trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 38 bài
  1 - 20 / 38 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcCác giải thưởng văn học
Loạt bài: Các diá»…n từ/diá»…n văn Nobel văn chÆ°Æ¡ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
24.12.2003
José Saramago
Nhân vật và tác giả - Bậc thầy và kẻ tập sự (Phạm Văn dịch và chú thích
Nobel 1998
Phạm Văn dịch và chú thích
 
Người thông thái nhất tôi biết trong cả đời mình là người không biết đọc viết. Lúc bốn giờ sáng, khi một ngày mới hứa hẹn còn nấn ná trên đất Pháp, ông thức giấc trên nệm rơm và ra ruộng, dẫn ra đồng cỏ nửa tá heo nuôi vợ chồng ông bằng bầy con của chúng. Ông bà ngoại tôi sống trong thiếu thốn đó, bán bầy heo ít ỏi vừa thôi bú cho láng giềng trong làng Azinhaga thuộc quận Ribatejo. Họ tên Jerónimo Meirinho và Josefa Caixinha, và cả hai đều mù chữ. Mùa đông khi đêm trở lạnh đến mức đông chậu nước trong nhà, họ ra chuồng mang bầy heo sữa yếu đuối vào giường. Dưới tấm chăn thô, hơi ấm con người tránh cho bầy thú nhỏ khỏi cóng và cứu chúng khỏi chết. Dù cả hai là người từ tâm, nhưng chả phải tình thương đã giục họ làm thế: chẳng phải tính đa cảm hay khoa trương, họ chỉ lo bảo vệ miếng ăn hàng ngày, cũng tự nhiên như thiên hạ, để duy trì cuộc sống của mình, không cần nghĩ nhiều hơn cần thiết. Nhiều lần tôi giúp ông ngoại Jerónimo trông bầy heo, nhiều lần tôi đào đất vườn rau cạnh nhà, chẻ củi cho bếp lửa, nhiều lần, quay liên hồi guồng sắt lớn bơm nước. Tôi bơm nước từ giếng chung và gánh trên vai. Nhiều lần, bí mật, tránh người gác ruộng ngô, tôi đi cùng bà ngoại, cũng vào lúc rạng đông, mang theo cào, bao tải và dây, mót gốc rạ, rơm vụn làm ổ cho bầy gia súc. Và đôi khi, vào những đêm hè nóng bức, sau bữa ăn tối, ông ngoại bảo tôi: "José, tối nay mình ngủ dưới cây vả, cả hai ông cháu mình." Còn hai cây vả khác, nhưng chắc chắn cây vả đó, vì nó to nhất, vì nó già nhất, và mãi mãi là cây vả của mọi người trong nhà. Hầu như phép hoán xưng, một từ thông thái nhiều năm sau tôi mới gặp và biết nghĩa... Trong đêm tĩnh lặng, giữa những cành cao, một vì sao xuất hiện rồi từ từ ẩn sau lá cây, tôi quay nhìn hướng khác thấy dâng lên trong tầm mắt một dòng sông lặng lẽ trôi qua bầu trời sâu thẳm, giải Ngân hà sáng đục, Đường tới Santiago như dân làng chúng tôi vẫn thường gọi. Nấn ná không ngủ, đêm tối có con người với những câu chuyện và cảnh ngộ ông ngoại tôi kể mãi: cổ tích, chuyện ma, chuyện kinh dị, những tình tiết độc nhất vô nhị, những cái chết thời xưa, những trận ẩu đả bằng gậy gộc và đá, lời tổ tiên, lời ký ức xầm xì không mệt vừa giữ tôi thức vừa nhẹ nhàng ru ngủ. Tôi chả bao giờ biết ông ngoại sẽ im khi thấy tôi thiếp ngủ hay cứ tiếp tục nói để khỏi trả lời nửa vời câu tôi luôn luôn hỏi những lúc ông cố ý kề cà ngừng giữa câu chuyện: "Rồi sao nữa?" Có thể ông lập lại câu chuyện cho chính mình, để khỏi quên, hoặc để làm phong phú thêm với chi tiết mới. Ở tuổi đó và như tất cả chúng ta từng nghĩ, chẳng cần nói, tôi hình dung ông ngoại Jerónimo là bậc thầy mọi kiến thức trên thế gian. Trong ánh ban mai tiếng chim hót đánh thức tôi, ông không còn đó, đã ra đồng với bầy thú, để tôi ngủ tiếp. Rồi tôi sẽ ngồi dậy, gấp tấm chăn thô và chân lấm - tôi đi chân lấm trong làng đến khi mười bốn tuổi - rơm còn bám trên tóc, tôi đi từ phía vườn trồng trọt qua bên kia, chỗ chuồng heo cạnh nhà. Bà ngoại đã dậy trước ông ngoại, đặt trước tôi bát cà phê lớn với những mẩu bánh và hỏi tôi ngủ có ngon. Nếu tôi kể với bà cơn mộng dữ nào đó, từ các câu chuyện của ông ngoại, bà sẽ lại trấn an tôi: "Đừng tin lắm, trong mơ chả có gì chắc chắn cả đâu". Hồi đó tôi nghĩ, tuy bà ngoại cũng rất thông thái, bà không thể vươn tới tầm cao của ông ngoại, một người nằm dưới cây vả, bên cạnh là cháu ngoại José của ông, chỉ bằng đôi lời là có thể làm vũ trụ chuyển động. Chỉ đến nhiều năm sau, khi ông ngoại đã lìa trần thế này và tôi đã lớn, rốt cuộc tôi mới nhận ra rằng bà ngoại, xét cho cùng, cũng tin những giấc mơ. Có thể chẳng vì lý do nào khác, một tối ngồi bên cửa căn nhà tranh nơi hiện nay bà sống một mình, nhìn đăm đăm những vì sao lớn nhất và nhỏ nhất trên đầu, bà nói những lời này: "Thế gian tuyệt đẹp và thật đáng tiếc là bà phải chết". Bà không nói bà sợ chết, nhưng chết thật đáng tiếc, như thể cuộc đời cần lao làm việc không ngừng của bà, trong giây phút gần cuối đó, đang nhận ơn huệ của đấng tối cao và lời giã biệt cuối cùng, lời an ủi của cái đẹp hiển lộ. Bà ngồi ở cánh cửa căn nhà không giống ngôi nhà nào tôi có thể hình dung trên cả thế gian, vì người sống trong đó ngủ với heo sữa như thể chúng là con cái của họ, người hối tiếc rời bỏ cuộc đời chỉ vì thế giới đẹp; và cụ Jerónimo này, ông ngoại tôi, người nuôi heo và kể chuyện, khi cảm thấy cái chết sắp đến mang ông đi, đã đi nói lời từ giã cây cối trong vườn, từng cây từng cây, ôm chúng và khóc vì ông biết mình sẽ không gặp chúng nữa.

