08.08.2007
Hoàng Hưng
Mười chữ vàng và những dòng chữ đen cho báo chí
Trong lúc người dân ngày càng không thoả mãn với báo chí nước nhà trong việc thực hiện quyền thông tin mà hiến pháp và pháp luật bảo đảm, thì
những lời tuyên bố của ông tân Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp ngay tại hội trường Quốc hội ngày 4/8/2007 về báo chí khiến người ta không khỏi suy nghĩ
[1] .
Trước tiên, ông Bộ trưởng nêu lên 10 chữ cho báo chí Việt Nam trong vòng tay quản lý của ông: "
Trung thực, dũng cảm, thận trọng, nhanh nhạy, hướng thiện". Có thể nói đây là "10 chữ vàng". Nếu quả thực đây là quyết tâm của ông khắc phục những yếu kém của báo chí nước nhà trong thời gian qua, cũng trong vòng tay quản lý của ông với tư cách Bộ trưởng Văn hoá Thông tin trước đây, tức là “thiếu trung thực, thiếu dũng cảm, thiếu thận trọng, thiếu nhanh nhạy, thiếu hướng thiện”, thì đây là một tin mừng cho dân cho nước.
Trong “10 chữ vàng” ấy thì “trung thực, nhanh nhạy” là phẩm chất đầu tiên và căn bản. Điều thứ nhất trong nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí được qui định trong Luật Báo chí cũng là: “Thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới.” Điều này không khác bao nhiêu với những tư tưởng cơ bản về báo chí đã được nêu lên ở khắp nơi trên thế giới trong một trăm năm nay. Đơn cử phát biểu súc tích sau đây của một chính khách người Anh tên là Robert Lowe từ năm 1851: “Nghĩa vụ đầu tiên của báo chí là có được tin tức sớm nhất và đúng nhất về các sự kiện đang xảy ra, và lập tức làm cho chúng trở thành tài sản chung của quốc gia, bằng cách phơi bày chúng ra. Nhà chính khách thu thập thông tin cho mình một cách bí mật và bằng những phương cách bí mật; ông ta giấu kín ngay cả tin tức đang xảy ra trong ngày với những sự thận trọng đến buồn cười. (Còn) Báo chí (thì) sống bằng sự phơi bày. Với chúng ta, những người coi sự công khai và sự thật là không khí và ánh sáng của sự sống, không có gì nhục nhã hơn là chùn bước trước việc phơi bày thắng thắn và chính xác các sự việc đúng như chúng là. Chúng ta nhất định phải nói lên sự thật đúng như chúng ta thấy, không sợ mọi hậu quả - nhất định không cung cấp chỗ ẩn náu thuận tiện cho những hành vi bất công hay áp chế, mà phải lập tức giao chúng cho sự phán xét của thế giới.”
[2]
Trung thực đã bao gồm thận trọng. Nhanh nhạy là điều kiện đảm bảo cho thông tin trung thực được đến ngay với người dân, tránh được tối đa mọi ý đồ ngăn cản hoặc xuyên tạc. Trung thực cũng là bảo đảm cho tính hướng thiện của thông tin, vì cái ác bao giờ cũng sợ sự thực. Và muốn trung thực, người làm báo tất phải dũng cảm để vượt qua những trở lực, chống lại những áp lực nhằm “bịt miệng” và “bẻ cong ngòi bút” của họ.
Tất nhiên, khẩu hiệu (nói) là một chuyện, còn thực hiện thế nào là chuyện khác, và việc thực hiện thì phụ thuộc vào những biện pháp điều hành (làm).
Ai cũng biết, cho đến nay, điều cản trở lớn nhất đối với sự thông tin trung thực và nhanh nhạy của báo chí nước nhà chính là đường lối định hướng thông tin dựa trên sự cân nhắc của nhà quản lý nhằm bảo đảm báo chí chỉ công bố những thông tin mà nhà quản lý cho rằng có lợi cho đất nước (sự cân nhắc rất lắm nguy cơ không tránh khỏi chủ quan, cảm tính; chưa kể trong đa phần trường hợp, thực chất đó là sự cân nhắc dựa trên cơ sở lợi ích thiển cận của sự điều hành, chưa chắc lợi cho đất nước; và không ít khi những cá nhân có quyền chi phối thông tin - từ tổng biên tập đến nhà quản lý cấp cao - lạm dụng quyền này vì lợi ích riêng - điều đã và đang ngày càng nhiều khả năng xảy ra trong nền kinh tế kinh tế thị trường mang tính “tư bản man rợ” với tác động của các nhóm lợi ích).
