trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
181 - 200 / 3021 bài
181 - 200 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


19.8.2008
Nguyễn Ước

Trao đổi với Hoà Nguyễn

Cám ơn những ý kiến đóng góp của ông Hoà Nguyễn. Ðoạn đối chiếu các điểm khác nhau giữa Tiểu thừa và Ðại thừa, như có ghi chú trong bài, là tôi trích dẫn của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong cuốn Phật học tinh hoa, in cách đây khoảng 50 năm.

Nhận thấy lối gọi Quyền và Thực Ðại thừa của ông Nguyễn Duy Cần quá hiếm và đã quá xưa, nên tôi xét theo ngữ cảnh mà chua thêm hai danh xưng Duy thức tông và Trung quán tông, đặt vào giữa hai dấu [ ] để độc giả thời nay tiện theo dõi. Tôi đã cố tra cứu nhưng chưa gặp được tác giả nào có lối phân biệt Quyền và Thực như Nguyễn Duy Cần.

Tôi cũng cảm thấy không an tâm về cách gọi và cách đối chiếu “các điểm khác biệt” như thế, nên để rộng đường cho độc giả tiện xem xét, trong chương viết về Mật tông (sẽ đăng trên talawas), tôi trích thêm bản đối chiếu “các điểm tương đồng” giữa Tiểu thừa và Ðại thừa của Ðại sư Walpola Rahula.

Phần về Phật giáo Thiền tông sẽ được trình bày một chương riêng, vì nó cũng “dài” không kém phần Ðại thừa.
 


18.8.2008
Trần Công Nghị

Những chi tiết nho nhỏ về cái chết của một nhà văn

Mới đây nhân đọc tin trên mạng về việc nhà văn Sơn Nam qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2008, người viết lấy làm phân vân về một vài chi tiết sau đây:

1. Giờ qua đời

Điểm qua 3 tờ báo đều ở cùng một thành phố, cũng là nơi nhà văn Sơn Nam qua đời:

Sài Gòn Giải Phóng: Giờ qua đời là 12 giờ 30
Thanh Niên: 12 giờ 40
Tuổi Trẻ: 13 giờ

Không rõ giấy khai tử của bịnh viện Gia Định và thân nhân chứng kiến lúc nhà văn hấp hối là mấy giờ?

2. Tên thật của Sơn Nam

Nhân Dân: Sơn Nam có tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đông Thái, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang ).

Sài Gòn Giải Phóng: Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh ngày 11/12/1926 tại Kiên Giang.

Về cách phát âm Tài hay Tày, người miền Nam đều nói giống nhau; nhưng viết với i hay y thì nghĩa khác nhau và nếu là tên người thì là hai người khác nhau. Sau đó, người viết tìm được giải đáp trên tờ Thanh Niên: Sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đông Thái (Kiên Giang) nhà văn Sơn Nam có tên thật là Phạm Minh Tài (nhân viên hộ tịch viết sai thành Phạm Minh Tày).

3. Tuổi thọ của nhà văn

Pháp Luật Online ngày 13/8/2008: Nhà văn Sơn Nam, “ông già Nam bộ”, người được mệnh danh là nhà “Nam bộ học” vừa qua đời lúc 13 giờ chiều nay (ngày 13/8), tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. HCM, thọ 82 tuổi.

BBC ngày 14/8/2008: Nhà văn Sơn Nam, tác giả tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng về Nam Bộ, vừa qua đời hôm thứ Tư 13/8 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 82 tuổi.

Thanh Niên Online ngày 13/8/2008: Nhà văn Sơn Nam sau khi đột quỵ, nhập viện ngày 30/7, đã từ trần lúc 12 giờ 40 ngày 13/8/2008 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. HCM, thọ 83 tuổi.

Tuổi Trẻ Online ngày 13/8/2008: Nhà văn Sơn Nam, “ông già Nam bộ”, được mệnh danh là nhà “Nam bộ học” vừa qua đời lúc 13 giờ chiều nay (ngày 13/8)..., thọ 83 tuổi.

Nhà văn Sơn Nam sinh ngày 11.12.1926, tạ thế ngày 13.8.2008, hưởng thọ 81, 82 hay 83 tuổi?

