trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
13.5.2006
Hiếu Tân
Bàn về Tính Không dưới góc độ tri thức luận
 
Trong tiểu luận “Thế giới rỗng không - Tri thức luận Phật học[1] K. Schmidt “so sánh lý thuyết tri thức luận của I. Kant với lời giải thích của ngài Ca Diếp về lời dạy Ðức Phật trong bài kinh số 18 của Trung Bộ Kinh” như sau:

“Mặc dù cách phát biểu về lời giải khác nhau - như ta cũng không thể chờ đợi gì khác hơn ở hai nhà tư tưởng lớn với khoảng cách hơn 2000 năm, nhưng ý nghĩa của chúng lại giống nhau. Ý nghĩa ấy nhất định phải giống nhau; bởi vì mỗi vấn đề chỉ có thể có một lời giải đúng.” (*)

Hiểu nhận xét ấy như thế nào? Ta gọi:

  1. Lý thuyết của I. Kant là A
  2. Lời dạy Ðức Phật là B
  3. Lời giải đúng là C
Theo “định lý” trên của Schmidt thì:

A = C;     B = C → A = B

Vì lời giải đúng chỉ có một, nó là C, hai tư tưởng lớn cách nhau hơn 2000 năm, phải giống nhau (A=B) vì là đúng (=C). Ở đây, các khẳng định (A=C); (B=C) theo ý tác giả mà ta có thể thấy rõ trong đoạn văn nói trên, là không cần phải chứng minh, dường như chúng là hiển nhiên rồi. Phật đã dạy, nhất định phải đúng. Cả Kant cũng thế!

Nhưng tôi cho rằng, tinh thần của đoạn văn trên trái với cả Phật lẫn Kant. Ta hãy xem Phật dạy gì?

Các người đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Đừng tin theo những kẻ lý luận hay, biện bác giỏi, cũng đừng để cái hào nháng bên ngoài như hữu lý nó cám dỗ các người, hoặc người nói đó là bậc Thầy của mình. Chỉ khi nào các ngươi biết rằng việc gì thuận với mình (kusala) tốt với mình thì hãy nhận và theo” (Auguttara–nikaya [Tăng nhất tập], trích Nguyễn Duy Cần
[Phật học tinh hoa]).

"Này Kalama, không nên dựa vào điều nghe nói, không nên dựa theo những gì mà người này nhắc lại lời người đi trước, không dựa theo những lời đồn đãi, không nên dựa theo các văn bản truyền thống, không nên dựa vào những lý do lý trí và những chuỗi suy luận đơn thuần, những nhận xét bên ngoài, cũng không nên dựa theo những điểm trùng hợp với quan niệm và thắc mắc suy tư của mình, cũng không theo hiện tượng giả tạo bên ngoài của thực tại và không theo vì người ấy là đạo sư của mình! Này Kalama, chỉ khi nào ngươi tự nhận biết rằng, điều này hay điều nọ là xấu hay đáng vất bỏ, đã được các thức giả phán xét trách cứ và nếu sử dụng chúng chỉ đem đến bất hạnh và đau khổ, thì này Kamala, người sẽ tự mình chấm dứt tà kiến, bất hạnh và khổ đau". (Kinh Tăng Chi Bộ, Quyển III, 65, bản Ðức ngữ của Nyanatiloka, Der Weg zur Erlösung, trang 55, trích Thái Kim Lan [talawas 2004]).

Như vậy, Phật không nói ngài luôn đúng, cũng không khuyến khích ai tin rằng ngài luôn đúng mà không sử dụng trí tuệ của chính mình để suy ngẫm và tự kết luận. Hai đoạn trích sau đây là lời của một người học Phật, mà tôi cho rằng đã nói đúng tinh thần Phật học.

Phật giáo không hề chủ trương độc quyền nắm giữ chân lý, hoặc giả có phát minh gì mới. Đây không phải là một cấu trúc giáo điều mà là một khoa học tâm linh nhằm đưa con người đến một sự chuyển hoá nội tâm, và đến việc thành tựu nhận thức bản thể tối hậu của sự vật” (J. F. Revel & Matthieu Ricard - Đối thoại Triết học-Phật giáo).

