trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
11.2.2006
Đông La
Vài cảm nghĩ về khen và chê
 
Trước hết cho phép tôi cảm ơn tác giả Phong Uyên, cũng như Vũ Ngọc Tiến lần trước, đã viết những lời rất tốt đẹp về bài “Các Mác - một tình yêu bao la” trên talawas của tôi. Tâm lý con người thật kỳ lạ, ngay những cô gái tuyệt đẹp, không cần khen cô vẫn đẹp, nhưng vẫn cứ thích những lời thầm thì tán tụng của người yêu và sự trầm trồ của mọi người quanh mình. Còn tôi, giống như một kẻ nghèo khó keo kiệt, tôi luôn nâng niu và cất giữ trong ký ức những lời khen trên sách báo, đặc biệt trên talawas, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hai lần, gần bằng số lần trong suốt cả cái khoảng thời gian dài đằng đẵng trên hai chục năm cầm bút mà diễn đàn văn chương trong nước đã dành cho tôi. Nhưng có một điều lạ là ngoài đời, tôi lại nhận được hàng ngàn lần số lượng lời khen hơn thế, từ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, đến rất nhiều người không quen biết qua thư từ, điện thoại. Vậy mà, trong những bàn tiệc văn chương lớn nhỏ, tôi không bao giờ có mặt. Tôi đã nản chí và băn khoăn rất nhiều, tại tôi bất tài hay tại nền phê bình ở ta bất tài, bất công? Tôi không biết mình tài đến đâu, nhưng tôi đã hiểu ngay ra vấn đề. Thứ nhất, chuyện viết lách ở nước mình, nếu phân chia một cách tương đối, có hai phái: tô đỏ và bôi đen; nhưng tôi thấy cuộc sống không phải chỉ đỏ hoặc đen mà có cả đỏ và đen nên văn tôi có tất cả, vậy chỉ có cách là chơi một mình mà thôi. Thứ hai, nếu tôi có một vị trí kha khá trong Hội Nhà văn hay trong Ban Tư tưởng Văn hoá; hoặc những bài của tôi không phải của đông la đông liếc mà mang tên một ông “cốp” nào đó thì chắc chắn nền phê bình của nước nhà đã đội lên đến tận mây xanh rồi. Và một điều nữa cũng rất quan trọng, sự khen chê, đồng ý hay phản bác, cũng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và thái độ của người phản biện. Dưới đây tôi sẽ bàn cụ thể về điều này qua những sự phản bác bài “Các Mác- một tình yêu bao la” của tôi.

Khi viết những vấn đề nhạy cảm, gai góc, lại đăng trên một diễn đàn có quy mô toàn cầu như talawas, nghĩa là trước một tầng lớp độc giả có chính kiến rất khác nhau, tôi biết mình sẽ nói ngược với ý nhiều người. Tôi sẽ rất thích thú được tranh luận với những người có trình độ, dựa trên văn bản, hiểu đúng lập luận của tôi, dùng lý lẽ để “đấu” với lý lẽ,... trên cơ sở đó mà tôi thấy ra được cái sai của mình và học hỏi thêm được đôi điều, thì tôi rất mừng. Bởi biển tri thức là vô bờ, nên sai lầm hoặc nhận thức có giới hạn là điều có ở tất cả mọi người chứ không phải chỉ ở riêng tôi; đến Einstein, người vào hàng thông minh nhất của nhân loại, từng nhìn thấy những điều không ai có thể nhìn thấy như không gian và thời gian có thể “co giãn” và “ăn thông” với nhau, khi phát minh thuyết Tương đối rộng (1915), bằng thuần túy toán học, ông nhận thấy vũ trụ giãn nở nên ông đã bịa ra một cách sai lầm một hằng số vũ trụ để “kéo” lại, vì ông cũng nghĩ như mọi người thời ấy, vũ trụ là tĩnh!