Theo thiển ý, tuổi ta là tuổi tính theo âm lịch và có lẽ được tính từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ đến lúc ra đời là 9 tháng 10 ngày. Cho nên vừa sinh ra đời, đứa bé được kể 1 tuổi. Còn tuổi Tây, khi đứa bé ra đời, dưới 12 tháng là 0 tuổi; sau 12 tháng mới được tính 1 tuổi. Ví dụ: Một đứa bé ra đời vào ngày 16.8.2008 thì từ ngày 16.8.2008 đến ngày 15.8.2009, đứa bé được tính là 0 tuổi. Đến ngày 16.8.2009, đứa bé mới được 1 tuổi.

Như vậy, nhà văn Sơn Nam hưởng thọ 81 tuổi. Hay nói một cách khác: còn 4 tháng, 18 ngày nữa, thì nhà văn hưởng thọ được 82 tuổi.

Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam! Cầu nguyện hương linh nhà văn sớm về Tiên Cảnh.
 


18.8.2008
Uyên Vũ

Đọc bài "Tờ eVan của Việt Nam đã áp dụng chính sách của Stalin để kiểm duyệt Solzhenitsyn một cách thô bạo" của Nguyễn Tôn Hiệt, tôi lại liên tưởng đến những tráo trở, hoặc hèn hạ khác của báo chí, nó nhiều đến nỗi nếu rảnh có thể làm cả một pho sách hoặc soạn thành một luận án tiến sĩ chứ chẳng chơi và không chỉ ở các báo làng nhàng, ngay cả những tờ được gọi là "uy tín" như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động...

Cũng về Solzhenitsyn, tờ Tuần Việt Nam của VietNamNet mới đăng bài "Alexandr Solzhenitsyn - Lương tâm nhân loại" thì 2 ngày sau đã biến thành "Alexandr Solzhenitsyn: Tâm hồn và lương tâm nước Nga", cũng trên VietNamNet mới đây đăng bài về người thanh niên đối diện với đoàn xe tăng ở Thiên An Môn rồi vội vàng hạ xuống không kèn không trống. Còn chuyện "lược dịch" có nghĩa là lược bỏ những đoạn, những câu "bất lợi" và chỉ để lại những gì có lợi cho mình. Nhất là những bài phỏng vấn. Nếu dịch nguyên văn ta thấy mọi sắc thái của cuộc phỏng vấn còn khi "cắt", "lược" kiểu trên sẽ làm mất hẳn "hồn phách" của người trong cuộc, chỉ còn lại những nhạt nhẽo, hời hợt hay chỉ là cái xác vô hồn của ngôn từ.
 


18.8.2008
Lê Nhã Quế

Mấy ngày nay, sau khi được đọc mấy kỳ Quần đảo ngục tù của Aleksandr I. Solzhenitsyn đăng trên talawas, tôi cảm thấy thực sự bàng hoàng. Tâm trí tôi, hễ cứ rảnh một chút thì lại bị kéo vào những hình ảnh và những con số mà Solzhenitsyn đã đưa ra. Tôi cứ miên man suy nghĩ mãi, và những hình ảnh cùng những con số gây kinh hoàng nầy cứ mãi ám ảnh theo tôi, cả vào trong giấc ngủ của tôi.

Tôi cứ thắc mắc không hiểu làm sao mà những điều độc ác khủng khiếp, với một quy mô lớn lao như vậy lại có thể xảy ra dưới vòm trời nầy trong một thời gian lâu như vậy? Tôi biết Stalin là kẻ độc tài, giết người không sợ tội, nhưng làm sao Stalin có đủ người để thực hiện những sự bắt bớ và đày ải ghê gớm như vậy? Làm sao mà cả nhân dân Nga (mà người Nga đâu phải là hèn nhát ngu đần gì!), và cả quân đội Nga, lại khoanh tay ngậm miệng để cho Stalin làm những điều khủng khiếp đến như vậy? Rồi phương Tây ở đâu? Các tổ chức nhân quyền và xã hội ở đâu? Nếu việc nầy xảy ra trong một nơi xa xôi hẻo lánh trong vòng một vài ngày, một vài tuần, thì còn hiểu được. Đằng nầy những sự việc rùng rợn như thế nầy lại kéo dài đến gần 30 năm, trong cả một nước Nga rộng lớn hơn 10 triệu cây số vuông, sao chẳng ai biết đến?