Ngài (Phật) nói: “Hãy kiểm tra sự đúng đắn của những lời giảng giải của ta như các người kiểm tra sự thuần khiết của một khối vàng, bằng cách đập nó vào đá, lấy búa rèn nó hoặc nung chảy nó. Đừng chấp nhận điều ta nói chỉ đơn giản vì lòng kính trọng đối với ta” (J. F. Revel & Matthieu Ricard - Sđd)

I. Kant là một nhà Khai sáng. Trong tiểu luận “Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?” Kant đã chế giễu tính “vị thành niên” hay sự “không chịu trưởng thành” của con người, cứ mãi mãi muốn nương nhờ vào trí tuệ của người khác mà không có dũng khí sử dụng trí tuệ của chính mình, cho dù nó còn non kém. Nếu Kant trung thành với chính mình, hẳn ông cũng không hoan nghênh những ai trước khi đọc ông đã đinh ninh sẽ được đọc những lý thuyết hoàn toàn đúng đắn.

Như vậy tinh thần Phật và Kant nhất trí ở điểm này: hai vị tổ sư của Tâm linh và Tư tưởng đó khuyến khích người ta phê bình tư tưởng của các vị, như các vị đã phê phán mọi thứ. Để hiểu được tư tưởng của các vị, trước hết, chúng ta hãy chưa cho các vị là đúng (hay sai). Và như vậy, A=C hay B=C còn là điều chưa được hay cần phải chứng minh.

Để “định lý” của Schmidt được chứng minh, cần có:

  • Tư tưởng của hai vị là GIỐNG nhau, và
  • Một trong hai là ĐÚNG
Sau đây ta thử khảo sát sự tương đồng giữa hai tư tưởng.


1. Về tri thức luận Phật học

Ta hãy tìm hiểu quan niệm Phật học về nhận thức.

“Và đấng Thế tôn lại dạy rằng: "Nếu do một nguyên nhân nào đó những tri giác đa dạng về thế giới bên ngoài (papancasannyâsankhâ) xảy đến với con người, nhưng con người không đắm mình trong đó, không tham dự vào đó và không chấp vào những tri giác ấy, như thế thì đây chính là sự đoạn tận những ham muốn cưỡng bách, sự chấm dứt mọi suy tư viễn vông (ditthânusaya), sự đoạn tận những dao động bấp bênh, đoạn tận những kiêu căng, đoạn tận mọi tham vọng quyền lực (bhavarâgânusaya), mọi sự điên rồ vô minh (avijjânusaya), mọi chiến cuộc và giao tranh, mọi gây gổ và cãi vã, mọi mập mờ và dối trá, tất cả những điều gây khổ đều biến mất." Bài kinh số 18 của Trung Bộ Kinh (Majjhimanikâya). (*)

Trong cả bài kinh trên đây, chỉ có câu đầu tiên "Nếu do một nguyên nhân nào đó những tri giác đa dạng về thế giới bên ngoài (papancasannyâsankhâ) xảy đến với con người,…” là đã được Kaccâna diễn giải.

Diễn giải của Kaccâna (Ca Diếp) về câu đầu tiên có thể tóm tắt như sau:

Hiện diện
Hiện diện
Tác động- kích thích
phát sinh




1. con mắt
hình ảnh của đồ vật
sự nhìn
xúc giác hay ấn
2. lỗ tai
âm thanh
sự nghe
tượng /cảm giác
3. lỗ mũi
hương thơm
sự ngửi thấy
__
4. lưỡi
thức uống
sự nếm
__
5. thể xác
sự vật sờ mó được
đụng chạm
__
6. cơ quan của
đối tượng tâm lý
tưởng tượng
__
cảm năng nội tại (Dhammâ) (manas)    



“Nếu có ấn tượng, thì sẽ phát sinh cảm giác. Ðiều gì ta cảm giác, điều ấy sẽ được tri giác; điều gì ta tri
giác, điều ấy ta sẽ nhào nặn trong tâm thức hoặc tạo nên các khái niệm. Ðiều gì nhờ đó ta tạo nên khái niệm, điều ấy ta sẽ tán rộng ra như là thế giới “ngoại tại“; điều gì ta tán rộng ra thành thế giới ngoại tại, điều đó là những tri giác đa tạp về thế giới ngoại tại, chúng đến với con người trong những dữ kiện đã qua, sắp tới và hiện tại có thể nhìn thấy được. (*)

Ấn tượng, ở đây tôi hiểu là tác động của đối tượng bên ngoài vào cơ quan cảm thụ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.. ) của con người. Chữ tri giác ở đây, nếu tôi hiểu không nhầm, là nhận thức chủ quan: có cảm giác và biết là mình cảm giác. Còn chữ khái niệm, không phải là ‘khái niệm’ trong tâm lý học hiện đại, mang tính khái quát và trừu tượng, đơn vị cơ sở của nhận thức lý tính, mà chỉ là cái hiện ra trong tâm trí ta như kết quả của hoạt động cảm tính, về các đối tượng bên ngoài.