Tiếc là trước nay tôi thường gặp những người tranh luận có khả năng tư duy giới hạn, không đủ sức tiếp cận văn bản, kể cả đối tượng nghiên cứu cũng như những lập luận của tôi, nên thường có những phản bác nghô nghê và buồn cười. Tôi có khó chịu nhưng không ngạc nhiên, bởi chúng ta phải chua xót mà tự thấy với nhau rằng, thực tế nước ta không phải là xứ sở của lý luận, của tư tưởng, của những sáng chế, phát minh, tức tư duy phân tích, lập luận logic của dân ta còn kém. Chính vậy, trên diễn đàn đã từng nổ ra những cuộc “đại chiến” nhưng chỉ về những điều vặt vãnh mà thôi.

Với Cố Nhân, (tôi có cảm giác như nói với không khí khi nhắc đến cái bút danh lạ của người quen này) khi bàn đến triết học, bàn đến những nguyên lý của nó là ta đã nói tới những quy luật cơ bản chi phối sự phát triển của cả tự nhiên và xã hội, vậy mà một người chỉ nhìn thấy chúng là những “cách nói cho có đầu có cuối”, tất cả những phân tích, lập luận chỉ là “những cái bẫy học thuật, lý sự, bẫy ngôn ngữ”,... nghĩa là bàn về lý luận mà lại phủ nhận lập luận, thử hỏi vậy còn tranh luận cái nỗi gì!?

Cũng với Cố Nhân, thật nực cười cho một người viết khi cái điều tối đơn giản "Thế nào là bóc lột?" cũng không hiểu nổi mà lại đi phản bác người khác. Theo Mác, bóc lột nghĩa là chiếm đoạt giá trị thặng dư, bần cùng hóa người lao động, rồi dùng sự chiếm đoạt ấy nô dịch người khác. Đó là những điều Mác đã thấy trong thời của mình và không chỉ Mác mà tất cả người có đầu óc bình thường đều thấy. Xa hơn nữa, Mác thấy sự bất công đó chính là mầm mống, là nguyên nhân của cách mạng xã hội. Chính các nước tư bản đã nhận thấy điều này nên đã thay đổi rất nhiều về hướng công bằng và tiến bộ như ngày nay. Một xã hội tuy chưa được như xã hội của Mác tưởng tượng, vẫn còn những ông chủ và những người làm thuê, nhưng làm thuê đã mang một bản chất khác, đó là làm thuê có thoả thuận, có hợp đồng, có bảo hiểm, được luật lao động của nhà nước bảo vệ, không bị bần cùng hóa, được hưởng mọi phúc lợi xã hội, và đặc biệt, ai cũng đều được xã hội tạo điều kiện, có cơ hội trở thành những ông chủ. Và sự thay đổi này, như tôi đã viết, không phải tự nhiên mà có, mà đã được đổi bằng máu của những cuộc kháng chiến chống xâm lược và bất công, mà chủ nghĩa phát xít là đỉnh cao nhất, nếu ta coi sự xâm lược, tước bỏ quyền sống của người khác là một hình thức bóc lột, bất công lớn nhất. Còn ở đây lại đi lấy chuyện hợp tác, thỏa thuận, hợp đồng làm ăn của ngày hôm nay, như Cố Nhân viết, để chê Mác sai thì thật là ngớ ngẩn! Bởi thời chủ nghĩa tư bản còn đúng là tư bản theo cách nhìn của Mác thì giữa các các ông chủ nhà máy với công nhân, giữa chủ đồn điền với nông nô, giữa chủ da trắng và nô lệ da đen, giữa kẻ xâm lược với người dân bị trị... thì làm gì có chuyện thỏa thuận này nọ để rồi có “niềm tin”, cũng như Cố Nhân viết, với nhau!

Với tác giả Vũ Huy Quang, khi viết: “Con người làm lịch sử, lịch sử không làm ra con người. Theo bạn, mọi sai lầm chỉ vì “lịch sử làm sai lạc, thậm chí làm ngược lại tinh thần nhân đạo của Mác”. Gì cũng đổ thừa cho lịch sử, mới phi-Mácxít... Không ai sai lầm hết? Chỉ lịch sử là sai? Có Đại lãnh tụ mới có Đại thanh trừng (1936 – 8 ). Còn lịch sử không thanh trừng...” đã làm tôi hơi buồn cười, vì những lời nghiêm trang của Vũ Huy Quang nói không đúng ý tôi đã viết. Tôi viết “Lịch sử triển khai quy trình... cũng chính là lịch sử làm sai lạc...” (một cách hành văn thường được dùng trong nước) với ý “lịch sử” là một “quá trình”, một “khoảng thời gian trong quá khứ”, chứ “lịch sử” không có nghĩa như một “chủ thể”, một “nhân vật” có thể hành động được như Vũ Huy Quang nghĩ ở trên.