Nhiều năm sau, lần đầu tiên viết về ông ngoại Jerónimo và bà ngoại Josefa (tới đây tôi chưa kể rằng theo nhiều người biết bà khi còn trẻ, bà là một phụ nữ đẹp lạ thường), rốt cuộc tôi thấy mình biến con người bình thường của họ thành nhân vật văn học: có lẽ đây là cách để tôi khỏi quên họ, tô đi vẽ lại khuôn mặt họ với ngòi bút chì cứ thay đổi ký ức, tô màu và rọi sáng cái đơn điệu của công việc hàng ngày nhàm chán và vô tận, như thể sáng tạo, trên mặt bấp bênh của ký ức, tính phi thực siêu nhiên của miền đất nơi con người quyết định sống đời mình. Cùng tâm thức đó, sau khi gợi lên hình dáng mê hoặc và bí ẩn của một ông ngoại người Berber, đã khiến tôi dùng những lời này để tả ít nhiều một tấm ảnh cũ (giờ đây đã gần tám mươi năm) hình cha mẹ tôi "cả hai cùng đứng, đẹp và trẻ, đối diện thợ chụp ảnh, gương mặt họ lộ vẻ nghiêm trang long trọng, có lẽ sợ trước máy ảnh ngay đúng lúc ống kính sắp bắt hình ảnh họ sẽ không bao giờ có nữa, vì hôm sau chắc chắn sẽ là một ngày khác... Mẹ tôi tì khuỷu tay phải lên cây cột cao, tay trái cầm bó hoa sát vào người. Cha tôi choàng tay sau lưng mẹ, bàn tay chai sần của ông lộ trên vai bà, như cái cánh. Họ đứng, rụt rè, trên tấm thảm vẽ cành cây. Tấm vải bố làm nền giả hình kiến trúc tân cổ điển rườm rà và lạc lõng." Và tôi kết: "Sẽ có ngày tôi kể những việc này. Việc chả đáng gì ngoại trừ cho chính tôi. Một ông ngoại người Berber ở Bắc Phi, một ông ngoại khác nuôi heo, một bà ngoại đẹp tuyệt vời; cha mẹ nghiêm trang và xinh đẹp, một bông hoa trong bức ảnh - tôi còn muốn một phả hệ nào khác? và có cây nào tốt hơn cho tôi dựa?"

