trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
21.6.2003
Ngô Cảnh
Bàn tiếp về i ngắn và i dài
 
Đề tài "i ngắn và i dài" đã được các anh Vũ Dũng và Đoàn Xuân Kiên bàn đến từ năm ngoái, nay nhân anh Nguyên Nguyên muốn hâm nóng lại và nghĩ rằng câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ, nên tôi cũng xin góp chút ý kiến.

Sau mấy trăm năm chữ Việt được phát minh mà chúng ta vẫn còn thấy phải cải tổ khiếm khuyết của nó đã chứng tỏ một điều là chúng ta vẫn chưa đúc kết được một quy tắc toàn hảo nào khả dĩ được tất cả mọi người chấp nhận. Mỗi chúng ta, mỗi người phát biểu nhận xét của mình về tiếng Việt, rồi thôi, chẳng ai đúng ai sai cả. Vì chẳng ai là quan tòa để phán quyết. Mà có quan tòa đi chăng nữa cũng chẳng biết dựa vào luật nào để kết luận. Ngay tại thời điểm này, hôm nay, giữa chúng ta vẫn thấy ở người này những điểm mơ hồ, dị biệt với quan điểm của người kia. Thế thì bảo sao một quy tắc toàn hảo thống nhất có thể có được?

May là chúng ta chỉ cãi nhau về một vấn đề nhỏ "i ngắn và i dài". Người xưa đã để lại cho chúng ta quá hậu hĩ: hai chữ "i" hay nói đúng hơn hai chữ cùng đọc là "i" (khi đứng một mình). Vô lý, những hai chữ "i", vô lý thật. Lúc nguyên thủy, chắc chắn phải có một sự khác nhau nào đó. Chúng ta không nhận ra được sự khác nhau đó có lẽ chỉ vì chúng ta chỉ đặt tên cho chúng là "i". Nếu như người Anh, chữ 'i' đọc là /ai/ , chữ 'y' đọc là /goai/ thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng ai tìm cách bỏ một chữ đi làm gì.

Theo tôi, chính vì cho là hai chữ "i" này đọc như nhau mà người ta đã tùy tiện thay "i" thành "y" ở những chữ đọc là "i". Chữ "i" trong từ "lí" ban đầu có lẽ là "i-ngắn". Chỉ sau này, thí dụ như một người họ "Lí" nào đó, muốn tên mình viết bay bướm một chút mà đổi "i" ngắn thành "y". Cái sở thích này ngày nay vẫn còn nhiều người có. Nhìn trên nhiều tên của người Việt, chúng ta sẽ còn khám phá thêm nhiều chữ như thế: "di" thành "dy", "thi" thà nh "thy"...Cũng như thỉnh thoảng có người thích viết "dz" ở các chữ "d" (anh Nguyên Nguyên đang đề cập trong Website này).

Ngoại trừ trường hợp "y" ở đầu từ, tôi cũng dám nghĩ rằng không có sự đổi ngược lại "y" thành "i". Căn cứ vào tài liệu của cố Đắc Lộ (De Rhodes), mà anh Đoàn Xuân Kiên và anh Vũ Dũng đã bàn hồi năm ngoái, ta thấy rõ rằng là chữ "i-ngắn" có trước (đã gọi là "y-cờ-rec" hay "y-hi-lạp" thì có thể suy luận là trong ngôn ngữ không phải Hi-lạp chỉ có "i-ngắn"). Chữ "y" được thêm vào khi cố De Rhodes phải phiên âm một vài tình huống nhất định.Chúng ta ngày nay ai cũng biết đó là tình huống nào. Đó là lúc không phải "ui" mà là "uy" , không phải "ai" mà là "ay" (và biến thể của nó "ây") Chỉ có hai trường hợp này thôi, không có thêm trường hợp nào khác. Việc dùng "y" ngoài hai trường hợp này chỉ là vì nghĩ nó được đọc như "i".

Và một điều mà chúng ta không nhận ra ở chữ "y" trong các tình huống này: Nó không phải là nguyên âm, cũng không phải là phụ âm. Nó đứng sau "u" hay "a" để nhắc cho chúng ta phải đọc khác đi một chút. Tiếng Đức gọi cái dấu hiệu này là "Umlaut". Vì vậy "uy" không phải là nguyên âm kép mà chỉ là một nguyên âm. Chữ "uy" này chính là chữ "ü" (u hai chấm) trong tiếng Đức.