Tác giả Nguyễn Trung Lương viết: “Nhưng thật là một sự ngộ nhận tai hại nếu ta tưởng rằng cần phải „đổi mới“ bởi vì ông Marx sai lầm (để rồi lại rủ nhau đi tìm ông thánh mới khác chăng!) hay là bởi vì đã áp dụng „sai“ chủ nghĩa Marx (áp dụng „đúng đắn“ chủ nghĩa Marx thì mọi bức xúc sẽ tiêu tan chăng!). Suy nghĩ như thế là vẫn còn lẩn quẩn trong khuôn khổ tư duy giáo điều độc tôn. Điều cần suy nghĩ ở đây là phải xác định lại cương vị (status) của lý thuyết cũng như cương vị của con người trong thực tiễn nhân sinh. Theo tôi „đổi mới“ là phong trào tự giải phóng ra khỏi khuôn khổ tư duy độc tôn toàn trị; tinh thần đổi mới phải và chỉ có thể là tinh thần khai sáng (Immanuel Kant) thôi. Trong tinh thần đó cương vị (status) lý thuyết của chủ nghĩa Marx - hay của bất kỳ chủ nghĩa nào khác - trong thực tiễn nhân sinh không phải là chỉ đạo mà là tư vấn; cương vị của con người trong thực tiễn nhân sinh không phải là phục tùng mà là tự quyết”.

Trong bài viết trước của tôi, vấn đề “ta phải nên như thế nào” không phải là nội dung chính. Ý trên của Nguyễn Trung Lương tôi vừa đồng ý và vừa không đồng ý. Tôi đồng ý sự phê phán chủ nghĩa giáo điều, mà chính Mác cũng đã cảnh báo “không nên quá câu nệ vào các biện pháp cách mạng đã nêu”; rồi “Nếu viết lại tôi sẽ viết khác”; rồi nữa “áp dụng những nguyên lý cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử”. Rõ ràng, trong thực tế ta cũng thấy không có lý thuyết nào là cho vĩnh cửu, ngay cả những thuyết khoa học tự nhiên, khoa học của sự cụ thể và chính xác, cũng chỉ gần đúng; bản chất tự nhiên đã dựng bức tường giới hạn khả năng tư duy của loài người, nếu tìm ra Big Bang thì năng lượng khởi đầu làm ra cái Big Bang ấy ở đâu?... Như vậy, theo tôi, nên coi sự thay đổi các học thuyết cho thích ứng với cuộc sống vốn luôn biến đổi là một quy luật chung nhất của sự phát triển. Một nhà văn Nga cũng từng viết “cái sâu rộng của cuộc sống luôn sâu rộng hơn cái khôn ngoan của người đời”. Ngược lại ý trên, chúng ta cũng cần phải biết, nếu loài người không có các nhà tư tưởng, các nhà khoa học,... sẽ không có nền văn minh. Nên loài người không thể “tự giải phóng”, “tự khai sáng”, “tự quyết” tùy tiện được, mà còn phải biết “phục tùng” một cách khoa học những “giáo điều”.


Khi đặt tên bài viết là “Các Mác- một tình yêu bao la” tôi có ý đồ thật, nhưng không phải để “vận động quần chúng” như ý Nguyễn Trung Lương mà tôi muốn khiêu khích những người có ý ngược lại, vì tôi đọc trên mạng thấy quá nhiều bài chửi bới phi học thuật; tất nhiên không chỉ xuất phát từ “mỹ cảm” như Nguyễn Trung Lương nghĩ mà còn vì tính khoa học. Bởi chủ nghĩa Mác chủ trương đấu tranh xóa bỏ bất công và sự nô dịch, thiết lập một xã hội công bằng (dù rằng sự vận dụng sai đã gây ra nhiều chuyện ngược lại như tôi đã viết); còn nếu chủ nghĩa Mác cho rằng có giống người thượng đẳng có quyền “làm cỏ” giống người khác như chủ nghĩa phát xít, hay có tư tưởng “đại loạn để đại trị” như Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc,... thì chắc chắn tôi sẽ đặt tên bài viết ngược lại:Các Mác- một tội ác bao la!”