Cách giải thích của Kaccâna có nội dung tri thức luận, và sau khi Kurt Schmidt tìm ra ý nghĩa thích hợp của chữ“papancasannyâ”(chữ sanskrit tương đương là prapanca) là “thế giới có thể nhìn thấy hay vũ trụ (Universum)” thì nghĩa của đoạn văn hoàn toàn sáng tỏ: Đức Phật muốn nói về “ tri thức về thế giới bên ngoài đến với con người như thế nào?” hay là “về khả thể của tri thức”- theo cách nói của I. Kant. Như vậy trước khi có lý giải của Kurt Schmidt về chữ “papancasannyâ”, thì trong suốt 25 thế kỷ, với sự mù mờ và rối ren của cả một mớ ý nghĩa của chữ này, câu nói trên hoàn toàn tối nghĩa : người ta có thể tóm lấy một nghĩa nào đó và hiểu nó theo ý riêng, hoặc hoàn toàn chẳng hiểu gì cả (!) trong khi tụng niệm.

Đến đây, chúng ta hãy ghi nhận: nhận thức luận (tri thức luận) Phật học chỉ khẳng định: cảm giác là nguồn gốc của nhận thức (tri thức).

Đến câu ‘ta sẽ tán rộng (trải rộng, nới rộng - tuỳ chỗ dịch) ra như là thế giới ngoại tại’ thì thật sự, tôi chưa hiểu ý tác giả muốn nói gì. Điều chúng ta quan tâm nhất lại chỉ được nói sơ qua! Ở chỗ khác ta đọc: “Khi những khái niệm được tác tạo thì có khả năng những tri giác đa dạng về thế giới ngoại tại xuất hiện", “Nếu không có sự tác tạo khái niệm thì sẽ không có những tri giác về thế giới ngoại tại đến với ta" và "Ðiều gì ta tri giác được, chính từ những điều ấy ta tạo nên những khái niệm", (đều là lời Kaccâna). (*)

Lập luận như thế liệu có mâu thuẫn không: những tri giác (về thế giới ngoại tại) mà nhờ đó ta nhào nặn trong tâm thức tạo nên các khái niệm, lại sẽ không có nếu không có sự tác tạo khái niệm ! Hy vọng rằng sự luẩn quẩn ở đây chỉ là do khó khăn trong việc vận dụng từ ngữ; chữ tri giác ở phần trên không phải là “những tri giác đa dạng về thế giới ngoại tại” của phần dưới, và ‘khái niệm’ sau này, chỉ là kết quả của hành động ‘tán rộng ra như là thế giới ngoại tại’ của ta thôi.


2. Sự tương đồng

Về vấn đề cảm giác là nguồn gốc của tri thức, có sự giống nhau giữa diễn giải của Kaccâna (trên đây), và của Kant trong «Phê phán lý tính thuần túy» (PPLTTT). Kant viết: "Dù bằng cách nào và với phương
tiện gì để một nhận thức có thể quan hệ được với các đối tượng, thì cách thế nhờ đó nhận thức quan hệ trực tiếp (unmittelbar) với đối tượng và nhờ đó tất cả tư duy nhằm đến, vẫn là trực quan (Anschauung). Trực quan chỉ có thể xảy ra trong chừng mực đối tượng được đem đến cho chúng ta, điều này lại chỉ có thể xảy ra, ít nhất cho loài người chúng ta, một khi đối tượng kích động tâm trí (Gemüt) theo một cách nào đó." (*)

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng không phải I. Kant là “người đầu tiên ở Tây phương” đã lý giải vấn đề này (khả thể của tri thức theo hướng cảm giác luận). Ít nhất chúng ta cũng phải kể đến, trước Kant, ba nhà cảm giác luận tiêu biểu, mặc dù những đặc sắc hay quá đáng của họ, có điểm tương đồng với Phật (Kaccâna), ở chỗ nhấn mạnh vai trò của cảm giác trong diễn trình nhận thức: J. Locke (1632-1704) , D. Hume (1711-1776), và G. Berkeley (1685-1753). Còn muốn thấu đáo hơn, ta phải lần ngược lên đến một người gần với Phật hơn cả về không gian và thời gian, người đã nói “ Không có gì trong ý thức của chúng ta mà trước đó không có trong giác quan”, đó là Aristote (383-322 trước CN).

