trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
181 - 200 / 3021 bài
181 - 200 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


17.8.2008
Trần Hùng Nghĩa

Tôi đã đọc quyển Một ngày trong đời Ivan Denisovich khi còn là một sinh viên tại miền Nam, trước 1975. Tuy nhiên ngày đó tôi chỉ đọc nó như một tác phẩm văn học, như vô số các tác phẩm dịch khác: Chiến hữu (Comrade), Bố già (The Godfather), Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, Exodus…, được bày bán khắp các nhà sách tại Sài Gòn. Và tôi đọc xong rồi quên. Đọc chỉ vì thích đọc sách, để giải trí, như nhiều loại giải trí khác mà mình có.

Ngày đó, tôi đã không cảm nhận được trọn vẹn và sâu lắng về thân phận người tù khổ sai, những nỗi thống khổ của họ, trong một chế độ độc tài toàn trị. Lý do dễ hiểu là vì như đa số những người miền Nam, cư dân thành phố, tôi đã may mắn có một cuộc sống khá tốt đẹp và hài lòng, dù trong hoàn cảnh chiến tranh. Những câu chuyện đày đọa, oan khuất trong ngục tù của quyển sách trên hình như là chuyện ở một xứ sở rất man khai xa lạ nào đó, hay ở một thế giới khác. Ngày đó, cái thời còn thanh xuân, những gì John Lennon, Paul McCartney của ban nhạc The Beatles làm hay phát biểu, còn khiến tôi quan tâm và nhớ đến hơn nhiều.

Nhưng rồi, ở miền Nam sau tháng Tư 1975, cũng đã có hàng trăm ngàn người phải trải qua cuộc sống đày đọa và tù tội. Họ có đến cả ngàn, thậm chí vài ngàn ngày trong đời như Ivan Denisovich. Phải chịu nhiều khổ ải trong Tầng đầu địa ngục ở những Quần đảo ngục tù, khắp nước Việt Nam. Họ cũng bị chế độ mới kết tội là phản động, phản quốc, tội đồ, v.v…, như văn hào Solzhenitsyn đã từng gánh chịu.

Sau mấy thập kỷ bị chế độ cộng sản Xô-viết xem như là kẻ thù, ngày nay, chính quyền nước Nga mới đã vinh danh Solzhenitsyn như một công dân vĩ đại, một nhà yêu nước chân chính, một niềm tự hào cho dân tộc, một biểu tượng cho lương tri của nhân loại. Một sự đảo ngược hoàn toàn và triệt để về nhận thức và đối xử.

Với tôi, và có lẽ với rất nhiều người, sau sự sụp đổ thực tế trên toàn thế giới của chủ nghĩa cộng sản, thì sự “đảo ngược” nói trên không có gì là ngạc nhiên, mà là một lẽ tất yếu. Tôi tin, ở Việt Nam rồi cũng sẽ như thế. Sự thật và nhân bản cuối cùng, và bao giờ, cũng thắng gian trá và bạo tàn.
 


17.8.2008
Mặc Giao

Tôi rất xúc động khi đọc bài ”Gửi về em, mùa thu Hà Nội” của Trần Thị Vĩnh Tường. Hoàn cảnh và tâm sự của tác giả chính là hoàn cảnh và tâm sự của tôi, và chắc cũng là của nhiều người khác. Tôi xa Hà Nội và Nam Định (quê tôi) đã 54 năm, xa đất nước Việt Nam đã 35 năm. Tôi nhớ quê hương da diết, nhưng một thứ biên giới vô hình chưa cho phép tôi trở về thăm quê hương một cách thoải mái. Bài viết của Trần Thị Vĩnh Tường đã giúp tôi sống lại một đoạn đời trong tâm tưởng. Xin cám ơn tác giả và cám ơn talawas đã chọn đăng bài này.
 


17.8.2008
Lại Xuyên

Trong "Gửi về em, mùa thu Hà Nội", ghi chú số 1, Trần Thị Vĩnh Tường cho biết mấy câu "Hẹn mai về, mai về" là của Song Ngọc. Theo tôi đây là mấy câu ở khổ đầu trong một bài thơ của Lê Minh Ngọc mà nhạc sĩ Song Ngọc hình như chỉ là người phổ nhạc, cái nhịp khắc khoải của mấy câu ấy (thơ) chính ra là:

Hẹn mai về, mai về
Xuân rồi xuân quạnh quẽ
Em người em gái quê
Xuân buồng xuân vắng vẻ.
 