Tôi nhớ lịch sử có nói đến việc sau Thế chiến 2, Nhật đã trả cho Mỹ các tù binh, Đức trả cho Nga các tù binh. Tôi cũng nhớ số tù binh Nga tại Đức là gần hai triệu (1.850.000 ?). Cứ theo như Solzhenitsyn nói “Theo quân luật dưới thời Stalin thì chiến sĩ Hồng quân đã bị địch bắt, về được tới nhà là tất cả đều bị xử bắn ngay tức khắc”, thì số phận của gần hai triệu binh sĩ nầy đã ra sao? Mỗi lần suy nghĩ đến niềm hy vọng được nuôi dưỡng trong những năm tháng lao tù của những người lính đáng thương nầy, thì tôi hầu như không còn chịu đựng nổi. Tôi thầm ước ao là những điều nầy đã không có thật.

Các toà đại sứ các nước, các đài phát thanh, các nhà ngoại giao, các ký giả, các nhà xã hội, các nhà chánh trị, các nhà nhân quyền ở đâu, sao chẳng ai nói gì? Chẳng ai tố cáo? Chẳng ai phanh phui? Một vụ bắn giết tại một vùng xa xôi hẻo lánh như Mỹ Lai mà còn không giấu ai được; Vậy sao những sự hành hạ độc ác đến cả triệu con người như vậy mà chẳng có bao nhiêu người hay?

Các ông triết gia như Bertrand Russel, Jean Paul Sartre… ở đâu, sao chẳng nghe các ông ấy lập toà án để xét xử? Những nhà đạo đức, những nhà nhân đạo, những người đổ nước mắt ra để tranh đấu cho sự an toàn của những con cá heo, những con gấu trúc, sao không thấy đổ nước mắt ra và lên tiếng tranh đấu cho loài người của mình?

Tôi cứ miên man suy nghĩ và thắc mắc mãi. Tôi định sẽ tìm đọc và tìm hiểu thêm về chủ đề nầy. Song le, đang khi tìm hiểu tôi vẫn mong được biết ý kiến cùng sự giải đáp, giúp đỡ từ các quý vị. Và tôi xin phép được cảm ơn trước về mọi sự giúp đỡ của các quý vị.
 


18.8.2008
Hoà Nguyễn

Bài viết "Ðại cương Phật giáo Ðại thừa" của ông Nguyễn Ước là công trình khảo cứu Phật học công phu và giá trị, giúp nhìn được gần toàn diện sự phát triển giáo nghĩa uyên áo của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ và Trung Hoa trong hơn hai ngàn năm qua. Tôi có một góp ý nhỏ ở đây.

Trong tiểu đoạn "Khác biệt giữa Tiểu thừa và Ðại thừa" ở phần 1, mục thứ 6, viết:

Quyền Ðại thừa [Duy thức tông] cho rằng vạn sự vạn vật (vạn pháp) đều do Tâm mà có, ngoài Tâm không có sự sự vật vật gì thật cả. Thực Ðại thừa [Trung quán tông] thì chủ trương Phi hữu phi không, diệc hữu diệc không (chẳng “có” chẳng “không”, mà cũng vừa “có” vừa “không”), khác Tiểu thừa ở chỗ “chấp hữu” và khác Quyền Ðại thừa chỗ “chấp không”. Thế thì Tiểu thừa tuy nhận vạn tượng là Sai biệt mà chưa từng biết đến chỗ Bình đẳng của bản thể. Quyền Ðại thừa thì tuy phá được chỗ Sai biệt của vạn tượng và biết đến chỗ Bình đẳng của bản thể, nhưng chưa rõ đến chỗ gọi là Trung đạo của Thực Ðại thừa; bản thể là hiện tượng, hiện tượng là bản thể, sinh tử là niết bàn, niết bàn là sinh tử… nghĩa là phiền não tức Bồ đề…

Tất cả tinh hoa của Phật học Ðại thừa là ở chỗ thực hiện được cái Tâm bình đẳng mà Thực Ðại thừa đã nói rõ trong các Kinh Pháp hoa và Hoa nghiêm
.