Cũng trong tài liệu trên, cố De Rhodes có nói rằng không muốn dùng "hai chấm" trên nguyên âm chỉ vì không muốn tạo thêm dài bảng chữ cái nữa. Nếu ngài dùng, thì có lẽ mọi thắc mắc đã sáng tỏ. Ngoài việc viện dẫn chữ "uy" tiếng Việt phát âm hoàn toàn như chữ "ü - u hai chấm" của tiếng Đức để chứng minh "uy" là một nguyên âm đơn, chúng ta còn có thể kiểm nghiệm như sau: Trong khi chữ "ui" có thể tách ra "u" và "i" và đọc luyến được thành "ui" thì với chữ "uy" chúng ta không thể luyến được như thế. Chúng ta chỉ có thể chúm môi và phát ra một lúc "UY" mà thôi. (Xin đừng đem tiếng Pháp để chứng minh ngược lại nhé, tiếng Pháp còn viết dài hơn nữa). Tương tự như vậy, ta cũng không thể luyến "a" và "y" để thành "ay" được.

Một khi đã công nhận như vậy, việc bỏ dấu thanh trên chữ "u" hay "a" là hợp lí, không phải ở trên chữ "y" như theo thuyết của giáo sư Hoàng Phê (ở ViệtNam). Tôi sẽ trở lại đề tài vị trí dấu thanh ở một bài khác để góp ý với anh Đoàn Xuân Kiên.

Từ những suy nghĩ trên, tôi nghĩ rằng nếu có ý tưởng đổi "y" thành "i" thì ta có thể đổi tất cả các từ ngoại trừ hai trường hợp trên. Kể cả "yêu" thành "iêu". Điều này hoàn toàn có thể. Tại sao không? Ta đã từng đổi "ỷa" thành "ỉa" mà.
Cái tôi muốn nhấn mạnh là không phải chỉ đổi nửa vời như Đoàn Xuân Kiên, anh còn chừa các chữ "y" đầu từ, không có viện dẫn lí do, và anh đã bỏ sót một điểm là "y" ở đầu từ trong các ngôn ngữ Âu châu phát âm như "dê" tiếng Việt. Hay như Hoàng Phê, còn chừa các từ Hán-Việt, lí do cũng chẳng khoa học gì. Hay như Vũ Dũng, thì Dũng nói đúng, tôi phản đối cực lực nguyên tắc thứ 4 của Dũng (đổi "thúy" thành "thúi" ). Và tôi cũng cực lực chống lại việc biến cả "y" trong "uy, ay và ây" thành "i" và đánh dấu thanh trên đó. Nếu không có dấu thanh thì biến thành "ii" cho nó dài như tên gọi (xem Nguiiên Nguiiên - xin đọc là Nguyên Nguyên). Đây chỉ là một tiểu xảo vá víu mà không ai chấp nhận được.

Nếu đổi được như tôi đề nghị, các chữ cái "ý, ỳ, ỷ, ỹ, ỵ và Ý, Ỳ, Ỷ, Ỹ, Ỵ" sẽ chẳng bao giờ cần dùng đến. Lúc đó "y" sẽ không còn được xem là nguyên âm nữa. Và điều này phù hợp với cách dùng "y" ở các ngôn ngữ Âu châu hơn, nhất là tiếng Pháp, chữ "y-cờ-rec" (y-Hi-lạp) chỉ thường thấy ở những từ có nguồn gốc Hi lạp.


Cuối cùng cũng xin chú thích là chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi được quán tính của những người trưởng thành. Tất cả chỉ có thể hi vọng ở thế hệ mẫu giáo mà thôi.




Tham khảo:

Đoàn Xuân Kiên: nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt
Vũ Dũng: Trả lời anh Ðoàn Xuân Kiên về “y” và “i”
Nguyên Nguyên: Giải pháp dùng i-ngắn thay cho y-dài Hoàng Phê: www.vietlex.com/vietnamese/quytacbodau.html


© 2003 talawas