Tác giả Đinh Từ Thức với tinh thần của tòa án “trọng chứng hơn trọng cung” đã đưa ra nhiều chứng cớ để phản bác một phần nhỏ trong bài viết của tôi nhưng lại liên quan đến những vấn đề rất lớn.

Lập luận và phản bác của Đinh Từ Thức là: “Trước khi người Pháp đô hộ, chủ quyền Việt Nam nằm trong tay triều Nguyễn. Khi Pháp đô hộ, chủ quyền sang tay người Pháp. Khi Nhật lật Pháp, chủ quyền sang tay người Nhật. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15-8-45, chủ quyền Việt Nam trở lại tay vua Bảo Đại. Khi vua Bảo Đại thoái vị vào ngày 25-8-1945 (Đông La viết ngày thoái vị là 12-8) (Điều này tôi viết theo bài Thụy Khuê phỏng vấn cụ Hoàng Xuân Hãn, có lẽ sai thật - ĐL), nhà Nguyễn cáo chung, chủ quyền quốc gia đương nhiên thuộc về toàn dân. “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, Việt Nam trong tình trạng vô chính phủ, vậy làm gì có chuyện giành lại đất nước từ tay bọn xâm lược. Nếu có chuyện giành giật ở đây, là Đảng Cộng sản đã lợi dụng thời cơ, giành lấy quyền định đoạt vận mệnh quốc gia từ tay người dân, rồi giữ luôn từ đó. Đến nay vẫn chưa chịu trả lại”.

