Bình luận

14.12.2007

Tiêu Dao Bảo Cự

Trung Quốc xâm lược: Cơ hội vàng cho dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam

Cái tựa đề nghe có vẻ nghịch lý. Nhưng ta thử suy ngẫm tiếp.

Thông thường lịch sử đã chứng minh khi đất nước bị xâm lăng, toàn dân dễ đoàn kết lại để chống kẻ thù chung. Trong tình hình phức tạp và có nhiều chia rẽ như hiện nay, việc Trung Quốc xâm lược có thể là một cơ hội, hơn nữa là một cơ hội lớn cho sự đoàn kết dân tộc.

Với Trung Quốc, ông cha ta đã không hề khiếp sợ và đã chống xâm lược, giữ được đất nước qua hàng ngàn năm chiến đấu. Ai học lịch sử mà không biết và tự hào với những chiến công hiển hách của người xưa: Hai Bà Trưng và nghĩa binh các bộ tộc đương đầu với quân Nam Hán, vua tôi nhà Lý đánh tan giặc Tống, quân dân nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên, Lê Lợi – Nguyễn Trãi và nghĩa quân trường kỳ kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, Quang Trung Nguyễn Huệ với những đội quân thần tốc làm cho giặc Thanh kinh hồn bạt vía…

Nước ta là một nước nhỏ nhưng đã đánh thắng những đoàn quân xâm lược hùng mạnh của phương Bắc nhờ sự đoàn kết, lòng dũng cảm của toàn dân, cùng với trí tuệ và khí phách anh hùng của những người lãnh đạo. Ta cảm phục biết bao khi ôn lại những hành động và lời của người xưa.

Bà Trưng đã “phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” để trả nợ nước thù nhà. Bà Triệu cỡi voi hiên ngang “đạp làn sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi chứ không cam tâm làm tì thiếp cho người”.

Giọng đọc thơ sang sảng của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt đã trở thành bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc:“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiện định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Bài thơ dõng dạc xác định chủ quyền, bờ cõi, cảnh báo trước lũ giặc xâm lược tất sẽ thất bại.

Trần Hưng Đạo trong bài “Hịch tì tướng” nói những lời cháy như ngọn lửa khi phải nuốt nhục nhìn thái độ kiêu căng của bọn xâm lược:“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt nằm da nuốt gan uống máu quân thù, tuy trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm”.

Nguyễn Trãi trong “Bình ngô đại cáo” thể hiện sự kiêu hãnh của một dân tộc chiến thắng:

“Tướng giặc bị cầm, nó vẫy đuôi cầu sống,

Thần vũ không giết, ta thể lòng trời để tỏ hiếu sinh.

Tham chính Phương Chính, nội quan Mã Kỳ được cấp năm trăm chiếc thuyền, đã vượt biển về mà còn hồn kinh phách lạc.

Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, được cấp mấy ngàn ngựa, đã về nước mà còn ngực đập chân run.”

Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đánh tan tác đạo quân xâm lược đã cho người đóng giả mình sang triều kiến vua nhà Thanh trong khi chuẩn bị lực lượng cho một cuộc tấn công sang Trung Quốc.

Trong thời đại mới, tình thế phức tạp hơn, ta đã “đánh thắng hai đế quốc to” nhưng không giữ được độc lập tự chủ khi đi dây giữa các nước lớn Mỹ - Nga – Hoa và đã hi sinh hàng triệu con dân trong những cuộc chiến tranh đẫm máu gấp nhiều lần ngày trước và vẫn tiếp tục bị xâm lăng bằng nhiều hình thức mới.

Rõ ràng Trung Quốc đã lấn đất, chiếm biển trong mấy chục năm qua và mới đây nhất, bằng một việc làm trắng trợn, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một hình thức xâm lược mới. Trước tình thế đó, nhân dân và nhà nước Việt Nam đã làm gì?

Ngoài những bài viết trên mạng, việc biểu tình của vài trăm sinh viên, học sinh và văn nghệ sĩ ở Hà Nội và Sài Gòn trước Tòa Đại sứ và Tòa Lãnh sự Trung Quốc hôm chủ nhật 9/12/07 vừa qua là hành động đầu tiên để phản đối xâm lược. Sự việc này đối với các quốc gia dân chủ là bình thường, quá đỗi bình thường, nhưng ở Việt Nam hiện nay, hành động đó được coi là anh hùng và ngày 9/12 được ghi nhận như một ngày lịch sử. Tại sao thế?

Nói một cách hài hước, đó là tại ông Lê Dũng, phát ngôn nhân của chính phủ. Ông tuyên bố liên quan đến việc biểu tình: “Đây là việc làm tự phát chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam. Khi các vụ việc trên xảy ra, các lực lượng bảo vệ của Việt Nam đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt việc làm này."