Kant viết tiếp: “Nhờ vào giác quan ngoại tại (một đặc tính của tâm trí chúng ta) chúng ta có thể tưởng
tượng được những đối tượng là ở bên ngoài chúng ta...” (*)

Có thể cảm nhận ở đây thêm một lần tương đồng giữa các ý tưởng, chẳng hạn giữa “tưởng tượng được những đối tượng là ở bên ngoài chúng ta” (Kant) với “ta tán rộng ra thành thế giới ngoại tại” (Kaccâna) chăng? Tuy nhiên, sự tương đồng cũng chỉ ở mức độ hạn chế, bởi vì ý tưởng của Kant là hoàn toàn sáng rõ, trong khi phát biểu của Kaccâna chỉ cho ta một ý niệm mờ mông lung. Mức độ sáng tối của ngôn ngữ chẳng lẽ không bộc lộ trình độ của tư duy? (nên nhớ chúng ta đang bàn về triết học, chứ không phải tâm linh).


3. Chỗ dị biệt

Kết luận về sự giống nhau giữa Kaccâna và Kant bằng cách so sánh mà K. Schmidt đưa ra sau đây quả thật là thiếu thuyết phục:

Kaccâna giải thích tiếp: "Những gì mà ta tạo nên khái niệm về nó, cái ấy ta nới rộng ra thành thế giới ngoại tại." Kant cũng diễn tả cùng (Tôi nhấn mạnh - HT) ý tưởng như sau: "Ðể cho các cảm giác có thể
liên hệ với cái gì ở ngoài tôi, cũng như để tôi có thể hình dung chúng như là ở bên ngoài và ở bên nhau (nebeneinander), tức không chỉ khác nhau mà còn khác vị trí với nhau, biểu tượng về không gian phải có sẵn làm nền tảng (Tôi nhấn mạnh - HT). Do vậy biểu tượng về không gian không thể được vay mượn từ các mối tương quan của hiện tượng bên ngoài mà trái lại kinh nghiệm bên ngoài này trước hết chỉ có thể có được do biểu tượng tư duy của tôi mà thôi" (Kant, PPLTTT, I §2, 1). (*)

Ở đây cái mà nhờ nó “chúng ta có thể tưởng tượng được những đối tượng là ở bên ngoài chúng ta” trong câu trên kia, thì đến câu này “biểu tượng về không gian phải có sẵn làm nền tảng” đó là trực giác về không gian, không vay mượn từ bên ngoài vì nó vốn là “một đặc tính của tâm trí chúng ta”.

Trong câu này Kant nói về tính siêu nghiệm của biểu tượng không gian, một tư tưởng độc đáo thuộc “bản quyền” của Kant, một sáng tạo nền tảng của Triết học Siêu nghiệm. Tư tưởng này không có trong Kaccâna, dĩ nhiên!

Trong diễn giải của Kaccâna cũng hoàn toàn không có sự phân định rõ rệt Cảm tính và Giác tính, cũng như vai trò độc lập của hai hoạt động nhận thức này, như Kant, mà tổng hợp của chúng mới làm nên tri thức của chúng ta về thế giới: “Trong hai đặc tính này không có cái nào ưu việt hơn cái kia. Không có cảm năng thì không có đối tượng được mang đến cho chúng ta và không có giác tính thì chẳng có đối tượng nào được suy tưởng. Tư tưởng mà không có nội dung là tư tưởng rỗng, trực quan mà không có khái niệm là trực quan mù… Giác tính không có khả năng trực quan một điều gì và trực quan thì không thể tư duy. Chỉ nhờ vào sự phối hợp của chúng tri thức con người mới được thành hình." (*)

Tóm lại, trong các phần được so sánh trên đây, Kaccâna không nói gì đến siêu nghiệm, cũng như Kant không nói gì đến giác quan thứ sáu, giác quan của cảm quan nội tại có những đối tượng tâm lý, phi vật thể. Đó là chỗ khác nhau. Theo chúng tôi, khi so sánh hai tư tưởng này chỗ khác nhau quan trọng hơn chỗ giống nhau. Có sự khác nhau vì ở Kant có bước phát triển độc đáo về tư duy triết học, còn sự giống nhau nằm ở những lý lẽ thông thường mà mọi người dễ dàng nhất trí.

Triết học hay tâm linh?