Tôi viết những lời đó gần ba mươi năm trước, không nhằm mục đích nào khác ngoài việc tái dựng và ghi lại giây phút đời những người đã sinh ra và gần tôi nhất, nghĩ rằng chẳng cần giải thích thêm cho thiên hạ biết tôi từ đâu đến và con người tôi làm bằng chất liệu gì, và tôi đã dần dần trở thành gì. Nhưng rốt cuộc tôi lầm, khoa sinh vật không định đoạt mọi thứ, và đối với di truyền học, con đường của nó chắc rất bí ẩn với cuộc hành trình dài như thế... Cây phả hệ của tôi (quí vị tha thứ cho cách gọi giả định này, khi chất nhựa cây còn ít như thế) không những thiếu một số cành trổ nhánh khỏi thân chính nhờ thời gian và những tao ngộ liên tiếp của đời, mà thiếu cả người giúp rễ xuyên qua những lớp ngầm sâu nhất, người xác minh tính nhất quán và mùi vị của hoa trái, người mở rộng và củng cố ngọn cây thành nơi trú cho kẻ vãng lai và nơi cho tổ chim nương tựa. Khi vẽ cha mẹ và ông bà bằng màu sơn văn học, biến họ từ những người máu thịt bình thường thành nhân vật, mới mẻ và bằng nhiều cách khác nhau những người dựng nên cuộc đời tôi, tôi đã vô thức lần theo con đường các nhân vật mình tạo ra sau này, những nhân vật khác, thực sự văn học, sẽ xây dựng và mang đến cho tôi chất liệu và công cụ để, rốt cuộc, bất chấp hậu quả ra sao, đủ hay thiếu, lời hay lỗ, nhìn chung hiếm hoi nhưng cũng quá nhiều, sẽ tạo nên tôi con người ngày nay tôi nhận ra là chính mình: kẻ sáng tạo nhân vật nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của chính các nhân vật đó. Trong một nghĩa nào đó có thể nói, từng chữ, từng lời, từng trang, từng quyển sách, tôi đã liên tục cấy vào mình các nhân vật do tôi sáng tạo. Tôi tin rằng không có họ tôi sẽ không là người như tôi hôm nay; không có họ có lẽ đời tôi đã không hơn một phác thảo lệch lạc, một hứa hẹn như bao lời hứa vẫn chỉ là hứa hẹn, sự hiện hữu của một kẻ có thể đáng lẽ là nhưng chung cuộc không thành.

Giờ đây tôi có thể thấy rõ các vị thầy của đời mình, người đã dạy tôi sâu sắc về cuộc sống cần lao, hàng tá nhân vật trong tiểu thuyết và kịch bản của tôi ngay lúc này đang diễn hành trước mắt tôi, những người nam và nữ của giấy mực, những người tôi tưởng rằng mình đang dẫn dắt khi tôi người kể chuyện chọn theo ngẫu hứng, tuân theo ước muốn của tác giả, như những con rối tinh xảo mà hành động của chúng không ảnh hưởng gì đến tôi ngoài sức nặng và độ căng của sợi dây tôi dùng để di chuyển chúng. Trong số các bậc thầy này, đầu tiên hiển nhiên là ông thợ vẽ chân dung tầm thường mà tôi gọi đơn giản là H, nhân vật chính của câu chuyện dường như tôi có thể gọi là bài học vỡ lòng đôi (bài học của chính nhân vật, nhưng nói cách khác cũng là của tác giả) tựa đề Cẩm nang Hội hoạ và Bút tự, kẻ đã dạy tôi tính chân thật giản dị để thừa nhận và quan sát những giới hạn của mình, không oán giận hay bực tức: vì không thể và không muốn mạo hiểm ra ngoài mảnh đất trồng nhỏ bé của mình, tôi chỉ còn khả năng đào xuống, bên dưới, tới cội rễ. Cội rễ của chính mình mà cũng là của thế gian, nếu tôi được phép tham vọng quá như thế. Dĩ nhiên, không phải tùy tôi thẩm định phẩm chất kết quả những nỗ lực đã làm, nhưng hôm nay tôi thấy hiển nhiên rằng toàn bộ tác phẩm của mình từ dạo ấy đã tuân theo mục đích và nguyên tắc đó.

Rồi đến những người nam và nữ ở Alentejo [1] , đồng hội đồng thuyền với kẻ bị đày ải trên trái đất nơi ông ngoại Jerónimo và bà ngoại Josefa sống, những nông dân ban sơ buộc phải cho thuê sức cánh tay lấy tiền công và điều kiện làm việc đáng gọi là ô nhục, để chẳng có gì ngoài một cuộc đời mà người học thức và văn minh như chúng ta thích gọi - tùy tình huống - là quí giá, thiêng liêng hay cao thượng. Những người tầm thường tôi biết, bị lừa dối bởi Giáo hội vừa là kẻ đồng loã vừa là kẻ thụ hưởng quyền lực Nhà nước và địa chủ, những người bị cảnh sát thường xuyên dò xét, những người nhiều lần là nạn nhân vô tội của giả công lý độc đoán. Ba thế hệ một gia đình nông dân, nhà Badweathers, từ đầu thế kỷ tới Cách mạng tháng Tư 1974 lật đổ độc tài, đi qua bộ tiểu thuyết này, Trỗi lên từ Đất, và với những người nam và nữ như thế trỗi lên từ đất, người thật trước, nhân vật tiểu thuyết sau, tôi đã học nhẫn nại, để tin tưởng và phó thác cho thời gian, thời gian đó đồng thời vừa xây dựng và hủy hoại chúng ta để xây dựng và một lần nữa hủy hoại chúng ta. Điều duy nhất tôi không chắc hiểu rõ là sự gian khổ từng trải đó biến thành đức tính của những người nam và nữ ấy: một thái độ mộc mạc tự nhiên đối với cuộc đời. Tuy nhiên, nhớ bài học đã học sau hơn hai mươi năm còn nguyên vẹn trong ký ức, mỗi ngày tôi vẫn cảm nhận sự hiện diện của nó trong tâm hồn như một lời gọi bền bỉ: tôi không đánh mất, ít nhất là chưa, hy vọng xứng đáng thêm chút nữa với sự vĩ đại của những phẩm cách gương mẫu đó trong bình nguyên bao la của Alentejo. Thời gian sẽ trả lời.