Một tuyên bố tệ hại nhất, phản chính trị nhất, thể hiện chủ trương và tư thế của nhà cầm quyền hiện tại: Kìm hãm nhân dân trong sự phục tùng nô lệ và run sợ trước thế lực của bá quyền Trung Quốc. Đó không phải là đường lối ngoại giao khôn ngoan, chính là sự khiếp nhược tự đưa mình vào thế yếu. Đó là không dựa vào sức mạnh của dân tộc, chính là nghi ngờ lòng yêu nước và lo sợ trước tinh thần phản kháng của nhân dân.

Biểu tình chống xâm lược phải xin phép. Từ xưa đến nay mới có một nhà nước tuyên bố như thế.

Người ta có thể dễ dàng hiểu rõ cái gì ẩn đằng sau tuyên bố này:
Cả hai điều đó đều sai lầm và chứng tỏ sự thiếu trí tuệ và bản lĩnh. Trung Quốc chỉ sợ Việt Nam, nhân dân Việt Nam chỉ giữ được đất nước khi toàn dân đoàn kết một lòng, những người lãnh đạo đủ tài ba và khí phách huy động được sức mạnh của toàn dân tộc như ông cha ta đã từng làm. Sự phản kháng chính đáng của nhân dân được bộc lộ sẽ là điều kiện và động lực cho một chính quyền mạnh và thực sự vì nhân dân, cho dù đó là chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Đảng Cộng sản đã từng đồng hành với dân tộc và hiện nay đang giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh. Những câu nói của Hồ Chí Minh về tinh thần dân tộc đã được tuyên truyền nhồi sọ đến mức chỉ cần nhắc đến nửa câu, nhiều người đã có thể đọc nốt nửa câu còn lại: “Không có gì quý hơn…”, “Các vua Hùng đã có công dựng nước…”, “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…”, “Nước Việt Nam là một…”, “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”. Vậy thì có lý gì nhà nước cộng sản không chống Trung Quốc xâm lược?

Khi Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công biên giới năm 1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra một lời kêu gọi làm nức lòng người, không kém hào khí so với những bài hịch cứu nước của cha ông.

Đảng Cộng sản đã từng bị phê phán là vì giai cấp hơn vì dân tộc, bị mang tiếng (và thực sự) đã nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc trong một số hoàn cảnh lịch sử nhưng vẫn chưa công khai làm rõ (thực ra đó là quyết định của một số người lãnh đạo chứ không phải của toàn Đảng). Trước tình hình hiện nay nhân dân đứng lên biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo buộc phải đứng trước tình thế phải chọn lựa, không thể nhập nhằng được nữa.
Trong thời đại ngày nay, chống xâm lược không nhất thiết phải bằng vũ khí chiến tranh. “Đường vinh quang xây xác quân thù” chỉ là một con đường bất đắc dĩ, vì xác quân ta hẳn nhiều hơn xác quân thù và xác quân thù cũng là xác nhân dân một quốc gia khác bị đẩy ra cầm súng.

Với tinh thần nhân bản và khát vọng hòa bình của toàn nhân loại, không có dân tộc nào được quyền hưởng hạnh phúc trên xương máu và lầm than của các dân tộc khác. Tài nguyên thiên nhiên là tài sản chung của toàn nhân loại. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tư tưởng bá quyền nước lớn là những gì xấu xa, rừng rú, không phù hợp với con người văn minh. Hận thù dân tộc chỉ là di sản của những thời kỳ man dã.

Ngày hôm nay chống xâm lược trước hết phải bằng trí tuệ, bằng những biện pháp tư tưởng, ngoại giao, kinh tế, chính trị trên nền tảng ý chí và sự đồng thuận của toàn dân chứ không phải bằng những biện pháp cực đoan, bạo động, xuất phát từ hận thù dân tộc. Dĩ nhiên cuối cùng khi không thể làm khác phải cầm lấy vũ khí, nhưng trước đó phải làm cho các dân tộc ý thức được tinh thần nhân bản và hòa bình để ngăn chặn các chính quyền và những thế lực hắc ám giành quyền lực và quyền lợi bằng máu của nhân dân dưới những ngôn từ hoa mỹ và bịp bợm.

Trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc hiện nay, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, không phân biệt chính kiến trong và ngoài nước là điều quyết định. Chính quyền chỉ có thể dựa trên nền tảng đó để đấu tranh với kẻ xâm lược. Trong nhân dân, thanh niên sinh viên học sinh và trí thức, văn nghệ sĩ là mũi nhọn xung kích. vì chính những thành phần này là những người có nhiệt huyết, trong sáng, nhạy cảm và trí tuệ để đi đầu trong cuộc chiến đấu.

Với tinh thần đó, hai cuộc biểu tình ngày 9/12 chính là sự thức tỉnh đầu tiên mở màn cho một vận hội mới của dân tộc.

Đà Lạt ngày 12/12/07

© 2007 talawas