Điều khác biệt trên kia là hoàn toàn dễ hiểu, khi chúng ta xét đến tính mục đích. Ở Kant, luận về nguồn gốc của tri thức là nhằm xây dựng một lý luận về nhận thức. Ở Phật, nhắc đến nguồn gốc cảm giác là để lìa bỏ cảm giác. Chúng ta hãy quay lại lời của đức Thế tôn (Majjhimanikâya 18). (Tôi xin phép thay đổi đôi chút cách trình bày trên giấy):

“Và đấng Thế tôn lại dạy rằng: "Nếu do một nguyên nhân nào đó những tri giác đa dạng về thế giới bên ngoài (papancasannyâsankhâ) xảy đến với con người, nhưng con người không đắm mình trong đó, không tham dự vào đó và không chấp vào những tri giác ấy, như thế thì đây chính là sự đoạn tận những ham muốn cưỡng bách, sự chấm dứt mọi suy tư viễn vông (ditthânusaya), sự đoạn tận những dao động bấp bênh, đoạn tận những kiêu căng, đoạn tận mọi tham vọng quyền lực (bhavarâgânusaya), mọi sự điên rồ vô minh (avijjânusaya), mọi chiến cuộc và giao tranh, mọi gây gổ và cãi vã, mọi mập mờ và dối trá, tất cả những điều gây khổ đều biến mất." (*)

Như trên đã nói, Kaccâna chỉ diễn giải câu mở đầu, ("Nếu do…xảy đến với con người”), các tỳ kheo thắc mắc vì chưa thấy mối liên hệ của nó với cả đoạn sau là đoạn mà ý của Phật đã quá rõ. Trong văn cảnh này "nếu do một nguyên nhân nào đó “ có thể hiểu là “trong mọi trường hợp” nghĩa là dù bất cứ nguyên nhân nào. Việc không chấp (tham dự/đắm mình) vào các cảm giác tri giác mới là chủ ý của Phật: tri giác là cửa ngõ để thế giới bên ngoài đến với ta, không chấp vào đó thì ta có thể lià bỏ cả thế giới, coi như không có.

K. Schmidt khi viết như thế này ở phần kết, đã không hề dựa vào lời Phật trong đoạn trích dẫn trên kia
“Như tất cả các sự vật, hoa hồng cũng là một sản phẩm của trí năng, một tác tạo (Gebilde) của tư duy
và cũng như thế, thể xác của chúng ta, nhân cách của chúng ta, và cả thế giới cũng không gì khác hơn
là tác phẩm của tư duy”. Những lập luận mang màu sắc Duy thức luận này có thể nói rất gần với tư tưởng của G. Berkeley, không liên hệ gì với Lời Phật dạy ở đây, mâu thuẫn với ý tưởng của Kaccâna:

Nếu không có cảm giác thì không thể có tri giác phát khởi. Nếu không có tri giác phát sinh thì không thể có sự tác tạo khái niệm. Nếu không có sự tác tạo khái niệm thì sẽ không có những tri giác về thế giới ngoại tại đến với ta” và lại càng xa rời tư tưởng của Kant: “Nhưng mọi suy tưởng, dù đi thẳng (trực
tiếp) hay quanh co (gián tiếp), qua trung gian của vài đặc điểm nào đó, cuối cùng vẫn phải liên hệ với những trực quan, có nghĩa là, mọi suy tưởng của con người đều phải quan hệ với cảm tính, bởi vì bằng
cách khác chúng ta không thể có quan hệ được với một đối tượng nào cả”. Cả Kaccâna và Kant đâu có
nói “thế giới chỉ là sản phẩm của tư duy”, vì như vậy ‘thế giới ngoại tại’ là cái gì, và ‘liên hệ với những
trực quan’ để làm gì?

K. Schmidt cho rằng: “Một khi chúng ta nhận thức sự tán rộng thế giới đã được hình thành theo phương cách như thế, thì chúng ta có thể quan sát thế giới như là rỗng không. Một khi căn cứ vào tri thức này để nhìn thế giới như là rỗng không, thì mọi chấp trước vào thế giới này sẽ chấm dứt và cái chết sẽ mất hết tính cách đe doạ đối với chúng ta; nó không thể xúc tác chúng ta. "Thần chết không thấy được chúng ta”. (*)

Nghĩa là chỉ cần hiểu về nhận thức luận theo cách K. Schmidt đề nghị, đã có thể nhìn thế giới như là rỗng không, và nhờ đó, mọi chấp trước sẽ dứt! Nhưng tôi lại hiểu Phật nói khác. Phật chỉ nói: đừng chấp vào tri giác, cảm giác. Tại sao? Nhờ Kaccâna diễn giải, ta biết rằng cảm giác là nguồn gốc mọi nhận thức của ta về thế giới. Nhờ không chấp mà ta mới có thể đoạn tận / chấm dứt (…) và có thể nhìn thế giới như là rỗng không. Còn làm thế nào để đạt được không chấp? Thì đã có thiên kinh vạn quyển và vô vàn hệ phái trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua.

© 2006 talawas



[1]Kurt Schmidt: “Thế giới rỗng không - Tri thức luận Phật học”, Thái Kim Lan dịch [talawas 22.4.2004]. Tất cả các đoạn trích có dấu (*) đều từ bài này.