Các bài học khác tôi có thể đã nhận từ một người Bồ Đào Nha sống trong thế kỷ mười sáu, người đã soạn Rimas [Vần thơ] và tả vẻ huy hoàng, cảnh đắm tàu và đất nước tỉnh ngộ trong Os Lusíadas [2] , một thiên tài thi ca, vĩ nhân lớn nhất trong nền văn học của chúng tôi, bất kể nỗi đau khổ gây ra cho Fernando Pessoa [3] , kẻ tự xưng là Siêu Camões? Không bài học nào hợp với tôi, không bài học nào tôi học được, trừ bài học đơn giản nhất Luís Vaz de Camões đã tặng qua nhân tính thuần khiết của ông, chẳng hạn lòng khiêm tốn đáng tự hào của một tác giả gõ mọi cánh cửa để tìm người muốn xuất bản quyển sách ông đã viết, do đó chịu sự khinh rẻ của bọn ngu muội về huyết thống và chủng tộc, sự lãnh đạm miệt thị của nhà vua và bọn tùy tùng quyền thế, lời nhạo báng thế gian đón chào các nhà thơ, người nhìn xa trông rộng và kẻ dại khờ. Ít nhất một lần trong đời, mỗi tác giả đã là, hoặc sẽ phải là, Luís de Camões, dù họ không viết bài thơ Sôbolos Rios... Trong bọn quí tộc, triều thần và bọn kiểm duyệt ở Toà án Dị giáo, trong mối tình của năm xưa và vỡ mộng của tuổi già đến sớm, giữa sự đau đớn của sáng tác và niềm vui đã sáng tác, người đàn ông đau yếu này nghèo khó trở về từ Ấn Độ nơi nhiều kẻ ra khơi chỉ để làm giầu, người lính này mù một mắt, linh hồn ông tơi tả, kẻ quyến rũ vô sản này sẽ không bao giờ nữa làm xao xuyến trái tim các mệnh phụ triều đình, người mà tôi đem lên sân khấu trong vở kịch Ta sẽ làm gì với Sách này?, màn kết vở kịch lập lại một câu hỏi khác, câu hỏi quan trọng đích thực duy nhất, câu hỏi chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết liệu sẽ có câu trả lời thích đáng: "Bạn sẽ làm gì với sách này?" Cũng lòng khiêm tốn đáng tự hào đó đã cầm dưới tay ông một tuyệt tác và bị thế gian khước từ một cách bất công. Lòng khiêm tốn đáng tự hào, và cũng bướng bỉnh - muốn biết ngày mai mục đích của những quyển sách chúng ta đang viết hôm nay là gì, và lập tức ngờ vực liệu chúng có tồn tại lâu (bao lâu?) những lý do tái khẳng định cho chúng ta hoặc do chúng ta tự cho mình. Kẻ để cho người khác lừa là kẻ dễ bị lừa nhất.

Đến đây một người đàn ông bị chiến tranh lấy mất bàn tay trái và một người đàn bà đến thế giới này với quyền năng thần bí nhìn xuyên làn da con người. Tên ông là Baltazar Mateus có biệt danh Bảy-Mặt-Trời; bà ta là Blimunda sau đó cũng có biệt danh Bảy-Mặt-Trăng, vì truyện viết rằng nơi nào có mặt trời sẽ phải có mặt trăng và phải qua kết giao hoà hợp giữa nhật và nguyệt, qua tình yêu, mới biến trái đất thành nơi sinh sống. Một thầy tu dòng Tên Bartolomeu cũng đến đó sáng chế chiếc máy có khả năng lên trời và bay không dùng nhiên liệu nào khác ngoài ý chí con người, thiên hạ nói ý chí có thể làm mọi điều, ý chí không thể, hay không biết, hay đến nay không muốn, là nhật nguyệt của lòng ân cần giản dị hay thậm chí của lòng kính trọng giản dị hơn. Ba người khờ dại Bồ Đào Nha này ở thế kỷ mười tám, trong một thời đại và đất nước nơi mê tín và lửa Toà án Dị giáo hưng thịnh, nơi tính phù phiếm và hoang tưởng của nhà vua dựng lên tu viện, lâu đài và giáo đường làm kinh ngạc thế giới bên ngoài, nếu thế giới đó, trong một giả định rất khó xảy ra, có cặp mắt đủ để nhìn Bồ Đào Nha, cặp mắt như mắt của Blimunda, cặp mắt để nhìn điều ẩn giấu... Cũng đến đây đám đông hàng ngàn người tay chân lấm lem và chai sạn, thân thể suy nhược sau bao năm khiêng từng tảng đá, dựng các bức tường kiên cố của tu viện, những phòng ốc lâu đài mênh mông, cột và trụ tường, tháp chuông lộng gió, vòm thánh đường lơ lửng trên không. Âm thanh chúng ta nghe từ cây đàn harpsichord của Domenico Scarlatti [4] , và ông không rõ mình nên cười hay khóc... Đây là truyện Baltazar và Blimunda, tác giả mới vào nghề nhờ những gì học đã lâu từ thời ông bà ngoại Jerómino và Josefa, đã cố gắng viết những lời tương tự không hẳn là không có chất thơ: "Ngoài chuyện tán gẫu của phụ nữ, còn có mộng mơ để giữ thế gian ở trong quỹ đạo của nó. Nhưng cũng các giấc mơ đội lên nó các vầng trăng, vì thế bầu trời huy hoàng trong đầu con người, trừ phi đầu họ là bầu trời duy nhất." Hãy như thế.

