mấy nghi ngờ rằng chính phủ đã can thiệp vào nền kinh tế thông qua thị trường.

  6. Cốt lõi của sự thất bại của thí nghiệm xã hội chủ nghĩa không chỉ đơn thuần là thiếu các quyền sở hữu. Cũng quan trọng như thế là các vấn đề nảy sinh do thiếu khuyến khích và cạnh tranh, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong chính trị. Thậm chí còn quan trọng hơn có lẽ là các vấn đề về thông tin. Hayek đã đúng, tất nhiên, trong nhấn mạnh rằng các vấn đề thông tin đối mặt với nhà lập kế hoạch trung ương là quá lớn. Tôi không chắc rằng Hayek đã đánh giá đủ tầm của các vấn đề thông tin. Nếu giả như chúng chỉ hạn chế ở loại vấn đề thông tin nằm ở trung tâm của mô hình Arrow-Debreu -những người tiêu dùng truyền đạt sở thích của họ cho các doanh nghiệp, và các giá trị khan hiếm được truyền đạt cho cả các doanh nghiệp và những người tiêu dùng - thì chủ nghĩa xã hội thị trường đã có thể hoạt động. Thì Lange đã là đúng vì bằng cách dùng giá cả, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã có thể "giải" bài toán thông tin như thị trường có thể. Nhưng các vấn đề thông tin là rộng hơn.