Vậy ta hãy xem ông tân Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông đưa ra những biện pháp nào để đảm bảo báo chí thực hiện được “10 chữ vàng” mà ông đề cao?
Tôi đặc biệt chú ý hai biện pháp quan trọng được ông Lê Doãn Hợp nêu lên:
1. Về tổ chức nhân sự: Ông chủ trương “Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin và Truyền thông sau này cắm ở từng tờ báo”.
Nếu đúng như lời ông nói, thì có nghĩa tới đây tất cả các báo Việt Nam đều là cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin & Truyền thông, chứ không còn là của
“các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội...; là diễn đàn của nhân dân” như được nêu trong điều 1, chương 1 của Luật Báo chí? Và đó sẽ là một nội dung của Luật Báo chí được sửa đổi theo sáng kiến của ông tân Bộ trưởng? Người viết bài này thực sự chờ đợi phản ứng của các cơ quan chủ quản của 600 tờ báo trong nước trước lời tuyên bố trên của ông tân Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông? Và trong trường hợp tuyên bố trên của ông thành hiện thực, tôi đề nghị cả nước tới đây chỉ nên có một tờ báo duy nhất do ông trực tiếp làm tổng biên tập, cần nhiều báo làm chi cho tốn kém, lại suốt ngày phải lo định hướng với quản lý.
2. Về qui chế quản lý, ông sẽ xây dựng một qui chế chặt chẽ để khắc phục tình trạng “lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh”. Đó là một “lề đường” được vạch sẵn để báo chí cứ thế mà đi: “Chúng ta (tôi hiểu ý ông muốn nói người làm báo – HH) hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải, và chúng tôi cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó.”
Thật tình tôi chưa hiểu cái “lề đường bên phải” mà ông Hợp “cố gắng làm cho” giới báo chí nước nhà trông mặt mũi nó ra làm sao, liệu nó có giống cái “lá đề” che mắt ngựa để ngựa không nhìn sang hai bên cứ thẳng đường mà đi hay không? Song có điều chắc chắn là: người làm báo ở bất cứ quốc gia nào cũng đã có sẵn con đường tự nhiên là “xa lộ thông tin” mà toàn xã hội tạo nên cho họ, họ chỉ cần tuân theo đúng luật đi đường là những gì hiến pháp và pháp luật của quốc gia qui định cho họ (chưa nói đến chính hiến pháp và pháp luật mỗi nước luôn phải được điều chỉnh để ngày càng đáp ứng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân và phù hợp với luật quốc tế). Vấn đề của người làm báo ở Việt Nam hiện nay là trên thực tế họ đã gặp phải khá nhiều biển cấm trái pháp luật trên đường đi. Thiết nghĩ, thay vì “cố gắng làm ra lề đường” rất có thể lại khống chế thêm bước đi của họ, xin ông hãy tìm cách tháo bỏ những biển cấm kia cho họ (và dân chúng) được nhờ.
Sau khi trịnh trọng kẻ “10 chữ vàng” về phẩm chất của báo chí, tiếc thay một số biện pháp mà ông tân Bộ trưởng vẽ ra lại là “những dòng chữ đen” bôi lem ngay những chữ vàng trước đó. Vậy cái nào mới là ý thật của ông?
Hà Nội 4/8/2007
© 2007 talawas
[1]Theo
Sài Gòn Giải phóng Online và
VietNamNet ngày 4/8/2007.
[2]Trích trên mạng, topic “The duty of the press”: "The first duty of the press is to obtain the earliest and most correct intelligence of the events of the time, and instantly, by disclosing them, to make them the common property of the nation. The statesman collects his information secretly and by secret means; he keeps back even the current intelligence of the day with ludicrous precautions.The Press lives by disclosures. For us, with whom publicity and truth are the air and light of existence, there can be no greater disgrace than to recoil from the frank and accurate disclosure of facts as they are. We are bound to tell the truth as we find it, without fear of consequences--to lend no convenient shelter to acts of injustice or oppression, but to consign them at once to the judgement of the world."