Về thi ca đứa bé đã biết một số bài học, học trong sách giáo khoa, trong trường kỹ thuật ở Lisbon, nó được học nghề nó làm buổi đầu cuộc đời lao động: thợ máy. Nó cũng có các vị thầy thi ca tài giỏi suốt những đêm dài trong thư viện, đọc hú họa những cuốn tìm được trong danh mục, không ai hướng dẫn, không ai chỉ bảo, với sự ngạc nhiên sáng tạo của thủy thủ sáng tạo ra nơi chốn mình khám phá. Nhưng trong Thư viện Trường Kỹ thuật nó bắt đầu viết Năm Ricardo Reis Chết... Ở đó, một hôm gã thợ máy trẻ (nó độ mười bảy) tìm thấy một tạp chí tên Atena có những bài thơ ký tên đó và, dĩ nhiên, chưa quen với bản đồ văn học của đất nước, nó nghĩ quả thật đã có một nhà thơ Bồ Đào Nha tên Ricardo Reis. Tuy chả bao lâu sau, nó biết nhà thơ này đúng là Fernando Nogueira Pessoa, người đã ký trên các tác phẩm của ông bằng tên của những nhà thơ không hiện hữu, sản phẩm của tâm trí mình. Ông gọi chúng là đồng từ dị nghĩa, một từ không có trong tự điển thời ấy vì thế rất khó cho kẻ tập sự văn chương biết nghĩa. Nó học nhiều ở các bài thơ của Ricardo Reis bằng tấm lòng ("Để vĩ đại, hãy là kẻ/Đặt mình vào những cái nhỏ nhoi ngươi làm"); nhưng dù non trẻ và dại khờ, nó không thể chấp nhận một tâm hồn vượt trội có thể thực đã hình thành dòng chữ tàn nhẫn mà không hối tiếc: "Kẻ sáng suốt là người thoả mãn với cảnh lạ của thế giới". Sau này, rất lâu về sau, kẻ tập sự đã bạc tóc và hơi hiểu biết hơn qua kinh nghiệm của chính mình, cả gan viết một cuốn tiểu thuyết trình bày nhà thơ của tác phẩm Odes [Tụng Ca] những điều về cảnh lạ thế giới năm 1936, nơi ông đã sống vài ngày cuối đời: quân đội Phát xít chiếm đóng Rhineland, cuộc chiến Franco [5] chống nền Cộng hoà Tây Ban Nha, Salazar [6] thành lập dân quân Phát xít Bồ Đào Nha. Bằng cách đó kẻ tập sự nói với ông: "Đây là kỳ quan thế giới, nhà thơ đắng cay trầm lặng và hoài nghi tao nhã của tôi. Hãy thưởng thức, hãy ngắm nhìn, vì ngồi yên là sự sáng suốt của ông..."

Năm Ricardo Reis Chết kết thúc bằng lời u uất: "Nơi đây, biển cả chấm dứt và đất liền chờ đợi." Thôi không còn khám phá mới của Bồ Đào Nha, số phận buộc phải đợi chờ vô hạn những tương lai thậm chí không thể hình dung; chỉ còn khúc dân ca buồn thảm cũ, cùng nỗi nhớ quê hương xưa và một chút gì... Thế rồi kẻ tập sự tưởng tượng rằng vẫn có cách gửi con tàu ra khơi, chẳng hạn, dời đất liền và đưa nó ra biển. Hệ quả trực tiếp của cả nước Bồ Đào Nha phẫn nộ về thái độ khinh thị của Âu châu trong lịch sử (chính xác hơn là hậu quả phẫn nộ của riêng tôi...) là cuốn tiểu thuyết tôi viết - Chiếc Bè Đá - tách khỏi Lục địa toàn bộ bán đảo Iberia và biến nó thành hòn đảo lớn bồng bềnh, tự di chuyển không mái chèo, không buồm lái, không chân vịt, theo hướng nam, "một khối đất đá đầy phố thị, làng mạc, sông nước, rừng cây, nhà máy và bụi rậm, đất trồng, với con người và thú vật" trên đường tới Miền Không Tưởng mới: cuộc gặp gỡ văn hoá của dân tộc bán đảo với dân tộc từ bên kia Đại Tây Dương, do đó thách thức - chiến lược của tôi đi xa thế - sự cai trị nghẹt thở của Hoa Kỳ ở vùng đó... Một cái nhìn hai lần không tưởng sẽ thấy cuốn tiểu thuyết chính trị này như ẩn dụ khoan dung và nhân bản hơn nhiều: Âu châu, toàn bộ đại lục đó, nên dời xuống phía nam để giúp thế giới cân bằng, như cách đền bù lại những tồi tệ của chính sách thuộc địa của nó xưa và nay. Như thế, Âu châu rốt cuộc sẽ trở thành tiêu điểm đạo đức. Các nhân vật trong Chiếc Bè Đá - hai nữ, ba nam và một con chó - liên tục đi suốt bán đảo lúc nó vượt đại dương. Thế giới đang thay đổi và họ biết phải tìm trong chính mình con người mới mà họ sẽ thành (chưa kể đến con chó, nó không như các con chó khác...). Như thế cũng đủ cho họ.

