trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.1.2007
Nhật Tiến
Không phải là vô ích – Thư trả lời anh Nguyễn Đình Chính
 
California ngày 15 tháng 1 năm 2007,

Thân gửi anh Nguyễn Ðình Chính,

Ðọc xong thư trả lời số 2 của anh, lòng tôi bỗng tràn ngập nhiều nỗi niềm, vừa xót xa, vừa ngậm ngùi. Những sự thực mà anh nêu ra ở trong thư, tuy tôi cũng đã nghe qua, biết qua nhưng chưa bao giờ nó lại gây ấn tượng trong tôi mạnh mẽ đến thế.

Thực vậy, trong suốt cuộc đời viết lách của tôi, chưa bao giờ tôi phải trực diện những vấn đề mà anh đã thẳng thắn nêu ra, đại thể như:


1. Tôi chưa từng phải loay hoay vì câu hỏi: “Sự nghiệp lí tưởng thì thật là lớn. Nhưng cái tình giữa người với người có lớn thua kém gì không?”

Theo nhận thức của tôi thì người ta vẫn có thể gìn giữ lý tưởng của mình mà không bắt buộc phải xâm phạm vào tình người, một thứ tình cảm cao quý vốn vẫn được đề cao dù dưới bất cứ một nền văn hóa nào. Có thể nhận thức này bắt nguồn từ ở chỗ tôi may mắn không hề bị rơi vào cái bi kịch trong đó con người phải trèo giẫm lên nhau để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng đang theo và để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.


2. Từ ngữ ”thủ lãnh văn nghệ” cũng là một ý niệm rất xa lạ đối với tôi. Từ xưa tới nay, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là làm văn nghệ thì lại phải có thủ lãnh dẫn đầu dù là để cổ võ cho một đường hướng sáng tác mới, hay vận động cho sự tự do cầm bút. Tôi nhớ lại hồi sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam vào thời điểm ngay sau khi đất nước bị chia cắt 1954, ở đây cũng đã có một cuộc vận động mạnh mẽ về sự đổi mới trong văn học theo sự ra đời của nhóm Sáng Tạo với chủ trương phủ nhận nền văn chương cũ kỹ của Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng văn nghệ sĩ thời ấy, dù chọn cũ hay lựa mới thì cũng không ai tôn ai làm thủ lãnh và cũng không ai bị chèn ép bởi bất cứ thế lực nào. Ðường ai nấy đi. Phải chăng đấy cũng là một trong những khía cạnh tốt đẹp của vấn đề tự do cầm bút.


3. Ðọc thư anh, tôi lại càng cảm thấy thật là may mắn vì đã không bị rơi vào hoàn cảnh phải sáng tác trong bầu không khí ngột ngạt đã được anh diễn tả: “Cái gọi là đám đông quần chúng văn nghệ sĩ đã từng ùa theo ào ạt tung hô, ủng hộ các thủ lĩnh đòi tự do sáng tác, đổi mới - thì, chính cái đám đông ấy, trong các buổi kiểm điểm trên hội trường và trên mặt báo lại quay ngoắt lại ào ạt đấu tố những thủ lĩnh vừa dắt dẫn họ”.


4. Lại thêm hình ảnh của “buổi kiểm điểm trên hội trường” (và trên mặt báo) vốn cũng là những sinh hoạt hết sức xa lạ mà tôi chỉ phải trải qua có đúng một lần ít ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Một lần thôi nhưng cũng đủ gây cho tôi nhiều ấn tượng kinh hoàng, huống hồ anh đã sống với nó, hít thở bầu không khí đó, nổi trôi phận mình trong sự triền miên khắc khoải đó, trách gì chẳng khiến anh đã phải có những tâm tình chất chứa đầy ắp trong lòng như nó đã biểu lộ qua văn phong cũng như những gì anh đã trung thực viết ra qua những lá thư vừa trao đổi.


5. Dĩ nhiên “cơn sóng nổi lên trong tâm hồn mỗi người” thì ở đâu cũng có. Những người đã có lòng với đất nước thì dù ở nơi nào, cũng khó mà tìm kiếm được sự bình an trong tâm hồn trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng sóng nổi đến mức độ như anh diễn tả thì thật vô cùng đáng sợ, nhất là đối với một người ít có kinh nghiệm về các vấn đề nóng bỏng ở trong nước, như tôi: “Tận bên kia đại dương xa xăm, anh có cảm nhận được những cơn sóng ngầm dữ dội ở bên dưới dòng chảy mà anh em văn nghệ sĩ trong nước đang phải vật lộn, chống đỡ không. Chúng tôi không phải chỉ chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở bên ngoài môi trường văn nghệ mà, còn phải chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở ngay bên trong tâm hồn mỗi một cá thể chúng tôi. Những cơn sóng này đang tàn phá nền văn học Việt Nam và đang chầm chậm dẫn đến một sự tàn sát tập thể”.


