Trong số thư độc giả ngày 17/3/2005, chủ đề “Thượng đế” nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc talawas với những ý kiến phẩm bình khác nhau, tuy vậy những ý kiến dưới đây xin được coi như sự phúc đáp hoàn toàn bình đẳng và chỉ dựa trên tinh thần trao đổi học thuật.
1.
Tác giả
Thích Bình Thường (TBT) đã trích dẫn Bertrand Russell, rằng ý tưởng về “nguyên nhân đầu tiên” là hệ quả trực tiếp của cái mà ông gọi là “trí tưởng tượng nghèo nàn”. Theo tôi, Russell đã nói cùng một ý với một nhân vật nổi tiếng khác là Phật Thích Ca, người đã cư xử như một người Ấn Độ chính cống khi làm thinh trước những thắc mắc về “nguyên nhân đầu tiên”. Phật cho chúng ta biết rằng: câu hỏi đặt sai thì không bao giờ có câu trả lời, còn Russell thì cho rằng
người nào đặt câu hỏi “cái gì là nguyên nhân đầu tiên?” thì sẽ mắc kẹt trong sự nghi ngờ bất tận.
Một lần nữa tôi muốn nói rằng việc tìm hiểu Thượng đế đòi hỏi chúng ta phải vứt bỏ được những trói buộc của ngôn từ khái niệm và phải sử dụng được trực giác của mình. Kinh Quán niệm đã giảng rõ mục đích của quán niệm là để nhận thấy sự tồn tại vô thường của chính mình và vạn hữu. Vô thường, tức là không cố định mà nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp. Một anh hay chị đang đọc những dòng này có thể cho rằng “ta đang tồn tại” mà không nghĩ tới thủa chưa chào đời anh / chị chỉ là sự kết hợp của hai tế bào nặng chưa tới một nanogram. Cái hợp bào ấy hấp thụ khí trời cùng dinh dưỡng bên ngoài, rồi học ăn học nói, học gói học mở trở thành một con người hiện hữu nơi đây, để rồi 100 năm sau lại tan thành cát bụi. Quán niệm về sinh tử cho chúng ta biết “ta là vô thường”, đến được chỗ này thì dường như trí tưởng tượng của chúng ta đã tăng lên một bậc?!
Khi đã đồng ý rằng vạn hữu vô thường, thì liệu còn có cái hữu thường? Ở đây có một sự mâu thuẫn hình thức: đã nói “vạn hữu”, không lẽ lại còn một cái nằm ngoài vạn hữu. Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết nếu quy vạn hữu về một thực thể thống nhất và bao trùm, là cái mà chúng ta thường gọi là Vũ trụ. Điểm khởi đầu Bigbang của Vũ trụ là một sự kiện đã xảy ra cách nay chừng 14 tỷ năm với tất cả vật chất và năng lượng được bung ra từ một điểm cực nhỏ. Chúng ta đã có một điểm khởi đầu của thời gian, song Giáo sư Hawking còn chứng minh một sự thật khác nữa, đó là Vũ trụ có vô số điểm khởi đầu như thế mà không cần đến tác động bên ngoài. Trình bày bằng ngôn ngữ vật lý học và toán học thì vũ trụ có hai kiểu thời gian, một thời gian “thực” ứng với vạn hữu vô thường, một mặt khác là thời gian “ảo” ứng với nhất thể hữu thường. Công trình của GS Hawking là một bằng chứng khoa học cho
cái hữu thường, và cái hữu thường ấy bao hàm tất cả những sự vật vô thường như tôi và bạn.
[1]
2.
Về ý kiến của tác giả TBT xoay quanh “một nguyên nhân”, tôi nghĩ ở đây lại có một sự hiểu nhầm về các khái niệm của vật lý. Thượng đế là Vũ trụ, chứ không phải là sinh vật hay hữu thể nằm trong Vũ trụ. Có như thế thì Thượng đế mới tự do, toàn năng, toàn thiện. Những dẫn giải của ông TBT về năng lượng và khối lượng chỉ áp dụng cho những sự kiện xảy ra trong lòng Vũ trụ, do đó chúng là vô thường tại. Nhưng khái niệm Vũ trụ trong trường hợp này trỏ tới một hiện hữu thường tại cao hơn những gì xảy ra bên trong nó. Để hiểu Thượng đế, do đó, chúng ta phải có sự tổng quát hoá, khái quát hoá chứ không phải phân tích và suy luận lôgic.
3.
Một bạn đọc có ý kiến rằng Thượng đế của tôi không phải là của người Thiên Chúa Giáo, tôi xin được nói rằng: tôi là con chiên của Chúa, cũng như tôi là một Phật tử. Khi Russell tuyên bố lý do ông không phải là Christian thì một cách hiểu về chuyện đó là: ông không chấp nhận quan điểm mà rất nhiều người mặc định ghép cho tư tưởng về Thượng đế của Jesus. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại và xác định ý nghĩa thật sự ẩn giấu dưới những trang kinh Thánh, hay lý do tam giáo đồng nguyên của đạo Cao Đài. Mời bạn hãy tìm đọc những bài viết đã đăng trên talawas của những nhà nghiên cứu về sự tương đồng giữa Đạo Phật và Thiên Chúa.
[2]
4.
Để bác bỏ luận đề
“Thượng đế là toàn năng và thượng đế sáng tạo ra thế giới” của các nhà thần học kinh viện, Cavnilo hỏi: “Thượng đế có thể tạo ra tảng đá mà ông ta không nhấc nổi hay không?”. Nếu người trả lời chọn một trong hai khả năng, thì kiểu gì cũng anh ta cũng thua. Chọn khả năng đầu
“có thể tạo ra được”, sẽ dẫn tới một kết luận là tồn tại tảng đá mà Thượng đế không nhấc nổi. Hệ quả của điều này là Thượng đế không toàn năng. Chọn khả năng sau
“không thể tạo ra được” thì chính người trả lời đã gián tiếp bác bỏ luận đề Thượng đế là toàn năng.
Nhưng thưa quý vị độc giả, cây gậy đập vào lưng Cavnilo ở đây là:
Liệu Thượng đế có sáng tạo ra tảng đá và nhấc nó lên không, khi mà chính “ông ta” là tảng đá? Thượng đế vô thuỷ vô chung thì đâu có hành động như một con người, chỉ có con người mới đặt câu hỏi và suy diễn về Thượng đế dựa trên trí tưởng tượng nghèo nàn của mình mà thôi.
© 2005 talawas
[1]Vật lý học sử dụng khái niệm
thời gian thực với quy ước trong tính toán là thời gian đo bằng trị số thực, ví dụ như +2 và -2 đều là kết quả khai căn bậc hai của một số dương +4, còn
thời gian ảo được đo bằng trị số ảo, ví dụ như +2i và -2i đều là kết quả khai căn bậc hai của một số âm –4. Xét trên bình diện toán học thì số thực và số ảo hoàn toàn ngang nhau về ý nghĩa “có thực”.
[2]Holger Kersten,
Phật Đà và Giê Su - Một so sánh, Nguyễn Phan Thịnh dịch, talawas 13.1.2005