Tôi nói “giành lại đất nước từ tay bọn xâm lược” vì tôi tính cuộc kháng chiến chống xâm lược của nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo là cả một quá trình, bắt đầu từ năm 1911, tức ngày Bác Hồ ra đi “tìm đường cứu nước”, rồi đến Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu những năm 30, liên tục đến năm 45, biết bao máu xương chiến sĩ cộng sản đã đổ. Còn muốn cho lập luận của Đinh Từ Thức có lý, thì Đảng Cộng sản phải từ trên Trời rơi xuống, tiến hành cuộc cách mạng khoảng một tuần (từ 25-8-1945 đến 2-9-1945), không phải chống xâm lược mà chống nhân dân để giành lấy quyền lực từ tay nhân dân. Mặt khác, theo chứng cớ của Đinh Từ Thức nêu trên, tôi vẫn có thể nói Đảng Cộng sản giành chính quyền đúng là từ tay bọn xâm lược, vì Nhật đầu hàng Đồng minh chứ không đầu hàng Việt Nam, có thế mới có chuyện Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa phá kho thóc của Nhật, mới có Nam kỳ Khởi nghĩa, có Cách mạng tháng Tám... Có thể tham khảo thêm giai đoạn này qua một chú thích trong bài phỏng vấn cụ Hoàng Xuân Hãn của Thụy Khuê: “Đồng bào các tỉnh thi nhau nổi dậy chống Nhật bắt đầu từ ngày 11.8.1945. Hà Tĩnh đứng dậy ngày 11, Quảng Ngãi ngày 13. Ngày 16 có tin Nhật đầu hàng Đồng Mnh. Ngày 17 hàng trăm ngàn đồng bào biểu tình tại Hà Nội. Ngày 19.8.1945 thanh niên và công nhân xông vào Bắc Bộ Phủ. Mặt Trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời. Cách Mạng Tháng Tám thành công”. Còn Đinh Từ Thức nói ta đang vô chính phủ, quyền lực thuộc về nhân dân, thì thực tế nhân dân lúc đó đang bận chết đói chứ sức đâu mà giữ được quyền lực, và đầu óc đang nghĩ đến miếng ăn thì tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện lựa chọn lực lượng nào để giao quyền cho, mà quyền lực của nền cộng hòa là khái niệm trừu tượng, không phải là cục vàng trong túi, nhân dân muốn chọn ai thì móc ra cho! Nếu nói cho thật chính xác thì không thể có loại quyền lực nào thuộc về nhân dân một cách khơi khơi như vậy, mà quyền lực đó luôn được thể hiện bởi, và luôn thuộc về lực lượng đại diện cho mình. Với một đất nước có lẽ tới 99% là công nông mà nông dân là chính, lực lượng Đảng Cộng sản cũng chính là con em của nhân dân đó, đi làm cách mạng với lý lưởng mang lợi ích cho chính những người thân của mình, vì vậy đã phát triển nhanh nhất, mạnh nhất, được nhân dân ủng hộ nhiều nhất, và chính thế mới giành được thắng lợi. Một Đảng mà nhân dân chống lại thì làm nổi chuyện gì! Đến nay, do xuất hiện những tệ nạn, có những biểu hiện xa rời lý tưởng vì dân, đã xuất hiện những hoài nghi trong nhân dân, nhưng nói chung đa số mọi người muốn xoá bỏ cái xấu, muốn Đảng đổi mới cho tốt hơn, chứ thực sự rất ít người chối bỏ quá khứ, muốn thay đổi chế độ, muốn đòi lại quyền lực từ tay Đảng. Tất nhiên, cũng có thể có khoảng 1-2% dân Việt là nhân dân theo ý Đinh Từ Thức, gồm một phần lớn những người vượt biên; một nhóm những cán bộ, nhân sĩ, văn sĩ bị thất sủng do không đạt được tham vọng, có thể là về quyền lực, quyền lợi, cũng có thể chỉ là sự chứng tỏ cái tôi của mình; một số trí thức trẻ trong nước và hải ngoại muốn chế độ thay đổi theo hình mẫu các nước tiên tiến, có điều các bạn thường không hiểu mình đã lấy một hệ quy chiếu khác để đo một hệ quy chiếu khác, xa rời hoàn cảnh lịch sử, hiện tại cũng như trình độ xã hội nước mình, giống như chuyện một cô gái xấu tưởng mặc trang phục của một cô gái đẹp thì mình cũng sẽ xinh đẹp như vậy;... là muốn đòi lại quyền lực trong tay Đảng mà thôi. Nhưng với một dúm “chiến sĩ dân chủ” “ông chẳng bà chuộc” (xem những tranh luận giữa Nguyễn Minh Cần và Bùi Tín), cãi chửi nhau loạn xạ (giữa Nguyễn Thanh Giang và Hoàng Minh Chính, giữa Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang, giữa Dương Thu Hương và Nguyễn Thanh Giang...), khả năng có hạn nhưng tự phụ, kiêu ngạo vô lối (xem bài “Các Mác- một tình yêu bao la”)... thử hỏi quyền lực rơi vào tay mấy người này thì họ sẽ đưa đất nước ta tới đâu!?

Còn với riêng tôi, khi xã hội và trình độ nhân dân phát triển mọi mặt đến một cấp độ nào đó, theo xu hướng tiến bộ chung của thế giới, Đảng và chế độ ta không chỉ “đổi mới” mà còn phải biến đổi cho phù hợp, kể cả việc có thể đa đảng, đa nguyên và mở rộng dân chủ hơn nữa. Bởi theo Mác, sự thay đổi không chỉ là thế mà còn đến độ: “...giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nxb Chính trị Quốc gia, 1998, tr. 129-130).