Rồi kẻ tập sự nhớ rằng ở một thời xa xôi trong đời mình hắn đã làm người sửa bản in, và nếu nói rằng trong Chiếc Bè Đá hắn đã sửa lại tương lai, giờ đây sửa lại quá khứ cũng không hẳn tệ, viết cuốn tiểu thuyết tên Lịch sử Trận Bao Vây Lisbon, người sửa bản in kiểm cuốn sách cùng tên nhưng là cuốn sử thật và chán nản nhìn "Lịch sử" càng lúc càng ít khả năng gây bất ngờ, quyết định thay "có" bằng "không", phá đổ quyền lực của "sự thật lịch sử". Raimundo Silva, người sửa bản in, là một kẻ bình thường, giản dị, tách khỏi đám đông chỉ vì tin rằng mọi việc có mặt hiện và mặt ẩn, và chúng ta sẽ chẳng biết gì về chúng nếu không thấy cả hai. Hắn nói về việc này như thế với sử gia: "Tôi phải nhắc ông nhớ rằng người sửa bản in là người nghiêm chỉnh, rất từng trải trong văn chương và cuộc đời, Đừng quên sách của tôi viết về lịch sử. Tuy nhiên, tôi chẳng định vạch ra các mâu thuẫn khác, theo ý kiến khiêm tốn của mình, thưa Ông, mọi thứ phi văn chương là đời sống, Kể cả lịch sử, Nhất là lịch sử, không có ý công kích đâu, Còn hội hoạ và âm nhạc, Âm nhạc cưỡng lại từ khi ra đời, nó đến rồi đi, cố tự giải phóng khỏi lời chữ, tôi đoán vì ganh tỵ, rồi cuối cùng cũng khuất phục, Và hội hoạ, Ôi dào, hội hoạ chẳng khác gì văn chương bằng cọ vẽ, Tôi nghĩ ông chưa quên nhân loại bắt đầu vẽ từ lâu trước khi biết viết, Ông có biết câu tục ngữ, Nếu không có chó thì săn bằng mèo, nói khác đi, kẻ không biết viết thì sơn và vẽ, như đứa trẻ con, Điều ông muốn bảo, nói khác đi, là văn chương đã hiện hữu trước khi nó ra đời, Vâng, thưa Ông, theo một cách nói, cũng như con người hiện hữu trước khi đến với đời, Tôi sửng sốt thấy ông bỏ lỡ thiên hướng của mình, đáng lẽ ông trở thành triết gia, hay sử gia, ông có cái tinh nhậy và khí chất cho mấy môn này, Tôi thiếu đào tạo cần có, thưa Ông, và một người bình thường thiếu huấn luyện làm được gì, tôi may mắn đến thế gian này nhờ gien của tôi hợp cách, nhưng đến trong trạng thái thô sơ, và không được giáo dục cao hơn tiểu học, Ông có thể bảo ông tự học, là sản phẩm của nỗ lực đáng trọng của chính ông, chẳng có gì phải xấu hổ, xã hội trong quá khứ xem trọng kẻ tự học, Hết rồi, tiến bộ đến và chấm dứt những chuyện đó, giờ đây kẻ tự học bị dè bĩu, chỉ những kẻ viết mấy câu thơ và truyện giải trí có quyền là và sẽ là kẻ tự học, may cho họ, nhưng với tôi, tôi phải thú nhận mình chưa từng có tài sáng tạo văn học, Thành triết gia, có sao, Ông có tài khôi hài sâu sắc, thưa Ông, với châm biếm nhậy bén, và tôi tự hỏi sao ông hiến mình cho lịch sử, môn khoa học nghiêm túc và uyên thâm, Tôi chỉ châm biếm trong đời thực, Tôi vẫn sững sờ khi thấy lịch sử không phải là đời thực, mà chỉ có văn chương, vâng, chỉ thế thôi, Nhưng lịch sử là đời thực hồi lúc nó chưa được gọi là lịch sử, Thế ông tin rằng, thưa Ông, lịch sử là đời thực, Dĩ nhiên, tôi tin, tôi muốn nói lịch sử là đời thực, Chẳng chút nghi ngờ, Chúng ta sẽ là gì nếu mọi thứ xoá bỏ không hiện hữu [7] , người sửa bản in thở dài." Chẳng cần nói thêm rằng gã tập sự đã học ở Raimundo Silva bài học hoài nghi. Đã đến lúc rồi.

