Bài báo của tác giả Huy Đức “Hai nhà báo và một lời xin lỗi”, được giới thiệu trong mục spectrum trên talawas, bình luận về thái độ của hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (
Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (
Thanh Niên) sau phiên tòa xét xử họ. Nói về việc nhận tội của Nguyễ Văn Hải, tác giả cho rằng việc nhận sai lầm của anh cũng là một thái độ dũng cảm; rằng Hải đã thừa nhận sai lầm 5 tháng trước khi bị bắt, trên blog của một đồng nghiệp...
Theo tôi, đó là một cách giải thích đầy ngụy biện của tác giả.
Cần nhớ lại, vào thời điểm Hải bị bắt, qua hai số báo viết về sự kiện này trước khi bị cấm, báo
Tuổi Trẻ (và cả
Thanh Niên) đã bày tỏ thái độ phản ứng khá mạnh mẽ. TBT Lê Hoàng khẳng định: Hải hoàn toàn đúng, Hải là con người tốt, phóng viên tốt, Đảng viên tốt - Hải là bí thư chi bộ, phó Văn phòng Đại diện báo tại Hà Nội. Rằng báo
Tuổi Trẻ sẽ luôn đứng bên cạnh để bảo vệ Hải. Đặc biệt, phó TBT Bùi Thanh đã có một bài báo nảy lửa, được dư luận và đồng nghiệp trong cũng như ngoài báo
Tuổi Trẻ hoan nghênh, khi bày tỏ sự phẫn nộ về việc hai nhà báo bị bắt chỉ vì viết thông tin chống tiêu cực. Câu cuối bài viết, Bùi Thanh cay đắng thưa cùng Trung tướng Nguyễn Việt Thành, một người nổi tiếng chống tham nhũng, hiện là Chánh văn phòng Ban chống Tham nhũng, từng lên tiếng kêo gọi nhà báo dũng cảm chống tham nhũng, rằng vì theo lời kêu gọi đó mà hai nhà báo chân chính đã phải lên xe vào trại giam.
Vậy nhưng tất cả đã hỡi ôi, trước tòa Hải đã nhận tội, chỉ mong được sự khoan hồng. Đó thật sự là một cái tát đau đối với tất cả những ai từng bênh vực Hải. Và có lẽ đau nhất là Bùi Thanh. Anh đã trả một giá đắt - mất chức phó TBT, bị cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo, khi lên tiếng mạnh mẽ bênh vực đồng nghiệp, đàn em.
Sẽ không thể có thái độ bức xúc ở hai số báo
Tuổi Trẻ khi Hải vừa bị bắt, sẽ không có sự xả thân của Bùi Thanh, nếu Hải nói rõ với BBT rằng anh hoàn toàn sai, như đã nhận trước tòa! Vậy thì chỉ có thể giải thích rằng, ngay từ đầu Hải đã không trung thực với cấp trên và đồng nghiệp của mình; hoặc anh đã phản bội họ.
Một thái độ như vậy mà Huy Đức vẫn cho rằng "dũng cảm cần được tôn trọng", như là sự tôn trọng với nhà báo Nguyễn Việt Chiến, thì thật không thể nào chấp nhận nổi. Vậy mà anh còn tỏ thái độ khệnh khạng “dạy đời" rằng các nhà báo còn "nợ nhân dân một lời xin lỗi" (!) Có lẽ chính Huy Đức mới nên có một lời xin lỗi, với đồng nghiệp, với độc giả thì đúng hơn. Còn nếu Huy Đức trung thực và dũng cảm hơn trong việc đặt vấn đề ai phải nợ nhân dân một lời xin lỗi, thì anh cần đặt câu hỏi với những người đã bắt và xử tù nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Tiếc thay, đó là điều mà tác giả không làm được.
Nguyên tắc? Người Việt mình thường bị chê là sống kém nguyên tắc, suy nghĩ không có hệ thống, hành động đại khái. Để vượt lên trên bản sắc dân tộc không đẹp đẽ đó, một số người Việt lại quan niệm là nguyên tắc phải được coi là tuyệt đối, không hành động nào được ra ngoài nguyên tắc. Nguyên tắc trở thành đối tượng để tôn thờ như người ta tôn thờ một người yêu mới.
Tuy nhiên, nếu các nguyên tắc mà đụng độ nhau thì sao? Đó là trường hợp lá thư của Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời
bài của Tôn Thất Quỳnh Du. Tôn Thất Quỳnh Du đã đưa ra những cáo buộc hết sức trầm trọng tới cá nhân và danh dự nghề nghiệp của Hoàng Ngọc-Tuấn, và do đó, nguyên tắc công bằng căn bản của nhân loại là thư trả lời của Hoàng Ngọc-Tuấn phải được đăng trên talawas. Tuy nhiên, talawas dựa vào nguyên tắc "bài không được đăng ở nơi nào trước" để không đăng
bài của Hoàng Ngọc-Tuấn. Ta cũng có thể hiểu được là talawas muốn gìn giữ danh tiếng của mình, là nơi mà các bài vở xuất hiện trước hết. Tuy nhiên, bài của Hoàng Ngọc-Tuấn không phải là một bài tin tức, nghị luận thường lệ mà là để cải chính một số thông tin và cáo buộc sai lầm về chính mình. Lẽ công bằng tự nhiên (natural justice) đòi hỏi là người nào bị cáo buộc phải có cơ hội phân trần. Nguyên tắc công bằng và nguyên tắc không đăng lại bài, cái nào quan trọng hơn cho người đọc? Xin để cho mọi người đánh giá.
Thực ra, một tờ báo có nguyên tắc, trước khi đăng những gì có tính cách công kích vào cá nhân của một người, phải có những cố gắng tối thiểu để kiểm chứng với người đó trước. Dường như talawas không có nguyên tắc này.
talawas: Trong
thông tin ngày 26.10.2008, chúng tôi đã nói về việc talawas không thể đăng lại ý kiến phản hồi của tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn. Nay xin nói rõ thêm: Việc tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn đã gửi ý kiến đến talawas, nhưng trước khi có hồi âm của talawas và trước khi talawas kịp lên mạng lần tiếp theo lại gửi ý kiến này để công bố trước trên một website khác đã đặt chúng tôi vào một tình huống khó xử. talawas không có trách nhiệm thông tin về bài đăng trên các website khác. Tuy nhiên, để độc giả vừa có thể theo dõi ý kiến phản hồi này, vừa không vi phạm nguyên tắc của toà soạn, chúng tôi đã áp dụng một giải pháp hoà hợp hai phía, bằng thông tin ngày 26.10.2008 nói trên, và bằng việc đặt dưới
bài của tác giả Tôn Thất Quỳnh Du đường link dẫn vào ý kiến phản hồi của tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn. Chúng tôi không cho rằng talawas đã không cung cấp cho tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn cơ hội phản hồi. Sự cố này không do phía talawas gây ra.
Về
bài viết của tác giả Tôn Thất Quỳnh Du: Những thông tin cần được kiểm chứng trong bài viết này đã được tác giả cung cấp trong 3 chú thích với các link kèm theo. Phần còn lại của bài viết là nhận định của tác giả về các thông tin này. Chúng tôi không can thiệp vào nhận định của tác giả và tác giả tự chịu trách nhiệm cho nhận định của mình.