Về những vấn đề liên quan đến giai đoạn quá khứ rất nhạy cảm này, tôi rất thích tham khảo ý của cụ Hoàng Xuân Hãn (trong bài đã dẫn), bởi cụ là một nhà khoa học, một chứng nhân lịch sử, từng là bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim, từng gặp cả Bảo Đại, Bác Hồ, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm... tức ta có thể tin vào tính có thực “trăm nghe không bằng một thấy”, tính khách quan, không thiên vị Chủ nghĩa Cộng sản của cụ:

“Nhưng mà nói cái kết quả tức thì nước mình bây giờ mà có độc lập, có thống nhất, thì cái ấy là cái công của Hồ Chí Minh to lắm. Dẫu là người ta dùng một chính sách gì, cộng sản hay quốc gia, thì cái công ấy sau này đối với người viết sử, người ta xét lại không khác gì đời Lê Lợi, mà rồi quân Minh phải về. Lúc ấy đời Lê Lợi cũng nhiều đám chứ không phải chỉ mình đám Lam Sơn mà thôi. Đám Lam Sơn, đám Đông Triều, những đám lớn đấy. Đám Đông Triều, đám Lam Sơn, đám Tuyên Quang... bốn năm đám không có cộng tác direct thế này mà giành nhau, nhưng mà cũng là ganh tỵ nhau để giải phóng đất nước. Rồi đám thuộc Trần, muốn cứu vớt con cháu nhà Trần mà cũng đánh như Trần Giản Định, Trần Trùng Quang gì đấy. Những đám ấy có thể nói với đám Lam Sơn cũng là trái nhau hết cả. Nhưng sau này người ta quên. Người ta nhớ đám Lam Sơn vì chính nhờ đám Lam Sơn mà đất nước được giải phóng”; ”Một chuyện tôi nghĩ sâu sắc là Hồ Chí Minh là một người Nghệ, là con cháu những người về đường Cần Vương, hồi Cần Vương với ông Phan Đình Phùng, Cao Thắng... các ông nghĩa khí rất cao, dân tình ai cũng theo cả”; “Rồi xẩy ra chuyện 75 thì dẫu nói thế nào nữa cũng là nước của mình, độc lập và thống nhất. Cái công ấy của Việt Minh từ đầu. Đối với một người chỉ có óc lịch sử không, sau này phán xét, tôi nghĩ không thể nghĩ cách khác được đâu”.

Tôi nghĩ về những ý của Đinh Từ Thức nói vậy là đủ, vì những điều khác đều là hệ quả của vấn đề tôi vừa trình bầy. Riêng ý này của Đinh Từ Thức: “Năm 1954, chính Hồ và Đảng Cộng sản vận động chia đôi đất nước để có cơ hội chấn chỉnh hàng ngũ, rồi làm công cụ cho cộng sản quốc tế thôn tính miền Nam, dưới chiêu bài chống Mỹ để thống nhất đất nước”, tôi thấy cũng sai vì ngày 2-9-1945 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam chứ không phải nước Bắc Việt Nam. Còn xét quá trình cách mạng là phải xét toàn thể cả cái dòng chính, xét mục đích đặt ra và kết quả đạt được. Chứ lại đi bới móc những tiểu tiết kiểu “bới bèo ra bọ”, coi những ứng xử mang tính chính trị ngoại giao nhất thời như: Sau Hội nghị, đại diện của họ là Phạm Văn Đồng đã tuyên bố với một ký giả: “Ông thừa biết cũng như tôi, là sẽ không có bầu cử” là chứng cứ thì không phải là cách tư duy của nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu...

Dù rằng không phải đảng viên cộng sản, không còn là công chức, thậm chí nhìn theo kiểu cũ giờ tôi cũng có thể bị coi là một kẻ bóc lột, nhưng là một người viết, với cách nhìn khoa học, (xin thưa với tác giả Nguyễn Trung Lương là tôi nói thực chứ không phải làm dáng, vì như tôi đã nói, tôi không chỉ làm khoa học mà hiện tại gia đình tôi còn phải sống bằng chính những kết quả nghiên cứu của tôi), hiện tại với tôi chỉ có tư duy khoa học chứ không còn khái niệm địch ta (vì nếu vậy vợ tôi sẽ là địch thì không biết tôi sẽ coi hai đứa con là gì), cũ mới (bởi cái cũ mà khoa học còn tốt hơn vạn lần cái mới phi khoa học), khi nhìn vào lịch sử, đối chứng với tinh thần cũng như những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, tôi kinh hãi nhận ra chỉ với vài chữ của một khái niệm thôi, khi người ta thực hiện sai có thể gây ra cái chết của nhiều triệu người, ngược lại, tất cả các cuộc cải cách nếu thực sự vì công bằng, không vì cái tôi, không vì sự tham lam, theo đúng tinh thần nhân đạo của Mác thì sẽ không bao giờ xảy ra như vậy. Chính vậy tôi đã viết đôi điều có tính thực tiễn, bài “Các Mác- một tình yêu bao la”. Còn thực chất, tôi chưa nói suy nghĩ của mình một cách toàn diện về chủ nghĩa Mác. Mà muốn vậy, có lẽ sẽ phải mất rất nhiều thời gian, mà quan tâm lớn nhất của tôi là văn chương chứ không phải triết học; triết học với tôi chỉ là công cụ để văn chương của tôi đã và sẽ viết thêm cao sâu hơn mà thôi.