Ôi dào, có lẽ cái học hoài nghi này đã khiến hắn viết xong Phúc âm theo Chúa Jesus. Đúng vậy, và như hắn đã nói, tựa đề là hệ quả của ảo tưởng thị giác, nhưng công bằng mà hỏi liệu đó là thí dụ bình thản của người sửa bản in lúc nào cũng chuẩn bị nền móng cho cuốn tiểu thuyết mới sẽ ra đời. Lần này chả phải là vấn đề đọc mặt sau những trang Tân Ước để tìm phản đề, mà là minh hoạ bề mặt, như một bức tranh, bằng ánh sáng mờ để tôn điểm nổi của nó, những dấu xoá, những bóng dập. Gã tập sự đọc cách đó, bị các nhân vật phúc âm vây bủa, như thể lần đầu tiên, chuyện tả cảnh tàn sát kẻ vô tội, và đọc xong hắn không hiểu. Hắn không thể hiểu tại sao đã có các kẻ tử đạo trong một tôn giáo phải đợi ba mươi năm sau mới nghe người sáng lập đạo tuyên bố lời đầu tiên về đạo, hắn không thể hiểu tại sao người duy nhất có thể làm điều đó không dám cứu mạng trẻ con thành Bethlehem, hắn không thể hiểu Joseph thiếu tinh thần trách nhiệm tối thiểu, thiếu ăn năn, thiếu cảm giác phạm tội, hay thậm chí không tò mò, sau khi cùng gia đình từ Ai Cập trở về. Thậm chí không thể biện hộ rằng cái chết của trẻ con thành Bethlehem cần thiết để cứu mạng sống của Jesus: lẽ thường tình đơn giản, ngự trị trên mọi vấn đề thuộc về người và thần linh, nhắc chúng ta rằng Thượng đế không đưa Con của Người tới Trần gian, nhất là với sứ mạng chuộc tội cho nhân loại, để bị chết chém bởi một tên lính của Herod vào lúc hai tuổi... Trong cuốn Phúc âm đó, do kẻ tập sự viết bằng niềm kính trọng sâu sắc với biến cố lớn, Joseph sẽ nhận thức tội lỗi của mình, sẽ nhận ăn năn như hình phạt cho tội lỗi đã phạm, và sẽ chịu chết hầu như không kháng cự, như thể đó là điều còn lại cuối cùng phải làm để xoá món nợ với trần gian. Phúc âm của gã tập sự vì thế không lại là huyền thoại khai trí của kẻ được ban phúc và thần thánh, mà là câu chuyện của vài người khuất phục một quyền năng họ chống lại nhưng không thể thắng. Jesus sẽ thừa hưởng đôi dép bụi bặm mà cha ông đã đi bao nhiêu đường đất, cũng sẽ thừa kế cảm giác bi thảm của trách nhiệm và tội lỗi không bao giờ rời bỏ mình, ngay cả lúc ông cao giọng trên đỉnh thập tự: "Các ngươi, hãy tha thứ ông ta vì ông không biết ông đã làm gì", hiển nhiên nói về Thượng đế đã gửi ông tới đó, nhưng cũng có thể, nếu trong cơn đau đớn cực độ cuối cùng đó ông còn nhớ, người cha thật của ông đã tạo ra ông con người bằng thịt và máu. Như quí vị thấy, kẻ tập sự đã làm chuyến hành trình dài khi hắn viết trong Phúc âm dị giáo của hắn những lời cuối trong cuộc đối thoại ở đền thờ giữa Jesus và nhà thần học: "Tội lỗi là con sói ăn thịt con nó sau khi ngấu nghiến sói cha, Con sói ngươi nói đã nuốt sống cha ta, Chả bao lâu sẽ tới lượt ngươi, Và ngươi thì sao, đã bao giờ ngươi bị nuốt sống chưa, Chẳng những bị nuốt sống mà còn bị nôn ra".

Nếu Hoàng đế Charlemagne đừng lập tu viện ở bắc Đức, nếu tu viện đó không là khởi nguyên của thành Münster, nếu Münster không muốn mừng kỷ niệm 1200 năm với vở opera về cuộc chiến kinh hoàng ở thế kỷ 16 giữa Tin lành Anabaptist và Công giáo, kẻ tập sự đã không viết bản kịch In Nomine Dei. Một lần nữa, không có sự trợ giúp nào khác ngoài ngọn đèn trí tuệ của mình, kẻ tập sự phải xâm nhập mê cung mờ ảo của niềm tin tôn giáo, thứ niềm tin dễ làm con người giết nhau và bị giết. Và một lần nữa hắn thấy chiếc mặt nạ gớm guốc của bất khoan dung, bất khoan dung ở Münster biến thành cơn bộc phát điên rồ, bất khoan dung đã phỉ nhổ chính lý do hai phe tuyên bố bảo vệ. Vì đó không phải vấn đề chiến tranh dưới danh nghĩa hai vị thần thù nghịch, mà cuộc chiến dưới danh nghĩa cùng một vị thần. Mù quáng vì niềm tin của chính mình, Anabaptist và Công giáo ở Münster không thể hiểu chứng cớ hiển nhiên nhất của mọi chứng cớ: vào Ngày Phán xét, khi cả hai phe bước đến nhận phần thưởng hay hình phạt xứng với hành động của họ trên thế gian, Thượng đế - nếu phán quyết của Ngài hợp theo luận lý con người - sẽ phải nhận cả bọn họ vào Thiên đàng, vì lý do đơn giản là cả bọn họ đều tin vào đó. Trận tàn sát kinh hoàng ở Münster dạy kẻ tập sự rằng tôn giáo, dù mọi hứa hẹn, chưa từng mang con người lại với nhau và chiến tranh lố bịch nhất là thánh chiến, vì dù có muốn Thượng đế không thể tuyên bố chiến tranh với chính mình...