Thưa anh Chính,

Sức chịu đựng, khả năng đề kháng và hoàn cảnh ngặt nghèo của anh chị em văn nghệ sĩ trong nước qua đoạn văn của anh ở trên, quả là kinh khủng thật! Tôi không thể nhẫn tâm chỉ tỏ bầy sự cảm thương mà hơn thế nữa, khi viết cho anh tới lá thư thứ ba này, tôi còn cảm thấy rất có lỗi với anh, bởi vì không những tôi đã không trở về chia sẻ với anh những hệ lụy hay những cảm nhận xót xa mà anh đã từng phải nhận lãnh, tôi lại còn đi tranh biện với anh về những vấn đề vốn chỉ những người trong cuộc mới biết để mà thưa thốt. Ðây rõ ràng là một sự khiếm khuyết của tôi, mong được anh tha lỗi.

Ðể chốt lại vấn đề, thì khi tham dự vào cuộc thảo luận giữa hai chúng ta, tôi đã thiếu hẳn nhiều điều kiện thực tế, như không có cùng một bề dầy kinh nghiệm sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa như anh; như không cùng anh hít thở bầu không khí văn nghệ khắt khe, trong đó có những buổi kiểm điểm trên hội trường hay trên mặt báo; như phải sáng tác ở những nơi có phe phái “đã không từ một thủ đoạn, một âm mưu ghê gớm, thô bạo và man trá và vô đạo đức nào để mà kéo bè kéo cánh choảng nhau”.

Trong hoàn cảnh khác biệt như thế, tôi sẽ không thể nào không thấy được là những phát biểu của mình có thể bị “chệch hướng” hoặc đi ra ngoài những vấn đề “cốt lõi” mà anh thực tâm muốn đem ra thảo luận. Ðúng là tôi đã rơi vào cái tâm trạng của một kẻ đã lạnh lùng quay đi trước ánh mắt bi thương của người khác.


Thưa anh Chính,

Mặc dầu vậy, nhưng theo thiển ý thì mấy lá thư tranh biện giữa tôi với anh vừa rồi, xét cho cùng cũng không phải là vô ích. Bởi vì qua cuộc đối thoại giữa anh và tôi, có thể sẽ làm dấy lên nhiều sự việc, hé mở một cách công khai về những sự thực vốn lâu nay bị che giấu hay lấp liếm, đặt ra được nhiều vấn đề đòi hỏi cần được làm sáng tỏ hay giải quyết... và biết đâu, sẽ có nhiều anh chị em cầm bút trong và ngoài nước chờ cho chúng ta phát biểu xong thì sẽ nhập cuộc.

Một sự trao đổi công khai và minh bạch giữa những người cầm bút dù ở trong hay ngoài nước như thế là điều rất nên thực hiện và đó cũng là kỳ vọng của riêng tôi trong nhiều năm qua, mà nay may mắn nhờ có anh, tôi mới làm được dù là vẫn còn trong phạm vi thu hẹp và mang tính cách hời hợt.

Ðể cho cuộc trao đổi được rộng rãi, sâu xa, nêu được nhiều ý kiến liên hệ mật thiết với vấn đề văn hóa Việt Nam nói riêng và vận hội của đất nước trong thiên niên kỷ mới nói chung, tôi cũng mong mỏi anh chị em cầm bút trong và ngoài nước tiếp nối cuộc trao đổi ngắn ngủi này, vì tiếng nói của người cầm bút dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, bao giờ cũng là tiếng nói của lương tâm dân tộc.

Sau cùng, ở cuối thư anh có đề cập đến vấn đề văn học nghệ thuật giả.

Ðiều này thì ở đâu, thuộc lãnh vực nào mà chẳng có của giả. Nhưng tình hình văn học nghệ thuật đến độ có 90% hàng nhái, hàng giả như cụ thân sinh, tức nhà văn Nguyễn Ðình Thi, đã xác nhận ở thời điểm 2002, thì mức độ quả là đáng báo động.

Nhưng chúng ta thì làm được gì trước thực trạng đáng buồn ấy, ngoại trừ ai giả cứ giả, mỗi người cầm bút chân chính cứ tiếp tục sáng tạo theo lương tâm và nguồn cảm hứng của chính mình. Vả lại, tôi vẫn luôn luôn tin tưởng rằng thời gian luôn luôn là cái máy sàng lọc tỉnh táo, tinh vi và hữu hiệu nhất. Sẽ không có một thứ của giả nào có thể tồn tại mãi mãi với thời gian.

Xin cám ơn anh rất nhiều vì đã dành thì giờ giải đáp những thắc mắc của tôi, khởi đi từ bài anh Ðinh Bá Anh phỏng vấn anh trên mạng lưới toàn cầu talawas.

Chúc anh nhiều sức khỏe và may mắn.

Thân ái.

Nhật Tiến

© 2007 talawas