17.8.2008
Phan G.

Trong bài "Gửi về em, mùa thu Hà Nội", tác giả Trần Thị Vĩnh Tường có trích bốn câu thơ được cho là của Song Ngọc. Thật ra đó là những câu trích từ bài thơ "Tâm sự gởi về đâu", tác giả là Lê Minh Ngọc. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài này khoảng thập niên 1960. Bài thơ là tâm sự cuả một thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu nhớ về người yêu nơi đất Bắc. Tuy có những đoạn khá nhạy cảm như: "Người đi vì lý tưởng… Hẹn mai về…", ca khúc này vẫn được phát thanh nhiều lần trên Đài Phát thanh Quân đội trước 1975, do Trần Ngọc (tức nhạc sĩ Tuấn Khanh) và Nhật Trường (Trần Thiện Thanh) hợp ca, hay như ca khúc “Tình quê hương”, Đan Thọ phổ nhạc từ bài thơ của Phan Lạc Tuyên, một người cộng sản, có câu: "Anh chiến binh tiền tuyến, về giải phóng quê hương" vẫn được hát thời đó. Có phải vì đó là những ca khúc hay? Trường hợp bài quốc ca Việt Nam Cộng hoà mà ai cũng biết là của Lưu Hữu Phước, đến nay nhiều người vẫn còn thắc mắc không hiểu sao thời đó, các chính quyền vẫn không muốn thay đổi, dù đó không phải là một ca khúc hay, và dù lúc đó có nhiều ý kiến muốn thay bằng ca khúc "Việt Nam Việt Nam" của Phạm Duy. Muôn ngàn những tiểu tiết như vậy phải chăng đã góp phần làm tiêu tan một chế độ? Đó là cái giá phải trả để bảo vệ cho một quan niệm về tự do. Riêng về thi sĩ Lê Minh Ngọc, sau này không ai biết gì hơn về ông. Bạn đọc nào có tin tức về ông xin cho biết. Nhận thấy bài thơ quá hay, xin ghi lại đây để bạn đọc thưởng thức. Bài thơ này tôi chép theo ca khúc, nên không chắc hoàn toàn đúng với nguyên văn của bài thơ.

Tâm sự gởi về đâu

Ngoài ấy tuổi xuân lạnh
Rét căm lòng cỏ hoa
Em nhìn mây không cánh
Bay về phương trời xa
Nghẹn ngào em thầm hỏi
Người đi có nhớ nhà?

Ra đi mùa xuân ấy
Mây hồng bay cuối thôn
Hoa vàng cài trên tóc
Em ngây thơ mắt buồn
Trời sáng trong lòng anh
Vực thẳm trong lòng em
Hai đứa hai tâm sự
Xa nhau như đêm ngày

Người đi vì lý tưởng
Em ở lại hờn căm
Mỗi mùa hoa lại nở
Mỗi hình bóng người đi
Đã bạt phai màu áo
Nỗi trôi dưới gốc dừa
Một trời hoa gạo đỏ
Và mưa nắng hai mùa

Hẹn mai về! hẹn mai về!
Xuân rồi xuân quạnh quẽ
Người gái quê, người gái quê
Xuân buồng xuân vắng vẻ
Đường anh đi, đường anh đi
Ôi bước dài thương nhớ
Giờ em ơi, giờ em ơi
Mây trùng dương cánh chia...

Tustin, 08/8/08
 


5.8.2008
Phong Uyên

Tôi không đồng ý với ông Nguyễn Hữu Liêm khi ông cho là "những đàn áp báo chí đang diễn ra không phải là biểu hiệu sự tranh chấp của phe bảo thủ chống cấp tiến, của Đảng chống Nhà nước, của thân Tàu chống thân Mỹ... trái lại, đang là những biện pháp mà chính Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh... và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thân cùng nhau chỉ đạo..."

Tôi đồng ý rằng bảo thủ, cấp tiến là suy luận của những người ở các nước dân chủ. Nhưng không thể nói là không có hai phe chia nhau quyền lợi như tôi đã nhiều lần ví Đảng với hội đồng kỳ mục trong làng. Muốn chia nhau "chiếu trên chiếu dưới" để giành quyền lợi, phải có phe cánh. Phe Nông Đức Mạnh là phe Đảng. Phe Nguyễn Tấn Dũng là phe nhà nước, là phe chính phủ. Để bảo vệ quyền lợi và tồn tại, Đảng tất nhiên phải phải dựa vào những thế lực như công an và đối ngoại phải dựa vào Tàu. Muốn điều hành được nhà nước cũng vậy: Chính phủ phải có sự ủng hộ của dân, nghĩa là phải giành được một phần báo chí, truyền thông, và đối ngoại phải dựa vào Mỹ để kinh tế có thể phát triển được và nhất là để có thể chống trả được áp lực chính trị và quân sự của Tàu. Dựa vào Tàu hay vào Mỹ không có nghĩa là thân Tàu hay thân Mỹ. Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng là Tổng Bí thư Đảng và ông Nông Đức Mạnh là Thủ tướng thì cũng sẽ ngược lại. Bởi vậy tôi tin rằng đàn áp một vài ký giả là của phe nắm Đảng chứ không thể có sự "cùng nhau chỉ đạo". Đó chỉ là sự trả đũa lại việc ngày 28/7/08 ông Dũng đã thành công trong việc cách chức 5 tướng lãnh đạo quân khu thủ đô. Không có lý gì phóng viên Việt Dũng được đi tháp tùng ông Dũng hai lần công du, tức là rất được tin cậy, mà ông Dũng lại rút thẻ hành nghề của phóng viên này để tự làm mất mặt mình. Sự trả đũa này chứng tỏ phe Đảng hoàn toàn yếu ớt, chỉ còn dựa được vào công an mà thôi.