© 2005 talawas


[1]hàm khả vi là hàm số có thể lấy vi phân, tức là có đạo hàm.
[2]Thậm chí có một số tranh cãi về mức độ mà chủ nghĩa xã hội thị trường thất bại, thí dụ như ở Hungary, nơi nó được thử làm cần mẫn nhất. Ở Hungary tỉ lệ tăng trưởng ngay sau những cải cách ban đầu 1968 là khá cao. Sự giảm sút tỉ lệ tăng trưởng trong các năm muộn hơn có thể một phần được cho là do suy giảm cam kết cải cách, và một phần do những điều kiện kinh tế toàn cầu gây ra sự sút giảm tăng trưởng trong hầu hết các nước. Thực vậy sự giảm sút ở Hungary là ít hơn so với ở nhiều nước khác, dù cho có phê phán rằng điều này xảy ra bởi vì Hungary đã không thích ứng với giá dầu thay đổi, và vay mượn quá nhiều từ nước ngoài. Sự mắc nợ quốc tế này là một trong những vấn đề chính mà Hungary phải đối mặt ngày nay.
[3]Hoặc, liên quan đến chủ đề đó, là loại nghèo đói đặc trưng cho các khu người da đen ở Hoa Kì. Có lẽ đáng nhắc đến rằng, ít nhất theo các thước đo bất bình đẳng truyền thống, một số nước đang phát triển thành công nhất, như Hàn Quốc và Đài Loan, thể hiện một mức độ bất bỉnh đẳng cao.
[4]Xem, thí dụ, Wade (1990) và Amsden (1989).
[5]Tôi sẽ thảo luận muộn hơn về chủ nghĩa xã hội thị trường nghĩa là gì.
[6]Trong nhấn mạnh hệ thuyết thông tin, tôi không có ý bỏ qua hay làm nhẹ những phê phán khác đối với hệ thuyết tân cổ điển đã được phát triển trong một phần tư thế kỉ qua. Một số trong số đó, như những phê phán nhấn mạnh tầm quan trọng của những bất hoàn hảo trong cạnh tranh, không những chỉ nhất quán với hệ thuyết thông tin; mà trong nhiều khía cạnh, được nhắc tới ở sau, chúng là bổ sung.
[7]Về tổng quan, xem Stiglitz (1975a, 1985c, 1990a), hoặc Hirshleifer and Riley (1979). Báo cáo bao quát hơn về nhiều mô hình có thể thấy trong Laffont (1989) và Milgrom and Robert (1992).
[8]Xem, thí dụ, Stiglitz (1985a, 1988a) và tuyển tập các bài báo trình bày lí thuyết mới nổi lên về các tổ chức nông thôn do Bardhan (1989) chủ biên và Hoff, Braverman, and Stiglitz (1993).
[9]Xem, thí dụ, Greenwald and Stiglitz (1987).
[10]Cho một tổng quan, xem Stiglitz (1987a).
[11]Trong lí thuyết mới này, sự phân kì (khác nhau) giữa các lợi ích của các cổ đông và các nhà quản lí, và giữa các nhà quản lí và người lao động, được thừa nhận một cách tường minh. Những hạn chế về năng lực của các thị trường để tạo kỉ luật cho các nhà quản lí được giải thích, và các vấn đề mới được đề cập liên quan đến các doanh nghiệp phải được tổ chức ra sao, để tính đến cả các vấn đề khuyến khích lẫn các vấn đề nảy sinh từ sự thực là thông tin thì hạn chế và đắt đỏ trong thu nhận và chuyển tải.
[12]Phê phán của tôi đối với các công trình Áo ban đầu vượt quá tranh luận rằng họ đã tạo ra một lí thuyết chưa đầy đủ; như tôi sẽ chỉ ra, một số ý tưởng cơ bản, như những ý tưởng liên quan đến các quá trình tiến hoá và tính hiệu quả thông tin của nền kinh tế, đã được quan niệm sai.
[13]Khi tôi viết những bài giảng này, quá trình chuyển đổi mới vừa bắt đầu. Khi các bài giảng này đến nhà in, hơn hai năm sau, phần lớn những điều tôi trình bày có vẻ như vẫn thích đáng. Tranh luận về quá trình chuyển đổi còn là một cuộc tranh luận sống động.
[14]Tài liệu tham khảo chuẩn cho điều này là bài báo của Francis Bator (1958). Cách tiếp cận này hiện nay tạo nền tảng cho việc trình bày của sách giáo khoa chuẩn về kinh tế học của khu vực công cộng. Xem, thí dụ, Stiglitz (1988b).
[15]Chính phủ Hoa Kì mới đây đã làm điều này, và Sở Thương mại Chicago thực tế đã tạo các thị trường cho các giấy phép này, tạo thuận lợi không chỉ cho việc trao đổi mà cả việc đầu cơ về giá trị tương lai của các quyền này.
[16]Văn khoa ban đầu về chủ nghĩa xã hội thị trường đã phát triển trước những tiến bộ trong tài chính công, trong đó đánh thuế tối ưu có thể dẫn đến những khác biệt giữa giá sản xuất và giá tiêu dùng. Nhưng định lí Lange-Lerner-Taylor có thể được mở rộng dễ dàng để bao hàm những khác biệt này. Xem, đặc biệt, Dasgupta and Stiglitz (1972).
[17]Như chúng ta sẽ thấy muộn hơn, có lí do chính đáng cho sự khác biệt trong xử lí: các thị trường futures (kì hạn) và rủi ro cần thiết cho phân bổ vốn hiệu quả không tồn tại trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, và có thể giả thiết rằng sẽ khó tạo những cái tương tự hoạt động trong chủ nghĩa xã hội thị trường. Thực vậy, các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dựa nhiều vào các cơ chế phân bổ trực tiếp, tuy là các cơ chế phân tán.
[18]Trong mô hình Xôviết, không nhấn mạnh lắm đến sở thích của người tiêu dùng, nhưng có thể giả thiết rằng, trong một nền kinh tế định hướng tiêu dùng hơn, thì thông tin về sở thích tiêu dùng cũng sẽ phải truyền đạt đến cho nhà lập kế hoạch trung ương.
[19]Cần một lời thận trọng: Những cân nhắc chính trị, nhất là ở giữa và cuối các năm 1970, đặt ra các ràng buộc cho mức độ mà mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường có thể được thực hiện, ngay cả ở Hungary.
[20]Tức là, có một bài toán tối ưu hoá chính xác theo đó mọi phân bổ thị trường cạnh tranh thực tế là lời giải.
[21]Lange, một nhà tiên phong của chủ nghĩa xã hội thị trường, đã có hi vọng lớn cho những công nghệ mới này, như được chứng tỏ trong cuốn sách của ông (Lange 1967). (Phải nhớ rằng, Lange trong một thời gian dài đã là một quan chức cao cấp trong chính phủ Cộng sản Ba Lan, và theo mọi đánh giá ông đã có ảnh hưởng lớn tới sự tiến triển của các chính sách kinh tế ở đó).
[22]Có lẽ cũng đáng nhắc đến rằng ngay cả những phê phán mạnh mẽ của kinh tế học tân cổ điển, như Joan Robinson, cũng sa vào tâm tính đúng như vậy, khi bà mô tả vấn đề của nhà quản lí xí nghiệp lật đúng trang của cuốn sách kế hoạch phù hợp với giá của yếu tố hiện thời (và tương lai).
[23]Nếu không có kiểm soát tiền thuê, thì người chủ có khuyến khích để duy tu nhà cửa bởi vì nó ảnh hưởng đến tiền thuê cái có thể được trích ra.
[24]Và, như tôi lập luận ở sau, các vấn đề hàng hoá công cộng là tổng quát hơn so với những thảo luận truyền thống thường gợi ý: Thí dụ, chúng nảy sinh trong thu thập tri thức và trong giám sát các doanh nghiệp.
[25]Đáng chú ý là các thí dụ về các thương vụ cùng có lợi không được hoàn tất, do một bên cố kiếm phần lớn hơn của giá trị thặng dư phát sinh từ bản thân mối quan hệ. Kết quả của mặc cả phụ thuộc một phần vào cảm nhận của mỗi bên về phía bên kia sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu không hoàn tất thương vụ (điểm đe doạ). Nếu một bên có thể thuyết phục bên kia rằng nó có các cơ hội bên ngoài tốt hơn, thì nó có thể kiếm được thương vụ có lợi hơn cho mình. Mỗi bên khi mặc cả cố chuyển thông tin như vậy, nhưng để có hiệu quả, các tín hiệu như thế phải là đắt (nói suông thì rẻ, và như thế các tuyên bố thường không được chấp nhận ở mệnh giá). Một cách để chuyển đạt thông tin như vậy là chứng tỏ rằng mình sẵn sàng kéo dài thời gian đạt thoả thuận, thậm chí (hoặc đặc biệt) khi việc làm chậm trễ như vậy là tốn kém.
[26]Muộn hơn tôi sẽ thảo luận một định lí chứng tỏ rằng các cổ đông trong các hãng nhìn chung không thống nhất về các hành động mà hãng nên làm.

Nguồn: Nguyên bản: Joseph E. Stiglitz, Whither Socialism? The MIT Press, Cambridge, Massachusetts, London, England