Mù loà. Gã tập sự nghĩ "chúng ta đều mù", và hắn ngồi xuống viết Mù Loà để nhắc người đọc rằng chúng ta xuyên tạc lẽ phải khi chúng ta lăng mạ cuộc sống, rằng phẩm giá con người bị kẻ quyền thế trên thế giới xúc phạm hàng ngày, rằng sự dối trá phổ cập đã thay thế rất nhiều sự thật, rằng con người không còn tự trọng khi đánh mất lòng kính nể đồng loại. Rồi gã tập sự, như cố xua đuổi loài yêu quái sinh ra từ mù quáng, khởi sự viết câu chuyện giản dị nhất trong mọi chuyện: một người đi tìm một người khác, vì hắn biết cuộc sống không có gì quan trọng hơn đối với một con người. Quyển sách tựa đề Todos os Nomes [Tất cả tên]. Không viết ra, tên của tất cả chúng ta trong đó. Tên của người sống và tên của người chết.

Tôi kết luận. Giọng đọc những trang giấy này mong là tiếng vọng nhiều giọng kết hợp của những nhân vật của tôi. Đúng thế, tôi không có nhiều giọng hơn các nhân vật. Hãy tha thứ cho tôi nếu cái dường như nhỏ bé đối với quí vị là tất cả đối với tôi.
_________

Chú thích của người dịch:
Bản dịch cố theo sát cách ngắt câu của Saramago. Ông ít dùng dấu chấm, vì thế trong đối thoại giữa hai người chẳng hạn, câu nói của ông A và bà B thường cách nhau bằng dấu phẩy, nhưng câu của người nói sau sẽ bắt đầu bằng chữ hoa. Thí dụ: "Trời nóng quá, mời chị uống nước, Cám ơn anh". Nghĩa là ông A than trời nóng rồi mời bà B uống nước, và bà B cám ơn. Cách chấm câu này nhiều khi làm người đọc rất khó theo dõi câu chuyện, nhất là những lúc một người nói nhiều hơn một câu. (Xem đoạn đối thoại giữa người sửa bản in và sử gia trong Lịch sử Trận Bao Vây Lisbon).



© 2003 talawas




[1]tên vùng đất phía nam Bồ Đào Nha, chiếm ¼ diện tích cả nước nhưng chỉ có 5% dân số. Ngày 25/4/1974 quân đội lật đổ nhà độc tài Marcello Caentano, một số điền trang ở Alentejo bị chính quyền mới tịch thu, một số khác do nông dân tự chiếm lấy.
[2]Os Lusíadas (1572), bản trường ca của nhà thơ Luís Vaz de Camões (1524?-1580), tường thuật chuyến đi của nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Vasco da Gama vào cuối thế kỷ 15, vòng qua mũi nam châu Phi và khám phá hải trình từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ. Tác phẩm pha trộn lịch sử Bồ Đào Nha và huyền thoại La Mã trong cuộc hành trình lịch sử này, vinh danh những người con của đất nước đã bành trướng đế quốc qua thám hiểm và chinh phục, đồng thời cũng phản ảnh niềm cay đắng và hoài nghi của Camões đối với chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha.
[3]Fernando Antonio Nogueira Pessoa (1888-1935), nhà thơ tài hoa của Bồ Đào Nha trong thế kỷ 20. Ông dùng ba bút hiệu khác nhau: Alvaro de Campos, Ricardo Reis, và Alberto Caeiro. Mỗi bút hiệu có một cá tính và bút pháp hoàn toàn khác. Campos phi trí thức, loạn trí và điêu tàn; Reis phiền muộn và bị cái chết ám ảnh; và Caeiro giản dị và khuất phục trước vẻ đẹp của thế giới cảm quan. Pessoa cũng dùng tên mình để viết những bài thơ ông gọi là của bản ngã riêng.
[4]Domenico Scarlatti (1685-1757), nhà soạn nhạc người Ý và danh thủ đàn harpsichord, một loại đàn phím thế kỷ 14 về sau thay bằng đàn dương cầm vào khoảng cuối thế kỷ 19.
[5]Francisco Franco (1892-1975) chỉ huy các lực lượng Quốc gia đánh bại chính phủ Cộng hoà do dân bầu trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (1936-9), và sau đó cai trị đất nước đến khi chết.
[6]António de Oliveira Salazar (1889-1970), nhà độc tài cai trị Bồ Đào Nha từ 1932 tới 1968.
[7]Bản tiếng Anh: "What would become of us if the deleatur did not exist". Theo bản Bồ Đào Nha: "Que seria de nós se o deleatur que tudo apaga não existisse", có thể dịch từng chữ: "chúng ta là gì nếu 'o deleatur' mọi thứ xoá bỏ không hiện hữu".
Nguồn: Diá»…n văn đọc nhân buổi nhận giải Nobel, ngày 7 tháng 12 năm 1998, How Characters Became the Masters and the Author Their Apprentice, bản tiếng Anh của Tim Crosfield và Fernando Rodrigues,
www.nobel.se/literature/laureates/1998/lecture-e.html