Nhiều sách nghiên cứu Phật giáo cho rằng Duy thức tông chủ trương do (có) Tâm mà có mọi hiện tượng, nên gọi là Đại thừa Hữu tông, còn Trung quán tông chủ trương "Trung đạo", là không chấp Có không chấp Không, không khẳng định cũng không phủ định, cùng với câu khởi luận "các pháp do Duyên khởi nên ta nói là Không", cho nên được gọi là Đại thừa Không tông. Duy thức tông đưa ra khái niệm A lại da thức, hiểu là "kho tàng" chứa đựng các chủng tử (hạt giống) sinh diệt, cũng là cái tâm dao động, ô nhiễm, luôn biến đổi như dòng sông lưu chuyển không ngừng, nhưng dù vậy vẫn cùng chung bản thể với cái tâm thanh tịnh thường hằng được kinh sách Phật gọi với nhiều tên như là Chân tâm, Chân như, Như Lai tạng, Tự tính thanh tịnh tâm, Giác tính, Phật tính, Pháp thân... Do đó không thể cho Duy thức tông là "chấp không" được, mà chỉ sợ bị hiểu lầm là "chấp có" (hay lại cho là "duy tâm" hiểu theo nghĩa của triết học Tây phương), nhưng ở đây cái "có" Tâm xét ở bình diện chân lý tuyệt đối, và tới khi đó Chân tâm cũng là Chân không, Tự tính cũng là Không tính, vượt trên khái niệm nhị biên Có - Không.

Trung quán tông, còn gọi là hệ thống Thực tướng luận, của ngài Long Thọ (khoảng năm 150 - 250) là tiếp nối hay triển khai trường phái Bát nhã, đã có từ trước với các kinh điển phá chấp tiêu biểu như Kim cương, Tâm kinh. Duy thức tông, còn gọi là hệ thống Duyên khởi luận, của ngài Thế Thân (sau Long Thọ hơn 100 năm) là một hướng phát triển giáo nghĩa mới, với các kinh điển như Đại bát Niết bàn, Giải thâm mật, Lăng già, nhưng đã manh nha thành hình từ thời Tiểu thừa, với thuyết chủng tử và một dạng "tâm" hay "ngã" (gọi là pudgala) của Kinh lượng bộ thuộc hệ thống Hữu bộ. Tuy nhiên, không hiểu sao ông Nguyễn Ước gọi Duy thức tông là Quyền Đại thừa, và Trung quán tông là Thực Đại thừa. Sự phân biệt trong cách gọi tên Quyền và Thực như vậy chưa hẳn được nhiều tác giả Phật học khác đồng ý.

Trong tiểu đoạn "Triển khai về sau của Đại thừa tại Trung Hoa" ở phần 3, Thiền tông được viết rất ít (có lẽ nằm ở chỗ khác trong sách của ông Nguyễn Ước không được giới thiệu ở đây). Tôi xin chép lại một đoạn nói về Thiền tông Trung Hoa trong từ điển Phật học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách (trang 414) để thấy mối tương quan giữa hai giáo nghĩa đang bàn được thể hiện ở Thiền tông:

Thiền tông chính là sự tổng hợp của hai giáo lý, hai học thuyết nền tảng của Đại thừa Ấn Độ, đó là Trung quán và Duy thức. Người ta có thể hiểu phần nào những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hóa "mâu thuẫn", "nghịch lý" của các vị Thiền sư nếu nắm được giáo lý Trung quán và Duy thức. Trong các tập công án của Thiền tông, người ta có thể nhận ra hai loại: 1. Những công án xoay quanh thuyết Thật tướng của Trung quán tông, tức tất cả đều là Không, và 2. những công án với khái niệm "Vạn pháp duy tâm" của Duy thức tông...

Về phương diện tu hành, các thiền giả khởi đầu đi qua cửa Không, dứt bỏ vọng tưởng, chấp trước, đạt tới vô niệm, tâm không tịch (rỗng lặng), để sau cùng làm hiển lộ bản lai diện mục, hay Kiến tính (thấy thực tính) được giải thích là trực ngộ, thể nghiệm Tâm trong trạng thái bản nhiên. Khi tới đó, Thiền tông gọi là chứng ngộ.