Bình luận

17.07.2007

Hoàng Hưng

Từ hai chuyện khó hiểu của báo chí nước nhà

Có hai chuyện mới đây về báo chí Việt Nam khiến tôi không đừng được phải viết bài này.

1. Báo Nhân dân ngày 4/7/2007 đăng bản lược thuật cuộc trả lời phỏng vấn của đài CNN của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết. Ít ngày sau, trên mạng xuất hiện những bài so sánh bài này với bản transcript tiếng Anh của CNN và video, phát hiện nhiều chỗ báo Nhân dân "biên tập" sai lạc, tệ hơn nữa còn thêm thắt khá tuỳ tiện. Hậu quả trực tiếp nhãn tiền là vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam lập tức lên tiếng tuyên bố rằng thông tin trong bài báo liên quan đến Hội đồng này là không đúng sự thật. Thật là một "xì căng đan" tai hại, phương hại không nhỏ đến uy tín của người đứng đầu nhà nước, và bày ra trước mắt thiên hạ kiểu cách làm ăn khó hiểu của một cơ quan thông tấn hàng đầu Việt Nam.

Việc "biên tập" theo nghĩa cắt xén, thay đổi bản gốc các bài viết, bài phỏng vấn của báo chí trong nước là "chuyện thường ngày ở huyện"; nhiều cây bút và nhân vật tên tuổi lắm phen phải "ngậm cười", thậm chí tầm cỡ như ông Võ Văn Kiệt cũng từng là nạn nhân. Việc này cũng rất phổ biến trong "biên dịch" các bài báo nước ngoài, theo công thức: chỉ đưa những ý khen ta, chỗ nào chê ta là cứ "phăng teo" không chút "lăn tăn". Nhưng gan đến mức hành xử như trên với một bài báo nước ngoài phỏng vấn Chủ tịch Nước thì cũng… "hơi bị ghê răng" đấy!

Thực hư chuyện này ra sao, cho đến hôm nay, báo Nhân dân không hề phản hồi cùng bạn đọc.

Giả sử có khúc mắc gì đó, thậm chí cứ cho là chính các bản video và transcript trên mạng mới xuyên tạc, còn bản của báo nhà mới chính xác, mà cứ im lặng như chẳng có việc gì xảy ra như thế, là mặc nhiên chấp nhận một bàn thua trông thấy trong thời truyền thông hội nhập toàn cầu. Còn nếu như đúng là báo nhà "chế" thêm, thì ôi chao, còn gì để nói nữa đây!


2. Gần tháng nay, trên một số trang web của các đài phát thanh nước ngoài, ta liên tục đọc được các bài phản ánh chuyện bà con nông dân các tỉnh tập trung lên Hà Nội, TPHCM khiếu kiện về đất đai trước Văn phòng Quốc hội, Chính phủ… kèm theo không ít hình ảnh và âm thanh sống động, với chi tiết diễn biến sát sao có thể nói là từng ngày. Có đài còn phỏng vấn được cả một đại biểu Quốc hội về chuyện này.

Trong khi đó, nếu theo dõi các tờ báo trong nước, ta thấy thực tế động trời trên chỉ được phản ánh gián tiếp và mờ nhạt trong vỏn vẹn hai bài thông báo ý kiến của thanh tra Nhà nước, một trên VietNamNet ngày 8/7, một trên Tuổi trẻ ngày 13/7. Phương tiện truyền thông quan trọng nhất là truyền hình thì mãi đến tối 15/7, tức là khoảng 3 tuần lễ sau khi bắt đầu sự kiện, mới đề cập qua loa. Chắc là sau khi có ý kiến chính thức của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Vì sao báo chí trong nước lại thiếu nhạy bén đến thế, trong khi bất cứ người dân bình thường nào nếu muốn đều có thể mắt thấy tai nghe chuyện đau lòng của hàng trăm đồng bào mình, vì nó chình ình ngay giữa lòng thành phố Hà Nội và TPHCM. Và chính một số người dân bình thường đã chụp ảnh, cung cấp tin cho đài nước ngoài thay vì cho báo chí trong nước.

Tôi không tin rằng các đồng nghiệp của mình, rất nhiều người trong đó, từ phóng viên đến tổng biên tập, đã chứng tỏ lương tâm nghề nghiệp, lòng yêu công lý, tinh thần dũng cảm đứng về lẽ phải trong rất nhiều trường hợp vượt qua sợ hãi và mua chuộc để lên tiếng bảo vệ dân oan, vạch trần quan tham, lần này lại gần như trăm phần trăm tự nguyện… giữ một “sự im lặng đáng sợ” đến thế?

Ai đã ngăn cản họ thực hiện nghĩa vụ cao cả của người làm báo, để họ phải chịu thua một bàn oan uổng trước các đồng nghiệp quốc tế ngay trên sân nhà?

Hai câu chuyện trên cho thấy đã đến lúc phải có sự thay đổi căn bản trong tư duy về thông tin, báo chí ở các cấp cao nhất, nếu không muốn đánh mất lòng tin của nhân dân vào hệ thống truyền thông nước nhà.

© 2007 talawas