Nếu nhìn một cách toàn diện về chủ nghĩa Mác, với tôi, không phải không có những điều băn khoăn, nhất là sự tiên tri về xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Tôi thấy điều này có tính không tưởng, mang tính đạo giáo nhiều hơn tính khoa học, nó không tương thích với bản tính con người. Một xã hội tập thể như một guồng máy khổng lồ, ở đó một nhóm người nghĩ thay cho cả đất nước, một vài người nghĩ thay cho cả xí nghiệp... rồi ai nấy hồn nhiên lao động quên mình vì tập thể để rồi được chia lợi nhuận một cách công bằng, từ đó xã hội không còn mâu thuẫn nữa, sẽ phát triển nhanh hơn... thì trong thực tế đã không thể diễn ra như vậy. Sự tập thể hóa luôn dẫn đến sự quan liêu, luôn dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc, người lãnh đạo tập thể khác với các ông chủ ở chỗ, ông chủ coi tư sở là của nhà mình nên hết sức vì nó, còn nhà lãnh đạo coi công sở là nơi mình cai quản một thời gian để kiếm sống và nhiều thứ khác, nên nhiều trưòng hợp họ làm việc không vì sự phát triển mà vì sự củng cố quyền lực, để cái ghế vững hơn và thời gian ngồi lâu hơn; sự kế hoạch hóa cứng nhắc luôn bó buộc sức sáng tạo, sức sản xuất; trong khi đó loài người luôn mang trong mình phần “con”, mỗi người là một thế giới, ai cũng có cái tôi, khi chia lợi ai cũng muốn mình được hơn phần mình có thể nhận và người có quyền luôn có điều kiện để nhận được nhiều hơn (tất nhiên trừ những ông thánh)... Như vậy xã hội cũng không thể đạt được sự công bằng, và sức sản xuất cũng không có điều kiện phát triển. Có lẽ, đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu đã khiến các nước xã hội chủ nghĩa tan vỡ và thất thế. Một xã hội phù hợp với quy luật phát triển là xã hội, theo tôi, tôn trọng cũng như giải phóng được sức sống của mọi người trong khuôn khổ một pháp luật; một xã hội đảm bảo được điều kiện sống để tư duy tự do vùng vẫy và đạo đức có đất để sinh sống; một xã hội dung hòa được giữa cái vĩ mô và cái vi mô, giữa cái chung và cái riêng, giữa ổn định và phát triển; một xã hội có sự điều tiết, phân phối lại, có chính sách xã hội sao đó để những người kém may mắn nhất cũng có điều kiện tồn tại. Khi đó ta buộc phải có cách nhìn khác, hiểu khác về một số khái niệm của chủ nghĩa Mác. Khi con người sinh ra luôn có khả năng khác nhau, khả năng kiếm sống khác nhau, nên sẽ có ông chủ và người làm thuê, tất sẽ có sự chênh lệch về thu nhập, về giàu nghèo; đó không phải là sự bất công mà là sự khác biệt tất yếu, cũng như sự công bằng xã hội không phải là sự cào bằng.

Riêng những quy luật phát triển của chủ nghĩa Mác thể hiện trong lý luận về duy vật biện chứng theo tôi sẽ mãi mãi còn giá trị...

Khai bút đầu năm Bính Tuất
TPHCM 9-2-2006

© 2006 talawas